Làm sao “vui để đợi chết”

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Hắn cứ hay suy nghĩ vẫn vơ. Tới tuổi “bát thập” rồi, hắn luôn tạ ơn Chúa vì hắn còn sống, còn đi đứng được, còn ăn uống được, lại được sống ở nước Mỹ đầy đủ tiện nghi và tự do nhất thế giới. Dầu vậy, hắn cũng hiểu rằng, tới tuổi 80, 81 rồi hắn sẽ ngã bịnh nặng bất cứ lúc nào?

+ Sẽ bị bịnh gì chưa biết; cao máu, tiểu đường, cao mở, stroke rồi bị liệt, mất trí nhớ (Alzheimer)… Nếu khi bị Stroke hay Alzheimer hắn sẽ không thể nói cho con cháu nghe được nữa, nên hắn muốn viết trước vài suy nghĩ, để lại cho con cháu.Hắn viết:Sinh Lão Bịnh Tử đó là con đường ta phải trải qua trong cuộc sống nhân sinh này. Ta được sinh ra không được hỏi ý kiến vì ta chỉ là đứa trẻ nít, chưa biết gì. Khi già lão thì biết, sức khỏe càng ngày càng suy yếu, hay mệt nhọc, không còn làm việc nhiều được nữa. Chạy xe gần thì được. Chạy xe đi xa hơn 30 phút là thắm mệt. Đọc sách cũng không còn tha thiết như xưa nữa.

Sáng thức dậy, cứ muốn ngủ thêm, dậy không nổi, không thấy khoẻ như trước của tuổi U70”.

1)Có một điều không dự đoán được là:

+Chắc chắn là sẽ bị bịnh gì đó rất nặng, sẽ nằm nhà thương hay nằm tại nhà bao lâu rồi mới ra đi. Rồi cũng phải chịu đựng tình trạng không tự lo cho mình được? Không tự đánh răng được, không mặc áo quần được, không tự ăn uống được, không thể đi lại được chỉ nằm chờ chết là bao lâu?

+Sẽ chết như thế nào? Chết ở nhà hay ở nhà thương?

+Khó khăn là ta phải đương đầu với bịnh tật. Khi bị bịnh nặng, ta sẽ buồn rầu chán nản, than thân, trách móc Chúa, gây gỗ với người chung quanh. Làm sao sống vui vẻ, không than thân, khóc lóc lúc bị bịnh nặng. Làm sao không gây sầu khổ, đau buồn, lo lắng cho con cháu, cho gia đình, cho người thân, bạn bè, bà con? Làm sao không gây lo lắng, khó khăn cho người chung quanh.Vô cùng khó.

Chỉ có thường suy nghĩ về sự bịnh hoạn, về sự đau đớn thể xác, sự đau khổ về tinh thần, sống dựa vào Chúa, nhờ ơn Chúa giúp sức, may ra mới chịu đựng được những đau đớn, khổ sở của bản thân mình?

2)Đối diện với đau khổ, phải có thái độ như thế nào?

+Để có thể chịu đựng được đau đớn thể xác và đau khổ về tinh thần? Làm sao chấp nhận những khó khăn, đau khổ đó ở đời này. Xem những đau khổ, khó khăn đó là món quà hy sinh, chịu đựng, dâng lên Chúa.

Ở Mỹ không có thiếu thốn về vật chất nhưng cũng không thoát khỏi sự đau khổ về tinh thần.

Ở Việt Nam nhiều người thiếu thốn về vật chất, gặp nhiều khó khăn, đau khổ. Còn những người giàu không thiếu thốn về vật chất, nhưng họ vẫn phải chịu đựng sự đau khổ về tinh thần, như con cái không chịu học hành, bỏ nhà đi bụi đời, chồng hoặc vợ ngoại tình, gia đình ly tán…

Bịnh tật và sự chết không chừa một ai. Đó là quy luật sinh lão bịnh tử.

+Trước những vấn đề đau khổ đó thái độ của chúng ta như thế nào mới là quan trọng?

Trong bài: “Đối Diện Với Đau Khổ” (trích Bài học Kinh Thánh Hằng ngày)

“Khi đối diện với đau khổ, con người có khuynh hướng than thân trách phận, trách cả Đức Chúa Trời, thậm chí có người còn chối bỏ đức tin. Nhưng ông Gióp trong mọi đau khổ xảy đến vẫn không phạm tội và không hề nói lời nào trách móc hay phạm thượng với Chúa. Khi nhận biết sự tể trị của Chúa trên cuộc đời mình, chúng ta có thể sấp mình thờ phượng, cầu nguyện, và ngợi tôn Chúa ngay cả trong cơn khủng hoảng nhất xảy đến cho mình. Bạn từng đối diện với những đau khổ nào? Bạn đã phản ứng ra sao? Gương của ông Gióp nhắc nhở bạn điều gì?

Lạy Chúa, khi cuộc đời con chan đầy nước mắt, con vẫn tin rằng Chúa ngự trên cao, tình yêu Ngài vẫn phủ trùm mặt đất, và quyền năng Ngài vẫn tỏa vượt trăng sao”

3)Tuyệt vời là ở sự chịu đựng đau đớn, đau khổ.

Sống lạc quan, vui vẻ, tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh (Tx 5, 18). Tuyệt vời là ở sự chịu đựng đau đớn về thể xác, tuyệt vời là ở sự chịu đựng đau khổ về tinh thần. Không biết có làm được không?

Khi tâm hồn lạc quan, sống vui thì ngay lúc chết, sự vui vẻ lạc quan đó giúp cho linh hồn tràn ngập niềm vui để về với Chúa, hưởng phúc thiên đàng.

 Phùng Văn Phụng

04 tháng giêng năm 2023

Xem thêm:

+Bài Học Tịnh Tâm

+Vui Để Đợi Chết

Được xem 19 lần, bởi 4 Bạn Đọc trong ngày hôm nay