Sống để phụng sự người khác là một cuộc sống đáng sống (Only a life lived for others is a life worthwhile).
Thỉnh thoảng, một số bạn của tôi ở Việt Nam (và cả ở nước ngoài) hỏi rằng mai kia mốt nọ khi nghỉ hưu tôi có về Việt Nam sống không. Tôi có khi cũng nghĩ đến câu hỏi này, và lần nào thì câu trả lời đều là KHÔNG. Có lẽ cuộc sống ở đây khổ cực, nhưng tôi đã quen với cực khổ rồi, và đã nhận đây là quê hương thứ hai rồi.
Có lẽ các bạn ngạc nhiên hỏi: – Ủa, cuộc sống ở Úc cực khổ à?
Thì, tôi nói như vậy là theo một nhận xét của một anh ca sĩ đình đám trong nước thôi. Anh ấy từng đi nước ngoài như đi chợ, và có dịp quan sát nhiều nên có thể so sánh. Anh ấy nói rằng cuộc sống ở Việt Nam ‘sướng hơn nước ngoài nhiều’.
Sướng như thế nào? Anh ấy nhận xét rằng ở Việt Nam ngày nay cái gì cũng có, muốn gì cũng có, kể cả mướn tài xế riêng và mướn người giúp việc. Anh ấy đi nhiều nơi và có dịp so sánh, và đi đến nhận định rằng ở Việt Nam cái gì cũng nổi trội: bar hay club thì đẹp, máy bay thì bự, điện thoại thì toàn thứ xịn, mĩ phẩm thì toàn hạng nhứt, v.v. (Mấy cái này thì Úc tôi đúng là kém hơn Việt Nam thiệt. Nhưng họ quên nói: “Đào đâu ra tiền để được hưởng thụ như thế đó?”)
Những nhận xét trên của anh ca sĩ cũng được độc giả trong nước đồng tình. Có độc giả viết rằng ai chưa đi nước ngoài thì mong ước được đi, nhưng đi rồi thì mới thấy Việt Nam mình là sướng nhứt.
Sướng như thế nào?
Theo độc giả này, sướng là “Ở Việt Nam muốn ăn gì cũng có, bước chân ra khỏi nhà là có đồ để ăn, lai còn ăn ngon. Ra nước ngoài đi kiếm đồ ăn phải chay xe vòng vòng rồi gửi xe này nọ rất là rắc rối.”
Phải nói rằng đọc những dòng trên tôi mới biết rằng mình đã quá khổ đau trong 40 năm qua. Mình khổ mà mình không hề biết! Thiệt là tội nghiệp vậy.
Vậy mà sao tôi không về Việt Nam sống?
Nhiều khi tôi tự phân tích câu hỏi trên, và đi đến nhận xét rằng mình sống đâu phải vì vật chất.
Tôi không có nhu cầu đi máy bay bự, vào club đẹp, xài điện thoại mắc tiền, xức nước bông ngàn đô. Không có những nhu cầu đó. Nhưng tôi muốn sống trong một môi trường thân thiện và xanh tươi, và trong một xã hội mà:
- Người với người tin tưởng nhau, không đòi phải có con mộc đỏ hay gì đó;
- Người với người thương yêu và giúp đỡ nhau mà không hề hỏi vì động cơ gì;
- Không ai phải mệt mỏi với ‘ghen ăn tức ở’;
- Bình đẳng, không ai phải ‘cạnh tranh’ với 5C (con cháu các cụ cả);
- Không ai phải bị đày đoạ vì khác chánh kiến;
- Không ai phải đi tù 23 năm 6 tháng vì câu nói ‘ngu như bò’;
- Không ai phải mua chức bán quyền;
- Công chức nhà nước là đầy tớ thực sự cho dân;
- Người trí thức có trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, chứ không xu phụ nhà cầm quyền;
- Chính phủ và cảnh sát biết sợ dân;
- Luật pháp vừa nhân đạo vừa nghiêm minh;
- Không bị tra tấn tinh thần bằng những khẩu hiệu nhồi sọ;
- vân vân…….
Và, tôi chợt nhận ra một trong những điều trên qua vụ việc liên quan đến ông cụ Danny Lim và mới đây là vụ Chính phủ tiểu bang New South Wales phải hoàn trả hơn 10 triệu đôla cho những người bị cảnh sát phạt trong thời gian phong toả vì dịch covid.
Trong thời gian phong toả, cảnh sát NSW đã phạt hơn 62000 người. Một số bị phạt đến 3000 đôla chỉ vì đứng xếp hàng cách nhau dưới 1.5 m! Ngay lúc đó, đã có người phê phán cảnh sát là mất nhân tánh. Một số luật sư doạ rằng họ sẽ kiện chính phủ ra toà.
Quả thật, đã có một nhóm luật sư kiện chánh phủ NSW ra toà, vì họ lí giải rằng chủ trương đó là vi hiến hay vi phạm luật pháp gì đó. Và, họ đã đúng.
Hôm qua, chính phủ NSW thú nhận rằng họ đã sai, và toà án ra lệnh chánh phủ phải trả lại tiền cho hơn 33,000 người bị phạt. Số tiền phải hoàn trả lên đến hơn 10 triệu AUD.
Các luật sư cho biết số còn lại (khoảng 32000 người bị phạt) thì còn trong vòng tranh cãi. Hiện nay, những người này vẫn phải trả tiền phạt, nhưng nếu toà án phán việc phạt là bất hợp pháp thì chính phủ cũng phải hoàn trả tiền cho họ.
Tôi nghĩ trong tương lai, chính phủ sẽ còn phải ra toà về chủ trương ép buộc tiêm vaccine.
Chúc mừng
Các bạn tôi đã bị phạt trong thời gian lockdown và được hoàn tiền! Cám ơn các luật sư đã đem lại lẽ phải cho nạn nhân bị phạt.
Phải nói là qua vài sự việc trên tôi nhận ra rằng sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật và dân chủ (như Úc này) thiệt là một ‘privilege’.
Giá trị của một xã hội không phải phản ảnh qua vật chất mà xã hội đó chỉ lệ thuộc vào nước ngoài (như máy bay bự, siêu xe, quán bar đẹp, điện thoại mắc tiền, nước bông ngàn đô), mà là qua chất lượng sống và con người cư xử với nhau trong tình thân.
Ở VN sướng nên thực phẩm toàn pha hóa chất độc hại, người bán hàng phải quảng cáo là sản phẩm của họ “sạch”.
Ở VN sướng đến nỗi bằng cấp toàn là bằng giả.
Ở VN sướng đến nỗi muốn có được vị trí tốt hay xin được việc, phải là con ông cháu cha, hay đút lót để tiến thân.
Ở VN sướng đến nỗi mà muốn vào nhà thương phải lo thủ tục đàu tiên, tức là tiền đâu. Vào rồi thì nằm đất nằm hành lang la liệt.
Thôi cho tôi cứ sống khổ ở nước ngoài đi.
Mướn người giúp việc dễ có nghĩa là quá nhiều người nghèo, muốn ăn ngon thì đi vài bước có quán ăn. Vậy thì người nghèo, người bán quán ăn có sung sướng không? Hay là chỉ nghĩ vài ngày là phải liều mạng nằm đường về quê để được tồn tại như đã thấy khi thành phố bị phong tỏa vì dịch covid?
Tôi qua Mỹ theo diện HO, suốt 30 năm ở Mỹ, tôi chưa thấy có ông cảnh sát nào đến xét nhà, hỏi thăm, tại sao có nhiều sĩ quan cải tạo ghé nhà vậy? Có âm mưu chống đối gì không? Tôi không phải đi lội ruộng sình, đắp bờ đê, không được trả tiền công. Nhất là tôi có quyền chỉ trích chính phủ mà không sợ bị bắt, bị tù. Tôi được tự do làm việc với cái nghề tôi ưa thích. In sách không phải qua kiểm duyệt bởi chính phủ.
Nếu ở Việt Nam suốt đời tôi không có khả năng mua nhà riêng để ở. Qua Mỹ đa số anh em HO làm việc cật lực chừng 4 tới 8 năm, gia đình nào cũng mua được nhà riêng để tá túc. Làm việc vài tháng là mua được xe riêng để đi. Dĩ nhiên là trả góp hàng tháng. Sống trong đất nước thanh bình, con người luôn bình an, thoải mái, không sợ bị bắt vì lời nói hớ hênh, hay bị trả thù cá nhân, tố cáo láo. Sống thoải mái không ai hơn thua nhà lớn, nhà nhỏ, xe sang, xe cùn. Làm bất cứ nghề gì cũng không có gì là xấu hổ, chạy bàn nhà hàng, làm nails, hớt tóc, miễn là làm ăn lương thiện, có tiền, nuôi con đi học ra bác sĩ, kỹ sư, luật sư không làm điều gì phi pháp ăn hối lộ, ăn trộm, ăn cắp là quí lắm rồi. Bao nhiêu HO đa số đều có Tú Tài 1, Tú Tài 2 trở lên đều bị đi tù, rồi đuổi đi Mỹ. Những người ưu tú đó không được dùng ở Việt Nam thì nước Mỹ dùng. Con của HO cũng đóng góp cho nước Mỹ với tài năng của chúng nó.
Học đến Tú Tài ngày xưa đâu phải dễ, Thi Trung Học Đệ nhất Cấp đậu chừng 20 hay 30 phần trăm. Thi Tú Tài đậu chừng 15, 20 phần trăm. Nhiều giáo sư tốt nghiệp ở nước ngoài như Mỹ, Anh, Pháp không dám dùng vì bị nghi ngờ cuối cùng, họ cũng tìm cách ra ngoại quốc hết. Chảy máu chất xám. Bây giờ (năm 2022) cũng vậy. Lương ở Việt Nam 5 triệu một tháng (khoảng 200 đô) Làm sao sống được. Cuối cùng nếu gặp may mắn, có cơ hội là những người giỏi, có tài, họ tìm cách ra nước ngoài để sống.