“Ở ĐÂY BUỔI CHIỀU, QUANH NĂM MÙA ĐÔNG…”

Chứng Nhân Chúa Kitô


“Ở ĐÂY BUỔI CHIỀU, QUANH NĂM MÙA ĐÔNG…”
Lm. Vĩnh Sang, DCCT

Giáng Sinh năm nay tôi chọn trải nghiệm ở cao nguyên Pleiku với  anh em tôi và với đồng bào người dân tộc J’rai.
Tuy nhiên khi bàn bạc, anh em lại mời tôi đến vùng cuối của cao nguyên trên  quốc lộ 51 từ Chư Sê ( Pleiku ) về Tuy Hòa, một vùng trũng của Ceoreo ( Cheo  Reo ) Phú Bổn quanh năm nóng bỏng da người, nghe nói một năm chỉ có khoảng 12  cơn mưa. Vì biết mình sẽ viếng thăm vùng nóng này nên tôi không mang theo áo  lạnh, kết quả bất ngờ trời trở lạnh, tôi co ro ngồi sau chiếc xe hai bánh của  người thanh niên dân tộc, vượt qua những con đèo ngoằn ngoèo trong sương đêm,  trong từng cơn gió thốc thổi của núi đồi, cái lạnh lẽo của cao nguyên theo  tôi về tận phố thị cho đến hôm nay.

Cùng với cái lạnh là cái đói, thú thật h ôm nay mới dám nói mình “bị bỏ đói”. Trong trí tưởng  tượng tôi sẽ được đưa đến một buôn làng nào đó, sau lễ đêm sẽ là liên hoan,  dù biết rằng người dân tộc rất nghèo nhưng chắc cũng đươc một cái gì đó để ăn  mừng Chúa Giáng Sinh, được “soan” ( kiểu vũ riêng của người J’rai ) bên ánh  lửa bập bùng cùng tiếng cồng chiêng, thật lãng mạn. Nhưng thực tế khác hẳn.  Sau cơm trưa chúng tôi ăn với những người giúp việc, toàn cơm và rau rừng ở  Krongpa, từ đó không có gì nữa cho đến trưa hôm sau.
Vào lúc 16g00 chiều tôi lên xe và cứ như vậy  tôi dâng Thánh Lễ Giáng Sinh tại ba điểm khác nhau cho đến nửa đêm, mỗi điểm  cách nhau từ 15 – 20km ( Trung Tâm này có 7 Giáo Điểm ). Đường đi vô cùng khó  khăn, bụi mù, quanh co, gập ghềnh và hiểm trở. Khi trời còn sáng, tôi nhận ra  nỗi nghèo khổ cùng cực của người dân, bản làng sơ xác. Họ nói với tôi họ đói  lắm, không có gì để làm, không có gì để ăn !
Anh em tôi cũng chạy dâng Thánh Lễ khắp nơi, bếp lạnh tanh khi   nửa đêm tôi trở về. Không hề có tiệc Giáng Sinh ê hề thịt rượu, không hề có  tiếng nhạc du dương réo rắt, không hề có những ánh đèn nhấp nháy kiêu sa. Đêm đó, tôi đã dâng lễ trong những ánh đèn tù mù, tôi chuẩn bị sẵn bản văn tiếng  J’rai để dâng lễ, nhưng bản văn ấy đã được soạn và in ra trong môi trường  tràn đầy ánh sáng, tôi đã phải đọc một cách khốn khổ trong ánh đèn tù mù giữa
buôn làng “Bethlehem”. Tôi hiểu và cảm thông phần nào nỗi vất vả của anh em  tôi.

Điều kỳ diệu tôi được chứng kiến là Tin Mừng đang triển nở trên  vùng đất nghèo khó này, Linh  Mục phụ trách ( Ama Mạnh DCCT ) khoát tay  về một vùng đồi núi trùng điệp và nói: “Còn biết bao nhiêu người chưa biết  Chúa ở những cánh rừng phía này, bên hữu ngạn sông Pa”.
Trung Tâm Krongpa được hình thành như một câu  chuyện trong mơ, năm 1987 một người dân tộc có tên là Ama Niem nghe radio,  ông thắc mắc về Đức Kitô là ai và ông quyết định lên đường đi tìm Đấng Kitô.  Ông chia gia đình đi làm hai hướng Đông và Tây, chính ông theo hướng Đông.  Sau một thời gian ông gặp được cha Nguyễn Văn Phán ( Ảnh bên trái ), một nhà  truyền giáo DCCT ở Ceoreo cách đó hơn 35 cây số, khi ấy cha Phán đang bị nhà
cầm quyền địa phương giới hạn không cho đi đâu cả. Ông Ama Niem được dạy Đạo,  tĩnh tâm 10 ngày với cha Phán ở Ceoreo rồi trở về làng mình với một cuốn Tân  Ước trên tay. Từ đó, Tin Mừng phát triển cho đến hôm nay, Trung Tâm Krongpa  được tách khỏi Trung Tâm Ceoreo, có 7 Giáo Điểm và số Kitô hữu trên 3.000  người.

Ama Niem đem Tin Mừng về làng, nhưng Ama Thuoc mới là người làm
Tin Mừng lan tỏa nhanh chóng. Xuất thân là cán bộ xã, Ama Thuoc nhận ra nhiều  điều sai trái và lung lay niềm tin vào xã hội, khi cầm trên tay cuốn Tân Ước  bằng tiếng J‘rai, Ama Thuoc bảo: “Chỉ có người yêu mến mình nhiều lắm mới bỏ  công ra để dịch cuốn sách này sang tiếng của mình, người trân trọng tiếng của  mình là người đáng tin”, từ đó Ama Thuoc chăm chú học Đạo. Ông là người có uy  tín trong làng nên đã cảm hóa rất nhanh nhiều người theo Đạo.

Ama Hua lại đóng một dấu ấn thứ hai trong  lich sử truyền giáo trên rẻo cao nguyên này. Được biết Chúa, Ama Hua lên  đường đi thăm bà con, chỉ bằng con đường đi thăm bà con họ hàng, ông đã đem  Tin Mừng đi gieo vãi khắp nơi làm sinh sôi nảy nở thêm nhiều Hạt Giống Đức  Tin ở các bản làng khác.
Chúng ta học được gì trong công cuộc truyền giáo này ?
–      Các phương tiện  truyền thông đã vượt không gian, vượt mọi ngăn cách, đem Tin Mừng vào tận  những vùng sâu vùng xa.
–      Gìn giữ và phát  triển văn hóa dân tộc bản địa giúp truyền tải Tin Mừng hiệu quả,
–      Và  vai trò tích cực quan trọng của các Thừa Sai Giáo Dân, toàn là Dự Tòng và Tân  Tòng !
Đến một chốc lát với cộng đồng Giáo Dân dân tộc, sống và chứng  kiến nỗi nghèo khổ của anh em, nghe những câu chuyện cụ thể hấp dẫn về việc  loan báo Tin Mừng. Tôi nhớ một đoạn thư của Thánh Phanxicô Xaviê gởi cho
Thánh Inhatiô Loyola:

“Tại các miền ấy, có nhiều người không được  làm Kitô hữu chỉ vì không có ai làm cho họ trở thành Kitô hữu. Nhiều lần tôi  đã có ý định đi tới các đại học ở Châu Âu, trước hết là đại học Paris, mà kêu
gào khắp nơi như một kẻ mất trí và thúc đẩy những người chỉ nghiên cứu học  thuyết hơn là thực hành bác ái rằng: Tiếc thay, chỉ vì lỗi các ông mà biết  bao linh hồn thay vì lên thiên đàng lại phải xuống hỏa ngục.

Ước chi họ miệt mài với văn chương chữ nghĩa  thế nào thì họ cũng miệt mài với công việc tông đồ này như vậy, để có thể trả  lẽ với Thiên Chúa về học thuyết của họ cũng như các nén bạc đã được trao phó  cho họ”…
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 28.12.2012

( Tựa đề lấy theo lời bài hát “Còn chút gì để nhớ”, nhạc Phạm Duy, thơ Vũ Hữu  Định )

Ephata 542
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay