Tướng Ngọ qua đời, vụ án ‘làm lộ bí mật nhà nước’ đi về đâu?
Thông báo về cái chết của ông Ngọ trên trang web của Bộ Công an Việt Nam hôm 19/2.
19.02.2014
Các luật sư nhận định rằng việc Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ từ trần ít nhiều ảnh hưởng tới chuyện làm sáng tỏ vụ ‘làm lộ bí mật công tác’ mà ông này bị cáo buộc.
Tin tức về cái chết ‘vì bệnh hiểm nghèo’ của người từng bị khai tên trong vụ bê bối ở Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) được loan báo một ngày sau khi truyền thông trong nước nói có các đề xuất đình chỉ công tác ông Ngọ đề điều tra.
Báo Người Lao Động dẫn lời ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, nói hôm 16/2 rằng xin trích, “về nguyên tắc thì phải tạm đình chỉ nhưng ông Ngọ đang bệnh nặng nên việc này nhạy cảm. Nếu ‘sốc mạnh’ thì cũng không lợi lắm, còn thực hư đúng sai thì vẫn phải chờ”.
Luật sư Trần Đình Triển nói với VOA Việt Ngữ rằng ‘một vụ án mang tính chất nhạy cảm, chấn động dư luận trong nước và quốc tế như vậy, thì phải tiến hành điều tra một cách gấp rút, và công bố công khai cho dân chúng biết’.
“ Khi khởi tố vụ án rồi thì phải khởi tố bị can. Nếu ông Ngọ có đủ căn cứ thì phải khởi tố. Và khi khởi tố bị can, theo nguyên tắc của luật pháp, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Luật sư Trần Đình Triển nói.”
Ông Triển nói: “Khi khởi tố vụ án rồi thì phải khởi tố bị can. Nếu ông Ngọ có đủ căn cứ thì phải khởi tố. Và khi khởi tố bị can, theo nguyên tắc của luật pháp, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Khởi tố hay chưa khởi tố thì cũng công bố cho dân biết. Nhưng đến nay, chúng tôi chưa biết đã khởi tố bị can hay chưa. Việc ông Ngọ qua đời sẽ có nhiều dấu hỏi đặt ra trong dư luận. Đó cũng là một vấn đề gây những trở ngại nhất định cho hai, hay ba vụ án đang được dư luận quan tâm”.
Hồi tháng Một, ông Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines, khai rằng Thứ trưởng Bộ Công an là người ‘báo tin khởi tố’ cho mình.
Ngoài ra, trong vụ xử em trai là Dương Tự Trọng về hành vi tổ chức cho anh trai trốn ra nước ngoài, ông Dũng cũng nói là ông đã ‘mang 500 nghìn đôla’ tới nhà ông Ngọ.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng, người bào chữa cho ông Trọng, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng nói rất có thể sẽ có một quyết định đình chỉ vụ án ‘cố ý làm lộ bí mật công tác’.
“ Nếu bây giờ, đối tượng bị nghi ngờ mà họ chết mất rồi thì không thể điều tra vụ án ấy được nữa.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng nói.”
Ông Hưng nói: “Ít nhất là người khai báo ra cái đó cũng phải có căn cứ nhất định, tương đối đáng tin cậy cho nên một cơ quan tiến hành tố tụng người ta căn cứ vào đấy người ta ra được một quyết định khởi tố. Cũng có thể đánh giá thái độ khai báo của người kia cũng phải có giá trị trung thực nhất định, chứ không phải là bằng không được. Nếu bây giờ, đối tượng bị nghi ngờ mà họ chết mất rồi thì không thể điều tra vụ án ấy được nữa”.
Trong khi đó, luật sư Triển nói rằng nếu vụ án chỉ có một bị can và bị can đó mất, thì đình chỉ vụ án.
Nhưng theo Trưởng văn phòng Luật Vì dân, trong vụ án mật báo này, ông Dũng khai không chỉ có ông Ngọ mà còn có những người khác.
Ông Triển nói: “Vậy thì những người khác là ai, cũng phải điều tra làm rõ. Còn nếu giả sử về mặt hình sự, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự một người đã mất. Đây là luật pháp Việt Nam cũng như các nước. Nhưng về mặt trách nhiệm dân sự, về mặt sự việc, thì cũng phải điều tra để làm rõ, công bố cho dân biết sự việc nó thật, nó giả ở đâu. Nó đúng hay không đúng”.
Ông nói thêm: “Nếu thật thì phải xử lý nghiêm khắc. Nếu không đúng thì cũng phải giải oan cho người ta. Dù ông Ngọ hay ai cũng vậy, những thông tin được đưa ra cũng ảnh hưởng tới uy tín của họ nên cũng cần phải có kết luận chính xác là việc đó có hay không có. Nếu không làm rõ việc đó, thì dân sẽ rất mất lòng tin với đảng với nhà nước và đặt ra nhiều câu hỏi. Tôi cho rằng mất niềm tin của dân thì chính là mất tất cả”.
“ Nếu không làm rõ việc đó, thì dân sẽ rất mất lòng tin với đảng với nhà nước và đặt ra nhiều câu hỏi. Tôi cho rằng mất niềm tin của dân thì chính là mất tất cả.
Luật sư Trần Đình Triển nói.”
Luật sư này cũng nói rằng không thể để vụ việc đi vào ngõ cụt vì ‘người ta đã đặt ra nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề liên quan tới cái chết của ông Ngọ rồi người ta đặt ra vấn đề liên quan người nọ, người kia’.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng cho biết hiện ‘không có thủ tục điều tra người chết để buộc tội họ mà chỉ để minh oan cho họ mà thôi’.
Ông Hưng nói: “Quá trình khởi tố vụ án, người ta còn phải thu thập tài liệu để người ta xác định được bị can nào, ai, chủ thể nào thực hiện thì người ta mới tiến tới khởi tố bị can. Ở đây, diễn biến của phiên tòa đấy, cái thông tin đấy, thì nó tập trung vào con người đấy. Nhưng mà bây giờ trong quá trình từ hồi đó tới giờ tài liệu điều tra đến đâu thì chưa rõ. Hôm trước, thông tin trên báo mạng đưa rằng Ban Nội chính Trung ương đề xuất đình chỉ công tác người đấy để điều tra. Nhưng mà ông ấy chết mất rồi thì còn làm ăn được gì nữa”.
Sau khi ông Ngọ qua đời, một số tờ báo do nhà nước kiểm soát ở Việt Nam không nêu lại những cáo buộc của ông Dương Chí Dũng với ông Ngọ mà chỉ nêu tiểu sử cũng như thành tích của giới chức quá cố này như ‘chuyên án Đoàn Văn Vươn’ hay ‘vụ biến động ở Thái Bình’.
Tờ Đời sống và Pháp luật thuộc Hội Luật gia Việt Nam còn đăng tải tâm nguyện của ông Ngọ, ‘đó là được đưa về quê an táng và cơ quan chức năng minh oan cho mình’.