Bàn về “quốc gia” Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa

Báo Tiếng Dân

Trương Nhân Tuấn

26-12-2022

Học giả Việt Nam thường nhắc đến công ước Montevideo 1933 để định nghĩa “quốc gia”. Vậy “quốc gia” là gì?

Theo bản tiếng Pháp ở đây, điều thứ nhứt của Công ước về Quyền lợi và Nghĩa vụ của Quốc gia (còn gọi là công ước Montevideo 1933):

“L’État, comme personne de Droit international, doit réunir les conditions suivantes: 1) Population permanente; 2) Territoire déterminé; 3) Gouvernement; 4) capacité d’entrer en relation avec les autres États”.

Có thể được hiểu như sau: Quốc gia, được xem là đối tượng (chủ thể) của Luật quốc tế, phải hội đủ các điều kiện 1/ có dân chúng thường trực; 2/ lãnh thổ được xác định; 3/ có chính phủ và 4/ có khả năng tham gia vào các mối quan hệ với các quốc gia khác.

Tức là “Quốc gia” gồm có hai phần: 1/ de jure “là đối tượng của công pháp quốc tế” và 2/ de facto.

Vấn đề là hầu hết các học giả Việt Nam, khi nói về “quốc gia” thì họ chỉ nói tới các yếu tố “de facto”, gồm dân chúng, lãnh thổ, chính phủ và khả năng quan hệ quốc tế.

Lấy thí dụ Đài Loan hiện thời.

Bà Thái Anh Văn qua các bài nói chuyện luôn cho rằng Đài Loan đã là một quốc gia. Quốc gia đó tên gọi “Trung Hoa Dân Quốc”. Quốc gia này khai sinh từ cuộc “cách mạng Tân Hợi 1911” lật đổ chế độ phong kiến của nhà Thanh và thiết lập nền cộng hòa trên toàn lãnh thổ Trung Hoa. Đến năm 1945 chính phủ Tưởng Giới Thạch di tản ra Đài Loan. Lục địa từ đó do Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Tên nước được đặt là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Trên phương diện “thực tế – de facto”, Đài Loan có nền dân chủ vững chắc, có các cơ quan hành pháp độc lập, có quốc hội, có hệ thống pháp luật, có tiền tệ, có hệ thống giáo dục… riêng biệt với lục địa. Đài Loan là một “quốc gia độc lập” với lục địa.

Nhưng trên phương diện “pháp lý – de jure”, từ năm 1971, Đài Loan không được đa số các quốc gia nhìn nhận như là một “quốc gia”. Đài Loan mất ghế đại diện ở LHQ cho chính phủ CS ở Bắc Kinh. Mỹ và các quốc gia thuộc EU nhìn nhận Đài Loan là một lãnh thổ thuộc lục địa. Ngay cả khi các quốc gia này ủng hộ và luôn đề cao sinh hoạt chính trị dân chủ ở Đài Loan, xem nền dân chủ ở Đài Loan là mô hình dân chủ gương mẫu.

Những năm gần đây căng thẳng eo biển Đài Loan gia tăng. Trung Quốc lục địa ra luật “chống ly khai”, đồng thời nhiều lần đe dọa sẽ “thống nhứt” Đài Loan bằng vũ lực.

Cuộc chiến nếu xảy ra giữa Đài Loan và lục địa, kết quả tùy theo “cán cân lực lượng”. Nhưng cuộc chiến này, trên phương diện pháp lý, sẽ là một cuộc “nội chiến”.

Mỹ và các quốc gia dân chủ có thể giúp Đài Loan để chống TQ hay không? Chuyện này không nói ở đây.

Tình trạng pháp lý của Đài Loan sẽ là nền tảng để bàn về chủ đề Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH) và Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) có phải là “quốc gia độc lập có chủ quyền hay không”?

VNDCCH, cũng như Quốc gia Việt Nam (sau này là Việt Nam Cộng Hòa), theo qui định của hiệp định Genève 1954, tái khẳng định lại bởi Hiệp định Paris 1973, đều thuộc về “một nước Việt Nam”, đúng như Điều 1 Hiệp định Paris:

“Hoa kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève 1954 về Việt Nam đã công nhận”.

Nguyên văn bản tiếng Anh:

“The United States and all other countries respect the independence, sovereignty, unity and territorial integrity of Viet-nam as recognized by the 1954 Geneva Agreements on Viet-nam”.

“Việt Nam là một nước bất khả phân chia”. Mỹ và các quốc gia có tham gia Hiệp định Paris 1973 nhìn nhận hai miền Nam và Bắc thuộc về một Việt Nam duy nhứt, độc lập có chủ quyền.

Điều này có khác chi với nội dung “Đài Loan là lãnh thổ thuộc về lục địa”?

Nhiều người cho rằng VNCH không ký vào Hiệp định Genève 1954. Vấn đề là nhiều bài viết của các học giả công pháp quốc tế nước ngoài khẳng định Hiệp định Genève 1954 có giá trị thi hành cho miền Nam, ngay cả khi chính phủ bên này không ký. Nhiều lý do đã nại ra, trong đó có lý do miền Nam vẫn còn lệ thuộc vào Pháp.

Từ khi VNCH ký vào Hiệp định Paris 1973 mọi tranh luận về nội dung của hiệp định Genève 1954 xem như đóng lại. Qua Hiệp định này VNCH nhìn nhận hiệu lực Hiệp định Genève 1954.

VNCH và VNDCCH hai bên có chính phủ độc lập với nhau, có quốc hội riêng, có tiền tệ riêng, có quân đội riêng… Tương tự tình hình Đài Loan và lục địa.

VNCH và VNDCCH, trên phương diện “de facto – trên thực tế”, là hai quốc gia độc lập. Nhưng trên phương diện “de jure – pháp lý”, cả hai VNCH và VNDCCH đều thuộc về một “Việt Nam duy nhứt, độc lập có chủ quyền.

Chiến tranh 1954-1975 giữa hai bên VNCH và VNDCCH vì vậy phải là một cuộc nội chiến.

Trở lại vấn đề tranh chấp chủ quyền các đảo và chồng lấn hải phận giữa VN và các quốc gia khác ở Biển Đông. Có nhiều phương pháp giải quyết tranh chấp: 1/ thương thuyết tay đôi hay tay ba, giữa các quốc gia có tranh chấp; 2/ giải quyết bằng Tòa án quốc tế ở các tranh chấp về lãnh thổ; 3/ giải quyết bằng trọng tài, theo các nguyên tắc của UNCLOS, ở các vấn đề chồng lấn hải phận; 4/ Giải quyết bằng chiến tranh.

Nếu sử dụng phương tiện pháp lý thì việc giải thích tư cách pháp nhân VNCH và VNDCCH phải bằng các lập luận “pháp lý”.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay