Thứ Bảy, 24/12/2022, 12:15
Thông tin 9 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới ở các tỉnh phía Nam đã sử dụng nhiều chiêu trò, thủ thuật để cấp giấy đăng kiểm cho hàng chục nghìn phương tiện không đủ điều kiện, thu lời bất chính hàng chục tỷ đồng cho thấy một thực trạng nghiêm trọng trong hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường xe cơ giới đường bộ. Đây là hành vi để lại nhiều hậu quả xấu, cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung.
Giả mạo đăng kiểm viên, đánh lừa camera…
Thời gian qua, hàng loạt TTĐK, đăng kiểm viên, nhất là tại các TTĐK xã hội hóa liên tiếp “dính” sai phạm, thậm chí rơi vào vòng lao lý chỉ vì lợi ích kinh tế bất chính. Ngày 20/12, Công an TP Hồ Chí Minh đã thông tin chính thức về những sai phạm tại 9 TTĐK ở các tỉnh phía Nam và khởi tố bị can hàng chục đối tượng càng cho thấy sự bát nháo, tồn tại nhiều “góc khuất” của không ít TTĐK và những cá nhân quản lý, làm việc tại các TTĐK này…
Đáng nói, một loạt hành vi sai phạm “Môi giới hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Giả mạo trong công tác” của các cá nhân ở TTĐK được khui mở, lột trần phần nhiều bắt nguồn từ hành động kiểm tra, xử lý các nhóm hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông (vi phạm nồng độ cồn, chở hàng quá tải…).
Theo Thượng tá Nguyễn Đình Dương, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh, quá trình tuần tra, kiểm soát giao thông, Công an thành phố phát hiện nhiều phương tiện giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn kỹ thuật (xe tải, xe ben cơi nới thành, thùng, mâm không đúng kích thước, lốp mòn, biển số mờ, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải…) nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.
Thượng tá Nguyễn Đình Dương nói về những dấu hiệu sai phạm ban đầu.
Cụ thể, vào ngày 26/10, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt nhận được thông tin trong hoạt động kiểm định phương tiện có dấu hiệu thay đổi nên cảnh sát giao thông đã dừng một phương tiện đang lưu thông trên đường (xe tải 50H[1]100.20) để kiểm tra thành thùng và giấy kiểm định phương tiện. Qua kết quả kiểm tra thành thùng chiều dài, rộng, cao và đối chiếu với sổ kiểm định đã được kiểm định còn thời hạn khớp với thông số kỹ thuật trên giấy kiểm định của TTĐK 62-03D (tỉnh Long An). Tuy nhiên, sau đó, Công an thành phố rà soát dữ liệu gốc của Cục Đăng kiểm Việt Nam lưu thì phát hiện chênh lệch thùng xe được cơi nới và hợp thức hóa đến 71cm. Nhận thấy có dấu hiệu tội phạm nên Công an thành phố đã ghi lời khai tài xế, phối hợp với các cơ quan chức năng mở rộng điều tra.
Tiếp tục kiểm tra một phương tiện khác (xe 51D[1]325.89), Công an thành phố cũng phát hiện có tình trạng thay đổi thông số. Xác minh ban đầu, cả 2 xe có dấu hiệu vi phạm nên chuyển cho cơ quan điều tra tiếp tục xử lý.
Việc cơi nới thùng xe và kiểm định phương tiện hợp thức hóa thông số kỹ thuật là vi phạm và gây rất nhiều tác hại, nguy hiểm. Thời gian qua, không ít phương tiện vận tải bị chết máy, không đảm bảo an toàn kỹ thuật dẫn tới tai nạn xảy ra nhiều trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Thậm chí, nhiều xe đang di chuyển bỗng dưng bị cháy dẫn tới tai nạn, ùn tắc giao thông, gây thiệt hại về người và tài sản rất lớn… “Chúng tôi thấy dấu hiệu tội phạm nên phối hợp cơ quan điều tra làm rõ”, Thượng tá Nguyễn Đình Dương cho biết.
Từ những phát hiện ban đầu kể trên, kết hợp thông tin từ các nguồn đơn thư, phản ánh của người dân, kết quả phối hợp trao đổi thông tin của một số cục nghiệp vụ Bộ Công an và các biện pháp nghiệp vụ, Công an thành phố Hồ Chí Minh phát hiện các dấu hiệu sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại một số TTĐK. Qua đó, Công an thành phố đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ xác lập các chuyên án để tập trung lực lượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm về môi giới, đưa hối lộ; nhận hối lộ và giả mạo trong công tác do các đối tượng là giám đốc TTĐK cầm đầu và đồng bọn thực hiện tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre.
Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, từ sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an thành phố và sự phối hợp của các phòng nghiệp vụ, đơn vị đã xác lập 2 chuyên án để điều tra về sai phạm của hàng loạt TTĐK tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành.
Nói về cách thức, thủ đoạn vi phạm pháp luật xảy ra tại các TTĐK, Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng cho biết, quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, cơ quan điều tra xác định tại mỗi dây chuyền theo quy định phải có 3 đăng kiểm viên, trong đó có một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao. Tuy nhiên, các TTĐK này đã ngang nhiên sử dụng nhân viên không có giấy chứng nhận đăng kiểm viên, mặc quần áo đăng kiểm để thực hiện các bước đăng kiểm xe cơ giới. Để đối phó với cơ quan chức năng, các TTĐK này đã bố trí các nhân viên mặc đồ đăng kiểm viên đi dạo quanh camera do Cục Đăng kiểm Việt Nam giám sát. Do đó, hình ảnh ghi nhận được thì lúc nào cũng có 3 đăng kiểm viên. Các đối tượng còn ký giả mạo chữ ký của đăng kiểm viên để cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đường bộ.
Đặc biệt, với các xe không đủ điều kiện đăng kiểm khói, khí thải thì các đối tượng sử dụng thủ đoạn dùng giấy trắng để che một mắt thiết bị, nhằm giúp xe đó đạt tiêu chuẩn. Về kiểm định an toàn kỹ thuật phanh không đạt tiêu chuẩn, người đóng vai kiểm định viên sẽ đạp nhiều lần để hợp thức hóa là đã đạt được, in ra giấy kiểm định.
“Chúng tôi đã làm rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng. Chủ các phương tiện đã cơi nới thành xe, thùng xe, các TTĐK đã lập giấy, hồ sơ bằng kích thước cơi nới. Có xe cơi nới rồi mà vẫn đi đăng kiểm, các TTĐK vẫn cấp giấy chứng nhận để không bị phạt”, Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.
Nhiều thủ đoạn đối phó nhằm thu tiền bất chính
Thượng tá Trần Thị Kim Lý, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết sau khi xác định rõ vai trò, phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng trong các chuyên án, Công an thành phố đã chỉ đạo triển khai kế hoạch phá án, tổ chức bắt giữ các đối tượng, khám xét khẩn cấp tại 9 TTĐK. Trong đó có 5 TTĐK do Trần Lập Nghĩa làm giám đốc (cụ thể TTĐK 62-03D (tỉnh Long An), 71-02D (tỉnh Bến Tre), 83-02D (tỉnh Sóc Trăng), 66-02D (tỉnh Đồng Tháp), 63- 03D (tỉnh Tiền Giang), TTĐK 50-15D (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) do Nguyễn Trọng Vĩnh làm giám đốc, TTĐK 50- 07V (quận Bình Tân) do Ngô Ngọc Sơn làm giám đốc, TTĐK 50-10D (huyện Củ Chi) do Nguyễn Thanh Tâm là giám đốc, TTĐK 50-17D (huyện Nhà Bè) do Hồ Hữu Tài làm giám đốc, thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng liên quan đến hành vi phạm tội.
Cơ quan điều tra khám xét một trung tâm đăng kiểm.
Quá trình điều tra đến nay, Công an thành phố xác định để có tiền chia cho các nhân viên hằng tuần và làm quỹ hoạt động của TTĐK, giám đốc các TTĐK nêu trên đã chỉ đạo cấp dưới (gồm phó giám đốc, đăng kiểm viên, thực tập viên, nhân viên văn phòng…) trong quá trình kiểm định chất lượng và đo tiêu chuẩn khí thái bảo vệ môi trường đã cố ý bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của các chủ phương tiện, đối tượng “cò mồi” đưa đến kiểm định nhằm thu lợi bất chính với số tiền ước tính gần 10 tỷ đồng.
Các lỗi vi phạm của phương tiện được các giám đốc trung tâm chỉ đạo bỏ qua gồm: Các lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công, cho thuê các phụ tùng thay thế các phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn, sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải…
Đáng chú ý, tại các TTĐK do Trần Lập Nghĩa làm giám đốc, Cơ quan điều tra phát hiện nhóm hành vi giả mạo trong công tác với thủ đoạn lập danh sách đăng kiểm viên nhưng không làm việc tại trung tâm để hợp thức hóa và chỉ đạo nhân viên cấp dưới giả mạo chữ ký của các đăng kiểm viên để ký vào các hồ sơ kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ. Qua đó đã cấp khoảng 52.291 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho các xe ô tô đến đăng kiểm trái với quy định, thu lợi ước tính trên 10 tỷ đồng.
Theo Thượng tá Trần Thị Kim Lý, hiện tại 33 bị can đã bị khởi tố, được Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh giao cho 3 đơn vị (Văn phòng Cơ quan CSĐT, Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát kinh tế) cùng tiến hành các hoạt động điều tra.
Ban Giám đốc Công an thành phố đang tiếp tục chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an thành phố và một số Cơ quan CSĐT công an quận, huyện tiếp tục điều tra, làm rõ về các hoạt động sai phạm diễn ra tại các TTĐK trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Trong ngày 20/12, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an thành phố đã phối hợp, bắt giữ 10 đối tượng liên quan đến các sai phạm tại TTĐK 50-10D (huyện Củ Chi) và 50-07V (quận Bình Tân); tiến hành khám xét, triệu tập 20 đối tượng có liên quan đến các sai phạm của TTĐK 50-17D (huyện Nhà Bè).
Đặc biệt, quá trình làm rõ sai phạm của TTĐK 50-17D (huyện Nhà Bè), Cơ quan CSĐT đã phát hiện Trung tâm Đào đạo, sát hạch lái xe Thành Công (huyện Nhà Bè) có mối liên quan đến hành vi vi phạm của TTĐK 50-17D trong việc đăng kiểm cho khoảng 120 xe ôtô không đảm bảo tiêu chuẩn để trung tâm này đưa vào hoạt động dạy lái xe, có nguy cơ gây nguy hiểm cho hoạt động dạy học lái xe tại trường. Đây cũng là nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo học viên và chất lượng của học viên khi được cấp giấy phép lái xe…
Với phương thức, thủ đoạn và tính chất nguy hiểm cho xã hội do hành vi sai phạm của các TTĐK như trên, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT đã tập trung điều tra, làm rõ tất cả các hành vi có liên quan để xử lý nghiêm theo pháp luật. Ngoài các hành vi đã khởi tố kể trên, Cơ quan CSĐT tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn”, làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra… của các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được phân công, phân cấp để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, hành vi của các đối tượng trong các vụ án trên là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc giám sát số lượng, chất lượng phương tiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, trực tiếp xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, xâm phạm đến trật tự quản lý công cộng, gây thiệt hại cho tài sản của người dân, gây dư luận xấu cho xã hội, nguy cơ gây mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người dân tham gia giao thông trên cả nước, cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung.
Thượng tá Trần Thị Kim Lý nhấn mạnh, thực hiện nghiêm mệnh lệnh chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Công an TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục chỉ đạo Cơ quan CSĐT phối hợp Cục Cảnh sát kinh tế, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an và công an các địa phương mở rộng điều tra, chứng minh hành vi phạm tội tại các TTĐK để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, khẩn trương kiến nghị các cấp có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã được cấp sai quy định; ngăn chặn ngay các phương tiện không đảm bảo an toàn, kỹ thuật lưu thông trên đường gây mất an toàn giao thông.
Qua vụ án này, Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng đưa ra khuyến cáo với các chủ phương tiện trong khi đi đăng kiểm phương tiện không nên dùng tiền để hối lộ các nhân viên đăng kiểm để hợp thức hóa các sai phạm của mình. Hành vi này sẽ bị xử lý nghiêm minh và thực tế trong chuyên án này Cơ quan CSĐT đã khởi tố một số chủ phương tiện về tội “Đưa hối lộ”. Đồng thời, đề nghị người dân tiếp tục giúp đỡ Cơ quan công an phát hiện, tố cáo xe, chủ xe, trung tâm đăng kiểm vi phạm để lực lượng chức năng mở rộng điều tra, xử lý, tránh những hậu quả nghiêm trọng như kể trên.