Trung Quốc có thể dựa trên các lập luận của Nga đối với Ukraine để sáp nhập một số lãnh thổ của VN vào Trung Quốc

Trung Quốc có thể dựa trên các lập luận của Nga đối với Ukraine để sáp nhập một số lãnh thổ của VN vào Trung Quốc

Trương Nhân Tuấn

1-10-2022

Đúng như tôi dự đoán vài hôm trước, Putin làm thủ tục sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine vào Nga, sau đó lên tiếng đề nghị ngừng bắn và đàm phán. Đây là một thủ thuật “cổ điển” của Nga. Nhiều “enclave” của Nga (Transnistrie, Ossétie…) đã chiếm được bằng phương cách tương tự như vậy.

Cuộc bỏ phiếu ở Hội đồng bảo an LHQ kết quả biết trước vì Nga sẽ bỏ phiếu “Veto”. Ấn Độ và Trung Quốc bỏ phiếu trắng nhưng ý kiến của hai cường quốc này lại quan trọng. Ấn Độ chủ trương “hai bên ngừng bắn và đối thoại”. Trung Quốc cũng có ý kiến tương tự.

Như tôi dự đoán trong bài viết hôm kia, mục đích “ngừng bắn và đàm phán” của Putin nhằm làm thỏa mãn yêu sách của Ấn Độ và Trung Quốc. Mà thực ra, nếu ta suy nghĩ sâu thêm, chính Ấn Độ và Trung Quốc đã đưa tay kéo Putin, một người đang chết mệt ra khỏi vũng lầy. Ngừng bắn vào lúc này Putin là phía chiến thắng. Bởi vì quân Nga cần thời gian để “tái phối trí” tiền phương và củng cố hậu cần.

Theo tôi chiến tranh sẽ không dễ dàng chấm dứt sau lời kêu gọi “ngừng bắn và đàm phán” của Putin.

Bằng mọi cách Zelensky sẽ thúc đẩy chiến sự để giành lại lãnh thổ.

Thắng hay bại của Zelensky trong cuộc chiến, sẽ tùy thuộc vào viện trợ của Mỹ và EU. Mỹ vừa thông qua thêm một “gói” viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm các hệ thống HIMARS. Hiện thời quân Ukraine đang chiến thắng ở khu vực Donetsk. Ở thành phố Lyman quân Nga đang bị bao vây. (Nếu sử dụng bom N thì Putin sẽ sử dụng ở đây để giải vây cho quân Nga).

Như tôi đã nói hôm kia, biên giới của NATO từ nay sẽ mở rộng về phía đông. Không chỉ các giàn hỏa tiễn phòng không (như Patriot) của NATO sẽ đặt ở biên giới Ukraine và Nga mà còn có các lực lượng bộ binh và thiết giáp. Khả năng này rất có thể sẽ xảy ra, cách này hay cách khác.

Nếu không vào được NATO do thủ tục đồng thuận của tất cả (vì sự chống đối của một vài quốc gia thân Nga) thì Ukraine có thể gia nhập vào một liên minh quân sự mới, bao gồm Mỹ, Anh, các quốc gia Bắc Âu, Baltic và Ba Lan. Các quốc gia Bắc Âu, Baltic và Ba Lan có cùng một lo ngại. Putin sẽ không ngừng lại ở Ukraine mà sẽ mở mặt trận qua hướng khác, Bắc Âu và Baltic, không loại trừ Ba Lan.

Phản ứng của các quốc gia thuộc “liên minh quân sự hỗ tương với Nga” cũng tương tự. Họ cũng lo ngại lan vào tình trạng của Ukraine. Các quyết định của Putin (về chiến tranh cũng như việc sáp nhập lãnh thổ của Ukraine) không thuyết phục được họ. Hiệp ước này sẽ vô hiệu lực nếu Putin đồng hóa việc “giải phóng lãnh thổ” của Zelensky với hành vi tấn công vào lãnh thổ nước Nga.

Hiện thời Kazakstan là quốc gia (cựu LX) dễ lâm vào tình trạng của Ukraine. Vì vậy ta không ngạc nhiên khi thấy tổng thống xứ này nghiêng về TQ để tìm thế đối trọng.

Theo tôi, Đại hội đồng LHQ kỳ họp sắp tới sẽ có Nghị quyết lên án các việc “trưng cầu dân ý dỏm” và việc sáp nhập lãnh thổ của Ukraine. Ta thấy số quốc gia ủng hộ Ukraine ban đầu áp đảo, nhưng con số ngày càng sụt giảm. Hy vọng kỳ bỏ phiếu tới Ukraine sẽ được sự ủng hộ của đại đa số. Theo tôi, chúng ta cần theo dõi lá phiếu của Việt Nam. Trong chừng mực, TQ có thể dựa trên các lập luận của Nga (đối với Ukraine) để sáp nhập một số lãnh thổ của VN vào TQ.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay