Tết không tết trong Khu tạm cư Thủ Thiêm

Van Pham

Mai Tiên

Suốt đoạn đường Lương Đình Của từ ngã tư đến cầu Cá Trê dài mấy trăm mét thuộc phường Bình Khánh, quận 2 cũ (giờ là TP Thủ Đức, thuộc TP HCM) từng rất sầm uất, bên ngoài là dãy cửa hàng và chợ, bên trong rất nhiều chung cư lớn nhỏ cũ mới, vô cùng nhộn nhịp. Một mét vuông đất ở đây đẻ ra tiền suốt 24 tiếng một ngày: sáng, người ta bày bán cà phê, đồ ăn sáng, thực phẩm tươi sống cho đến xế trưa. Chợ đồ tươi vừa vãn thì quán nhậu bày ra tới nửa đêm. Khúc nào rộng làm chỗ gởi xe. Hàng chục ngàn người dân trong các chung cư ăn uống, mua sắm rầm rập suốt ngày đêm, tràn lấn nghẹt cả những con đường nhỏ hẹp chưa được quy hoạch.

HÌNH: – Khu tạm cư của người dân Thủ Thiêm mất đất

Nhất là từ khi bên kia sông-trung tâm quận 1- nở nồi ra, đất đai ngày càng thiếu thốn khiến người dân và doanh nghiệp phải nhìn sang bên kia sông Sài Gòn thì sinh khí vùng đất này càng bốc lên ngùn ngụt, mặc dù nó xô bồ, chen chúc và thiếu trật tự như bất cứ khu vực đang phát triển nóng sốt nào khác.

Nhà bà Phan Thị Thủy ở đó.

Bỗng dưng ra đường

Năm 1982, bà mua lại cái quán cà phê ở mặt tiền đường Lương Đình Của, nay là chỗ đối diện với cây cầu vượt xây dang dở rồi bỏ hoang từ năm nảo năm nào tới giờ. Ngôi nhà cấp 4 rộng 45 m2 có gác lửng, gia đình bà vừa buôn bán, vừa sinh sống. Giá mua năm đó là 2,5 cây vàng.

Tuy mua giấy tờ tay, chưa được cấp sổ hồng nhưng bà Thủy có xác nhận của địa phương, hàng năm đều lên phường đóng lệ phí sử dụng đất theo quy định của Nhà nước. Toàn gia đình gồm vợ chồng bà và hai con cũng được đăng ký KT3 tại địa chỉ này. Theo quy định, KT3 là bước xác nhận “tiền hộ khẩu”, do Công an địa phương xác thực và đăng ký cho người dân sinh sống ổn định tại một địa chỉ hợp pháp.

Giai đoạn đó muốn được cấp hộ khẩu TP HCM theo con đường chính thức là gần như không thể, do những quy định vô lý: Muốn mua nhà buộc phải có hộ khẩu, nhưng muốn có hộ khẩu thì phải có sẵn nhà. Quy định này tạo cơ hội làm mưa làm gió và làm giàu cho công an khu vực và công an hộ khẩu tại các quận suốt vài chục năm. Người dân muốn mua nhà hay muốn nhập hộ khẩu thành phố, không có cách nào khác là “chạy” công an. Giá chạy hộ khẩu tính bằng vàng.

Gia đình cô Thủy được cấp KT3 tại ngôi nhà họ đã mua, kinh doanh và sinh sống ổn định tại đó nhiều năm, nghĩa là dù quy định khó khăn cách mấy thì họ cũng đã sắp hoàn tất. Tối đa sau ba năm, họ sẽ được cấp hộ khẩu, từ đó chính thức xác nhận chủ quyền với ngôi nhà và được hưởng các chế độ hành chính của người dân TP HCM, như việc làm (nếu muốn vào Nhà nước), học hành của con cái, bảo hiểm chữa bệnh.v.v.

Ai ngờ, đang làm ăn sinh sống ngon lành thì tháng 1/2000, địa phương cho biết khu này giải tỏa. Mà ngôi nhà của cô thuộc loại giải tỏa trắng, không đền bù.

21 của dân, 48 của quan

“Họ kêu mình tự tháo dỡ, nếu không sẽ bị cưỡng chế”-bà Thủy kể – “Buồn quá, tôi dọn qua quận 4 ở với chị gái”.

Tháng 7/2001, biết thêm thông tin về vụ giải tỏa, bà đăng ký về khu tạm cư một héc-ta (1 ha) ở phường Bình Khánh, quận 2. Cả gia đình bốn người, hai con đang tuổi trưởng thành dồn vô căn phòng vỏn vẹn 21 mét vuông.

Rộng 3,2 m, sâu 7 m. Hơn 21 mét vuông chớ đâu ra 48 mét vuông mà người ta nói!

48 mét vuông là con số trên biên lai thu tiền điện nước của một gia đình hàng xóm cách nhà bà vài căn, cùng cảnh dân tạm cư trong khu 1 ha này. Tất cả các căn phòng đều như nhau, được xây dựng (tạm) hàng loạt để làm chỗ tạm cư cho dân bị giải tỏa khu vực Thủ Thiêm lúc bấy giờ. Nó thông thống từ trước ra sau, rộng 3,2 m, sâu 7 m, thành từng dãy trệt và trên lầu, đi lên bằng cầu thang sắt. Nhưng không hiểu sao trên giấy tờ lại ghi mỗi căn phòng rộng 48 m2.

-21 chứ đâu ra mà 48!

Bà Thủy cứ lầm thầm nhắc đi nhắc lại những con số đã thuộc lòng từ 22 năm nay, như cách phản ứng kiên nhẫn cùng cực của dân Thủ Thiêm với chính quyền. 21 mét vuông, căn phòng đúng nghĩa “chui rúc”, vì nó thiếu sáng, chật hẹp và bức bối không tả. Gom tất tật chỗ để xe máy, toilet, bếp vô đó nên không còn chỗ đặt bàn ghế, giường tủ gì nữa. Ban ngày, tấm nệm lớn dựng lên kiêm luôn chức năng bức vách chia căn phòng làm hai. Bên ngoài để xe máy và bà ngủ. Bên trong, cháu gái ngủ. Lênh đênh qua hành trình tạm cư của gia đình, cháu đã thành sinh viên. Chiếc bàn học nhỏ tí xíu kê giữa bề bộn áo quần chăn gối.

Chỉ cách đó đúng ba bước chân là bếp và phòng vệ sinh. Ban đầu Khu tạm cư không làm bếp riêng cho từng phòng, nhưng chật chội quá nên mọi gia đình đều phải tìm cách cơi nới. Có nhà xin lấn ra đoạn hành lang chung, lát gạch cao và che chắn thêm bên trên để kê bếp, chạn và dựng một chiếc bàn ăn chân xếp. Nhà bà Thủy không cơi ra ngoài mà cơi vào bên trong, ở đoạn thông thủy giữa hai dãy nhà tạm cư để làm bếp. Gọi là bếp nhưng nó chỉ đủ đặt một chiếc bàn kê vừa hai ba cái nồi nhỏ liền nhau. Không gian bên trên là chỗ treo, kê, móc tất cả các thứ đồ dùng bếp núc của một gia đình ba người. Dưới sàn, nước lép nhép, đen ngòm bẩn thỉu.

-Mỗi lần nhà bên kia xài nước là bên này nó dội lên, hôi, dơ lắm cháu ơi, mà phải chịu. Ban quản lý (Khu tạm cư) người ta cũng chẳng làm gì được!

Đã 22 năm, đủ để một thế hệ mới ra đời và trưởng thành, gia đình bà Thủy vẫn kẹt trong khu tạm cư. Không nghề nghiệp vì từ khi về khu tạm cư, bà không có không gian, mặt bằng và khách hàng để tiếp tục mở quán cà phê. Bà chuyển sang một “sự nghiệp” mới một cách bắt buộc: Đi kiện, đòi đền bù thỏa đáng cho ngôi nhà đã bị giải tỏa trắng.

Sau một thời gian kiện, chính quyền trả lời bà: được đền bù 50.000 đ/m2.

Tại sao lúc trước thì giải tỏa trắng, sau lại đền bù? Tại sao có giá 50.000 đ?

Bà Thủy cho rằng cách giải quyết của chính quyền không minh bạch. Nên bà không chấp nhận mà tiếp tục kiện.

Theo lời bà Thủy, chồng bà là thiếu tá Phòng điều tra Công an quận 10, sau được chuyển về Đội điều tra Công an quận 2. Nhưng vì chồng công an mà vợ đi kiện chính quyền suốt nên ông bị giáng cấp xuống đại úy. Không những thế, ông bị gây khó khăn liên tục trong công việc. Nên sau khi về khu tạm cư ít lâu, ông xin ra khỏi ngành.

Một ngày nọ, ông tự tử chết trong chính căn phòng tạm cư rộng 3,2 m, sâu 7 m mà gia đình mình đang tá túc.

HÌNH: – Chỗ tạm cư của người dân Thủ Thiêm bị cưỡng chế nhà.

***

Ở tạm 22 năm

Còn lại một mình, bà Thủy vẫn kiên trì đi kiện.

Bàn tay những kẻ cướp đất xô những người dân bắn khỏi ngôi nhà của họ, nhưng cũng đẩy họ đến với nhau, giúp đỡ và cố kết với nhau thành một khối kiên gan trong suốt 26 năm đi kiện chính quyền TP HCM, dù luôn trong tâm thế trứng chọi đá.

Từ năm 2018, vừa đi kiện ở TP HCM, bà Thủy vừa bắt đầu hành trình đi kiện tận Hà Nội. Cứ mỗi năm hai lần, những người dân Thủ Thiêm đang sống vật vờ ở khu tạm cư lên đường ra Hà Nội, tìm đến Trung ương để đưa đơn, trình bày. Tiền-con cái họ vắt sức lao động để cung ứng cho cha mẹ đi kiện, mỗi năm khoảng hơn chục triệu đồng.

Dân oan Thủ Thiêm thuê những căn nhà trọ xa tít ngoại ô cho thật rẻ, ăn uống chi phí vô cùng tiết kiệm để bám trụ được dài ngày ở thủ đô. Từ sáng sớm đến đêm khuya, những người dân cơ cực thay phiên nhau đến nhà riêng các vị lãnh đạo từ trước 7 giờ sáng để đảm bảo gặp bằng được trước khi các vị này rời khỏi nhà. Sau đó, bà con đến các cơ quan công quyền có chức năng giải quyết khiếu nại tố cáo để căng băng rôn, yêu cầu được giải quyết.

Họ đi bộ và xe bus, tính tóan tỉ mỉ từng chặng đường để những đồng tiền đi kiện ở lại trong túi lâu nhất có thể.

Sau hơn 20 năm, đại án máu và nước mắt mang tên Thủ Thiêm dần dần hé lộ. Nhưng đã qua năm đời chủ tịch thành phố, những người dân bị cướp đất cướp nhà vẫn kéo dài sự tồn tại lay lắt trong những khu tạm cư. Mái tôn của những khu nhà rỉ một màu nâu đỏ. Cầu thang, lan can sắt đã mục thủng từ rất lâu. Nhưng chữ “tạm” mỉa mai vẫn bám chặt họ, có người năm năm, có người 13 năm, có người 22 năm…

Giữa hai dãy nhà của khu tạm cư 1 ha có một lối đi nhỏ. Công nhân vệ sinh chọn luôn chỗ ấy làm khu tập kết rác. Mặc dù thùng rác đã được rửa qua và úp lại chờ đến ngày mai, nhưng lối đi không lúc nào khô vì nước rỉ ra liên tục, nhuộm đen cả lòng đường. Chiều chiều, những người bán cá từ chợ tự phát gần đó hắt đổ nước sục và rửa cá còn thừa trước khi ra về khiến con đường biến thành một vũng nước đọng tanh hôi. Bà Thủy và con cháu thường xuyên phải xách nước ra dọn quét cho bớt mùi và ruồi nhặng.

Chúng tôi đến khu tạm cư vào những ngày cùng tận của năm Nhâm Dần. Dưới những mái nhà tối tăm, những bức vách tôn rỉ sét, những con đường nội khu lầy lụa ngập nước bẩn đen ngòm và cỏ dại, những căn phòng ổ chuột che chắn cơi nới đủ hình đủ dạng, đó đây vẫn có hoa vạn thọ vàng tươi rực rỡ, mào gà đỏ thắm, cành mai nhú những chùm nụ chen chúc căng mẩy… đặc trưng cái tết phương Nam.

Tết vẫn đến thản nhiên dù cho những con người sinh sống trong Khu tạm cư chẳng còn lòng dạ nào mong chờ. Tết nối Tết. Thời gian biến những mái tóc xanh ngày nào thành vầng cỏ bạc xơ xác. Nhưng trong lòng những kiếp người bỗng dưng tai bay vạ gió, cơ cực trầm luân suốt hai mươi mấy năm trời, dù cạn kiệt niềm tin vào luật người vẫn le lói hy vọng vào nhân quả, vào thứ luật lệ của Trời. Mỗi sợi khói tỏa lên từ mỗi nén nhang bàn thờ gia tiên ngày Tết đều chở oằn lời van vái cầu xin về một chốn định cư, an cư cho những ngày cuối của đời mình và cho các đời con cháu.

Các đời lãnh đạo thành phố gần như đều từng đến úy lạo tinh thần bà con dân oan Thủ Thiêm vào dịp tết. Năm nay cũng vậy, bà Thủy kể một vị lãnh đạo nào đó vừa đến tặng quà tết cho các hộ dân và thuyết phục họ lên chung cư Bình Khánh kế bên để sống vì khu này đã quá mục nát bẩn thỉu. Khu chung cư đồ sộ được xây từ 2014, làm nơi cư trú cho các hộ bị giải tỏa để nhường đất cho dự án Thủ Thiêm. Thời điểm đó nó vắng tanh và xa ngắt.

Bây giờ, nó là vị trí đắc địa: nằm ở đường Lương Định Của, thuộc quận 2 cũ, khu vực rất sầm uất, chỉ cách quận 1 ít phút xe. Nhưng, mặc dù sống cảnh chen chúc vơí chuột và gián, mùi hôi thối, cái nóng nực ngột ngạt trong khu ổ chuột, thậm chí không thể gọi đó là cuộc sống, nhưng nhiều người dân Thủ Thiêm không cam lòng rời nó để lên ở trong chung cư thoáng mát lộng gió.

-Ở đó thì tốt hơn thiệt. Nhưng rồi ra sao? Ở đây tụi tui cũng tạm cư, lên đó vẫn tạm cư tiếp. Tạm cư hai mươi mấy năm rồi, lên đó lại tạm bao nhiêu năm nữa? Thì mình vẫn tiếp tục đi kiện được, tụi tui kiện tới chừng nào chánh phủ, bác Trọng giải oan cho tụi tui. Nhưng nếu tui chết thì con cháu tui người ta có cho ở tiếp không? Nó hổng có tên đi kiện, người ta đuổi nó thì sao? Mà người ta thấy mình sống ổn rồi, họ làm lơ luôn thì sao?-bà Thủy trầm ngâm.

HÌNH: – Khu Thủ Thiêm năm 1996 sầm uất…

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay