Xăng dầu ở Việt Nam sẽ chịu mức thuế môi trường cao hơn sau chưa đầy 2 tuần nữa, khi bước sang năm 2019. Bên cạnh đó, mới đây, Bộ Tài chính đề nghị một số bộ khác, trong đó có Bộ Giao thông Vận tải xây dự đề án thu phí môi trường đối với khí thải.
Những động thái này làm nhiều người lo ngại về các gánh nặng chi tiêu tăng lên, đồng thời, họ cũng lên tiếng đòi nhà nước minh bạch về việc sử dụng thuế phí thu được.
Theo biểu thuế bảo vệ môi trường áp vào xăng dầu được một ủy ban quốc hội Việt Nam thông qua hồi tháng 9, mức thuế đối với xăng sẽ là 4.000 đồng/lít từ ngày 1/1/2019, tăng hơn 33% từ mức 3.000 đồng/lít hiện nay. Xăng là nhiên liệu chính của đại đa số người Việt đi lại bằng xe máy.
Nếu giá xăng cơ sở – không gồm các thuế, phí khác – là 10.000 đồng/lít, mức thuế môi trường 4.000 đồng/lít cũng có nghĩa là tỷ lệ thuế trên giá xăng cơ sở của Việt Nam tương đương 40%. Một số quan chức Việt Nam được báo chí trong nước trích lời cho rằng tỷ lệ này thấp hơn một số nước láng giềng như Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Trong khi đó, thuế môi trường đối với dầu diesel, thường dùng cho xe tải, tàu thuyền và các loại máy móc, sẽ có tỷ lệ tăng ít hơn, từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít.
Mức thuế này đánh vào dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu mazut cũng sẽ tăng lên 2.000 đồng/lít, nhưng có tỷ lệ tăng hơn gấp đôi so với mức 900 đồng hiện hành.
Các báo Việt Nam nói biểu thuể mới có hiệu lực từ ngày đầu năm mới 2019 là một động thái có tính toán nhằm giảm tác động tăng giá các mặt hàng xăng dầu tới chỉ số giá tiêu dùng của năm 2018, vì chính phủ muốn đảm bảo mục tiêu kiềm giữ lạm phát dưới 4% trong năm.
Một số báo hồi tháng 9 dẫn lời ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, trấn an rằng giá xăng dầu “chỉ tác động 0,07 – 0,09% chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 do xăng dầu chỉ là 1 trong 11 nhóm mặt hàng được đưa vào rổ tính CPI”.
Cùng thời điểm, theo một bài báo của VNExpress, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đưa ra tính toán rằng nếu điều chỉnh thuế môi trường đánh vào xăng dầu, mỗi năm ngân sách sẽ có thêm hơn 15.700 tỷ đồng, và ông đề nghị rằng khi lập dự toán ngân sách năm 2019, khoản thu từ thuế môi trường sẽ được dùng chi cho bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhất trí rằng tiền thuế môi trường thu về ngân sách phải chi lại cho bảo vệ môi trường. Theo bà, có như vậy, người dân “mới thấy sòng phẳng, chứ không phải thu chỗ này chi cho chỗ khác”, bài báo của VNExpress cho hay.
Trong khi đó, Bộ Tài chính đã ra báo cáo đăng tải trên tờ báo của bộ hồi tháng 5 cho biết trong giai đoạn 2012-2016, mỗi năm chi ngân sách nhà nước cho việc bảo vệ môi trường đạt bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng, với tổng chi ngân sách là khoảng 131.857 tỷ đồng, cao hơn số thu thuế môi trường là khoảng gần 106 nghìn tỷ đồng trong cùng giai đoạn.
Bộ lý giải rằng các khoản chi gồm cả các khoản vay, viện trợ đã đưa vào ngân sách để chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường hoặc chi đầu tư phát triển cho công tác này.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội những ngày này, nhiều người bày tỏ nghi ngờ về tính hiệu quả của việc dùng ngân sách cho bảo vệ môi trường. Một người trong số họ, nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội Lê Văn Dũng nói với VOA:
“Môi trường càng ngày càng thảm hại, các chỉ sổ môi trường càng ngày càng thê thảm, mà bây giờ các ông lại tăng thêm cái phí nữa để đẩy thêm giá tiền vào xăng dầu, vào người tiêu dùng. Tôi có quan điểm là phải truy xét trách nhiệm của các cơ quan giám sát. Cái lỗ hổng ở đây là các cơ quan giám sát”.
Giữa lúc người dân lo ngại về gánh nặng chi tiêu sẽ tăng lên khi mức thuế môi trường cao hơn đánh vào xăng dầu sẽ có hiệu lực sau chưa đầy 2 tuần nữa, mới xuất hiện tin tức trên báo chí là Bộ Tài chính vừa đề nghị bằng văn bản đến các bộ Xây dựng, Công Thương, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, đề nghị họ xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Báo Dân Trí hôm 18/12 đặt câu hỏi phải chăng những người dân đi ô tô, xe máy “sắp chịu thêm một loại thuế mới?”
Nhà hoạt động Lê Văn Dũng nói tình trạng phí chồng phí trên giá xăng dầu đã diễn ra trong nhiều năm nay, song dường như người dân chưa nhận thức hết mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Ông cho rằng người dân cần lên tiếng mạnh mẽ hơn để bảo vệ quyền lợi của mình:
“Người dân ở Việt Nam giống như con ếch bị cho vào nồi nước luộc lên từ từ. Họ không biết những thuế đó làm túi tiền của họ vơi dần đi, bị bóc từng đồng từng đồng. Người dân Việt Nam hiện trong tình trạng rất là thê thảm. Có những thứ hàng ngày móc túi họ đi, hàng ngày rút bớt năng lượng của họ, hàng ngày rút bớt khẩu phần ăn bởi những chi phí rất vô lý đó”.