Trao bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp
thứ ba, 5 tháng 2, 2013
Bản Kiến nghị đã được trao cho đại diện Quốc hội
Một nhóm nhân sỹ trí thức vừa trao Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 cho Quốc hội, trong đó có đề xuất bỏ Điều 4 về quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Những người này cũng chủ xướng một dự thảo Hiến pháp mới, trong đó thiết lập mô hình nhà nước cộng hòa với người đứng đầu là Tổng thống.
Nhóm nhân sỹ gồm 15 vị đã tới Địa điểm tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân về sửa đổi Hiến pháp tại Văn phòng Quốc hội, Hà Nội, để trao kiến nghị vào sáng thứ Hai 4/2.
Trưởng đoàn là ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên bộ trưởng Tư pháp, đồng thời là thành viên Ban soạn thảo Hiến pháp Việt Nam 1992.
Bản Kiến nghị, nay đã có hàng nghìn chữ ký, đã được trao cho đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong không khí được ông Lộc mô tả là ‘khá dân chủ’.
Quốc hội Việt Nam đang tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân về bản Hiến pháp sửa đổi từ nay tới hết tháng Ba.
Trong cuộc trao đổi kéo dài nửa tiếng đồng hồ với đại diện của Quốc hội, các vị nhân sỹ trí thức đã nêu quan điểm rằng tiến trình đóng góp sửa đổi Hiến pháp phải
là quá trình dân chủ, với sự tham gia của mọi tầng lớp người dân.
Mô hình dân chủ
Họ cũng đề xuất kéo dài quá trình đóng góp ý kiến tới hết năm.
Ông Nguyễn Đình Lộc, người từng làm Trưởng ban Biên tập Hiến pháp 1992, thừa nhận Hiến pháp 92 dựa trên mẫu hình Liên Xô, với nhiều phạm trù “nay không còn phù hợp”.
Tuy nhiên ông cũng cho rằng muốn áp dụng Hiến pháp 1946, mà nhiều người cho rằng phù hợp với Việt Nam hơn cả, cũng cần phải cân nhắc “vì hoàn cảnh đã khác
rồi”.
Mở bằng chương trình nghe nhìn khác
“Nay tình hình đã khác, quan hệ quốc tế cũng đã thay đổi. Bản thân ông Hồ Chí Minh, khi sửa đổi Hiến pháp năm 1959 cũng thừa nhận Hiến pháp 46 đã hoàn thành
nhiệm vụ lịch sử và không còn phù hợp nữa.”
Kiến nghị do các vị nhân sỹ trí thức khởi xướng gồm 7 điểm chính, trong đó nhấn mạnh tới việc bỏ Điều 4 Hiến pháp, vốn đề cao một chiều vai trò lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam.
Họ cho rằng người dân phải được bầu cử tự do, dân chủ, định kỳ để lựa chọn lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
“Một chính đảng thực sự có chính nghĩa, phục vụ lợi ích của nhân dân sẽ không lo bị thất bại trong các cuộc bầu cử như vậy.”
Bản kiến nghị viết rõ: “Việc đảng cầm quyền chấp nhận cạnh tranh chính trị là phù hợp với xu thế lịch sử, là điều kiện cho sự phát triển của đất nước, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, kể cả các đảng viên trung thực của Đảng Cộng sản Việt Nam trước bối cảnh
hiện nay của đất nước”.
Chỉ có tiếp thu ý kiến trên, theo những người viết kiến nghị, Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể “lấy lại niềm tin đã từng có trong dân để thực sự trở thành lực lượng lãnh
đạo chính trị được xã hội chấp nhận”.
Thay đổi từng bước
Tiếp theo kiến nghị đầu tiên này, là sáu kiến nghị khác về quyền con người; sở hữu đất đai; tổ chức Nhà nước; lực lượng vũ trang; trưng cầu dân ý đối với Hiến pháp và
thời hạn góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp.
Cũng theo cựu bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc, những người làm kiến nghị chủ xướng xã hội theo mô hình cộng hòa, với người đứng đầu nhà nước là Tổng thống.
Tuy nhiên, ông Lộc thừa nhận tiến trình sửa đổi Hiến pháp mới đang đi những bước đầu tiên.
“Cái mới không phải ai cũng tiếp nhận một cách dễ dàng được, phải biết chờ đợi.”
“Sửa đổi đến đâu cũng phải chờ đợi mới biết, vì có người cần, nhưng cũng có người thấy rằng chưa cần lắm.”