Việt Nam ‘làm tượng đài hoành tráng quá’
Xây công trình tượng đài ‘cần căn cứ vào quy hoạch phát triển đô thị và tùy theo yêu cầu văn hóa lịch sử’, theo ông Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam.
Công trình tượng đài N’Trang Lơng, Đắk Nông, với mức đầu tư 147 tỉ đồng đang bị đình trệ khiến khơi lại dư luận xã hội về hiện tượng xây tượng đài hàng loạt ở nhiều tỉnh, thành phố Việt Nam trong những năm qua.
Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng gây điều tiếng vì có ngân sách tới 411 tỷ đồng dù đoạt huy chương vàng tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015.
Đây là tượng đài lớn nhất Đông Nam Á, nằm trên diện tích 15 ha ở xã Tam Phú, huyện Tam Kỳ, có chiều cao 18,5m làm từ đá hoa cương Bình Định.
Dư luận cũng đã nêu ý kiến về một loạt các dự án tượng đài với kinh phí quá lớn khác như công trình tượng đài Hồ Chủ tịch tại tỉnh Sơn La với vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng.
Chưa kể dư luận đã nhiều lần lên tiếngvề hàng loạt tượng đài trị giá hàng trăm tỷ đồng nhưng xuống cấp mau chóng sau khi khánh thành: tượng Lý Thái Tổ (Hà Nội), nữ tướng Lê Chân (Hải Phòng), Điện Biên Phủ (Điện Biên), Trần Hưng Đạo (Nam Định)… đặc biệt, nhiều công trình xây dựng xong mau chóng bị nứt trên thân hoặc sụt lún chân đế hay bị sét đánh.
Trả lời BBC Tiếng Việt về các công trình xây dựng tượng đài như vậy, Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam nói:
“Tượng đài là công trình văn hóa kỷ niệm và quốc gia nào cũng cần phải có vì nó là một phần của lịch sử. Nhưng vấn đề là phải làm thế nào để có sự nhìn nhận cho đúng.
“Hiện nay chúng ta có xu hướng làm tượng đài quy mô quá và thiếu sự chuẩn bị thật kỹ càng nên sinh ra vấn đề dư luận xã hội đang có nhiều ý kiến.
Để giải quyết vấn đề này, Kiến trúc sư Luyện cho biết làm tượng đài phải tùy từng vị trí nó ở đâu.
“Vị trí quy hoạch chỉ có một không gian nhất định thì chỉ cho phép làm lớn bao nhiêu đó thôi chứ không phải muốn làm lớn tới bao nhiêu thì làm. Nếu chúng ta làm một cách có bài bản thì phải như vậy, chứ không phải chủ quan người nào quyết định muốn như thế thì là được,” kiến trúc sư nói.
Đây cũng là một ý được kiến trúc sư khác, ông Phạm Thanh Tùng, nêu ra trong bài Tượng đài cho ai? gửi tới báo Tuổi trẻ mới đây. Ông cho rằng “nhiều vị trí đặt tượng đài không phù hợp với cảnh quan kiến trúc đô thị bởi sự thiếu kết hợp trong lập quy hoạch xây dựng với chủ trương xây dựng tượng đài.”
Theo kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, hai yếu tố gồm khuôn khổ, kích thước tượng đài và ý nghĩa lịch sử của tượng đài sẽ quyết định quy mô của công trình sẽ hoành tráng đến đâu.
Luật sư Nguyễn Trực Luyện nói thêm: “Ngoài vấn đề quy hoạch và có xu hướng làm tượng đài hoành tráng quá, không nên, thì còn tình trạng làm tượng đài không theo bài bản chuyên môn chặt chẽ.
“Muốn có bài bản thì cần có nghiên cứu chuẩn bị, có hội đồng xét duyệt. Thành viên tham gia Hội đồng xét duyệt tượng thì tùy tính chất của từng tượng đài nhưng không thể thiếu kiến trúc sư, nhà quy hoạch, lịch sử, văn hóa, những thành viên tham gia hội đồng xét duyệt tượng đài.
Ông kết luận rằng trong tương lai cần phải căn cứ vào quy hoạch phát triển đô thị và tùy theo yêu cầu văn hóa lịch sử mới có thể làm có kết quả tốt được.
Tượng đài hay tượng thờ?
Một điểm đáng chú ý được Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nêu trên báo Tuổi trẻ đó là:
“Việt Nam vốn không có truyền thống làm tượng đài mà chỉ có tượng thờ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng đài bắt đầu du nhập vào Việt Nam theo xu hướng tượng đài của Liên Xô và Trung Quốc để phục vụ công tác tuyên truyền, vinh danh chiến thắng.”
Và kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho rằng Việt Nam còn nghèo nên việc xây dựng tượng đài cần được cấp quản lý xem xét kỹ lưỡng. Ông nói
“Hiện đang có xu hướng xã hội hóa trong xây dựng tượng đài. Song, dù tiền nhà nước hay tiền có được từ việc xã hội hóa thì cũng là tiền của dân. Xây dựng tượng đài tràn lan không chỉ gây lãng phí về kinh tế mà còn làm nghèo thêm văn hóa,” kiến trúc sư Tùng được trích lời cho biết.