THÁNH BARNABA TÔNG ĐỒ
Thánh Barnaba vốn là một Thầy Lê-vi, và là con của một chủ trang trại người Sýp, gốc Do-thái. Tên khai sinh của Ngài là Giu-se, nhưng các Tông Đồ đã đổi tên cho Ngài là Barnaba, nghĩa là người có tài yên ủi (Cv 4,36). Trong cuộc bầu chọn để trở thành thành viên của nhóm Mười Hai, Barnaba cũng là một trong hai ứng cử viên được đề cử để thế chỗ cho Giu-đa Ít-ca-ri-ốt. Tuy nhiên khi các Tông Đồ tổ chức rút thăm thì Ngài đã không trúng, nhưng thánh Mát-thi-a đã trúng (Cv 1,23-26). Sau khi gia nhập cộng đoàn Giáo hội sơ khai, Thánh Nhân đã bán hết tài sản, nhà cửa và ruộng vườn của mình đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ (Cv 4, 36-37). Thánh Nhân còn là người có tài khuyên bảo, đầy Thánh Thần và Đức Tin (Cv 11,23-24). Không những thế, Thánh Bác-na-ba còn là người bảo lãnh để Cộng đoàn Giáo hội tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem đón nhận Thánh Phao-lô, khi vị Tông Đồ này trở lại (Cv 9,26-27).
Sau khi Thánh Phao-lô bị gửi về quê, còn mình thì được các Tông Đồ cử đến Antiochia (tức Antakya ngày nay), Thánh Barnaba đã trẩy đi Tác-xô để tìm Thánh Phao-lô. Sau đó cả hai cùng trở lại Antiochia và cùng hoạt động truyền giáo tại đó trong suốt một năm (Cv 11,22-26). Thánh Barnaba cũng đồng hành với Thánh Phao-lô trong cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên tới đảo Sýp, cũng như tới vùng Tiểu Á. Cả hai đã cùng tham dự Công Đồng Giê-ru-sa-lem. Tại Công Đồng này, các Tông Đồ đã thống nhất đưa ra quyết định sẽ thi hành sứ mạng truyền giáo cho cả người Do-thái lẫn người gốc dân ngoại (Cv 15,2-35).
Một cuộc tranh cãi đã nổ ra giữa Thánh Phao-lô và Thánh Barnaba vì vấn đề liên quan đến bổn phận phải tuân giữ những quy định của Do-thái giáo đối với các Ki-tô hữu gốc dân ngoại (Gl 2,11-14; Cv 15,22-35), cũng như vì vấn đề của Gio-an Mác-cô, em họ của Barnaba. Do cuộc tranh cãi này nên hai vị Tông Đồ đã chia tay nhau. Sau đó, Thánh Barnaba cùng với Thánh Mác-cô đến thăm các Cộng Đoàn tại đảo Sýp, quê hương của Ngài (Cv 15,39). Theo nhiều truyền thuyết có tính huyền thoại, thì Thánh Barnaba đã chữa lành nhiều bệnh tật bằng cách dùng cuốn Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu mà Ngài luôn mang theo mình, để đặt lên đầu các bệnh nhân. Cũng theo truyền thuyết, Thánh Barnaba còn đến truyền giáo tại Rô-ma, và đã ban Bí Tích Thanh Tẩy cho một tân tòng, mà sau này người tân tòng ấy đã trở thành Giám mục của Rô-ma, tức Đức Giáo Hoàng Clê-men-tê I. Rời Rô-ma, Ngài đến Mi-lan, và được coi là Giám mục tiên khởi của Giáo đoàn này. Nhưng theo một truyền thuyết khác thì Thánh Bác-na-ba đã trở lại đảo Sýp, và tại đó, Ngài được phúc Tử Đạo với việc bị ném đá đến chết.
Một số chuyên gia đã coi Thánh Barnaba ngang hàng với Thánh Phao-lô về tầm quan trọng của Ngài trong công cuộc truyền giáo cho dân ngoại. Có một bức thư mang tên Ngài, nhưng nó được coi là mạo danh, và cũng được xếp vào hàng các sách Ngụy Thư. Bức thư này muốn chứng minh những giáo thuyết của Ki-tô giáo nguyên thủy về Chúa Giê-su Ki-tô và về cuộc khổ hình của Ngài như là sự tương ứng và hài hòa với Cựu Ước; trong thời Giáo hội cổ đại, bức thư này đôi khi được coi là thành phần của quy điển Tân Ước. Thực tế thì bức thư đó đã xuất hiện khá muộn, chỉ khoảng vào năm 130, và với cách giải thích Cựu Ước có tính bài Do-thái của mình, nên nó không được công nhận là của Thánh Barnaba. Cũng có một cuốn Tin Mừng mạo danh Thánh Nhân, nhưng tiếc rằng nó đã bị thất truyền. Một tác phẩm khác cũng mạo danh Thánh Nhân, nhưng mãi tới thế kỷ XVI nó mới được biên soạn. Theo một truyền thống trước đây, mà truyền thống này phát xuất từ Tertullianô, Thánh Barnaba được coi là tác giả của Thư gửi Tín Hữu Do-thái. Các Giáo hội Chính Thống đã liệt Thánh Nhân vào nhóm 70 môn đệ do đích thân Chúa Giê-su tuyển chọn.
Tương truyền về việc Thánh Barnaba được hưởng phúc Tử Đạo tại đảo Sýp xem ra đáng tin cậy hơn. Nếu đúng thế thì Ngài đã được phúc Tử Đạo vào khoảng năm 63 dưới thời hoàng đế Nero, và được an táng tại đó trong một hang mộ của một nghĩa trang lớn thuộc vùng Salamis cổ, tức khu hoang tàn của Famagusta ngày nay (phía Đông đảo Sýp). Một ngôi Thánh Đường của Giáo hội Sýp đã được kiến thiết ngay trên ngôi mộ của Ngài. Sau một cuộc tranh cãi lâu dài giữa các nhà lãnh đạo của Giáo hội Sýp với Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Antiochia về tính độc lập của Giáo hội Sýp, tại Công Đồng Ê-phê-sô, các Nghị Phụ đã đưa ra quyết định nghiêng về Giáo hội Sýp, nhưng Antiochia đã thu hồi quyết định đó. Theo tương truyền, vào năm 477, trong một buổi tối, Thánh Barnaba đã hiện ra với Đức Tổng Giám Mục Anthemios của đảo Sýp, và đã chỉ cho Đức Tổng Giám Mục này biết vị trí ngôi mộ của Ngài. Sau đó, thi hài của Thánh Nhân đã được tìm thấy. Khi khai quật ngôi mộ của Ngài, người ta phát hiện ra rằng, lúc Thánh Bác-na-ba qua đời, người bạn đường của Ngài là Thánh Mác-cô, đã an táng Ngài với một cách thức hết sức trang trọng. Trên ngực của Thánh Barnaba có đặt một bản sao cuốn Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu do chính Thánh Barnaba chép lại. Đức Tổng Giám mục Anthemios đã cấp tốc báo cho triều đình hoàng đế Zenon tại Constantinopoli biết tin về vụ khai quật. Với việc đó, vị Tổng Giám mục của Giáo hội Sýp đã thành công trong việc thuyết phục nhà cầm quyền rằng, Giáo hội Sýp được thành lập bởi Thánh Barnaba, nên không ít tính Tông Truyền hơn Giáo hội Antiochia, và vì thế được coi là ngang hàng với Giáo hội đó. Một nguồn suối đã bắt nguồn ngay bên cạnh ngôi mộ trống ngày nay. Nguồn suối ấy được cho là có khả năng chữa lành cũng như có nhiều khả năng kỳ diệu khác, đặc biệt là đối với những phụ nữ vô sinh và những bệnh ngoài da. Vào năm 1953, một nhà nguyện mới đã được kiến thiết ngay trên phần mộ được cho là của Thánh Barnaba.
Các Thánh Tích của Thánh Barnaba đã được bảo quản và tôn kính tại nhiều nhà thờ khác nhau trên nước Ý, cũng như tại một số nơi khác như Prag (Tiệp Khắc), Köln, Andechs (Đức), Toulouse (Pháp) và Namur (Bỉ).
Từ năm 1530, Hội Dòng do Thánh Anton Maria Zaccaria thành lập đã đến đóng đô tại Tu Viện Thánh Barnaba ở Mi-lan. Người ta cũng gọi Hội Dòng này là Dòng Thánh Barnaba.
Vào năm 1521, người Pháp muốn đánh chiếm thành phố Logroño của Tây-ban-nha. Nhưng sau hơn 6 tuần vây hãm, người Pháp vẫn không sao chiếm được thành phố ấy, nên đành phải rút quân. Ngày lui binh của quân đội Pháp rơi đúng vào ngày 11 tháng 06 cùng năm. Vì thế, ngay sau khi quân Pháp thoái triệt, Thánh Barnaba đã được thành phố Logroño nhận làm Bổn Mạng. Trong ngày mừng Bổn Mạng của mình, người dân thành phố Logroño luôn sử dụng cá để làm món ăn chính, vì trong suốt hơn 6 tuần bị người Pháp vây đánh, dân chúng trong thành phố này đã sống sót nhờ vào việc ăn cá được bắt từ hồ Ebro.
Ngay từ thế kỷ thứ IX, Thánh Barnaba đã được Giáo hội Rô-ma mừng kính vào ngày 11 tháng 06 hàng năm, nhưng các Giáo hội Phương Đông thì lại cử hành Lễ kính Thánh Nhân vào ngày 11 tháng 04.
Giáo hội Tin Lành và Giáo hội Anh giáo cũng cử hành Lễ Kính Thánh Barnaba vào ngày 11 tháng 06.
Còn các Giáo hội Chính thống thì cử hành hai ngày để kính Thánh Barnaba, đó là ngày mồng 04 tháng Giêng và ngày 11 tháng 06.
Riêng tại Giáo hội Armenia thì Thánh Barnaba được mừng kính tới 4 ngày, gồm: mồng 09 tháng 04, 11 tháng 06, 29 tháng 10, và thứ Năm sau Chúa Nhật Suy Tôn Thánh Giá.
Giáo hội Cóp-tít cử hành hai ngày Kính Thánh Barnaba: 11 tháng 06 và 17 tháng 12.
Giáo hội Chính Thống Syria cử hành ba ngày kính Thánh Barnaba, gồm: 11 tháng 05, 11 tháng 06 và 17 tháng 12.
Lm Đa-minh Trần Tiến Thiệu, O.Cist
From: Langthangchieutim