Trại ‘cải tạo’ của CSVN sau năm 1975
Nguyễn Cao Quyền
January 8, 2019
LTS: Ông Nguyễn Cao Quyền từng là một viên chức cao cấp trong chính quyền VNCH. Tốt nghiệp khóa 1 Trừ Bị Nam Định và khóa 51-53 trường Saint Cyr (Pháp), đỗ cử nhân luật và cao học tiến sĩ kinh tế Đại Học Luật Khoa Sài Gòn (1963), thẩm phán Tòa Án Quân Sự, đại tá chánh thẩm Tòa Án Đặc Biệt (1966-1968), cố vấn ngoại giao tại Paris (1968-1974), Nha Thông Tin Báo Chí Bộ Ngoại Giao (1974-1975). Sau năm 1975, ông bị đưa đi tù “cải tạo” (1975-1985), rồi sau đó sang định cư tại Maryland, Hoa Kỳ, từ năm 1990. Ông từng là chủ tịch Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị vùng Hoa Thịnh Đốn, cựu phó chủ tịch ngoại vụ Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị, cựu chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn (1996-1998). Ông còn viết nhiều bài khảo luận về kinh tế, chính trị được phổ biến rộng rãi.
Những đoạn viết sau đây sẽ trình bày một số sự kiện chính trị đưa dẫn đến việc những quân nhân VNCH bị Hà Nội tập trung “cải tạo,” mô tả chính sách cải tạo của CSVN sau năm 1975 và sau cùng đề cập đến thiện chí của Hoa Kỳ trong việc giải thoát tù “cải tạo” và cho họ cùng gia đình sang sinh sống tại Hoa Kỳ và tại những nước dân chủ trên thế giới.
I-Giai đoạn lịch sử chung của Hoa Kỳ và Việt Nam
Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam kể từ thập niên 1940 nhưng sự can thiệp này chỉ trở thành tích cực bắt đầu từ thập nhiên 1950. Sau khi Thế Chiến 2 chấm dứt và cục diện chính trị thế giới đã hình thành rõ rệt với hai khối Tự Do và Cộng Sản kình chống nhau trong một mô thức được gọi là Chiến Tranh Lạnh thì tại Hoa Kỳ, Tổng Thống D. Eisenhower tuyên bố rằng chiến tranh Đông Dương không còn là chiến tranh thuộc địa mà là cuộc chiến giữa Cộng Sản và Thế Giới Tự Do. Từ đó Hoa Kỳ viện trơ cho Đông Dương càng ngày càng nhiều để đánh trả lại Việt Minh hầu ngăn chặn sự bành trướng của phe Cộng Sản do Liên Xô và Trung Cộng lãnh đạo.
Sau Hiệp Định Genève 1954 (chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam, Bắc), Hoa Kỳ biến miền Nam thành tiền đồn chống Cộng. Tình nghĩa đồng minh mặc dù thắm thiết nhưng tới lúc cần tự mình đảm nhiệm cuộc chiến, Hoa Kỳ đã không do dự loại bỏ Tổng Thống Ngô Đình Diệm để được rảnh tay mang quân vào Việt Nam và Mỹ hóa chiến tranh. Ngày 8 Tháng Ba, 1965, Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên Đà Nẵng mà không hề thỏa hiệp trước với chính phủ Sài Gòn. Số quân Mỹ tham chiến ở Việt Nam lớn dần theo thời gian và có lúc đã lên tới nửa triệu người.
Đến khi Hoa Kỳ cần oanh tạc Bắc Việt thì họ lại tạo ra sự kiện tàu Maddox. Tuy nhiên với những trận mưa bom trên đất Bắc và những chiến dịch lùng diệt rất quy mô tại miền Nam, Hoa Kỳ vẫn không đạt được mục tiêu và bị sa lầy. Số binh sĩ Mỹ tử trận tại miền Nam càng ngày càng gia tăng và số phi cơ bị bắn hạ tại miền Bắc cũng lên cao (1,621 chiếc từ năm 1961 đến 1966).
Cuối năm 1967 nước Mỹ chìm trong xáo trộn và phân hóa vì chiến tranh Việt Nam. Tổng Thống Johnson quyết định “Việt Nam Hóa” cuộc chiến. Được tăng cường, quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) lần lượt thay thế quân lực Hoa Kỳ trong những trách vụ hành quân quan trọng.
Chiến tích lẫy lừng nhất của quân lực anh hùng này là chiến thắng Tết Mậu Thân (1968). Chiến thắng này bẻ gãy kế hoạch tổng tấn công/tổng nổi dậy của Tướng Cộng Sản Võ Nguyên Giáp và phá tan huyền thoại “bách chiến bách thắng” của quân đội Cộng Sản Bắc Việt. Gần 60,000 quân Cộng Sản tung vào trận địa đã bị tiêu diệt hết phần nửa chỉ trong một tháng giao tranh. Phần còn lại bị thanh toán gần hết khi cuộc chiến chấm dứt. Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, người ta ghi nhận bên phía VNCH chỉ có 4,954 chiến sĩ hy sinh.
Sau chiến thắng Tết Mậu Thân, Quân Lực VNCH tự đảm nhiệm trọng trách tác chiến để quân Mỹ có thể rút về nước. Cuộc hành quân thần tốc vào Cambodia để truy lùng Việt Cộng và tiếp cứu Lon Nol, chiến dịch Lam Sơn 719 cắt đứt đường tiếp liệu của Cộng Sản, cuộc tử thủ An Lộc được ví như trận Verdun của Pháp, cuộc tái chiếm cổ thành Quảng Trị tranh nhau với binh sĩ Cộng Sản từng thước đất, đã chúng minh một cách hùng hồn khả năng tác chiến và tinh thần dũng cảm của quân lực anh hùng ấy.
Song song với những chiến tích lẫy lừng của quân đội, công cuộc “Bình Định và Phát Triển Nông Thôn” cũng ở trên đà thành công tốt đẹp. Vào những năm đầu của thập kỷ 1970, theo cuộc thăm dò của Hamlet Evaluation Survey (HES) do các cố vấn Hoa Kỳ thực hiện khắp miền Nam Việt Nam thì trong 1,333 xã ấp cuối cùng do chiến dịch Accelerated Pacification Campaign (APC) đảm trách, 1,035 xã ấp đã có an ninh và 80% dân số miền Nam đã được sống trong vùng chính phủ kiểm soát.
Chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh đang đi vào giai đoạn thành công thì trên thế giới xảy ra một biến cố làm cho chương trình này đứt đoạn và cuộc chiến thắng của VNCH bị bỏ lỡ. Năm 1969, trên sông USSURI, dọc theo biên giới Đông Bắc Trung Hoa, Liên Xô và Trung Cộng đã động binh giáp chiến. Sự kiện này chứng minh cho Hoa Kỳ thấy rằng sự nứt rạn, từ năm 1953, giữa hai đảng Cộng Sản anh em là có thật và Hoa Kỳ đã không bỏ lỡ cơ hội tìm cách ly gián để làm suy nhược hàng ngũ đối phương.
Chiến lược toàn cầu của Mỹ thay đổi từ giờ phút đó. Những cuộc vận động ngoại giao và chính trị dồn dập xảy ra nhằm hỗ trợ mục tiêu chiến lược vừa nói:
-Ngày 9 Tháng Bảy, 1971, Kissinger có mặt ở Bắc Kinh và được Chu Ân Lai tiếp kiến.
-Ngày 25 Tháng Mười, 1971, tại Đại Hội Đồng thứ 26 của Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ bỏ rơi Đài Loan để bắt tay với Trung Cộng.
-Ngày 21 Tháng Hai, 1972, tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon thăm viếng Trung Quốc trong bảy ngày.
-Ngày 28 Tháng Hai, 1972, Thông Cáo Chung Thượng Hải ra đời. Tổng Thống Nixon tuyên bố đây là “một tuần lễ” sẽ làm thay đổi thế giới.
Sự thay đổi thế giới khởi sự bằng tiến trình rút quân Hoa Kỳ khỏi Việt Nam. Bill Sullivan, phụ tá của Henri Kissinger tại hòa đàm Paris tuyên bố rằng: “…người Trung Hoa đã khai thông với chúng ta. Làm cho người Trung Hoa tách rời khỏi Liên Xô và nghiêng về phía chúng ta quan trong hơn nhiều việc chiến thắng ở Việt Nam.”
Điều không may cho miền Nam Việt Nam là đúng vào lúc chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh đang thành công tốt đẹp thì, trên bàn cờ chính trị thế giới, Hoa Kỳ thay đổi chiến lược toàn cầu, còn trong nước thì làn sóng chống chiến tranh dâng lên như nuớc thủy triều. Cả một thế hệ xuống đường vào năm 1968, gồm toàn những thành phần trẻ mới vào đời, chịu ảnh hưởng tiểu thuyết hiện sinh của Hemingway và Fitzerald. Họ sợ hãi. Một loại sợ hãi đặc biệt chỉ tìm thấy trong các xã hội giàu có. Đó là thứ sợ hãi trách nhiệm vì ham hưởng thụ và không chịu ràng buộc vào bất cứ vấn đề gì. Hoa Kỳ thay đổi chiến lược toàn cầu một phần vì muốn lợi dụng sự phân hóa trong khối Cộng Sản quốc tế nhưng phần khác cũng tại áp lực của phong trào phản chiến trong nội địa.
Về phía miền Nam Việt Nam thì mặc dầu chiến đấu oanh liệt và thắng lợi như vậy, rốt cuộc quân lực VNCH đã phải tủi hờn rã ngũ để nhìn Việt Cộng chiếm trọn quê hương. Họ đã là thành phần phải trả giá đắt nhất cho một sự phản bội. Họ không thua vì hèn kém mà thua vì lộ đồ bại trận đã được đồng minh Hoa Kỳ vạch sẵn từ lâu.
Vào giờ phút hấp hối của VNCH, khi nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, năm vị tướng tài ba và đảm lược nhất của quân đội đã tuẫn tiết theo truyền thống hào hùng của ông cha. Đó là các tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Quân Đoàn 4; Lê Văn Hưng, tư lệnh phó Quân Đoàn 4; Lê Nguyên Vỹ, tư lệnh Sư Đoàn 5; Trần Văn Hai, tư lệnh Sư Đoàn 7; và Phạm Văn Phú, tư lệnh Quân Đoàn 2. Trong hàng sĩ binh sĩ cấp dưới cũng không ít những tấm gương hiên ngang và khí phách tương tự. Điểm son này cần ghi lại cho các thế hệ mai sau vì là một trong những nét kiêu hùng của nòi giống.
II-Tiến trình “cải tạo”
1-Thủ đoạn lừa dối tham độc của CSVN
Khi đồng minh Hoa Kỳ tháo chạy trước đà tiến quân của Cộng Sản Bắc Việt, họ đã để lại đằng sau 980,000 người lính của Quân Lực VNCH, những quân nhân đã từng sát cánh với binh sĩ Hoa Kỳ bảo vệ biên cương của thế giới tự do.
Vào giờ VNCH hấp hối thảm cảnh “sống chết mặc bay”diễn ra vô cùng chua sót. Người ta dẫm lên nhau chạy trốn Cộng Sản không kể gì đến sinh mạng và tài sản vì Hoa Kỳ không có một chương trình di tản nào tương xứng với tình nghĩa đồng minh. Khởi thủy Mỹ chỉ muốn di tản 50,000 người. Vào phút chót số nhân mạng được may mắn cứu vớt mới nhích lên được con số 130,000. Họ muốn mọi chuyện diễn ra nhanh chóng cho xong việc. Người ta đoán được tâm trạng này qua lời nguyền rủa rất tàn nhẫn của Henri Kissinger: “Sao chúng không chết phứt cho rồi” (Why don’t these people die fast?). Như vậy, chỉ cần làm một con tính nhỏ người ta có thể thấy ngay là hơn 800,000 binh sĩ của Quân Lực VNCH đã là nạn nhân của chế độ cải tạo của Cộng Sản Việt Nam.
Chỉ vài ngày sau khi chiếm trọn miền Nam, những người Cộng Sản đã lùa quân nhân, công chức và thành viên đảng phái quốc gia vào tù bằng một thủ đoạn vô cùng hèn hạ. Trong một buổi ra mắt mừng chiến thắng, Tướng Cộng Sản Trần Văn Trà, chủ tịch Ủy Ban Quân Quản thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) với dụng ý hiểm độc đã tuyên bố trước báo chí một câu mà những người bị “cải tạo” không thể nào quên “Đối với người Việt Nam không có ai là kẻ chiến thắng hay chiến bại. Chỉ có đế quốc Mỹ là bị đánh bại mà thôi.” Vì lời tuyên bố đường mật này mà các quân nhân, công chức và thành viên đảng phái quốc gia đã tự nguyện đi học tập “cải tạo” với số lương thực tự túc là 10 ngày hay một tháng tùy theo cấp bậc, chức vụ.
Thế rồi một tháng trôi qua, không ai được tha. Khi giải thích sự việc này, bọn cai tù Cộng Sản, dương dương tự đắc nói rằng: “Đó là nghệ thuật của cách mạng bắt các anh vào tù chứ làm gì có chuyện trả tự do, sau một tháng giam giữ, cho các con người có nợ máu với nhân dân như các anh. Các anh còn phải cải tạo dài dài.” Biết mình bị lừa nhiều người đã tự tử. Một số người khác tìm cách trốn trại để rồi cũng bị bắt lại và đánh chết thảm thương như những con vật.
Sau một năm áp dụng lao động khổ sai cho chế độ “cải tạo,” Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam, trước khi bị Hà Nội giải tán, công bố chính sách 12 điểm quy định thời gian “cải tạo” là ba năm. Sự công bố này lại mang hy vọng cho những người đã mất hết tin tưởng vào viễn ảnh của một ngày về đoàn tụ với gia đình.
Đến cuối năm 1978 thì cái hy vọng mong manh nói trên lại tan tành ra mây khói. Thời gian “cải tạo” ba năm như lời Cộng Sản hứa đã chấm dứt, song chẳng thấy ai được tha về. Trái lại, trong thời gian này, đa số đã bị lưu đày lên những vùng rừng núi Bắc Việt ma thiêng nước độc với thân tàn ma dại và tinh thần sa sút đến cùng cực. Một làn sóng tự tử thứ hai lại xảy ra, nhưng lần này bên cạnh những xác chết vì thất vọng còn có thêm nhiều xác chết khác vì đói khát và bệnh tật.
Vợ con của những người bị bắt đi “cải tạo” cũng trở thành nạn nhân của các biện pháp kỳ thị và ngược đãi. Họ bị đuổi khỏi nơi cư trú và phải đi vùng kinh tế mới giữa những rừng núi hoang vu không có một chút tiện nghi tối thiểu cần thiết cho đời sống. Con cái họ bị kỳ thị gắt gao khi thi cử và không được phép vào đại học. Nhà cửa của họ bị cán bộ Cộng Sản chia nhau chiếm đoạt, tiền bạc của họ ở ngân hàng cũng không được phép lấy ra.
Trong cơn túng quẫn những phụ nữ trẻ đẹp đã bị dồn vào thế làm lẻ mọn cho cán bộ Cộng Sản để có phương tiện nuôi thân và nuôi con còn nhỏ dại. Những người khác, rủ nhau chạy ùa ra biển, đem sinh mạng của chính mình và của con cái mình để đổi lấy tự do. Phong trào “thuyền nhân tị nạn Cộng Sản” đã đánh động lương tâm nhân loại vì trong số hàng triệu người liều chết ra đi, gần một nửa đã nằm trong bụng cá hoặc làm mồi cho hải tặc.
2-Những chặng đường “cải tạo” (kinh nghiệm bản thân)
-Những ngày đầu giam lỏng: Sau khi trình diện để được “học tập cải tạo,” chúng tôi được chở bằng xe buýt đến Long Thành. Nằm trên đường Sài Gòn-Vũng Tàu, không cách xa thị xã Biên Hòa là bao nhiêu, trại giam Long Thành là một cô nhi viện cũ bị Cộng Sản trưng dụng làm nhà tù.
Trong những ngày đầu, chúng tôi tương đối được tự do, ăn uống không thiếu thốn vì ngoài lương thực mang theo một tháng chúng tôi còn có thể mua thực phẩm tại căng tin của trại. Chúng tôi cũng chưa phải lao động mà chỉ phải học tập 10 bài chính trị và viết tự kiểm. Các bài học chính trị là những tài liệu đơn giản “kể tội Mỹ-Ngụy,” tuyên truyền lý thuyết Cộng Sản và phổ biến chính sách khoan hồng nhân đạo của chính phủ cách mạng. Những buổi học tập này nhằm gieo vào đầu óc chung tôi mặc cảm tội lỗi để chúng tôi nhận tội và an tâm cải tạo lâu dài. Thỉnh thoảng cũng có cán bộ cao cấp từ trung ương về thuyết trình những đề tài chính trị và quân sự có tính cách vừa khoe khoang vừa đe dọa.
Cái mà những người Cộng Sản muốn đạt được không phải là vấn đề “cải tạo” chúng tôi thành những người ủng hộ chế độ mà chủ yếu là khai thác chúng tôi qua những bản tự kiểm để biết thêm tin tức về các mặt tình báo và tài nguyên của miền Nam. Trong thời gian làm tự kiểm cán bộ Cộng Sản đối xử với chúng tôi rất hòa nhã và tử tế. Họ khuyến khích khai thành thật với bằng chứng cụ thể và tố cáo thật nhiều để đái công chuộc tội với cách mạng. Phải nhìn nhận rằng về mặt khai thác này những người công an Cộng Sản rất lành nghề và làm việc có hiệu quả cao.
Sau một tháng “cải tạo” không ai được tha. Đợt tha đầu tiên, gồm một số ít người có gia đình biết chạy chọt tiền bạc, chỉ xảy ra vào đầu năm 1976 trước khi chúng tôi bị lưu đày ra Bắc. Chiến dịch lưu đày này được Cộng Sản chuẩn bị chu đáo vì họ có thời gian một năm để sắp xếp và thực hiện. Các trại tù miền Bắc được xây cất thêm hoặc dồn lại để có chỗ tiếp nhận chúng tôi. Phương tiện chuyên chở thì gồm vừa hàng không vừa hàng hải. Chuyến máy bay duy nhất chở tù chính trị ra Bắc nhằm mục đích quảng cáo cho chế độ và đánh lừa dư luận để người ta không để ý tới những chuyến hải hành khủng khiếp tiếp theo.
Sau khi những quân nhân và công chức cao cấp của VNCH được chở bằng máy bay đi rồi chúng tôi được di chuyển từ Long Thành lên trại giam Thủ Đức. Cảnh tù đày đầu tiên đến với chúng tôi tại trại giam này. Chúng tôi bị lùa vào những phòng giam chật chội thiếu vệ sinh, có cửa sắt khóa chặt dưới con mắt kiểm soát cú vọ của những người công an Cộng Sản với nét mặt căm thù và hống hách. Hai tháng không học tập, không lao động, chỉ ngồi ăn, làm cho số lương thực dự trữ của chúng tôi dần dần khô cạn. Viễn tượng đói khát bắt đầu xâm chiếm tâm hồn nhưng mỗi người trong chúng tôi cứ phải thúc thủ với ý nghĩ riêng của mình mà không dám chia sẻ với ai vì sợ bị gán cho tội nói xấu chế độ. Chúng tôi ý thức rằng cuộc đời phiêu lưu gian khổ sẽ bắt đầu từ đây.
-Chuyến hải hành khủng khiếp: Thế rồi việc gì phải đến đã đến. Tại trại giam Thủ Đức, một đêm, chúng tôi bị đánh thức dậy, nhận lệnh sắp xếp quần áo để chuyển trại, bị còng tay và chở bằng xe hơi lên bến Tân Cảng Sài Gòn. Tại đây một chiếc tàu thủy to lớn đã chờ sẵn. Chúng tôi bị lùa vào những hầm tâu dành cho súc vật, nằm chờ tàu nhổ neo để bắt đầu chuyến hành trình ra Bắc. Bóng tối của hầm tàu che dấu những giọt nước mắt tuôn ra vì lo sợ, đau buồn và tủi nhục.
Trong suốt ba bốn ngày đêm lênh đênh trên mặt biển chúng tôi phải thu hết can đảm và nghị lực để chịu đựng sự tanh tưởi và hôi hám của hầm tàu. Ban đêm hầm tối đen như mực. Ánh sáng chỉ lọt qua những kẽ hở khi mặt trời ló rạng. Khi tàu chuyển máy ra khơi, phần đông anh em tù nhân bị say sóng và nằm mê man bất tỉnh. Cao điểm của cảnh khổ cực này xảy ra chỉ một ngày sau khi chuyến hải hành khởi sự. Vì say sóng, nôn mửa và bài tiết nhiều nên lượng bài tiết lớn hơn những thùng chứa đựng khiến phân và nước tiểu cứ tự do đào thoát ra ngoài và len lỏi vào chỗ nằm của các tù nhân mỗi khi tàu chao đảo.
Khi tàu cập bến Hải Phòng, mở nắp hầm ra, những người cai tù xa xẩm mặt mày vì mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Họ tức tốc đóng cửa hầm lại, đi lấy khẩu trang đeo vào mũi miệng rồi mới tiếp tục công việc chuyển tù lên đất. Riêng đối với tù nhân thì khi bước ra khỏi hầm tầu ai cũng có cảm giác như vừa từ địa ngục được bước lên thiên đàng, một cảm giác chết đi sống lại.
Thoát được cảnh hầm tàu hôi hám chúng tôi liền bị còng tay và nhồi nhét vào những chiếc xe hơi bịt bùng không cho nhìn thấy cảnh vật bên ngoài. Xe chạy rất lâu trong đêm tối. Mãi gần sáng chúng tôi mới được lệnh ra khỏi xe và nhập trại. Những người công an canh gác cho chúng tôi tắm rửa ngay ở miệng một giếng nước, giặt giũ qua loa rồi hối thúc chúng tôi vào những phòng giam kiên cố của nhà tù. Sau khi cửa sắt đóng lại và khóa chặt, họ nói vọng vào từ bên ngoài: “Các anh đến đây an toàn rồi, bây giờ chỉ còn việc an tâm cải tạo để chờ ngày được chính phủ khoan hồng.” Nói xong họ bỏ đi chỉ còn lại hai người công an trẻ cầm súng gác.
Hỏi thăm hai người công an trẻ chúng tôi được biết trai này là trại Quảng Ninh, nằm trên rừng núi cao và nhìn ra vịnh Bắc Việt. Trại này hoàn toàn cách ly khỏi xã hội bên ngoài vì đường giao thông rất khó khăn. Xã hội thu hẹp của chúng tôi bây giờ chỉ gồm có ba thành phần: nhóm tù “cải tạo” chúng tôi mới đến, những người tù hình sự bị giam giữ từ lâu và những người cai tù có nhiệm vụ canh giữ.
Ngày đầu tiên đến trại Quảng Ninh, chúng tôi có cảm tưởng hình như thời gian trôi nhanh hơn thường lệ. Mới sáng đấy mà đã tối ngay. Khí lạnh của độ cao rừng núi thấm vào phòng giam và vào cơ thể con người. Khi màn đêm đổ xuống, trong phòng chì còn lại một ngọn đèn dầu leo lắt và những tiếng thở dài não nuột trong im lặng buồn tanh và ghê rợn.
-Tiến trình diệt chủng bắt đầu: Sáng hôm sau chúng tôi bị phân chia thành đội để bắt đầu làm quen với lao động. Mỗi đội, 30 người, do một đội trưởng là tù nhân và một quản giáo là cán bộ công an phụ trách. Khi đội đi lao động, công an vác súng đi kèm.
Trong những ngày đầu chúng tôi chỉ phải lao động nhẹ chẳng hạn như trồng rau hoặc cuốc sắn gần khu trại giam. Dần dần chúng tôi phải đi xa và phải lao động nặng nhọc hơn, chẳng hạn như vào rừng lấy gỗ làm nhà. Sau nhiều ngày làm quen với khung cảnh sinh hoạt trong trại chúng tôi thấy rằng mỗi trại tù Cộng Sản là một đơn vị kinh tế độc lập. Tù nhân phải lao động để nuôi cán bộ canh giữ mình, để xây trại giam hãm mình và để cung cấp tiện nghi cho khu gia đình là khu vợ con cán bộ ở. Nhà nước không cần chi phí gì nhiều cho trại tù nên nếu nói rằng dưới các chế độ Cộng Sản nhà tù nhiều hơn trường học thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Bị lưu đày ra Bắc chúng tôi mất hết liên lạc với gia đình, cho nên mọi nguồn tiếp tế lương thực đều bị cắt đứt. Lao động cả ngày mệt nhọc, chúng tôi chỉ được trại cho ăn hai bữa, với mỗi bữa hai chén cơm đầy sạn thóc và một ít rau muống luộc. Ngoài hai bữa cơm ra chúng tôi không có thứ gì khác để nuôi sống cơ thể. Mỗi ngày anh em tù nhân nhìn nhau chỉ còn biết thở dài. Ai cũng gầy ốm đi trông thấy.
Ở trại Quảng Ninh chừng hơn một tháng, tôi và một số tù nhân khác bị chuyển đi trại Thanh Cẩm. Trại này nằm trong vùng Bái Thượng, trên thượng nguồn sông Mã, sau những dãy núi Lam xanh biếc. Từ trại sang biên giới Lào ước lượng chỉ vài cây số. Đến đây chúng tôi bị giam chung với khoảng 700 anh em tù chính trị khác và trong trại cũng có cả một số tù hình sự. Tôi bị giam ở trại này liên tục cho đến ngày được tha về.
Tại trại Thanh Cẩm, chế độ lao động còn khắt khe và nặng nhọc hơn ở trại Quảng Ninh. Dưới mũi súng canh gác của công an gốc dân tộc Mường, chúng tôi phải đi rất xa để lấy cát làm nhà. Mỗi chuyến vừa đi vừa về vào khoảng 3 cây số. Mỗi ngày phải đi ba chuyến mà chỉ được ăn có bốn chén cơm với vài cọng rau muống luộc thì sức nào chiụ nổi. Nếu đội nào không đi xe cát thì phải xe đá hoặc vào rừng đẵn luồng vác về cho cán bộ làm nhà. Những người lao động ở trại cưa, trại mộc cũng không sung sướng gì hơn. Cả ngày quần nhau với những cây gỗ lớn, cưa xẻ liên hồi hoặc đục đẽo luôn tay thi lấy năng lượng đâu mà bù đắp. Cuốc đất trồng khoai ngô mới là mệt vì đất núi bạt ngàn mà nhân công thì thưa thớt. Ấy là chưa kể những vụ gánh phân đi bón nặng gãy xương sườn và chốc lở xương vai.
Sức người có hạn còn nhu cầu của trại thì mỗi ngày một tăng thêm. Bên cạnh những cái chết vì tại nạn lao động như bị đá núi đè, lợp nhà té xuống đất hay bị cây luồng đâm thủng bụng, dần dần người ta thấy xuất hiện những cái chết vì đói, vì thiểu lực. Sau hơn ba năm bị lưu đày ra Bắc anh em tù nhân chôn nhau, vì chết đói, đã chật cả một phần đồi sắn. Có một thời gian, trong tâm tư và trước mắt mọi người cái chết đã trở thành quen thuộc, không gây sợ hãi và cũng không gây xúc động. Tù nhân chờ đợi Thần Chết đến thăm như chờ đợi một sự giải thoát.
Chính sách bắt lao động khổ sai kết hợp với bỏ đói là phương cách giết người tinh vi và thâm độc của những người Cộng Sản. Đó là sự nhẫn tâm và tàn ác nhất mà con người có thể đối xử với con người.
-Một vài cảnh đói ngoài tưởng tương: Xin kể ra đây vài cảnh đói mà người bình thường sống ngoài xã hội, cho dù óc tưởng tượng có súc tích đến đâu, cũng không thể nào nghĩ tới.
Một hôm nhân lúc đội tù đang lợp nhà, thình lình anh em tù nhân phát giác một ổ rắn dưới tấm lá tranh. Tức thì một anh hô to “Rắn, Rắn.” Tiếng hô vừa rứt, đám tù nhân nhanh như cắt đã vây quanh ổ rắn và chỉ trong nháy mắt, bằng tay không, các anh đã bắt hết những con rắn độc, bẻ cổ vứt đi và nhét phần còn lại vào túi áo. Trong giờ giải lao, được phép của cán bộ canh giữ, các anh đã nổi lửa rồi đem rắn ra nướng và ăn ngon như chưa bao giờ ngon thế. Không phải chỉ có rắn mà cả rết, cả chuột, cả cóc nhái, sên ốc… nghĩa là tất cả những con gì cử động mà để cho các anh trông thấy thì đều chịu chung một số phận.
Một hôm khác, nhân ngày Chủ Nhật, không phải lao động, các tù nhân ôm bụng đói đang thiu thiu ngủ thì một anh nghe tiếng chuột con kêu trên mái nhà. Không bỏ lỡ cơ hội, anh liền chồm dậy, gọi thêm hai người khác rồi cả ba, khiêng bàn, công kênh nhau lên bắt chuột. Họ bắt được một ổ chuột con hãy còn đỏ hỏn, chia nhau ăn sống như nhai những củ sâm. Mặc cho máu mê trào ra ngoài miệng trông như ác quỷ, các anh thản nhiên nhai ngấu nghiến như không màng gì tới hoạt cảnh ghê rợn tạo nên.
Một buổi chiều sau khi đi lao động về, chúng tôi thấy một anh bạn tù nhân sắp chết đói đang ngồi bên một dòng nước tiểu chảy ta từ phía những thùng phân nổi trong cầu tiêu. Nhìn kỹ thấy anh đang bắt mấy con kiến, tha những mảnh ngô chưa tiêu kịp, di chuyển từ cầu tiêu về tổ. Anh lượm những mảnh ngô đó bỏ vào mồm rồi tha cho những con kiến để chúng tiếp tục làm công việc vận tải mà anh thèm muốn. Chương trình cướp ngô của kiến anh chỉ thực hiện được có một ngày. Ngày hôm sau anh trút hơi thở cuối cùng vì quá đói.
Bằng chính sách bỏ đói kết hợp với lao động khổ sai những người Cộng Sản đã giết tù “cải tạo” mà không cần đem ra trường bắn, không cần nhốt vào lò hỏa thiêu như người Đức Quốc Xã đã làm. Họ cũng chẳng cần tạo ra những cảnh “tắm máu” làm gì.
-Một chuyện tù vượt ngục: Trại “cải tạo” Thanh Cẩm có một khu kiên giam dành cho những thành phần được Cộng Sản coi là đặc biệt nguy hiểm. Những người bị giam trên khu này không phải lao động nhưng bị cùm chân ban đêm khi đi ngủ. Có một thời gian, tôi cũng là một tù nhân của khu vực kiên giam này. Nhờ không phải lao động nên tôi mới sống sót đến ngày nay. Tại đây tôi còn giữ lại một kỷ niệm hãi hùng mà suốt đời không bao giờ quên được, kỷ niệm liên quan đến một chuyện tù vượt ngục.
Là những tù nhân không có ngày về và bị bỏ đói triền miên hết ngày này qua tháng khác, chúng tôi cam tâm kéo dài cuộc sống bị đày ải và hoàn toàn tuyệt vọng giữa rừng núi hoang vu của biên giới Lào-Việt. Khi màn đêm đổ xuống, khu kiên giam lạnh lẽo và tĩnh mịch, nặng nề như một nhà quàn chất chứa những xác người chưa chết. Ban ngày, chúng tôi đau đớn nhìn nhau như nhìn những bộ xương khô biết cử động.Viễn tượng của ngày sum họp với gia đình, từ lâu, đã hoàn toàn tan biến. Tương lai duy nhất còn lại là sự chờ đợi ngày về với tổ tiên.
Thế rồi, một biến cố kinh hoàng đã xảy ra. Đêm ấy là đêm 1 Tháng Năm, 1979, đêm liên hoan của Cộng Sản nhân dịp Lễ Lao Động. Bọn công an trẻ thường chểnh mảng trong nhiệm vụ canh gác mỗi khi có liên hoan. Bỗng nhiên trong bầu không khí tĩnh mịch của đêm khuya, chúng tôi nghe phát ra từ phòng giam bên cạnh, một âm thanh đào tường đều đều như máy chạy. Thỉnh thoảng lại có tiếng người rầm rì động viên nhau như hối giục.
Chúng tôi hiểu ngay đó là một kế hoạch trốn trại đang được tiến hành. Trong cơn tuyệt vọng, các anh mới đến từ trại Quyết Tiến, đang chọn đi vào chỗ chết để tìm đường sống. Mọi người trong phòng giam bên này đều nhắm mắt cầu nguyện cho các bạn đó thành công.
Đêm càng khuya chúng tôi càng hồi hộp. Âm thanh đào tường nghe mồi lúc một yếu dần. Gà bắt đầu gáy sáng mà âm thanh vẫn còn tiếp tục. Khi âm thanh chấm dứt thì ánh nắng đã luồn qua khung cửa sắt chật hẹp của phòng giam.
Đang lo lắng cho số phận của mấy anh em trốn trại, chúng tôi giật mình vì những tiếng súng báo động nổ rến. Rồi tiếng chân người xô chạy về thượng nguồn sông Mã xen lẫn với những tiếng la hét vọng lại từ xa. Trong phòng lúc đó không biết ai đã thở dài và thốt ra hai tiếng “thất bại.” Chúng tôi đau đớn chia sẻ sự thất bại đó và lo sợ đến tột cùng khi nghĩ tới những biện pháp trả thù của bọn công an Cộng Sản trong cơn tức giận.
Khi trời sáng hẳn, phòng giam của những người trốn trại bị công an lục soát rất kỹ. Một tên công an thản nhiên nói với đồng bọn: “Thằng Tiếp chết rồi.” Anh Đặng Văn Tiếp là một cựu trung tá của Không Lực VNCH và dân biểu quốc hội trước khi miền Nam sụp đổ. Nghe hung tin đó chúng tôi đau đớn lặng người. Những giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má như một lời vĩnh biệt. Tất cả các anh khác bị bắt lại hết và bị đánh đập tàn nhẫn. Hai ngày sau, anh Lâm Thành Văn chết theo anh Tiếp. Riêng Cha Nguyễn Hữu Lễ may mắn sống sót dù bị đả thương rất nặng. Sau 13 năm “cải tạo,” Linh Mục Lễ hiện đang phụ trách một họ đạo ở Tân Tây Lan.
Bài học của Bắc Kinh: Vào khoảng đầu năm 1979, tại trại Thanh Cẩm, anh em tù “cải tạo” chết đói khá nhiều. Trong khi ai cũng cam tâm chờ chết thì một đêm chúng tôi nghe thấy những bài bình luận lạ tai phát ra từ những loa tuyên truyền ngoài cổng trại. Sau nhiều ngày theo dõi tin tức chúng tôi được biết giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang có sự xích mích nặng nề.
Bắc Kinh đang chuẩn bị cho Việt Nam một bài học. Một quân đoàn Trung Cộng, trải dài trên 600 cây số tại biên giới phía Bắc sẽ xâm lăng Việt Nam và sẽ tiến vào Hà Nội trong vài ngày. Không khí chiến tranh bao trùm cả nước. Lệnh tổng động viên được ban hành và bộ đội đang di chuyển cấp tốc từ Cambodia về biên giới Việt-Trung. Các trại “cải tạo” nằm sát biên giới như Quyết Tiến, Phong Quang… được di tản sâu vào nội địa. Trại Thanh Cẩm phải nhận thêm một số tù nhân đến từ trại Quyết Tiến.
Chiến tranh đã thật sự xảy ra nhưng quân Trung Cộng, sau khi làm cỏ, mấy tỉnh miền biên giới, chỉ tiến đến Việt Trì rồi rút về nước. Hà Nội không bị bao vây và công hãm.
Bài học của Bắc Kinh đã cứu sống rất nhiều tù “cải tạo,” đó là điều mà ít người biết tới. Vì có bài học này nên chính sách “cải tạo” khắc nghiệt của Hà Nội có đôi phần nới lỏng. Sau bốn năm bị cắt đứt mọi liên lạc với gia đình, chúng tôi được viết thư và nhận đồ tiếp tế trở lại. Không những thế, gia đình còn được phép đến trại thăm gặp và trong vài trường hợp đặc biệt tù nhân “cải tạo” còn được phép ở lại suốt đêm ngoài nhà khách để sinh hoạt với gia đình.
Một chuyện khác mà không ai ngờ tới là những gói quà tiếp tế không những đã cứu sống chúng tôi khói chết đói mà còn cho chúng tôi cơ hội “cải tạo” những bộ óc chậm tiến của những người tự cho có nhiệm vụ “cải tạo” chúng tôi.
Mỗi đợt khám quà của tù nhân là một dịp để các cán bộ làm quen với thế giới bên ngoài qua những đồ tiếp tế. Lần đầu tiên khám quà một anh cán bộ trẻ thấy một gói lạp xưởng đòi tịch thu. Chúng tôi hỏi tại sao thì được trả lời: “Tịch thu, vì các anh không được phép mang nến (đèn cầy) vào trong trại.” Tội nghiệp, từ bé tới lớn anh chưa được ăn lạp xưởng bao giờ nên tưởng lạp xưởng là đền cầy.
Những thứ lạ mắt như những cuốn giấy vệ sinh trắng muốt, những chai xà bông nước, những lon cà phê sữa bột, những viên thuốc Tây xanh đỏ đựng trong những lọ có nắp khó mở…. đều là những thứ mà trại thấy cần phải giữ lại để nghiên cứu. Sau này khi biết những thứ đó không có gì nguy hiểm và thỉnh thoảng lại được chúng tôi “kỷ niệm” (nghĩa là cho theo ngôn từ Cộng Sản) các công an trẻ dần dần làm thân và thường muốn nghe chúng tôi kể những chuyện của thế giới bên ngoài, trong giờ lao động. Kỷ luật trại giữa cán bộ và tù nhân cũng không còn gay gắt như trước nữa.
Ngày một số anh em chúng tôi được trả lại tự do (1985) những người công an trẻ đến chia tay bằng một câu nói cảm động: “Thôi các anh về mạnh khỏe rồi đi ngoại quốc. Chúng tôi thì còn ở đây chưa biết đến bao giờ.” Ngay lúc đó chúng tôi chưa nắm bắt được thông điệp “rồi đi ngoại quốc” nhưng chúng tôi hiểu ngay rằng những thanh niên Cộng Sản đó đã bắt đầu tỉnh ngộ sau thời gian mấy năm được chúng tôi “cải tạo.”
III-Chiến dịch giải thoát tù “cải tạo”
Có một thời gian, công an trại thường chỉ mặt chúng tôi và hăm dọa nhiều lần: “Nếu bọn Mỹ không chịu bồi thường 3 tỷ 2 thì các anh sẽ còn cải tạo mút mùa.” Câu hăm dọa này không làm chúng tôi lo sợ mà, trái lại, làm chúng tôi mừng thầm vì đoán rằng có thể ở bên ngoài xã hội đang diễn ra một cuộc thương lượng giữa Hoa Kỳ và Việt Cộng để giải thoát chúng tôi khỏi cảnh tù đày. Cho dù đây chỉ là một hy vọng rất mong manh nhưng chúng tôi cứ bám víu lấy nó như người sắp chết đuối vớ được cọc, để có lý do và can đảm tiếp tục cuộc sống.
Thế rồi, không bao lâu sau, sự ước đoán của chúng tôi được thân nhân vào thăm xác nhận là đúng. Từ đó, trong lòng chúng tôi, ngày nào cũng như mở hội. Hy vọng được về sum họp với gia đình có nhiều triển vọng trở thành sự thật.
Tôi được trả tự do vào cuối năm 1985, sau 10 năm 4 tháng 10 ngày bị Cộng Sản bỏ tù. Hội nhập lại vào xã hội bên ngoài, tôi được biết vào năm 1976, Kissinger đã tuyên bố: “Hoa Kỳ đang chuẩn bị bình thường hóa bang giao với Việt Nam.” Việc bình thường hóa bang giao không thành vì trong cuộc đàm phán ở Paris vào đầu năm 1977 Hà Nội khăng khăng đòi Hoa Kỳ phải trả $3,250 triệu để bồi thường chiến tranh. Lẽ cố nhiên là Hoa Kỳ bác bỏ đòi hỏi vô lý đó vì Hà Nội đã không tôn trọng Hiệp Định Paris năm 1973.
Nền kinh tế của Việt Nam mỗi ngày một sa sút. Sự vô hiệu của kinh tế hoạch định và tình trạng sa lầy trong chiến tranh Cambodia khiến chế độ Hà Nội đứng trên bờ vực thẳm. Trung Cộng đã trở thành thù nghịch còn Liên Xô thì cũng đang gặp khó khăn nên không biết nương tựa vào ai. Hoa Kỳ là sinh lộ duy nhất còn lại. Làm găng không được, Hà Nội bắt đầu đấu dịu.
Đầu thập niên 1980, cả Phạm Văn Đồng lẫn Nguyễn Cơ Thạch đều bắn tiếng là sẽ thả tù “cải tạo” nếu Hoa Kỳ tiếp nhận. Hà Nội dùng tù “cải tạo” như phương tiện mặc cả để xin viện trợ của Hoa Kỳ. Hoa Thịnh Đốn đáp ứng và diễn tiến của chiến dịch giải thoát tù “cải tạo” được ghi nhận như sau:
-Ngày 11 Tháng Chín, 1984, Ngoại Trưởng George Schultz chính thức yêu cầu Hà Nội trả tự do và cho phép các tù nhân chính trị được định cư tại Hoa Kỳ. Ba tuần sau Tổng Thống Reagan gửi văn thư chính thức đến các Bộ Ngoại Giao, An Sinh Và Tư Pháp về việc thâu nhận những người tù “cải tạo” Việt Nam.
Hoa Kỳ đồng ý gặp Đại Sứ Võ Đông Giang của Hà Nội tại Nữu Ước. Cuộc đàm phán tiến hành trong bí mật.
-Tháng Bảy, 1988, phái đoàn Robert Funseth, phụ tá thứ trưởng Ngoại Giao Hoa kỳ, đi Hà Nội họp với phụ tá bộ trưởng Ngoại Giao Việt Cộng Trần Quang Cơ để bàn về việc trả tự do cho tù chính trị và đưa họ đi định cư tại ngoại quốc.
-Ngày 30 Tháng Bảy, 1989, ông Robert Funseth và Vũ Khoan, thứ trưởng Ngoại Giao Việt Cộng, ký kết tại Hà Nội văn kiện về việc định cư tù “cải tạo.”
Qua thỏa hiệp này 3,000 tù “cải tạo” và gia đình đã đến Hoa Kỳ trong những tháng đầu tiên của năm 1990. Chương trình định cư này trù liệu đưa ra nước ngoài 400,000 người thì 20% đã đến bến tự do năm 1990, 30% năm 1991, 30% năm 1992, 10% năm 1993 và 10% còn lại vào những năm kế tiếp.
Dựa theo các tài liệu đáng tin cậy người ta cũng được biết là trong số quân nhân VNCH được sang Mỹ định cư sau thời gian cải tạo thì 61% là cấp úy, 35% là cấp tá và tướng và 4% là viên chức chính phủ.
Con số những người chết trong các trại “cải tạo” chưa được xác định là bao nhiêu. Tài liệu của Khu Hội Tù Nhân Chính Trị Hawaii, thiết lập ngày 20 Tháng Tư, 1993, đưa ra một con số rất thiếu sót là 587 người. Đây chỉ là một phần nhỏ của số “tử vong vì cải tạo” trong thực tế.
Cũng theo một tài liệu khác chưa đầy đủ thì số trại “cải tạo” CSVN thiết lập trên toàn quốc sau năm 1975 là 80 trại bao gồm cả hai trại ở các đảo Côn Sơn và Phú Quốc).
Quyết định của Cộng Sản Việt Nam đưa quân cán chính VNCH đi “cải tạo” lâu dài sau năm 1975 là một sai lầm trầm trọng. Sau khi chiếm miền Nam, đáng lý ra Hà Nội phải biết lợi dụng thời kỳ vàng son này để hòa hợp hòa giải dân tộc và xây dựng tương lai phồn thịnh cho đất nước.
Giữa Tháng Năm, 1975, bộ trưởng ngoại giao năm nước ASEAN họp thường niên tại Kuala Lumpur đã bày tỏ ý muốn thiết lập bang giao với các nước Đông Dương. Trong thông cáo chung ngày 24 Tháng Bảy, 1975, Phi Luật Tân và Thái Lan minh định rõ là các căn cứ quân sự của nước ngoài trong khu vực chỉ là tạm thời và khối SEATO sẽ giải tán.
Vào thời gian đó Nhật cũng trù liệu một ngân khoản $1,600 triệu để giúp năm nước ASEAN và ba nước Đông Dương xây dựng khu thịnh vượng chung Đông Nam Á. Tiếp theo, Tháng Tám, 1977, Nhật lại kêu gọi sự hợp tác thân hữu giữa các nước trong vùng kể cả Miến Điện, và hứa viện trợ $5 tỷ cho kế hoạch phát triển Đông Nam Á thành một khu vực phồn vinh.
Sau khi gia nhập Liên Hiệp Quốc, Việt Nam còn được gia nhập Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế với một khoản vay mượn đầu tiên là $35 triệu. Ngân Hàng Thế Giới cũng xúc tiến kế hoạch giúp đỡ Việt Nam phát triển kinh tế thời hậu chiến. Thừa kế chỗ trống của VNCH, Hà Nội còn là hội viên của ngân hàng phát triển Á Châu.
Trong bối cảnh đó nếu không có chính sách “cải tạo” sai lầm thì nhân dân hai miền Nam Bắc đã cùng dồn nỗ lực vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện việc hòa hợp hòa giải dân tộc để nhanh chóng đưa đất nước đến cảnh phú cường.
Bị Hoa Kỳ giăng bẫy CSVN đã xé bỏ Hiệp Định Paris và xâm chiếm miền Nam để rồi liền sau đó lại bị Trung Cộng giăng bẫy nhử sang Cambodia và bị sa lầy ở đó. Hậu quả của những quyết định mù quáng này là một nước Việt Nam kiệt quệ và tụt hậu, cam tâm làm chư hầu một lúc cho hai thế lực thù địch. Cắt đất dâng Trung Quốc để duy trì mạng sống chính trị và quỳ gối ôm chân Hoa Kỳ để kiếm miếng ăn. Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc lại có một thời kỳ nhục nhã như hiện nay.
Đối với Hoa Kỳ, bỏ rơi miền Nam Việt Nam trong trận đồ quốc tế để thắng Liên Xô và làm tan rã khối Cộng Sản là một vấn đề chiến lược. Tiến hành chiến dịch giải thoát tù “cải tạo” Việt Nam để họ được sang sinh sống và đoàn tụ tại Hoa Kỳ là một vấn đề của lương tâm. Đứng về phương diện quyền lợi của Hiệp Chúng Quốc mà xét thì trong cả hai việc làm này Hoa Kỳ đều khôn ngoan và thắng lợi. (Nguyễn Cao Quyền)