13-12-2021

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc. Ảnh: Thế giới & Việt Nam

Ngày 11/12/2021, báo Dân Trí của nhà nước Việt Nam đăng phát biểu của ông Hà Kim Ngọc, đương kim đại sứ Việt Nam tại Mỹ. Bài viết mang tựa đề Kinh nghiệm ngoại giao văn hóa của Mỹ và bài học đối với Việt Nam.

Bài viết có hai phần, phần đầu nói về cách mà nước Mỹ khuếch trương cái gọi là sức mạnh mềm của họ có kết quả như thế nào, phần thứ hai đề nghị những việc mà nước Việt Nam hiện nay cần làm để loan truyền điều mà ông Ngọc gọi là “thương hiệu Việt Nam”.

Nhìn chung thì hai chủ đề kể trên cũng đã được nhiều nhà báo, cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam đề cập, tuy không nhiều, tuy vậy tôi thấy có hai vấn đề thú vị mà ông Đại sứ đề cập trong bài viết này, thứ nhất là “giá trị Mỹ”, thứ hai là cái nhìn của viên chức ngoại giao Việt Nam hiện nay về cộng đồng người Việt hải ngoại, cụ thể là ở Mỹ.

Giá trị Mỹ là dân chủ, và tự do, nhân quyền, bình đẳng

Trong đoạn thứ hai của bài viết, ông Ngọc nêu lên thế nào là “giá trị Mỹ”. Ông nói rằng, giá trị đó được “chắt lọc” bằng dân chủ, tự do cá nhân, bình đẳng, trọng nhân tài… Mặc dù ba từ “giá trị Mỹ” được bài báo bỏ vào ngoặc kép, nhưng không thấy ông Ngọc phê phán gì những giá trị rất hiển nhiên của con người nói chung này. Trong một đọan khác, ông đề cập cả việc thúc đẩy nhân quyền toàn cầu của người Mỹ.

Tôi khá bất ngờ với việc một viên chức cao cấp của ngành ngoại giao Việt Nam lại dám nêu cao những giá trị, mà từ trước tới nay các cơ quan tuyên giáo của Đảng hay lấy ra để biếm nhẽ, cho rằng xã hội Mỹ nói riêng, phương Tây nói chung chỉ có dân chủ, tự do, nhân quyền hình thức mà thôi.

Nhưng đến phần thứ hai, khi nói về Việt Nam, ông Ngọc rào lại bằng những cụm từ như, “có giá trị tham khảo đối với chúng ta”, “áp dụng những khía cạnh phù hợp vào thực tiễn Việt Nam”, “đặc thù hệ thống chính trị xã hội, văn hóa chính trị của ta có những điểm khác biệt so với Mỹ”… Như vậy là an toàn, một mặt người Mỹ rất hài lòng với người đại diện Việt Nam, mặt khác tuyên giáo của Đảng cũng hài long, rằng “ta làm theo cách của ta”!

Dù an toàn, nhưng tôi nghĩ là ông Ngọc cũng can đảm chấp nhận nhiều rủi ro khi trình bày vấn đề “giá trị Mỹ” bằng cái cách như thế. Có những độc giả bên trong Việt Nam sẽ thấy rằng: Ồ thế thì giá trị Mỹ hay quá đi chứ, chúng ta phải thay đổi “đặc thù hệ thống chính trị xã hội” của ta chứ, vì những điều như tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn trọng nhân tài, … trong “giá trị Mỹ” là quá đúng, đúng tới mức không cần tranh cãi.

So với người tiền nhiệm của Đại sứ Ngọc là ông Nguyễn Quốc Cường, thì ông Ngọc tiến xa thêm một bước. Trên báo Tuổi Trẻ, ông Cường nói về chuyến thăm của bà Kamala Harris, phó tổng thống Mỹ, đến Việt Nam trong năm 2021, là “người bạn trong lúc khó khăn là người bạn đích thực”, để nói về việc Mỹ trợ giúp Việt Nam vaccine chống dịch Covid, trong lúc Việt Nam đang khốn đốn. Nay ông Ngọc nêu lên những “giá trị Mỹ”, như là những điều đương nhiên (mặc dù ông có rào trước đón sau), thì đó là một sự khái quát cao hơn, ở tầm mức thể chế chính trị xã hội.

2,4 triệu “Việt kiều” Mỹ

Trong một bài khá ngắn, có đến hai lần ông Ngọc đề cập đến cộng đồng người Việt tại Mỹ. Cả hai lần cùng một ý như nhau: Cộng đồng người Việt hải ngoại vừa là “đối tượng” của ngoại giao của nước Việt Nam (cộng sản), vừa là nguồn lực để hỗ trợ họ (ngành ngoại giao Việt Nam).

Khi nói rằng người Việt hải ngoại tại Mỹ là “đối tượng”, có nghĩa là họ không đứng về phía nhà nước (cộng sản) Việt Nam nên cần chinh phục họ.

Đó là một thực tế, khác hẳn với các phát biểu của quan chức Việt Nam từ trước đến nay rằng thì là cộng đồng người Việt hải ngoại luôn hướng về tổ quốc của họ, đang được dẫn dắt bởi… Đảng và Nhà nước (cộng sản). Hướng về tổ quốc thì đúng, nhưng chấp nhận Đảng và Nhà nước (cộng sản) dẫn dắt lại là một chuyện khác.

Tuy nhiên ý thứ hai mà ông Ngọc nói về cộng đồng người Việt hải ngoại lại là điều chính cộng đồng này cần quan tâm. Ông nói rằng cộng đồng người Việt hải ngoại là nguồn lực để hỗ trợ cho ngành ngoại giao của Việt Nam.

Có thể có những người sẽ nói rằng ông Ngọc nói xạo, cộng đồng người Việt tại Mỹ chống Cộng như thế thì làm gì có chuyện hỗ trợ cho cộng sản. Nhưng theo tôi thì, mặc dù phát biểu của ông Ngọc nằm ở hy vọng nhiều hơn là thực tế, nhưng mọi sự đang thay đổi. Lớp người Việt trẻ tuổi lớn lên ở Mỹ không còn có tâm thức chống cộng cuồng nhiệt như cha ông của họ nữa, cộng với những quan hệ hôn nhân, di dân, rồi du học sinh từ Việt Nam ở lại Mỹ… tất cả những điều đó sẽ làm cho những buổi tiếp tân “nội bộ” của các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở Mỹ ngày càng đông hơn. Các viên chức ngoại giao của Hà Nội cũng rất khôn khéo loại bỏ những thông điệp chính trị, như các từ ngữ Đảng, Nhà nước, cờ đỏ sao vàng… ra khỏi các buổi tiếp xúc với người Việt tại Mỹ.

Nhưng dù sao, như tôi vừa viết ở trên, phát biểu của ông Ngọc vẫn ở thời mong ước hơn là hiện thực.

Lớp trẻ người Việt lớn lên ở Mỹ, tuy không chống Cộng cuồng nhiệt như cha ông họ, nhưng họ trân trọng những giá trị Mỹ như dân chủ, nhân quyền, tự do… một cách đúng đắn hơn cha ông họ, và họ cũng không ngần ngại chỉ trích cả nước Mỹ nếu nền dân chủ của nước này bị xao nhãng, khi các tầng lớp xã hội Mỹ bị mất bình đẳng. Liệu với thành tích nhân quyền trong nước như hiện nay, nhà nước Việt Nam có thuyết phục được những người Mỹ gốc Việt này?

Tôi cũng không nghĩ rằng tầng lớp người Việt trẻ tuổi mới di cư qua Mỹ, mặc dù sinh ra và lớn lên hoàn toàn dưới chế độ cộng sản, sẽ đồng ý với những thành tích nhân quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ở trong nước, một khi họ đến Mỹ và nhìn thấy rõ thế nào là giá trị Mỹ, theo như ông Ngọc viết: Dân chủ, tự do, bình đẳng, nhân quyền.

Cuối cùng xin bàn đến ý của ông Ngọc về cách ông thực hiện ngoại giao văn hóa của ông tại Mỹ, là sự chân thành. Nhưng chân thành trong hành động của ngài Đại sứ và tòa đại sứ không đủ, mà còn cần cả sự chân thành của những người cấp trên của ông Đại sứ.

Trong quyển hồi ký của ông Ted Osius, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, người ta thấy câu chuyện một vị ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã lừa gạt ông Ted Osius như thế nào, và mới đây một cô hoa hậu đại diện cho nước Việt Nam trình diễn một bài hát diệt Mỹ ngay trên đất Mỹ.

Không thể gọi đó là sự chân thành.