Mỹ đi rồi Mỹ lại về


Mỹ đi rồi Mỹ lại về

Bởi  AdminTD

 Lê Minh Nguyên

27-8-2021

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris kết thúc chuyến công du châu Á bằng việc lên tiếng phản đối CSVN đàn áp các nhà hoạt động và nhà báo. Đồng thời, bà tái khẳng định sự can dự của Mỹ với các đồng minh trong khu vực để chống lại TQ.

Tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm thứ Năm 26/8, bà nói rằng đã thúc ép CSVN về các vấn đề nhân quyền và đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến. Bà cho biết, Mỹ sẽ không “né tránh những cuộc đối thoại khó khăn… Những cuộc trò chuyện khó khăn thường phải có với những người mà bạn có quan hệ đối tác”.

Bà đã tham gia sự kiện mà đội của bà gọi là “những người làm thay đổi” (changemakers), gặp các nhà hoạt động xã hội dân sự hoạt động về quyền của người chuyển giới, và biến đổi khí hậu.

Theo New York Times ngày 26/8, bà với tư cách là người tiên phong và là một trong những phụ nữ hiếm hoi lãnh đạo một cường quốc trên trường thế giới – ở vào thời điểm mà một trong những người đàn bà nổi tiếng thế giới, Angela Merkel của Đức sắp từ chức – nên mọi tuyên bố và sự lựa chọn trang phục của bà mang theo biểu tượng của người đi trước. Những quyết định của bà không chỉ tác động đến cá nhân bà mà còn ảnh hưởng đến những người sau bà, họ sẽ học hỏi từ tấm gương của bà. Từ Singapore đến VN, bà đều mặc trang phục màu sậm để phản ánh tình trạng ảm đạm của thế giới.

Hôm 26/8, bà khai trương văn phòng Peace Corps và ký hợp đồng thuê đất cho đại sứ quán mới. Chuyến đi cũng xây dựng các mối quan hệ y tế, tài trợ 1 triệu liều vaccine mà không có ràng buộc nào.

Theo Reuters, ngày 26/8, bà nói Mỹ hoan nghênh cạnh tranh và không tìm kiếm xung đột với TQ, nhưng sẽ lên tiếng về các vấn đề như tranh chấp hàng hải ở Biển Đông: “Chúng tôi hoan nghênh sự cạnh tranh gay gắt, chúng tôi không tìm kiếm xung đột, nhưng về các vấn đề như Biển Đông, chúng tôi phải lên tiếng… Chúng tôi sẽ lên tiếng khi có những hành động mà Bắc Kinh thực hiện nó đe dọa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Trước đó, hôm 25/8 bà nói “sự bắt nạt và yêu sách hàng hải quá mức” của TQ trong vùng biển này nên bị các nước thách thức và Mỹ muốn hỗ trợ tăng cường an ninh hàng hải cho VN, bao gồm các chuyến thăm nhiều hơn của tàu chiến Mỹ.

Các tuyên bố của bà đã thu hút sự phản công từ TQ. Hôm 25/8, tờ China Daily phản công lời bình luận của bà ở Singapore, nói rằng bà đã “cố tình bỏ qua thói đạo đức giả” khi kêu gọi các nước trong khu vực chống lại TQ.

Hôm 26/8, sau các cuộc gặp của bà ở Hà Nội, tờ Hoàn Cầu Thời báo nói rằng, Mỹ đang “mơ” khi xúi giục VN đối đầu với TQ: “Đối với Washington, điều họ mong muốn là một cuộc chiến mới giữa Bắc Kinh và Hà Nội nổ ra”. Lời phản công này với Mỹ cũng là một lời đe doạ cho VN.

Ngoài việc Bộ Ngoại giao và truyền thông TQ phản pháo, Bắc Kinh đã cố dàn dựng một đòn ngoại giao đánh chặn bất ngờ tại VN, diễn ra khi chuyến đi của bà Harris từ Singapore bị hoãn 3 giờ.

Trong cuộc gặp không được sắp đặt trước giữa Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính và Đại sứ TQ Hùng Ba, ông Chính xoa vuốt TQ rằng, VN không đứng về phía nào trong chính sách đối ngoại và cảm ơn Đại sứ đã tài trợ 2 triệu liều vaccine mới.

Báo chí TQ cho biết, TQ cần ra tay trước, đánh phủ đầu Mỹ với 2 triệu liều vaccine khi biết bà Harris sẽ công bố cho VN 1 triệu liều. Nó làm cho người ta nghi ngờ rằng, TQ tạo tình huống bằng cách gây ra sự cố Hội chứng Havana ở Hà Nội để câu giờ, hầu thực hiện cuộc đánh chặn.

Chính quyền Mỹ đã gọi sự cạnh tranh với TQ là “thử thách địa chính trị lớn nhất” trong thế kỷ 21.

Hà Nội lâu nay bị TQ kẹp cổ nên không dám hó hé khi bà Harris đề nghị nâng mối quan hệ lên tầm chiến lược. Là đảng CS đàn em, CSVN và CSTQ duy trì mối quan hệ chặt chẽ, hơn nữa Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu của TQ để hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu nên lo sợ TQ quậy.

Dù mối quan hệ Mỹ-Việt ngày càng trở nên khăng khít, nhưng Washington đã nói rằng, có những giới hạn cho đến khi VN đạt được tiến bộ về nhân quyền, bởi vì nhân quyền nằm trong chiến lược đối ngoại của Mỹ.

Bà Harris hôm 26/8 đã thẳng thắng nói rằng: “Chúng tôi sẽ không né tránh việc nói ra, ngay cả khi những cuộc thảo luận như vậy là khó nói và khó nghe”.

Theo NPR, ngày 26/8, bà Harris đã nhấn mạnh đến các vấn đề quyền của người lao động và quyền tự do dân sự khi bà kết thúc chuyến đi.

Tuy nhiên, vì cả hai bên không muốn vấn đề nhân quyền làm trật đường ray an ninh chiến lược, cho nên trong khi bà Harris nói về sự cần thiết phải bảo vệ phụ nữ và quyền cho người chuyển giới, bà đã không công khai chỉ trích CSVN về những vi phạm của họ, trong khi các phóng viên có mặt tại buổi họp báo.

Những mong đợi về nhân quyền thì cao hơn những gì mà bà Harris nêu ra trong chuyến đi. Người ta mong bà gặp những nhà bất đồng chính kiến, mong bà áp lực CSVN thả tù chính trị, mong bà công khai lên án CSVN vi phạm nhân quyền trong cuộc họp báo…, nhưng nó đã không xảy ra.

Đúng một tuần nữa là đến ngày 2/9, ngày lễ quốc khánh của CSVN, đây là dịp phóng thích tù nhân qua danh nghĩa nhân đạo mà không bị mất mặt. Nếu tù chính trị được thả ra ngày này thì đó là chỉ dấu người CS muốn cầm tay lái để thay đổi. Nếu họ không thả tù chính trị, thì thay đổi cũng vẫn sẽ xảy ra nhưng họ không thể chủ động được.

Ví von mà nói, một cô gái có thể vừa có bồ cũ (TQ) vừa có bồ mới (Mỹ), nhưng không thể ở vậy mãi mà phải lấy chồng. Ai cũng thấy bồ mới đáng lập gia đình hơn bồ cũ vốn là một tay vũ phu. Nếu không thay đổi thì gia đình cô gái sẽ bị xào xáo, đó là chưa nói đến bồ mới bằng mọi giá phải cưới cho được cô gái này.

Cuối thập niên 1970, có hiện tượng xào xáo Hoàng Văn Hoan – Trương Như Tảng. Nếu đầu thập niên 2020s lịch sử phải lập lại, thì nó sẽ trầm trọng hơn nhiều, khi mà bồ mới có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của đại đa số thành viên gia đình cô gái ở bên trong VN và ở bên ngoài thế giới.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay