2023.01.17
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam thành thành viên Liên Hiệp Quốc hôm 21/10/2022 ở Hà Nội (minh hoạ)
Chiều ngày 17/1, truyền thông Nhà nước đồng loạt đưa tin Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ trong đảng như Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13, cũng như hai chức vụ trong chính quyền là Chủ tịch nước và Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026.
Ông bị cho là chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng và ba bộ trưởng có vi phạm và khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Trước ông, hai Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã xin thôi giữ các chức vụ. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Bộ trưởng Khoa học – Công nghệ Chu Ngọc Anh bị bắt và khởi tố hình sự vì những sai phạm liên quan đến vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối lộ, nhận hối lộ” liên quan tới Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.
Báo Nhà nước đưa tin ông Phúc đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu “sau khi nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân.”
Gần một tuần qua, mạng xã hội đã rộ lên tin đồn ông Phúc bị Bộ Chính trị buộc viết đơn từ chức do trách nhiệm của ông liên quan đến một số vụ tham nhũng gần đây, trong đó có vụ Việt Á với sự dính líu của vợ ông, bà Trần Thị Nguyệt Thu, trong khi truyền thông Nhà nước hoàn toàn im lặng.
Trên mạng xã hội, nhiều nhà quan sát chính trị Việt Nam đưa tin Bộ Chính trị đã quyết số phận chính trị của ông Phúc từ ngày 13/1, và Ban Chấp hành Trung ương sẽ nhóm họp vào ngày 17/1 để ra quyết định cho cựu thủ tướng thôi tất cả các chức vụ trong đảng. Cuối cùng, Quốc hội Việt Nam sẽ nhóm họp một ngày sau đó để bỏ phiếu một cách hình thức cho ông Phúc “về vườn” cũng như bầu người thay thế.
Các ứng viên tiềm năng thay thế ông Phúc
Theo một số quan sát chính trị Việt Nam, có bốn ứng cử viên thay thế vị trí của ông Phúc, đó là đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai.
Giáo sư Carl Thayer, Giáo sư về chuyên ngành Chính trị, Đại học New South Wales tại Học viện Lực lượng Quốc phòng Úc cho RFA biết qua tin nhắn như sau:
“Các nguồn tin của tôi cho biết có ba ứng cử viên khả dĩ. Thứ nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước. Điều này sẽ tiếp nối tiền lệ khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Thứ hai, tên của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã được đề cập. Và thứ ba, Tô Lâm có thể là một ứng cử viên triển vọng.”
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước vào năm 2018 sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Ông Trọng đã kiêm nhiệm hai vị trí cho đến Đại hội 13 Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 2021 khi ông Phúc được bầu vào vị trí Chủ tịch nước.
Trong bài viết mang tựa đề “Thẻ đỏ” cho Chủ tịch nước? Màn kịch chính trị lớn nhất của Việt Nam trong nhiều thập kỷ (nguyên văn “Red Card” for the President? Vietnam’s Biggest Political Drama in Decades) đăng trên Fulcrum ngày 17/1, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà quan sát chính trị Việt Nam đang làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, viết:
“Trong trường hợp của ông Phúc, ứng cứ viên hàng đầu có thể là Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ông Tô Lâm dường như đã giành được sự tin tưởng từ ông Trọng vì sự trung thành và vài trò quan trọng trong việc điều hành các điều tra chống tham nhũng. Là uỷ viên Bộ Chính trị nhiệm kỳ thứ hai, ông Tô Lâm cũng có phần mạnh hơn so với các ứng viên cạnh tranh khác.”
Bên cạnh đó, Trưởng ban Tổ chức Trương Thị Mai cũng là ứng viên tiềm năng, ông Hiệp viết.
Theo học giả Lê Hồng Hiệp, với việc ra đi của ông Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng giành được các lợi thế khi bước vào Đại hội 14 Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 2026 khi họ bớt đi một đối thủ trong việc chạy đua vào ghế Tổng bí thư.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Hình: Báo Nhân Dân
Tương lai chính trường Việt Nam
Bill Hayton, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chatham House- Vương Quốc Anh cho rằng:
“Tôi thấy đây là “Tập Cận Bình hoá” của Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam dưới thời ông Trọng dường như đang áp dụng nhiều ý tưởng và chiến thuật của Đảng Cộng sản Trung Quốc của Tập Cận Bình.”
Ông dự đoán không khí chính trị ở Việt Nam sẽ ngột ngạt hơn trong tương lai:
“Họ đang thu hẹp không gian cho những ý tưởng khác biệt và khăng khăng đòi độc quyền chính trị. Nếu lấy quá khứ để dự báo cho tương lai, thì ở Việt Nam càng kiểm soát nhiều hơn thường mang lại nhiều bất mãn hơn.”
Trong khi đó, trong bài viết mới của mình, học giả Lê Hồng Hiệp cho rằng sự thay đổi nhân sự cấp cao ở Việt Nam không gây ra bất ổn chính trị dẫn tới lung lay chế độ hoặc kìm hãm hoạt động kinh tế của Việt Nam. Ngược lại, ông cho rằng “việc thanh trừng những lãnh đạo tham nhũng có thể mở đường cho những lãnh đạo trong sạch hơn và có năng lực hơn vươn lên, giúp Đảng chống tham nhũng tốt hơn và cải thiện quản trị.”
Tuy nhiên, giáo sư Carl Thayer thì cho rằng sẽ là quá sớm để có thể rút ra kết luận về tương lai của chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam ở giai đoạn này và nhận định này dường như cho rằng “tất cả các các ứng cử viên tiềm năng để lấp chỗ trống đều không tham nhũng, ngoại trừ đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính.”
Theo học giả Lê Hồng Hiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong tương lai cũng sẽ gặp rắc rối do liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), người mới bị kết án 30 năm tù giam vắng mặt về hai tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “đưa hối lộ” trong vụ án tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Hồi tháng 8 năm ngoái, Cơ quan Điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam thông báo diễn tiến mới của vụ việc đó là ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh hồi năm 2012. Lúc đó ông Phạm Minh Chính là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh.
Theo Giáo sư Carl Thayer, nếu thực có sự tồn tại phe phái trong Đảng Cộng sản Việt Nam thì những phe phái này cũng “sẽ cố thủ để bảo vệ vị trí của mình trước sự trả giá của các đối thủ. Người tốt không phải lúc nào cũng chiến thắng.”