SÀI GÒN

SÀI GÒN

Mười ba tuổi, tui xách túi ni lông đựng bốn bộ quần áo rách, nhảy lên xe đò, trốn mẹ, đi Sài Gòn. Trong túi quần chỉ đủ tiền vé một chiều và miếng giấy ghi địa chỉ nhà cô ruột ở quận tám. Anh em giang hồ gọi là bỏ nhà đi bụi.

Trời vừa đứng bóng thì xe lên tới bến xe miền Tây. Không biết móc ra móc vô kiểu gì mà tui kiếm hết túi này tới túi nọ hổng thấy miếng giấy ghi địa chỉ đâu. Nhớ mang máng trong đầu, tui hỏi thăm đường rồi lếch thếch đi bộ qua quận tám.

Sài Gòn mênh mông và quá đỗi ồn ào nhộn nhịp đối với một đứa nhỏ mười ba tuổi quê kiểng chưa biết hết đường xá của cái thị xã nhỏ quê nhà. Tui vừa đi vừa sợ. Ở quê, người lớn hay kể những câu chuyện về Sài Gòn, thường là những câu chuyện cảnh báo về sự lừa gạt. Rằng ở Sài Gòn người ta ít có qua lại với nhau, nhà nào biết nhà nấy. Trong trí tưởng tượng của tui Sài Gòn là một nơi khá đáng sợ và phải hết sức cảnh giác. Sài Gòn cũng hấp dẫn tui bởi những ổ bánh mì thiệt bự thiệt dài thơm nức mùi bơ mà thỉnh thoảng trong xóm có người đi Sài Gòn mua về làm quà đem cho nhà tui một ổ ăn lấy thảo.

Chiều xuống, xe cộ nườm nượp và mỗi lúc lại đông hơn, tui cứ đi một bên lề vì không dám băng qua đường. Cứ vừa đi vừa chút chút lại ngó các biển hiệu coi mình tới đâu rồi chứ cũng không dám hỏi thăm nhiều. Tui không nhớ chính xác được tên đường và số nhà, phường tổ, chỉ mang máng nhớ nhà cô ở gần chợ Xóm Củi, cạnh cầu Chà Và. Cả ngày không ăn không uống gì, đói khát và mỏi rả rời nên càng lúc tui đi càng chậm hơn. Thành phố lên đèn, tui tới được chợ Xóm Củi. Đứng trước cái nhà bự chảng có cái biển tên chợ trên nóc tui mừng lắm vì biết mình gần lắm rồi. Rồi ngay sau đó tui hoảng hốt vì không còn biết đi lối nào nữa. Từ trưa đến giờ ít ra tui còn có một cái tên chợ Xóm Củi để hỏi thăm, giờ không còn biết phải hỏi thăm như thế nào nữa. Tui ngồi ở dạ cầu Chà Và, hoang mang, sợ hãi tăng lên khi trời mỗi lúc mỗi tối hơn. Vài người chạy xe ngang ngó nghiêng tui càng làm tui thêm sợ. Tui ngồi co rút người lại nhỏ nhất có thể, lấy cái bọc ni lông che phía trước để mong người ta đừng để ý đến mình.

“Đụ mẹ mày, chơi xong hổng trả tiền hả? Tao uýnh chết cha mày, thằng chó đẻ, thằng chó đẻ, mày đứng lại..”

Tui giựt mình vì tiếng la hét. Ngó sang bên thì thấy người đàn ông cởi trần chạy ra từ cái hốc nhỏ khuyết sâu vào trong lòng của dạ cầu, theo sau là một chị lớn tuổi áo không cài nút rượt theo, la hét chói lói. Tui mất hồn mất vía vội xách cái bọc lên bỏ chạy.

Chừng ngừng lại, tui không còn biết mình đang ở chỗ nào. Không dám hỏi đường để quay lại dạ cầu vì tui cảm thấy nó không còn an toàn nữa, cũng không biết phải đi đâu, cũng không dám ngồi vỉa hè để nghỉ chân. Tui bước lang thang, vô định. Tui cứ đi như vậy và không còn để ý đến biển hiệu tên đường coi mình đang ở đâu nữa. Nỗi sợ hình như đã biến mất, tui trống rỗng. Khuya dần. Đường phố ít người hơn. Tui chọn đi những con đường nhỏ nhỏ vì sợ chỗ đông người. Lang thang mãi đến lúc gặp một cái chợ ngay cạnh đường. Các sạp đã dẹp hết, trống trơn, không một bóng người. Tui an tâm rẽ vô, leo lên một cái sạp, chắc ban ngày người ta dùng để bán thịt vì mùi thịt sống bốc lên nồng nặc, tui dựa lưng vô cái cột ở góc sạp ngồi nghỉ rồi ngủ thiếp đi.

“Em ơi, ê, nhỏ ơi, nhỏ ơi!”

Tui thấy bàn chân mình có ai đó nắm lấy và tai mơ hồ nghe giọng của một người đàn ông văng vẳng, lấy hết sức lực tui đạp mạnh.

“Á.”

Tui lồm cồm bò dậy, tay quơ tìm cái bọc, dụi mắt rồi nhảy phắt dậy đứng trên cái sạp thủ thế để sẳn sàng bỏ chạy hoặc chiến đấu.

Người đàn ông bị tui đạp té ngồi bệt dưới đất đang lồm cồm đứng dậy.

“Ây ây, hổng có gì đâu, hổng có gì đâu, đừng sợ, đừng sợ. Tui thấy em nằm ngủ ở đây nên tui kêu tui hỏi thăm thôi.”

Tui dáo dác nhìn quanh, không thấy ai ngoài tôi và người đàn ông. Tui trừng trừng mắt nhìn người đàn ông, rồi lại đảo mắt nhìn quanh để tìm đường bỏ chạy vì nhắm thấy mình nhỏ xíu, không thể chống cự nếu anh ta túm được tui lần nữa. Tui nhận ra mình mắc một sai lầm nghiêm trọng khi chọn cái sạp quá gần mặt đường. Chắc lúc nãy tui mệt quá, thấy cái sạp thì leo lên ngồi nghỉ mà không tính đến việc ngủ quên và bị phát hiện. Nhìn ra đường, tui mong có người qua lại để có gì còn kêu cứu nhưng không có ai, không một chiếc xe nào chạy qua, chỉ thấy một chiếc xe đạp cũ dựng gần lề, tôi đoán của người đàn ông.

“Tui đi ngang qua thấy em nằm ở đây, tui ghé vô coi em có làm sao không sao lại nằm ngủ ở đây.”

Người đàn ông phủi phủi đít quần, dưới ánh đèn đường hắt vào, gương mặt người đàn ông gày gò, tầm ba mươi tuổi, giãn ra với nụ cười rộng, như thể để trấn an tui. Bớt sợ hơn, nhưng tui vẫn cảnh giác không trả lời, tui nhảy xuống khỏi cái sạp định bỏ đi.

” Nhỏ đói không? Anh có ổ bánh mì.”

Người đàn ông chỉ tay ra cái xe đạp. Rồi không đợi tui trả lời, anh nhanh chân bước ra dắt luôn cái xe vô dựng gần cái sạp, gỡ bọc bánh mì và bọc nước sâm treo trên ghi đông xe xuống, đoạn anh thót lên ngồi trên mặt sạp, đưa bọc bánh cho tui. Anh vỗ vỗ xuống mặt sạp thịt, gọi.

“Ngồi đây nè. Nhỏ ăn đi.”

Lúc này cái bụng tui bắt đầu kêu lên ro ro. Tui nửa muốn leo lên sạp ngồi và ăn bánh, nửa muốn bỏ đi. Nỗi sợ quay lại. Mấy bà mấy chị ở quê hay kể trên Sài Gòn này người ta hay dụ người bằng cách bỏ thuốc mê vô trong thức ăn nước uống. Như đọc được suy nghĩ của tui. Anh lấy cái bánh mì ra, bẻ đôi, cắn một miếng rồi đưa tui nửa còn lại. Anh uống một ngụm nước trong cái bọc rồi cũng đưa luôn cho tui. An tâm hơn nhiều và cũng quá đói khát, tui nhận nửa cái bánh và bọc nước, leo lên góc kia của cái sạp, ngồi xa anh ra để đề phòng, miệng lí nhí cảm ơn, rồi rón rén đưa miếng bánh lên miệng cắn. Người tui tan ra theo miếng bánh và ngụm nước sâm thơm thơm, ngọt lịm. Ở quê, nhà nghèo, hổng có mấy dịp tui được ăn những thứ này. Đói khát lắm nhưng tui không dám ăn nhanh, cứ cắn từng miếng nhỏ và cũng không dám nhai nuốt vội. Anh ngồi cười cười nhìn tui ăn rồi đưa luôn nửa cái bánh mì còn lại cho tui. Tui làm bộ lắc đầu như thể mình ăn chừng này là đủ. Tui vẫn không mở miệng nói gì, cặm cụi ăn.

“Nay anh đi làm về khuya, bữa nào anh cũng đi ngang qua đây.”

Tui gật đầu dạ lí nhí, chắc chỉ mình tui nghe thấy. Từ nhỏ, tui đã hầu như không nói chuyện, suốt ngày chỉ loanh quanh làm việc nhà xong thì rúc vào một góc đọc sách. Tui không biết nói chuyện. Con nít trong xóm không chơi với tui. Trong nhà tui cũng không chơi với các anh chị nhiều. Tui không thích nói vì cứ mỗi lần tui mở miệng ra thì bị người lớn đánh, quát mắng hoặc với bạn thì bị chúng giận. Thế giới của tui là sách, sách và chỉ có sách. Văn học, tiểu thuyết, triết học, tâm lý học, khoa học, chính trị…đống sách của ba, tui đọc láng không sót một chữ kể cả phụ lục, đọc đi đọc lại. Tui thích đắm chìm trong đó với những suy nghĩ của riêng mình hơn là phải giao tiếp với thế giới bên ngoài. Tui luôn bối rối không thể hiểu nổi người khác nghĩ gì, tại sao họ lại nói dối, tại sao họ lại cãi nhau, tại sao họ lại cử xử kỳ lạ, tại sao tui lại bị đánh bị ghét vì nói thật trong khi ai cũng dạy tui phải nói thật, tại sao những người quanh tui luôn nói dối và được tin, tại sao người ta nói một đàng làm một nẻo… Tui sợ chỗ đông người. Tui sợ luôn việc bị đụng chạm, sợ bị nhìn thấy. Tui chỉ muốn ở một mình và mơ ước lớn nhất là đừng ai nói gì hay đụng vô người tui.

“Nè, nhỏ ăn luôn đi.”

“Anh ăn đi. Em…no rồi.”

Mãi tui mới cất được một câu và đó là là lần đầu tiên tui nói dối. Cái bụng tui làm phản, nó lập tức sôi lên ót ót rất to, không giấu vào đâu được.

“Anh cũng chưa ăn tối, nhưng mà chắc là em đói hơn, nè ăn đi nhỏ.”

Tui xấu hổ, cầm nửa cái bánh mì, người giãn ra vì đã bớt sợ nhiều, nửa cái bánh mì thịt đã làm tui hồi sức.

Đợi tui ăn xong anh mới tiếp tục hỏi thăm tại sao lại ngủ ở thớt thịt, đi đâu, ở đâu để anh đưa về. Ngắc ngứ một hồi tui cũng nói được cho anh biết tui làm mất tờ giấy ghi địa chỉ và giờ thì không tìm được nhà cô mà cũng không biết đi đâu.

Anh nghe xong bèn lên kế hoạch.

“Giờ vầy, khuya lắm luôn rồi, em cứ ngồi đây nghỉ đi, anh ngồi đây với em. Chờ chút nữa trời sáng anh chở em về chợ Xóm Củi rồi đưa em đi mấy đường loanh quanh tìm thử coi có gặp nhà cô em không, hén?! Em có biết nhà cô em làm gì không? Có buôn bán gì không?”

Tui sực nhớ nhà cô có xưởng sản xuất bạc cây. Tui định lên nhà cô với hi vọng xin cô cho tui được làm việc ở xưởng. Có một người anh họ con chú bác ở gần nhà tui đã lên đây làm cho cô, thỉnh thoảng anh về mọi người nói chuyện tui nghe lỏm được.

“Sáng anh chở em đi vòng vòng khu đó hỏi thăm thì chắc là tìm được thôi. Nếu không tìm được anh sẽ chở em ra bến xe mua vé cho em về quê, nghen.”

Tui rụt người lại như bị điện giựt, lắc đầu, tự nhiên mắt ầng ậc nước. Tui ráng kềm để đừng sụt sịt đặng giấu đi không cho anh thấy mình sắp khóc.

“Nhỏ không cho anh lựa chọn. Nhiệm vụ của anh nặng hơn rồi. Anh sẽ kiếm được nhà cô cho em.”

Tui thở ra một hơi dài, nhẹ nhỏm. Hai anh em ngồi hai góc trên cái thớt thịt, thỉnh thoảng anh hỏi gì tui trả lời câu đó rồi lại im lặng cúi gằm mặt không dám nhìn.

Sáng, anh chở tui đi. Anh đưa tui đi ăn sáng ở một hẻm nhỏ. Tui ăn hết tô bún xào, uống một ly nước sâm mát lạnh, người tỉnh hẳn. Lúc này tui mới thấy đường xa vì chạy rất lâu mới tới được chợ Xóm Củi. Hết một buổi sáng thì anh chở tui tới một căn nhà trên một con đường nhỏ, phía trước nhà chất nhiều cây gỗ cao su đã được xẻ nhỏ, phía hè đối diện có phơi nhiều bạc cây. Anh và tui đều ngầm hiểu chắc là đúng chỗ rồi.

“Anh chờ ở đây. Em vô coi phải nhà cô em không.”

Tui ngần ngừ rồi bước vô nhà, cô tui và các anh chị em họ của tui đang cưa xẻ tiện bào gỗ giữa mịt mù bụi mạt cưa và tiếng máy ầm ĩ. Cô thấy tui thì giật mình xong hỏi thăm mấy câu rồi dắt tui lên căn gác xép bằng gỗ nhỏ xíu biểu tui nghỉ ngơi rồi nói chuyện sau. Tui cất bọc quần áo rồi xin phép cô chạy ra ngòai đường báo tin anh biết đã tìm đúng nhà rồi.

“Anh an tâm rồi, em ở đây hén, ít bữa anh ghé qua thăm.”

Quay vô nhà, cô tui đứng ở cửa nhìn ra, cau mày hỏi.

“Con nói chuyện với thằng nào vậy?”

“Dạ. Con lạc đường, ảnh chở con đi tìm về được tới đây.”

Cô không nói gì thêm. Trưa đó cô cho tui gọi điện thoại bàn về cho một nhà giàu trong xóm mà cô có số để nhờ báo tin cho nhà tui yên tâm. Tui ở lại làm việc ở xưởng, phụ xỏ bạc cây, học cưa, bào, tiện..

Sau một tuần, tui ngồi xỏ bạc cây ở hiên mà bụng cứ thắc thỏm trông anh ghé lại thăm tui như đã hẹn. Một buổi chiều muộn, tui đang loay hoay hốt mạt cưa, dăm bào vô bao tải thì cô vô kêu.

“Ngà, thằng hôm bữa nó qua kiếm.”

Tui mừng rỡ chạy ra. Anh ngồi trên cái xe đạp cũ ở lề đường, toe miệng cười khi thấy tui. Anh phủi phủi mớ mạt cưa dính trên đầu tui, hỏi thăm tình hình, luôn miệng cười biểu vậy tốt rồi tốt rồi. Nói chuyện chưa được mấy câu, cô tui nãy giờ vẫn đứng ở cửa ngó ra, kêu giật giọng.

“Ngà. Vô làm cho xong đi.”

Tui chào anh. Trước khi quay đi, tui khoe nhỏ với anh tui làm có lương, bữa sau anh ghé chắc tui có tiền mời anh ăn bún xào. Anh gật gật, hẹn tuần sau ghé qua thăm tui nữa. Tui chạy vô nhà thì cô tui nạt.

“Biết người ta là ai mà nói chuyện lâu vậy? Biết ở Sài Gòn này lừa gạt nhiều lắm không? Từ nay không có nói chuyện với người lạ nữa nghe hông.”

Tui quay đầu ra nhìn anh, biết chắc rằng anh đã nghe thấy, anh quay xe vội vã đạp đi. Tui muốn hét lên với cô rằng anh không phải người lạ. Anh không phải người lạ. Anh không như cô nghĩ. Nhưng một cái gì đó chặn ngang ngực tui, y hệt như những khi tui bị ông anh kế và đám trẻ con ở quê vu oan, làm tui không thể nói được thành câu. Tui ú ớ rồi cúi đầu. Tui muốn chạy theo anh nhưng anh đã chạy xa một đoạn. Lủi thủi quay vô nhà, tui thấy nước mắt mình rớt xuống đống mạt cưa hốt dở.

Anh không bao giờ quay lại thăm tui thêm lần nào nữa. Tui không biết tên anh.

….

Mình trích đăng một đoạn hồi ức trong cuốn sách đang viết dở. Như một lời tri ân những con người bình dị, nghèo khó mà đầy tình người ở Sài Gòn. Những con người dưới đáy xã hội thường xuyên bị những người khác luôn nhân danh một điều gì đó để xúc phạm, sỉ nhục và coi thường. Những ngày tháng này họ càng đang phải lắt lay, chịu đựng hơn bao giờ hết.

Mảnh đất này đã nuôi sống bao người và họ, chính những người ở tầng đáy xã hội lại là những người luôn xòe bàn tay mình ra khi gặp kẻ khó. Ai cũng dễ dàng bắt gặp cảnh một chị bán cà phê vỉa hè móc túi cho thằng nghiện hai chục ngàn mà không hề băn khoăn cân nhắc tiền mình cho nó sẽ đi về đâu. Họ bị coi là ít học, nhưng họ sống bằng đạo lý của đất trời chứ không phải bằng thứ đạo đức đầy khôn ngoan đã và đang được rao giảng khắp nơi. Phải hiểu đạo lý thì mới có thể hiểu được người Sài Gòn. Cái gì không hợp đạo lý thì chẳng tồn tại được mãi mãi. Đời người dài thăm thẳm chẳng phải mỗi một kiếp này.

Đêm qua ngồi thiền theo lời kêu rủ của đứa bạn qua Facebook, tui nguyện hồi hướng mọi công đức mà mình có cho tất cả, mặc dù tui không biết trong đời mình tui có mần được gì xứng đáng để gọi là công đức hay chưa. Đứa bạn đổ bệnh sau nhiều ngày chạy tới chạy lui chăm lo cho bá tánh. Nó bệnh vì nhiễm virus hay vì mệt hay vì mớ kẽm gai làm nó không còn đi được nữa? Có thể là vì tất cả. Nó vẫn ngồi thiền lúc chín giờ tối hằng ngày cho đến hết tháng để cầu nguyện bình an cho tất cả.

Nguyện cầu bình an và tỉnh thức cho tất cả.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay