Tiền bạc – mối đe dọa truyền kiếp

 

 

Tiền bạc – mối đe dọa truyền kiếp

 

Br. Huynh Quang                               nguồn: Brother Huynh Quảng

 

Aristotle cho rằng, tiền bạc chỉ là phương tiện hữu ích, nó chỉ có giá trị khi ta dùng nó để giúp ta đạt được những điều khác.

Khi quá tích trử và gom góp cho đời sống con người, chúng ta sẽ lãng quên khả năng tích trử công đức cho đời sống vĩnh cửu

Thời xưa, các ẩn sỉ ra chợ bán hàng và dùng tiền để mua bánh mì. Nếu tiền còn dư, họ sẽ cho người nghèo hết, vì họ sợ rằng, mang tiền về sẽ làm cho họ hằng ngày bận tâm tới việc cất giữ chúng; và nguy hiểm hơn chính là họ dần dần đặt sự an toàn của mình vào số tiền trong kho đó thay vì là Chúa.

.

“Đam mê tiền của là cội rể của mọi sự dữ” (I Tim 6:10). Giàu có không phải là tội, nhưng để tiền của làm chủ đích mọi suy nghĩ và hành động của mình là điều dễ dẫn ta tới tội. Mối nguy hiểm chính là khi ta có nhiều tiền bạc, ta dễ bị đánh lừa và nhận thức sai lầm rằng: Tiền bạc có thể ban cho ta có mọi thứ ta muốn mà không cần Chúa.[1] Nhưng thực ra, tài khoản trong nhà băng, dù nhiều đến bao nhiêu cũng không thể mua được bình an, công bằng, và tự tại. Như thế, tham lam cũng được cho là gốc của các loại tội vì nó rất gần với kêu ngạo – muốn làm chủ đời mình mà không cần Thiên Chúa. Mình muốn dùng những phương tiện vật chất để đảm bảo lấy trách nhiệm cuộc sống của mình và gạt Chúa ra khỏi đời mình – không lệ thuộc vào Đấng Tạo Hóa nữa, đó là một khuôn mặt mới của tội kêu ngạo.

Nhưng thực ra, theo Beothius, “Chúng ta càng sở hữu tiền của bao nhiêu, thì chúng ta cũng mất nhiều thời gian, sức lực, và tiền của bấy nhiêu để bảo vệ chúng.”[2] Như thế, sự giàu sang không làm cho ta nên giàu có, mà làm cho ta thêm héo khô, lo lắng, và bất an. Một ẩn sĩ đã tâm sự rằng, “Một tu sĩ với nhiều tiền của sẽ như một con thuyền nặng nề dễ dàng bị chìm trong cơn bão tố.”[3]

* * *

Chàng thanh niên trong Tin Mừng đã chạy đến Chúa Giêsu để hỏi xem làm thế nào để được hưởng sự sống đời đời (x. Mt 19:17). Ngoài vấn đề giữ lề luật ra, Đức Giêsu đánh thẳng vào tâm điểm của ơn gọi làm môn đệ khi Ngài mời gọi anh ta bán tất cả của cải mình có, bố thí cho người nghèo, và theo Ngài (x. Mt 19:22). Cốt lõi của vấn đề chính là từ bỏ chính mình, đặt cuộc đời mình trong tay Chúa, và liều thân theo Chúa với phận nghèo.

Tin Mừng thuật lại người thanh niên đã giữ nhiều lề  luật trong Mười Điều Răn, (chớ giết người, chớ ngoại tình, chở trộm cắp, chớ làm chứng dối, thảo kính cha mẹ, yêu người thân cận; ở đây, anh ta không nói đến lề luật “chớ tham tham”). Rõ ràng, “Khi đối diện với luật hoàn hảo của Thiên Chúa, anh ta buộc phải đối diện với điều luật ‘chớ tham lam’ (Ex 20:17).”[4] Tham lam, tôn sùng của cải là cản trở lớn nhất để người thanh niên theo Chúa. Anh ta không muốn từ bỏ của cải mình để theo Chúa, là vì của cải đã trở thành điểm tựa cho đời anh; của cải trở thành “chúa” của đời anh. Buồn thay, chân lý đã có được trong tầm tay, tự do và bình an đã được ban tặng, nhưng chỉ vì quá bận tâm đến của cải trần thế, người thanh niên đã khước từ những giá trị vĩnh cửu mà chọn những giá trị tạm bợ chóng qua. Đọc tiếp Mt 19: 23-30, Phêrô cũng đặt một câu hỏi tương tự như thế, “Thưa Thầy, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?” Câu trả lời là các con “Sẽ được gấp trăm ở đời này và đời sau.” Ai theo Chúa với tất cả niềm tín thác đều xác tín và cảm nghiệm lời Chúa đúng tuyệt đối.

* * *

Trong thư I Timothê 6:6-10, thánh Phaolô đã khuyên nhủ rằng, “Còn những kẻ muốn làm giàu, thì sa vào cám dỗ với cạm bẫy, và lắm đam mê ngông cuồng tai hại, mà trầm luân diệt vong, hư khốn. Vì tham tiền là cội rễ mọi sự dữ. Cầu thỏa lòng tham, thì có kẻ đã lạc xa đức tin và bị bao nỗi đớn đau xâu xé.”

Với tiền bạc sẵn có trong tay, tính tham lam sẽ có cơ hội trỗi dậy. Vì tham lam không những là mong muốn chiếm đoạt điều mình không có, nhưng còn muốn sở hữu và chiếm đoạt những thứ mà mình hoàn toàn không cần đến.

Thói quen “shopping” dường như trở thành một thói quen của nhiều người, đặc biệt tại Hoa Kỳ. Thói quen đi shopping hằng tuần ở những nơi “on sales” thực ra đó là những lần mua những hàng hóa ngoài nhu cầu cần thiết. Shopping nhiều lần như thế sẽ trở thành thói quen xấu. Vì thực ra của cải vật chất phải là phương tiện để phục vụ con người, chứ chúng không thể trở nên trung tâm đời sống chúng ta và làm cho chúng ta quá bận tâm tới việc sở hữu
chúng. Quá bận tâm sỡ hữu một sự vật nào đó biểu lộ cho thấy tâm hồn ta đang ở
trong tình trạng bất an, đang muốn tìm một điều gì để khỏa lấp nỗi bất an, trống vắng ấy. Và như thế, suy nghĩ về điều gì, muốn sỡ hữu điều gì, muốn trao tặng điều gì đều là những biểu hiện khác nhau của một quả tim ẩn chứa sự khao khát muốn lấp đầy và kiếm tìm để được no thỏa.

Rất nhiều gia đình đã tan vỡ cũng chỉ vì liên quan đến tiền bạc, mua sắm vật chất.

Anh A làm lụng vất vả hằng ngày; chị B lo chăm sóc con cái và đưa chúng đi học. Rảnh rỗi đôi chút, chị đọc báo thấy “on sales” ở siêu thị này, siêu thị nọ liền lên kế hoạch, trước là chỉ để xem cho biết vì rẻ, dần dần chị mua một hai món hàng thật sự rẻ – và đúng nó rất rẻ theo giá cả thị trường. Từ từ chị B có thói quen đi shopping và mua những món hàng chỉ vì thấy
chúng rẻ và lý luận, “Nếu không mua thì uổng.”

Anh A tỏ ra khó chịu, cứ mỗi tuần đi làm về thấy nhiều món hàng mới lạ trong nhà mà vợ cho rằng mua chúng vì rẻ. Nào lá cái máy xay sinh tố, nào là cái thớt cắt thịt, nào là cái máy xay đậu, v.v,… “Chúng ta đã sắm đầy đủ rồi mà,” anh A lên tiếng. “Rẻ mà anh, on sales không mua thì uổng.” Cứ như thế, anh A dần nghĩ rằng vợ mình không biết quí công sức và đồng lương mình kiếm được; chị B lại cho rằng chồng mình tỏ ra keo kiệt không thương mình như xưa nữa, chỉ có mấy đồng bạc mà cũng đắn đo, cằn nhằn.

Mối bất hòa dần dần xuất hiện khi để cho tiền và vật chất chiếm chỗ trung tâm trong lối suy nghĩ của hai người; chủ đề của nhưng lần gặp gỡ chỉ là xoay quanh những món hàng và tiền bạc. Và để bảo vệ mình và lập trường của mình, anh A tìm những biện minh, lý lẽ để chứng mình rằng việc mình nói là đúng. Đồng thời, chị B cũng tìm mọi lý lẽ biện hộ để bảo vệ cái tôi của mình. Những cuộc nói chuyện của họ dần dần đi ra xa những chủ đề về con cái,
gia đình, bà con, bạn hữu, nhưng thay bằng là tiền, là hàng hóa vật chất. Mối rạn nứt bắn đầu khi chị B nghĩ rằng anh A không thương mình nữa; còn anh A thì cho rằng chị B không còn biết lo cho gia đình, cho mình và cho con. Cải vã, lời qua tiếng lại, bằng mặt mà không bằng lòng,… từ từ hiện diện giữa hai người,… hạnh phúc bay xa tầm hai người.

Đối với bất cứ ai, tiền bạc vật chất có thể sẽ là một đầy tớ tốt trung tín, nhưng chúng cũng có thể là ông chủ rất tồi. Anh A không hiểu được chị B đi mua sắm chẳng qua là biểu hiện một sự thiếu hụt nào đó trong con tim, trong gia đình, chứ từ ban đầu chị B đâu có ý tiêu xài phung phí. Chị B đâu có hiểu rằng việc anh A “tính toán” đôi chút đó là một sự biểu hiện sự lo lắng cho tương lai của mình, vợ và con của mình – Nơi anh A có một chút lo âu cho gia tương lai gia đình. Nếu những cuộc trò chuyện của họ nhằm vào hai điểm này, thì chắc chắn bầu khí hạnh phúc trong gia đình sẽ phát triển tốt đẹp hơn, nhưng vì trung tâm của nhưng lần trò chuyện là tiền và vật chất, nên không lạ gì chuyện bất hòa là có thật. Như thế đó, bản chất của vấn đề là tình cảm, tình yêu chứ đâu phải vật chất tiền bạc. Nhưng nếu không hiểu nội vụ đằng sau của sự kiện, mà lại quá chú trọng đến tiền bạc trên bề mặt, người ta sẽ bị dẫn đến thảm cảnh chia lìa, đau xót ngay trong gia đình và tâm hồn mình mà chính đương sự không hay biết.

Các tác giả Tin Mừng kết luận rằng, Giuđa nộp Thầy là vì lòng tham tiền bạc. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng, “Chớ lo lắng về ngày mai…” (Mt 6:25). Quả thật, khi quá chú tâm đến của đời sống dương thế, con người sẽ đành mất hướng đi vào Nước Trời. Khi quá tích trử và gom góp cho đời sống con người, chúng ta sẽ lãng quên khả năng tích trử công đức cho đời sống vĩnh cửu. Đó chính là mối nguy hiểm lớn nhất của lòng tham.

* * *

Cốt lõi  của vấn đề chính là từ bỏ chính mình, đặt cuộc đời mình trong tay Chúa, và liều  thân theo Chúa với phận nghèo.

Nhìn vào chính con người của mình chúng ta thừa nhận rằng, dường như chúng ta dễ đánh giá người khác theo tiêu chuẩn “having” (có) mà không là “being” (là), đó là dấu hiệu của sự đảo lộn trật tự trong tâm thức của con người chúng ta. Chúng ta thích làm bạn với những người có tiền của, nể vị những người chức quyền và học vị cao, trong khi chúng ta ít để ý hay quan tâm đến những người bình thường khác trong cộng đoàn và xã hội. Nhưng theo đức
tin chúng ta tuyên xưng, mọi người đều là con cái Thiên Chúa và họ là anh em với nhau. Chạy theo tiêu chuẩn trần thế, ta không những coi thường phẩm giá của người khác, mà còn đánh mất căn tính Kitô của mình. Theo chân phước John Paul II, con người chạy theo cái gọi là “tiêu chuẩn cuộc sống” được hiểu là hữu dụng, có chức năng và phong phú về mặt kinh tế.[5] Với tiêu chuẩn này, con người chỉ có giá trị khi họ còn sức lao động, làm ra của cải vật chất, nếu không, họ không còn có giá trị nữa. Xét theo “tiêu chuẩn” này,các em bé và những người già yếu trở nên những “người thừa” của xã hội. Vì họ không “hữu dựng và có chức năng về mặt kinh tế.” Đến đây ta nhận định rằng, đây là sự sai lạc nghiêm trọng trong lối suy nghĩ đề cao tiền của vật chất trong đời sống và mối quan hệ. Nếu quan niệm tiền bạc lên trên giá trị con người và để cho tiền bạc điều khiển cuộc sống của mình, một ngày nào đó, không sớm thì muộn, đương sự ấy sẽ không tìm thấy “giá trị” của mình nữa; vì có lúc đời mình cũng trắng tay như một em bé mới chào đời. Chẳng lẽ khi con người trắng tay thì mình không còn giá trị?!

Tóm lại, thánh Augustino đã trải qua kinh nghiệm rong ruỗi những giá trị vật chất tạm bợ, cuối cùng cũng nhận định rằng: “Chúng ta sẽ không bao giờ có thể thỏa mãn nổi khao khát về hoàn mỹ sâu thẳm trong con người của mình bằng những giá trị tạm bợ bất toàn.”[6]

(Còn tiếp)

 

[1] Cf. Aquinas, 1368-72.

[2] Loc. 1383-88.

[3] Loc. 1383-88.

[4] Warren W. Wiersbe, Wiersbe’s Expository Outlines on
the New Testament
, 71-72 (Wheaton, Ill.: Victor Books, 1997).

[5] Cf. Loc. 1358-63.

[6] Loc. 1388-93.

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay