Đảng cộng sản duyệt việc Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc từ chức do cấp dưới sai phạm

VOA Tiếng Việt 

Hôm 17/1, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định cho Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc từ chức giữa lúc cơ quan quyền lực nhất đất nước tiến hành một cuộc càn quét chống tham nhũng, trong đó có vụ việc liên quan đến công tác điều hành ứng phó với đại dịch COVID-19.

Các nhà quan sát nhận định với VOA rằng đây được xem là vụ bãi chức chưa có tiền lệ trong chính trường Việt Nam nhưng được đa số người dân đồng tình.

Truyền thông nhà nước cho hay Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra quyết định đồng ý với “nguyện vọng cá nhân” về việc từ chức của ông Phúc, bao gồm “nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu” của ông.

Đơn từ chức này đã được chấp nhận tại một cuộc họp bất thường của Ban chấp hành Trung ương hôm 17/1. Việc từ chức của ông với tư cách là người đứng đầu nhà nước dự kiến sẽ được bỏ phiếu tại một phiên họp bất thường của Quốc hội vào thứ Tư 18/1.

Việc ông Nguyễn Xuân Phúc bị đảng phế chức hôm 17/1 giúp vén lên tấm rèm đằng sau các nghi ngờ trước đó trên mạng xã hội về việc ông đang bị thanh trừng do các sai phạm của gia đình ông trong đại dịch. Các nguồn tin trong và ngoài nước trước đó biết rằng ông Phúc bị Bộ Chính trị cho thôi các chức vụ tại một cuộc họp bí mật hôm 13/1.

Ông Phúc, 68 tuổi, giữ chức thủ tướng chính phủ từ năm 2016-2021, nắm giữ chức vụ chủ tịch nước phần lớn mang tính nghi thức trong vòng chưa đầy hai năm và là quan chức cấp cao nhất bị đảng truy quét về cáo buộc tham nhũng.

“Ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai Phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng”, trang VNExpress tường thuật, dẫn thông báo của Ban chấp hành Trung ương.

Văn phòng Chủ tịch nước của ông Phúc không thể đưa ra bình luận ngay lập tức và không rõ liệu khi đảng chấp nhận đơn từ chức của ông Phúc, họ có xác định được ứng cử viên thay thế ông hay không, theo Reuters.

Đã có nhiều đồn đoán trong những tuần gần đây rằng ông Phúc sẽ từ chức sau khi hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam từng phục vụ dưới quyền của ông bị cách chức vào đầu tháng, khi đảng tăng cường nỗ lực chống tham nhũng dưới sự chỉ đão của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, còn được gọi là “đốt lò”.

Giới quan sát chính trị trong nước nhận định rằng việc từ chức này là chưa có tiền lệ và là dấu hiệu đáng mừng cho nỗ lực bài trừ tham nhũng của đảng cộng sản, dù công cuộc “đốt lò” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa triệt để.

Cựu nhà báo Võ Văn Tạo ở Khánh Hóa nêu nhận định về việc “thôi chức vụ” của Chủ tịch Phúc:

“Đột nhiên ông Nguyễn Xuân Phúc được ‘thôi chức’, thực chất đó là sự phế chức… nói nôm na đó là sự bãi chức. Đó là một sự đặc ân của giới chóp bu của Đảng Cộng sản Việt Nam khi anh phạm sai lầm, mắc khuyết điểm và thậm chí khi có tội, nhưng vì cương vị, vai vế của anh trong đảng rất lớn, chẳng hạn như tứ trụ điều đình hay bộ chính trị, cho nên khi người ta xử lý anh, người làm một cách nhẹ nhàng hơn để giữ bộ mặt cho đảng thôi”.

Trao đổi với VOA từ Tp. Hồ Chí Minh, bác sĩ Đinh Đức Long, người thường xuyên theo dõi tình hình ứng phó dịch bệnh COVID-19 của chính phủ, nêu ý kiến về việc ông Phúc bị cho thôi chức vụ.

“Cá nhân tôi rất mừng về tin này. Việc Trung ương và tiếp theo là Quốc hội cho ông Phúc thôi chức chủ tịch nước theo nguyện vọng cá nhân là đúng theo thẩm quyền và quy trình. Lý do vì sao và trách nhiệm đến đâu thì truyền thông nhà nước không nêu chính thức. Còn sai phạm của ông có dấu hiệu hình sự hay không hay còn cái gì khác nữa thì chúng ta vẫn chưa được biết”.

“Có rất nhiều tin đồn. Tất nhiên tin đồn thì chưa khẳng định là đúng hay không đúng, nhưng dư luận thì rất là không hài lòng, phải nói là rất bức xúc, thậm chí là rất căm phẫn vì những thông tin đó – tất nhiên là chưa được kiểm chứng, và đó là việc của tòa án. Cho nên dư luận không ủng hộ việc ông tiếp tục ở vị trí đó nữa. Cho nên việc Ban chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội sắp tới cho ông thôi chức vụ này là hợp lòng dân”.

Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Thủ tướng Phúc lãnh đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Vừa qua hai phó thủ tướng trong nội các thời ông Phúc đã từ chức, trong khi hai bộ trưởng và một số quan chức khác đang phải đối mặt với cáo buộc hình sự do liên quan đến các “chuyến bay giải cứu” đưa người Việt từ nước ngoài về các khu cách ly trong nước, và vụ test kit Việt Á.

Tin đồn trên mạng xã hội cho biết vợ chồng ông Phúc bị cáo buộc dính líu đến vụ bê bối Việt Á, mà tính đến tháng trước đã dẫn đến việc truy tố 102 người, trong đó có các quan chức cấp cao như cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh. Vụ bê bối cũng dẫn đến việc cựu Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bị cách chức vào ngày 5/1.

Trung ương Đảng “đồng ý” để ông Phúc thôi giữ chức vụ lãnh đạo Nhà nước, các chức vụ trong Đảng, thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021-2026, truyền thông Việt Nam cho biết, nhưng không nêu rõ lý do.

Ông Phúc là Ủy viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị và Đại biểu Quốc hội nhiều nhiệm kỳ. Từ năm 1997 đến năm 2006, ông là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam. Ông được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Chính phủ năm 2006 và Phó Thủ tướng năm 2011, trước khi trở thành Thủ tướng 5 năm sau đó. Ông được bầu làm Chủ tịch nước vào tháng 4/2021.

Ông Võ Văn Tạo đưa ra quan sát cá nhân về việc ông Phúc mất chức, đề cập vắn tắt những thông tin không chính thức đã được lan truyền.

“Thực chất vụ việc này là người ta trừng phạt ổng về việc để cho vợ con thao túng quyền lực của ổng để trục lợi cho gia đình của ổng, cho dòng họ nhà ổng, cho cánh hẩu của ổng”.

“Ở các nước khác thì vụ việc có thể được giải quyết đơn giản, nhưng ở Việt Nam thì hơi lùng nhùng như thế thôi”.

“Nhưng mà dù sao đây cũng là một bước tương đối mạnh trong việc bài trừ chống tiêu cực, tham nhũng”, ông Tạo nhận định.

Tương tự, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nhận định trong bài viết trên trang fulcrum.sg hôm 17/1 rằng động thái này là ví dụ mới nhất về chiến dịch tăng cường chống tham nhũng của ĐCSVN do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, người từng tuyên bố rằng không có “vùng cấm” trong chiến dịch chống tham nhũng của mình.

Hãng tin Reuters hôm 17/1 nhận định rằng các đợt phế chức trong đảng sẽ báo hiệu sự leo thang hơn nữa trong cuộc đàn áp tham nhũng ngay cả khi có những lo ngại gia tăng rằng nó có thể ảnh hưởng đến tâm lý kinh tế và đầu tư tại Việt Nam.

Kỳ họp bất thường vào ngày 18/1 của Quốc hội được xem là rất hiếm trong cơ quan lập pháp bảo thủ của Việt Nam và việc hai cuộc họp này được tổ chức gần nhau, ngay trước Tết Nguyên đán, kỳ nghỉ dài ngày của đất nước, cũng là điều bất thường, vẫn theo Reuters.

Biến động chính trị này trong hệ thống độc đảng diễn ra khi ông Trọng tăng cường nỗ lực loại bỏ tận gốc các quan chức bị coi là tham nhũng hoặc không ngăn chặn tham nhũng vì quản lý lỏng lẻo, tạp chí Time dẫn lời ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Úc, cho biết.

Ngoài ra, ông Thayer cho rằng bất ổn chính trị này chắc chắn sẽ gây khó chịu cho một số nhà đầu tư, những người đã giúp quốc gia Đông Nam Á này trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Việt Nam đã được hưởng lợi từ các công ty toàn cầu như các nhà cung cấp của Apple Inc. và Samsung Electronics Co. đang biến đất nước thành một trung tâm sản xuất.

“Nó đang tạo ra sự bất định ở Việt Nam”, Time dẫn lời giáo sư Thayer, và ông nêu lên câu hỏi: “Liệu vị bộ trưởng mà quý vị đang cùng làm việc hôm nay có còn tại vị vào ngày mai hay không?”

VOATIENGVIET.COM

Đảng cộng sản duyệt việc Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc từ chức do cấp dưới sai phạm

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay