KHIÊM TỐN TRONG CẦU NGUYỆN

KHIÊM TỐN TRONG CẦU NGUYỆN

 Lm. GB. Trần Văn Hào

Ông Alexin Carnel, người lãnh giải Nobel về Y khoa năm 1978, đã chia sẻ kinh nghiệm về đức tin khi ông phát biểu: “Cầu nguyện là một hoạt động không thể thiếu để phát triển con người toàn diện.  Càng cầu nguyện, chúng ta càng trở nên con người hơn.”  Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu một lần nữa dạy chúng ta cầu nguyện với sự khiêm hạ chân thành.  Càng khiêm tốn, chúng ta càng trở nên vĩ đại, vì được thông dự vào sự cao cả và quyền năng của Thiên Chúa.  Điều đó cũng tương hợp với tư tưởng của Pascal khi ông nói: “Con người rất nhỏ bé và tầm thường, nhưng chúng ta sẽ trở nên vĩ đại và phi thường nếu biết cầu nguyện.”

 Cầu nguyện: Từ thái độ kiên trì đến tâm tình khiêm tốn

 Tuần trước, lời Chúa khuyên mời chúng ta kiên trì trong việc cầu nguyện qua hình ảnh của Moise đứng giang tay trên núi cầu khẩn khi đoàn quân của ông giao chiến với đội quân Amalếch, hoặc qua thái độ kiên nhẫn của một bà góa đứng kiện cáo nơi cửa công.  Tuần này, Chúa cũng vay mượn hình ảnh khiêm hạ của một người thu thuế, đối nghịch với thái độ cao ngạo của ông Pharisiêu khi lên đền thờ cầu nguyện, để dạy chúng ta phải có thái độ khiêm tốn mỗi lần đến với Chúa.  Chúng ta đã nghe khá nhiều về việc cầu nguyện.  Nhưng sự khiêm hạ Chúa nói hôm nay đòi hỏi nơi chúng ta điều gì và chúng ta đã thực hành như thế nào?

Trước hết, chúng ta nghe lại bài đọc 1 trong sách Huấn ca được đọc lên trong phụng vụ hôm nay.  Tác giả viết: “Đức Chúa là Đấng xét xử, người chẳng thiên vị ai.  Người không vị nể mà hại kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức, lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người góa bụa.”  Ba hạn từ nêu trên, nói về những người nghèo khổ, cô thế cô thân trong xã hội Do thái thời xưa.  Kẻ mồ côi, kẻ bị áp bức, người góa bụa, là những người thấp kém và bị mọi người coi khinh.  Họ là đại biểu của giai tầng thấp nhất trong xã hội, nhưng lời cầu nguyện của họ luôn được Thiên Chúa lắng nghe.  Trong bài giảng trên núi, Chúa công bố bản Hiến chương Nước Trời với 8 mối phúc dành cho những ai ‘nghèo khó, hiền lành, khóc lóc, bị áp bức…’, tức là những con người luôn biết sống khiêm hạ, không vênh váo và tự mãn về cái tôi của mình như những người quyền quý hay cao sang.  Sự khiêm hạ đó một lần nữa được Chúa nói tới qua hình ảnh người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, đối kháng với sự kiêu căng tự mãn của người Pharisiêu.  Vào thời Chúa Giêsu, dân chúng luôn dị ứng và tẩy chay những người hành nghề thu thuế.  Họ được xếp ngang với bọn đĩ điếm và phường tội lỗi.  Dân chúng ghét họ vì 3 lý do.  Thứ nhất, họ làm tay sai cho đế quốc Rôma.  Thứ hai, họ phản bội tổ quốc và đồng bào ruột thịt.  Thứ ba, khi đụng đến tiền bạc, chắc chắn họ dễ rơi vào tham nhũng hay hối lộ.  Những người thu thuế thường hay thu quén tiền bạc cách bất chính trên xương máu và mồ hôi nước mắt của người khác.  Đế quốc Rôma ra chỉ tiêu về tiền thuế phải nộp, còn họ sẽ bày ra phương cách để có thật nhiều tiền.  Vì vậy, dân Do Thái luôn khinh ghét họ và xếp họ chung với phường tội lỗi.

Người thu thuế ra về được nên công chính, còn người kia thì không (c.14)

 Sự công chính nơi người thu thuế khởi đầu từ việc ông nhận ra lỗi lầm của mình và thực tình sám hối.  Sám hối, theo nguyên ngữ Hy Lạp ‘Metanoia’, có nghĩa là ‘trở về.’  Sám hối không phải chỉ là đấm ngực mình cách máy móc như nhiều khi chúng ta vẫn hay làm khi đọc kinh ‘tôi thú nhận.’  Hành vi đấm ngực, cúi gầm mặt xuống vì xấu hổ nơi người thu thuế là bước khởi đầu của cuộc hành trình trở về.  Thánh Luca trong chương 15 kể dụ ngôn đứa con đi hoang để nói về cách sám hối chúng ta cần biểu tỏ.  Chàng thanh niên can đảm đứng lên, giã từ quá khứ để trở về nhà trong vòng tay yêu thương của Cha.  Sự công chính chúng ta có được không phải do nỗ lực cá nhân, nhưng trước hết là do ơn sủng nhưng không, đến từ Thiên Chúa.  Trong thơ Rôma, Thánh Phaolô đã cắt nghĩa rất rõ: “Ân sủng Đức Kitô làm cho chúng ta nên công chính, vì ở đâu tội lỗi càng nhiều, ơn sủng càng chan chứa gấp bội (Rm 5, 20-21).  Đức Giêsu đã khiêm nhường, tự hạ chấp nhận cái chết và máu của Ngài làm cho chúng ta được công chính hóa.  Vì vậy điều kiện tiên quyết để được tha thứ và chữa lành, chính là thái độ khiêm tốn nội tâm.

Muốn sống khiêm tốn phải biết mình

 Người thu thuế biết rõ về chính mình, về những bất xứng và tội lỗi anh ta đã gây ra.  Từ chỗ biết mình, anh đã can đảm đi ra khỏi cái tôi để quy hướng về Thiên Chúa.  Ngược lại, người biệt phái quá kiêu ngạo, tưởng rằng biết rõ về bản thân, nhưng thực sự thì không.  Ông chỉ biết quy về mình.  Ông trưng ra những thành tích đạo đức để khoe mẽ mà không biết rằng những việc tốt mà ông có thể làm, tất cả là do ơn của Chúa chứ không phải do công lao của ông.  Ông đến đền thờ cầu nguyện tựa như đi tham dự một hội nghị biểu dương ‘Người tốt việc tốt’, giống như xã hội hôm nay vẫn hay tổ chức.  Một người đứng lên giữa đám đông kể ra những ‘thành tích xuất sắc’ của mình để nhận bằng khen hay giấy khen, nhiều khi rất lố bịch và giả tạo.  Nhiều người đi tham dự hội nghị còn đeo đầy huy chương để khoe cho mọi người biết tôi là người có công với đất nước.  Người Pharisiêu trong dụ ngôn hôm nay cũng thế.   Ông ta trưng ra những thành tích đạo đức để mong Chúa ban cho ông một tấm bằng khen.  Chúa biết rõ tâm hồn mỗi người, từ những gì sâu kín nhất tận bên trong.  Điều Chúa mong muốn nhất, chính là sự khiêm hạ và thành tâm sám hối.  Khi chúng ta đến trình diện trước mặt Chúa, Chúa không thích ngắm những bộ huy chương chúng ta đeo trên ngực hay nhìn những bằng khen chúng ta trưng ra để khoe khoang.  Ngài chỉ thích mân mê sờ nắn những vết sẹo nơi tâm hồn chúng ta, là dấu chứng tội lỗi chúng ta phạm nhưng đã được Thiên Chúa yêu thương và chữa lành.  Câu chuyện dụ ngôn trong bài Tin mừng hôm nay khẳng quyết điều ấy.

Kết luận

 Bắt chước người thu thuế trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy đến với Chúa với tâm tình sám hối và khiêm hạ, đặc biệt khi chúng ta giơ tay đấm ngực mỗi lần dâng Thánh lễ.  Nhiều khi chúng ta đấm ngực mình một cách rất máy móc để rồi khi về đến nhà, lại giơ tay đấm nhầm qua ngực người khác, bằng cách kết án hết người này đến người nọ.  Chúng ta mượn lại tâm tình của Thánh Charles de Faucauld để thưa lên với Chúa: “Lạy Chúa, dù còn xấu xa hay tội lỗi đến mấy, Chúa cũng không bao giờ kết án và luận phạt.  Chúa cho con tự do để làm mọi sự, nhưng Chúa luôn cấm con không được thất vọng trước sự khốn nạn do tội lỗi con gây ra.  Lạy Chúa, xin xót thương con.”

Lm. GB. Trần Văn Hào

From: Langthangchieutim

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay