Thời tuổi thơ
Tác giả: Phùng Văn Phụng
Thuở nhỏ tôi sống ở miền quê hẻo lánh, đó là làng Đông Thạnh, cách xa quận lỵ Cần Giuộc về hướng đông nam khoảng sáu, bảy cây số. Từ nhà muốn đi lên quận Cần Giuộc phải đi bằng xe ngựa hay bằng xe đạp, mất khoảng từ bốn mươi phút tới một giờ.
Làng Đông Thạnh thụộc Tổng Phước Điền Hạ, phía Bắc là làng Phước Vĩnh Tây, phía Đông là làng Phước Vĩnh Đông và làng Tân Tập, phía tây là làng Long Phụng, phía Nam là làng Long Hựu. Nếu đi về hướng đông sẽ gặp sông Soai rạp và Rừng Sát nổi tiếng có nhiều cọp dữ thời gian trước khi Pháp chiếm ba tỉnh miền đông Nam phần.
Tôi còn nhớ, lúc tôi vào khoảng sáu bảy tuổi, ở phía trước căn nhà lá nghèo nàn, có vũng sình cho nên muỗi rất nhiều, buổi tối chưa kịp giăng mùng, muỗi cắn phủi không kịp. Nhà tôi buôn bán tạp hóa đủ các món lặt vặt như đường cát, dầu hôi, đậu trắng, đậu đỏ, giấy tiền, vàng bạc, gạo, muối, sà bông … Tối giăng mùng ngủ rồi cũng còn có người kêu cửa để mua thuốc lá hay kẹo bánh v.v…
Khi mưa xuống, đường sá ở quê tôi rất trơn trợt. Sau cơn mưa, khi chạy xe đạp, hai bánh xe sẽ dính đầy bùn đất sét. Hai bánh xe sẽ kẹt cứng, chỉ có cách dùng que củi để nại từng miếng bùn ra khỏi bánh xe. Muốn đi đâu, chỉ có cách lội bộ, dùng các ngón chân bấm vào đất, từ từ mà bước nếu không sẽ trợt té, “đo đất” dễ dàng. Mùa nắng, một cơn gió thoảng qua, bụi bay tứ tung, đưa bụi đất đỏ bám vào áo quần, đầu tóc. Mỗi lần có chiếc xe lam chạy qua, phải nín thở, lấy khăn tay che miệng, bịt mũi để không phải hít bụi màu đỏ sậm rất là dơ bẩn.
Thầy hai Lang dạy tôi lớp hai, nước da thầy xanh xao, khuôn mặt gầy gò, thân hình thầy ốm nhom, sau này tôi mới biết thầy bị bịnh lao phổi.
Lên lớp ba, tôi học thầy ba Hương, anh cậu bảy Nhẫn làm y tá, bác ruột của Thanh Thủy, cùng học chung trường trung học Cần Giuộc với tôi. Thầy ba Hương dạy rất kỹ lưởng. Nắn nót từng chữ viết cho chúng tôi. Gạch hàng ngay ngắn trong giờ tập viết. Hồi đó chỉ có loại ngòi viết chấm mực tím hay mực đen. Học sinh nào cũng mang theo bình mực, ngòi viết dùng một thời gian thì phải bỏ, mua ngòi viết khác. Lúc đó chưa có loại viết bút bi không cần chấm mực như bây giờ.
Thanh Thủy hơn tôi hai tuổi. Tôi đang học lớp đệ lục (lớp 7 bây giờ), mỗi buổi sáng tôi đợi chiếc xe Lam từ ngả tư ra để đi học ở quận Cần Giuộc. Hôm nào lên xe, thấy có Thanh Thủy tôi thích thú lắm. Hôm nào không có cô nàng, tôi tiếc nuối ngẩn ngơ.
Cuối năm học lớp đệ ngủ, tôi lên ở nhà thầy Lê Xuân Thu, giáo sư dạy nhạc của trường Trung học Cần Giuộc, để học nhạc và học thêm Toán Lý Hoá. Nguyễn Minh Diệu cũng cùng ở nhà thầy Thu với tôi để học thêm. Mặc dầu những năm tôi học lớp đệ thất, đệ lục, đệ ngủ tôi đều đứng hạng nhất, hạng nhì của lớp B1. Vì nhà thầy Thu ở Khánh Hội, quá nhiều muỗi, khi ngủ tôi thường lăn ra khỏi mùng, nên bị muỗi cắn và bị bịnh sốt rét. Mùa tựu trường của năm học lớp đệ tứ, mấy tháng đầu nhập học tôi đã bị sốt nhiều lần. Tôi nghĩ rằng tôi chỉ bị cảm thường, nhưng thực ra tôi bị bịnh sốt rét nặng, gọi là sốt rét ngã nước. Mỗi lần sốt tôi bị nóng nhiệt độ 40, 41 độ C, sau đó tôi lại lạnh run, lạnh quá, đấp bao nhiêu cái mền cũng không hết run. Đi khám bác sĩ Pham hữu Chương, đi khám bịnh ở bác sĩ Thức cũng không bác sĩ nào chửa khỏi. Có lúc phải nằm nhà thương cả tuần lễ. Vì là năm thi Trung học đệ nhất cấp đầu tiên của trường Trung Học Cần Giuộc cũng là năm thi đầu tiên của toàn quận, nên thầy cô và cả gia đình tôi đều kỳ vọng vào kỳ thi này. Tôi sợ bị bịnh không thể thi được. Cuối cùng tôi đi bác sĩ người Pháp cho tôi uống 20 viên thuốc “kí-nin” trong một tuần, ngày đầu tiên uống năm viên và giảm lần mỗi ngày cho đến ngày cuối cùng là hai viên. Uống thuốc nhiều ngay trong những ngày đầu, vi trùng sốt rét đã chịu thua, nhưng tôi cũng bị ảnh hưởng là bị lùng bùng lỗ tai vì dùng quá nhiều thuốc. Sau khi uống thuốc “kí nin” theo cách trị bịnh của bác sĩ người Pháp này tôi khỏi hẳn không còn bị sốt rét nữa. Nhưng sức khỏe của tôi không còn như xưa. Tôi không còn chơi thể thao, chạy xa hay chạy nhanh được nữa.
Năm 1959, lần đầu đi thi Trung học đệ nhất cấp, thi cả hai môn viết và vấn đáp. Phụ huynh học sinh, ông Hiệu trưởng Trần văn Quới, thầy cô giáo của trường đều lo lắng theo dõi cuộc thi lần đầu tiên này. Gia đình tôi là gia đình nông dân, thân nhân bà con cô bác ở làng Tân Tập sống bằng nghề làm ruộng, cho nên họ thấy ai có đi học thì họ quý lắm.
Ngày đầu tiên xuống Mỹ Tho để thi Trung học đệ nhất cấp, tôi ở chung với các bạn trong Thánh Thất Cao Đài, khi ngủ phải nằm san sát nhau, hôm sau, ba tôi xuống mướn phòng ngủ để tôi có chỗ nghỉ ngơi, yên tĩnh, thoải mái. Ban đêm có chỗ ngủ đàng hoàng để có tinh thần và có sức khỏe làm bài thi. Năm đó tôi đã đậu Bình thứ.
Thầy Thu bị động viên và đã chết trận khi thầy chưa vợ, chưa con. Em thầy Thu là Lê Hữu Đông cũng chết trận khi lên đến Trung Tá. Em gái cũng chết vì vượt biên mất tích.
Một kỷ niệm khó quên vào năm học lớp hai tại trường tiểu học Rạch Núi vì gia đình nghèo chỉ có bộ đồ bà ba đen mặc đi học hàng ngày. Thấy Trần Khương Thới nhà ở xã Tân Tập đi học có một bộ đồ Py-gia-ma có sợi dây buộc ngang hông, tôi thích lắm, tôi ao ước quá sức nhưng tôi biết rằng ba má tôi cũng không thể nào mua cho tôi được.
Một lần khi đi học về, đang bước vô nhà thì từ đàng sau, không biết đứa bạn học nào, đã đấm mạnh vào lưng rồi bỏ chạy mất. Tôi khóc và chạy vào nhà.
Sau khi hiệp định Geneve được ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954, hy vọng sau hai năm sẽ thống nhất đất nước, nhưng thực tế không phải như vậy mà chiến tranh triền miên mãi cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước mới thống nhất nhưng dưới bạo lực không phải do bầu cử. Hàng trăm ngàn người đi tù, hàng triệu người bỏ nước ra đi bằng mọi cách, mọi phương tiện bằng đường hàng không, đường biển hoặc đường bộ.
Họ ra đi trên những chiếc thuyền mỏng manh chịu đói khát, chịu cướp bóc, bị hải tặc, bị bảo tố, chết chóc ngoài biển khơi hay trong rừng rậm. Đi đường bộ qua Campuchia, để từ đó vượt qua Thái Lan.