Tranh Bùi Chát, quyền sử dụng đất và sự lạm dụng công cụ hành chính

Tranh Bùi Chát, quyền sử dụng đất và sự lạm dụng công cụ hành chính

Huy Đức

24-8-2022

Ảnh: FB tác giả

Cách Thành phố Hồ Chí Minh giải thích, “buộc tiêu hủy 29 bức tranh của Bùi Chat có căn cứ pháp luật” là hiểu một cách máy móc Điều 4 của Nghị định 38. Những bức tranh này không phải có được “do vi phạm hành chánh” mà Bùi Chat đã sáng tác chúng trước khi triển lãm diễn ra. Đối tượng tiêu hủy thuộc điều 4 phải là những thứ như thư mời, banners, posters… được làm khi triển lãm.

Ngay cả với phần xây dựng trái phép hoặc vượt quá giấy phép [loại tài sản phải đăng ký], thường “do vi phạm hành chánh gây ra”, việc “buộc tháo dỡ” vẫn còn nên cân nhắc. Những bức tranh này là tài sản [thuộc loại tài sản không phải đăng ký] do Bùi Chat thủ đắc bằng lao động sáng tạo trước khi triển lãm [Nội dung các bức tranh không vi phạm điều gì khác].

Chỉ có người sở hữu nó, Bùi Chát, mới có quyền “tiêu hủy” chúng.

Tất nhiên, lỗi ở đây còn xuất phát từ cấp ban hành Nghị định. Không chỉ có rất nhiều quy định có thể bị diễn dịch sai. Những người soạn thảo thường không tiên liệu được sự vô lý khi đưa ra các chế tài. Khắc phục hậu quả thường chỉ là một hình phạt bổ sung, thế nhưng, trong nhiều trường hợp, hình phạt bổ sung thường nặng hơn rất nhiều so với hình phạt chính.

Không chỉ ở cấp ban hành nghị định, các nhà lập pháp Việt Nam thường rất lạm dụng công cụ hành chính vì gần như không hiểu rằng, quyền về tài sản là một quyền dân sự, định đoạt nó là quyền của chủ sở hữu hoặc thông qua các giao dịch dân sự hoặc trong trường hợp có tranh chấp, là quyền tư pháp.

Sai lầm này còn lưu cữu nhiều thập niên trong Luật Đất đai.

Trong gần 30 năm qua, tại sao Luật Đất đai dù đã rất tiến bộ do với thời Hiến pháp 1980, vẫn gây ra bức xúc lớn, nhất và khiếu kiện kinh niên trong dân chúng. “Sở hữu toàn dân” khi mà vẫn có ý nghĩa như một liều thuốc phủ dụ những ai tin tưởng vào “định hướng xã hội chủ nghĩa” của ngày xưa thì có thể chưa cần thay thế; nhưng, phải tiếp cận nó một cách pháp quyền.

Không có cái gì có thể định giá được mà không được coi là tài sản [nguyên tắc căn bản của dân luật]. Quyền sử dụng đất đã được Bộ Luật Dân sự 2015 xác định là “tài sản”. Thế nhưng, cho đến hiện nay, quyền về tài sản đối với quyền sử dụng đất vẫn rất dễ dàng bị định đoạt bởi một quyết định hành chánh kể từ cấp huyện [quyền thu hồi đất].

Những người lý giải, “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý” nên nhà nước có quyền định đoạt là hiểu chưa đúng về quyền sở hữu và quyền quản lý.

Nên nhớ, “toàn dân” mới nắm quyền sở hữu, nhà nước chỉ được trao quyền quản lý. Và, rất nhiều người trong bộ máy công quyền của Việt Nam khi nói đến “quản lý” thường nghĩ ngay tới công cụ hành chánh mà không hiểu “quản lý nhà nước” còn bao gồm cả quyền lập pháp và tư pháp.

Không phải tự nhiên mà Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra quyết định vừa đề nghị sửa đổi điều khoản trong Nghị định dẫn đến việc “tiêu hủy tranh”. Họ cảm nhận được làm thế là phi lý.

Ở nhiều địa phương, người dân đã từng bán ruộng đất của mình cho nhà đầu tư thấp hơn cả giá “đền bù” nhưng những người này rất ít khi kiện tụng hay lật kèo. Giao dịch dân sự cho dù với giá nào cũng là tự mình thực hiện quyền của mình với tài sản. Bị thu hồi, ngược lại, cho dù được đền bù giá nào, vẫn mang đến cho người dân cảm giác ức chế vì bị tước đoạt.

Một chính sách mà không làm cho người dân, cho dù ít hiểu biết pháp luật nhất, có được cảm nhận công lý thì chính sách đó, không thất bại thì cũng gieo vào lòng dân mầm mống của sự bất bình.

PS: Vì tôi đã viết rất nhiều lần công cụ thay thế quyền thu hồi quyền sử dụng đất nên xin phép không nhắc lại.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay