Vợ Chồng : Từ cãi vã đến giải quyết vấn đề
Sau nhiều năm kết hôn, bạn và vợ/chồng của mình có bị cuốn vào một vòng luẩn quẩn của những cuộc cãi vã hay không? Chẳng hạn như làm thế nào để cân bằng giữa công việc và gia đình, hay ai là người phải thực hiện nghĩa vụ gia đình và giáo dục con cái…
Có thể mối quan hệ của bạn và nửa kia đang rơi vào cảnh khó khăn và phiền não về điều đó. Các cuộc tranh cãi đôi khi căng thẳng đến mức biến thành những lời chỉ trích vô ích, nhưng không ai muốn mạo hiểm xé bỏ mối quan hệ, và cũng không biết cách nào thoát ra. Bài viết này sẽ giới thiệu một phương pháp tuyệt diệu do các chuyên gia hôn nhân Mỹ phát hiện, để đưa mối quan hệ trở lại đúng quỹ đạo sau một cuộc tranh cãi nảy lửa thì chỉ cần nói một câu này thôi: “Chúng ta ở cùng một đội” (We are on the same team).
“Chúng ta ở cùng một đội”! Trong các cuộc tư vấn hôn nhân, người ta phát hiện rằng câu này có thể ngay lập tức đóng vai trò như một lời nhắc nhở và nhanh chóng kết thúc cuộc cãi vã. Rất nhiều cặp vợ chồng ngay lập tức nhận ra rằng người trước mặt không phải là kẻ thù của họ, sau đó có thể bắt đầu lắng nghe, giao tiếp và nhượng bộ để đi đến giải pháp.
Cô Marie Land, một nhà tâm lý học và trị liệu hôn nhân ở Washington, D.C. cho biết, khi từ “cùng một đội” xuất hiện, cường độ tranh cãi của các cặp vợ chồng có thể nhanh chóng giảm xuống. Sử dụng câu này một cách khôn ngoan và đúng lúc có thể nhắc nhở cả hai quay lại quá trình giải quyết vấn đề. Bởi vì hôn nhân giống như một trò chơi đồng đội, tinh thần hợp tác là đặc biệt quan trọng, dùng những lời lẽ sắc bén để đánh vào điểm yếu của đồng đội sẽ chỉ khiến bạn thua trận với tốc độ nhanh nhất.
“Khi nói ‘chúng ta ở cùng một đội’, có nghĩa là bạn không muốn cả hai rơi vào tình huống chia rẽ một lần nữa, trong khi vẫn đánh giá cao mối quan hệ giữa hai bên”. Cô Marie Land chỉ ra, “Làm như thế cho phép cả hai hạ tâm phòng bị xuống và bình tĩnh lại, cùng đi vào trạng thái tìm giải pháp.”
Khi thực hiện thành công một lần, từ đó về sau sẽ càng có cơ hội hình thành được một mối quan hệ hữu hảo giữa hai vợ chồng. Khi một sự việc tương tự xảy ra, từ “cùng đội” sẽ là một lời nhắc nhở tử tế và sự hiểu ngầm, cả hai bên đều sẽ nhớ lại trước đây họ đã đạt được những nhượng bộ và hiểu biết lẫn nhau như thế nào, từ đó có thể tập trung vào giải quyết vấn đề nhanh hơn và tốt hơn.
Hoặc là cả hai cùng có lợi, hoặc là cả hai đều thua
Cô Jennifer Chappell Marsh, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình ở San Diego chỉ ra rằng, điều khiến câu nói này trở nên hiệu quả là bởi vì nhu cầu tình cảm trong khi trò chuyện đã được công nhận, điều này rất quan trọng trong việc đạt được một kết quả tích cực. Nói chung, nguyên nhân biến một cuộc trò chuyện đơn giản thành chỉ trích lẫn nhau là vấn đề về giao tiếp. Nếu các cặp đôi xem cuộc trò chuyện như một cuộc chiến thắng thua, thì là đã đi sai hướng ngay từ đầu. Có thể một bên sẽ sử dụng thủ đoạn cưỡng chế để cuối cùng khiến bên kia phải phục tùng, nhưng điều này không có lợi cho sự phát triển lành mạnh giữa hai người trong tương lai, hơn nữa là rất thiếu khôn ngoan khi làm như vậy, nó không hề thực sự giải quyết được vấn đề.
Vì vậy, câu nói “chúng ta ở cùng một đội” có thể khơi dậy sự thông cảm và ý thức hợp tác của cả hai trên cơ sở nhìn nhận lẫn nhau, phá bỏ vòng luẩn quẩn của sự oán hận, loại bỏ sự cạnh tranh thắng thua. Bạn cũng có thể nghĩ như thế này trong đầu: Tại sao tôi lại bị ám ảnh về việc thắng trong cuộc cãi nhau như thế? Tại sao ngay từ đầu trong tiềm thức đã đặt đối phương vào phía đối lập?
Các nhà tâm lý học đã phân tích rằng điều này có thể liên quan đến nhu cầu cần được lắng nghe và chấp nhận trong tiềm thức của con người, và “người chiến thắng” có thể có được cảm giác an toàn, còn “thua trận cãi vã” trước mặt vợ/chồng có thể khiến người ta cảm thấy tồi tệ, sợ hãi, thất vọng, chán nản và mất đi cảm giác an toàn, đó là lý do tại sao mọi người muốn “chiến thắng” bằng mọi giá. Lâu dần, nhiều người hình thành thói quen tranh chấp, đặc biệt là trước mặt người thân yêu nhất của họ, nhưng lại bỏ qua thực tế rằng vợ chồng là một thể cùng chung lợi ích.
Một số cặp vợ chồng già đã kết hôn hàng chục năm, từng trải qua nhiều lần va vấp trong quan hệ tình cảm thuở còn trẻ, thậm chí có những tranh chấp gay gắt, nhưng những ai đã từng đi trên con đường này cuối cùng đều phát hiện rằng: vợ chồng thực sự là “cùng chung một đội”. Bạn vĩnh viễn không thể “chiến thắng” được người bạn đời của mình, nếu không phải cả hai cùng thắng, thì cả hai sẽ cùng thua.
Huấn luyện viên hôn nhân Trey Morgan ở Texas cho biết, nỗi sợ hãi và bất an sau khi “thua một cuộc tranh cãi” có thể khiến bạn khó chấp nhận sự thật rằng “vợ chồng cùng chung một đội”. “Ban đầu cả hai đều muốn giành chiến thắng, nhưng sau nhiều năm, chắc chắn họ sẽ thỏa hiệp với nhau.”
Xét từ rất nhiều trường hợp hôn nhân thực tế, một khi cặp vợ chồng nhận ra sự thật rằng họ “cùng đội”, thì tranh chấp sẽ biến mất, và phần còn lại chỉ là giải quyết vấn đề sao cho có hiệu quả. Lúc này, cả hai đều sẵn sàng suy nghĩ theo chiều hướng của đối phương, thấu hiểu nhau và đi đến thống nhất cuối cùng.
Nhà trị liệu hôn nhân và gia đình Winfred Reilly ở Berkeley, California, đưa ra lời khuyên rằng: khi cả hai bên đã bình tĩnh lại, hãy hỏi nửa kia một cách cởi mở và trung thực rằng trong vấn đề này, đối với họ, khía cạnh nào là quan trọng nhất? Cái gì làm họ phiền nhất? Họ muốn bạn hiểu điều gì? Lúc này đừng nhấn mạnh vào lập trường của bản thân mà hãy bắt đầu lắng nghe và chấp nhận đối phương.
Các chuyên gia về hôn nhân khuyên mọi người khắc cốt ghi tâm câu nói “chúng ta ở cùng một đội”. Nếu có thể nắm vững được bí quyết sử dụng thì cuộc sống vợ chồng sẽ trở nên suôn sẻ hơn. Ngay cả khi mọi thứ không diễn ra theo cách bạn mong muốn, thì tâm thái cao của bạn sẽ khiến đối phương cảm thấy được tôn trọng chứ không phải bị tổn thương, mối quan hệ giữa cả hai vẫn có thể duy trì khăng khít như mọi khi, và sẽ tiếp tục phát triển lành mạnh lâu dài.
Chu Uyển Tình – Xuân Hoàng