Báo Hồng Kông nói Việt Nam dùng ‘bò đỏ’ phá rối YouTube, Facebook

Báo  Nguoi-viet

December 17, 2022

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Nhà cầm quyền Việt Nam không thể đóng cửa các nền tảng như YouTube hay Facebook – cốt lõi của thị trường thương mại điện tử đang phát triển của nước, nhưng toan tính trấn áp những gã khổng lồ công nghệ thông qua các luật và nghị định kiểm soát không gian mạng, kèm theo một đội quân ‘bò đỏ’ phá rối.”

Đoạn nêu trên được trích từ bản tin của báo South China Morning Post của Hồng Kông hôm 17 Tháng Mười Hai.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông CSVN, luôn tự hào khoe về “thành tích” buộc YouTube, Facebook gỡ những bài đăng và video clip trái ý chính quyền Việt Nam. (Hình: Zing)

“Bò đỏ” là từ ám chỉ lực lượng dư luận viên được cho là hưởng lương nhà nước để lên mạng xã hội bảo vệ quan điểm của đảng, chính quyền trong lúc hung hăng tấn công những người bất đồng cũng như giới xã hội dân sự.

Theo South China Morning Post, chính phủ Việt Nam vừa thông qua luật cấm các doanh nghiệp đặt mua quảng cáo trên các trang web và kênh trên mạng xã hội vốn bị chính quyền hạn chế truy cập do “đưa tin trái chiều.”

Hành động này nằm trong một chuỗi các quy định nhằm khẳng định việc chế độ toàn quyền kiểm soát Internet để ngăn chặn những tiếng nói bất đồng. Việc này cho thấy đảng CSVN bị ám ảnh bởi sự kiểm soát và duy trì sự độc tôn quyền lực.

Khoảng 80% trong số 98 triệu dân Việt Nam sử dụng Internet. Chỉ tính riêng mạng xã hội Facebook đã có hơn 60 triệu người dùng trong nước.

Cũng theo tờ báo của Hồng Kông, dân chúng Việt Nam lâu nay bày tỏ sự không tin tưởng vào truyền thông do nhà nước kiểm soát, mà chủ yếu nắm thông tin qua các nền tảng mạng xã hội.

Để trấn áp các nền tảng mạng xã hội, “Nghị Định 53” yêu cầu các nền tảng này phải địa phương hóa dữ liệu, cấp quyền truy cập vào tài khoản người dùng và thông tin cá nhân, cũng như yêu cầu lưu trữ trong hai năm.

Nghị định nêu trên cũng yêu cầu các công ty công nghệ phương Tây phải đặt văn phòng và cả máy chủ tại Việt Nam. Điều này được cho là làm tăng rủi ro pháp lý cho việc quản lý của các nền tảng mạng xã hội.

Trên Facebook xuất hiện nhiều nhóm được lập ra để bảo vệ quan điểm của đảng trong lúc tấn công những người bất đồng cũng như giới xã hội dân sự. (Hình: Chụp qua màn hình)

Đáng lưu ý, kể từ khi ban hành “Nghị Định 53,” chính phủ Việt Nam liên tiếp áp đặt nhiều hạn chế hơn. Chẳng hạn, nhà chức trách đã giảm thời gian buộc các nền tảng mạng xã hội phải gỡ bỏ bất kỳ bài đăng “vi phạm” trong vòng từ 48 giờ xuống còn 24 giờ. Đối với nội dung “nhạy cảm” của video clip thì phải gỡ trong vòng ba giờ.

Khái niệm “vi phạm,” “nhạy cảm” ở đây được hiểu là những thông tin mà nhà cầm quyền Việt Nam muốn dân chúng không được biết do trái với tuyên truyền của Ban Tuyên Giáo và Bộ Thông Tin Truyền Thông. (N.H.K)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay