November 17, 2022
AUGUSTA, Georgia (NV) – Theo thời gian, những người thường xuyên bị căng thẳng đối mặt với nguy cơ tử vong do ung thư cao hơn 14%, theo UPI dẫn tin từ một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Population Health, phân tích dữ liệu trong hơn ba thập niên của một khảo sát về sức khỏe và dinh dưỡng liên bang.
Theo ông Justin Moore, giáo sư tại Medical College of Georgia thuộc Augusta University và Georgia Cancer Center ở Atlanta, trưởng nhóm nghiên cứu, kết quả này đến từ một điều được gọi là “tải trọng hao mòn cơ thể” (allostatic load). Đó là thước đo căng thẳng tích lũy, hoặc sự hao mòn cơ thể do các “yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống.” “Tải trọng hao mòn cơ thể” có thể đo bằng một con số cụ thể, bằng cách xem xét một số chỉ số sinh học chính.
Bệnh nhân trong phòng mạch bác sĩ. (Hình minh họa: Damien Meyer/AFP via Getty Images)
Các chỉ số hao mòn bao gồm chỉ số khối cơ thể (BMI) cao, dấu hiệu của béo phì; huyết áp cao; lượng đường hoặc cholesterol trong máu cao; nồng độ albumin (một protein do gan sản xuất) trong máu cao; hoặc nồng độ creatinine (một chất thải từ quá trình hao mòn cơ bắp bình thường) cao.
Để tìm ra phương thức những chỉ số này ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ chết vì ung thư, nhóm của ông Moore xem xét dữ liệu khảo sát sức khỏe được thu thập từ năm 1988 đến năm 2019.
Khảo sát có sự tham gia của hơn 41,000 người trưởng thành, trong đó hơn 70% là người da trắng, khoảng 13% người da đen và khoảng 9% người gốc Hispanic. Mức tải trọng hao mòn cơ thể của tất cả người tham gia đều được tính theo thang điểm từ 0 đến 9, với quy định từ ba điểm trở lên là dấu hiệu của “tải trọng hao mòn cơ thể cao.”
Kết quả cho thấy gần một nửa số người tham gia (gần 20,000) có tải trọng hao mòn cơ thể cao. Những người trong số này phần nhiều là người da đen, lớn tuổi, giáo dục thấp hơn và tài chánh thấp hơn so với những người có tải trọng hao mòn cơ thể thấp.
Sau đó các nhà khoa học đánh giá mối liên hệ giữa tải trọng hao mòn cơ thể cao và nguy cơ tử vong vì ung thư theo nhiều cách. Khi loại bỏ các yếu tố chủng tộc, giới tính, tuổi tác và trình độ học vấn thì nguy cơ tử vong vì ung thư cao hơn 21%. Khi xem xét thêm tiền sử hút thuốc, các bệnh về tim thì nguy cơ còn 14%. Còn nếu không điều chỉnh bất kỳ yếu tố gây nhiễu nào thì nguy cơ cao hơn 2.4 lần.
Để giải quyết tình trạng này, ông Moore cho rằng điều quan trọng là phải áp dụng các chiến lược y tế cộng đồng và lâm sàng để giảm căng thẳng mãn tính. Chẳng hạn định hướng hóa các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần và cung cấp các nguồn lực trong những cơ sở chăm sóc sức khỏe. Đồng thời cần thêm nhiều nghiên cứu hơn để làm rõ nguy cơ của từng loại ung thư và vai trò của căng thẳng.
Trong khi đó, một nghiên cứu riêng biệt của Bác Sĩ Jonah Zuflucht ở đại học University of Pennsylvania năm 2017 cho thấy căng thẳng có thể khiến khả năng phát hiện và chống lại ung thư của hệ miễn dịch kém hơn. (V.Giang)