NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM CỘNG HOÀ: NHÂN BẢN – DÂN TỘC – KHAI PHÓNG

NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM CỘNG HOÀ:

NHÂN BẢN – DÂN TỘC – KHAI PHÓNG

Quyên Di

Bài viết này bổ túc cho bài viết đã được đăng trước: “MÔI TRƯỜNG GIẢNG DẠY CỦA GIÁO CHỨC THỜI VIỆT NAM CỘNG HOÀ.” Nguyên thuỷ, bài này do phóng viên Doan Trang (Hoa Kỳ) phỏng vấn và viết lại những điều tôi trả lời. Ở đây, tôi sửa chữa đôi chút cho đúng với cách nói của tôi. Tôi cũng lược bỏ một số đoạn có ý tưởng trùng lặp với bài “MÔI TRƯỜNG GIẢNG DẠY CỦA GIÁO CHỨC THỜI VIỆT NAM CỘNG HOÀ.”

Bài này cũng đã được đăng lại hay trích đăng ở nhiều nơi. Vị đăng lại bài có tên “THUY TIEN” đã viết trong lời mở đầu:

“Đã có nhiều bài viết nhắc lại về nền giáo dục VNCH nhưng bài viết dưới đây là của một giáo sư đang dạy tại đại học Mỹ và là người từng hưởng thụ được nền giáo dục khai phóng của miền Nam trước 1975. Nhắc lại vài chi tiết về nền giáo dục xưa không chỉ là sự hồi tưởng ký ức mà còn là một chiêm nghiệm để soi rọi thực tại…”

Tôi cám ơn tất cả những vị đã giúp phổ biến bài viết này.

Quyên Di

*

BA YẾU TỐ KIẾN TẠO NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM CỘNG HOÀ

Tôi là người Hà Nội. Gia đình di cư vào Nam năm 1954, lúc đó tôi chừng 6 tuổi. Khi vào Nam ở Sài Gòn, tôi theo học một trường Tiểu học là chi nhánh mới của trường Bàn Cờ, đó là trường “Di Chuyển Bàn Cờ” trên đường Phan Đình Phùng (bây giờ là đường Nguyễn Đình Chiểu.) Học được hai năm, sau đó tôi được chuyển qua một trường sở mới, là trường Phan Đình Phùng, đối diện với trường Di Chuyển Bàn Cờ.

Từ năm 1955, chính phủ Ngô Đình Diệm đã đặt ra tiêu chuẩn rất rõ ràng về nền giáo dục Việt Nam Cộng Hoà. Tôi được hưởng nền giáo dục ấy.

Có ba điểm để định hướng cho nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa (VNCH.) Đó là: Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng. Điều thứ nhất có nghĩa là học gì thì học, điều đầu tiên là phải là Con Người. Điều thứ hai là Dân Tộc: các triều đại thay thế, tiếp nối nhau cai trị đất nước, rồi cũng tàn thôi. Như triều đại Nhà Lê được yêu mến nhất, vài trăm năm cũng hết. Triều đại, chính quyền thay đổi nhưng dân tộc thì trường tồn (ngay cả khi không còn lãnh thổ nữa.) Điều thứ ba là Khai Phóng, nghĩa là mở rộng ra, tiếp nhận những cái mới, những tư tưởng khác nhau. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ ở miền Bắc có những tác phẩm hay, như Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ… Họ không vào miền Nam, do hoàn cảnh này nọ, nhưng ở miền Nam, chúng tôi vẫn được học những tác phẩm của họ như thường chứ không có gì trở ngại. Những tư tưởng Âu, Á, Mỹ, chúng tôi cũng đều được học.

Hệ thống giáo dục dưới thời VHCH có trường công (chính phủ thành lập) và trường tư (tư nhân thành lập), đều được tôn trọng như nhau. Trường tư do giáo hội Công giáo thành lập được gọi là trường Đạo. Điều này cho thấy dưới chế độ VNCH, các tôn giáo lãnh trách nhiệm khá lớn về mặt giáo dục. Lý do Giáo hội Công giáo thành lập trường là vì dân số ngày càng đông, hệ thống trường công của chính phủ không đủ chỗ cho học sinh. Sau này, cũng có những trường Trung học, Đại học do hệ thống Phật giáo thành lập.

Về các cấp lớp:

* Tiểu học, tính từ thấp nhất đến cao nhất gồm có lớp Năm, lớp Tư, lớp Ba, lớp Nhì, lớp Nhất. Nếu so sánh bây giờ thì là lớp Một, lớp Hai, lớp Ba, lớp Bốn, lớp Năm.

* Trung học thì có Trung học đệ nhất cấp, gồm Đệ Thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ, Đệ Tứ; Trung học đệ nhị cấp, gồm có Đệ Tam, Đệ Nhị, Đệ Nhất. Đệ Thất là lớp Sáu bây giờ, cứ thế mà tính lên. Đệ Nhất là lớp Mười Hai bây giờ. Ở kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp (cuối lớp Đệ Tứ) còn có thi vấn đáp, thi nhiệm ý. Học sinh đỗ hay không đỗ cũng đều được lên lớp Đệ Tam. Ai đỗ Trung học Đệ Nhất Cấp là được quyền đi dạy học trường tư bậc Tiểu học. Ngay cả đi xin việc làm cũng được, nếu có cái bằng.

Lớp Đệ Tam gọi là “lớp dưỡng lão” bởi vì không có thi cử gì hết. Đệ Tứ, Đệ Nhị và Đệ Nhất thì học xong đều phải đi thi. Học xong lớp Đệ Nhị thi Tú Tài I. Xong lớp Đệ Nhất thi Tú Tài II. Đó là các kỳ thi Toàn Quốc, rất khó. Mỗi nơi có một Hội đồng thi và có một vị là chánh chủ khảo rất nghiêm minh. Thi đỗ Tú Tài I mới được lên lớp Đệ Nhất, tức lớp cuối cùng bậc Trung học, sau đó sẽ thi Tú Tài II. Dù cùng thi đỗ, nhưng thí sinh đỗ làm nhiều bậc: Tối ưu, Ưu, Bình, Bình thứ, và Thứ. Đỗ vớt là có đỗ đấy, nhưng “với sự khoan hồng của ban giám khảo.”

Thi Tú Tài có mấy môn như: Quốc văn, Sử, Toán, Lý Hóa, Sử Địa, Công dân giáo dục, Ngoại ngữ thì được quyền chọn: Anh, Pháp, Cổ ngữ La-tinh (hoặc là Hán văn hay tiếng Phạn.) Hồi ấy bậc Trung học đệ nhị cấp chia làm bốn ban: Ban A (Lý-Hoá và Vạn vật,) Ban B (Toán,) Ban C (Văn chương,) Ban D (Cổ ngữ.) Trong cuộc thi Tú Tài II, môn Quốc văn được thay bằng môn Triết học gồm ba phần: Luận Lý học, Đạo Đức học, và Tâm Lý học. Đến 1974, cuộc thi có môn Quốc văn trở lại.

* Các trường Đại học dưới thời VNCH có Đại học Y Khoa, Dược Khoa, Kiến Trúc, Sư Phạm thì phải thi vào. Đặc biệt nếu học Sư Phạm thì sẽ có phụ cấp, nên hồi đó nhiều người đã ghi danh hay thi vào trường Đại học khác, nhưng thi thêm vào trường Sư Phạm để có phụ cấp và tương lai được làm giáo chức, nếu không chọn những ngành nghề khác. Đương nhiên có những người chỉ học một Đại học là Đại học Sư Phạm thôi.

Vào trường Luật khoa, Khoa học, Văn khoa không phải thi, tất cả sinh viên đều được ghi danh vào học y như nhau. Năm đầu tiên đại học Văn khoa, sinh viên chưa học chuyên ngành. Năm ấy gọi là năm “Dự Bị Văn Khoa,” gồm những môn Triết Đông, Triết Tây, Ngoại ngữ, Văn chương, Quốc văn, Hán văn. Qua đến năm thứ hai mới được chọn chuyên ngành, như Văn Chương Quốc Âm, Văn Chương Việt Hán, Văn Minh Việt Nam, Ngữ Học Việt Nam, Sử Địa… Luật khoa thì không có năm nhất, năm hai, năm ba… mà gọi là Cử nhân một, Cử nhân hai, Cử nhân ba. Chuyện buồn cưởi là có sinh viên thi lên lớp mãi vẫn trượt, trong lý lịch ghi là: “Cử nhân một năm thứ… ba!” Cuối năm thứ tư, thi đỗ thì là Cử nhân Luật. Tốt nghiệp rồi, sinh viên ghi tên học thêm ngành Luật, rồi mới ra Luật sư tập sự.

Hồi đó có viện Đại Học Sài Gòn (Đại học công,) viện Đại học Huế (Đại học công,) viện trưởng là Linh mục Cao Văn Luận; viện Đại học Đà Lạt (Đại học Công giáo) nhưng được chính quyền công nhận bằng cấp ngang với các đại học khác, viện trưởng là Linh mục Nguyễn Văn Lập, sau đó là Linh mục Lê Văn Lý; viện Đại học Vạn Hạnh (Đại học Phật giáo) ở Sài Gòn, viện trưởng là Thượng toạ Thích Minh Châu; viện Đại học Cần Thơ; viện Đại học Minh Đức có một chút hướng về Phương Đông (Y khoa.) Đại học Minh Đức nổi tiếng có ban Kinh Thương (Kinh Tế – Thương Mại.)

Để trở thành Cô giáo, Thầy giáo thì phải tốt nghiệp trường Sư Phạm. Đó là với trường công, còn ở trường tư thì không cần qua trường Sư Phạm, miễn có bằng cấp về chuyên môn, được Bộ Quốc gia Giáo dục và Nha Tư Thục cho phép dạy từng bậc, và được nhà trường tín nhiệm. Thầy, Cô dạy học ở bậc tiểu học được gọi là Giáo viên, dạy bậc Trung học được gọi là Giáo sư Trung học, dạy bậc Đại học là Giáo sư hoặc Giảng sư Đại học.

Trước 1975, muốn học trường công thì hơi khó, phải giỏi mới vào được, vì có thi tuyển. Ở cấp Tiểu học thì không cần thi tuyển, dù nhà ở xa hay gần trường đều được vào học, không cần theo học khu. Nhưng sau khi học xong Tiểu học, học sinh phải qua cuộc thi tuyển để vào trường công bậc Trung học. Những môn thi gồm có: Toán, Quốc văn, Địa lý, Lịch sử và một vài môn nữa được tự chọn để lấy thêm điểm, như Nữ Công Gia Chánh, Hát, Vẽ….

Sau khi xong bậc Tiểu học, tôi thi vào trường công để học Trung học, nhưng thi hai lần không đỗ, nên bố mẹ gửi vào trường Đạo. Đó là trường Nguyễn Bá Tòng. Nguyễn Bá Tòng là tên của giáo sĩ Việt Nam đầu tiên được phong chức Giám mục. Sau 1975, trường Nguyễn Bá Tòng được đổi tên là trường cấp ba Bùi Thị Xuân, toạ lạc tại quận Nhất, Sài Gòn (thời chúng tôi là quận Nhì.)

Lên Đại học, tôi học chuyên ngành Ngữ học Việt Nam, nhưng năm cuối vào vấn đáp phải đến lần thứ hai mới đỗ. Giáo sư đánh trượt tôi là Linh mục Lê Văn Lý – người đầu tiên trình luận án về Ngữ học Việt Nam ở Đại học Sorbonne, Pháp. Dù rất thân thiết với gia đình tôi, ngài vẫn không nương tay cho tôi. Bên Đại học Văn khoa có các Giáo sư Lê Trung Nhiên, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Khắc Hoạch (là ba vị khoa trưởng tôi còn nhớ tên.) Tôi còn được học với những Giáo sư Nguyễn Duy Cần (Triết Đông,) Nguyễn Văn Trung (Triết Tây,) Thanh Lãng, Nghiêm Toản, Vũ Khắc Khoan, Đông Hồ Lâm Tấn Phác (Văn Chương Quốc Âm,) Lê Văn Lý và Lê Ngọc Trụ (Ngữ học Việt Nam), Bửu Cầm (Văn Minh Việt Nam) v.v…

Thầy Đông Hồ gục chết ngay trong lớp học. Tôi được đại diện sinh viên Văn Khoa, đọc văn tế trước khi hạ huyệt Thầy, trong đó có câu:

“Thầy nằm xuống giữa lòng lớp học,

Cho chúng con tiếng khóc nghẹn ngào.”

Còn bên Đại học Luật khoa có những Giáo sư nổi tiếng như Vũ Văn Mẫu, Lê Đình Chân, Vũ Quốc Thúc…, đều là những Giáo sư giỏi nhưng chấm điểm rất gắt. Chúng tôi gọi vụng các Giáo sư đó là những “máy chém”: “máy chém Vũ Văn Mẫu,” “máy chém Lê Đình Chân,” “máy chém Vũ Quốc Thúc.” Gọi vụng các Thầy như vậy, nhưng chúng tôi rất kính trọng các Thầy.

Hồi đó, không phải dễ mà có bằng Tú tài I và Tú tài II, mà phải đậu Tú Tài II mới được ghi danh Đại học. Nhiều khi giáo sư ở Sài Gòn được gửi về miền Trung làm chánh chủ khảo để có sự thanh liêm, không thể hối lộ. Nói vậy, chứ không thể nào có sự thanh liêm tuyệt đối, vẫn có người tìm cách hối lộ này nọ, nhưng hiếm lắm. Mà nếu bị khám phá thì xấu hổ vô cùng.

Tôi tốt nghiệp năm Cử nhân 1970; khi còn dở dang, chưa hoàn tất bậc Cao học thì được mời lên làm phụ tá giám đốc ban Tu Thư Viện Đại học Đà Lạt (lo về sách giáo khoa và chương trình học) và vẫn tiếp tục dạy thêm ở bậc Trung học đệ nhị cấp. Năm 1974, tôi được đề cử dạy môn Quốc văn lớp Mười Hai, vì năm đó Bộ Quốc Gia Giáo Dục quyết định đưa môn Quốc văn lên dạy trên lớp Mười Hai, bên cạnh môn Triết học, và đó cũng là năm duy nhất cho thi Tú Tài lối trắc nghiệm, A, B, C khoanh…

*

Một chút ký ức được ghi lại. Mong rằng bài viết này góp thêm phần vào những bài viết giá trị của các tác giả khác, đã ghi lại rất chi tiết về nền giáo dục Nhân Bản – Dân Tộc – Khai Phóng thời Việt Nam Cộng Hoà.

(*) Tôi chỉ chụp hai tấm hình: bìa sách Văn học của Giáo sư Thanh Lãng và bài thực tập của tôi. Các hình khác, tôi mượn trên “internet.”

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay