VOA Tiếng Việt
Nữ tỷ phú bất động sản Trương Mỹ Lan bị công an Việt Nam bắt hôm 8/10 với cáo buộc bà phạm tội lừa đảo. Trong cùng ngày, Ngân hàng Sài gòn (SCB) lên tiếng trấn an khách gửi tiền rằng vụ bắt bớ không ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng.
Nhiều báo Việt Nam loan tin Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với bà Lan vì tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, liên quan đến việc phát hành, mua bán trái phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông.
Bà Lan, sinh năm 1956, là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị nhà chức trách xác định “có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của người dân” trong hai năm 2018, 2019.
Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam 3 người bị xem là đồng phạm của bà Lan. Đó là Trương Huệ Vân, sinh năm 1988, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Quản lý Bất động sản Windsor, cũng là cháu ruột của bà Lan; Nguyễn Phương Hồng, sinh năm 1984, trợ lý tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; và Hồ Bửu Phương, sinh năm 1972, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt, cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Bộ Công an cho hay họ đang tập trung lực lượng điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các bị can nêu trên, đồng thời nhắm tới “triệt để thu hồi tài sản”.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Lan đã và đang sở hữu những bất động sản được cho là đắc địa bậc nhất ở thành phố Hồ Chí Minh, trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Khởi đầu, bà Lan mở một công ty trách nhiệm hữu hạn vào năm 1992, hoạt động trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Sau đó, vào năm 2007, công ty này mở rộng đầu tư và phát triển sang lĩnh vực bất động sản, với việc thành lập thêm Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty CP Đầu tư An Đông.
Vụ bắt giữ bà Lan và những người liên quan làm rúng động nhiều khách hàng gửi tiền vào ngân hàng SCB vì có những thông tin truyền miệng cho rằng ngân hàng này có liên quan đến các khoản đầu tư của bà Lan và công ty An Đông. Trong sáng 8/10, rất đông người xếp hàng rút tiền tại SCB.
Vào buổi chiều cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức họp báo, trong đó, các đại diện của cả Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng SCB đều đưa ra lời trấn an rằng SCB không liên quan và không bị ảnh hưởng từ việc bà Lan bị bắt giữ.
SCB khẳng định Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB và bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý hay điều hành tại SCB. Do đó, vụ bắt bớ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB.
Các báo Việt Nam dẫn lời vị đại diện của SCB nói rằng “Ngân hàng Sài Gòn cam kết có đầy đủ giải pháp, nguồn lực để bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền, lợi ích của đối tác và khách hàng của SCB theo quy định của pháp luật”.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú trả lời báo chí rằng ngân hàng cấp quốc gia khẳng định sẽ có những biện pháp nhằm tiếp tục đảm bảo hoạt động liên tục và ổn định cho SCB, đồng thời cũng sẽ có những giải pháp, chính sách theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tại SCB.
“Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân có tiền gửi tại SCB cần thận trọng trước khi quyết định rút tiền gửi, nhất là những khoản tiền gửi rút trước hạn, vì khi đó sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình đáng ra được hưởng về lãi suất có thời hạn tại SCB”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói thông qua báo chí.