Vụ sập hầm thủy điện, nguy cơ từng được cảnh báo
LÂM ĐỒNG (NV) – Đó là cho phép xây dựng quá nhiều công trình thủy điện và sử dụng quá nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khi thực hiện các dự án tại Việt Nam.
Đường hầm tại thủy điện Đạ Dâng suýt là mồ của 12 công nhân. (Hình: Tiền Phong)
Tuy không có ai thiệt mạng trong vụ một đoạn đường hầm đang được thi công để dẫn nước, chạy tua bin phát điện cho thủy điện Đạ Dâng, đột nhiên sụp xuống, song tai nạn này cho thấy những cảnh báo của các chuyên gia không được quan tâm tâm nên mới xảy ra thảm nạn.
Thủy điện Đạ Dâng tọa lạc ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Công trình này do công ty Đầu Tư và Xây Dựng Điện Long Hội xuất vốn thực hiện.
Sáng sớm ngày 16 tháng 12, một đoạn trong đường hầm dài khoảng 700 mét sụp xuống ở vị trí cách miệng đường hầm khoảng 200 mét. Đoạn đường hầm bị đất đá vùi lấp dày khoảng 30 mét, khiến 12 công nhân (trong đó có một phụ nữ) của công ty Sông Đà 505 – nhà thầu thi công đường hầm, bị giam lỏng trong lòng đất hơn bốn ngày.
Sau tai nạn, công ty Sông Đà 505 tố cáo, kết quả khảo sát địa chất do Viện Thiết Kế Thủy Điện-Thủy Lợi Nam Ninh của Trung Quốc thực hiện và qui trình xây dựng do cơ quan này thực hiện sai hoàn toàn so với thực tế.
Điều đó không làm công chúng ngạc nhiên vì năng lực và mức độ lương thiện của các nhà thầu Trung Quốc, tham gia cung cấp các dịch vụ như: khảo sát, thiết kế, giám sát, thi công,… vốn đã từng được cảnh báo từ lâu.
Một điểm đáng chú ý khác đối với công trình xây dựng thủy điện Đạ Dâng là công ty Sông Đà 505 “đến sau.” Nhà thầu đầu tiên nhận thực hiện công trình thủy điện Đạ Dâng rồi “bỏ chạy” là công ty Lũng Lô 2 – một doanh nghiệp của Bộ Quốc Phòng Việt Nam.
Ông Trần Văn Giản, tổng giám đốc công ty Lũng Lô 2, mới tiết lộ với tờ Tiền Phong rằng, công ty này “bỏ chạy” khỏi công trình thủy điện Đạ Dâng chủ yếu vì chủ đầu tư bất chấp các qui định về an toàn.
Khi phát giác kết quả khảo sát địa chất và qui trình xây dựng do Viện Thiết Kế Thủy Điện-Thủy Lợi Nam Ninh thiết kế sai hoàn toàn so với thực tế, công ty Lũng Lô từng đề nghị thay đổi thiết kế nhưng công ty Đầu Tư và Xây Dựng Điện Long Hội từ chối vì điều đó làm “mất thời gian và công sức của Viện Thiết Kế Thủy Điện-Thủy Lợi Nam Ninh”!
Giải pháp thực hiện công trình mà Viện Thiết Kế Thủy Điện-Thủy Lợi Nam Ninh đề ra vốn đơn giản hơn nhiều so với yêu cầu thực tế nên giúp chủ đầu tư tiết kiệm đáng kể chi phí, song không an toàn nên công ty Lũng Lô 2 bỏ cuộc.
Công ty Đầu Tư và Xây Dựng Điện Long Hội chỉ là một trong số hàng trăm doanh nghiệp của cả nhà nước lẫn tư nhân tham gia vào phong trào xây dựng các công trình thủy điện trên khắp Việt Nam.
Bất chấp cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, năng lượng, môi trường, chính quyền Việt Nam vẫn cấp phép cho thực hiện ồ ạt hàng ngàn dự án thủy điện và nay, những dự án này đã tạo ra một thảm họa mới cả về kinh tế, môi trường lẫn dân sinh, đặc biệt là tại khu vực Tây Nguyên và miền Trung Việt Nam.
Các dự án thủy điện đã làm Tây Nguyên mất 80,000 héc ta rừng, gây xáo trộn sinh hoạt, sinh kế của 26,000 gia đình.
Những dự án thủy điện được cấp giấy phép để thực hiện tại Tây Nguyên và miền Trung được xác định là nguyên nhân tăng thêm đói nghèo, đẩy dân chúng tới tột đỉnh của sự bần cùng, vì gây ra hạn hán nghiêm trọng vào mùa khô, lũ lụt thường xuyên vào mùa mưa.
Chưa kể chuyện xả lũ vô tội vạ sau các trận bão đã làm hàng trăm người chết, mất tích, người bị thương, hàng trăm ngàn ngôi nhà bị ngập, bị nước cuốn, ruộng vườn mất trắng vì lũ. Hậu quả thiên tai thêm trầm trọng.
Các hồ chứa nước của nhiều công trình thủy điện còn là gốc rễ của vài chục trận động đất xảy ra liên tục ở các tỉnh Quảng Trị, Thửa Thiên-Huế, Kon Tum, Quảng Nam.
Cũng năm ngoái, sau khi thẩm tra các dự án thủy điện, Ủy Ban Khoa Học-Công Nghệ-Môi Trường của Quốc Hội Việt Nam cho biết, việc quản lý chất lượng, an toàn tại các công trình thủy điện tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Khoảng 30% đập chắn nước của các công trình thủy điện chưa được kiểm định. Khoảng 66% đập chắn nước chưa được duyệt phương án bảo vệ. Khoảng 55% chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão.
Sau khi Quốc Hội Việt Nam yêu cầu chính phủ Việt Nam báo cáo về “Quy hoạch tổng thể cho thủy điện,” đại diện chính phủ Việt Nam loan báo đã loại bỏ 424 dự án thủy điện. Trừ đi các dự án bị loại bỏ, tại Việt Nam vẫn còn 815 dự án, công trình thủy điện, trong đó có 205 dự án đang thi công hoặc dự kiến sẽ khai thác cho đến 2017.
Dù vậy những thảm họa đi kèm các dự án thủy điện vẫn lơ lửng trên đầu hàng chục triệu người cư trú ở Tây Nguyên và miền Trung Việt Nam. Cho đến nay, chưa có bất kỳ ai từ giới phê duyệt dự án đến giới đầu tư bị truy cứu trách nhiệm do gây ra các thảm họa (G.Đ)