Một cô giáo 33 tuổi ở Quy Nhơn vừa mới tự tử, để lại bức thư tuyệt mệnh với những dòng dưới đây:
“Sau những áp lực công việc mà giáo viên phải làm lên lớp, giảng dạy, chủ nhiệm, kế hoạch bài dạy, ra đề thi, chấm kiểm tra, ráp phách và sau cùng so điểm, hồi hộp không biết có tên mình sai sót trong đó không. Trong khi thời gian quá ít mà lượng công việc quá nhiều. Bao nhiêu thứ giáo viên là người chịu.
Những công việc trên em đều làm được hết. Cẩn thận được hết. Nhưng có một việc mà em không thể chấp nhận được đó là điều khiến em phải ra đi hôm nay.
Em mong khi em đi rồi, tuyệt đối không cho một ai là giáo viên đến viếng em. Nếu em được sống các kiếp tiếp theo, em không bao giờ ước một cái nghề cao quý này cả, thật kinh tởm”. […]
Tôi đọc được tin này trong bài đăng của thầy Ngọc Sơn (người đã làm đơn xin nghỉ việc vì “nạn dối trá trong giáo dục” gây xôn xao dư luận năm ngoái). Dưới bài có một người bình luận: “Chết ngu”.
Tôi tin rằng các bạn, những người đang ở ngoài và ngày ngày lên án giáo dục, vĩnh viễn không bao giờ hiểu được những thầy cô giáo mà còn chút lương tâm và tình yêu, họ đang phải trải qua những gì đâu. Trước đây, khi nghỉ việc, tôi đã phải ruột gan mà nói với những người tôi thương yêu rằng, “Nếu không ra khỏi đó, tôi có thể trầm cảm hoặc phát điên”.
Có thể nhìn nhận và cảm nhận của mỗi người là không giống nhau, nhưng với tôi, có lẽ trên mặt đất này không nơi đâu đáng sợ và khủng khiếp bằng các trường học hiện nay. Từ những áp lực vô lý vô nghĩa, ngột ngạt, bất công, rắc rối, lạnh lẽo, nó gây nên nỗi bức xúc, buồn bã, mỏi mệt, sợ hãi, giận dữ, trộn lẫn với những ước mơ, khát vọng và vô vọng, làm thành một cái không khí mà nếu ta còn chút nhạy cảm với đời sống, nhạy cảm với con người thì ta sẽ không thể nào chịu đựng nổi.
Cầu nguyện cho cô giáo sẽ đến được một thế giới nhiều yêu thương hơn. Nếu sau này cô có đầu thai, xin đừng về lại xứ sở này, vì “đâu đâu cũng dòng Mịch La”.
Tiễn biệt cô giáo. Thương cô.
– Thái Hạo