Truyền thông CSVN còn cần thiết tồn tại nữa không?- *Đặng Đình Mạnh

Ba’o Nguoi-Viet

January 7, 2025

*Chuyện Vỉa Hè

*Đặng Đình Mạnh

Sự nổi tiếng của hành giả Minh Tuệ trong năm 2024 là một trong số ít các sự kiện rất đáng kể về phương diện tôn giáo tại Việt Nam. Vì lẽ, từ biết bao lâu nay, công chúng đã mất lòng tin vào sự chân thật của hàng ngũ tu sĩ Phật giáo mà đại đa số thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do chế độ thành lập.

Nhưng với hành giả Minh Tuệ, công chúng hoàn toàn tin cậy vào sự chân thật của ông ấy. Thậm chí, sự tin cậy còn đến từ nhiều vị tu sĩ của các tôn giáo khác khi họ công khai thừa nhận điều đó khi rao giảng cho tín đồ của mình. Trong đó, cách thức tu hành tối giản của ông ấy với một bát, ba y, không chùa, không tượng, không thuyết pháp rao giảng, không thu nạp đệ tử, xưng hô khiêm nhường, bộ hành khất thực cho một bữa ngọ, từ chối nhận cúng dường vật phẩm, tiền tài…

Nhà sư Thích Minh Tuệ tu theo pháp môn hạnh đầu đà. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Pháp môn hạnh đầu đà đã hoàn toàn đối lập với cách thức tu hành bằng cách xây chùa to, dựng tượng lớn, trang phục lòe loẹt, danh hiệu cao đạo, thứ bậc phức tạp, thay cho thuyết pháp là luôn miệng yêu cầu cúng dường bằng tiền bạc, tài sản có giá trị của các tu sĩ thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Thực ra, việc bộ hành khất thực dọc theo đường quốc lộ Bắc Nam của hành giả Minh Tuệ không phải mới diễn ra, mà đã kéo dài trong suốt 4 năm qua. Thế nhưng, chỉ đến khi truyền thông “dân lập” nhập cuộc rầm rộ với các Youtuber, thì chính họ đã phổ biến, mang câu chuyện về hành giả Minh Tuệ đến với công chúng trong cả nước, thậm chí, rộng rãi đến cả nước ngoài.

Từ đó, hành giả Minh Tuệ vụt trở nên nổi tiếng và có sức thu hút, ảnh hưởng lớn trong công chúng một cách tự nhiên, ngoài chủ ý của ông ấy. Mỗi bước chân của ông ấy kéo theo hàng nghìn người tìm đến tận nơi để đảnh lễ, cúng dường, chiêm ngưỡng và hàng chục vạn người theo dõi qua mạng xã hội.

Các yếu tố này, một mặt đã phủ nhận cả một hệ thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam to lớn, giàu có, nhưng ít Phật tính do chế độ tạo dựng. Mặt khác, cũng vô hình trung trở thành mối nguy hại tiềm ẩn về an ninh cho chế độ.

Đó cũng là lý do mà chế độ đã ra tay bắt cóc ông ấy tại Huế đưa về Gia Lai vào thượng tuần Tháng Sáu 2024, đồng thời, khuyến khích ông ấy ẩn tu để vô hiệu hóa các yếu tố nguy hại.

Về phương diện pháp lý, biện pháp này của chính quyền đã vi phạm vào quyền tự do tôn giáo của hành giả Minh Tuệ. Khiến cho công chúng phản ứng và tạo nên công luận khiến cộng đồng quốc tế quan tâm, lên tiếng về tình trạng vi phạm nhân quyền.

Sự quan tâm lớn từ công chúng và quốc tế đã khiến chế độ chùn tay đàn áp hành giả Minh Tuệ, khác với trước đây họ đã từng đàn áp nhiều tu sĩ, đến mức độ bỏ tù không xét xử hoặc bí mật thủ tiêu tu sĩ.

Tuy vậy, biện pháp ấy vẫn trở nên kém hiệu quả, khi Gia Lai, một tỉnh vùng cao xa xôi, vắng vẻ vẫn không làm nản lòng dòng người ngưỡng mộ hành giả Minh Tuệ vẫn tiếp tục đổ dồn về đấy để được tiếp xúc với ông.

Do đó, việc đưa hành giả Minh Tuệ ra nước ngoài với danh nghĩa đi hành hương về đất Phật là giải pháp mang tính chất tình thế do chính quyền tạo dựng, trong chừng mực nào đó, nó cũng phù hợp với nguyện vọng của hành giả Minh Tuệ.

Như đã phân tích trên, việc đưa hành giả Minh Tuệ ra nước ngoài chỉ là giải pháp tình thế chứ chưa khắc phục được hoàn toàn mối nguy hại tiềm ẩn về an ninh cho chế độ. Vì sau khi hoàn thành chuyến đi, hành giả Minh Tuệ rất có thể sẽ trở về nước với vị thế và sức ảnh hưởng còn lớn hơn thời điểm trước khi ông ra đi. Vì lẽ, không chỉ người dân trong nước, mà thế giới bên ngoài đã biết đến ông ấy nhiều hơn gấp bội phần thông qua chuyến du hành đến nhiều quốc gia.

Vị thế và sức ảnh hưởng lớn của hành giả Minh Tuệ tỷ lệ thuận với mối nguy hại tiềm ẩn về an ninh cho chế độ. Do đó, công chúng hoàn toàn có lý do để lo ngại rằng chế độ sẽ tiếp tục có biện pháp “cấm cửa” ông ấy trở về Việt Nam hoặc thậm chí, áp dụng các biện pháp cực đoan khác.

Trung Cộng, quốc gia từng được chế độ Cộng Sản Việt Nam xem như là mẫu mực về các chính sách an ninh đã từng có tiền lệ xử lý các vị cao tăng có sức thu hút, ảnh hưởng trong công chúng. Như buộc lưu vong vĩnh viễn đối với trường hợp Đức Đạt Lai Lạt Ma (Tây Tạng) là một ví dụ điển hình.

Thế nên, việc chế độ giao cho một người từng là thượng tá an ninh đi theo hành giả Minh Tuệ cùng với nhiều nhân sự và phương tiện như ô tô, máy bộ đàm liên lạc. Cấm đoán hành giả Minh Tuệ tự do tiếp xúc hoặc thu nhận người có nguyện vọng tham gia hành hương… là cách để chế độ kiểm soát, khống chế chặt chẽ hành giả Minh Tuệ trong suốt cuộc hành trình.

Qua đó, trong chuỗi thông tin sự kiện liên quan đến hành giả Minh Tuệ, chúng ta sẽ thấy rất rõ vai trò hết sức nổi bật của hệ thống truyền thông dân lập đã hoàn toàn lấn át vai trò của hệ thống truyền thông của chế độ bao gồm hàng nghìn báo, đài trú đóng trong 63 tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, chính truyền thông dân lập đã đưa sự kiện hành giả Minh Tuệ đến với công chúng chứ không phải truyền thông của chế độ.

Sau khi hành giả Minh Tuệ bị bắt cóc tại Huế đưa về Gia Lai vào thượng tuần Tháng Sáu 2024, truyền thông của chế độ mới được huy động thực hiện buổi phỏng vấn hành giả Minh Tuệ để trấn an công chúng sau những thắc mắc của họ về số phận của ông.

Thế nhưng, dịp truyền thông hiếm hoi ấy lại trở thành thảm họa truyền thông vì không ai tin rằng chúng đã thật sự được thực hiện. Thậm chí, cô Liên Liên, MC của chương trình đó cũng vô tình bị công chúng bêu riếu, cười cợt về tính thực hư của buổi phỏng vấn.

Sau dịp truyền thông đầy thảm họa đó, bất chấp công chúng vẫn tiếp tục duy trì sự quan tâm đến hành giả Minh Tuệ đến mức độ nào đi nữa, truyền thông của chế độ vẫn tiếp tục trở lại với thái độ im lặng đầy khó hiểu.

Một sạp báo lề đường ở Hà Nội. (Hình: Nam Nguyễn/AFP/Getty Images)

Cho đến khi diễn ra sự kiện hành giả Minh Tuệ xuất cảnh với danh nghĩa hành hương về “đất Phật” vào trung tuần Tháng Mười Hai 2024, bộ hành đi qua nhiều quốc gia: Lào, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ… thì truyền thông của chế độ vẫn phải im thin thít.

Điều này không nằm ngoài chủ trương của chế độ trong chủ đích nhằm hạn chế sức lan tỏa, ảnh hưởng của hành giả Minh Tuệ trong công chúng. Mặt khác, “cứu vớt” lòng tin còn sót lại của công chúng vào Giáo Hội Phật Giáo đầy tính chất “xôi thịt” do chế độ tạo dựng.

Không sao cả, truyền thông dân lập vẫn tiếp tục chiếm vị thế thượng phong, phủ sóng rộng khắp. Họ kịp thời đưa đầy đủ thông tin, hình ảnh về chuyến bộ hành xuyên qua nhiều quốc gia ấy đến với công chúng quan tâm.

Đến mức này, công chúng không thể không tự hỏi: Hệ thống truyền thông của chế độ với hàng nghìn báo đài, hàng vạn nhà báo có thẻ, được trang bị phương tiện hiện đại… có còn cần thiết tồn tại nữa hay không?

DC, ngày 06 Tháng Một 2025

Đặng Đình Mạnh


 

Được xem 4 lần, bởi 4 Bạn Đọc trong ngày hôm nay