Đứa con trai lưu lạc của một Bác sĩ Quân Y hy sinh trận Phước Long 12/12/74…-TRUYỆN NGẮN

Van Pham

TRUYỆN NGẮN

Câu chuyện có thât, nhưng được tiểu thuyết hóa cho thêm phần hấp dẫn…

****

Đứa con trai lưu lạc của một Bác sĩ Quân Y hy sinh trận Phước Long 12/12/74…

Bác sĩ Nguyễn Vũ Thanh Sơn, chạy vội lên cầu thang, nhảy từng ba bậc một để lên lầu 4. Không dùng thang máy vì phải đợi quá lâu, bác sĩ Sơn vừa chạy vừa nói vào điện thoại cầm tay, ra lệnh cho y tá chích thuốc giải cơn động kinh ngay cho người bệnh nhân nằm trong phòng 412.

Chàng mở cửa phòng bước vào, cô y tá người Phi Luật Tân, nhỏ nhắn dễ thương như phần lớn những y tá gốc người Phi làm việc tại bệnh viện của đại học y khoa Irvine này, cười trấn an chàng:

– Êm rồi! Lúc nãy ông ta làm dữ quá!

Chàng gật đầu tiến đến gần giường người bệnh, lấy hồ sơ đọc. Ông Lê Hoàng Sử, 62 tuổi, ung thư chính gốc tại gan, đã chạy lan sang phổi và não bộ, bắt đầu lên những cơn động kinh thưòng xuyên và nhập viện được 3 ngày nay. Chàng thuộc nhóm bác sĩ chuyên môn về ung thư của đại học UCI,hôm nay là ngày trực của chàng, phải trông coi hơn chục người bệnh của khu ung thư nằm tại lầu 4 này. Sơn nhìn người bệnh. Mắt ông ta nhắm lại, tay chân duỗi ra, đang ở trạng thái của người bị kinh giật vừa chấm dứt.

Người bệnh trông đầy quen thuộc, như thể chàng đã gặp nhiều lần nhưng không nhớ đích xác. Sơn cố ngẫm nghĩ. Tại sao ông ta trông quen quá vậy? Chàng gặp ở đâu? Lúc nào? Sơn lắc đầu. Không thể nhớ được. Chàng hỏi người y tá về những kết quả thử nghiệm máu mới nhất. Cô y tá ra khỏi phòng để dùng máy in ra kết quả gửi lên từ phòng thí nghiệm. Trước khi ra cô ta quay đầu lại hỏi:

– Bác sĩ cần gì khác nữa không?

Sơn lắc đầu. Chàng nhìn lại người bệnh. Bỗng dưng ông ta mở mắt ra, nhìn dáo dác một lúc rồi dán mắt vào Sơn.

Tiếng rú từ người bệnh làm chàng giật nảy người, cô y tá vừa bước ra ngoài chạy vội trở lại đến giường bệnh. Ông Sử nhỏm phắt người lên, hai tay chắp lại, vái chàng lia lịa như tế sao:

– Ông Thày! Ông Thày! Em, Sử đây ông thày ơi! Ông Thày đừng bắt em tội nghiệp!

Cô y tá tiến lại, định đè ngưòi bệnh xuống và chích thêm một liều thuốc giải động kinh nữa. Nhưng Sơn ngăn lại. Chàng biết người bệnh lên cơn mê sảng, ảo giác tưởng chàng là ai khác. Chàng nắm lấy tay người bệnh, nói tiếng Việt:

– Không sao đâu bác! Tôi là bác sĩ Sơn. Bác thấy trong người ra sao?

Ông Sử tiếp tục lắp bắp:

– Ông Thày ơi! Em không dám trái lời ông thày đâu. Em vẫn theo dõi con ông thày mà!

Sơn nhìn lại người bệnh. Câu nói của ông Sử như khêu gợi trí nhớ Sơn, làm chàng đột nhiên nhận ra người đàn ông trước mặt. Chàng đã gặp người này nhiều lần, từ gần hai mươi năm nay. Ông ta đã có mặt trong tất cả những ngày trọng đại của chàng.

Ngày chàng học xong trung học, trong buổi ra trường, Sơn là thủ khoa valedictorian, chàng đứng trên bục để đọc diễn văn, người đàn ông này đã ngồi ngay hàng ghế đầu, nhìn chàng chăm chăm. Sơn thấy lạ, nhưng đoán ông ta là phụ huynh của bạn học cùng lớp.

Ngày chàng học xong đại học, sau 4 năm tiền y khoa, khi mặc mũ áo chụp hình với gia đình, chàng thấy ông ta lẩn quẩn đứng bên, nhìn chàng chăm chú. Nhưng cũng chỉ nghĩ là người nhà của các bạn khác đang chụp hình bên cạnh.

Ngày chàng được nhận vào đại học y khoa University of California ở Irvine này, gia đình Sơn ăn mừng ở tiệm ăn, chàng cũng thấy ông ta ngồi bàn bên cạnh. Buổi lễ mặc áo trắng của năm thứ nhất, white coat ceremony, chàng cũng thấy người này ngồi hàng ghế đầu.

Ngày Sơn ra trường với mảnh bằng bác sĩ, cũng có mặt ông ta. Bây giờ Sơn đã quả quyết. Người bệnh nhân đang lên cơn mê sảng trước mặt chàng, đã theo dõi chàng từ gần hai mươi năm nay.

Nhưng tại sao? Và chàng còn nhớ lại nhiều điều khác. Sơn được nhiều học bổng của các tổ chức người Việt ở Quận Cam này, phòng thương mại, hội bảo vệ văn hóa, hội các thương gia… Chàng thấy tên Lê Hoàng Sử khá quen, hình như ông ta đã là chủ tịch của nhiều hội của người Việt tại Quận Cam này nhiều năm qua. Có thể nào những học bổng dành cho chàng đó là do chính ông Lê Hoàng Sử này? Rồi nhiều lần chàng đã ngạc nhiên khi thấy tiền học phí đã được ai trả hết, có hỏi văn phòng tài chánh của trường cũng không biết, chỉ thấy là account của chàng về học phí đã được chuyển tiền bằng điện tử để thanh toán, không biết ai là người gửi.

Người bệnh chợt im lặng, nằm xuống lại. Một lúc sau, ông ta mở mắt r. Lần này cặp mắt đã tinh anh, nhận biết khung cảnh chung quanh, như một người đã tỉnh táo sau cơn mê sảng. Ông ta nhìn thấy Sơn và cất tiếng:

– Chào bác sĩ Sơn! Tôi mừng thấy ông làm việc ngày hôm nay. Tôi có nhiều điều cần nói với bác sĩ. Ông Sử đã lấy lại phong thái của một người giàu có, được mọi người kính nể. Sơn bây giờ nhớ lại đã nghe nhiều người nói. Ông Lê Hoàng Sử là một trong những người Việt thành công và giàu nhất tại Quận Cam này, chủ nhân ông của một khu shopping lớn trên đường Bolsa, cũng như có nhiều khu apartments cho thuê ở Garden Grove. Ông Sử thở dài:

– Tôi biết tôi không còn sống được bao lâu nữa. Bác sĩ biết rõ hơn tôi. Tôi đã yêu cầu để đổi ngày trực của bác sĩ sang hôm nay. Vì tôi không biết có còn đến được ngày mai nữa hay không!

Sơn nhìn lại hồ sơ bệnh lý. Hình CAT scan cho thấy ông Sử đã có ung thư chạy đầy trong phổi, trong xương. Trên não bộ đã có 4 chấm lớn trong thùy thái dương, không lạ gì ông ta bị động kinh và mê sảng nhiều. Nhưng bây giờ chàng thấy ông Sử tỉnh táo và sáng suốt như một người bình thường, không chút bệnh tật. Ông Sử tiếp tục:

– Bác sĩ ngồi xuống đi! Điều tôi cần nói với bác sĩ tôi phải kể hết và sẽ gây ra nhiều bất ngờ. Tôi muốn bác sĩ bình tĩnh!

Sơn mỉm cười. Chàng có nhiều người bệnh lạ thường, nhưng không ai như ông này. Vừa dứt cơn động kinh, mê sảng, lại khuyên chàng phải bình tĩnh. Sơn kéo ghế ngồi. Ông Sử bắt đầu:

– Cha của bác sĩ là bác sĩ Phan Kim Trấn, tử trận tại bệnh viện tiểu khu Phước Long ở Việt Nam ngày 6 tháng 1 năm 1975. Tôi là y tá của bác sỉ Trấn.

Sơn lặng người. Chàng không tin ở tai mình. Ông Sử nói bằng một giọng trịnh trọng, thành khẩn. Như một người tin mình đang ở trong giây phút thiêng liêng nhất, để trút lộ một bí ẩn đã đeo đuổi hàng mấy chục năm qua, đã chờ đợi hơn nửa đời người để được giải thoát khỏi một gánh nặng, canh cánh bên mình. Ông Sử im lặng. Sơn cũng không nói.

Nhưng trong đầu óc chàng hàng trăm ngàn ý nghĩ khác nhau vùn vụt hiện đến. Những thắc mắc, nghi ngờ từ khi còn thơ ấu, những câu hỏi phải dấu kín không dám hở môi để hỏi ai. Tại sao chàng cao lớn như vậy, trong khi mấy em đều thấp nhỏ. Khuôn mặt chàng cũng khác hẳn hai người em trai. Dáng điệu cũng như tính tình của chàng cách biệt quá nhiều với những người em khác. Không ai nói ra nhưng Sơn biết. Chàng xin ra ngoài ở riêng rất sớm và gia đình chàng vẫn vui vẻ, hòa thuận. Nhưng những câu hỏi vẫn nằm đó, chưa bao giờ được trả lời. Cho đến ngày hôm nay.

Ông Sử nhìn chàng, như để thăm dò phản ứng. Rồi ông nói tiếp:

– Tôi xin phép để gọi bác sĩ là cháu. Vì lúc nào tôi cũng nghĩ tôi là em của bác sĩ Trấn, đã từ hơn 35 năm nay! Bác sĩ Phan Kim Trấn ra trường về làm việc tại bệnh viện tiểu khu của tỉnh Phước Long đầu năm 1974, lúc đó chú đã là y tá làm việc tại bệnh viện này được hơn một năm. Chú được bác sĩ Trấn nhận làm y tá thân cận. Tiếng Việt hồi đó hay gọi là đệ tử, hay còn gọi là “tà lọt”, những chữ này chắc cháu không nghe đến, tuy chú biết cháu giỏi tiếng Việt. Cháu chỉ cần biết là bác sĩ Trấn rất thương chú, cũng như chú kính trọng và sẵn sàng xả thân để làm mọi chuyện cho bác sĩ Trấn, không quản ngại bất cứ điều gì.

Chú không biết cháu có tìm hiểu nhiều về Việt Nam hay không, tuy chú vẫn theo dõi cháu và biết hết những sở thích cũng như những học hỏicủa cháu. Nhưng cuộc chiến ở Việt Nam đầu năm 1975 khốc liệt vô cùng và tỉnh Phước Long, nơi ba cháu và chú làm việc đã chịu tai họa nặng nề nhất trong các trận đánh của miền Nam lúc đó. Ngày cháu sinh ra đời, mẹ cháu đánh điện tín lên báo tin sinh cháu, ba cháu mừng vô cùng. Nhưng ba cháu không thể về thăm được. Vì tỉnh Phước Long lúc đó đã bị bao vây bốn phía, con đường duy nhất để về là bằng máy bay, ngoài ra là kẹt hết.

Hôm đó cũng là ngày người bạn thân của ba cháu, là phi công chở đồ tiếp tế cho tiểu khu bay chuyến bay chót đến Phước Long. Người bạn ba cháu khuyên ba cháu về cùng với ông ta nhưng ba cháu không chịu. Ba cháu bắt chú đi cùng với người bạn và ba cháu ra phố để làm chuyện này.

Ông Sử im lặng một lúc. Rồi tháo vòng dây đeo cổ bằng vàng, có xỏ một miếng ngọc xanh biếc hình chiếc lá, chạm trổ cực kỳ tinh vi. Ông Sử ngắm nghía một lúc và thở dài:

– Ba cháu lúc nào cũng đeo hai miếng ngọc bích này, nói là bùa hộ mệnh. Hai miếng ngọc này giống hệt nhau, ba cháu bắt chú đi theo ra tiệm kim hoàn và mua một dây đeo cổ khác để làm thành hai vòng dây đeo, mỗi vòng dây xỏ một miếng ngọc bích này. Ba cháu giữ một vòng, còn vòng kia đưa cho chú. Ba cháu nói:

– Sử! Mày về đưa chiếc vòng này cho vợ tao, để khi nào con tao lớn cho nó đeo. Tao đã nói chỉ huy trưởng ký giấy phép cho mày về Sài Gòn, giấy phép đây. Mày đi theo anh Kha bay về Sài Gòn để lo cho vợ con tao. Chú khóc như mưa. Vì chú biết rằng ở lại Phước Long là chết. Ba cháu vì nghĩa vụ, không chịu về. Nhưng đã lấy giấy phép cho chú để về cùng với đại úy Kha, bay chuyến chót về Sài Gòn. Để lo cho mẹ cháu và cháu. Vì ba cháu đã linh cảm biết mình không qua được trận đánh này!

Ông Sử ngậm ngùi, mắt nhắm lại. Như hồi tưởng lại những hình ảnh cũ, đã hơn 35 năm, nhưng lúc nào cũng hiển hiện như ngày hôm qua. Ông nhìn Sơn, ngập ngừng:

– Chắc cháu đang tự hỏi tại sao đến bây giờ chú mới nói chuyện này. Và sao chú giữ vòng dây đeo cổ này từ đó đến nay?

Ông cúi đầu xuống, như kẻ ăn trộm bị bắt quả tang. Nhục nhã, tự khinh mình.

– Chú đeo miếng ngọc bích này vào cổ. Và chú không muốn rời nó ra nữa! Ngay đêm hôm sau khi chú về tới Sài Gòn, Phước Long thất thủ và chú nghe tin ba cháu chết trong đêm đó. Chú nhiều lần đến nhà cháu để giữ lời với ba cháu, nhưng nửa đường chú đều quay về. Vì chú tự nhiên có ý nghĩ, miếng ngọc bích này đã cứu mạng chú, nó mang lại cho chú sự may mắn quá lớn. Rời nó ra là chú sẽ chết. Và chú đã phản bội lời hứa với cha cháu. Chú đã giữ miếng ngọc này, đến ngày hôm nay. Chú là kẻ cắp, chú là một kẻ khốn nạn!

Nhưng miếng ngọc này đã cho chú những may mắn lạ thường. Từ khi sang Hoa Kỳ đến nay, tuy chú ít học nhưng làm cái gì cũng thành công. Chú tạo được tài sản rất lớn ở đây, tất cả là nhờ chú đeo miếng ngọc ba cháu đưa cho chú, để trao lại cho cháu!Chú lúc nào cũng bị cắn rứt về sự phản bội ba cháu. Và chú đã kiếm ra tông tích gia đình cháu từ hơn hai mươi năm nay, để theo dõi cháu, đỡ đần cho cháu. Cháu bây giờ đã thành công, làm bác sĩ như ba cháu, chú cũng đỡ ân hận phần nào. Nhưng bây giờ chú không còn sống được bao lâu nữa, vật xưa phải hoàn lại cố chủ, miếng ngọc này là của cháu, chú xin trả lại cho cháu.

Ông Sử trao chiếc vòng dây đeo cổ xỏ miếng ngọc bích hình chiếc lá cho Sơn. Và ông rút trong túi áo ra một miếng giấy nhỏ. Ông nói:

– Chú không biết đây là điềm gì! Nhưng tuần trước, lúc chú còn đi lại được, chú ra ngoài Phước Lộc Thọ và tình cờ chú gặp lại đại úy Kha. Ông nói muốn tìm tin tức cháu. Chú không nói gì nhưng có ghi số điện thoại của ông để liên lạc sau. Cháu gọi cho ông ta!

Ông Sử như đã quá mệt, thở dốc một hồi rồi nhắm mắt lại. Sơn nhìn ông ta, cảm xúc tràn đầy trong lòng. Chàng không biết nói gì, hỏi gì hơn. Tất cả đến quá đột ngột, chàng cần thời gian để lãnh hội và tìm hiểu. Sơn đeo chiếc vòng dây vào cổ. Miếng ngọc bích mát rượi trên ngực chàng, bỗng dưng đem lại cho chàng một cảm giác lạ lùng chưa bao giờ thấy. Như một sự an bình, như một sự trở về. Nhưng đồng thời vẫn có một thôi thúc nào đó, đòi hỏi sự tìm kiếm.

Như nửa phần vẫn thao thức để tìm nửa phần còn lại. Sơn không hiểu nữa. Và chàng cố gạt mọi ý nghĩ để trở lại với công việc, với những người bệnh nhân đang chờ chàng để được săn sóc, để được hồi phục. Chàng phải quên chuyện riêng bây giờ để thi hành nghĩa vụ của chàng trước đã. Như bác sĩ Phan Kim Trấn 35 năm về trước. Sơn vẫn chưa thể nghĩ đến hình ảnh của người bác sĩ này như cha mình được. Chàng cần thêm thời gian.

****

Sơn bước vào khu Phước Lộc Thọ. Chàng thấy ngay ông Kha ngồi uống bia một mình bên chiếc bàn nhỏ. Qua điện thoại, ông ta đã dặn chàng:

– Tôi sẽ đội một chiếc mũ nâu, quấn khăn cổ màu nâu, ngồi ở quán ăn nhỏ đầu tiên cạnh đường đi, đối diện với tiệm sách. Đúng một tiếng đồng hồ nữa, tôi sẽ đợi cháu ở đó nhé!

Ông Kha đã sửng sốt bên kia đầu dây khi Sơn gọi, nói chàng muốn biết thêm về bác sĩ Phan Kim Trấn. Chàng không nói gì nhiều hơn. Nhưng chừng như ông Kha đã linh cảm được, và muốn gặp chàng ngay tại khu Phước Lộc Thọ này. Ông Kha đứng lên khi thấy Sơn bước vào. Phản ứng của ông y hệt như ông Sử, khi gọi chàng là ông Thày trong cơn mê sảng. Ông Kha sững sờ, ôm chầm lấy chàng, nghẹn ngào:

– Trấn! Đúng là mày đây rồi Trấn ơi!

Vòng tay ông ôm siết làm Sơn gần ngộp thở. Chàng khẽ nới tay ông ra và giơ tay ra bắt tay ông Kha:

– Cháu là Nguyễn Vũ Thanh Sơn. Bác Kha phải không ạ!

Ông Kha như đã tỉnh trí. Ông ngắm nghía Sơn một lúc rồi nói:

– Cháu giống bố cháu như hệt! Không khác một điểm nào cả! Bác không cần phải hỏi gì nữa, ai nhìn thấy cháu cũng biết cháu là con của bác sĩ Phan Kim Trấn rồi!

Ông kéo ghế cho Sơn ngồi:

– Cháu ngồi xuống đây đi. Đúng là lòng trời run rủi! Bác về đây ở vùng này đã ba năm, lúc nào cũng ìm tin tức gia đình cháu. Ai ngờ đâu cháu ở ngay đây. Lại là bác sĩ nữa. Như bố cháu ngày xưa. Ông Trời có mắt thật!

Ông gọi món ăn. Bảo chàng còn bao nhiêu chuyện để nói, phải ăn chút ít để nghe ông kể!

– Bác là bạn thân của ba cháu từ khi còn nhỏ, ở cùng chung xóm. Gia đình ba cháu ngày xưa nghèo lắm. Ông nội cháu từ Bắc di cư vào Nam, làm ăn rất khó khăn, rất chật vật. Bà nội cháu mất sớm, chỉ còn mình ông nội cháu nuôi ba cháu ăn học. Cháu không thể tưởng tượng công lao cực khổ của ông nội cháu lúc đó. Ông cháu đạp xích lô ban ngày, đến chiều về lại còn phải đạp xe ba bánh để đem bán những gạch vụn cho những ai xây cất nhà cửa, tiếng Việt gọi là xà bần, chữ này chắc cháu chưa nghe bao giờ, nhưng không sao.

Cháu nói và hiểu tiếng Việt như thế này đã là giỏi lắm rồi.Ba cháu học rất giỏi, nhà nghèo và cực khổ như vậy nhưng vẫn cố gắng để thi đậu vào trường Y Khoa ở Sài Gòn. Bác cùng học lúc nhỏ chung với ba cháu, không hiểu ba cháu lấy thời giờ ở đâu để học. Vì ba cháu sau khi tan trường về vẫn phụ với ông nội cháu để đạp xe ba bánh, thu nhặt từng miếng gạch vụn để đem bán. Nhà cháu có cái ao rau muống nhỏ, cuối tuần ông nội và ba cháu phải cắt rau, bó từng bó rồi mang ra chợ bán để kiếm thêm tiền.

Nhà nghèo như vậy, cực khổ đủ đường như vậy, mà ba cháu vẫn cố gắng để học thành tài, để ra bác sĩ là chuyện phi thường. Bác không thể tưởng tượng nổi là ý chí con người mạnh đến chừng đó. Ông nội cháu hãnh diện biết bao khi con mình ra được bác sĩ, đó là niềm an ủi duy nhất của ông nội cháu. Vì lúc dó ông nội cháu sức khỏe đã suy kém lắm rồi. Bao nhiêu năm lao lực, làm sao còn giữ được mạnh khỏe như trước nữa. Vì thế mà khi ba cháu chết…

Ông Kha không nói nữa. Những cảm xúc làm ông nghẹn lời. Một lúc sau ông mới nói tiếp:

– Bác lại nhảy đoạn rồi. Cháu nói đã nghe anh Sử kể về ngày cuối ở Phước Long rồi phải không? Để bác nói thêm vài chi tiết nữa. Khi ba cháu, bác và y tá Sử của ba cháu ra phố, đúng như anh Sử đã kể cho cháu, bác khuyên ba cháu bỏ nhiệm sở để về Sài Gòn. Vì bác là phi công bay tiếp tế chuyến chót lên tỉnh, bác có vào họp các sĩ quan lúc đó, mới biết rõ là tình hình nguy ngập đến cực độ. Việt Cộng đã bao vây toàn thể tỉnh lỵ, cả hai sư đoàn sửa soạn để tấn công trong nay mai.

Trong khi đó bên phía mình, thiếu đạn, thiếu xăng. Phi cơ có sẵn nhưng không đủ xăng để bay oanh tạc. Đạn trọng pháo đã hết sạch, không thể bắn lại được. Binh lính bỏ đơn vị vì súng đạn không đủ để bắn. Bác biết rõ nên nói với ba cháu. Đây là cơ hội chót để thoát thân. Nhưng ba cháu trả lời là cả bệnh viện bây giờ chỉ còn hai bác sĩ, làm việc không xuể. Ngoài thương binh về mỗi lúc mỗi nhiều, còn mấy sản phụ đẻ khó các cô mụ đỡ không nổi, cần có ba cháu đỡ đẻ bằng forceps, sắp sinh trong đêm nay. Nếu ba cháu bỏ về sẽ có nhiều người chết vì không được săn sóc.

Nghe bác nói ông nội cháu bây giờ bệnh hoạn lắm, ba cháu gửi bác trụ sinh và mấy chai nước biển để đem về cho ông cụ. Cháu thấy ba cháu khổ sở không? Biết cháu sinh ra đời mà không về được. Biết cha mình ốm đau, mà không thể về để săn sóc. Vì nghĩa vụ phải ở lại, vì nghĩ đến các thương binh, các bệnh nhân không được chữa trị. Ba cháu ở lại dù biết là đầy hiểm nguy, cái chết đến như không.

Cũng như một người bạn bác sĩ khác đồng khóa của ba cháu, đang ở Sài Gòn nhưng hạn đi phép hết đã trở lại Phước Long trong ngày hôm đó để làm việc lại, dù biết là đi vào chốn của tử thần. Ba cháu chết trong đêm Việt Cộng pháo kích tấn công, nhưng không ai biết được mồ chôn của ba cháu nơi đâu. Bác nghe nói lại là sau đó, Việt Cộng cho chôn tập thể, khó tìm ra dấu tích. Ông nội cháu nghe tin Phước Long mất và con mình chết, đã gần như điên cuồng. Ông nội cháu nhất định không tin là ba cháu đã mất, nói là chưa có xác, vẫn còn hy vọng sống. Bác thương ông nội cháu và ba cháu lắm vì ở cùng xóm bao nhiêu năm, nhưng bác cũng không biết làm gì hơn.

Tôi nghiệp ông nội cháu. Cả đời hy sinh lo cho con ăn học, nghèo khổ đến như vậy, nuôi con ra được bác sĩ, rồi chỉ mấy tháng sau, con đã tử trận vì cuộc chiến. Ông nội cháu không đầy một năm cũng qua đời vì quá đau khổ trước cái chết của ba cháu.

Ngày hôm nay bác gặp được cháu là một điềm kỳ lạ. Hôm trước khi thấy anh y tá Sử của ba cháu, bác nhận ra được vì anh ta đeo chiếc vòng dây đeo cổ với miếng ngọc bích này. Cháu bây giờ đeo nó là anh ta đã ăn năn trao lại cho cháu. Bác nghĩ mọi sự đều có cơ duyên cả. Việc anh Sử sắp chết trao lại miếng ngọc này cho cháu, việc bác đang đi tìm cháu, rồi gặp được anh Sử và sau cùng gặp được cháu.

Vì chỉ cách đây hơn một tuần, bác được tin lớp học y khoa chung với ba cháu đang tìm cách để tìm ra hài cốt của ba cháu ở Phước Long và xây mộ phần cho ba cháu để tưởng niệm và vinh danh người bạn đồng môn duy nhất đã tử trận trong cuộc chiến ở Việt Nam. Phải có sự xui khiến gì để lớp học y khoa ra trường năm 1973 với ba cháu có ý định tìm hài cốt của ba cháu và xây mộ phần. Phải có sự trùng hợp nào kỳ diệu để một người bác sĩ trong nhóm đó quen với bác và hỏi thăm về tin tức gia đình của cháu và sau cùng bác tìm được cháu.

****

Sơn tiến về phía căn nhà lợp mái tôn. Chàng được cho biết nơi đây đang chứa những bộ xương khai quật từ tuần trước, trong đó có thể có bộ xương của ba chàng. Sơn đã bay về Việt Nam sau khi gặp ông Kha và về đến Sài Gòn ngày hôm trước. Chàng liên lạc với nhóm bác sĩ đồng môn với ba chàng và được cho biết mồ chôn tập thể tại Phước Long sau trận đánh 35 năm về trước đã được tìm ra. Nhóm bác sĩ ra trường năm 1973 đã tổ chức và cử người về cùng với mấy bác sĩ đồng môn còn ở lại Việt Nam, ra tận Phước Long để tìm manh mối về mồ chôn.

Một người lính cũ trước kia đào mồ chôn tập thể cho những người chết tại bệnh viện tiểu khu đã dẫn họ đến địa điểm này. Sau khi được giấy phép khai quật, 12 bộ xương đã được đưa đến căn nhà lợp mái tôn này để được khảo nghiệm và xác định, chờ đợi thân nhân đến nhận. Nếu không có thân nhân, những bộ xương còn lại sẽ được chôn cất riêng rẽ và làm mộ bia cho từng người, duới danh nghĩa chiến sĩ vô danh. Các phí tổn đều do nhóm bác sĩ ra trường năm 1973 đảm nhận.

Sơn mở cửa bước vào. Các bác sĩ đồng môn với ba chàng đang đứng nhìn từng bộ xương một. Làm sao biết được bộ nào là bác sĩ Phan Kim Trấn của 35 năm về trước? Một bác sĩ vui mừng nói với chàng:

– Cháu Sơn đến rồi! Chúng ta có thể thử DNA cho từng bộ xương. Bộ nào có DNA phù hợp với cháu Sơn là của Trấn thôi. Nhưng có điều phải thử cả 12 bộ. Sơn bắt tay từng người bác sĩ và cảm ơn họ. Những người bạn đồng môn của ba chàng đã khổ công để tìm cho ra hài cốt của ba chàng, tìm được tung tích của chàng, để xác định chắc chắn đâu là bộ xương của ngườ bạn đồng môn thân thiết đã mấy chục năm về trước.

Để cho trọn tình trọn nghĩa của những người bạn cùng học chung dưới mái trường năm xưa. Sơn đi qua từng chiếc bàn, mỗi bàn chứa một bộ xương. Chàng dừng lại tại mỗi bàn. Nhưng sự gì đã thôi thúc để chàng sau cùng tiến đến bàn cuối cùng, chứa bộ xương của một người lúc sinh tiền phải là cao lớn. Chàng cúi xuống nhìn rất lâu. Và những cảm xúc chợt ùa đến. Chàng nghĩ đến người cha không bao giờ biết mặt, người cha đã không được nhìn thấy con mình, dù chỉ một lần. Chàng nghĩ đến người ông chàng không bao giờ biết đến, điên cuồng vì cái chết của con.

Chàng nghĩ đến hai thế hệ trước chàng, đau khổ và thê thảm suốt cả cuộc đời. Đã hy sinh tất cả. Và không được lại điều gì. Chỉ bây giờ 35 năm sau mới thấy được thế hệ thứ ba là chàng, đang đứng trước mặt đây. Có phải bộ xương này là của ba chàng? Và Sơn đứng đó, những giọt lệ lan trên má, lúc đầu chậm nhưng càng lúc càng chảy đầm đìa, tuôn tràn, như không thể ngưng lại được.

Những giọt nước mắt nóng rơi xuống từng giọt, từng giọt trên bộ xương. Những giọt nước mắt đó, như được hướng dẫn, rơi vào một điểm gồ lên trên xương chẩm của lồng ngực. Và bùn đất tích tụ bao nhiêu năm trên điểm gồ này tan dần để lộ ra một màu xanh kỳ lạ. Ánh nắng lọt từ khe mái tôn chiếu thẳng vào điểm gồ làm màu xanh càng lúc càng bừng lên. Bùn đất bây giờ đã tan hết để lộ rõ ràng miếng ngọc bích màu xanh, nằm ngay trên xương lồng ngực.

Sơn vội vàng kéo vòng dây đeo cổ của chàng ra ngoài áo. Ánh nắng chiếu vào miếng ngọc bích trên bộ xương như nhảy múa và phản chiếu lại vào miếng ngọc trên ngực chàng. Sơn đứng sững người. Màu xanh của hai viên ngọc như quyện lấy chàng, như ve vuốt chàng, mềm dịu, âu yếm, chập chờn trên gò má chàng, trên sống mũi, trên miệng, trên môi chàng.

Như muốn nhận biết đây là người con trai yêu quý, người con chưa bao giờ biết mặt, sau hơn 35 năm đã đến đây, để nhận biết người cha của mình, để biết đâu đã là nguồn sống của mình. Và sau cùng đã đến để giải thoát cho oan hồn của người cha, từ bao lâu nay chỉ chờ đợi giây phút này.

Khi những giọt lệ của người con trai dấu yêu đã xóa bỏ những hờn oán, những phẫn nộ không nguôi, những uất ức triền miên và những thành trì trói buộc, để được siêu thăng về nơi chốn của vô cùng và của mãi mãi.

NĐP

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay