Trân Văn
1-6-2022
Một lớp học tại trường Nhị Đồng, Bình Dương. Hình minh họa. Nguồn: VNN
Học phí ở tất cả các cấp thuộc hệ thống giáo dục phổ thông (nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đã tăng, đang tăng và sẽ còn tiếp tục tăng chưa biết đến khi nào thì ngừng, thậm chí tăng vài lần, có nơi như TP.HCM, học phí THCS tăng gấp năm lần (1). Học phí đại học cũng thế (2). Ngoài học phí, giá bán sách giáo khoa cũng tăng từ hai đến ba lần (3). Giáo dục tại Việt Nam đã, đang và sẽ không còn là cơ hội cho tất cả mọi người!
Ai cũng biết, không có bình đẳng trong giáo dục sẽ không thể nào đạt được bình đẳng trong xã hội. Làm sao có thể xây dựng một… “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” khi càng nghèo càng thua thiệt, đặc biệt là thua thiệt trong cơ hội thụ hưởng phúc lợi trong lĩnh vực giáo dục? Vì sao hoạt động giáo dục cho tất cả các cấp thuộc hệ thống giáo dục phổ thông của đa số quốc gia trên thế giới hoàn toàn miễn phí mà Việt Nam lại đi theo hướng ngược lại?
Vì sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam liên tục… “đổi mới”, liên tục… “cải cách” nhưng càng… “đổi mới”, càng… “cải cách” thì những phúc lợi công cộng vốn dĩ là nền tảng của một xã hội lành mạnh càng giảm? Chẳng hạn khi… “đổi mới sách giáo khoa” để “cải cách giáo dục” thì nội dung sách giáo khoa càng lắm điều để bàn và sách giáo khoa trở thành loại sản phẩm số đông không dễ chạm tới, phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới chạm được, khác với đa số trong phần còn lại của nhân loại – được cấp phát!
Sách giáo khoa vốn là loại sản phẩm cần cập nhật thường xuyên. Bởi hàm lượng tri thức trong sách giáo khoa cần phải vừa đủ, vừa đúng với thực tại, giá sách giáo khoa thường không rẻ. Thù lao không xứng đáng, không mấy người có khả năng muốn bỏ sức làm công việc vốn chẳng dễ dàng này. Tuy nhiên ở nhiều xứ khác, phụ huynh không cần phải bận tâm đến giá sách giáo khoa cũng như các ấn phẩm hỗ trợ con cháu họ học tập. Chính quyền – được trả lương để quản trị, điều hành – phải giải quyết điều đó.
Ở Việt Nam, “dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của đảng”, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đã dùng… “xã hội hóa” chuyển nghĩa vụ của họ trong những lĩnh vực vốn là phúc lợi công cộng thành trách nhiệm công dân, chất gánh nặng giáo dục, y tế lên vai và lưng của dân chúng. Điểm khác biệt ấy giữa “chế độ xã hội chủ nghĩa” với đa số thuộc phần còn lại của nhân loại được định nghĩa là… “sự ưu việt”. Không thừa nhận… “sự ưu việt” này sẽ bị loại trừ.
Xét về bản chất, chỉ trích Bộ trưởng Giáo dục nói riêng và ngành giáo dục – đào tạo nói chung là… bất bình theo… định hướng. Chính phạm không phải là Bộ trưởng Giáo dục và ngành giáo dục – đào tạo. Phải chất vấn Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, rằng vì sao đảng giành quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối mà nghèo lại phải chịu thua thiệt về đủ mọi mặt, kể cả trong lĩnh vực giáo dục? Vì sao “đổi mới” và “cải cách” trong tất cả các lĩnh vực lại chỉ tạo ra cơ hội cho thiểu số có liên quan?
***
Giáo dục – đào tạo chỉ là một lĩnh vực vốn phải trở thành phúc lợi công cộng nhưng càng ngày càng xa tầm với của thành phần yếu thế. Y tế cũng vậy! Câu chuyện bé gái bốn tuổi, ngụ ở thôn Ma Y, xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, mới uổng mạng vì bị rắn cạp nia cắn nhưng các bệnh viện từ huyện đến tỉnh bó tay chỉ vì không có huyết thanh kháng nọc rắn là một ví dụ cho thấy sự tàn bạo, phi nhân của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đối với tính mạng, sức khỏe của công dân.
Giá huyết thanh kháng nọc rắn chỉ ngang với các loại dược phẩm thông thường. Không chỉ Bệnh viện huyện Sơn Hòa, Bệnh viện tỉnh Phú Yên không có mà các bệnh viện chuyên khoa nhi hàng đầu ở miền Nam Việt Nam như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 ở TP.HCM cũng không có. Lý do các bệnh viện không có được giải thích là vì nhu cầu tiêu thụ thấp, giá bán thấp, lợi nhuận không đáng kể nên các doanh nghiệp có quyền nhập cảng dược phẩm không mua và Bộ Y tế không thèm lo (4)!
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng chẳng bao giờ bận tâm đến những chuyện thuộc loại như vậy. Tại Việt Nam, các lĩnh vực vốn được thên hạ xác định là phúc lợi công cộng đều đã được… “xã hội hóa”, có nghĩa là dân chúng phải tự cứu lấy mình, không tự cứu được thì… thôi. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền chỉ bận tâm đến chuyện làm sao để đảng tiếp tục nắm giữ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối để… tiếp tục xây dựng CNXH!
Cuối tuần vừa rồi, Hà Nội lại ngập nặng. Chỉ trong vòng một tuần, nhiều thứ tài sản cá nhân ở thủ đô Cộng hòa XHCN Việt Nam chìm sâu trong nước hai lần (5). Giống như nhiều lần trước và ở nhiều nơi khác trên khắp Việt Nam, thiệt hại đa dạng và không nhỏ do cả hai cơn mưa lớn (một vào 23/5/2022, một vào 29/5/2022) do các nạn nhân tự gánh vác, tự giải quyết. Dù rõ ràng đó là lỗi trong quản trị, điều hành của cả hệ thống, những chỉ trích gay gắt nhất cũng chỉ hướng vào chính quyền thành phố Hà Nội.
Giống như nhiều lần trước và ở nhiều nơi khác trên khắp Việt Nam, Không có bất kỳ viên chức nào trong số những cá nhân hữu trách từ trung ương đến địa phương xác định đó là trách nhiệm của mình hay của tập thể do mình lãnh đạo đã phạm sai lầm, thiếu trách nhiệm trong soạn – phê duyết – thực thi chính sách quản trị, điều hành hạ tầng đô thị. Sau khi bi bô về… “vị thế”, về… “đô thị thông minh”, những cá nhân này đang bận chuẩn bị để bi bô tiếp về… “chuyển đổi số nhằm thúc đẩy, tạo động lực đổi mới, sáng tạo” (5)!
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/hoc-phi-o-tp-hcm-du-kien-tang-cao-nhat-5-lan-4463262.html
(2) https://zingnews.vn/hoc-phi-dai-hoc-tang-co-truong-cao-gap-doi-post1321339.html