Mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau


Con dâu vừa cấn thai thì xin phép về ở nhà cha mẹ để đi làm gần nhà và tiện dưỡng thai. Thương dâu, ông bà vui vẻ kêu con trai đi cùng để tiện chăm sóc vợ.

Nghe tin con dâu sắp sanh, ông bà chở nhau đến bệnh viện. Thấy con dâu đang nằm bấm điện thoại, bà yên tâm:

– Không đau nhiều hả con?

Con dâu hờ hững:

– Ba má tới sớm vậy? Tối con mới sinh.

Bà vồn vã:

– Ờ, vậy bác sĩ khám rồi hả con?

– Không, con hẹn bác sĩ quen mổ.

Bà lo sợ :

– Sao phải mổ hả con?

Con dâu buông điện thoại, xoa bụng:

– Không có gì đâu, con coi ngày tốt để cho cháu chào đời.

Vậy mà ông bà cũng luẩn quẩn ở bệnh viện, ăn cơm ở căn tin xem họ nấu có chất lượng không, lo con dâu không ngon miệng, không đủ bổ dưỡng. Mãi đến chiều tối, khi con trai đưa bà sui đến, ông bà mới yên tâm ra về.” Sanh đẻ mà thui thủi một mình tủi lắm”. Con dâu nói với theo:

– Ba má cứ ở nhà, mai sẽ có cháu bồng mà.

Mỗi sáng, ông bà có thêm niềm vui qua nhà sui gia thăm cháu, bao giờ cũng mang theo ký thịt, con gà, bánh trái:

– Con gái sanh đẻ lạt miệng, chị sui biết ý nấu cho vừa miệng con.

Cháu đầy tháng, ông bà được mời dự với tư cách khách mời!

Khi con dâu hết hạn hộ sản, ông bà gợi ý con trai đưa vợ con về nội để bà chăm sóc vì ông bà ngoại thường bận hội này họp nọ. Con trai nói:

– Để con tính. Sợ ông bà ngoại mến tay mến chân không chịu xa. Mà nhà cũng có người giúp việc.

Thế là ông bà vài ngày lại lóc cóc chở nhau đi thăm cháu. Ông ít nói nhưng hay nựng nịu cháu:

– Chừng nào cháu mới về ở với ông bà nội đây?

Ông sui nằm bệnh viện 2 tháng rồi mất. Con dâu nói không nỡ để mẹ một mình nên xin tiếp tục ở bên ngoại. Ông bà lại lấy việc chở nhau đi thăm con và cháu làm niềm vui.

Đến lúc cháu 5 tuổi, ông bị đột quỵ, qua đời. Đưa tang cha xong, con trai lẩn quẩn bên mẹ, không đành ra về:

– Chắc tụi con sẽ sắp xếp về bên này. Má ở một mình con không yên tâm.

Bà sung sướng nhìn con, thầm cám ơn con trai đã nghĩ đến điều bà hằng mong ước.

Nhưng điều đó không xảy ra. Đêm cúng thất, bà nghe con dâu nói với con trai:

– Về đây rồi bỏ mẹ một mình sao? Nhà gần mà, anh chịu khó qua thăm má là được rồi.

Sau đó, trên bàn ăn, con dâu nói dứt khoát:

– Ở đây hơi xa, tụi con đi làm không tiện. Mà cháu quen được ngoại chăm rồi, sợ về chỗ lạ cháu không quen. Vậy để cuối tuần tụi con đưa cháu về thăm cho bà nội đỡ buồn.

Thế là bà cứ một mình. Không có ông đưa đón, bà ít đi đâu, chỉ mong mau tới cuối tuần để nấu bữa ăn ngon cho con cháu..

Thời gian đầu, con trai đưa vợ con về ăn với nội, sau chỉ có con trai đưa cháu nội về, rồi thì…con trai đưa cháu tới nhà nội và vội đi. Cuối tuần, ai cũng bận bạn bè, tiệc cơ quan, tiệc cưới, …bà hiểu!

Nhìn mâm cơm đầy thức ăn con cháu thích, chỉ có hai bà cháu dỗ nhau ăn, bà cố gắng không nghĩ gì để khỏi buồn….

Bà thường để thức ăn vào hộp lớn hộp bé cho cháu mang về. Có lần bà dặn cháu:

– Xôi này con thích nè, để mai ăn sáng.

Thằng bé thật thà nói:

– Ngoại với mẹ không cho con ăn đồ cũ. Mấy cái này ba đem vô công ty ăn không hà.

Bà hơi khựng lại, một chút suy nghĩ…!

Nhưng rồi bà vẫn quen nấu nhiều món ăn vào chiều thứ bảy để đón con cháu (bây giờ thì chỉ có cháu) và vô hộp cho cháu mang về.

Chiều nay, vợ chồng con trai đến rước con sớm hơn thường lệ. Bà vội ra nhà sau lấy thức ăn vào hộp. Khi trở lại phòng khách, bà nghe tiếng con dâu cằn nhằn: ” Nấu gì mà nhiều quá, có mình thằng nhỏ ăn. Má phung phí quá đi”. Tiếng con trai ngắt lời vợ: “Em đừng nói vậy . Má nấu cho tụi mình, tại mình không về ăn. Để anh đem vô công ty ăn cũng được mà”. Con dâu vẫn tiếp: “Xì, có anh tiếc mới ăn đồ cũ. Mà thằng nhỏ bị ăn ở đây riết rồi hết biết ăn nhà hàng luôn”. Bà đứng lặng hồi lâu rồi vờ ho để báo hiệu và bước ra với túi thức ăn. Bà đưa con cháu ra cổng rồi quay vào ngay, không đứng nhìn theo như mọi lần, cũng không chờ con trai dặn mẹ đóng cửa và chờ mẹ đóng hẳn cửa rào rồi mới cho xe đi. Con trai nhìn theo mẹ, cảm nhận có điều gì đó trong mắt mẹ.

Trưa hôm sau, con trai ghé nhà mẹ. Bà đang ngồi một mình ở bàn ăn với dĩa bầu luộc và chén cá kho. Anh ấp úng hỏi một câu thật thừa :

– Má…ăn cơm hả?

Tự dưng bà cũng ấp úng:

– Ừ…, à…, con ăn chưa?…ăn với má luôn nghe. Để má chiên thêm cái trứng.

Con trai chỉ “dạ” rồi bước nhanh ra hè để mẹ không thấy nước mắt anh chực trào ra. Anh giả vờ nhìn cây cảnh thật lâu để dằn nén cảm xúc rồi mới vào nhà. Mâm cơm có thêm dĩa trứng và dĩa dưa leo. Hai mẹ con ngồi ăn trong im lặng. Con trai sợ chỉ cần mở miệng ra, anh sẽ khóc. Bà cũng nhìn con trai ăn, nhớ những bữa cơm cả nhà cùng ăn trong tiếng cười nói vui vẻ của chồng con. Thật lâu, anh mới hỏi:

– Má thường ăn ít vậy sao? Ý anh là ” ít thức ăn” nhưng anh cứ nghẹn lời. Bà hỏi lại:

– Con no chưa? … Thì…lâu nay má cũng ăn vậy mà….

Con trai lặng người, mím chặt môi khi nhớ đến những hộp thúc ăn ngon lành mà mẹ gói ghém cho cháu mang về mỗi tối thứ bảy, vẫn thường bị bỏ quên trong tủ lạnh hoặc chỉ một mình anh ăn. Anh cũng liên tưởng ngay đến những bữa ăn thừa mứa ở nhà hàng mà mẹ vợ và vợ thích mê…..Anh dọn chén bát đi rửa, cố làm một việc gì đó để tránh nhìn vào mắt mẹ, đôi mắt cam chịu, ẩn nhẫn…

Bà đang ngồi chờ anh ở bàn với hai tách trà nóng. Con trai nhận ra hương trà thơm ngày trước ba vẫn uống và cũng nhận ra sự cô đơn mẹ đã phải chịu đựng bấy lâu, từ khi vắng ba. Tự nhiên anh nắm lấy tay mẹ, nắm thật lâu mà không biết nên nói gì. Nhưng bà hiểu, bà vỗ về bàn tay chưa khô nước của con, nói thay con:

– Không sao đâu con, má tự lo được. Con đừng lo nghĩ gì…

Rồi như sợ con trai sẽ khó xử, như lâu nay bà vẫn sợ, bà nói luôn:

– Má sẽ kêu dì Sáu lên ở với Má . Dưới quê dì cũng ở một mình….Mà…vợ con con cũng quen ở bên đó rồi…Cũng không thể để chị sui ở một mình. Lớn tuổi rồi, ở một mình tội lắm…

Anh muốn khóc khi thấy mẹ cười, nụ cười hiền lành, bao dung muôn thuở:

– Không sao đâu con, miễn sao ai cũng vui vẻ, thoải mái là được mà.

Ôi, làm sao mà “không sao” được Má ơi! Anh áp tay mẹ vào má mình , đôi bàn tay khô quắt mà luôn ấm áp nghĩa tình này , bao lâu rồi anh chưa nắm lại?

– Dạ , con sẽ sắp xếp để về với Má nhiều hơn, nghe Má.

Thật sự, anh cũng chưa biết sẽ sắp xếp thế nào nhưng anh thấy nhẹ lòng khi nói ra được như vậy và cảm thấy thật hạnh phúc khi nhìn đôi mắt sáng niềm hi vọng của mẹ.

Sưu tầm

share từ FB Bùi Văn Phùng   

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay