Người Việt hải ngoại có đầu hàng?

Báo Tiếng Dân

Yên Khê

19-2-2023

Rã rời

Cách đây hơn 30 năm, một người bạn tôi ở Mỹ, nhưng đi đi về về Việt Nam để làm ăn, nói với tôi rằng, tiếng Việt của người Việt ở Mỹ và người Việt ở Việt Nam đã bắt đầu cách xa nhau, có khi nói cũng không hiểu nhau.

Khi nghe nhận xét đó, tôi liên tưởng đến những người Quebec nói tiếng Pháp, nhưng khi phim ảnh của họ chiếu ở Pháp thì thường có phụ đề … Pháp ngữ.

Người Quebec vốn xuất phát từ nước Pháp, nhưng trải qua mấy trăm năm cách biệt, từ ngữ hai bên ngày càng xa nhau. Người Quebec một mặt thu vào nhiều từ tiếng Anh, vì họ lọt thỏm giữa môi trường Anh ngữ, mặt khác, họ cố gắng chống lại nguy cơ bị đồng hóa ngôn ngữ, nên cố gắng duy trì những từ vựng, cách nói cách nay mấy trăm năm. Ngược lại, tiếng Pháp ở cố quốc lại phát triển theo một kiểu khác, tự tin hơn trong sự pha trộn.

Ta có thể tìm thấy nhiều ví dụ như vậy ở những người Creole sống ở các đảo thuộc địa Pháp, hay một số người… Mỹ ở Louisiana.

Tôi và anh bạn cứ nghĩ rằng tiếng Việt hải ngoại sẽ như tiếng … Quebec. Nhưng không ai ngờ đến sự xuất hiện của… mạng xã hội, và chính sách nhập cư của… Mỹ. Với sự nhập cư, dòng người Việt lớn lên trong nước sau 1975 ồ ạt đến Mỹ. Với mạng xã hội, sự cách biệt ngôn ngữ trở về … zero.

Tôi thấy hiện tượng này như cái bình thông nhau trong vật lý vậy. Với áp suất của gần 100 triệu người, ngôn ngữ và cả thói quen (tôi không dám dùng từ văn hóa) của họ sẽ thắng thế. Có vài hiện tượng gần đây cho thấy sự thắng thế đó.

Vào dịp Tết Quý Mão, tại các trung tâm người Việt ở Mỹ, chúng ta thấy rất nhiều người đàn ông mặc một loại áo dài trên đó vẽ nhiều kiểu khác nhau. Đây là một kiểu ăn mặc xuất hiện trong nước cách đây độ chục năm.

Một nhóm phụ nữ mặc áo dài, nhưng không quần, xuất hiện đâu đó tại khu Little Saigon. Đây cũng là kiểu đã xuất hiện tại Việt Nam cách đây khá lâu và bị báo chí chính thống của Đảng Cộng sản VN chỉ trích. Các phụ nữ tại Little Saigon cũng bị dư luận trên mạng xã hội chỉ trích.

Một số người làm truyện tranh cho trẻ em tại hải ngoại, dùng những kiểu vẽ những nhân vật lịch sử rất giống trong nước. Mà trớ trêu thay kiểu vẽ này lại mang dấu ấn Trung Hoa Cộng sản rất nhiều.

Về mặt ngôn ngữ, từ vựng, cái bình thông nhau hoạt động ngày càng mạnh. Không cần kể ra đây, bạn đọc cứ vào các trang báo hải ngoại, như VOA, Người Việt… có thể nhặt ra hàng hà sa số.

Những tiếng nói chỉ trích của giới người Việt lớn tuổi ở hải ngoại liên quan đến sử dụng cái họ gọi là “ngôn ngữ Việt cộng”, ngày càng ít đi.

Nhà cầm quyền trong nước rõ ràng là có lợi với cái bình thông nhau này để khuếch trương ảnh hưởng của họ, cộng với lợi thế chính trị trong quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Cần phải kể ra đây rằng sự khuếch trương “văn hóa” này còn đi theo một con đường rất mạnh nữa, đó là các nhà sư, linh mục, mục sư, từ trong nước. Điều đó không có nghĩa là tất cả những người này có dính líu đến chính quyền cộng sản, nhưng họ mang theo ngôn ngữ, và cả thói quen. Điều này không thể tránh khỏi.

Các tổ chức chống đối chính quyền trong nước có lẽ lần lượt giải tán, hay đầu hàng, hay xa hơn nữa là họ muốn “nói chuyện” một cách vô vọng với nhà cầm quyền trong nước. Vô vọng vì họ không có thực lực gì để có thể “nói chuyện” với một nhà cầm quyền có cả một quốc gia sau lưng.

Hồi năm ngoái, một tổ chức từng chống Cộng rất triệt để, thậm chí là bạo động, đã tuyên bố là họ không đòi hủy bỏ cả điều bốn hiến pháp của nhà cầm quyền cộng sản (điều bốn này qui định sự độc tôn của đảng cộng sản tại VN).

Bi đát của văn hóa Việt Nam hiện tại

Với sự độc tôn cầm quyền của đảng cộng sản, sự tha hóa xã hội trong cuộc hôn phối giữa chế độ toàn trị và chủ nghĩa tư bản hoang dã, văn hóa, ứng xử xã hội,… trong nước ngày càng tệ hại. Dĩ nhiên đây là quan điểm chủ quan của tôi, có thể cũng có ai đó nói rằng, không sao đâu, và thậm chí là tốt hơn.

Trong tình hình như vậy, lẽ ra cộng đồng người Việt hải ngoại phải là nơi giữ vững sức mạnh văn hóa và xã hội của người Việt. Nhưng thực tế có lẽ không như thế.

Một mặt, với sức ép của cái bình thông nhau, văn hóa xã hội người Việt tại Mỹ không có gì khá hơn. Họ chịu trận trước sức tấn công của văn hóa xã hội trong nước.

Mặt khác, cũng không thể đổ lỗi hết cho cái bình thông nhau, chẳng hạn như trong vụ kéo cờ vàng đi làm loạn ở quốc hội Mỹ, chẳng có gián điệp cộng sản nào xúi giục được sự bậy bạ đó.

Nguyên nhân trong sự “chịu trận” của người Việt hải ngoại rất rõ ràng, đó là họ không có một sức mạnh nội tại, cả về tài chánh lẫn chính trị.

Theo con số của chính quyền cộng sản trong nước công bố, có đến 30% ngân sách của thành Hồ đến từ … kiều hối, tức là tiền của những người Việt, mà chủ yếu là ở Mỹ gửi về. Thoạt nhìn, tưởng rằng đây sẽ là lợi thế để gây sức ép của cộng đồng Việt hải ngoại, nhưng không phải thế, lượng tiền khổng lồ này được di chuyển qua cái bình thông nhau, mà người Việt hải ngoại chống chính quyền trong nước không thể kiểm soát.

Về mặt chính trị, dù có đến gần nửa thế kỷ sống ở Mỹ, cộng đồng Việt hải ngoại vẫn dường như đứng ngoài dòng chính của chính trị Mỹ. Nhân vật cao cấp nhất là bà Stephanie Murphy (Đặng Thị Ngọc Dung) lên đến dân biểu liên bang, đã rút lui khỏi chính trường sau ba nhiệm kỳ Quốc hội (Trước đó là ông Cao Quang Ánh, cũng là dân biểu Quốc hội liên bang, duy nhất một nhiệm kỳ). Điều này làm cho cộng đồng Việt hải ngoại không có sức ép nào khả dĩ lên nhà cầm quyền trong nước cả.

Cái bình thông nhau

Trong một tiệm bán bành mì không xa thương xá Phúc Lộc Thọ, tôi nghe hai cô gái trẻ người Việt nói chuyện với nhau. Cả hai nói giọng miền Tây (Nam Bộ) rặt, áo thun Bebe, túi xách Michael Kors, quần “True Religion” … giống hệt các phụ nữ Việt Nam đâu đó trên khắp thế giới, Sài Gòn, Cần Thơ, Hà Nội, hay San Jose, Florida.

Họ nói chuyện về “xứ dừa Bến Tre”, một cụm từ phổ biến mạnh sau năm 1975 trong toan tính tuyên truyền về cái “nôi cách mạng” Bến Tre. Họ nói về chuyến đi sắp tới về Việt Nam sẽ đem bao nhiêu tiền… mặt, và bày nhau cách khai báo phúc lợi xã hội, giấu thu nhập (income) thực tế…

Cái bình thông nhau vẫn đang hoạt động hết công suất để nuôi… thành phố Hồ Chí Minh!

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay