PHẦN CÒN LẠI, NGÀI LO – Lm. Minh Anh, Tgp Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp Huế

“Nếu thế gian ghét các con, hãy biết, nó đã ghét Thầy trước!”.

E.Stanley Jones nói, “Một khi bị dồn vào đường cùng, rắn đuôi chuông sẽ tức giận tới mức tự cắn vào mình! Đó cũng là những gì xảy ra nơi một người tích chứa sự căm ghét. Ôm chặt hận thù, người ấy nghĩ, họ đang ‘làm đau’ kẻ khác; nhưng tai hại lớn hơn là họ đang huỷ hoại bản thân. Tốt nhất, bạn hãy đón nhận sự thù ghét, tìm dịp để yêu thương, và phó thác cho Chúa. Phần còn lại, Ngài lo!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tìm dịp để yêu thương, phó thác cho Chúa. ‘Phần còn lại, Ngài lo!’”. Trước một nền văn hoá chống lại Thiên Chúa, Chúa Giêsu vẫn “tìm dịp để yêu thương và phó mình cho Chúa Cha”. Trong Tin Mừng hôm nay, Ngài nói, “Nếu thế gian ghét các con, hãy biết, nó đã ghét Thầy trước!”.

Sứ vụ của Chúa Giêsu càng mở ra, các thế lực chống đối Ngài càng trở nên tồi tệ. Nhưng Ngài sẵn lòng ôm lấy thực tế nghiệt ngã đó. Rõ ràng, Ngài vẫn yêu thương giới biệt phái, yêu Giuđa, yêu Phêrô, yêu cả những kẻ sẽ đóng đinh Ngài; Ngài yêu đến cùng. Từ việc phó mình cho Cha – với tất cả sức mạnh – Ngài đã vượt qua tất cả. Ai trong chúng ta, vào một giai đoạn nào đó, cũng cảm thấy gánh nặng này khi phải trải qua những sự từ chối tương tự, cả khi chúng ta chỉ muốn làm điều tốt cho người khác. Đây là thời điểm chúng ta nên giống Chúa Giêsu nhất. Dĩ nhiên, điều đó không dễ, nhưng nếu được vậy, bình an và niềm vui sẽ lấp đầy trái tim bạn; với một điều kiện, như Chúa Giêsu, bạn và tôi phó thác tất cả cho Chúa. ‘Phần còn lại, Ngài lo!’.

Và tình yêu luôn tìm kiếm giải pháp! Bài đọc Công Vụ Tông Đồ cho biết, như Chúa Giêsu, các tông đồ đã làm điều tương tự. Chỗ nào đón tiếp, các ngài lưu lại; chỗ nào tẩy chay, các ngài ra đi. Tại Đerbê, Lystra, được đón tiếp, Phaolô tiếp nhận Timôthê; các ngài đi qua Phygia, Galat, Trôa và xuống Macêđônia. Nhờ đó, Tin Mừng được rao giảng; tín hữu vui, dân ngoại mừng, “Hãy tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Đức Phanxicô nói, “Con đường của Kitô hữu là con đường của Chúa Kitô, không có con đường nào khác ngoài con đường Ngài đã chỉ ra với những hệ luỵ là bị thế gian căm ghét. Đó là lý do của những hận thù và khủng bố liên tục từ những ngày đầu tiên của Giáo Hội – và cho đến ngày nay – nhiều cộng đoàn Kitô trên thế giới đang bị bách hại!”.

Anh Chị em,

“Nếu thế gian ghét các con, hãy biết, nó đã ghét Thầy trước!”. Họ ghét Chúa Giêsu hơn ghét một tên gian phi. Tại sao? Vì Ngài nói cho họ sự thật về Thiên Chúa, về chính Ngài và về chính họ. Ngài chấp nhận tất cả và cứ tìm dịp để yêu thương, yêu cho đến cùng. Để rồi, tình yêu mạnh hơn sự thù ghét, mạnh hơn sự chết của Ngài chiến thắng, trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho nhân loại, một nhân loại thù hiềm Thiên Chúa. Với chúng ta, giữa một thế giới căm ghét Ngài; bạn cứ “tìm kiếm các giải pháp” để tiếp tục thứ tha, tiếp tục yêu thương. Và với sự trợ lực của Chúa Giêsu, sẽ không trở ngại nào là quá lớn; chính Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả. Điều quan trọng là cứ tập trung vào việc mở mang Nước Chúa, bạn và tôi tìm dịp để yêu thương. ‘Phần còn lại, Ngài lo!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để thế gian ghét con vì con dễ ghét; cứ để họ ghét con vì con dễ thương! Cho con, cứ thương, dù bị họ ghét. Được như thế, con nào khác Chúa mấy!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp Huế

From: KimBang Nguyen

*******************

Thứ Bảy Tuần V – Mùa Phục Sinh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

18 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. 19 Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. 20 Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. 21 Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.”


 

THƯ CỦA MỘT LINH MỤC HẤP HỐI GỬI CHO CHÚA

 

 

“Con sợ rằng, vào giờ sau hết, con sẽ có chung một ý tưởng như mẹ con đã có khi bà lìa đời.  Ý tưởng đó là, con chết mà thấy mình chẳng có công nghiệp gì, có thể nói là trắng tay, vì không gì Chúa gửi đến mà lại quá sức con…”

Cha José Luis Martín Descalzo người Tây Ban Nha, một phóng viên, một nhà văn, cũng là con út trong một gia đình công giáo đạo đức gồm bốn anh chị em.  Ngài tốt nghiệp khoa Lịch Sử và Thần Học của Đại Học Giáo Hoàng Grêgôriô tại Rome, thụ phong linh mục năm 1953.  Ngài làm việc trong tư cách giáo sư và giám đốc tại một công ty kịch nghệ; và trong thời gian diễn ra Công Đồng Vaticano II, cha José Luis Martín Descalzo là một thông tín viên.

Là một nhà báo, cha José đã điều hành nhiều tạp chí khác nhau và một chương trình truyền hình.  Ngài đã viết nhiều tác phẩm văn chương, một số được biết đến nhiều nhất là “Cuộc Đời và Mầu Nhiệm Của Chúa Giêsu thành Nazareth”, “Những Lý Do Để Sống”, “Những Lý Do Để Hy Vọng”, “Những Lý Do Để Yêu Thương” và “Những Lý Do Cho Đời Sau”, vốn tích hợp nhiều đề mục liên quan đến các biến cố thực và cuộc sống thường ngày.

Cha José Luis Martín Descalzo đã dâng trọn đời mình cho thiên chức linh mục; ngài nguyện trung thành với ơn gọi một cách đơn sơ nhưng sâu lắng.  Từ lúc còn trẻ, trải qua những cơn đau tim và thận suy nghiêm trọng, ngài đã phải lọc máu nhiều năm.  Sống trọn vẹn những giờ khắc hiện tại Chúa ban, Ngài không ngừng lan toả niềm hy vọng cho đến lúc lìa đời tại Madrid ngày 11 tháng 6 năm 1991.  Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu bài viết cuối cùng của ngài trước khi ngài ra đi, đó là một lá thư gửi cho Thiên Chúa, chất chứa những tâm tình quý giá đáng cho chúng ta nghiền ngẫm và chia sẻ.

“‘Con cám ơn Chúa’, những lời này sẽ gói trọn tất cả những gì con muốn gửi đến Ngài, lạy Thiên Chúa, tình yêu của con; bởi lẽ, đó cũng là tất cả những gì con muốn thưa lên cùng Chúa, ‘Cám ơn Chúa’, ‘Cám ơn Chúa’.  Đứng từ chỏm núi cao nhất của 55 năm đời mình, con nhìn lại và dường như không thấy gì khác ngoài những dãy núi trùng trùng điệp điệp bất tận của tình yêu Chúa.  Lịch sử đời con, chẳng chỗ nào lại không được rọi sáng bởi lòng thương xót Chúa dành cho con; ở đó, đã không một giây phút nào mà con đã không nghiệm ra một sự hiện diện yêu thương đầy tình phụ tử của Chúa đêm ngày chăm bẵm linh hồn con.

Ngay mới hôm qua, một người bạn vừa nghe biết vấn đề sức khoẻ của con gửi cho con một bưu thiếp; trong đó, đầy phẫn nộ, cô bạn viết cho con những lời này, “Một sự giận dữ lớn lao xâm chiếm toàn thân con, và con đã nổi loạn với Chúa vì đã để cho một người như cha phải khốn khổ.”  Một điều gì đó thật đáng thương!  Cảm xúc nơi cô đã khiến cô mù loà để không trông thấy sự thật.  Đó là đang khi con chẳng còn quan trọng gì so với bất cứ ai, thì trọn đời con đã là một chứng từ cho sự sống và niềm tin.  Suốt 55 năm đời con, con đã đau khổ hơn nhiều lần dưới bàn tay người đời; bao lời nộp rủa và sự vô ơn cũng như cô đơn và hiểu lầm.  Vậy mà, từ nơi Ngài, con đã không nhận được gì khác ngoài những cử chỉ âu yếm bất tận, kể cả cơn đau sau cùng của con.

Trước hết, Chúa cho con sự sống, kỳ diệu thay con được làm người, để con vui thoả cảm nhận sự mỹ miều của thế giới.  Cho con niềm vui trở nên một phần của gia đình nhân loại; cho con vui sướng vì biết rằng, cuối cùng, khi con đặt mọi sự lên bàn cân thì những vết cắt, những thương tích luôn luôn ít hơn tình yêu lớn lao mà cũng chính những con người đó đã đặt lên đĩa cân bên kia của đời con. Dường như con khá may mắn hơn những người khác thì phải.  Có thể.  Nhưng giờ đây, làm sao con có thể vờ vịt làm một kẻ bị đọa đày của nhân loại khi biết chắc một điều là, con đã được đỡ nâng và cảm thông nhiều hơn là những khó nhọc.

Hơn thế, cùng với quà tặng làm người, Chúa còn cho con quà tặng đức tin.  Ngay từ thời thơ ấu, con cảm nhận sự hiện diện của Ngài hằng bao bọc con; với con, xem ra Chúa thật dịu hiền.  Nghe đến danh Ngài, con chẳng hề sợ hãi bao giờ.  Linh hồn con, Chúa đã trồng vào đó những khả năng phi thường: khả năng nhận thức, con đang được thương yêu; khả năng cảm biết, mình đang được cưng chiều; khả năng trải nghiệm sự hiện diện mỗi ngày của Chúa trong từng giờ khắc lặng lẽ trôi.  Con biết, vẫn có một ít người nguyền rủa ngày họ chào đời, họ thét lên với Chúa rằng, họ không cầu xin để được sinh ra; con cũng chẳng cầu xin điều đó, vì trước đó làm gì có con.  Nhưng nếu con biết đời mình là gì, hẳn con vẫn sẽ van nài cho được hiện hữu, một sự hiện hữu như Ngài đang ban cho con.

Con thiết nghĩ, vẫn là tuyệt đối cần thiết để được sinh ra trong mái gia đình mà Chúa đã chọn cho con.  Hôm nay con sẽ sẵn sàng đánh đổi tất cả những gì con sở hữu chỉ để được lại ba mẹ và anh chị em con như con đã được.  Tất cả họ là những chứng nhân sống động cho sự hiện diện của tình yêu Chúa; qua những người thân yêu đó, con dễ dàng học biết Chúa là ai.  Nhờ họ mà việc kính mến Chúa yêu thương người của con nên dễ dàng hơn rất nhiều.  Thật vô lý nếu không yêu mến Chúa cũng như không dễ gì để có thể sống đắng cay.  Hạnh phúc, niềm tin và lòng tín thác tựa hồ món bánh kem mà mẹ con luôn luôn dọn sẵn sau bữa cơm chiều, một món gì đó gần như chắc chắn không thể không có; hôm nào không có bánh kem thì thật đơn giản, chỉ vì không có trứng chứ không phải tình yêu đang thiếu đi.  Con cũng học biết rằng, đau khổ là một phần của cuộc vui; đau khổ không phải là một lời nguyền rủa nhưng là một phần cho cái giá của sự sống, một điều gì đó vốn không bao giờ đủ để lấy mất niềm vui của chúng con.

Nhờ tất cả những điều ấy, giờ đây con cảm thấy thẹn thùng khi nói lên và rằng, cơn đau không làm con đau, đắng cay không làm con cay đắng.  Được như thế, không phải vì con can trường nhưng đơn giản chỉ vì ngay từ tấm bé, con đã học nhìn ngắm những khía cạnh tích cực của cuộc sống và tập bước đi trong những vùng tối tăm; để rồi khi chúng ập đến, chúng không quá tăm tối nhưng chỉ hơi xám một chút.  Một người bạn khác vừa viết cho con trong mấy ngày qua rằng, con có thể chịu đựng được việc lọc máu cùng lúc khi “con say Chúa.”  Điều này, với con, xem ra hơi quá đáng và cường điệu.  Bởi vì ngay từ thuở nằm nôi, con đã ngất say với sự hiện diện tự nhiên của Ngài, lạy Chúa, và trong Ngài, con luôn cảm thấy cứng cáp để chịu đau đớn hoặc cũng có thể chỉ vì đau đớn thật sự Chúa đã không gửi đến cho con.

Đôi khi con nghĩ, con thật “quá đỗi may mắn.”  Các thánh đã dâng Chúa bao điều lớn lao, còn con, đã không bao giờ có gì đáng giá để dâng Ngài.  Con sợ rằng, vào giờ sau hết, con sẽ có chung một ý tưởng như mẹ con đã có khi bà lìa đời.  Ý tưởng đó là, con chết mà thấy mình chẳng có công nghiệp gì, có thể nói là trắng tay, vì không gì Chúa gửi đến mà lại quá sức con; cũng không phải ngay cả sự cô đơn hay phiền muộn Chúa trao cho những ai thực sự thuộc về Ngài.  Tha lỗi cho con, nhưng con sẽ làm gì đây khi Chúa không bao giờ bỏ con?  Đôi lúc con cảm thấy xấu hổ khi nghĩ rằng, con sẽ chết mà không được ở bên Chúa trong vườn Ôliu, không được trải qua hấp hối của mình trong vườn cây dầu.  Chỉ bởi Chúa, con không hiểu tại sao, không bao giờ để con vắng mặt trong các Chúa Nhật Lễ Lá dù con phải nằm bệnh viện triền miên.  Thi thoảng, trong những giấc mơ anh hùng của mình, con từng nghĩ táo bạo rằng, lẽ ra con cần trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin để tự chứng tỏ cho Chúa thấy.  Người ta nói, lòng tin đích thực được chứng tỏ nơi thập giá đang khi con chưa bao giờ gặp phải bất kỳ một thập giá nào ngoài đôi tay mơn trớn dịu hiền của Ngài.

Đó chẳng phải vì con tốt lành hơn những người khác.  Tội lỗi tiềm ẩn trong con, nó sâu sắc làm sao… Chúa với con cùng biết.  Sự thật là ngay cả vào những thời khắc tồi tệ nhất, con vẫn chưa trải nghiệm được cái nghiệt ngã của bóng tối sự dữ, bởi lẽ, ánh sáng Chúa đã đêm ngày chiếu soi con.  Ngay trong khổ đau, con vẫn thuộc về Chúa; quả vậy, tình yêu Chúa dành cho con xem ra càng tăng thêm mỗi khi con lỗi tội nhiều hơn.

Con cũng đã tựa nương vào Chúa suốt những thời điểm bách hại và khó khăn.  Chúa biết, ngay cả trong những chuyện thế gian, thì ở đó, bên con, luôn luôn có nhiều người tốt hơn kẻ bội phản.  Vì lẽ, cứ mỗi lần hiểu lầm, con lại nhận được những mười nụ cười.  Con thật may mắn vì sự dữ không bao giờ phương hại được con; và quan trọng nhất, sự dữ không bao giờ có thể làm nội tâm con cay đắng.  Ngay đến cả những trải nghiệm tồi tệ cũng làm gia tăng trong con sự khát khao được nên trọn lành và kết quả là, con có những người bạn hết sức bất ngờ.

Rồi, Chúa đã gọi con, kỳ diệu thay!  Con là linh mục, một điều không thể, Chúa biết điều đó… nhưng với con, con biết, thật nhiệm mầu.  Hôm nay hẳn con không còn nhiệt huyết với mối tình trẻ như những thuở đầu; nhưng may thay, thánh lễ đã không bao giờ chỉ là một thói quen thường nhật và con vẫn run lên mỗi khi giải tội.  Con vẫn cảm nhận niềm vui vô bờ khi đang ở đây để có thể nâng đỡ người khác, cũng như niềm vui hiện diện để rao truyền danh Chúa cho anh em.  Chúa biết, con vẫn sùi sụt khóc mỗi khi đọc lại dụ ngôn đứa con hoang đàng; nhờ ơn Chúa, con vẫn xúc động mỗi lần đọc Kinh Tin Kính ở phần nói đến cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa.

Dĩ nhiên, quà tặng lớn nhất của Chúa là chính Con Một, Chúa Giêsu.  Ngay cả khi con là con người đáng thương nhất hoặc khi khổ đau vẫn cứ đeo bám con mọi ngày trong đời thì con biết rằng, con sẽ chỉ nhớ đến Chúa Giêsu mà vượt qua chúng.  Việc ý thức Chúa đã nên một người như chúng con giúp con giao hòa với những thất bại và trống rỗng của mình.  Vậy tại sao lại có thể buồn một khi biết rằng, Chúa đã bước những bước trên hành tinh này.  Còn gì dịu dàng hơn việc chiêm ngắm khuôn mặt sầu bi của Mẹ Maria?

Hẳn con đang hạnh phúc, sao mà không hạnh phúc được?  Con đang hạnh phúc ngay đây dẫu đang ở ngoài vinh quang thiên đàng.  Chúa hãy nhìn xem, con đâu sợ chết, nhưng con không vội đến đó.  Liệu con được gần Chúa hơn khi đến đó so với bây giờ không?  Thật là kỳ diệu, có thiên đàng ngay khi chúng con có thể yêu mến Chúa.  Cabodevilla, bạn con, nghĩ đến một điều gì đó khi nói, “Chúng ta sắp chết mà không biết đâu là quà tặng tuyệt vời nhất của Chúa, hoặc Chúa yêu mến chúng ta hoặc Chúa cho chúng ta mến yêu Ngài.”

Vì lý do này, con đau lòng biết bao khi ai đó coi thường cuộc sống của họ.  Quả thật, mỗi người chúng con đang làm một điều gì đó cao cả hơn vô vàn so với phận mình, phàm phu tục tử; đó là yêu mến Chúa và cộng tác với Chúa trong việc kiến tạo một toà nhà bát ngát bao la của tình yêu.

Con cảm thấy không ổn khi nói rằng, chúng con làm vinh quang Chúa ở thế gian này; nói thế thì thật quá đáng.  Con tin rằng, con sẽ vui thỏa khi con gối đầu vào tay Chúa để Chúa có cơ hội vỗ về con, thế thôi.  Việc nói rằng Chúa sẽ ban thiên đàng cho chúng con như một phần thưởng khiến con thầm cười.  Phần thưởng cho cái gì đây?  Chúa thật đáo để khi vừa ban thiên đàng vừa cho chúng con cảm thấy mình xứng đáng với điều đó.  Chúa quá biết, chỉ tình yêu mới có thể đáp đền tình yêu.  Hạnh phúc không là kết quả cũng không là hoa trái của tình yêu; tình yêu tự nó là hạnh phúc.  Nhận biết Chúa là Cha của con, và đó là thiên đàng.  Dĩ nhiên, Chúa không cần cho con mọi điều, nguyên việc cho con yêu mến Chúa đã là quà tặng lớn lao cho con, Chúa không thể cho con nhiều hơn.

Vì tất cả điều này, lạy Chúa, Thiên Chúa của con, con đã muốn nói về Chúa và với Chúa ở trang cuối cuốn sách “Những Lý Do Để Yêu Thương” của con.  Chúa là cùng đích và là lý do duy nhất cho tình yêu của con, con không còn lý do nào nữa.  Sẽ không có bất cứ hy vọng nào cho con nếu không có Chúa.  Niềm vui của con sẽ được tìm thấy ở đâu, dựa trên cái gì, nếu vắng bóng Ngài.  Rượu tình của con sẽ vô vị nhạt nhẽo biết bao nếu không được ủ ấp trong tình yêu Chúa.  Chúa cho con sức mạnh và cuộc đời để con biết rất rõ rằng, nhiệm vụ duy nhất của con là như một phát ngôn nhân lặp đi lặp lại danh Chúa mãi mãi.  Và như thế, con thanh thản ra đi.

Con, José Luis Martín Descalzo”

Luisa Restrepo – 

Lm. Minh Anh dịch từ catholic-link.org (tonggiaophanhue.org 28.04.2020)

From: ngocnga_12 & NguyenNThu

KHÔNG THỂ SAI LẦM – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

KHÔNG THỂ SAI LẦM

Ngày 3 tháng 5

THÁNH PHI-LÍP-PHÊ VÀ THÁNH GIA-CÔ-BÊ, TÔNG ĐỒ

lễ kính

******

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống!”.

“Người chọn nơi bắt đầu của một con đường, sẽ chọn nơi nó dẫn đến!” – H. E. Fosdick.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa lễ kính hai thánh Philipphê và Giacôbê tông đồ chứng thực câu nói của Fosdick, “Người chọn nơi bắt đầu của một con đường, sẽ chọn nơi nó dẫn đến!”. Ai chọn Chúa Kitô, người ấy ‘không thể sai lầm’ vì đã chọn đúng tuyệt đối. Ngài nói, “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống!”.

Chúa Kitô là Thiên Chúa, nhưng cũng là con người! Vì thế, bước theo Chúa Kitô, bạn tìm thấy đường đi; tin Chúa Kitô, bạn nhận ra lẽ thật; chấp nhận Chúa Kitô, bạn có sự sống đời đời! Là Kitô hữu, bạn không chỉ tuân theo một số quy tắc, tin một số tín điều; nhưng là đi theo một Con Người! Những lời gãy gọn của Giám mục Fulton Sheen thật ý nghĩa, “Tất cả giáo lý là Chúa Kitô!”. Chúa Kitô là câu trả lời cho mọi vấn đề; vấn đề sự sống, vấn đề sự chết; và vấn đề bên kia cái chết, sự sống đời đời. Ai chọn Chúa Kitô thì ‘không thể sai lầm’ vì đã chọn chính Thiên Chúa!

Philipphê nói, “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha!”; Chúa Giêsu đáp, “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha!”. Một câu trả lời khá mơ hồ cho một người thực dụng như Philipphê; ấy thế, đó là câu trả lời không thể thật hơn! Bởi lẽ, không ai thấy Thiên Chúa mà không chết, nên Con Thiên Chúa làm người để ai ‘nhìn thấy’ Ngài thì luôn ‘sống!’. Cốt lõi giáo lý về sự Nhập Thể là – giờ đây – “khuôn mặt” Thiên Chúa hiển hiện nơi Chúa Kitô. Thấy Chúa Kitô là thấy Chúa Cha, thấy sự sống, thấy thiên đàng. Rất nhiều điều kỳ diệu đang chờ đợi bên kia cuộc sống, nhưng chúng ta có thể hưởng nếm chúng trước trong Chúa Kitô. Ngài ‘mang trời xuống đất’ khi nhập thể; ‘mang đất lên trời’, khi đem chúng ta về ‘Nhà của Cha’. Với tư cách con đường, Ngài đưa chúng ta đến với Chúa Cha; tư cách sự thật, Ngài mặc khải Chúa Cha; và tư cách sự sống, Ngài chia sẻ sự sống thần linh.

Một sự trùng hợp thú vị khi trong thư Côrintô hôm nay, đến mấy lần, Phaolô đề cập đến việc nhìn thấy Chúa Phục Sinh. Ngài đã hiện ra “với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt”; Ngài cũng hiện ra “với Giacôbê, với tất cả các tông đồ”; và sau cùng, với Phaolô như “một đứa trẻ sinh non”. Nhờ việc thấy Ngài, họ mạnh dạn đi đến tận cùng trái đất, rao giảng Tin Mừng Phục Sinh. Thánh Vịnh đáp ca xác nhận, “Tiếng các ngài vang dội khắp hoàn cầu!”.

Anh Chị em,

“Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống!”. Mỗi ngày, đi trên con đường Giêsu, mỗi bước chân của chúng ta đã “chọn nơi nó dẫn đến”, nó dẫn đến Chúa Cha! Có Chúa Cha, bạn và tôi có tất cả; có thiên đàng, có sự sống hôm nay, có sự sống vĩnh cửu! Vậy Kitô hữu sẽ không còn gặp bất cứ vấn đề nào nữa sao? Có chứ! Vấn đề cuộc sống vẫn còn đó, nhưng vì Con Thiên Chúa đã đi qua mọi nẻo gian khó của nó, và trên đường, Ngài đã toàn thắng khi đánh bại thần chết; vì thế, Ngài có thể dẫn chúng ta đi, cứu thoát chúng ta ở bất cứ hoàn cảnh nào. Và chắc chắn, Ngài sẽ dẫn chúng ta đến cùng đích!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đường đời muôn hướng nhưng ‘không dẫn đến đâu’. Giúp con chọn con đường Giêsu mỗi ngày; vì chọn Ngài, con ‘không thể sai lầm!’”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: KimBang Nguyen

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

6 Khi ấy, đến giờ lìa bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. 7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”

8 Ông Phi-líp-phê nói : “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” 9 Đức Giê-su trả lời : “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói : ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’ ? 10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. 11 Anh em hãy tin Thầy : Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy ; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. 12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. 13 Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. 14 Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.


 

Kinh Thánh có cho ta biết đường dẫn đến hạnh phúc không?-Cha Vương

Một ngày tràn đầy niềm vui và hạnh phúc trong Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 5/02/2024

GIÁO LÝ: Kinh Thánh có cho ta biết đường dẫn đến hạnh phúc không? Ta sẽ được hạnh phúc nếu tin vào Lời Chúa Giêsu trong các mối phúc. (YouCat, số 282)

SUY NIỆM: Tin Mừng là lời hứa ban hạnh phúc cho tất cả những ai muốn theo đường của Chúa. Chính trong các Mối Phúc (Mt 5,3-12) mà Chúa Giêsu chỉ cho biết cách cụ thể rằng: sự chúc lành vĩnh cửu sẽ được ban cho ai theo lối sống của Chúa và ai tìm kiếm hòa bình bằng tâm hồn trong trắng. (YouCat, số  282 t.t.)

❦ Thiên Chúa dựng nên chúng ta vì niềm vui. Thiên Chúa là niềm vui, và niềm vui sự sống phản ánh niềm vui ban đầu đã có ở nơi Thiên Chúa khi dựng nên chúng ta.—Thánh Gioan Phaolô II

❦ Khi chúng ta chỉ mong đợi đau khổ, thì niềm vui nhỏ bé nhất cũng làm chúng ta kinh ngạc: Đau khổ tự nó trở thành niềm vui lớn lao nhất khi chúng ta tìm kiếm nó như một kho tàng quý giá.—Thánh Têrêsa Lisieux

LẮNG NGHE: Kẻ chú tâm vào lời Chúa dạy sẽ gặp chuyện tốt lành, người đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA thật hạnh phúc dường bao. (Cn 16:20)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, niềm khao khát Thiên Chúa được ghi khắc trong trái tim con, chỉ nơi Thiên Chúa con mới gặp được chân lý và hạnh phúc mà con không ngừng tìm kiếm. Xin giúp con vượt qua những khó khăn để được ở bên Chúa suốt đời.

THỰC HÀNH: Điều gì đang làm bạn đau khổ? Mời bạn hãy nhớ lại niềm vui ban đầu của một mối quan hệ, một mối tình, một cuộc gặp gỡ, một hành trình ơn gọi… để lấy lại điềm tĩnh mà chạy đến Chúa.

From: Do Dzung

Hạnh phúc đời con – tinmung.net 

CHIỀU KÍCH HOÀN VŨ CỦA ƠN CỨU ĐỘ – TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Cuộc thị kiến của ông Phê-rô đã đưa ông và các tông đồ tiến tới một quyết định quan trọng.  Đó là mọi dân đều có thể đón nhận ơn Cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện trong Đức Giê-su Ki-tô.  Trước đó, ông Phê-rô đã thấy hình ảnh một chiếc khăn lớn từ trời.  Trong chiếc khăn ấy có đủ mọi loài sinh vật, kể cả những sinh vật mà Do Thái giáo cấm ăn.  Ông đã ngỡ ngàng trước thị kiến này, và sau đó ông đã hiểu thông điệp mà Chúa Thánh Thần muốn nhắn gửi: Chúa Giê-su đem ơn Cứu độ đến cho muôn dân.

Trước đó, ông Phê-rô cũng như các tông đồ khác đều hiểu ơn Cứu độ chỉ dành cho người Do Thái.  Vì vậy, sau khi Chúa Giê-su về trời, các ông vẫn chuyên cần đến Đền thờ để cầu nguyện, đồng thời gặp gỡ những người Do Thái để nói với họ về sự Phục Sinh của Chúa Giê-su, nhằm minh chứng cho họ thấy: Đức Giê-su là Đấng muôn dân mong đợi và nhân loại không còn phải chờ đợi một đấng cứu độ nào khác.  Khởi đi từ thị kiến nói trên, các tông đồ đã được khai trí và hoàn toàn thay đổi quan niệm chật hẹp về Ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện qua cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su thành Na-da-rét.

Sau này, sự chống đối của người Do Thái cũng dẫn ông Phao-lô đi đến một quyết định căn bản.  Ông tuyên bố: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố Lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ Lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại” (x. Cv 13,44-52).

Thiên Chúa không thiên vị người nào.  Ông Phê-rô khẳng định như thế.  Chúa Thánh Thần như dòng suối mát, phong phú tràn trề.  Bất cứ ai thành tâm tin vào Chúa Giê-su đều được Chúa Thánh Thần ban ơn phù trợ.  Bài đọc I đã minh chứng: Trong lúc ông Phê-rô giảng, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống nơi tất cả những người đang nghe Lời Chúa.  Như thế, không ai có quyền ngăn cản hoạt động của Chúa Thánh Thần.  Ơn Chúa Thánh Thần cũng không còn là độc quyền của một số cá nhân nhưng được ban cho mọi dân mọi nước.  Đây là một nét mới mẻ trong Ki-tô giáo mà ngay từ ban đầu các tông đồ đã hiểu.

Chúng ta chuẩn bị mừng lễ Chúa Giê-su lên trời.  Phụng vụ hôm nay dường như muốn truyền lại cho chúng ta lời di chúc của Chúa Giê-su, hay còn gọi là di ngôn của Người.  Trong khung cảnh sau bữa Tiệc ly của ngày thứ Năm trước lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su đã trải lòng với các môn đệ bằng những lời tâm huyết tự trái tim.  Người biết trước các ông sẽ phải đối diện với trăm ngàn thử thách.  Người uý lạo các ông và hứa sẽ ban Đấng Phù Trợ là Chúa Thánh Thần.  Giữa những khó khăn thử thách chất chồng ấy, các ông có thể tìm thấy sức mạnh nơi tình yêu thương.  Lời dặn: “Hãy yêu thương nhau” được lặp đi lặp lại như điệp khúc của bản nhạc diễn tả tâm tình thầy trò vào giờ phút linh thiêng nhất.  Chúa nói với họ: Người sẽ không còn hiện diện hữu hình như từ trước tới nay nữa nhưng Người sẽ hiện diện giữa họ và trong lòng họ, nếu họ yêu mến Người và yêu mến nhau.  Chính tình yêu mến dành cho Chúa Giê-su và cho anh em sẽ làm nên sức mạnh của cộng đoàn tín hữu và sẽ là điều kiện để những hoạt động của các ông sinh hoa kết trái.

Lời mời gọi yêu thương được gửi đến các Ki-tô hữu từ hai ngàn năm nay.  Lời ấy còn phải được lặp đi lặp lại mãi, bao lâu chúng ta còn hiện hữu trên trần gian.  Bởi lẽ, đây là giới răn cốt lõi quan trọng và là điều kiện căn bản để trở thành môn đệ của Chúa Giê-su.  Hơn nữa, bản tính con người do yếu đuối và hữu hạn, luôn có khuynh hướng đi ngược lại giới răn yêu thương.  Tiếc thay có những lúc đức yêu thương bị lãng quên nơi các cộng đoàn và nơi cá nhân những Ki-tô hữu.  Như thế, vô tình hay hữu ý, họ làm lu mờ hình ảnh Đức Giê-su nơi đời sống đức tin, thậm chí biến Người thành một kẻ xa lạ.  Chúa đã khẳng định: Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Yêu thương là cốt lõi giáo huấn của Chúa Giê-su.  Tông đồ Gio-an đã thấm nhuần lời dạy yêu thương của Chúa, nên sau đó, ông nhấn mạnh đến tình yêu thương trong các thư của mình.  Bài đọc II của Phụng vụ hôm nay là một bằng chứng cho điều đó.  Thánh Gio-an an còn tiến xa hơn trong giáo huấn này khi ông khẳng định: “Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa.”  Như thế, nhờ đức yêu thương mà chúng ta trở nên con Thiên Chúa.  Đương nhiên, đó là đức yêu thương theo gương mẫu Đức Giê-su để trở nên đồng hình đồng dạng với Người và trở thành nghĩa tử của Chúa Cha.

Hãy cảm nhận niềm vui và vinh dự của người Ki-tô hữu.  Vẫn còn đó những thử thách gian nan nhưng người Ki-tô hữu, nhờ ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, sẽ cảm nhận được niềm vui và sẽ trở nên chứng nhân của niềm vui cho thế giới hôm nay.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim


 

NHƯNG CÒN LÀ GIÁO HỘI – (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 Thứ Năm Tuần V – Mùa Phục Sinh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

9 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.”

NHƯNG CÒN LÀ GIÁO HỘI

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Nếu các con giữ các điều răn của Thầy, các con sẽ ở lại trong tình thương của Thầy!”.

“Chúa Kitô là đầu, Giáo Hội là thân mình Ngài. Đầu phải có một thân! Để làm công việc của Chúa Kitô – đúng theo nghĩa đen – Giáo Hội là đôi tay; để lên đường rao truyền Chúa Kitô, Giáo Hội là đôi chân; để công bố Lời Chúa Kitô, Giáo Hội là tiếng nói. Yêu mến Chúa Kitô là yêu mến Giáo Hội; chống đối Chúa Kitô, thì không chỉ chống đối Ngài, ‘nhưng còn là Giáo Hội’ của Ngài!” – William Barclay.

Kính thưa Anh Chị em,

Khi nói “Ở lại trong tình thương của Thầy”, Chúa Giêsu không chỉ nói đến tình yêu của chúng ta đối với Ngài; ‘nhưng còn là Giáo Hội’ Ngài đã thiết lập và hết sức yêu thương!

Như Evà hình thành từ cạnh sườn Ađam, Giáo Hội hình thành từ cạnh sườn Chúa Kitô. Giáo Hội và Chúa Kitô là một! Bạn không thể nói, “Lạy Chúa, vâng! Và Giáo Hội, không!”. Chính nhờ Giáo Hội, bạn và tôi chào đời trong đức tin, lãnh nhận bao ân tứ đức tin và lớn lên trong đức tin.

Thật thú vị, bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay đúc kết ‘sắc dụ’ của ‘Công Đồng đầu tiên’ về việc “Cắt bì hay không cắt bì!”. Các tông đồ – bản quyền đại diện Chúa Kitô – vốn không phải là một tổ chức thuần tuý nhân loại, ‘nhưng còn là Giáo Hội’ của Thánh Thần – với sự trợ giúp của Ngài – đã tìm ra giải pháp tối ưu cho nan đề này! Giáo Hội đã tránh được những thực hành không là trọng tâm của đức tin; cùng lúc loại bỏ những gì không thiết yếu. Nguyên tắc vàng ‘khoan dung’ được tuân thủ từ cả hai phía ‘bảo thủ’ và ‘tiến bộ’; nhờ đó, Giáo Hội hiệp nhất và Tin Mừng tiếp tục toả lan, “Hãy kể cho muôn dân được biết những kỳ công Chúa làm!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Với những con người đầu tiên đó, Chúa Kitô xây nên Toà Nhà Hội Thánh; và hơn 2.000 năm qua, luôn có các đấng kế vị bảo tồn, canh tân và lưu truyền. Vì thế, Chúa Kitô muốn chúng ta yêu thương các Giám mục, Linh mục; đặc biệt, Đức Thánh Cha, đại diện Ngài. Chúng ta cần biết những giáo huấn ngài dạy, khó khăn ngài gặp… để hiệp thông, cầu nguyện cho ngài. Chỉ cần một chút quan tâm, một chút thời gian, bạn có thể tiếp cận ngài; có thể biết các khó khăn của các mục tử, cả sự kiên trì của họ. Chính nhờ các ngài, Thánh Thể, các Bí tích hiện diện khắp nơi. Hãy cám ơn Đức Thánh Cha, các Giám mục, Linh mục; cám ơn Giáo Phận, Giáo Xứ và cộng tác theo sức mình.

Anh Chị em,

“Yêu mến Chúa Kitô là yêu mến Giáo Hội!”. Đức Phanxicô nói, “Bạn không trở thành Kitô hữu từ phòng thí nghiệm; Giáo Hội sinh chúng ta như bà mẹ sinh con! Tại giếng Rửa Tội Latêranô, có một bản khắc Latin: “Nơi đây, sinh ra một dân tộc, dòng dõi Thiên Chúa, bởi Thánh Thần, Đấng làm nước này nên phong phú. Mẹ Giáo Hội sinh con cái trong sóng nước này!”. Đẹp không? Chúng ta không thuộc về Giáo Hội như thuộc về một hiệp hội; nhưng như ‘cuống rốn’ nối kết sinh tử với mẹ mình!”. Mọi bà mẹ đều thiếu sót. Khi ai nói tới các thiếu sót của mẹ mình, chúng ta che lại, chúng ta yêu chúng, thế thôi! Tôi có yêu Giáo Hội như yêu Mẹ tôi không? Tôi có giúp Mẹ tôi đẹp hơn không?”. Đừng quên, tôi càng thánh thiện, khuôn mặt Mẹ tôi càng xinh; tôi càng bất xứng, khuôn mặt Mẹ tôi càng khó nhìn! Mẹ tôi sáng láng hay lấm lem, tuỳ ở tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con không chỉ là con, ‘nhưng còn là Giáo Hội’. Con là Giáo Hội, Giáo Hội là Mẹ con. Đừng để con quên, khuôn mặt Mẹ con xinh đẹp hay lem luốc, tuỳ con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen


 

KHÍ CỤ CỦA ÂN SỦNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Cành nào sinh hoa trái, Người cắt tỉa cho nó sinh hoa trái nhiều hơn!”.

“Một khu vườn không chăm sóc, cỏ dại sẽ sớm mọc; một trái tim không trau dồi chân lý sẽ sớm ‘hoang vu thần học’; một linh hồn không được cắt tỉa sẽ không bao giờ là khí cụ của ân sủng!” – Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến cắt tỉa! Hội Thánh sơ khai cần được cắt tỉa; các môn đệ cần được cắt tỉa. Chúa Giêsu muốn sử dụng chúng ta như những ‘khí cụ của ân sủng’; nhưng bạn và tôi chỉ có thể trở thành lợi khí của Ngài trừ phi sẵn sàng để mình được cắt tỉa!

Thật thú vị, bài đọc Công Vụ Tông Đồ ghi lại những thước phim của ‘Công Đồng đầu tiên’. Các sứ đồ nhóm họp để giải quyết một vấn đề gai gốc, “Cắt bì hay không cắt bì?”. Để việc loan báo Tin Mừng có thể thích ứng với hoàn cảnh, Giáo Hội cần được cắt tỉa bởi Thánh Thần – cả với những gì ‘được coi là truyền thống’ nhất. Đó có thể là những ‘nghi tiết’ lâu đời, nhưng về mặt ý nghĩa – cách nào đó – đã mai một theo thời gian. Sẽ luôn có căng thẳng giữa tư duy bảo thủ và tư duy tiến bộ; cả hai đều cần thiết và đây là dấu hiệu của một Giáo Hội trưởng thành. Tuy nhiên, một khi được xem xét, điều chỉnh, kết quả sẽ là những hoa trái của hiệp nhất; vì lẽ, đa dạng nhưng không phân chia! Được như thế, Giáo Hội mới là ‘khí cụ của ân sủng’ vốn sẽ hữu hiệu để thích ứng với con người mọi thời dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến những cành nho được cắt tỉa như là điều kiện để có một mùa nho tốt. Cũng thế, Chúa Thánh Thần sẽ cắt tỉa, loại bỏ những ‘cỏ dại và lỗi lầm’ ra khỏi cuộc sống chúng ta; nhờ đó, các nhân đức được nuôi dưỡng để trái tim của chúng ta không ‘hoang vu thần học’. Cắt tỉa có thể gây thương tổn, nhưng những ‘vết cắt’ tâm linh sẽ góp phần làm nên chìa khoá mở ra cánh cửa trưởng thành trong đời sống thiêng liêng. Trỗi dậy trong khiêm tốn, chúng ta ngày càng tựa nương vào Chúa hơn là tự tin vào bản thân, ý riêng và kế hoạch của mình. Thiên Chúa khôn ngoan hơn chúng ta vô vàn; và nếu có thể liên lỉ hướng về Ngài như nguồn cội, chúng ta sẽ mạnh mẽ và chuẩn bị tốt hơn để Ngài có thể làm những điều vĩ đại ngang qua bạn và tôi như những ‘khí cụ của ân sủng!’.

Anh Chị em,

“Cành nào sinh hoa trái, Người cắt tỉa cho nó sinh hoa trái nhiều hơn!”. Bản thân Chúa Giêsu, Ngài cũng chịu cắt tỉa; cái chết trên thập giá là cắt tỉa nghiệt ngã nhất. Nhưng cũng từ đó, Ngài trở nên nguồn ơn cứu rỗi cho nhân loại! Với Ngài, thập giá và khổ đau như là điều kiện không thể thiếu cho việc xây dựng Vương Quốc. Thiên Chúa – Chủ Vườn đại tài – biết cần cắt tỉa cành nào và cắt tỉa lúc nào, vì “một linh hồn không được cắt tỉa sẽ không bao giờ là một ‘khí cụ của ân sủng!’”. Thánh Thần cắt tỉa chúng ta qua Lời Chúa, qua các Bí tích, qua những con người, qua từng biến cố. Chớ gì bạn và tôi không kháng cự, nhưng tỉnh thức đủ, để đừng vì đau nhức mà bỏ cuộc. Hãy mềm mỏng với Thánh Thần, hầu có thể trở nên một công cụ tốt, sinh ích cho tha nhân và cho thế giới!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, không cuộc giải phẫu nào mà không chảy máu, xin cứ cắt tỉa con! Nhờ đó, con không là một khí cụ tồi, mà là một công cụ sắc bén của ân sủng!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: KimBang Nguyen


 

Chiên Ta thì nghe tiếng Ta (Ga 10,27-30)-Cha Vương 

Hôm nay ngày 30/04, mình xin bạn một việc hy sinh nho nhỏ để cầu nguyện cho những người đã bỏ mình trên đường tìm tự do và vì thời cuộc. Xin Chúa ban cho họ được nghỉ ngơi trong vòng tay yêu thương của Chúa Chiên Lành. Thành thật đa tạ!

Cha Vương 

Th 3: 30/04/2024

TIN MỪNG: Khi đã cho chiên ra hết, anh [mục tử] ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. (Ga 10:4)

SUY NIỆM: Bạn không cần đi đâu xa, ngay trong môi trường sống của bạn bây giờ đang có những tiếng ồn ào náo nhiệt làm bạn mệt mỏi nhức cả đầu. Đúng là cuộc đời vốn luôn ồn ào náo nhiệt trong mọi nơi mọi lúc nếu bạn không biết tự chọn cho mình một nơi thanh vắng để lắng nghe tiếng Chúa.

Điều đáng buồn cho con người trong thế giới hôm nay là dường như họ đang mất định hướng trong thế giới náo nhiệt. Họ rơi vào vòng xoáy của tiền tài, danh vọng nhưng rồi con người dường như không bao giờ hạnh phúc trong lợi thú khi họ vất vả tìm kiếm, và càng không có bình yên trong thế giới đầy bon chen tranh giành để sống.

Vậy làm sao con người có thể thoát ra được thế giới ồn ào náo nhiệt này? Giải pháp hữu hiệu nhất là bạn phải dành một ít thời gian để lắng lòng, để nhận biết tiếng gọi Đức Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành. Khi bạn có Chúa là trung tâm của cuộc đời mình, bạn có thể nhìn thấy Chúa trong mọi sự.

Một khi bạn nhìn thấy Chúa trong mọi sự rồi thì những tiếng động sẽ không làm bạn nhức cả đầu nữa.  Mình mời bạn hãy tặng cho chính mình mỗi ngày một vài phút cô tịch để đọc Lời Chúa nhé. Đọc Lời Chúa để nghe và nhận ra tiếng thì thầm của Thiên Chúa đang ngỏ lời với bạn: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta”(Ga 10,27-30)

LẮNG NGHE: Nghe thế, họ đau đớn trong lòng và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2:37)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con người đang lạc lõng giữa muôn vàn âm thanh trong thế giới ôn ào,

THỰC HÀNH: Thực hiện liệu pháp “2 Không” để sống bình an và hạnh phúc

(1) Không để người khác cướp mất bình an của mình.

(2) Không để sự bình an của mình bị lệ thuộc vào cảm xúc, ồn ào, xôn xao, bàn tán, thì thầm của người khác.

From: Do Dzung

Lặng – Hiền Thục

Ở LẠI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Thầy là cây nho, các con là cành!”.

“Tôi cảm thấy rất tiếc cho những người không muốn già đi. Tôi say sưa với những năm tháng cuối đời của mình. Đây là những năm tháng đẹp nhất đời tôi, một đời gắn bó với Chúa. “Con người bên ngoài” của tôi đang hư mất, nhưng “con người bên trong” của tôi đang được đổi mới và tôi hân hoan mỗi ngày. Bởi lẽ, tôi không chỉ ‘ở lại’, nhưng sẽ ‘ở đời đời’ với Ngài, ‘Cội Nguồn tồn tại’ của tôi!” – Henry Durbanville.

Kính thưa Anh Chị em,

“Cội Nguồn tồn tại của tôi!”. Với Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu tự giới thiệu Ngài là cây nho đích thực và chúng ta, những cành nho, không thể sống nếu không kết hợp với Ngài. Không cây nho nào mà không có cành và ngược lại. Cành không tự cung cấp nhưng phải gắn chặt – ‘ở lại’ – với thân nho, ‘cội nguồn tồn tại’ của nó.

Chúa Giêsu dùng động từ “ở lại” đến bảy lần! Trước khi rời bỏ thế gian, Ngài đã trấn an các môn đệ rằng, họ có thể tiếp tục hiệp nhất với Ngài bằng cách “Ở lại trong Thầy!”. Việc “ở lại” này không thực hiện cách thụ động, “ngủ quên” trong Chúa, mặc cho cuộc sống ru ngủ. Không! Việc “ở lại” Chúa Giêsu đề nghị là ‘ở lại’ cách tích cực và hỗ tương. Tại sao? Vì như cành lìa cây, không thể làm được gì, chúng cần nhựa để lớn lên và sinh trái, vì đó là ‘cội nguồn tồn tại’. Nhưng thật thú vị, cây nho cũng cần cành nho vì quả không mọc trên thân! Đây là một nhu cầu hỗ tương để sinh hoa trái. Chúng ta ở trong Chúa Giêsu và Chúa Giêsu ở trong chúng ta. Chúng ta cần Ngài, Ngài cần chúng ta!

Nói rằng, Chúa Giêsu cần chúng ta như thân cần cành. Điều này xem ra có vẻ táo bạo! Vậy Ngài cần chúng ta theo nghĩa nào? Ngài cần chứng tá của chúng ta! Như những cành nho, hoa trái chúng ta sinh ra là chứng tá cho đời sống Kitô hữu. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, nhiệm vụ của các môn đệ – của bạn và tôi – là tiếp tục loan báo Tin Mừng. Và chúng ta làm điều đó bằng cách làm chứng cho tình yêu Chúa. Hoa trái phải sinh ra là tình yêu. Bên cạnh đó, gắn bó với Ngài, chúng ta nhận được các ân huệ Thánh Thần, nhờ đó, có thể làm điều tốt cho người lân cận, cho xã hội và cho Giáo Hội. Xem quả thì biết cây! Qua 2.000 năm, các Kitô hữu thực sự đã làm chứng cho Chúa Kitô.

Anh Chị em,

“Thầy là cây nho, các con là cành!”. Để có thể thực sự là một cành sống động trên thân nho Giêsu, chúng ta hãy yêu mến việc cầu nguyện. Cầu nguyện là ‘ở lại!’. Sống bác ái yêu thương là ‘ở lại!’. Hãy sống cuộc sống của mình cách sáng tạo để người khác được hưởng lợi! Vì lẽ, những người khác chỉ đến được với Chúa Giêsu khi họ có thể nhìn thấy ảnh hưởng của Ngài trên cuộc đời chúng ta – qua lời nói, hành động và hành vi – của một lối sống Kitô trong một nền văn minh tình thương. Vậy “Đã có bao nhiêu người biết và tin Chúa Giêsu nhờ tôi? Có bao nhiêu người xin được rửa tội nhờ gương sáng của tôi?”. Chỉ qua cách sống của chúng ta mà mọi người mới được truyền cảm hứng để khám phá những gì chúng ta khám phá. Điều chúng ta khám phá là niềm vui được biết tình yêu của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu và Hội Thánh của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con lo lắng và không muốn già đi. Cho con luôn ‘ở lại’ với Chúa hôm nay, và cả khi con đã ‘ở đời đời’ với Ngài, con cũng tiếp tục đơm hoa kết trái!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: KimBang Nguyen


 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

 1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.5 “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”