Từ chuyện ‘bể chứa nước’ ở Hà Nội, nghĩ về ‘tầm nhìn’

Từ chuyện ‘bể chứa nước’ ở Hà Nội, nghĩ về ‘tầm nhìn’

Bởi  AdminTD

 Blog VOA

Trân Văn

2-6-2022

Cộng đồng mạng xã hội châm biếm về trận ngập lụt hôm 29/5 ở Hà Nội. Ảnh trên mạng

Cuộc thảo luận về việc xây dựng các… “bể chứa nước mưa” cho Hà Nội nhằm chống ngập chỉ mới bắt đầu, tuy chưa khảo sát, chưa lập dự toán nhưng vẫn có thể phỏng đoán…

Sau khi ông Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường (TNMT) – tuyên bố… “cần nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật như xây những bể ngầm lớn tại khu vực xung yếu thường xuyên xảy ra ngập hoặc tận dụng các khu vực rộng lớn như cánh đồng, sân vận động làm nơi chứa nước” để giải quyết tình trạng thủ độ Cộng hòa XHCN Việt Nam càng ngày càng dễ ngập, đã vậy lại còn ngập sâu, ngập lâu (1) như vừa thấy trong các ngày 23/5/2022 (2), 27/5/2022 (3), 29/5/2022 (4)… giới hữu trách bắt đầu thảo luận sôi nổi về việc xây dựng các “bể chứa nước mưa” ở Hà Nội (5).

Cuộc thảo luận về việc xây dựng các… “bể chứa nước mưa” cho Hà Nội nhằm chống ngập chỉ mới bắt đầu, tuy chưa khảo sát, chưa lập dự toán nhưng vẫn có thể phỏng đoán, chi phí xây dựng hệ thống thoát nước cho một đô thị mà diện tích lên tới hàng ngàn cây số vuông như Hà Nội, trong đó có các… “bể chứa nước mưa” sẽ lên tới… “hàng trăm ngàn tỉ”. Đó là hậu quả của tình trạng được ông Hà, cũng như giới hữu trách và chuyên gia khái quát là do “thời tiết dị thường, mưa lớn cực đoan, hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn”, các qui hoạch đã “bê tông hóa Hà Nội, lấp những túi chứa nước là ao hồ,…”!

***

Ý tưởng xây dựng các… “bể chứa nước mưa” cho Hà Nội nhằm chống ngập nhắc thiên hạ nhớ tới vấn nạn ngập lụt ở TP.HCM. Trong 15 năm vừa qua, TP.HCM đã chi hàng trăm ngàn tỉ để giải quyết vấn nạn ngập lụt nhưng vô ích vì gần như không thể khắc phục hậu quả của các… “qui hoạch” trước đó! Dẫu việc thoát nước ở Sài Gòn dựa vào hệ thống sông và kênh, rạch tự nhiên nhưng dựa trên… “qui hoạch”, chính quyền TP.HCM vẫn ra lệnh lấp khoảng 30% diện tích sông và kênh, rạch. Theo một nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam thì chỉ trong 12 năm từ 1996 đến 2008, tại Sài Gòn đã có hơn 100 kênh, rạch với tổng diện tích khoảng 4.000 héc ta bị lấp và bị lấn chiếm (6).

Rồi cũng theo… “qui hoạch”, nhằm… “chống ngập”, tháng 10 năm 2015, giới hữu trách ở TP.HCM loan báo sẽ chi 300 tỉ để khôi phục lại kênh Hàng Bàng – con kênh mà những viên chức tiền nhiệm từng dựa vào… “qui hoạch” để ra lệnh lấp vào năm 2000! Việc dựa vào… “qui hoạch”, cho phép lấp một phần hoặc toàn bộ sông, kênh, rạch để xây dựng đủ loại công trình đã ngốn hàng chục ngàn tỉ đồng, sau đó cũng dựa vào… “qui hoạch”, chi thêm hàng chục ngàn tỉ đồng để khôi phục lại (7) chắc chắn chỉ có ở… Việt Nam! Đáng nói là hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng không rút ra được kinh nghiệm nào từ chuyện xảy ra ở TP.HCM cách nay 20 năm.

Cũng vì vậy, sau hàng loạt… “qui hoạch” nhằm… “phát triển thủ đô”, giờ những viên chức hữu trách mới nghĩ đến chuyện xây dựng các… “bể chứa nước mưa” nhằm chống ngập cho Hà Nội. Hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn tỉ lấy từ đâu để chi cho “phát triển thủ đô” và giờ chuẩn bị chi hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn tỉ khác cho các… “qui hoạch”… “chống ngập”? Tất nhiên là từ công khố và đi vay. Thay vì dùng các loại thuế, phí đã thu để nâng cao phúc lợi công cộng (ví dụ thực hiện chính sách giáo dục hoàn toàn miễn phí, cấp phát sách giáo khoa cho trẻ con như thiên hạ) thì thuế, phí được dốc hết vào các… “qui hoạch” để… “phát triển” rồi “sửa sai” và… “trả nợ”!

***

Chuyện không có kiến thức nhưng không tham khảo ý kiến của các chuyên gia, không thèm nghe các khuyến cáo, cảnh báo khi chỉ đạo… “qui hoạch”, phê duyệt… “qui hoạch”, đã cũng như đang biến nhiều thành phố, thị xã, thị trấn ở Việt Nam thành… “nơi khó sống” vì cư dân phải đối diện với đủ loại vấn nạn (kẹt xe, ngập lụt vào mùa mưa, ô nhiễm do khói bụi, ô nhiễm mặt nước, sụt lún, sạt lở,…) và Hà Nội chỉ là một trong nhiều ví dụ. Chuyện Hà Nội càng ngày càng dễ ngập lụt nghiêm trọng chỉ là một trong số những nhân họa xuất hiện ở khắp nơi tại Việt Nam.

Thực tế cho thấy, dù… “qui hoạch” đã phá hỏng những yếu tố vốn là nền tảng trong xây dựng, phát triển đô thị hiện đại vừa rất khó khắc phục, vừa gây ra hậu quả càng ngày càng trầm trọng nhưng không viên chức hữu trách nào trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam nhận trách nhiệm hay bị truy cứu trách nhiệm. Tệ hơn, những hệ thống này vẫn tiếp tục áp đặt… “ý chí chủ quan” của một số cá nhân là lãnh đạo hoặc của tổ chức đảng từ trung ương đến địa phương. Thậm chí, các loại qui hoạch tùy tiện, phi lý còn được gắn thêm… “tầm nhìn” để duy trì, phát tán tai họa lâu dài hơn!

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay