Tác động của Chúa Giêsu Kitô trong gia đình Công Giáo
Ông Gioan Ngô Kinh Hùng (1899-1986) chào đời tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ông mồ côi mẹ năm lên bốn tuổi và mồ côi cha lúc mới lên 10. Ông Ngô là nhà luật học quốc tế danh tiếng, một nhà nhân bản học đặc sắc, một người kết hợp hài hòa những nét tuyệt hảo của nền văn hóa cũ mới, Đông Tây.
Năm 1937, Nhật chiếm Thượng Hải, ông Ngô trú ẩn tại nhà người bạn là ông Nguyễn Gia Hoàng, giáo sư Luật tại Đại học Rạng Đông. Nhờ sống trong một gia đình Công Giáo nhiệt thành, và nhất là, sau khi đọc truyện thánh nữ Têrêsa Hài Đồng GIÊSU (1873-1897), ông Ngô đã quyết định theo đạo Công Giáo. Ngày 23-12-1937, ông lãnh bí tích Rửa Tội do Cha Georges Germain, dòng Tên, Viện trưởng đại học Rạng Đông. Sau đó ông đã đưa vợ và toàn gia đình 12 người con theo đạo Công Giáo. Từ ấy, gia đình ông Ngô sống trong hòa hợp yêu thương, kính sợ THIÊN CHÚA và kính mến Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA.
Sau đệ nhị thế chiến, năm 1947, giáo sư Gioan Ngô Kinh Hùng được chính phủ cộng hòa nhân dân Trung Quốc bổ nhiệm làm công sứ đầu tiên cạnh Tòa Thánh, một chức vụ ở liền dưới cấp đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Ông Gioan Ngô Kinh Hùng mô tả chỗ đứng của Đức Chúa GIÊSU KITÔ trong gia đình ông như sau.
Từ ngày tôi trở thành tín hữu Công Giáo và toàn gia đình cũng nối gót tôi gia nhập Giáo Hội Công Giáo, Đức Chúa GIÊSU KITÔ Vua đã hiển trị trong nhà chúng tôi. Hiền thê tôi và tôi, hai vợ chồng chúng tôi tìm được niềm thanh thản trong Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Cả hai chúng tôi được nối kết bằng một tình yêu chung. Nhờ tiến tới trong Tình Yêu THIÊN CHÚA chúng tôi cũng cùng lúc tiến tới trong tình yêu hỗ tương. Trong mấy năm gần đây, hiền thê tôi và tôi, chúng tôi rước Mình Thánh Chúa hầu như mỗi ngày. Điều này trở thành một thói quen lành thánh.
Khi tôi bị ngăn trở, hiền thê tôi đi lễ một mình và nói với tôi:
– Sáng nay anh mệt, cần ở nhà nghỉ ngơi dưỡng sức. Em đi lễ và rước lễ. Em sẽ cầu nguyện cho anh. Cũng giống y như là cả hai chúng ta cùng được rước Mình Thánh Chúa vậy!
Nhưng điều này chỉ thỉnh thoảng xảy ra mà thôi. Cứ sự thường, cả hai chúng tôi cùng sánh bước đến nhà thờ. Mỗi lần tiến lên bàn thánh rồi quì cạnh hiền thê tôi để lãnh Mình Thánh Chúa, lòng tôi rộn lên niềm vui và thán phục. Tôi có cảm tưởng buổi cử hành rượu tình yêu, san sẻ mỗi ngày, không ngừng canh tân cuộc sống chúng tôi. Hình như chính hôn nhân của chúng tôi cũng được đổi mới vào mỗi buổi sáng, khi chúng tôi đi tham dự Thánh Lễ và rước lễ, và mỗi cuộc canh tân lại làm cho tình yêu vợ chồng chúng tôi trở nên đậm đà hơn. Tôi thường than thở cùng Chúa:
– Ôi lạy Đức Chúa GIÊSU KITÔ dấu ái, làm sao lại có thể như thế được? Phải chăng đây là giấc mơ hay là một kinh nghiệm tỏ tường? Chúa đã làm cho đời sống vợ chồng chúng con thành tuần trăng mật triền miên. Và đời sống chúng con tại thế chỉ là điều báo trước. Lạy Đức Chúa GIÊSU KITÔ dấu ái, đôi lòng chúng con nên một trong Tình Yêu của Chúa. Trong Trái Tim Chí Thánh của Chúa, chúng con tìm thấy ngôi nhà mái ấm chúng con, nên đâu còn ai có thể nói được là bị lưu đày? Ôi lạy Chúa, ý chí chúng con chính là định mệnh đời chúng con và tự do chúng con chính là thực thi thánh ý Chúa!
THIÊN CHÚA Nhân Lành đã mở đôi mắt vô cảm của tôi trước các đức tính cao quí
kín ẩn của hiền thê tôi. Trước đây tôi khinh khi vợ, cho rằng nàng không xứng đáng làm hiền thê tôi. Giờ đây tôi xấu hổ vì cảm thấy mình không xứng đáng làm chồng nàng! Đức Chúa GIÊSU KITÔ là mối giây sống động nối kết hai vợ chồng chúng tôi lại với nhau. Chúng tôi trở thành ”đôi tay chấp lại trong tư thế thờ lạy triền miên”.
Mặc dầu từ lúc chúng tôi theo đạo Công Giáo, cuộc sống trên bình diện chính trị và kinh tế có bị suy giảm, nhưng trên bình diện thiêng liêng, chúng tôi như được bơi lội trong hạnh phúc vĩnh cửu. Chúng tôi không ”tôn thờ” lẫn nhau. Không, chúng tôi không xem nhau như thần tượng. Chúng tôi chỉ tôn thờ duy nhất Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ hiệp nhất vợ chồng chúng tôi nên một. Mỗi người chúng tôi càng tiến lại gần Đức Chúa GIÊSU KITÔ thì cả hai chúng tôi lại tiến đến gần nhau hơn.
… ”Anh chị em là những người được THIÊN CHÚA tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh chị em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, kơiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh chị em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh chị em, thì anh chị em cũng vậy, anh chị em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh chị em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn
bình an của Đức Chúa GIÊSU KITÔ điều khiển tâm hồn anh chị em, vì trong một thân thể duy nhất, anh chị em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh chị em hãy hết dạ tri ân” (Côlôxê 3,12-15).
(John Ching-Hsiung Wu, ”Par-delà l’Est et l’Ouest”, traduit de l’anglais par Franz Weyergans, Editions Casterman, 1960, trang 97-107)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt