Những nước chống dịch hàng đầu thế giới thực hiện phong tỏa như thế nào

Những nước chống dịch hàng đầu thế giới thực hiện phong tỏa như thế nào

Tạp chí Luật Khoa

Cùng là phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh, nhưng lại có thể rất khác nhau.

 20/08/2021

By  YÊN KHẮC CHÍNH

Một con đường vắng vẻ tại Wellington, New Zealand vào đợt phong tỏa tháng 4/2020. Bảng điện tử hiện lời kêu gọi “Be kind – Stay safe” và trang thông tin phòng chống dịch của chính phủ. Ảnh: Anadolu/Mike Clare.

Thông tin chính quyền New Zealand đặt cả nước vào tình trạng phong tỏa chỉ với 1 ca nhiễm COVID-19 được rất nhiều tờ báo Việt Nam đưa tin. [1]

Nhiều bình luận của độc giả trên các tờ báo này đều thể hiện sự tiếc nuối, “giá như nước mình cũng làm gắt như vậy”.

Tuy nhiên, cách thức cụ thể New Zealand thực hiện phong tỏa thì không thấy báo đài quốc doanh nào đề cập.

Hiện tại, New Zealand là một trong số ít các quốc gia vẫn còn duy trì chiến lược loại trừ hoàn toàn các ca lây nhiễm (“zero covid” hay còn gọi là “elimination strategy”).

Các quốc gia này áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn lây nhiễm, nhưng không phải chỉ với một cách mà chúng ta biết.

Ai ở nhà nấy, nhưng nếu cần thì có thể ra ngoài

Vào tháng 3/2020, khi dịch bệnh bắt đầu phát tán, chính quyền New Zealand đã công bố hệ thống cảnh báo COVID-19 với bốn cấp độ. [2] Trong đó, cấp độ 4 cao nhất tương đương với việc phong tỏa khu vực hoặc toàn bộ quốc gia. Đây cũng là cấp độ mà chính quyền của Thủ tướng Jacinda Ardern đang áp dụng.

Ở cấp độ 4, chỉ những hoạt động và dịch vụ thiết yếu được mở cửa, và chỉ những người làm trong các ngành đó mới được đến chỗ làm. [3]

Người dân được yêu cầu ở yên trong nhà, trừ khi cần ra ngoài cho các nhu cầu thiết yếu của cá nhân (essential personal movement).

Các nhu cầu thiết yếu đó, ngoài việc đi mua thực phẩm, tìm kiếm trợ giúp y tế, làm xét nghiệm COVID-19, còn có:

  • tập thể dục (như đi bộ, chạy bộ, đạp xe) trong khu vực sinh sống của mình
  • đưa đón con nhỏ qua lại hai bên gia đình bố mẹ sống ly thân/ ly dị
  • đưa thực phẩm đến cho người khác
  • tìm người đến ở chung

Theo hướng dẫn thực hiện của chính phủ, việc tập thể dục ngoài trời “tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn”.

Tại New Zealand, người dân vẫn có thể tập thể dục ngoài trời, ngay cả trong cấp độ phong tỏa cao nhất. Ảnh: VOA.

Yêu cầu với hoạt động tập thể dục ngoài trời là phải giữ khoảng cách 2 mét với người khác (trừ phi đi cùng người trong nhà), và không tham gia các hoạt động ngoài trời có nguy cơ cần đến công tác cứu hộ (như bơi lội, lướt sóng, đi thuyền, đi săn hay đi phượt). Nếu thấy không khỏe thì không nên ra ngoài.

Việc đưa thực phẩm đến cho người khác được tính là hoạt động thiết yếu, miễn là đảm bảo khoảng cách 2 mét, và để thực phẩm trước cửa nhà để tránh tiếp xúc.

Những ai sống một mình có thể tìm một người khác hoặc một gia đình khác ở chung để chăm sóc nhau, miễn là trong cùng thị trấn hoặc thành phố. Tối đa sẽ có hai gia đình như vậy được ghép chung để tạo thành một “cụm gia đình” (household bubble). Những người trong cùng một cụm gia đình có thể tập thể dục ngoài trời cùng nhau mà không cần giữ khoảng cách.

Tự xác định mặt hàng thiết yếu

Ở cấp độ phong tỏa cao nhất, việc buôn bán trao đổi những mặt hàng thiết yếu phi thực phẩm tại New Zealand chỉ được thực hiện qua mạng hoặc điện thoại. Hoạt động giao hàng phải đảm bảo yêu cầu không tiếp xúc.

Chính quyền không đưa ra danh sách cụ thể những mặt hàng phi thực phẩm nào là thiết yếu. Thay vào đó, các doanh nghiệp sẽ tự xác định hàng hóa dịch vụ của mình có đóng vai trò thiết yếu hay không đối với người tiêu dùng trong thời gian phong tỏa. [4]

Tiêu chí để xác định là đánh giá xem hàng hóa dịch vụ đó có cần thiết để người dân:

  • đảm bảo sức khỏe và an toàn của mình khi giãn cách tại nhà
  • đảm bảo việc học tập và làm việc tại nhà
  • đảm bảo giữ liên lạc với người thân và bạn bè, đồng thời có thể cập nhật tin tức quan trọng

Dựa trên tiêu chí đó, danh sách hàng thiết yếu này có thể bao gồm đủ loại từ các sản phẩm y tế, điện gia dụng, quần áo, giày dép cho tới phụ tùng xe, phụ kiện điện thoại, thiết bị văn phòng hay sách báo, tài liệu học tập.

Thay vì một danh sách cụ thể, chính quyền New Zealand quy định hoạt động thiết yếu theo các tiêu chí. Ảnh minh họa: RNZ.

Các đơn vị sản xuất thuộc ngành công nghiệp cơ bản (primary industry – khai thác nguyên liệu thô từ tự nhiên như trồng trọt, chăn nuôi, dầu mỏ, khai khoáng, v.v.) vẫn hoạt động.

Siêu thị và các cửa hàng bán thực phẩm vẫn mở cửa. Hoạt động giao nhận thực phẩm tiến hành bình thường, không có giới hạn theo khu vực.

Mỗi gia đình được khuyến khích chỉ nên sắp xếp một người đi mua sắm. Người dân cũng được khuyến khích, thay vì bắt buộc, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.

Việc đeo khẩu trang chỉ bắt buộc khi tham gia các hoạt động có tiếp xúc với người khác (như làm việc hay mua hàng trong siêu thị, dùng các phương tiện giao thông công cộng, ngồi trong taxi, đến các cơ sở khám chữa bệnh, v.v.).

Kể từ tháng 3/2020, New Zealand đã nhiều lần áp dụng các biện pháp phong tỏa theo khu vực lẫn toàn quốc. [5]

Tính đến ngày 20/8/2021, nước này có gần 3.000 ca dương tính (trong đó có gần 400 ca nghi nhiễm), với 26 người chết vì dịch bệnh. [6]

Phong tỏa kiểu Úc: một phiên bản khác của New Zealand

Cũng thực hiện chiến lược “zero covid” như New Zealand, nhưng với dân số gấp 5 lần (25 triệu so với 5 triệu) và diện tích hơn gần 30 lần, Úc gặp khó khăn hơn nhiều trong việc thực thi chính sách phong tỏa. Thể chế liên bang của Úc trao quyền và trách nhiệm về cho chính quyền các bang trong việc áp lệnh phong tỏa. Mỗi bang có những quy định riêng, tuy nhiên nhìn chung không quá khác biệt.

Vào thời điểm hiện tại, hai bang đang có chính sách phong tỏa nghiêm ngặt nhất của Úc là Victoria và New South Wales. Đây cũng là hai bang có số ca nhiễm cao nhất nước.

So với New Zealand, cách phong tỏa của Úc có khá nhiều điểm tương đồng. [7]

Người dân cũng được yêu cầu ở yên trong nhà, nhưng được phép ra ngoài thực hiện các hoạt động ngoài trời trong phạm vi bán kính 5 km. Tại New South Wales, các hoạt động ngoài trời này gồm có tập thể dục (exercise) và thư giãn (recreation), ví dụ như ngồi nghỉ mát, ăn uống hay đọc sách ngoài trời. Ở những khu vực có số ca nhiễm tăng cao như Sydney, hoạt động thư giãn bị cấm, chỉ có tập thể dục được cho phép.

Khi thực hiện các hoạt động ngoài trời, ngoài “cụm gia đình” của mình, người dân còn được phép đi cùng một người bên ngoài. Người này có thể là huấn luyện viên thể lực (personal trainer) hoặc khách chỉ định thăm nhà (nominated visitor).

Tại Úc, trong thời gian phong tỏa, người dân có thể chỉ định một người đến thăm mình thường xuyên. Ảnh: EPA-EFE.

Khách chỉ định thăm nhà cũng là điểm khác của Úc so với New Zealand. Những người sống một mình có thể chỉ định một người đến thăm mình thường xuyên. Ai đã được chỉ định là khách đến thăm của một người thì không thể làm khách đến thăm của người khác.

Ngoài ra tại Úc, cho dù phong tỏa, người dân vẫn có thể ghé thăm người yêu của mình (intimate partners) hoặc ghé thăm các gia đình khác trong trường hợp cần chăm sóc người tại đó.

Trong khi ở New Zealand là “khuyến khích”, ở Úc quy định bắt buộc chỉ cho phép một người trong một gia đình ra ngoài mua sắm. Nếu trong phạm vi bán kính 5 km người dân không thể tìm được hàng hóa hoặc dịch vụ mình cần, họ có thể ra ngoài phạm vi đó và tìm đến nơi cung cấp hàng hóa dịch vụ gần nhất.

Việc đeo khẩu trang khi ra ngoài tại các bang phong tỏa của Úc là quy định bắt buộc (so với “khuyến khích” của New Zealand). Trong thời gian qua, hai bang Victoria và New South Wales lần lượt áp dụng biện pháp giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng (chính quyền New Zealand đến nay chưa áp đặt lệnh giới nghiêm).

Chính quyền các địa phương của Úc có đưa ra danh sách những dịch vụ thiết yếu được mở cửa, nhưng không cấm những đơn vị kinh doanh các loại hàng không thiết yếu được cung cấp và giao hàng qua mạng. [8]

Tính đến ngày 20/8/2021, Úc có hơn 41.500 ca nhiễm, với 971 người chết do COVID-19. [9]

Đài Loan: chuẩn bị cho phong tỏa từ lúc chưa cần đến

Cho tới trước tháng 5/2021, Đài Loan chỉ ghi nhận hơn 1.100 ca nhiễm và 12 trường hợp tử vong do dịch bệnh. [10] Cuộc sống của người dân nước này vẫn diễn ra bình thường trong hơn một năm dịch bệnh hoành hành khắp thế giới.

Nhưng đến giữa tháng Năm, Đài Loan đối diện với làn sóng lây nhiễm tăng cao với hàng trăm ca mắc bệnh mỗi ngày. Chính quyền lập tức cho nâng mức phản ứng lên cấp độ 3.

Giống như New Zealand, Đài Loan cũng chia ra 4 cấp độ phản ứng với dịch bệnh, trong đó cấp độ 4 cao nhất tương đương với việc phong tỏa toàn quốc. [11]

Mỗi cấp độ đều có những tiêu chí rõ ràng (về tính chất các ca và số chùm ca lây nhiễm) để người dân biết với tình hình hiện tại, chính quyền sẽ có thể áp dụng biện pháp gì.

Điểm chung trong 4 cấp độ phản ứng dịch bệnh là yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài đường. Đó cũng được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng giúp Đài Loan có thể nhanh chóng khống chế đợt bùng phát mới.

Đài Loan kiểm soát được đợt bùng phát dịch mới nhất sau khi duy trì “phong tỏa mềm” ở cấp độ 3 trong hơn hai tháng. Ảnh: New York Times.

Trong hơn hai tháng áp dụng “phong tỏa mềm” cấp độ 3, người dân vẫn có thể ra ngoài mua sắm hoặc tập thể dục, miễn là đảm bảo các yêu cầu đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và không tụ tập đông người.

Các nhà hàng quán ăn vẫn được mở cửa bán đồ mang đi cho khách. [12] Việc đặt hàng qua mạng không bị cản trở hay giới hạn theo khu vực địa lý.

Điều đáng lưu ý là chính quyền nước này đã chuẩn bị kỹ cho tình huống phong tỏa cao nhất.

Cuối tháng 5/2021, chính quyền thành phố Đài Bắc thực hành mô phỏng cấp độ 4, chuẩn bị sẵn sàng cho việc áp dụng các biện pháp phong tỏa chặt. [13] Thậm chí một năm trước đó, vào tháng 4/2020, thành phố Tân Đài Bắc đã thực tập phong tỏa trên giả định các ca bệnh bùng phát, nhằm chuẩn bị các bước cần thiết để đóng cửa doanh nghiệp và trường học, đảm bảo việc cung cấp lương thực thực phẩm không bị gián đoạn. [14]

Nhờ sự chuẩn bị này và các biện pháp kiểm soát đúng mực, chỉ trong hai tháng, làn sóng dịch mới của nước này đã được chặn đứng mà không cần phải nâng cấp phong tỏa lên mức cao nhất.

Cuối tháng 7/2021, chính quyền đã hạ mức cảnh báo từ cấp độ 3 xuống cấp độ 2, cho mở cửa lại nhiều cơ sở dịch vụ. [15]

Tính đến ngày 20/8/2021, Đài Loan có gần 16.000 ca nhiễm, với 827 trường hợp tử vong. [16]

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay