Giận giữ như sóng ngầm…
“Mấy chục năm ở chung, tôi chỉ biết sống cho ông, cho các con. Giờ gần cuối đời rồi, hãy để tôi được sống cho mình”. Đó là lời tuyên bố lạnh lùng, cay nghiệt mà bà Hương đã nói với ông Bình trước khi dọn ra ở riêng.
Ngày còn trẻ, ông bà ra sức làm lụng, tích góp mua bằng được 2 cái nhà nghĩ để sau này cho hai cậu con trai. Nhưng khi các con học hành thành tài, chúng đều chọn thành phố làm nơi định cư. Ờ, thì tụi nhỏ chọn nơi phố hội làm chỗ cắm dùi cũng là quy luật tự nhiên, làm sau ông bà có thể cản chúng được. Mai này có thêm cháu chắc, tụi nó cũng sẽ có thêm cơ hội học hành thăng tiến hơn cái vùng quê nghèo này… Tự an ủi mình như thế, hai ông bà thấy phần nào nhẹ bớt buồn phiền và cũng dần quen với sự quạnh hiu, vắng vẻ.
Mọi việc nhà bà Hương, ông Bình cứ diễn ra suôn sẻ, chúng chỉ thực sự xáo trộn khi ông Bình chính thức nghỉ hưu. Suốt hơn 40 năm làm công chức trong vị thế của một trưởng phòng của mười mấy nhân viên. Ông ho một cái mọi người đã sợ, hôm nào ông không vui họ đã run… thì nay khi về hưu, cứ đi ra đi vào trong căn nhà quạnh quẽ, ông Bình thấy mình thành thừa thãi nên đâm ra hay cáu giận. Quen cung cách của một người làm sếp, bữa cơm nào bà lỡ tay nấu mặn là ông lập tức cằn nhằn. Ấm trà uống dở bà quên pha mới cũng trở thành nguyên cớ để ông bực bội…
Còn bà, suốt mấy mươi năm làm vợ đã quen với cảnh chồng sáng đi chiều về, bà ở nhà nuôi con, trồng rau nuôi gà, cơm nước… nên vợ chồng ít có thời gian ở bên nhau nên cũng ít cãi vã, kể cả việc ông đôi lần ‘trăng gió’. Vậy mà giờ đây, khi đã lên chức bà nội, bà Hương lại bị “soi mói” bởi ông chồng khó chịu. Bà cảm thấy mình như trở lại thời mới về làm dâu cứ co ro, khúm núm trước mẹ chồng. Thế là những uất ức bà mang chịu từ lâu nay bỗng ùa về.
Buồn bực và bất mãn, bà Hương cũng bắt đầu đá thúng đụng nia, lườm nguýt, chống đối chồng. Chỉ cần ông nói “Canh hơi mặn”, bà sẵn sàng nói ngay: “Có người nấu cho ăn là may lắm rồi. Những cô người tình thời trẻ của ông có còn bên ông thế này không?”.
Cứ thế, ông bà giống như mặt trăng, mặt trời. Ngày xưa khi ông bà còn trẻ, còn nhiều mối lo chung cho tương lai con cái, vẫn còn chia sẻ với nhau niềm vui thể xác… thì mọi bất đồng đều trở thành chuyện nhỏ. Nhưng nay khi con cái phương trưởng, khi những mối lo chung cũng như niềm vui thể xác không còn, ông bà trở thành 2 dấu lặng trái chiều.
Ngày bà quyết định dọn qua căn nhà thứ 2 ở. Cả ông và mấy đứa con chỉ nghĩ bà ra trông coi nhà cửa ít hôm thôi. Hôm chúng dẫn khách về quê ra tìm bà về cho đông đủ thì bà giận dỗi: “Mấy đứa con về đi, nói là tao bận không về”. Tưởng bà giận vì con ít thăm hỏi, chúng thuyết phục “xin nể mặt khách”, bà đành về.
Nhưng vừa chạm mặt ông thì hai bên đã muốn cự cãi nhau. Bắt đầu là câu nói của ông: “Hội phụ nữ gửi giấy mời cho bà, lần sau bà bảo họ gửi sang địa chỉ nhà kia nha”. Bà nổi sùng: “Ông yên tâm, tôi không làm phiền gì tới ông nữa đâu”. Khách khứa của con ngơ ngác, ái ngại, con cái thì được phen xấu hổ, bữa cơm hôm đó diễn ra nặng nề, không khí căng thẳng phả ra từ nét mặt “hình sự” của hai “tấm gương” cao nhất trong nhà.
Lúc khách khứa ra về, con cái họp bàn khuyên giải, thì bà tuyên bố: “Thực ra tao đâu phải ra đó trông nhà, tao và ông ấy ly thân”. Anh con trai lớn ngà ngà men rượu, lại phẫn uất vì xấu hổ nên cứ kêu trời: “Ba mẹ làm gì kỳ cục vậy. Hồi trẻ không sao, giờ già hết cả rồi lại đòi ly thân. Đúng là không còn ra thể thống gì”.
Nghe con trách móc, bà bật khóc bỏ đi một mạch ra khỏi nhà: “Mẹ đã vì anh em mày mà chịu đựng ông ấy gần hết đời. Giờ mấy con đã lớn, tự gây dựng được danh tiếng, ai thèm chấp người già. Giờ mẹ muốn sống cho mẹ. Không có cái nhà kia thì mẹ cũng ngăn đôi cái nhà này ra, chứ nhất định không sống chung nữa”.
Người già khó cứu
Lý giải cho tình cảnh cắn đắng nhau của các cặp vợ chồng già, các chuyên gia tâm lý cho biết nguyên nhân chính thường xuất phát từ những mâu thuẫn khi họ còn trẻ nhưng cố chịu đựng nhau. Khi về già, những sợi dây liên kết ngày mong manh dần, khiến họ chỉ muốn sổ lồng vì:
Tình dục: Là yếu tố cơ bản, đặc trưng phân biệt một cặp vợ chồng với những người có mối quan hệ khác dưới một mái nhà. Khi mâu thuẫn, vợ chồng trẻ còn ham muốn nhau sẽ dễ dàng dùng sex để làm lành. Nhưng về già, chuyện lệch pha hoặc cả hai cùng hết ham muốn thì chỉ càng khiến họ muốn “tách” rời nhau.
Con cái: Là sợi dây chỉ ra cái chung vĩnh cửu nhất của hai người trong hôn nhân. Nên khi con cái còn nhỏ, trông chờ vào bố mẹ thì họ nín nhịn nhau, đôi khi có người chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng, niềm vui riêng vì chúng. Nhưng khi cha mẹ bạc đầu, con cái phương trưởng, chúng đã tự lập có mối quan tâm riêng thì đó chính là lúc cái tôi của họ người già bùng phát. Theo phân tâm học thì từ 60 tuổi trở đi, con người ta nhìn lại quá khứ để tổng kết. Do đó họ muốn “phục thù” hoặc “tự giải phóng” mình.
Công việc: Đây cũng là một vấn đề lớn khiến các cặp vợ chồng trẻ, trung niên “ít còn thời gian” để cãi nhau. Họ cùng mải lo cho những tham vọng thăng tiến nên cố giữ hôn nhân để ổn định. Có người giữ hôn nhân để lấy danh tiếng, tạo thuận lợi cho công việc. Nhưng khi về già, họ “không còn gì để mất” mới muốn ly hôn, giải thoát mình.
Thay đổi tâm tính: Về già tinh thần suy giảm và sự trái tính, trái nết kéo theo sức khỏe kém khiến họ kém chịu đựng, dễ nổi nóng. Vì vậy với những cặp vợ chồng có tình trạng này thì càng dễ cau có, tranh cãi.
Tình cảnh chung
– Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác phải đối mặt với sự đổ vỡ, tranh cãi, ly hôn của những cặp đã qua 20 năm chung sống ngày càng tăng.
– Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, tỷ lệ này ở Nhật những năm đầu thế kỷ 21 được cho là “ngang ngửa” với cặp vợ chồng trẻ.
– Số người Mỹ trên 60 tuổi, thậm chí 90 tuổi vẫn gia nhập đội ngũ ly hôn ngày càng nhiều.
– Tại Hàn Quốc, ly hôn ở các cặp vợ chồng có trên 20 năm chung sống chiếm tới 18,3%, con số này tăng 4 lần so với 24 năm trước.
From: TU-PHUNG