6 tháng 2 2023
Cựu Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và vợ – bà Trần Thị Nguyệt Thu
Chiều ngày 4/2, một số báo Việt Nam dẫn lời ông Nguyễn Xuân Phúc phủ định việc gia đình liên quan đến vụ Việt Á, nhưng đến ngày 6/2 những phát ngôn này đã biến mất.
Cụ thể, bài viết trên báo Tuổi Trẻ với tiêu đề “Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói về lý do xin thôi nhiệm vụ” từng có đoạn tít phụ viết là “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á”.
Nguyên văn lời ông Phúc nói được Tuổi Trẻ trích dẫn: “Nguyên Chủ tịch cũng xin nói thêm một ý về vụ Việt Á. Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”. Đoạn này và cả tít phụ nói trên đều bị gỡ bỏ. Tuy nhiên từ khóa “Việt Á” vẫn còn được giữ ở cuối bài viết trên Tuổi Trẻ.
BBC cũng kiểm tra lại các trang như Thanh Niên, Tiền Phong, Tạp chí Công thương… thì đoạn nội dung mà cựu Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc thanh minh về vụ Việt Á chỉ còn xuất hiện dưới dạng tìm kiếm của Google, khi bấm vào thì nội dung này đều đã bị xóa bỏ.
Phát ngôn của ông Phúc phủ định gia đình, đặc biệt vợ ông có dính líu đến Việt Á có thể được coi là lần hiếm hoi của một trong tứ trụ ở Việt Nam lên tiếng về tin đồn xung quanh việc thôi chức vụ của mình.
Thế nhưng, cho đến khoảng 17 giờ 30 giờ Việt Nam cùng ngày 6/2, tờ báo của Tỉnh ủy Quảng Nam vẫn để nguyên lời phát ngôn của nguyên Chủ tịch Phúc, người quê từ tỉnh này. Tuy nhiên, cho đến ngày 7/2, phần phát biểu của ông Phúc về vợ và gia đình trong vụ Việt Á cũng đã bị gỡ bỏ.
Trong một diễn biến khác, bài viết trên Facebook của cây bút Huy Đức (Truong Huy San) bình luận về phát ngôn thanh minh của ông Phúc trước đó đạt khoảng 13 nghìn lượt tương tác đã bị báo cáo vi phạm bản quyền.
Đến khoảng 17 giờ 30 giờ Việt Nam cùng ngày 6/2, tờ báo của tỉnh ủy Quảng Nam vẫn để nguyên lời phát ngôn của nguyên Chủ tịch Phúc, người quê từ tỉnh này. Nhưng đến ngày 7/2, đoạn phát ngôn đã biến mất
Ông Nguyễn Xuân Phúc: ‘Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á’
Nên minh bạch lý do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức
VN: Vì sao Đảng khai trừ quan chức tham nhũng rồi mới để tòa xử?
Lời thanh minh của ông Phúc được nhiều người trích dẫn và bình luận, giữa bối cảnh có nhiều đồn đoán chính vợ (bà Trần Thị Nguyệt Thu) và gia đình ông có dính líu đến vụ án Việt Á nên sự nghiệp chính trị của ông Phúc phải đi đến đường cùng.
Trước đó, ngày 20/1, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore phát biểu với đài CNA rằng: “Tôi nghĩ lý do chính vợ ông ta và một số thành viên trong gia đình ông bị cáo buộc dính líu đến một số vụ bê bối tham nhũng.
“Trong các tuyên bố chính thức, đảng không đề cập đến những vấn đề tham nhũng vì tôi nghĩ đảng muốn giữ thể diện cho ông ấy và để bảo vệ danh tiếng lẫn hình ảnh của đảng,” và “Họ không muốn công chúng tin hoặc nghĩ rằng ngay cả những nhà lãnh đạo cao nhất của đảng cũng tham nhũng,” vẫn trích dẫn lời ông Hiệp trên trang CNA.
Việt Á được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là vụ án trọng điểm. Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an đánh giá đây là vụ án rất phức tạp, gây rất nhiều bức xúc trong công luận: “Có đặc điểm ở những bị can là rất nhiều trong số họ là cán bộ, đảng viên, lãnh đạo. Họ đã lợi dụng chính sách để trục lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm các quy định về đấu thầu, đưa hối lộ và nhận hối lộ”, nói.
Nhà báo Huy Đức (Truong Huy San) đã có bình luận về câu nói của ông Phúc “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á” trên trang Facebook cá nhân của mình. Theo đó, ông Huy Đức cho rằng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã sử dụng cơ hội cuối cùng trong Phủ Chủ tịch để gửi tới toàn dân lời thanh minh.
“Nếu “điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT) kết luận” như tuyên bố của ông, thì UBKT Trung ương hoặc Ban Bí thư nên là bên đứng ra công bố, “đập tan” những “luận điệu” gọi bà Trần Thị Nguyệt Thu là “trùm cuối”.
“Danh dự của một nguyên thủ quốc gia là rất quan trọng nhưng dân chúng không chờ một lời thanh minh, không chờ ngay cả một lời xin lỗi mà chờ nghe sự thực”, trích bài viết của Huy Đức.
Lò ‘phực lửa’ mà không ăn thua?
Bài viết hơn 1.600 chữ của cây bút Huy Đức còn kêu gọi minh bạch lý do phế truất của ông Nguyễn Xuân Phúc và đặt vấn đề: “Nếu ông xin từ chức vì có nhiều cấp dưới bị sai phạm, vì trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, thì trong hệ thống chính trị này, Chủ tịch nước chưa phải là người đứng đầu. Nếu những người xung quanh ông sử dụng ảnh hưởng của ông để trục lợi thì không nên tiễn ông bằng hoa và sụt sùi nước mắt.
“Uy tín của một quốc gia không mất vì có nguyên thủ tham nhũng, uy tín quốc gia chỉ mất khi nguyên thủ tham nhũng mà quốc gia bó tay và nhân dân thì chẳng biết đâu là sự thật,” dẫn lời Huy Đức.
Nhiều người cho rằng, ông Huy Đức muốn đề cập đến vai trò của “người đốt lò vĩ đại” – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Những cán bộ cấp cao từng bị đưa vào chiếc lò của ông Trọng
Huy Đức viết như sau:
“Tuy nhiên, ở năm thứ năm của công cuộc chống tham nhũng do Tổng bí thư phát động mà tham nhũng vẫn vươn lên đến hàng… tối cao. Ngay trong thảm họa, mà người ta vẫn chia chác trên sinh mệnh của nhân dân. Thì, đó là tội ác chứ không phải đơn giản là tội phạm.”
Nhà nghiên cứu từ CSIS, bà Trần Thị Bích nói với BBC rằng “tình trạng tham nhũng tràn lan đã làm suy giảm tính chính danh của Đảng”.
“Lãnh đạo Việt Nam đã nói rất nhiều về việc chống tham nhũng nhưng hiệu quả còn chưa cao. Chiến dịch ‘đốt lò’ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới chỉ tập trung vào việc làm giảm bớt triệu chứng nhưng chưa nhắm tới giải quyết gốc rễ của vấn đề,” bà Bích nhận định.
Hôm 26/01/2023, tuần báo The Economist của Anh nói chiến dịch ‘Đốt lò’ (báo dùng nguyên văn tiếng Việt – ‘dot lo’ – blazing furnace) đã góp phần tăng thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng chống tham nhũng quốc tế.
Theo ‘Corruption Perceptions Index năm 2022’ của tổ chức Transparency International, Việt Nam đã được tăng 3 điểm lên mức 42 điểm, và ở vị trí thứ 77.
Đây cũng mức điểm cao nhất của Việt Nam kể từ năm 2012 đến nay.
Chiến dịch đốt lò kỳ 1: TBT Nguyễn Phú Trọng chống tham nhũng để cứu Đảng
Đốt lò kỳ 2: TBT Nguyễn Phú Trọng thâu tóm quyền lực về tay Đảng ra sao?
Chiến dịch đốt lò kỳ 3: Căn bệnh trầm kha phải nhờ tới ‘Hoa Đà’
Ngày 02/02, tại Lễ trao Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến tác phẩm “Thép đã tôi thế đây” với câu nói, “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần.”
Danh dự “mới là điều thiêng liêng” đã được ông Trọng nhắc đến nhiều lần. Và công cuộc “đốt lò” của ông được nhiều người đánh giá rằng “đem lại kết quả”, thiêu rụi nhiều sinh mệnh chính trị của các quan chức cao cấp nhất, cả những tướng lĩnh, sĩ quan công an và quân đội.
David Hutt, nhà bình luận chính trị từng nhận định với BBC:
“Việc củng cố quyền lực có lẽ là quan trọng nhất đối với ông Trọng trong năm 2016 và 2017, nhưng ông Trọng thực sự muốn khôi phục đạo đức và đạo lý của xã hội chủ nghĩa cho ĐCSVN. Ông ta muốn loại bỏ những người gia nhập Đảng chỉ để trục lợi nhờ vào chức vụ và làm giàu cho bản thân. Đó là một chiến dịch ý thức hệ chứ không đơn thuần là chống tham nhũng. Nhiệm vụ của ông Trọng là cứu rỗi ĐCSVN ra khỏi chính nó và ông ta rõ ràng nghĩ, chỉ mỗi ông ấy có thể dẫn dắt Đảng trong sứ mệnh này.”
Theo đó, số nhân vật hàng đầu trong chính phủ Việt Nam đã rời khỏi chức vụ, và được truyền thông trong nước nhắc đến là “được miễn nhiệm” như ông Nguyễn Xuân Phúc. Hai phó thủ tướng là ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam cũng được miễn nhiệm “trên cơ sở nguyện vọng cá nhân” vào hôm 09/01.