Trích tự truyện “Nơi làng quê heo hút”
Sau sự kiện Tháng Tư, 1975, tôi rời đất Bắc vào kiếm sống ở miền Nam (Sài Gòn, Vĩnh Long).
Ở vùng đất mới này, có thời gian, tôi giống như một người nội trợ
Đôi khi, tôi cảm thấy thú vị từ công việc chợ búa, mua bán này. Vì ở môi trường ấy, tôi biết thêm được nhiều thứ, về một xã hội tư bản cách đó chưa lâu , mà tôi chỉ biết qua sách báo xã hội chủ nghĩa miền Bắc từng mô tả..
Cái “văn hóa mua bán” của người miền Nam, khác người miền Bắc rất xa .
Sau năm 1975, ở miền Nam, tuy xã hội chủ nghĩa đã thay thế , nhưng “tàn dư chủ nghĩa tư bản”* vẫn còn “rơi rớt lại” rất nhiều.
Câu nói: “Thuận mua vừa bán”, luôn thể hiện rất rõ . Người bán không nói thách quá, hay hét giá, để rồi người mua phải cò kè bớt một thêm hai .
Hồi đầu, lúc mua cái gì đó ở chợ, ở tiệm, tôi cũng thường bắt chước người miền Bắc, mặc cả (trả giá). Nhưng đều được người bán nhẹ nhàng trả lời : “Giá nhứt định”.Có người còn giải thích thêm là, giá mua vào bao nhiêu, chỉ lời được bao nhiêu, và mong khách hàng hiểu cho. Nghe rất sòng phẳng, thỏa đáng, dễ chấp nhận.
Những tiểu thương buôn bán ở chợ, không hề trương lên những khẩu hiệu như là : “Vui lòng khách đến , vừa lòng khách đi”; hoặc: “Khách hàng là thượng đế” như trong các cửa hàng mậu dịch quốc doanh của nhà nước sau này.
Nhưng họ luôn tìm cách làm hài lòng người mua.
Họ có vẻ rất hiểu về nguyên lý “cộng sinh” của vạn vật trên thế giới này. Nghĩa là “dựa vào nhau mà sống, đôi bên đều có lợi”.
Tôi còn nhớ, chỉ mới vài lần ra chợ mua đồ ăn thức uống, rau củ quả, mà những lần sau, tôi vừa xuất hiện, thì người bán hàng đã vồn vã, như là quen biết từ lâu rồi.
Những câu chào hỏi kiểu như là:
– “Hôm nay ‘cưng’ lấy mấy kí ( kilogam , kg, cân)?” Hoặc:
– “Lấy một chục như hôm qua hen?” Hoặc:
– “ Cân loại chiên (rán) rồi , đặng về khỏi chiên nghe ! v.v..
Miệng họ vừa nói, tai vừa nghe, tay thì thoăn thoắt chọn lựa, cân, đong, đếm , bỏ vào bịch (túi) ni lông, buộc lại gọn gàng, đưa cho người mua , rồi tính tiền. (khách đi rồi, còn dặn với theo : Hôm sau nhớ ghé ủng hộ nghe !)
Đôi khi người bán tự ý cho người mua, thêm một thứ gì đó, làm cho người mua cảm thấy vui. Chẳng hạn, mua bó rau thì cho thêm trái ớt, hay cọng hành, cọng ngò v.v…
Có lần, tôi ghé hàng trái cây, nói là tôi mua một chục trái vú sữa (loại trái cây tôi thấy lần đầu), Chị bán hàng tay thoăn thoắt lựa mười hai trái, bỏ vào bịch đưa cho tôi. Tôi nhắc chị đếm lộn rồi, dư hai trái. Chị nhìn tôi cười vẻ trìu mến và “thương hại”, rồi nói ,không lộn đâu, “chục” của người Nam đó chú ạ. Chị còn nói, nếu chú đi về miền Tây như Vĩnh long, Cần Thơ … , thì “chục” là mười bốn hoặc mười sáu. Còn về miệt vườn thì chục không biết là bao nhiêu! Chị lại cười. Còn tôi thì tròn xoe mắt vì thấy lạ!
Chính những câu hỏi thân thiện, những câu chuyện cởi mở, những hành vi đẹp trong buôn bán ấy của người bán hàng, đã giúp kéo người mua lại gần, tạo tinh thần hợp tác.
Đồng thời ngầm ý khẳng định cuộc giao dịch, mua bán, nhất định phải được xảy ra!
Tôi nghĩ, thì ra xã hội theo “cơ chế thị trường của tư bản” không phải mọi thứ đều xấu, như tôi từng được giáo dục trước đó.(mà dường như trái ngược).
Khi sống ở miền Bắc, vào những năm đầu thập niên bảy mươi, hàng tháng tôi phải đến các cửa hàng quốc doanh của nhà nước, xếp hàng mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, dầu hỏa v.v…
Việc mua bán, vào thời kỳ mà người ta quen gọi là “quan liêu bao cấp” ấy, diễn ra thật đáng khiếp sợ:
Cảnh chen lấn, tranh giành, ẩu đả, chửi bới nhau, xảy ra thường xuyên.
Khách hàng giống như một đám ăn mày đói khát, chầu chực để được phát chẩn bần, hoặc được bố thí..
Phiếu mua thịt (dùng để mua thịt), nhưng người bán đưa cho da hoăc xương ; mua gạo nhưng đưa cho ngô ( bắp) hoặc sắn (khoai mì) cũng phải chịu, nếu như không “móc ngoặc”* được với nhân viên bán hàng.
Những người “mậu dịch viên” ấy mới thật sự là thượng đế. Họ muốn quát mắng ai cũng được. Dù khách hàng là những người đáng tuổi cha mẹ ông bà của họ!
Vì miếng ăn mà phải nhẫn nhịn cho qua. Người mua không hề có lựa chọn. Những nơi như thế là đất sống của “giai cấp” lưu manh, bọn móc túi, bọn “phe phẩy” *
Vì thế, thời kỳ đầu mới sống ở miền Nam, tôi thấy mọi thứ đều lạ lẫm. Không riêng tôi, mà bất kỳ ai đã từng sống ở miền Bắc XHCN, rồi vào Nam thì đều có cảm giác như vậy. Kể cả những trí thức từng du học ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu về cũng thế…
Có mấy em sinh viên lớp ngữ văn Đại học Cần Thơ, đã kể lại cho tôi nghe, câu chuyện về một “giáo sư thỉnh giảng” từ Hà Nội vào, nghe thật thương cảm .
Câu chuyện thế này: Thầy Nguyễn Xuân Khu, vốn là người từng du học Liên Xô, trở về làm giáo sư ngôn ngữ học, ở một trường đại học danh tiếng Hà Nội.
Sau năm 1975, chưa lâu, có lần thầy Khu được thỉnh giảng chuyên đề “phương pháp dạy ngôn ngữ” ở khoa ngữ văn Đại học Cần Thơ.
Thầy được bố trí ở trong một căn phòng, khu tập thể giảng viên. Suốt hơn một tháng trời, ngoài giờ giảng bài trên lớp, thầy chỉ đóng cửa lại ngồi trong phòng, không đi đâu cả.
Nhiều hôm sinh viên đến mời thầy đi uống cà phê , giao lưu cho khuây khỏa, vì sợ thầy xa gia đình nên buồn. Nhưng thầy đều từ chối. Sinh viên nghĩ rằng, các thầy ngoài Bắc vào hay giữ thể diện, ngại tiếp xúc với sinh viên, nên mới như thế!
Không ngờ, những ngày cuối, sắp kết thúc chuyên đề của thầy, các cô cậu sinh viên miền Nam mới hiểu được sự tình, khá bất ngờ.
Thì ra, thầy chỉ có một bộ quần áo mặc khi lên lớp, hoặc đi ra ngoài. Cho nên, hôm nào nghỉ ở nhà , thì cởi ra giặt, chờ nó khô, vì vậy không thể đi đâu được.
Thầy nói ở ngoài đó (miền Bắc), giáo sư như thầy, được cấp phiếu mua năm mét vải, để mặc trong một năm.
Cho nên, các thầy cô giáo ngoài miền Bắc mặc quần áo vá lên lớp, là chuyện bình thường! (Đợt này thầy không đem theo mấy bộ quần áo vá mà thầy thường mặc, vì sợ “mang tiếng”!)
Thầy còn kể, khi biết thầy sắp đi giảng trong miền Nam, vợ thầy dặn , lúc về nhớ mua vài cân (kg) đường, vài ba hộp sữa cho con. Vì nghe nói, trong Nam giá đường sữa rẻ, và hiện bán tự do, không cần tem phiếu.
Một hôm thầy ghé chợ Cần Thơ, đảo qua các hàng bán đường sữa, và thực phẩm chế biến, xem thử. Thầy đã bị choáng, trước cảnh tượng buôn bán tấp nập, và “hoành tráng” ở đấy.
Chỉ mới nhìn hàng mẫu thôi, thầy Khu đã thấy ngây ngất.! Cửa hàng mậu dịch quốc doanh của nhà nước ở ngoài Bắc, cũng chẳng được như thế.
Có đến hàng mấy chục loại đường khác nhau. Mỗi loại đựng trong một cái thau bự chảng, đổ vun đầy lên, thành hình ngọn núi, trên “đỉnh núi” cắm một bảng tên loại và giá cả, để khách hàng tiện lựa chọn.
Sữa hộp cũng đủ các loại, được chồng lên thành những “tòa tháp”, giá cả rõ ràng, khách hàng tùy ý chọn mua.Lần đó thầy lúng túng chẳng biết mua gì.
Chuyện đi chợ mua quà bất thành ấy của thầy, không biết sao, đã lọt vào mắt đám sinh viên mấy lớp thầy đang dạy. Nên họ đã bảo nhau nhanh chóng tổ chức liên hoan trước thời hạn để tiễn thầy.
Hôm ấy, lớp trưởng và một số bạn đại diện, khệ nệ mang quà đến, chất đầy cả bàn viết trong phòng thầy. Mươi ký đường cát trắng, dăm ký đường thốt nốt( Một đặc sản của người Khmer Nam Bộ, lấy từ tinh chất của hoa cây thốt nốt); mươi hộp sữa; một giỏ trái măng cụt (loại trái cây đắt tiền ,chỉ có ở miền Nam ) . một túi ni lông đựng sáu xấp vải, đủ may ba bộ đồ tây; cùng với một số cà vạt, và dây nịt ( thắt lưng) v.v..
Lớp trưởng và các thành viên khoanh tay, đứng phía bên này bàn, đối diện thầy, kính cẩn nói lời cảm ơn công lao giảng dạy của thầy trong thời gian qua..
Rồi thuyết minh giới thiệu những món quà “của ít lòng nhiều”, mong được thầy nhận cho.
Thầy cũng đứng dậy đáp lễ, vẻ đầy xúc động. Có vài âm thanh nhỏ, đứt đoạn, từ trong cổ họng thầy thốt ra:
– “Tôi…tôi…tôi…”
Rồi không nghe thầy nói gì nữa!
Mắt thầy rơm rớm !.
Có thể, đây là lần đầu tiên trong cuộc đời làm giáo chức của mình, thầy cảm nhận được lòng quý trọng, và sự quan tâm rất cụ thể.
Cũng rất có thể , thầy bỗng nhớ đến những đứa học trò thân yêu của thầy ở ngoài Bắc, mà lòng thấy xót xa !
Chúng còn đói rách, thiếu thốn hơn thầy nhiều, nên dù muốn có chút quà để bày tỏ lòng thành kính đối với thầy, thì cũng không thể làm được ! ( Phú quý sinh lễ nghĩa mà. Nghèo khổ quá đành thất lễ thôi ! )
Câu chuyện về giáo sư Khu, làm tôi nhớ đến một người rất nổi tiếng, cũng gặp tình huống tương tự. Đó là tác giả bài quốc ca Việt Nam và nhiều nhạc phẩm trữ tình bất hủ khácBạn tôi kể lại, về nhạc sĩ Văn Cao, lần đó , thế này:
Vì nổi tiếng, cho nên sau năm 1975, có lần ông được người phụ trách câu lạc bộ một nhà văn hóa ở Sài Gòn, mời đến giao lưu, nhân dịp ông vào thăm người bà con trong Nam .
Cụ thế là ông đến an tọa trên sân khấu, để người ta mua vé, vào chiêm ngưỡng cái dung nhan vô cùng khắc khổ của ông.
Thỉnh thoảng, ông cũng phải trả lời những câu hỏi của những người tò mò. Đại loại như:
– “Thưa bác, bác đã sáng tác bài ‘Tiến Quân Ca’ lúc bác bao nhiêu tuổi ạ ?” Hoặc:
-” Trong bài hát có câu ‘ Cờ pha máu chiến thắng mang hồn nước’. Máu đó, là bác muốn nói đến máu của ai ạ ? v.v..
Nghe nói , chẳng những Văn Cao có công lớn , làm ra bài quốc ca, mà ông còn trực tiếp cầm súng lục đi ám sát, thủ tiêu kẻ bị nghi là Việt gian phản bội, trong đội ngũ cách mạng, theo lệnh của lãnh đạo cộng sản nữa.
Tuy có công lớn; nhưng rồi ông bị xem như đã từng dính líu đến vụ án “Nhân văn-Giai phẩm chống đảng”, nên dường như không bao giờ được tiếp xúc với công chúng.
Lần này, cuối buổi giao lưu, cả hội trường đứng dậy, vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Các cô gái mặc áo dài, ôm hoa đến tặng. Người tổ chức nói lời cảm ơn chân thành, và gửi ông chiếc phong bì đựng tiền thù laÔng đã sững người ra, và … khóc!
Có lẽ đây là lần đầu tiên, người nhạc sĩ tài ba, đã cảm nhận được sự tôn vinh thật lòng, và cụ thể của đám đông công chúng !
Thì ra, “tàn dư tư bản” còn hàm nghĩa tốt, chứ không phải chỉ là nghĩa xấu, như tôi từng được học trong các giờ chính trị !
P/S…
-Ảnh tác giả (cũ , phút giây thư giãn và suy ngẫm chuyện đời.
-“Móc ngoặc” : Cách giao dịch lén lút , vụng trộm, đi đêm với nhau của kẻ có quyền thời đó.
– “Phe phẩy”: buôn gian bán lậu, cách kiếm sống của đám người thất nghiệp ở thành thị ,rất đông đúc thời ấy.
– “Tàn dư tư bản”: những thứ xấu xa do xã hội tư bản để lại (cách nói của người cs cầm quyền).
From: Cam Tuyet & KimBang Nguyen
Lê Đình Khẩn (ảnh tác giả)