“Sau khi quân lính cắt 1 dao đầu tiên trên trán cha, cha đã kêu thét thất thanh lên vì đau đớn, và đến nhát dao thứ 7 thì cha tắt thở.
Sau đó xác của cha quân lính đem về băm nát ra rồi thả trôi sông. “
Đó là lời kể của những người tín hữu sống gần ngôi mộ của vị Thánh tử đạo Việt Nam Giuse Marchand Du cũng là nơi pháp trường chỗ cha bị xử bá đao 30.11.1835 tại Huế vì giữ đạo Chúa.
Cái chết của Cha Marchand nêu cao mẫu gương hết lòng vì giáo dân, và là nạn nhân để các tướng giặc trút lên ngài mọi tội phản nghịch lại quốc gia. Song từ quan cho đến dân đều xác nhận ngài phải chết vì không chịu bỏ đạo, mặc dù hình khổ bá đao dành cho những người phản nghịch.
Cha Giuse Marchand sinh ngày 17-8-1803 tại làng Passavant, tỉnh Doubs, nước Pháp. Cha mẹ ngài làm nghề nông, giầu lòng đạo đức. Ban đầu cậu Marchand đã ước muốn làm linh mục, hay bắt chước cha xứ đọc kinh, dâng hương và khuyên giảng. Năm 18 tuổi, 1821, cậu Marchand vào trường Orsans để học sửa soạn làm linh mục và tháng 11-1823 vào Ðại Chủng Viện Besancon. Bạn học làm chứng rằng Thầy Marchand chỉ ước ao gần gũi thân mật với Chúa và các Thiên Thần, còn ngoài ra rất mực khiêm nhường, hơi nóng tính một chút nhưng rất chân thành. Cậu tập hãm mình, mặc áo nhặm và ban đêm ngồi ghế để ngủ.
Sau khi chịu chức Phó Tế, Thầy Marchand muốn vào chủng viện truyền giáo, nhưng cha sở cố sức ngăn cản: “Thầy nên ở lại quê nhà lo liệu cho kẻ có tội và cứng lòng tin trở lại cùng Chúa trước đaõ”.
Thầy Marchand trả lời: “Nếu phải lo cho những người mất đức tin trong nước Pháp trước đã thì sẽ chẳng bao giờ có thể đi làm tông đồ giảng đạo. Có ai ăn ở như thiên thần đâu. Hơn nữa Ðức Thánh Cha đã dậy nhiều người phải đi xa để giảng đạo, thì không có lẽ chối vì muốn giảng đạo cho người xứ sở mà thôi?”
Tháng 11-1828, Thầy Phó Tế Marchand từ giã làng mạc lên chủng viện truyền giáo Paris học tập công việc tông đồ mới. Sau 5 tháng, thầy được chịu chức linh mục và sai đi truyền giáo ở viễn đông. Ngày 24-4-1829 Cha Marchand rời Paris và đến Macao 19-10-1829. Sau cùng vào đầu tháng 3-1830 Cha Marchand tới miền Nam được đức cha cho ở nhà trường Lái Thiêu để học tiếng Việt và lấy tên là Du.
Trước tiên Cha Du sang làm việc với người Việt ở Nam Vang, nhưng không hợp thủy thổ, đức cha chỉ cho người về dậy học ở trường Lái Thiêu và thăm các họ đạo chung quanh. Trong thời kỳ cấm cách các thừa sai ở nhiều dễ bị lộ, đức cha muốn cho Cha Du về Pháp để dậy trường truyền giáo, song cha yêu thích làm việc truyền giáo hơn dù có phải chết cũng cam. Ðức Cha Taberd giao cho ngài coi bổn đạo ở Bình Thuận. Cha Du viết về nhà như sau: “Ðịa sở của con hơn 7.000 bổn đạo, chia làm 25 họ nhỏ cách xa nhau nhiều lắm. Ðể làm hết bổn phận sẽ không còn giờ nào rảnh. Từ 5 giờ sáng cho tới 9 giờ tối không được nghỉ một chút nào. Chính vì con muốn sang đây để làm những việc này nên con rất hài lòng. Chỉ có một điều là con không thể có mặt nhiều nơi một lúc để có thể giúp cho bổn đạo. Phần lớn thời giờ con phải đi ghe nên cũng khó gặp được các bổn đạo hay lương dân để dẫn đưa họ về đạo thật….”
Ngày 6-1-1833 Vua Minh Mệnh ra lệnh bắt đạo toàn diện, các cha phải trốn chạy, nguyên địa phận Ðàng Trong có hơn 300 nhà thờ, 18 nhà dòng phải tháo gỡ. Số giáo dân địa phận Ðàng Trong là 60.000 người do Ðức Cha Taberd cai quản với 9 thừa sai và 17 cha Việt Nam. Ðức cha đang ở Biên Hòa được lệnh quan đã cùng với các cha khác trốn đi. Chỉ có Cha Delamotte trốn ở xứ Quảng, Cha Brigol ở Bình Thuận và Cha Marchand ở Vĩnh Long. Ba cha khác đã bị bắt là Cha Jaccard, Gagelin và Odorico. Cha Du lưu lạc hết Cái Nhum đến Cái Mơn, Bãi San, Rạch Rập. Quan đầu tỉnh Vĩnh Long biết có cụ đạo Tây trốn thì bắt một thầy bói tên là Oai Cú chỉ chỗ. Quan bắt được Cha Ðiền tra hỏi thì cha cứ một mực nhận là Cha Tây nhưng quan không tin.
Trong thời gian chạy trốn có nhiều lần ngài nói tiên tri như ngày nào có loạn, người nào sắp làm quan…. Dân chúng rất tin ngài. Ngày 5-3-1833 cha tới Mặc Bắc. Nhưng lý trưởng ở đây không chịu chứa, cha phải vào rừng để lẩn trốn. Ban đêm lên nhà ngủ, ban ngày chạy trốn, cứ thế trải qua cho đến khi giặc Lê Văn Khôi nổi loạn tháng 7-1833 bắt giáo dân tìm cho bằng được cố Tây về Sài Gòn. Trong thời gian này cha viết thư cho Cha Regéreau ở Nam Vang: “Bây giờ chỉ có mình tôi ở giữa con chiên. Tôi quyết chí bảo bọc họ dầu có phải chết. Có mình tôi là thừa sai ở giữa đàn chiên Chúa giao phó lẽ nào tôi cũng trốn chạy đi, để con chiên bị bách hại một mình. Ước chi tôi có thể đi khắp bốn phương trời mà làm cho đức tin họ thêm kiên cường”.
Các ông trùm định tâm đem ghe chở cha sang Xiêm để quan khỏi bắt được mà làm khốn cả làng. Thấy họ, cha chỉ mặt nói: “Kìa quân dữ đến bắt cha, đuổi nó đi”. Các ông trùm sợ hãi khóc lóc xin tha lỗi. Khi về họ nói với nhau: “Quái! Tính thầm với nhau sao mà cố biết được”. Từ cuối tháng 7, quân của Lê Văn Khôi đã kiểm soát toàn Nam Kỳ nên giáo dân được tự do đến gặp cha. Cha Du lăn xả vào việc giúp đỡ phần hồn cho giáo dân chịu thiếu thốn vì cơn bắt đạo. Giặc Khôi muốn có cha Tây trong thành để việc chiến tranh vững chắc, nên bắt cha sở họ chợ Quán là Cha Phước cùng với quan bộ Hộ mang về Mặc Bắc để bắt Cha Du. Hôm ấy cha đang ở nhà Tham Học, quân của Lê Văn Khôi ập đến mời cha về Gia Ðịnh. Cha nói: “Tôi đi giảng đạo mà thôi, việc chiến tranh tôi không biết chi. Nếu Chúa sai tôi đi đánh giặc thì một mình tôi một tỉnh tôi cũng không sợ”. Quan Ðội Miêng thưa: “Tướng Khôi chia Công Giáo làm ba vệ và tin tưởng người tâm phúc, nếu cha không về ông ta sẽ giận mà chém đầu hết những người có đạo, ở trong thành bây giờ có đạo đông lắm”.
Sau cùng cha chiều theo họ mà đi. Cha về ở họ Chợ Quán với Cha Phước. Quân của Lê Văn Khôi có đến nhờ viết thư sang Xiêm hay cầu cứu người Anh, cha đều từ chối hết. Khi có tin quân triều đình bao vây, cha xin giáo dân chở về Mặc Bắc, song họ nói mọi ngả đều bị vây không có cách nào đi khỏi. Quân của Lê Văn Khôi lại bắt Cha Du lên voi mà đem vào thành Phiên An (Gia Ðịnh). Ngài chỉ khóc mà nói: “Xưa quân dữ bắt Chúa Giêsu, nay nó cũng bắt cha”.
Ngày 24-9-1834, cha viết từ đồn Sài Gòn một lá thư gửi Ðức Cha Taberd nói đến tình cảnh bị bắt buộc ở chung với 4.000 lính Bình Thuận làm phản triều đình. Cha đã từ chối không vẽ mẫu cờ Constantinô để đạo thánh không bị mang tiếng vì quân phản nghịch. Cha khuyên đức cha ở nguyên bên Xiêm, để một mình cha lao đao chịu trận, gánh đỡ mọi sự khốn khó của cơn bắt đạo và giặc giã. Ngày 8-9-1835 tức là sau hai năm vây hãm, triều đình hạ được thành Phiên An bắt được 1940 người, trong đó chỉ có 64 người lính Công Giáo. Tất cả đã bị phân thây chôn ở Chí Hòa gọi là mả ngụy. Cha Du và 4 người bị ghép tội phản nghịch nên bị đóng cũi chờ lệnh.
Các tướng triều đình đóng quân ở Thổ Sơn cho điệu Cha Du đến tra hỏi: “Cha đã tới bao lâu, làm những gì, tại sao lại có mặt ở trong đồn giặc?” – “Tôi ở trong nước đã lâu để rao giảng đạo Thiên Chúa. Ban đầu tôi ở miền dưới song họ đem tôi về Chợ Quán và bắt tôi vào trong thành”. – “Cha có làm gì giúp giặc không?” – “Tôi chỉ giảng đạo và biết có việc giảng đạo mà thôi”. – “Ông có vợ con không, giảng đạo là làm gì?” – “Là đọc kinh, làm lễ và dậy dỗ bổn đạo”. – “Ông có biết làm thuốc mê dụ dỗ bọn ngụy cho nó theo không?” – “Tôi chỉ biết có một việc giảng đạo mà thôi”.
Tại Gia Ðịnh, cha bị tra hỏi ba lần mà cha đều chỉ thưa có vậy. Ngày 15-10, quân lính và tù binh về tới kinh đô trong tiếng reo hò chiến thắng. Các tù nhân bị nhốt trong cũi, xếp một hàng dài ở trại Võ Lâm. Ngày hôm sau các quan tòa tam pháp tra hỏi Cha Du: – “Ngươi có phải là Phú Hoài Nhân (tên vua đặt cho Ðức Cha Taberd) không?”
– “Không”.
– “Ông ấy bây giờ ở đâu?”
– “Tôi không biết”.
– “Ngươi có biết ông ấy không?”
– “Tôi biết lắm nhưng đã lâu không gặp”.
– “Ngươi ở trong nước được bao lâu?”
– “Năm năm”.
– “Ngươi ở những đâu?”
– “Trước hết tôi ở Lái Thiêu, sau này tôi ở nay đây mai đó trong nhà nhiều người mà nay họ chết cả rồi”.
– “Ngươi có giúp Khôi làm giặc không?”
– “Không, ông Khôi cho quân đi bắt tôi đem về Sài Gòn. Việc chiến tranh tôi không biết gì, chỉ làm một việc là cầu nguyện cùng Chúa và làm lễ”.
– “Có phải ngươi viết thơ xin quân Xiêm và giáo dân Ðồng Nai đến giúp ngụy nữa không?”
– “Ông Khôi có bắt tôi viết thơ song tôi không chịu, và nói cho ông ta rằng đạo cấm làm chuyện chính trị. Tôi cũng nói thà chịu chết chứ không làm như thế được. Dù vậy ông Khôi còn đem mấy thơ đến bắt tôi ký tên vào nhưng tôi đã lấy mà đốt đi trước mặt ông Khôi”.
Lần tra khảo này Cha Marchand không bị đánh đập. Ngày hôm sau nữa quan lại hỏi các tướng nghịch. Những người này sợ tội nên đã đổ lỗi hoàn toàn cho Khôi đã chết và cho Cha Du. Họ bịa đặt ra là có đức cha xúi làm loạn để đưa An Hòa, là con của Ðông Cung (hoàng tử Cảnh) lên ngôi. Mấy tướng nghịch cũng đổ tội cho công chúa Kiên An là em của Minh Mệnh xúi dục khởi ngụy, và cho Thái Công Triều, trước theo giặc nhưng đã phản Khôi về hàng triều đình.
Ngày 17-10, quan cho đòi Cha Du đến công đường có bày sẵn các hình cụ và bắt nhận lời như bọn tướng nghịch đã khai. Cha Du cực lực chối bỏ. Cha bị tra tấn thật dã man: hai đứa kềm hai bên, một đứa khác vén quần lên cao để lộ hai bắp vế, một tên khác lấy kìm nung đỏ kẹp vào đùi bên trái. Mọi người nghe tiếng kêu xèo xèo và mùi khét phải quay mặt ra phía ngoài. Lý hình giữ nguyên kẹp cho đến khi nguội hẳn. Cha Du thét lên và ngất xỉu. Cách chừng nửa giờ sau quan lại hỏi nữa và bị kẹp đùi bên phải, thảm cảnh man rợ tái diễn làm Cha Du ngã xuống đất lần thứ hai. Cha vẫn một mực không chịu nhận tội làm giặc mà các quan ép buộc. Quan nói: “Thôi, tên này lớn gan lắm, để thủng thẳng bữa khác sẽ hay. Hãy đem về cũi giam lại”.
Cha còn bị tra hỏi nhiều lần khác song không bị kìm kẹp. Ðứa con lên 7 tuổi của Khôi cũng bị tra hỏi, nó cứ thật mà khai là Cha Du không có can dự gì vào chiến tranh, cũng chẳng làm những điều ông Khôi ép buộc. Không ép buộc được Cha Du nhận tội, các quan bắt cha phải bỏ đạo. Quan nói: “Ngươi chối hoài là không làm gì theo giặc thì thôi, nhưng ngươi không thể chối đã đến đây giảng đạo mặc dù ngươi biết có lệnh vua cấm. Tội này cũng đáng hình khổ nặng lắm. Nhưng nếu ngươi đành lòng bỏ đạo bước qua thập giá thì ta tha cho mọi hình phạt”.
– “Quan lớn rộng lượng như thế thì xin cám ơn, nhưng xuất giáo thì không bao giờ. Tôi thà chịu mọi hình phạt quái gở chứ chẳng thà chối Chúa như vậy”.
Các quan mặc sức chế nhạo và vu khống cho đạo như là làm thuốc mê, gian dâm với đàn bà…. Cha cực lực chối cãi: “Cái việc ấy chỉ là do những người ghét đạo bày đặt ra. Nếu đạo có như vậy thì còn ai dám theo?”
Các quan làm tờ trình như sau: “Năm Minh Mệnh thứ 15, tháng 9, ngày 13, chúng tôi, các quan tòa tam pháp theo lệnh hoàng thượng như sau. Tháng 5, năm vừa qua, chúng tôi xét xử vụ khởi loạn của Khôi ở thành Phiên An, trong số đồng phạm có linh mục Âu Châu tên là Du, cũng gọi là Marchand, đã theo tầu Trung Hoa đến nước năm Minh Mệnh thứ 12 tại cửa Cần Giờ, và trốn tránh tại Vĩnh Long và Biên Hòa để lén lút giảng đạo Gia Tô. Từ đó theo Khôi khởi loạn, liên lạc với kẻ thù của chúng ta là nước Xiêm và tập họp người Công Giáo trong thành…, đã bị bắt và dẫn giải về kinh đô giao cho chúng tôi xét xử. Sau đó chúng tôi đã mở cuộc thẩm vấn và thấy các câu trả lời của tội nhân vi phạm luật lệ quốc gia một cách trầm trọng. Chính tội nhân đã nhận tội lỗi. Vì thế tên đạo trưởng Âu Châu Du hay Marchand có hai tội không những không chịu đạp ảnh mà thực sự có dính líu đến nghịch tặc. Chúng tôi luận phải xử bá đao và phải bêu đầu. Sau khi nhận được lệnh vua, chúng tôi sai hai quan Lang Trung và Chủ cùng với 40 lính thuộc trấn phủ dẫn tù nhân Âu Châu Marchand đến nơi gọi là Trương Ðông, làng Dương Xuân, huyện Hương Toà để hành quyết và chặt đầu bêu như đã chỉ thị”.
Thừa Sai Delamotte và Marette thuật lại vụ hành quyết với nhiều chi tiết hơn: Cha Marchand bị giam tại trại Võ Lâm một tháng rưỡi chờ ngày Vua Minh Mệnh ra lệnh hành hình. Sáng 30-11, lễ Thánh Anrê, 7 phát súng đại bác đánh thức kinh thành Huế dậy đi chứng kiến vụ hành quyết có một không hai trong lịch sử. Các quan đến trại giam dẫn Cha Du, ba tên tướng nghịch và con của Khôi đến cửa Ngọ Môn cho Minh Mệnh thấy mặt. Lính túm ngực tội nhân mà dẫn đi như cách thức dẫn giải một tên phản nghịch, nhấn đầu xuống đất để lạy vua 5 lần. Minh Mệnh nhìn mặt rồi ném quạt xuống đất ra hiệu đem đi mà giết. Cha Du được dẫn đến đại sảnh nơi đô sát viện. Họ cởi áo cha, chỉ để lại một miếng khố nhỏ và một tấm vải ở cổ viết tên: “Ma-Sang danh Du”. Sau đó các tội nhân bị cột vào cây thập giá do 4 người lính khiêng đi đến nơi hành quyết. Tới tòa tam pháp, lính đem Cha Du vào trong trước mặt quan lớn. Hai tên lính ôm chặt hai ống chân kéo thẳng ra, 5 tên khác mỗi đứa một cái kìm nung đỏ kẹp vào 5 chỗ ở chân bên trái. Vì đau đớn quá Cha Du kêu lên: “Ôi cha ơi!” Quan sai lính đứng đàng sau 5 tên lý hình để thúc dục lý hình không được thương hại mà nới tay. Sau khi rút kìm ra, quan hỏi: “Vì lý do gì bên đạo móc mắt người chết?” – “Không bao giờ tôi thấy như vậy”.
Năm tên lý hình lại được lệnh mang kìm nóng kẹp vào chân phải. Mùi thịt cháy khét lẹt làm nhiều người bủn rủn chân tay. Kìm nguội rồi quan lại hỏi: “Tại sao nam nữ trước khi kết hôn đến trước mặt linh mục làm gì?”
– “Họ đến trước mặt linh mục để xin công nhận và toàn thể giáo dân chứng giám, đồng thời xin Thiên Chúa chúc lành”.
Năm mũi kìm nóng lại thi nhau đốt cháy da thịt của vị anh hùng tử đạo. Khi mùi khét và khói ngưng bốc lên, quan lại hỏi: “Trong nhà thờ các linh mục cho bổn đạo ăn thứ bánh quái gở gì mà họ trung thành đến nỗi chết?”
Cha Du phải gượng gạo trong hơi thở yếu ớt trả lời: “Không phải là bánh thường nhưng là Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng tôi, trở nên lương thực nuôi hồn…”
Những lời tra hỏi về đạo này làm chứng rằng Cha Du chịu hành hạ dữ tợn như thế là vì đạo mà thôi. Quan sợ cha chết chưa kịp thọ án nên ngưng tra khảo, và cho các tù nhân ăn uống. Cha Du không ăn gì, chỉ để hết tâm hồn cầu nguyện xin ơn chịu đau khổ cho đến cùng.
Sau khi các tù nhân ăn xong họ bị trói trở lại vào thập tự, miệng phải ngậm đá sỏi và khóa lại bằng tre để khi chịu đau kêu không ra tiếng. Khoảng chừng 100 lính theo lý hình ra pháp trường ở họ Thợ Ðúc. Tại đây có sẵn 5 cọc, lý hình cởi trói Cha Du khỏi thập giá và buộc vào cọc thứ hai, hai bên có hai lý hình, một người cầm kẹp, một người cầm đao, hai tên khác đứng gần để đếm miếng thịt lắt ra và ghi vào sổ. Sau hồi trống lệnh, lý hình xẻo trán Cha Du để che trước mắt, sau đó lấy kẹp mà lôi hai vú ném xuống đất. Lần lượt lý hình kẹp lôi thịt ở hai bên hông mà cắt vất xuống đất. Lúc ấy Cha Du không còn sức nữa, gục đầu xuống và linh hồn về với Chúa. Thấy cha đã chết, tên cầm đao túm tóc kéo đầu lên và chém đứt cổ, bỏ đầu vào thúng vôi. Lý hình xô xác cha xuống đất và tiếp tục cắt thân thể ra từng trăm mảnh, hết bổ dọc đến bổ ngang như một khúc cây. Vì Cha Du khắc khổ, chịu hành hạ nhiều nên không còn máu chảy ra. Khi xong xuôi tất cả, lý hình gom các miếng thịt vụn lại vào mấy thúng, rồi đem giao cho quan để vất xuống sông, còn đầu bỏ vào thùng đem đi khắp nơi trên toàn lãnh thổ. Ðầu Cha Du tới Hà Nội ngày 2-1-1836. Ði đến đâu người ta đều nghe một hơi lạnh ớn xương sống. Sau cùng đầu Cha Du được đưa về Huế bỏ vào cối xay nát và ném xuống biển. Không ai giữ được một di tích nào của vị thánh này.
AnnaTrang
Gx. Cần Giờ, DCCT