Tiếng đàn trong nước mắt – Khi tình thương dẫn lối một đứa trẻ

Vũ Quốc Thịnh

  Tiếng đàn trong nước mắt – Khi tình thương dẫn lối một đứa trẻ

Cậu bé ấy tên là Diego Frazzo Turkato. 12 tuổi. Sinh ra trong khu ổ chuột nghèo nhất Brazil – nơi giấc mơ bị bóp nghẹt bởi tiếng súng, đói nghèo và những định kiến tàn nhẫn. Ở nơi ấy, người ta không hỏi “Con muốn trở thành ai?”, mà chỉ cố đoán xem, đứa trẻ ấy sẽ sống được bao lâu trong vòng xoáy bất công.

Diego cũng giống như bao đứa trẻ khác. Nhưng rồi một ngày, cậu gặp thầy – người đàn ông với ánh mắt dịu dàng và đôi tay biết gieo hạt hy vọng. Thầy không cho Diego tiền, cũng chẳng hứa hẹn điều gì lớn lao. Thầy chỉ cho em một cây vĩ cầm… và một niềm tin.

Lần đầu kéo vĩ, Diego chỉ nghe tiếng rít chói tai. Nhưng thầy không trách, chỉ mỉm cười và nói:

“Mỗi nốt nhạc em chơi là một cánh cửa. Hãy kiên nhẫn mở nó ra.”

Và rồi, từng chút một, Diego học cách lắng nghe âm thanh của chính mình – không phải âm thanh của hỗn loạn ngoài kia, mà là tiếng nói của tâm hồn, của giấc mơ còn ngủ yên.

Thế nhưng, một buổi sáng nọ… thầy qua đời. Đột ngột. Mọi thứ như sụp đổ.

Trong lễ tang, khi không khí đặc quánh nỗi đau, Diego bước lên – nhỏ bé, cô đơn, cầm cây vĩ cầm đã cũ. Em không nói gì. Em chỉ chơi.

Tiếng đàn vang lên – run rẩy, nghẹn ngào, đầy những giọt nước mắt chưa kịp rơi.

Mỗi nốt nhạc là một tiếng gọi tuyệt vọng. Mỗi rung dây là một nhịp tim vỡ vụn. Và trong khoảnh khắc ấy, cả thế giới như nín lặng… để lắng nghe tiếng khóc của một đứa trẻ vừa mất đi người thầy, người cha, người dẫn lối.

Người ta đã khóc. Không phải vì tiếng đàn hay, mà vì họ thấy chính mình trong đó – thấy những lần được ai đó tin tưởng, nâng đỡ. Thấy cả những lần mất mát không lời.

Bức ảnh ấy – gương mặt cậu bé đẫm nước mắt, tay vẫn run run kéo vĩ cầm – đã đi khắp thế giới. Và nó đã làm điều mà hàng ngàn bài phát biểu chưa chắc làm được: đánh thức trong chúng ta một câu hỏi giản đơn nhưng cấp thiết:

“Chúng ta đã từng là người thầy của ai chưa?”

“Chúng ta đã từng gieo hy vọng cho ai, dù chỉ bằng một điều nhỏ bé?”

Diego không chỉ là cậu bé chơi đàn trong lễ tang. Em là minh chứng sống cho sức mạnh của giáo dục, của nghệ thuật, và trên hết – của tình thương không điều kien 


 

BA NƠI – BA LẦN TỈNH THỨC

(Từ một bài viết của Nguyen Tuan Quynh)

1)Có ba nơi mà tôi tin rằng mỗi người nên một lần đặt chân đến trong đời: bệnh viện, nhà tù và nghĩa trang.

Không phải để sợ hãi. Mà để hiểu, để sống tỉnh táo hơn.

Tôi còn nhớ, có lần con tôi than vãn:

— Cha ơi, sao cuộc đời con cứ trắc trở, công việc mệt mỏi, tình cảm thì lỡ dở…

Tôi cười, nhẹ nhàng bảo:

— Rảnh thì ghé bệnh viện Ung Bướu hay Chợ Rẫy một vòng đi con.

Tôi không hề muốn dọa. Chỉ muốn tụi nhỏ thấy rằng, chỉ cần còn đi lại được, còn tự thở, còn tóc trên đầu, còn cười được, thì mình đã may mắn hơn biết bao người rồi.

Ở bệnh viện, tôi từng thấy những đứa trẻ bé xíu đầu trọc vì hóa trị, vẫn nắm tay mẹ cười. Tôi từng chứng kiến những ánh mắt tuyệt vọng chờ một kết quả sinh tồn.

Và cũng tại nơi ấy, tôi học được bài học đầu tiên:

Sức khoẻ là vốn quý đầu đời. Còn sống, là còn hy vọng.

2)ôi từng ngồi trong phòng chờ trại giam để thăm một người bạn.

Tiếng cánh cổng sắt đóng lại sau lưng, âm vang đó vẫn đeo bám tôi nhiều năm.

Ở trong ấy, mọi thứ đều bị kiểm soát.

Không có lựa chọn, không có tự do.

Bữa ăn đúng giờ, giấc ngủ đúng chỗ, cả ánh sáng cũng không còn là thứ mình làm chủ.

Khi còn bên ngoài, người ta dễ buông những câu như “Làm vầy là có ngày vô tù đó!” — và chỉ khi đã vào, mới thấm:

Tự do không phải là mặc định. Tự do là thứ phải giữ gìn bằng đạo đức và trách nhiệm.

3)Và rồi, có những buổi chiều cuối năm, tôi ghé qua nghĩa trang — nơi yên nghỉ của mẹ, của ông, của bạn bè cũ.

Giữa hàng trăm tấm bia nằm im lìm, có những người ra đi khi chưa tròn đôi mươi, có người sống đến gần trăm tuổi. Nhưng cuối cùng, tất cả đều giống nhau: một nắm tro, một khoảng đất.

Không ai mang theo tiền, chức danh, nhà lầu, xe hơi.

Cái còn lại, chỉ là: “Ông ấy từng tử tế”, “Bà ấy hay cười”, “Cô ấy đã giúp tôi rất nhiều…”

Ở nghĩa trang, tôi được nhắc nhở lần nữa rằng:

Cuộc đời hữu hạn. Thời gian là tài sản không thể mua thêm.

Ba nơi – ba cú tát nhẹ của cuộc sống.

Không phải để làm ta đau, mà để đánh thức ta khỏi giấc mộng lười biếng, hơn thua và vô nghĩa.

Bệnh viện dạy tôi trân trọng từng hơi thở.

Nhà tù dạy tôi giữ gìn tự do.

Nghĩa trang dạy tôi sống chậm lại và sống có nghĩa.

Vì thế, mỗi sáng thức dậy, tôi hít một hơi thật sâu, đặt tay lên tim và nói thầm:

Cảm ơn đời, vì tôi vẫn đang sống. Vẫn tự do. Và vẫn còn thời gian để yêu thương.

From: Michelle Bui & KimBang Nguyen

Bác sĩ Alexandre Yersin

Những Câu Chuyện Thú VịMy Lan Pham

  Đầu năm 1943, ông đau nặng. Sáng sớm ngày 1/3, ông bảo người hầu già nâng ông ngồi dậy, nhìn ra biển Đông, rồi nhắm mắt, bình thản ra đi ở tuổi 80 mà không có người thân nào bên cạnh. Ông để lại chúc thư, dặn hãy chôn cất ông ở Nha Trang để mãi được gần gũi những người ông yêu mến.

Cả xóm Cồn hôm ấy và mấy ngày liền sau đó không ai đi biển. Họ khóc như mưa trước cái chết của người ân nhân dành cả cuộc đời cho họ: “Thầy Năm qua đời, từ nay ai giúp đỡ chúng tôi đâu?”. Nhà nhà đều bày bàn thờ với tấm hình ông ở nơi trang trọng nhất.

Ngày nay, cứ ngày 1/3 hàng năm, dân chúng trong vùng lại kéo đến viếng mộ ông.

Ông chính là Alexandre Yersin.

Ông là học trò của Luis Pasteur, người tìm ra vaccine. Khi tưởng chừng sắp được giải Nobel Y học tiếp theo về bệnh bạch hầu, ông quyết định ra đi. Ông lên tàu, làm bác sĩ trên tàu, rồi yêu mến mỗi lần tàu cặp bến Nha Trang. Ông chọn nơi đây làm nơi cư ngụ, chữa bệnh tại địa phương và dành những ngày nghỉ đi thám hiểm.

Ngày 21-3-1893, ông tìm ra cao nguyên Lang Biang. Nói cách khác, ông là “cha đẻ” của thành phố Đà Lạt.

Năm 1894, ông tìm ra chuột chính là nguyên nhân gây bệnh dịch hạch. Ông mở Viện Pasteur ở Nha Trang để bào chế vaccine giúp người Việt chống lại bệnh này.

Ông sống giản dị trong ngôi nhà gỗ nhỏ, nói tiếng Việt giỏi, ngày đêm có ai nghèo ốm đau ông đều tới chữa miễn phí.

Ông làm những dụng cụ đơn giản để dự báo thời tiết. Khi sắp có bão to, ông treo ngọn đèn rất sáng ở một cột cao ngay trên nóc nhà báo cho dân xóm Cồn biết mà không ra biển.

Ông bỏ tiền riêng thuê kéo ống nước về đặt máy nước nhiều nơi cho dân sử dụng.

Ông dành một tủ sách lớn cho bọn trẻ vào đọc. Ông chia bánh kẹo, dạy chúng thiên văn và dự báo khí tượng.

Năm 1902, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Y Dược Hà Nội.

25 năm cuối đời, ông tập trung nghiên cứu di thực các loài cây ôn đời vào nước ta. Nhờ ông, ta có thêm su hào, bắp cải, cà rốt, xà lách, súp lơ… Và đặc biệt có thêm cà phê và cao su.

Sưu tầm

My Lan Phạm


 

DẦN DẦN, TÔI LẠI THÍCH SỰ CÔ ĐƠN- Lm. Anmai, CSsR

Vũ Quốc Thịnh

Lm. Anmai, CSsR

Dần dần, tôi lại thích sự cô đơn. Một kiểu cô đơn không hẳn là buồn, nhưng rất lặng. Một kiểu im lặng không gào thét, không oán trách, chỉ lặng lẽ tựa như dòng sông chảy qua đêm tối – không ai thấy, cũng chẳng ai quan tâm. Không phải vì tôi ghét thế giới, cũng không phải vì tôi sợ con người. Chỉ là… tôi mệt. Và tôi nhận ra, càng trưởng thành, con người ta càng cần ít hơn những ồn ào, và nhiều hơn những khoảng lặng để sống thật với mình.

Tôi từng nghĩ rằng, sống là phải có nhiều bạn bè, phải được yêu thương, quan tâm, thấu hiểu. Nhưng rồi tôi nhận ra, sự quan tâm nếu đến không đúng lúc hoặc không chân thành, thì cũng chỉ là thêm một vết cắt. Đã từng, có những lần mở lòng ra, nhưng đáp lại là sự thờ ơ hoặc vô tình. Đã từng, có những lần tâm sự, nhưng rồi câu chuyện riêng tư ấy lại trở thành đề tài để người khác đem ra bàn tán. Cái cảm giác bị hiểu lầm, bị đem ra so sánh, bị đánh giá… nó khiến lòng tôi đầy những vết nứt không tên.

Và rồi, tôi rút về. Rút khỏi những mối quan hệ mà ở đó tôi phải gồng mình để vừa lòng ai đó. Rút khỏi những cuộc trò chuyện nửa vời, nơi người ta nói cho có, lắng nghe cho xong. Tôi bắt đầu thích ngồi một mình. Lặng thinh trong quán cà phê không bạn đồng hành. Dạo bước trên con phố quen không ai kề cạnh. Đêm về, mở một bản nhạc nhẹ rồi viết vài dòng trong cuốn sổ nhỏ cũ kỹ. Thế mà nhẹ lòng lắm. Không giả vờ vui. Không cần cố gắng cười. Không phải diễn để ai vừa ý.

Cô đơn, nhưng không cô độc. Vì tôi có tôi. Tôi dần học cách làm bạn với bản thân. Học cách tự an ủi khi lòng buồn. Tự vỗ vai mình khi chẳng ai thấy nỗi đau trong mắt. Tự lau nước mắt mà không cần một lời hỏi han. Không phải vì tôi mạnh mẽ, mà bởi vì tôi hiểu, không ai có thể đồng hành cùng mình suốt cả hành trình. Sẽ có những đoạn đường mà tôi phải đi một mình, lặng lẽ nhưng kiên cường.

Tôi dần hiểu rằng, có những nỗi buồn chỉ cần một mình chịu. Có những hạnh phúc không cần ai chứng kiến. Có những chiến thắng không cần ai vỗ tay. Và cũng có những lần vấp ngã, chỉ bản thân mới biết đứng dậy đau đến thế nào.

Tôi bắt đầu ngại sự quan tâm từ người khác. Không phải vì tôi không cần, mà bởi vì tôi sợ – sợ kỳ vọng, rồi thất vọng. Sợ quen với sự ngọt ngào, để rồi một ngày bị bỏ rơi lại càng đắng. Tôi không muốn trở thành gánh nặng của ai, cũng chẳng muốn bất cứ ai trở thành điểm tựa cho mình một cách gượng gạo. Tôi chỉ cần một chút bình yên – bình yên trong chính tâm hồn đầy vết xước của tôi.

Thế là, tôi tập sống nhẹ.

Tập buông bớt những mối bận tâm.

Tập im lặng khi không cần thiết phải nói.

Tập cười khi đau, và tập chấp nhận cả những tổn thương như một phần không thể thiếu của trưởng thành.

Tôi học được rằng, bình yên thật sự không đến từ những ồn ào ngoài kia, mà đến từ sự tĩnh lặng bên trong. Không phải có ai đó luôn ở bên mới là hạnh phúc, mà là khi tôi một mình mà vẫn cảm thấy đủ đầy.

Dần dần, tôi chẳng còn muốn kể lể, chẳng cần ai phải hiểu. Không phải vì tôi khép kín, mà là tôi chọn lựa. Chọn cho mình một thế giới nhỏ – nơi tôi là chính mình, không phải giả vờ mạnh mẽ, cũng không cần biện minh cho bất kỳ cảm xúc nào.

Dần dần, tôi lại thích sự cô đơn – như một người bạn thân thuộc. Không ồn ào, không đòi hỏi, nhưng luôn ở bên tôi trong những khoảnh khắc thật nhất, đau nhất, và sâu lắng nhất của cuộc đời.

Và cũng chính từ trong sự cô đơn đó, tôi bắt đầu biết yêu lấy chính mình. Không còn mong ai đó đến cứu rỗi. Không cần một ai công nhận. Chỉ cần mỗi sáng thức dậy, tôi có thể mỉm cười, tự nhủ: “Hôm nay mình vẫn còn hiện diện, vẫn còn sống – và mình sẽ sống bình yên, theo cách của riêng mình.”

Lm. Anmai, CSsR


 

HOÀN TOÀN MỚI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ!”; “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ!”.

“Ân sủng không chắp vá những vết rách cũ; nó thay đổi cả tấm áo, mặc cho bạn một phẩm phục mới, dệt bằng lòng thương xót!” – Thomas Merton.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, khi nói, “Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ!”; “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ!”, Chúa Giêsu muốn nói, trong đời sống thiêng liêng, với ân sủng, những gì cũ kỹ sẽ được thay thế như một chiếc áo ‘hoàn toàn mới’ dệt bằng lòng thương xót!

Nếu có một chiếc điện thoại hỏng, bạn sẽ không mua một chiếc mới, tháo rời nó, lấy linh kiện để ráp vào chiếc cũ; thay vào đó, bạn mua một chiếc điện thoại mới – một sự thay thế hoàn toàn. Cũng thế, phẩm chất cốt lõi của Luật mới về ân sủng Chúa Kitô mang đến là nó ‘hoàn toàn mới’ và biến đổi. Do đó, chấp nhận giáo huấn của Ngài, bạn trở nên tạo vật mới trong Ngài. Ân sủng không chắp vá những gì yếu đuối và tội lỗi trong con người; nhưng nó biến đổi, nâng cao bản chất con người lên một sự ‘tồn tại mới’. “Khi ân sủng chạm đến, nó không làm bạn trở nên tốt hơn phiên bản cũ của mình, mà làm bạn trở nên điều bạn chưa từng dám mơ mình có thể là!” – Brennan Manning.

Vì thế, lời dạy của Chúa Giêsu không chỉ điều chỉnh những giải thích sai lầm mà giới kinh sư đã quảng diễn trong suốt nhiều năm, nó còn hướng đến ‘tư duy’ và ‘cuộc sống’ của cả nhân loại; không chỉ các phong tục Do Thái phải trải qua một sự biến đổi, mà chính thế giới cũng phải trải nghiệm sự biến đổi này. Bởi lẽ mọi thứ cần được đổi mới trong Chúa Kitô vì chỉ trong Ngài, ân sủng mới có thể được ban. “Chúa Kitô không tái chế linh hồn, Ngài tái tạo nó!” – C.S. Lewis.

Với Kitô hữu, không chỉ nhận sự sống mới của ân sủng trong Bí tích Rửa Tội, bạn và tôi còn nhận nó lần này lần khác và chia sẻ sự đổi mới liên tục này mỗi khi cho phép ân sủng chạm đến sâu sắc hơn; nhờ đó, được biến đổi trọn vẹn hơn để trở thành những con người Chúa muốn chúng ta trở thành. Vậy, hãy mong đợi sự mới mẻ này trong suốt đời mình với cam kết sống một đời con thảo trong ơn nghĩa Chúa. “Chúa Kitô không đến để tô màu lại cuộc đời cũ, nhưng để viết nên một câu chuyện hoàn toàn mới!” – Paul Claudel.

Anh Chị em,

“Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ!”. Hãy suy ngẫm về khám phá đầy vui mừng đang chờ đón bạn mỗi ngày; khám phá Luật mới của ân sủng, đón nhận nó vào cuộc sống để nó biến đổi và đưa bạn vào con đường khám phá không bao giờ cũ! Đó là một khám phá liên tục, vĩ đại hơn nhiều so với bất kỳ điều gì thế giới này có thể cung cấp; không gì có thể so sánh với món quà ân sủng của Chúa Kitô sống động trong cuộc sống chúng ta. Hãy suy ngẫm về món quà ân sủng Chúa ban cho bạn hôm nay và nói “Có” với nó bằng cả tấm lòng; vì lẽ “Chúng ta không thể đựng ánh sáng mới trong những chiếc bình cũ của bóng tối!” – Teilhard de Chardin.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, khi ân sủng đến, nó không chỉ chạm vào vết thương, mà thay đổi luôn cả làn da cũ!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

**********************************************

 Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên, Năm Lẻ

Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.   Mt 9,14-17

14 Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng : “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?” 15 Đức Giê-su trả lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, đang khi chàng rể còn ở với họ ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay. 16 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá sẽ co lại, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. 17 Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt : rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới : thế là giữ được cả hai.”


 

 Người lính chết sau cùng tại Ngã Năm Bình Hòa, Gia Định, Sài Gòn

Kimtrong Lam

 “Tác giả ghi lại những gì diễn ra trước mắt mình, ngay trước nhà mình, ngay trong khu phố mình sống, những giờ phút cuối cùng của miền Nam.” Ngày ấy, tác giả vừa tròn 15 tuổi – Viết cho ngày 30 Tháng Tư năm ấy.

Triều Phong – 2 tháng 7, 2025

Viết cho những người lính cấp bậc nhỏ, nhưng hy sinh lớn. Viết cho những người lính vô danh, Vị quốc vong thân lúc thành mất nước tan. Ai cũng sống cả một đời, nhưng chết chỉ một lần. Các anh, những người lính nhỏ, Các anh, những người lính vô danh, nhưng hy sinh vĩ đại!

Suốt 40 năm qua, tôi đã đọc, đã nghe và cũng đã xem nhiều về những hy sinh của các tướng lãnh, sĩ quan cao cấp Việt Nam Cộng Hòa khi nước mất nhà tan vào tay Cộng Sản trong ngày 30 Tháng Tư đau buồn của năm 1975. Lúc ấy tôi được 15 tuổi, chưa trưởng thành, chưa đủ khôn và đủ hiểu biết chuyện đời, nhất là chuyện thời cuộc. Ở tuổi này, tuy chưa đủ lớn, ký ức mình cũng đủ “già dặn” để không quên điều xảy ra. Và trong ý nghĩ đó, có một câu chuyện cho đến giây phút này vẫn còn in đậm trong ký ức của tôi.

Mấy mươi năm qua, tôi cho đó là “chuyện nhỏ.” Sau này, tôi chợt nhận thức, rằng chuyện nhỏ này lại có ý nghĩa vô cùng to lớn mà hôm nay tôi muốn ghi lại và chia sẻ với những ai quý tự do, yêu độc lập và chuộng hòa bình.

Lúc ấy là 09 giờ sáng ngày 30 Tháng Tư, 1975!” (Tín Võ)

Nhiều tiếng khóc sụt sùi vỡ ra bởi lời lẽ chân thành của bà già. Cảm thấy quá đau lòng trước thảm cảnh thương tâm ấy, tôi thẫn thờ bước ra, chợt trông thấy người lính trẻ còn đang đứng dựa cột nơi quán cơm tháng của Dì Mười, khóc rấm rức như trẻ thơ. Ôi, còn đâu người chiến sĩ anh dũng ngày nào! Ôi, còn đâu bộ đồ trận kiêu hùng một thuở! Ðôi vai run run theo tiếng nấc của anh làm tôi bùi ngùi…

Thời khắc ấy cách đây đúng 40 năm, trong cảnh hỗn mang của ngày tàn cuộc chiến, trong xóm tôi ở Ngã Năm Bình Hòa-Gia Ðịnh, bỗng xuất hiện bốn năm người lính Nhảy Dù. Họ chạy lúp xúp men theo vách tường nhà Dì Sáu của tôi rồi dừng lại trước nhà tôi. Tất cả đều còn rất trẻ và người họ mang đầy súng ống đạn dược. Áo quần họ bám đầy bụi đỏ. Chỉ cần nhìn thoáng qua, ai cũng biết những người lính này mấy ngày trước đây đã từng xông pha trận mạc. Họ đứng trước khoảng đất trống, ngó dáo dác một đỗi, thì người lính có mang một bông mai trên cổ áo nói, như ra lệnh:

– Anh em đào ở đây đi.

– Tuân lệnh thiếu úy!

Một người trong họ trả lời. Thế là các anh tháo gỡ trên vai xuống mấy cái xẻng cá nhân. Với thao tác nhanh lẹ, phút chốc họ đã biến chúng thành những cái cuốc và bắt đầu đào hố cá nhân.

Trong nhà, má tôi lo lắng ra mặt. Bà đang phân vân chẳng biết có nên di tản không và nếu đi thì chưa biết phải đi đâu. Bất ngờ, bây giờ thấy lính tráng chuẩn bị hầm hố chiến đấu trước cửa nhà, bà thêm hoảng sợ.

Tuổi thiếu niên đang lớn, hiếu kỳ, tôi tò mò bước ra sân, tiến gần đến khoảng đất trống ngồi chồm hổm xem mấy người lính làm việc. Lâu lâu có tiếng đại bác vọng về, tiếng súng bắn lẻ tẻ vang lên đây đó làm cho bầu không khí chết chóc thêm ngột ngạt, hình ảnh chiến tranh thêm rõ nét.

Dân trong xóm tôi nhốn nháo chạy tới chạy lui, mặt mày ai nấy đều lấm la lấm lét khi đi ngang qua nơi mấy người lính đang làm việc. Bộ mặt của thành phố Sài Gòn lúc đó như người bệnh nặng sắp mất. Ðộ chừng nửa tiếng sau, khi hố được đào khá sâu, một người lính đứng lên, mồ hôi nhễ nhại trên mặt. Anh đưa cánh tay lên cao, quẹt lấy mớ tóc bê bết trên trán để lộ một cái sẹo thật to nơi đuôi mắt phải, đoạn nhìn tôi:

– Em trai chạy vô nhà lấy cho anh xin miếng nước uống đi em.

Tôi đứng dậy co giò phóng vào nhà. Ít phút sau tôi mang ra cho các anh một ca nước đá bự, một cái ly và một ít kẹo đậu phọng với bánh in mà má tôi đưa thêm. Họ ăn, họ uống, họ nói cười vui vẻ, cơ hồ như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ có người thiếu úy là không ăn uống gì cả.

Người thiếu úy này cũng còn trẻ và đẹp trai như Tây lai nhưng dáng dấp rất phong trần, uy dũng. Tôi đoán chừng tuổi đời anh chỉ khoảng 23, 24 gì thôi. Anh có vẻ như đang lo lắng trước tình hình chiến sự lan rộng nên nét mặt luôn phủ một lớp sương mờ căng thẳng. Nắng lên khá cao…

Bỗng một tiếng nổ lớn từ đâu dội lại rung chuyển cả mặt đất. Tôi hoảng hốt. Mấy người lính ngưng đào, ngẩng đầu nhìn quanh. Viên thiếu úy ngó về cuối xóm một thoáng rồi nói với đồng đội:

– Anh em cứ tiếp tục đi, để tôi xuống dưới này xem sao.

Người thiếu úy xốc khẩu M-16 đang mang trên vai lên cao và bỏ đi trong tư thế sẵn sàng tác chiến. Bên trong, má tôi gọi tôi vào và không cho ra khỏi nhà, vì sợ đạn lạc. Xế trưa, lúc ông Dương Văn Minh ra lệnh cho binh sĩ buông vũ khí và đầu hàng vô điều kiện thì má tôi vội vã kêu tôi cầm cái radio-casette hiệu Sanyo ra cho những người lính bên ngoài nghe. Trong khi họ còn sững sờ thì viên thiếu úy từ dưới đang vội vã đi lên. Một anh lính trẻ giơ chiếc radio về viên sĩ quan, hớt hải, nghẹn ngào. Anh nói như sắp khóc:

– Thiếu úy, thiếu úy, ông Minh đầu hàng rồi. Mình thua rồi!

Viên sĩ quan khựng lại một lúc rồi chăm chú nhìn vào cái radio trong im lặng não nề. Tiếng ông Minh kêu gọi đầu hàng cứ được lập đi lập lại hoài khiến người sĩ quan trẻ nổi cáu:

– Ð.m. sao chưa đánh đấm gì đã lo đầu hàng?

Người thiếu úy giận dữ quát tháo, gương mặt đan xen nỗi đau và buồn. Sau một đỗi phân vân, cuối cùng thiếu úy hạ giọng:

– Thôi đi.

Thế là họ bỏ chiến hào đang đào dang dở và hấp tấp chạy trở ra đường. Ðộ chừng một tiếng đồng hồ sau, người ta nghe nhiều tiếng súng AK-47 nổ giòn giã rồi tiếng M-16 bắn liên thanh đáp trả. Lẫn lộn trong đó thỉnh thoảng có cả tiếng súng M-79 đệm vào. Ðứng trong sân nhà nhìn ra, tôi thấy có vài cột khói đen bốc lên cao.

Từ bên ngoài, vài người trong xóm tôi tất tả chạy về. Gặp má tôi đang đứng lấp ló nơi cửa, họ báo:

– Ðang đánh nhau ở ngoài Ngã Năm dữ lắm cô Ba.

Ngã Năm Bình Hòa là giao điểm của năm con đường từ năm hướng khác nhau. Năm Mậu Thân 1968, nhiều trận đánh đã diễn ra ở đây khi Lực Lựợng Bảo Vệ Biệt Khu Thủ Ðô của quân đội VNCH ngăn chặn các mũi tiến công của cộng quân từ bên ngoài đổ về qua mấy cửa ngỏ như Gò Vấp, Cầu Bình Lợi, Lò Vôi hay Ðồng Ông Cộ… nên nó trở thành một trọng điểm chiến lược vì là một trong những lộ chính tiến vô thủ đô Saigon.

Chiều cùng ngày, khi lịch sử đã an bài, dân chúng bắt đầu túa ra đường phố. Lớp thì đón quân “Giải Phóng,” lớp khác lại mừng đất nước “Ðộc Lập,” trong khi tôi thì tò mò theo người cậu họ ra xem tình hình ngoài ngõ. Nghe thiên hạ bàn tán xôn xao có lính chết ở chỗ Ngã Năm Bình Hòa, cậu cháu tôi lần bước tới quan sát. Một đám đông đang vây quanh trước Nhà Thuốc Tây Tiến Thành, là nhà thuốc của má thằng bạn tôi. Cố gắng chui vào đám người hiếu kỳ ấy và luồn lách một tí, tôi tới được bên trong. Giữa vòng người nọ là xác một người lính nhảy dù nằm chết cứng. Ngực thủng một lỗ lớn, chiến bào loang đầy máu và đã chuyển sang nâu sậm nhưng đôi mắt anh vẫn mở trừng trừng. Nhìn kỹ, tôi chợt giật mình: người đó chính là viên thiếu úy ban sáng!

Ðang còn ngỡ ngàng, tôi bỗng thấy có một thanh niên vẹt đám đông bước lại gần xác người thiếu úy. Anh mặc một chiếc quần tây đen ngắn củn và áo thì rộng lùng thùng như đồ của ai cho chớ không phải của anh vậy.

Anh khom người xuống, giơ tay vuốt nhẹ nhàng lấy khuôn mặt lạnh vô hồn kia. Ðôi mắt từ từ nhắm lại và nơi khóe miệng một dòng máu nhỏ rỉ ra bên mép. Dường như chàng thanh niên lâm râm khấn vái điều gì đó nho nhỏ, đoạn anh đứng lên, bước ra với đôi mắt đẫm lệ. Tôi nhận ra ngay anh chính là người lính xin nước tôi lúc sáng, nhờ vết sẹo to nơi đuôi mắt. Thiên hạ bàn tán sôi nổi khi dòng máu tươi nơi khóe miệng của thi hài đã lâu kia rỉ ra. Người miền Nam vốn duy tâm, thiên hạ tin rằng đấy là một điều linh thiêng vì vị sĩ quan này có lẽ còn có chuyện chi oan ức.

Ðột nhiên, chị Bảy bán tạp hóa sau lưng tôi lên tiếng kể lể với những người xung quanh:

– Ông thiếu úy này và mấy người lính của ông ta nấp ở vách tường bên kia kìa. Ðứng trông cửa sổ nhà nhìn qua, tui thấy mấy ổng bắn xuống phía mấy ông “Việt Cộng” ở dưới Ðồng Ông Cộ quá trời. Cuối cùng chắc thấy không xong, ổng biểu mấy người lính của ổng chạy đi còn ổng thì vẫn ở lại. Rồi hình như ổng bị thương sao đó nên bò sang nấp vô Cổng Ðình Thần Bình Hòa này nè. Hai bên còn bắn nhau một lúc lâu nữa và khi không còn nghe tiếng súng thì tui dòm ra thấy ổng lết tới đây rồi chết luôn.

– Hết chiến tranh rồi mà chết, tội nghiệp quá! Không biết có gia đình vợ con gì không? Thân nhân mà hay được chắc là buồn lắm.

Ông già bên cạnh chị Bảy nói theo làm mọi người mủi lòng trước sự hy sinh oai hùng của viên thiếu úy. Chợt một bà cụ cầm tấm chăn, không biết từ đâu, tách đám đông bước vô phủ trùm lên xác người thiếu úy và mếu máo:

– Dù con không có họ hàng gì với bà nhưng bà thấy con chết thảm bà thương quá. Tội nghiệp, con cái nhà ai vậy không biết nữa. Thôi con chết rồi, con hãy thanh thản ra đi và nếu hồn con có thiêng thì phù hộ cho bà con nơi đây được nhiều an lành nha con!

Nhiều tiếng khóc sụt sùi vỡ ra bởi lời lẽ chân thành của bà già. Cảm thấy quá đau lòng trước thảm cảnh thương tâm ấy, tôi thẫn thờ bước ra, chợt trông thấy người lính trẻ còn đang đứng dựa cột nơi quán cơm tháng của Dì Mười khóc rấm rức như trẻ thơ. Ôi, còn đâu người chiến sĩ anh dũng ngày nào! Ôi, còn đâu bộ đồ trận kiêu hùng một thuở! Ðôi vai run run theo tiếng nấc của anh làm tôi bùi ngùi.

Ngẩng mặt lên bắt gặp tôi đang nhìn anh trân trối, anh vụt bỏ đi. Ngó cho đến khi bóng dáng xiêu vẹo của anh khuất nơi cuối chợ, tôi thấy lòng nao nao buồn. Cảm khái trước một nỗi niềm mất mát bao la của tình đồng đội thiêng liêng cao quý lẫn tiếc nuối cuộc đời binh nghiệp nữa đường gãy đổ, tâm hồn tôi tràn ngập cả một sự chua chát to lớn.

Nhưng tôi đâu biết rằng, đó chỉ là khởi điểm của một trang sử đau thương cho dân tộc, cho hàng vạn sinh linh sau này.

 


 

CHUYỆN ĐỜI NGÀNH Y – Truyện ngắn HAY

Kimtrong Lam                                                                                           

Sáng thứ tư, ngồi phòng khám, có nhiều chuyện về những bệnh nhân làm tôi suy nghĩ nhiều. Buồn vui lẫn lộn. Xin kể ra đây hai câu chuyện.

CHUYỆN THỨ NHẤT.

Cô bé gái có gương mặt rất xinh bẽn lẽn theo mẹ vào phòng khám. Chưa kịp nhìn tên, chỉ mới nhìn đôi mắt, vô thức tôi chợt bật lên thành tiếng:

– Bé Q phải không?

– Dạ đúng rồi bác Khôi. Bé Q đó. Cả mười năm mới gặp lại bác.

Trong cuộc đời hành nghề Y, tiếp xúc với không biết bao nhiêu thân phận, nhưng có những gương mặt vui buồn, không vui không buồn, tôi không thể nào quên. Bé Q là một trường hợp như vậy. Lần đó, chúng tôi tiếp nhận một bé gái có đôi mắt chiếm gần nửa khuôn mặt trong tình trạng vặt vẹo. Hỏi ra mới biết sau sinh đâu tâm một tháng thì em bé cứ có những cơn đau gồng cứng người. Thể trạng mỗi lúc một kém đi. Người mẹ xứ Quảng bồng con lên xe vào Sài Gòn. Lê la mấy tháng trời qua nhiều bệnh viện rồi cuối cùng đến với chung tôi. Qua siêu âm, tôi chẩn đoán cháu bị bệnh ALCAPA, tức là một động mạch vành trái nuôi tim không xuất phát từ động mạch chủ như bình thường để nhận máu đỏ giàu oxy mà lại xuất phát từ động mạch phổi, nơi có độ bão hòa oxy rất thấp. Trái tim bé vì vậy mà bị nhồi máu (như người lớn) ngay từ những ngày đầu.

Siêu âm là vậy. Phẫu thuật viên cũng đồng thuận với chẩn đoán nhưng chủ trì hội chẩn là thầy tôi, không phải là bác sĩ chuyên khoa tim mạch nhi, muốn chắc chắn nên yêu cầu chụp CT. Oái ăm một nỗi là chụp CT thì bảo là bình thường. Tôi lập thệ với thầy là tôi đúng. Không mổ chuyển lại thì em bé sẽ chết. Vậy là tôi và phẫu thuật viên phải cam kết danh dự. Cuối cùng cuộc mổ cũng thành công. Dĩ nhiên là chúng tôi đúng. Trái tim em bé đã rất yếu.

Nguy cơ tử vong cao. Gia đình lại không có tiền. Lúc đó, chúng tôi kêu gọi và nhanh chóng nhận được ủng hộ. Em bé sau đó ra viện.

Lần này vào tái khám, chức năng tim tốt đến không thể tưởng tượng. Chỉ còn lại vết sẹo thiếu máu cũ trong tim là nhắc nhớ về một căn bệnh thập tử nhất sinh ngày xưa.

Mẹ và bé sau khi nhận được kết quả và tư vấn của bác sĩ liền vội ra về. Một cô bé đẹp. Vẫn đôi mắt to tròn như ngày xưa và giờ đã bắt đầu có nét lúng liếng của tuổi tiền dậy thì.

Một cảm giác ấm lòng.

CHUYỆN THỨ HAI

Trước mặt tôi là một người nữ, nếu không nhìn vào năm sinh thì tôi chắc chắn không thể đoán ra tuổi tác. Và cũng nhìn vào cái tên không phải tên Việt mà của người Chăm vùng An Giang nên tôi mới ngỡ ngàng nhận ra.

Ngày đó, chắc cũng đâu cùng thời gian với bé Q, một bé gái được đưa từ An Giang đến. Ấn tượng nhất là bé khóc không có cách gì dỗ nín, không ai có thể dỗ nín. Khóc từ đầu đến cuối, khóc đến khi mệt quá thì thôi. Tỉnh dậy khóc tiếp. Bé mắc hội chứng Williams, một hội chứng di truyền làm mô liên kết (mô dẻo) trong cơ thể thiếu một protein làm dẻo nên các mạch máu rất dễ cứng và gây hẹp. Hẹp nhất là ngay sau van động mạch chủ.

Nhà bé rất nghèo nên mọi chi phí phẫu thuật đều do tài trợ. Bé mổ xong tạm ổn. Mỗi lần lên tái khám là mẹ chạy xe máy từ Châu Đốc đến Quận 5 ngày xưa (giờ là phường Chợ Lớn). Đi xe đò không đủ tiền. Mỗi lần đến là như một lần đánh vật vì thuốc an thần không có cửa làm bé dịu di. Ai cũng biết bé. Cả cái tên khá đặc biệt đó ai cũng nhớ.

Giờ ngồi trước mặt tôi là một cô gái béo phì cực nặng. Tâm trí không hơn một đứa trẻ lên tư. Khuôn mặt buồn như được tạc từ đá đen.

– Nó ăn ít lắm bác ơi. Chỉ suốt ngày ăn vặt và uống nước ngọt.

– Nước ngọt có hại lắm đó. Nguyên nhân béo phì đấy.

– Dạ. Biết mà nói nó có nghe đâu. Ưa làm gì nó làm. Nửa đêm ưa bỏ nhà đi thì đi. Hai vợ chồng tui cực muốn chết. Mới hôm trước nó bỏ nhà đi mấy ngày luôn.

Vậy đó. Bác sĩ còn có cách nào hơn để giúp gia đình? Chỉ lưu ý rằng những bé bị hội chứng Williams này rất ngây thơ và hoàn toàn không có cơ chế nghi ngờ còn người. Các bé, cả nam lẫn nữ, đều là nhóm nguy cơ cao bị lạm dụng tiền bạc, lạm dụng tình dục. Mà cả thành thị lẫn nông thôn, bọn biến thái luôn luôn có mặt. Chợt rùng mình nghĩ về chuyện một bé vừa mắc bệnh tim, vừa thiểu năng lại phải mang trong mình một bào thai. Khổ không biết để đâu cho hết.

Hai cha con lầm lũi dẫn nhau ra về. Người cha với những bước chân nặng nề. Con gái với những bước đi mông lung vô định như đang đi trong làn sương mù dẫu hành lang đang lô nhô người đứng, người ngồi.

Vậy đó. Chuyện thường nhật của một bác sĩ bình thường luôn thăng trầm với những phận người rất đỗi bình thường. Mà cũng chính những cái rất đỗi bình thường ấy, không sân khấu, không hào quang chói lọi ấy chính là ý nghĩa thẳm sâu nhất và cũng là bệ đỡ tinh thần của một thầy thuốc.

Trong ảnh là một bé khác ở Bến Tre, bác sĩ đi thăm sau khi được mổ tim.


 

Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô – Cha Vương

Happy July 4th đến bạn và gia đình nhé. Tạ ơn Chúa, cảm ơn U.S.A.!

Cha Vương

Thứ 6: 04/07/2025 -5-24

TIN MỪNG: Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh. (2 Cr 12:10)

SUY NIỆM: Trên đời nay không ai muốn tự cho mình là yếu cả, thế mà Thánh Phao-lô dám tuyên bố rằng: tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối… Khi tôi yếu là lúc tôi mạnh! Điều bí ẩn gì mà Thánh Phao-lô muốn nói với bạn hôm nay? Ý ngài muốn giúp bạn khám phá ra về lợi ích thiêng liêng trong sự yếu đuối của mình. Để chấp nhận những giới hạn và yếu đuối của mình một cách dễ dàng, bạn cần phải có đức khiêm nhường, qua đó bạn mới đến với Chúa trong sự yếu đuối mỏng giòn của mình được. Khiêm nhường là mở lòng để đón nhận ý Chúa, mở lòng để sống theo ý Chúa. Như bạn cũng đã biết nước Hoa Kỳ được liệt kê là một cường quốc. Thế mà trong bản tuyên ngôn độc lập có viết một câu đã trở thành niềm kiêu hãnh và sự công nhận quyền bình đẳng, quyền tự do cho mỗi công dân Hoa Kỳ trong đó có bạn nữa: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng Đấng Tạo Hoá đã ban cho họ những quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có Quyền Sống, Quyền Được Tự Do và Mưu Cầu Hạnh Phúc.” Vì cả guồng máy chính trị được đặt trên nền tảng bất cả xâm phạm này mà nước Hoa Kỳ được trở nên hùng mạnh. Họ hùng mạnh không phải vì họ có những loại vũ khí tối tân nhất thế giới nhưng mà là do họ biết đặt Đấng Tạo Hoá (Thiên Chúa) lên hàng đầu. Đúng là họ đã hiểu được lời thánh Gioan nói: “vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (x Ga 15:5b) Vậy hôm nay trong bầu không khí mừng Lễ Độc Lập, mời bạn hãy dành thời gian để cầu nguyện cách riêng cho đất nước Hoa Kỳ, xin Chúa luôn bảo vệ mảnh đất tự do mà Chúa đã ban để mọi người công dân được “có Quyền Sống, Quyền Được Tự Do và Mưu Cầu Hạnh Phúc”.

LẮNG NGHE: ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. ( St 12:1,2)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa là Đấng hiền lành khiêm nhường, thật diễm phúc cho con được gọi là con của Chúa, xin đoái nhìn đến phận yếu hèn của con, xin đừng để con đi ra khỏi con đường Chúa đã vạch ra cho con, và xin cho con luôn bước theo Chúa để được hạnh phúc muôn đời.

THỰC HÀNH: Đọc 10 Kinh Kính Mừng để dâng đất nước Hoa Kỳ cho Mẹ Maria. 

From: Do Dzung

https://www.youtube.com/watch?v=MfJ78D-zUZY

 Tất Cả Là Hồng Ân || St Lm. Huy Hoàng || Tb Sr Hoàng Phương

NHÂN SINH – Truyện ngắn cảm động – HAY

Xuyên Sơn

Sáng nào tôi cũng thấy cậu bé này cầm cái lon đứng trước quán ăn.

Tôi để mắt theo dõi thì thấy thực khách vừa kêu tính tiền thì cậu bé chạy vào và nhìn vào những cái tô, nếu còn thức ăn dư thì vội vã trút vào cái lon rồi chạy ra ngoài đứng ngóng tiếp.

Khi cái lon gần đầy thì cậu bé biến mất. Bàn tôi ngồi thì đứa bé không bao giờ quan tâm tới,

vì mỗi sáng tôi chỉ đủ tiền uống 1 ly cà phê.

Cứ thế, mà hơn một năm tôi mới quen và tìm hiểu chút ít về hoàn cảnh gia đình của đứa bé,

mới biết cháu tên Tuấn.

Tôi cố tình làm quen với cậu bé nhờ hôm ấy trời mưa, cậu bé đứng nép vào trong quán.

Cậu bé đứng nép vào ngày càng sâu hơn trong quán vì mưa ngày càng lớn chỉ cách tôi chừng độ nửa thước.

Tôi với tay kéo ngồi xuống bàn và hỏi cháu có thích uống cà phê không?

Tuấn lắc đầu lia lịa và không uống.

Tôi hỏi cháu làm gì ngày nào cũng ra đây?

và hiện sống với ai?

Cậu bé như đoán được rằng:

tôi chỉ là người khách ghiền cà phê nặng nên hàng ngày đóng đô ở đây nên cậu bé cũng trả lời nhanh nhẹn rằng:

– “Con sống với ba má con,

Ba con đi làm xa còn Má con đi phụ buôn bán ở ngoài chợ…”

Tôi hỏi tiếp:

– “Còn con có đi học không ?”

Tuấn nói:

– “Con không có đi học… Con ở nhà phụ với má nuôi heo…”.

Đó là lý do để nói lên sự hiện diện hằng ngày của Tuấn nơi quán ăn này.

Nghe cậu bé nói như thế, tôi nói với chị chủ quán ăn giúp cho Tuấn lấy những cơm và thức ăn thừa, và cũng từ đó Tuấn không còn đứng lúp ló ngoài cửa quán nữa.

Và nhờ tính tình hiền hậu thật thà mà chị chủ quán cho Tuấn vô phụ dọn bàn đề lấy thức ăn dư mang về và cho Tuấn ăn uống để phụ việc. Từ đó tôi và Tuấn gần gũi nhau hơn và thân với nhau lắm.

Có lần Tuấn hỏi tôi:

– “Chú làm nghề gì vậy hả chú?”

Tôi chỉ trả lời ngắn gọn qua loa không nói rõ làm nghề gì.

Đúng vậy tôi mới cải tạo về mà, vợ con thì đã theo bên ngoại vượt biển hết rồi, nghe đâu đã định cư bên Úc, nay về ở với mẹ già ngày một buổi cà phê hai bữa cơm độn qua ngày.

Thời gian chậm chạp trôi qua, may mắn vợ chồng tôi đã bắt liên lạc được với nhau. Thế là những bữa cơm không còn ăn độn khoai củ nữa nhưng vẫn quen cứ sáng cà phê quán gần nhà.

Không biết chị chủ quán có bỏ bùa mê hay không mà tôi ghiền không bữa nào vắng.

Một hôm, tôi đề nghị theo Tuấn về nhà cháu chơi cho biết vì Tuấn nói ở cũng gần không xa lắm. Thấy cháu do dự và tỏ vẻ sợ sệt, tôi biết ngay Tuấn đang dấu diếm điều gì.

Thương Tuấn lắm, tôi dúi tiền cho Tuấn hoài. Mấy hôm sau tôi lẳng lặng đi theo Tuấn khi Tuấn mang cơm và thức ăn dư về nhà buổi trưa. Khi thấy Tuấn lủi vô một cái chòi nhỏ xíu thì tôi thật sự không ngờ.

Đứng dưới gốc cây Gòn cách nhà cháu không xa tôi thầm nghĩ, nhà chút xíu như vậy gia đình 3 người ở thì chỗ đâu mà nuôi heo. Tôi đang đứng suy nghĩ thì Tuấn lục tục xách lon xách nồi đi ra quán để thu dọn thức ăn buổi chiều.

Đợi Tuấn đi khuất tôi đến gần. Đến đó mới nhìn rõ thì thật ra đâu có phải là nhà, một lõm trống được che dựng lên bằng những phế liệu đủ loại muốn chui vào phải khom người xuống.

Nghe thấy có tiếng chân dừng lại, có tiếng đàn bà vọng ra hỏi. Tôi trả lời là đi kiếm Tuấn,

thì nghe giọng đàn ông cho biết Tuấn vừa đi khỏi rồi, và hỏi tôi là ai, mời tôi vào….

Vừa khom người chui vào tôi mới thật sự không ngờ những gì hiển hiện trước mắt tôi.

Người đàn ông hốc hác cụt hai chân tuổi cũng trạc tôi nhưng trông yếu đuối, lam lũ và khắc khổ lắm.

Một người phụ nữ mắc bệnh, gương mặt xác xơ cả hai đang ăn những thức ăn mà Tuấn vừa mới đem về.

Vừa bàng hoàng, vừa cảm động vừa xót xa, nước mắt tôi bất chợt tuôn rơi mặc dù tôi cố nén…

Từ đó, tôi hiểu rõ về người phế binh sức tàn lực kiệt sống bên người vợ thủy chung tần tảo nuôi chồng bao năm nay giờ mang bệnh ác tính nặng nề thật đau xót.

Tôi móc hết tiền trong túi biếu tặng và cáo lui.

Về đến nhà tôi vẫn mãi ám ảnh hoàn cảnh bi thương của gia đình cậu bé mà tôi bỏ cơm nguyên cả ngày luôn.

Sáng hôm sau ra uống cà phê, Tuấn gặp tôi thì lấm lét không dám nhìn tôi vì cháu đã biết trưa hôm qua tôi có tới nhà.

Tuấn thì tỏ vẻ sợ tôi, nhưng tôi thực sự vừa thương vừa nể phục cháu nhiều lắm.

Tôi kêu Tuấn lại và nói nhỏ tại sao không cho tôi biết.

Tội nghiệp Tuấn cúi đầu im lặng làm lòng tôi thêm nỗi xót xa.

Có khách kêu trả tiền, như có cơ hội né tránh tôi Tuấn chạy đi dọn bàn và tiếp tục công việc thu dọn thức ăn.

Hèn gì sau này Tuấn để thức ăn dư phân loại đàng hoàng lắm.

Tội nghiệp hoàn cảnh của cậu bé mới mấy tuổi đầu mà vất vả nuôi cha mẹ theo khả năng chỉ tới đó. Cha là một phế binh cũ trước năm 75 cụt hai chân, mẹ thì bị bệnh gan nặng, cặp chân sưng vù lên đi đứng thật khó khăn, nước da thì vàng.

Tuấn là lao động chính trong gia đình, Tuấn có hiếu lắm. Từ đó tôi thường cho tiền cháu mua bánh mì cơm gạo về nuôi cha mẹ.

Vợ tôi làm thủ tục bảo lãnh tôi sang Úc. Ngày tôi đi tôi đau xót phải để lại hai nỗi buồn đó là để mẹ và em gái lại quê nhà và không còn cơ hội giúp đỡ Tuấn nữa.

Sang Úc định cư, tôi sống tại tiểu bang Victoria mấy năm đầu tôi hết sức cơ cực vì phải vật lộn với cuộc sống mới nơi đất mới và đối với tôi tất cả đều mới mẻ và xa lạ quá.

Từ ngôn ngữ đến thời tiết đã làm tôi lao đao không ít.

Thỉnh thoảng tôi gửi tiền về nuôi mẹ và em gái không quên dặn em gái tôi chuyển cho Tuấn chút ít gọi là chút tình phương xa.

Mấy năm sau tôi về thăm gia đình, tôi có ghé tìm Tuấn thì Tuấn không còn lấy thức ăn trong quán đó nữa.

Tôi mới kể rõ hoàn cảnh Tuấn cho chị chủ quán biết.

Chị chủ quán đôi mắt đỏ hoe trách tôi sao không cho chị biết sớm để chị tìm cách giúp gia đình Tuấn.

Tôi chỉ bào chữa rằng tại cậu bé muốn giấu không cho ai biết!

Tôi ghé vội qua nhà cháu thì mới hay mẹ Tuấn đã qua đời vì căn bệnh ung thư gan.

Chỉ còn một mình ba Tuấn ở trần nằm một góc trông hết sức thương tâm.

Hỏi thăm thì mới biết Tuấn đã xin được việc làm đi phụ hồ kiếm tiền về nuôi cha.

Chủ nhật tôi tới tìm Tuấn, chỉ mới có mấy năm mà Tuấn đã cao lớn thành thanh niên rất đẹp trai duy chỉ đen vì phơi nắng để kiếm đồng tiền.

Tôi dẫn Tuấn trở ra quán cà phê cũ, thấy Tuấn hơi ái ngại, tôi trấn an là bà chủ quán tốt lắm tại không biết được hoàn cảnh gia đình Tuấn.

Ra đến quán ăn chị chủ quán năn nỉ Tuấn về làm với chị, dọn dẹp và bưng thức ăn cho khách nhẹ nhàng hơn đi phụ hồ và chị sẽ trả lương như đang lãnh bên phụ hồ, tối về thức ăn thường bán không hết chị cho đem về nhà dùng khỏi phải mua hay đi chợ.

Lần đầu tiên tôi thấy Tuấn khóc, chị chủ quán cũng khóc theo làm tôi phải đứng dậy bỏ ra ngoài để khỏi phải rơi nước mắt vì chịu không nổi.

Tuấn vừa khóc vừa nói:

“Sao ai cũng tốt với gia đình con hết đó, nhưng vì con đang làm phụ hồ cho anh Năm, anh ấy cũng tốt lắm giúp đỡ gia đình con nhiều lắm, sáng nào cũng mua cho ba con gói xôi hay bánh mì trước khi tụi con đi làm.

Con cũng mang ơn ảnh nhiều nên con không thể nghỉ được, con xin lỗi”.

Chị chủ quán vừa gạt nước mắt vừa nói:

“Bất cứ lúc nào con cần đến cô thì con đừng ngại, cho cô biết nhé…”

Đời này cũng còn có những hoàn cảnh bi đát ít ai biết đến, và cũng có những đứa con xứng đáng như Tuấn.

Ngày về lại Úc, tôi đến biếu hai cha con Tuấn hai triệu đồng, thấy Tuấn và ba Tuấn mừng lắm tôi cũng vui lây. Không biết phải giúp gia đình Tuấn như thế nào, tôi chụp hình ba Tuấn, photo giấy tờ ba Tuấn đem về Úc gởi cho Hội cứu trợ thương phế binh bị quên lãng trụ sở ở Sydney.

Mấy tháng sau nhận được thư ba Tuấn viết qua, ông quá vui mừng khi được Hội bên Úc giúp đỡ gửi tiền về, ông cho biết suốt bao nhiêu năm qua lần đầu tiên ông thấy được niềm hạnh phúc khi cuộc đời phế binh của ông còn có người nhớ đến.

Không biết ông ấy vui bao nhiêu mà chính tôi cũng hết sức vui mừng khi thực hiện một việc làm đem niềm vui đến cho những người phế binh sống hết sức đói nghèo bên quê mẹ.

( st )


 

 “ĐẠI GIA” SÀI GÒN

Chuyện tuổi Xế Chiều – Công Tú Nguyễn

Bà già ngồi góc chợ bán đậu phộng luộc, bận áo bà ba màu cổ trầu, trên áo, mảnh vá nhiều hơn khung cửa sổ của bất kỳ tòa chung cư nào, điếu thuốc cháy dở trên tay, dòm chịu chơi ngầu quá ngầu.

Cô bán vé số đi ngang ghé lại: “Nay bán được không già.”

– Già cả mà ăn uống nhiêu. Tao đại gia mà mậy.

– Tui kêu bà qua bán vé số đi có ăn hơn.

– Thôi già rồi tính toán tiền bạc mệt lắm.

Cô bán mắm nói chen: “Kêu bả lên sạp ngồi với tao mà bả không chịu á chứ.”

Bà già không còn răng bặm bợ cười hiền: “Thôi…”

Cuộc hàn huyên chợ xôm tụ. Cô vé số than bán ế, sáng giờ mới bán được hai tờ cũng mua ủng hộ bà già lon đậu.

Bà già: “Thôi mày cũng ế mà, khá gì hơn tao đâu. Bữa nào trả tao cũng được.”

Thằng nhỏ bán cá chạy lại, nói “ngoại  bán con một lon”. Bà kêu trả năm ngàn đồng được rồi. Thằng nhỏ dúi cho mười lăm ngàn. Bà nhìn rồi chớp mắt lia lịa: “Thôi mày cho tao, thì tao cũng cho mày thêm một nắm. Rồi dứt khoát nghen. Nè nè, mày hút thuốc không, tao cho…”

– Dạ con cám ơn…

Sài Gòn của tôi là thế – người ta nói “thà cho vàng chứ không ai chỉ đàng đi buôn”. Không, người Sài Gòn cho nhau hơn cả vàng.

  Cô bán vé số không khá hơn cô bán mắm, cô bán mắm không khá hơn bà già bán đậu và thằng nhỏ bán cá không khá gì hơn ai cả. Nhưng

  Cô bán vé số cho bà già “cái đàng đi buôn”, cô bán mắm chia cho bà già một góc nhỏ cần lao, bà già cho thằng nhỏ cách làm người – có qua có lại.

  Và – ngày ngày người Sài Gòn vẫn cầm vàng mà trao cho nhau.

Ảnh thiệt, bài viết sưu tầm.

Fb:Rosa cỏ xanh


 

Ở ĐỜI, VÌ SAO CỨ PHẢI HƠN THUA?

Wendy Phan 

Ở đời, người ta chẳng mấy khi sống cho mình thanh thản. Lúc nào cũng ganh đua, lúc nào cũng soi mói, lúc nào cũng lăm le bắt lỗi nhau từ một câu nói, một ánh mắt, một hành động. Không phải vì họ không biết mệt, mà vì trong lòng đã quá đầy sân si. Hơn thua trở thành bản năng, đố kỵ như máu chảy trong tim.

Thử hỏi, người ta hơn nhau để làm gì? Để thấy mình giỏi hơn ư? Để người khác bị hạ thấp đi ư? Nhưng rồi có được gì ngoài một cơn hả hê ngắn ngủi và một tâm hồn ngày càng mục ruỗng? Người sống trong hơn thua thì lúc nào cũng thấy cuộc đời là một cái chợ – ồn ào, bon chen, chẳng có chỗ cho bình yên.

Người ta nhìn nhau chẳng bằng sự thấu cảm, mà bằng đôi mắt phán xét. Thấy ai nói sai một lời là chụp mũ, thấy ai lỡ lời là quay lưng. Họ không nghe để hiểu, họ nghe để bắt lỗi. Họ không lắng nghe bằng trái tim, mà lắng nghe bằng định kiến. Và thế là, bao nhiêu mối quan hệ tốt đẹp, bị giết chết bởi một câu nói chưa kịp giải thích, một ánh mắt chưa kịp hiểu nhau.

Ở đời, cái đáng sợ không phải là bị người khác làm tổn thương, mà là bị chính lòng đố kỵ của họ đâm sau lưng. Có những người không vui khi bạn thành công, không buồn khi bạn thất bại, nhưng lại hả hê khi bạn sa cơ lỡ vận. Họ không muốn bạn hạnh phúc hơn họ, bởi trong lòng họ, hạnh phúc không được xây từ yêu thương, mà từ sự ghen ghét.

Nhưng suy cho cùng, đời người ngắn lắm. Hơn nhau một chút rồi cũng về với cát bụi. So nhau từng lời, từng ánh nhìn rồi cũng chẳng ai mang theo được gì. Hơn thua chỉ khiến tâm hồn thêm nặng nề. Còn buông bỏ mới là khởi đầu của tự tại.

Hãy sống như dòng sông – lặng lẽ chảy, nhưng mang theo bao điều mát lành. Đừng là ngọn lửa – chỉ biết thiêu rụi những gì không hợp với mình. Ở đời, nếu ai cũng biết nhìn nhau bằng lòng từ bi thay vì sự đố kỵ, biết nghe nhau bằng sự bao dung thay vì định kiến, thì có lẽ, nhân gian đã nhẹ nhàng hơn một chút.

Bởi vì… chẳng có ai thắng khi tâm hồn đã thua.

Và sau cùng…

Ở đời, người ta cứ mãi chạy theo hơn thua mà quên mất điều quý giá nhất: bình yên trong tâm hồn. Họ để một lời nói khiến mình mất ngủ, để một ánh nhìn khiến lòng dậy sóng, để những đố kỵ nhỏ nhoi điều khiển cả cách sống, cách nghĩ. Nhưng rốt cuộc, người khiến ta khổ không phải ai khác – mà chính là ta, vì cứ khư khư giữ lấy những điều không đáng giữ.

Đừng sống để chứng minh mình hơn ai. Hãy sống để mỗi ngày soi gương, lòng thấy nhẹ, tâm thấy an, và không hổ thẹn với chính mình. Hạnh phúc thật sự không đến từ việc đứng trên người khác, mà là khi ta đứng vững giữa giông gió cuộc đời mà lòng vẫn thanh thản.

Hơn thua là trò chơi của kẻ chưa hiểu mình. Bao dung là bản lĩnh của người đã thấu đời.

Thế nên, nếu có thể, xin hãy học cách buông một lời phán xét, nhịn một câu đố kỵ, và mở lòng mà sống tử tế với nhau.

Bởi suy cho cùng, gieo gì thì gặt nấy. Gieo hơn thua, gặt khổ đau. Gieo nhân từ, gặt bình an.

Suu Tam

#Wendyphan

#suutam

#ynghiacuocsong