Nhiều người Nhật từ chối điều trị để được chết già tự nhiên
Người vợ mất trí và khó ăn, thay vì đặt ống thông, người chồng chỉ bón 2 gói thạch mỗi ngày, cuối cùng bà ra đi trong yên lặng.
Giáo sư lão khoa Masahiro Akishita thuộc Đại học Tokyo, đồng thời là chủ tịch hiệp hội Lão khoa Nhật Bản cho biết việc hồi sức tim, phổi hoặc sử dụng dinh dưỡng nhân tạo kéo dài sự sống với người già đang giảm dần hiện nay.
Masahiro Akishita tiền thân là một bác sĩ phẫu thuật mạch máu hàng đầu Nhật Bản, từng được đánh giá là một trong 100 bác sĩ giỏi nhất nước này. Ông cho biết, mặc dù bản thân luôn tin rằng chiến đấu với bệnh tật là nhiệm vụ của bác sĩ và “cái chết là sự thua cuộc với Thần Chết”, tuy nhiên, khi đối mặt với các căn bệnh của người già, đặc biệt là những bệnh nhân không thể điều trị, ông bắt đầu nhận ra một thực tế: dù y tế có tiến bộ thế nào đi nữa, không có cách nào để tạo nên một sức nặng đối trọng với sự lão hóa tự nhiên.
Masahiro Akishita từng thăm nhà tế bần St Christopher’s Hospice, Anh. Nơi này đã đánh dấu sự thay đổi trong cách nhìn của ông về cuộc sống. Ở đây, ông chứng kiến những người bệnh ung thư giai đoạn cuối được chăm sóc giảm nhẹ, thay vì dành thời gian để loại bỏ cơn đau bằng cách sử dụng máy móc y tế, họ vẽ tranh, chơi piano, hút xì gà… Trong những giờ phút cuối đời, họ làm những điều mình muốn, và đó là “những khoảnh khắc có ý nghĩa phi thường”.
Với những trải nghiệm sau chuyến đi, bác sĩ người Nhật rời viện nơi mình đang công tác và đến một viện dưỡng lão mới, nơi đang gặp khó khăn vì thiếu bác sĩ. Tại đây, ông cùng cộng sự chia sẻ cách chăm sóc bệnh nhân trong những ngày cuối đời, cùng thảo luận với người nhà họ về việc làm thế nào để người bệnh được giảm thiểu tác động y tế (ví dụ như đặt ống xông dạ dày nếu gặp khó khăn khi ăn uống).
Câu chuyện ly nước tùy chỉnh trên đảo Miyakejima
Tiến sĩ Masahiro Akishita đã trải nghiệm những ca khiến ông suy nghĩ sâu sắc về giá trị của việc lựa chọn “chết già”. Ví dụ như một phụ nữ quê ở đảo Miyakejima, thuộc quần đảo Izu, Nhật Bản. Người bệnh trong quá trình ăn, thức ăn lọt vào đường khí quản, gây viêm phổi. Bác sĩ đề nghị đặt ống thông qua đường mũi để cung cấp dinh dưỡng.
Tuy nhiên, người con trai của bệnh nhân nói: “Trên đảo của chúng tôi, nếu một người quá già để ăn, chỉ nên đặt ly nước ở bên cạnh. Nếu người đó vẫn còn sức sống, họ sẽ vươn ra để uống ly nước. Còn nếu không thể làm điều đó, hãy cứ để cho họ như vậy. Tôi không thể từ chối việc đặt nội khí quản cho mẹ, nhưng thật đau đớn khi thấy mẹ phải ăn đường ống”.
Người đàn ông nói với bác sĩ, cái chết là một sự thật tự nhiên không thể bị xâm phạm với những người dân trên đảo. Anh đã quen với sự ra đi yên bình như thế của những người thân thiết theo cách đó. Đến nay, văn hóa ấy không còn, thay vào đó, nhiều người già ở trên đảo sẽ kết thúc cuộc sống trong một bệnh viện, nhưng anh cho rằng cách truyền thống sẽ tốt hơn.
Trải nghiệm thứ hai mà bác sĩ người Nhật trải qua, là quá trình điều trị cho một cặp vợ chồng già. Người vợ mắc chứng mất trí nhớ và gặp vấn đề về ăn uống, rất khó để nuốt ngay cả những thức ăn đơn giản nhất, bà được gửi tới viện dưỡng lão, còn người chồng một mình ở nhà, mỗi ngày đều vào thăm vợ hai lượt, điều này kéo dài một năm rưỡi.
Người chồng thay vì đặt ống thông cho vợ, ép buộc vợ ăn, ông nhẫn nại chăm sóc vợ với mỗi ngày hai gói thạch, mỗi gói 300 calo. Mặc dù tổng lượng calo bà nạp vào người chỉ 600 calo/ngày, mà theo bác sĩ là “không đủ để duy trì sự sống”, chồng bà không muốn làm vợ khổ bằng cách đặt ống.
Ông nói thời trẻ vợ đã chăm sóc ông rất tốt, giờ là lúc ông đền đáp lại, và “hãy để cô ấy ăn những gì có thể”. Thời gian ngủ của bà cụ mỗi ngày một dài, và cuối cùng, một ngày, bà ra đi trong yên lặng. Không ép ăn, không đặt nội khí quản, chỉ đồng hành bên người vợ trong suốt hành trình chăm sóc, đó là lựa chọn của người chồng.
Khảo sát mới nhất của Nhật Bản cho thấy, 90% người Nhật trên 55 tuổi từ chối chấp nhận điều trị y tế kéo dài cuộc sống, trái lại, muốn để cái chết diễn ra một cách tự nhiên. Đối với họ, “chết già” là lời tạm biệt đẹp đẽ nhất với cuộc đời.
Tờ The Asahi Shimbun đưa tin, ngày càng nhiều người Nhật “chết tự nhiên” do tuổi già, đây hiện được xếp là nguyên nhân thứ ba gây tử vong sau ung thư và tim mạch, theo thống kê của Bộ Y Tế.
Tỷ lệ người Nhật chọn cách chết già tăng cao từ năm 2010 trở lại đây. |
Sự gia tăng số người mất vì tuổi già một phần do ngày càng nhiều người chọn mất ở nhà riêng hoặc các cơ sở chăm sóc điều dưỡng, thay vì đến bệnh viện và sử dụng các liệu pháp kéo dài cuộc sống.
Thùy Linh (Theo Asahi, Cmoney)