Nhà văn Nhất Linh tái xuất hiện ở Việt Nam qua ‘Xóm Cầu Mới’
March 23, 2022
Trần Doãn Nho/Người Việt
KENNEDALE, Texas (NV) – Nhà văn Nhất Linh tái xuất hiện ở Việt Nam vào cuối năm 2021 vừa qua, bằng “Xóm Cầu Mới,” tác phẩm cuối cùng của ông, do nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, Hà Nội, xuất bản.
Bìa tiểu thuyết “Xóm Cầu Mới” của Nhất Linh (2021). (Hình: Trần Doãn Nho/Người Việt)
Theo ông Nguyễn Tường Thiết, con trai út của Nhất Linh, thì “Hoài bão của Nhất Linh khi khởi viết ‘Xóm Cầu Mới’ vào năm 1940 là mong muốn thực hiện một bộ trường giang tiểu thuyết đồ sộ dài gần mười ngàn trang mà theo ông mới đủ để diễn tả cuộc đời muôn vẻ, muôn mặt.”
Nhưng, cũng theo Nguyễn Tường Thiết: “Thực tế ông chưa viết được một phần mười của ‘gần vạn trang’ như ông mong muốn. Cuốn ‘Xóm Cầu Mới’ do Phượng Giang xuất bản lần đầu năm 1973 ở Việt Nam và Văn Mới tái bản lần thứ nhất ở Hoa Kỳ năm 2002 cũng chỉ dày khoảng hơn 600 trang. Tuy đây là truyện dài nhất trong số những truyện dài của Nhất Linh nhưng chưa đủ để có thể gọi nó là một trường thiên tiểu thuyết. Tuy thế tôi vẫn cho rằng ‘Xóm Cầu Mới’ là tác phẩm vĩ đại nhất của Nhất Linh.” (1)
Đây là tác phẩm thứ ba của Nhất Linh được tái bản ở Việt Nam. Hai tác phẩm trước là “Gánh Hàng Hoa” (viết chung với Khái Hưng) và “Lạnh Lùng.” Sau khi “Xóm Cầu Mới” được phát hành, tôi ghi nhận có hai bài điểm sách ngắn trên báo Việt Nam ở trong nước.
Bài thứ nhất xuất hiện trên tờ Văn Nghệ Quân Đội ngày 17 Tháng Giêng, 2022. Một trích đoạn:
“Hình tượng văn nhân của Siêu cũng như nổi buồn thoáng qua của Triết đại diện cho khả năng nghiên cứu, quan sát và mổ xẻ vô cùng cầu toàn của Nhất Linh. Những dòng mô tả sự khép mình của Siêu dễ gợi nhớ đến ‘Cỏ Ven Đường’ của Natsume Soseki với những dòng tâm sự dài; trong khi ở Triết có một nỗi buồn nào đó rất… Freud, của những suy ngẫm, của những thân phận giữa cảnh đời không biết sẽ đi về đâu. Tuy phổ quát, nhưng ở mỗi cá tính khác nhau, Nhất Linh vẫn đi rất sâu và để lại được một điểm đặc biệt, và có thể nói là thành công nhất của ông trong tác phẩm này.”
“Trong ‘Xóm Cầu Mới,’ tình nghĩa làng xóm được Nhất Linh đặt ra vô cùng rõ ràng, về những mối quan hệ muôn màu muôn vẻ. (…) Nhất Linh và những suy nghĩ có phần tiến bộ trước xã hội phần nhiều truyền thống đã được thể hiện xuyên suốt các tác phẩm trước đó như ‘Đoạn Tuyệt,’ ‘Đôi Bạn’… và ‘Xóm Cầu Mới’ cũng không nằm ngoài ngoại lệ. Ở đây, chi tiết về mối tình thâm giữa Siêu với Mùi vượt qua biên giới níu chặt của tính họ hàng, hay điểm nhấn trong câu chuyện của cô Hòa bán cơm, tuy rất nhỏ và chỉ là điểm xuyết… thế nhưng vị trí và vai trò của người phụ nữ mới đã được Nhất Linh bày ra trước mắt. Những người phụ nữ kiểu cũ như bác Lê gái, hay mới hơn, như Duyên, như Mùi, như Bé, như Hòa… đều cho thấy được sức mạnh của mình, trong cách lựa chọn những ngã cuộc đời. Tuy hiển hiện ở nhiều mặt khác nhau nhưng có thể thấy được họ luôn tự do và sống vì mình.” (2)
Bài thứ hai xuất hiện trên tờ Thể Thao Văn Hóa ngày 24 Tháng Hai, 2022. Một trích đoạn:
“Có thể thấy, từ một ý tưởng, ‘Xóm Cầu Mới’ dưới mắt Nhất Linh sống động như thể ông đã từng sống ở một nơi tên là ‘Xóm Cầu Mới,’ đã buồn vui, giao tiếp, nói cười cùng những Mùi, Siêu, Nhỡ, Bé, Đỗi… Một đời sống bình dị không có bóng dáng của những cuộc tranh đoạt (khác bộ ‘Đông Chu’) với những con người dù thuộc tầng lớp xã hội nào vẫn có cá tính chứ không lờ nhờ tồn tại. Cuộc tranh đấu mới cũ trong các tiểu thuyết luận đề ngày trước đã “đoạn tuyệt” xong, cá nhân giờ đây phải đấu tranh với cảm xúc của chính mình. Những con người ở ‘Xóm Cầu Mới,’ trẻ có, già có, mỗi người mỗi tính, mỗi người một đặc điểm không lẫn, chỉ cần xuất hiện trên trang văn cũng đủ làm độc giả có cảm giác đã gặp họ đâu đó với những câu chuyện vụn vặt, không đầu không cuối.” (3)
Võ Phiến, khi đọc những trang bản thảo của Nhất Linh, nhận xét: “‘Xóm Cầu Mới’ sẽ không có ý chính gì cả: trong hàng vạn trang sách sẽ chỉ có cuộc đời với nhân vật được mô tả cặn kẽ, thật đúng, thật sống động. (…) Viết hay là tả đúng các trạng thái phức tạp của cuộc đời, đi thật sâu vào sự sống, tìm cho nhiều chi tiết về người và việc để tạo được những nhân vật sống động.” (4)
Thụy Khuê gọi “Xóm Cầu Mới” là “một tác phẩm hiện thực xã hội.” Theo bà: “Nhất Linh đã bỏ hẳn những câu văn hay, đọc lên như thơ, như tranh; bỏ hẳn những tư tưởng đấu tranh, dìu dắt xã hội; bỏ hẳn lối xoáy sâu vào nội tâm nhân vật mà ông sở trường; ở đây, ông chỉ nhìn con người qua những cử chỉ tầm thường nhất của họ và viết lại: ông ghi chép con người đang sống, bình thường như thế, vậy thôi.” (…) “Ông đã làm cho độc giả ‘rùng rợn hết cả người’ bằng những động tác ‘không có gì cả.’” (5)
Hầu như những nhận xét về “Xóm Cầu Mới” của những cây bút, cả trong lẫn ngoài nước, vừa trích dẫn trên, gặp nhau ở một chỗ: không có (ý chính) gì cả! Điều này khá ăn khớp với ý kiến của Nhất Linh về chính tác phẩm của mình khi cho đăng “Xóm Cầu Mới” trên báo lần đầu tiên vào năm 1958: “Cứ đọc những truyện dài trên kia, các bạn cũng đã lĩnh hội được phần nào cái ý chính của toàn bộ, nghĩa là không có ý chính gì cả ngoài cái ý tả cuộc đời về đủ mọi mặt.” (6)
Quả thật là như thế!
Trong “Xóm Cầu Mới,” Nhất Linh sử dụng một bút pháp hoàn toàn mới mẻ, dung dị, khác hẳn với những tác phẩm trước. Ông nhẩn nha kể chuyện, toàn là những chuyện linh tinh lỉnh kỉnh, chuyện mà chẳng có chuyện. Chỉ là những sinh hoạt bình thường, quá bình thường trong đời sống hằng ngày, từ những ý nghĩ nho nhỏ cho đến những cử chỉ cũng nho nhỏ, tự nhiên, từ những đối thoại vu vơ và vẩn vơ cho đến những phản ứng tâm lý bình thường, có thể tìm thấy ở bất cứ một người bình thường nào. Nhất Linh biến những chuyện vụn vặt đời sống thành “đề tài,” tập trung mô tả chúng một cách khá chi li và chi tiết. Chuyện cô Mùi đi cân gạo mất hết bảy trang; chuyện cậu Ấm Hải dối vợ, làm bộ đi săn vịt trời để hút thuốc phiện kéo dài đến mười mấy trang; chuyện thằng Tý đi học hay đi câu cũng hết vài trang; chuyện cái thắt lưng quần trở thành một cách tỏ tình đơn sơ và thành thật của cô gái Bé vừa dậy thì, hết cả chương.
Thế giới “Xóm Cầu Mới” là một thế giới mà ý nghĩa chỉ dính dáng đến những gì đang diễn ra hơn là những gì đã và sẽ diễn ra. Những hành vi, cử chỉ và lời nói của nhân vật tự đủ với chính chúng, không ám chỉ một cái gì sâu xa bóng bẩy mà cũng chẳng gợi lên một xúc động sâu xa nào. Độc giả khó tìm thấy những suy nghĩ đầy hơi hướm triết lý dạy đời hay những độc thoại lòng vòng về tình người, tình đời. Quan hệ giữa người và người không có tính áp đặt, không có tính luận đề, không tập trung vào một chủ điểm. Các nhân vật đi, đứng, ăn nói tự nhiên như nhiên chẳng dính dáng gì đến một cái sườn định trước. Tất cả đều được biểu lộ rõ ràng qua những ngắm nhìn, nghe ngóng, đôi khi có vẻ săm soi, rình mò lẫn nhau, từ đó tạo ra những trạng thái tâm lý đặc thù bên trong mỗi một nhân vật, nhưng không đi quá đà đến chỗ mang tính cách “phân tâm” kiểu Freud. Những trạng thái này có khi được giấu kỹ, nhưng cũng có khi nổ bùng thành nhưng câu nói, những cử chỉ bất ngờ, thoát khỏi vòng kiểm soát của cá nhân. Chẳng hạn khi Mùi giận Siêu vì Siêu tỏ ra chẳng chú ý đến mình lúc từ giã, khiến “Mùi giơ cao bàn tay lên, nhắm mắt lại, mím môi rồi như điên như dại nàng lấy hết sức quật mạnh tay vào cành găng đầy gai sắc. Nàng không rõ đã quật mấy cái như thế; nàng cũng không thấy đau gì ở bàn tay hình như đã tê dại hẳn.” Phản ứng này không xảy ra lập tức mà rất lâu sau khi Mùi đã về nhà.
Chân dung nhà văn Nhất Linh và cuốn sách của con trai Nguyễn Tường Thiết “Nhất Linh, Cha Tôi” được nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam tái bản vào Tháng Bảy, 2020. (Hình: Một Thế Giới)
Một trong những đặc điểm của nghệ thuật Nhất Linh trong “Xóm Cầu Mới” là các nhân vật lắm khi “nói” (đối thoại) bằng cử chỉ và chỉ cử chỉ mà thôi. Cậu ấm Hải và bà Hiên lén lút cùng hút thuốc phiện trong căn nhà vắng vẻ chỉ có hai người. Tuy “tình trong” và “mặt ngoài” của cả hai người đều “như đã,” tuy nhiên họ “nói” với nhau, dò dẫm nhau bằng cái nắm tay, cái liếc mắt, cáì nóng ran rồi… chẳng đến đâu cả.
“Nét mặt bác Hiên biến đổi hẳn: hai con mắt sáng long lanh, đôi gò má ửng hồng và đôi môi đỏ thắm lại trông như mới nở mọng ra một ít và hơi khô khô; cả mặt như bừng bừng nóng, lông mi và đôi môi rung rung vì sung sướng. (…) Hải đặt dọc tẩu vào bàn tay nàng; Hiên đẩy ra, và trong lúc giằng co tay Hải nhiều lần chạm vào tay nàng. Sau cùng Hải nắm hẳn lấy bàn tay Hiên, kéo nàng nằm xuống và bắt hút; Hải cũng giơ tay đỡ dọc tẩu và như vô tình bàn tay chàng đặt lên bàn tay Hiên. (…) Hải nhắm mắt lại (…) Hiền ‘cũng thấy nóng ran cả người vì thèm muốn chứ không phải vì say thuốc.’ (…) ‘Biết đâu không có đứa con’ nàng nghĩ thế để che đậy sự rạo rực về nhục dục. Chính nàng đã giả vờ đau bụng để Hải mời hút thuốc và như thế nàng sẽ bạo dạn hơn. Nhưng rồi: ‘Hiên với dọc tẩu, bắt đầu tiêm. Nhìn Hải, nàng biết thế là hết. Nàng thất vọng nhưng cũng thấy nhẹ người vì đã giữ được trong sạch với chồng.’”
Cặp tình nhân Bé và Đợi cũng “nói” với nhau bằng cử chỉ của đôi bàn chân. Có khi không phải là cử chỉ nữa, mà tập trung vào một chỗ hiếm khi là nơi để diễn tả tình cảm: cái lưng. Đó là cảm giác thú vị của chàng trai Nhỡ nghèo hèn yêu thầm cô chủ Mùi, có lần sung sướng được đụng chạm được vào xác thịt người mình yêu khi tình cỡ được “cõng” cô: “Chỉ còn một cách là cõng Mùi qua. Mùi thì buồn vì cha ốm và lo mời cho được ông Lang nên cứ bá lấy cổ Nhỡ nhắm mắt để Nhỡ cõng sang; không nghĩ gì đến việc ấy. Nhỡ thì khác nào như anh thuyền chài trong truyện cổ tích được ôm lấy cô công chúa. Và đến lúc về, lại được cõng Mùi lần nữa. Nhỡ tưởng mình được lên tiên khi hai tay Mùi ôm vòng lấy cổ, đè nặng lên vai và hai cái đùi chắc nịch, rất êm sau làn lĩnh trơn đè nặng lên hai bàn tay; hai bắp mà chàng thấy rất cao quý ấy ngờ đâu có ngày chàng lại được đặt tay vào… và thích nhất là chàng nhận thấy hơi nóng của bụng Mùi truyền sang làm ấm cả lưng chàng.”
***
Hình ảnh chính xác nhất tượng trưng cho nghệ thuật dựng truyện và cấu tạo nhân vật của Nhất Linh trong “Xóm Cầu Mới” là những cánh bèo mà ông tóm gọn trong lời tựa vô cùng ngắn ngủi ngay ở đầu sách: “Những đời ‘bèo giạt’ đến tụ hội ở xóm nhỏ cũng như những bèo giạt đến, trong ít lâu, vương bám vào chân cầu, rồi lại trôi đi theo dòng nước, không biết về đâu?”
“Bèo,” “giạt,” “vương,” “bám,” “trôi đi,” “không biết về đâu.” Mỏng mảnh, mong manh, ngẫu nhiên, bình thường và tầm thương! Ở đây, không anh hùng hay phản bội, không triết gia, trí thức, không người khôn kẻ hèn, cũng không bi kịch, không bể dâu, tóm lại, chẳng có gì “lớn lao” cả. Các nhà phê bình văn học hoàn toàn bất lực, không thể tìm đâu trong “Xóm Cầu Mới” một hình tượng cao cả hay một triết lý sâu xa để săm soi bàn tán hay trích dẫn dạy đời. Tất cả đều bé mọn, tầm thường như cái bé mọn tầm thường mà tất cả chúng ta đều trải qua trong cuộc nhân sinh. Chỉ là bèo mà thôi.
Huỳnh Phan Anh nhận xét về Nhất Linh khi ông viết “Bướm Trắng: “Viết chống lại những gì mình đã viết,” “là một lời nói không của chính tác giả trước những lối mòn của quá khứ. Nó thể hiện và đồng thời thực hiện một cuộc đoạn tuyệt với chính vũ trụ tiểu thuyết quen thuộc của tác giả.” (7)
“Xóm Cầu Mới” là một phủ nhận “Đoạn Tuyệt,” “Lạnh Lùng,” “Đôi Bạn”… và phủ nhận luôn cả chính “Bướm Trắng.” [qd]
Chú thích:
(1) Nguyễn Tường Thiết, lời bạt trong “Xóm Cầu Mới,” trang 511.
(2) Ngô Thuận Phát, “Xã hội đương thời trong tác phẩm tâm huyết nhất của Nhất Linh,” http://vannghequandoi.com.vn/binh-luan-van-nghe/xa-hoi-duong-thoi-trong-tac-pham-tam-huyet-nhat-cua-nhat-linh_12925.html
(3) Huỳnh Trọng Khang, “Thăm lại ‘Xóm Cầu Mới’ của Nhất Linh,” https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/tham-lai-xom-cau-moi-cua-nhat-linh-n20220224051742169.htm
(4) Võ Phiến, “Đọc bản thảo của Nhất Linh” trong “Nhất Linh hậu chiến,” https://damau.org/16115/vo-phien-doc-doc-lai-nhat-linh
(5) Thụy Khuê, “Nhất Linh, từ Cẩm Giàng tới ‘Xóm Cầu Mới,’” https://damau.org/69137/nhat-linh-tu-cam-ging-toi-xm-cau-moi
(6) “Mấy lời nói đầu,” dẫn theo Võ Phiến, “Đọc bản thảo của Nhất Linh.”
(7) Huỳnh Phan Anh, “Nhất Linh và Bướm Trắng,” www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13391&rb=08