Thánh Gemma Galgani

 Thánh Gemma Galgani       (1878 – 1903)

 Thánh Gemma Galgani sinh ở Camigliano, nước Ý, và là thứ tư trong gia đình có tám người con. Cô là một người thông minh, thân thiện, hăng hái và dễ mến, nhưng tinh thần cầu nguyện và sự thâm trầm của cô thì không một người trẻ nào sánh được.

   Mẹ của Gemma bị mắc bệnh lao và bà từ trần khi Gemma mới bảy tuổi. Mặc dù rất đau khổ khi phải mồ côi mẹ, Gemma đã biết an ủi các anh chị em mình rằng: “Mẹ chúng ta đã về trời, mẹ đã đau khổ nhiều — nhưng bây giờ mẹ không còn đau khổ nữa.”

 Cha của Gemma là một dược sĩ và thường rất khá giả, nhưng bệnh tình lâu ngày trong gia đình đã làm kiệt quệ tài chánh. Dần dà, họ trở nên nghèo nàn. Thêm vào đó, cha của Gemma lại mắc bệnh ung thư cổ và cô phải chăm sóc ông cho đến khi ông từ trần lúc Gemma 19 tuổi. Như thế, trước khi hai mươi tuổi, Gemma đã được chứng kiến sự đau khổ của cha mẹ mình và đã thi hành tất cả những gì có thể để khuây khoả và an ủi các ngài.

 Sau khi từ chối lời cầu hôn của hai thanh niên, Gemma ao ước đi tu, nhưng vì lý do sức khoẻ và vì nghèo nên cô bị từ chối. Cô chấp nhận sự thất vọng này như một hy sinh dâng lên cho Chúa. Trong thời gian ấy, Gemma tiên đoán rằng các tu sĩ dòng Thương Khó sẽ thành lập một tu viện ở Lucca, và điều này đã xảy ra sau khi cô từ trần được hai năm.

 Vào năm 21 tuổi, một tiếng nói bên trong cho Gemma biết là cô sẽ được ơn lạ thường. Sau đó cô cảm thấy đau nhói ở chân tay và ngực, và có máu tiết ra ở những nơi ấy. Ðó là những thương tích như trên thân thể Chúa Giêsu xưa. Vào mỗi tối thứ Năm, Gemma rơi vào trạng thái ngây ngất và các dấu thánh bắt đầu xuất hiện. Mãi cho đến chiều thứ Sáu, các dấu thánh mới tan biến và đến sáng thứ Bảy thì máu mới ngưng chảy, các vết thương như đóng lại, chỉ còn một vệt trắng mờ trên da. Các dấu thánh tiếp tục xuất hiện cho đến khi cha giải tội cấm cô không được chấp nhận các dấu ấy. Qua lời cầu nguyện của cô, hiện tượng này chấm dứt, nhưng các vết sẹo trắng vẫn còn thấy ở trên da.

 Vào tháng Giêng 1903, bác sĩ cho biết Gemma bị lao phổi, và ba tháng sau đó, vào ngày thứ Bảy Tuần Thánh, với sự chứng kiến của cha sở, cô từ giã cõi đời khi mới hai mươi lăm tuổi. Cha sở kể lại: “Cô ấy chết với nụ cười vẫn còn nở trên môi, nên tôi không tin là cô ấy thực sự đã chết.”

Cô Gemma được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong chân phước năm 1933 và được Ðức Giáo Hoàng Piô XII phong thánh vào ngày 2 tháng Năm 1940, chỉ có ba mươi bảy năm sau khi từ trần.

Thánh Giáo Hoàng Martin

 Thánh Giáo Hoàng Martin
    (c. 655)

Khi Ðức Martin I làm giáo hoàng năm 649, Constantinople là thủ đô của Ðế Quốc Byzantine và Ðức Thượng Phụ Constantinople là vị lãnh đạo Giáo Hội có thế lực nhất của Kitô Hữu Ðông Phương. Những tranh chấp hiện có trong Giáo Hội hoàn vũ thời bấy giờ lại càng thêm quyết liệt bởi sự cộng tác chặt chẽ giữa hoàng đế và đức thượng phụ.

  Một giáo huấn được Giáo Hội Ðông Phương quyết liệt bảo vệ là cho rằng Ðức Kitô không có ý chí của loài người (*). Ðã hai lần, các hoàng đế chính thức lên tiếng bảo vệ lập trường này, lần đầu Hoàng Ðế Heraclius cho công bố bản tuyên xưng đức tin, và sau đó Hoàng Ðế Constant II ra lệnh bác bỏ vấn đề Ðức Kitô có một hoặc hai ý chí.

  Trước khi được chọn làm giáo hoàng, Ðức Martin từng là người đọc sách và là phó tế. Và sau khi nhậm chức không lâu, Ðức Martin đã tổ chức một công đồng ở Latêranô mà trong đó các sắc lệnh của vua bị kiểm duyệt, và đức thượng phụ của Constantinople cũng như hai vị tiền nhiệm đều bị lên án là sai lạc. Ðể đối phó, Hoàng Ðế Constant II cố vận động các giám mục và dân chúng chống đối đức giáo hoàng.

  Sau khi thất bại trong mưu toan này, hoàng đế sai Olympius, quan tổng trấn Ravenna, bắt đức giáo hoàng đưa về Constantinople xét xử. Nhưng Olympius thất bại, và đến năm 653, quan tổng trấn mới là Theodore Collipas đã xâm chiếm Rôma và bắt giam đức giáo hoàng ở Naxos trong một năm trời. Sau khi điệu về Constantinople, Ðức Martin bị kết tội phản loạn và bị tử hình. Mặc dù các tra tấn đã được thi hành, Ðức Martin được thoát án tử nhờ sự can thiệp của Ðức Phaolô II, vị thượng phụ của Constantinope, là người đã ăn năn sám hối về hành động của mình. Bản án tử hình được đổi thành khổ sai chung thân.

  Vì hậu quả của các cuộc tra tấn và cực hình, Ðức Martin đã từ trần sau đó không lâu. Ngài là vị giáo hoàng sau cùng chịu tử đạo.
    Lời Bàn

  Ý nghĩa thực sự của chữ tử đạo không phải là sự chết, mà là sự làm chứng. Vị tử đạo sẵn sàng hy sinh mọi sự, quý giá nhất là sinh mạng của họ, và đặt đức tin lên trên hết. Tử đạo, chết vì đức tin, là một cao độ bất ngờ mà một số người phải trải qua để thể hiện đức tin của mình nơi Ðức Kitô. Một đức tin sống động, một cuộc đời theo gương Ðức Kitô bất kể những khó khăn, đó là sự đòi hỏi của tất cả Kitô Hữu.

 (*) Lạc thuyết độc chí (monothelitism) cho rằng Ðức Kitô chỉ có một ý chí độc nhất là ý chí Thiên Chúa.

Mời Xem và Suy Ngẫm

Mời Xem Và Suy Ngẫm...
 
 
            Có một câu nói rất hay rằng tức giận là lấy sai lầm của người khác để trừng phạt chính mình, cứ mãi nhớ và không quên khuyết điểm của người khác thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bản thân mình, bởi lẽ đó để có được niềm vui và cuộc sống thanh thản ta không nên truy cứu lỗi lầm của người khác.
 Đức Đạt Lai Lạt Ma kể về một vị sư già, sau khi bị nhà nước CSTQ giam tù 20 năm, đã vượt biên trốn sang Ấn Độ. Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi vị sư già này, rằng trong 20 năm tù kia, nhà sư lo sợ điều gì nhất. Vị sư già trả lời, rằng trong 20 năm trong tù lúc nào cũng chỉ lo sợ có mỗi một điều: Chỉ sợ rằng mình mất đi Bồ Đề Tâm, chỉ sợ có khi nào khởi lên lòng oán giận các cai tù, chỉ sợ có khi nào lòng mình khởi lên căm thù… Chỉ sợ lòng mình không giữ được Từ Bi, nhẫn nhục
 
 Sao phải đợi đến lúc cô đơn mới nhận ra giá trị của một người bạn?
Sao phải đợi được yêu rồi mới đem lòng yêu người?
Sao phải đợi có thật nhiều rồi mới chia sẻ một chút?
Sao phải đợi một nỗi đau rồi mới nhớ đến một lời ước nguyện?
Sao phải đợi có thời gian mới đem sức mình ra phục vụ?
Bạn ơi, sao phải đợi? Bởi có thể rằng bạn không biết bạn sẽ đợi đến bao lâu.
Đã bao nhiêu lần ta chần chừ để rồi cơ hội vuột đi?…
 
“Điều gì làm Ngài ngạc nhiên nhất ở nhân loại?”
Đức Đatlai Lama trả lời:” Con người … bởi vì con người phung phí sức khỏe để tích tiền của, rồi lại bỏ tiền ra để tìm mua lại sức khỏe.
Và vì quá lo nghĩ cho tương lai, con người quên mất hiện tại, đến nỗi không sống với hiện tại lẫn tương lai.
Con người sống như thể sẽ không bao giờ chết … Nhưng rồi sẽ chết như chưa từng sống bao giờ.”
 
 Yêu thương như bạn vẫn thường yêu, sống như bạn vẫn thường sống nhưng với một niềm tin là bạn không thể có cuộc sống này lần nữa.
Hạnh phúc mà bạn đang có hay nỗi đớn đau mà bạn đang mang là duy nhất, bạn hãy chấp nhận và thưởng thức.
Như bạn chỉ có thể sống được ngày hôm nay, còn ngày mai, ngày mai đó chưa tới và chắc chắn, ngày mai đó vẫn sẽ tới, nhưng có thể sẽ không còn có bạn.
 
Có hai chuyện phải lo lắng:
Hoặc là bạn khỏe mạnh hoặc bạn bị đau.Nếu khỏe mạnh, thì chẳng có gì phải lo lắng
Nếu bị đau, thì có hai điều phải lo lắng:
Hoặc sẽ được bình phục hoặc sẽ chết.
 Nếu đưọc bình phục, thì chẳng có gì phải lo lắng.
Nếu bị chết, thì có hai điều phải lo lắng.
Hoặc lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục. Nếu lên thiên đàng, thì chẳng có gì phải lo lắng.
Nếu xuống địa ngục, thì … , còn thì giờ đâu nữa mà lo với lắng.
 

Thế thì tại sao bạn phải lo??? (=> có lý lắm thay!!!)

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT THẬT BẤT CÔNG?

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT THẬT BẤT CÔNG?

(Suy tư nhân lễ Lòng Chúa Thương Xót)

 “Em đạo dòng. Đạo từ đời ông cố, ông sơ. Ông nội em là ông trùm cả 20 năm liền. Bà nội em không từ nan một việc gì khi giúp các Đấng. Đến thời Cha Mẹ em cũng đóng góp không biết bao nhiêu là thời gian cho việc nhà Chúa. Vợ chồng em cũng theo gương ấy mà cộng tác đủ các việc nhà thờ…. Nhưng, lắm lúc buồn lắm anh ạ. Nhìn lại cái cảnh nhà mình, không giống ai. Ông xã em với chiếc xe cánh én hơn 20 năm rồi, cọc cạch cọc cạch đi lễ đi làm việc nhà thờ. Có mấy lần bị thiên hạ mời và bị hỏi: “Làm ở nhà thờ lương tháng bao nhiêu mà hăng vậy?”. Thấy mà thương! Mấy đứa nhỏ đi học ở Sài gòn, đứa nào cũng phải tự bươn chải vừa học vừa làm kiếm tiền học phí, tiền ăn, tiền nhà trọ…Tội nghiệp!

 Mấy hôm nay chuẩn bị Lễ Lòng Chúa Thương Xót, có vài người đến nói với chồng em xin cho họ được làm chứng về LCTX trong Đại Hội. Nghe chuyện vài người kể với nhà em, người thì được ơn chữa lành, người trúng đất, người mới mua được đất, người mua được xe…, đủ các thứ mà người ta cho là Lòng Chúa Thương Xót đã thương xót họ. Hầu hết đó là những người mà trong con mắt em họ chẳng ra chi, hoặc là người tân tòng mới theo đạo vài năm mà ra vẻ, hoặc là người đã từng tội lỗi công khai, giang hồ, tai tiếng mà nay đi đâu cũng Chúa Xót Thương, Chúa Thương Xót….

 Trong số những người xin làm chứng, đáng kể nhất là một người tân tòng: một chị, lấy chồng đạo được 9 năm nay. kể rằng: ban đầu, chị đến với LCTX nhờ mấy chị bạn rủ đi đọc kinh và chị đã kêu cầu Chúa như vái tứ phương, cầu may, hên xui. Không ngờ Chúa đã ban cho chị được như ý. Ông bố của chị ghét đạo kinh khủng, đến mức đã không cho chị theo đạo, rồi khi chị có đứa con trai là thằng cu Bin, vợ chồng chị đem con đi rửa tội và mời Ông ngoại sang ăn đầy tháng. Ổng không đến, không cho bà ngoại đến, cấm các cậu các dì đến, còn chửi em thậm tệ: “Mới đẻ, nó có tội gì mà đè nó ra xối rửa”. Từ đó, ổng từ chị luôn. Đến với Lòng Chúa Thương Xót, chị chỉ xin là “nếu bố con có ghét Chúa thì kệ ổng, xin cho ổng đừng ghét con”. Hơn sáu tháng chị van vái cầu may, chị thấy bố thay đổi. Chiều thứ năm tuần thánh 5-4-2012, tự động ổng đến thăm Cu Bin, nay đã 7 tuổi rồi, cho cu Bin 100 ngàn. Ổng nói: “Mai, là ngày Chúa tụi mày chết, rồi nghe nói vài hôm ổng sống lại. Tao qua thăm tụi mày. Cho Cu Bin 100 ngàn nè. Nói với ổng nếu tao có chết, thì cho tao sống lại với”. Thế là chị nghĩ Lòng Chúa Thương Xót đã thương xót chị. Chuyện Ba với Chúa thì chưa biết, nhưng ít là Ba của chị đã đến thăm con, cháu…

 Anh nghĩ xem, có phải thấy mà phát ghét, nghe mà phát ganh, nhìn mà phát điên tiết không! Chúa có Lòng Thương Xót như vậy sao? Thật bất công quá! Em đạo dòng…. Xin Chúa hoài mà chẳng thấy Chúa ban cho điều gì. Còn mấy thứ ngưòi kia….”.

 Thiết nghĩ, trong chúng ta không ít người có lòng ganh tỵ như người kể chuyện trên đây. Có khi phản ứng bất bình với Chúa còn hơn như vậy nữa. Phát ghét, còn đỡ hơn là người thấy người khác được Chúa Xót Thương mà đâm ra thù hận, tìm cách hại người.

 Ước gì mỗi chúng ta đều nhận ra Lòng Chúa đang Thương Xót từng người, và ban ân lộc cho từng người “như mưa xuống trên ruộng người lành, lẫn ruộng kẻ dữ’. Thiên Chúa không bất công nhưng Ngài khôn ngoan và cân nhắc cho con cái Ngài từng chút một, từng việc nhỏ. Ngài luôn dành cho chúng ta những gì tốt nhất theo ý Ngài, không phải tốt nhất theo ý của chúng ta. Mà, ý tốt nhất của Thiên Chúa là “để chúng ta được cứu rỗi”, “để chúng ta được sống đời đời” kẻo uổng công trình trút hết giọt máu, giọt nước cuối cùng để chết đi vì yêu rồi sống lại vì yêu, sống lại để người mình yêu được sống lại.

 Trở lại câu chuyện của chị đạo dòng, thiết tưởng, chị phải nhận ra rằng Chúa đã ban cho cả họ tộc của chị, và cho chồng chị nữa một ơn đặc biệt là sống nghèo hèn thanh thoát trước của cải phù vân, sống cho danh Thiên Chúa cả sáng, cho Nước Thiên Chúa trị đến… là đã sống trước cuộc sống phục sinh ngay trên dương thế này rồi. Như vậy, chắc hẳn sẽ khác với những người đang sống ở trần gian mà không tin có đời sau, không tin sự sống lại,  không dám chắc một cuộc sống mai hậu chứ? Hơn nữa, của cải vật chất Chúa ban cho là để chúng ta sử dụng cho được Nước Trời, được sống đời đời, nào phải để chúng ta hưởng dùng cho thoải mái ở đời này đâu.

 Tôi không dám giải thích gì cho chị, người kể. Nhưng bất ngờ, qua một chị bạn của chị, tôi mới hiểu một nguyên nhân vui vui là: “Người ta lên đời cả rồi, bạn chị, đứa thì Air Blade, đứa thì Atila, đứa còn có chiếc 7 chỗ, còn chị, ngồi sau chiếc cánh én cũ rích mà mắc cỡ…”.

Lạy Chúa, ai trong chúng con cũng có thể giống như chị kia, luôn than thở trách móc Lòng Chúa Thương Xót bất công quá. Xin cho chúng con nhận ra lòng Chúa Xót Thương không bao giờ bất công cả, vì Chúa là Đấng Khôn Ngoan, luôn dành cho mỗi chúng con điều tốt nhất là cho chúng con được phục sinh trong Nước Thiên Chúa.

Amen.

PM. Cao Huy Hoàng, 14-4-2012

Nhắc lại vụ ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II

Nhắc lại vụ ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II và bức ảnh mới được công bố

Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô đến thăm và tha thứ cho tay súng Mehmet Ali Agca đang bị giam trong tù (bìa tạp chí Time)

TẠI SAO NGƯỜI TÍN HỮU LUÔN HY SINH VÀ THA THỨ ?????
Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
Ngày 1 tháng 5 năm 2011 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Benedict, thay mặt Giáo Hội, đã vinh phong Đức Cố Giáo Hoàng lên bậc Chân Phước. Nhân dịp này, xin giới thiệu bạn đọc một biến cố quan trọng nhất trong xẩy ra trong cuộc đời Đức cố Giáo Hoàng thân yêu chúng ta. Biến cố này xẩy ra vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, ngày ngài bị ám sát. Chính ngày đó, ngài đã được cứu sống nhờ sự can thiệp của Đức Maria… 

Vào ngày 13.5.1981, tên khủng bố Mehmet Ali Agca, người Thổ Nhĩ Kỳ, đã cố ý giết chết Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bằng ba phát súng lục trong một cuộc tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô ở Roma. Mãi cho đến hôm nay nguyên nhân vụ ám sát Đức Gioan Phaolô II của Ali Agca vẫn chưa được hoàn toàn giải thích một cách rõ ràng, mặc dù người ta đã biết được rằng Agca thừa hành lệnh của mật vụ Bảo Gia Lợi (Bulgarie).

Sự nghi ngờ cho rằng vụ ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là được Breschnew, Chủ tịch nhà nước và đảng trưởng Đảng cộng sản Liên Sô, sắp xếp và được cơ quan mật vụ Liên Sô KGB ở Mạc Tự Khoa trao cho mật vụ Bảo Gia Lợi thi hành, đã lan rộng ra liền ngay sau vụ ám sát.

Riêng Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, hiện là TGM của Krakau/Ba Lan, và là vị thư ký lâu năm của Đức Gioan Phaolô II – kể từ khi ngài còn là Tổng Giám Mục Kraukau mãi cho tới hết 26 năm làm Giáo Hoàng -, thì hoàn toàn xác tín rằng: «Nói một cách khách quan thì hoàn toàn không thể tin được là Ali Agca chỉ là kẻ hành động lẻ loi một mình và tất cả mọi sự đều chỉ do một mình y thực hiện mà thôi».

Trong các hồ sơ vụ việc người ta thấy có ghi nhận là bộ An ninh Quốc gia của Đông Đức đã nhận lãnh sứ mệnh tìm cách làm giảm thiểu bớt trách nhiệm cho «cơ quan tuyên truyền của người anh em» Bảo Gia Lợi về việc ám sát Đức Gioan Phaolô II. Tuy nhiên, trên thực tế các sự thú nhận hay các bằng cứ chắc chắn và rõ ràng về vụ ám sát thì mãi cho tới nay người ta vẫn chưa nắm hết được.

Đúng vậy, cho tới nay những lý do thầm kín phía sau vụ ám sát vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Chỉ một điều chắc chắn là Bộ chính trị trung ương Liên Sô đã nhiều lần bàn luận về việc «làm sao có thể giải quyết dứt điểm vấn đề Ba Lan». Ông John O. Koehler, một ký giả người Hoa Kỳ, thì khẳng định là ông đã đọc một hồ sơ được viết vào tháng 11 năm 1979, có ghi các chữ ký của các thành phần thuộc Bộ chính trị trung ương của Liên Sô cũ, trong số đó có cả chữ ký của ông Michail Gorbatschow.

Quả vậy, vào tháng 11.1979 chính là lúc ông Gorbatschow đang đảm nhận chức Tổng bí thư của trung ương Đảng cộng sản Liên Sô, nhưng ông lại chưa phải là thành viên của Bộ chính trị trung ương. Những quyết định về các phương thức hành động của cơ quan mật vụ KGB chỉ được một số rất ít các đảng viên cao cấp quyết định mà thôi.

Trong một hồ sơ hiện đang được lưu trữ ở Văn khố quốc gia tại Mạc Tư Khoa có ghi: «Cần phải tận dụng tất cả mọi phương tiện khả dĩ để dẹp tan một khuynh hướng chính trị mới do vị Giáo Hoàng người Ba Lan khởi xướng đang chớm nở, và nếu cần thì phải sử dụng cả những phương tiện thông tin ngụy tạo và làm mất tín nhiệm.»

Còn riêng Đức Gioan Phaolô II chỉ bị trọng thương qua vụ ám sát. Và việc ngài sống sót là cà một phép lạ. Dĩ nhiên, sức khỏe vốn cường tráng trước kia của ngài đã bị ảnh hưởng rất nặng bởi vụ ám sát, khiến ngài phải chịu đau đớn thường xuyên, kéo dài mãi cho tới lúc ngài băng hà năm 2005.

Hai năm sau vụ ám sát, vào ngày 23.12.1983, Đức Gioan Phaolô II đã đích thân vào phòng giam thăm tên khủng bố Ali Agca, nói chuyện với y và nhất là ngài đã tha thứ cho y.

ĐHY Stanislaw Dziwisz tường thuật lại là trong cuộc gặp gỡ và nói chuyện này tại nhà tù, Ali Agca chỉ lặp đi lặp lại với Đức Thánh Cha một câu hỏi duy nhất:

«Tại sao Ngài lại không chết? – Tôi biết chắc chắn là tôi đã nhắm rất trúng đích. Tôi cũng biết rằng phát đạn tôi bắn ra có hiệu quả tàn phá và gây tử thương một cách chắc chắn. Nhưng tại sao Ngài lại không bị tử thương?»

Về phần Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thì hoàn toàn xác tín rằng chính nhờ bàn tay hiền mẫu của Đức Mẹ Fatima che chở nên ngài mới có thể thoát chết một cách lạ lùng như thế. Bởi vì, ngày ngài bị ám sát tại Rôma – ngày 13 tháng 5 (1981) – cũng chính là ngày Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ chăn chiên năm xưa tại Fatima, ngày 13 tháng 5 (1917). Hơn nữa, theo Đức Gioan Phaolô II, thì vị Giám Mục mặc áo trắng phải chịu đau khổ nhiều mà Đức Mẹ đã cho ba trẻ trông thấy trong một thị kiến khi hiện ra với ba trẻ tại Fatima, chính là ngài.

Do đó, đúng một năm sau vụ ám sát (1982), Đức Gioan Phaolô II đã đích thân đi hành hương Fatima để tạ ơn cứu sống của Đức Mẹ và trong dịp này ngài cũng mang theo một trong các đầu đạn mà Mehmet Ali Agca đã bắn vào ngài để dâng kính Đức Mẹ. Và kìa một sự lạ lùng đã làm chính Đức Gioan Phaolô II và tất những người chứng kiến không khỏi sửng sốt và kinh ngạc, là đầu viên đạn mà ngài mang theo kia khi được gắn vào một lỗ hổng duy nhất còn sót lại ở mão triều thiên trên đầu tượng Đức Mẹ Fatima, mà các đoàn thể phụ nữ Bồ Đào Nha đã dâng cúng cho Đức Mẹ vào năm 1946, thì hoàn toàn vừa vặn như thể người ta đã cốt ý làm cái lỗ hổng đó sẵn cho viên đạn vậy.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Và đây là bức ảnh mới được công bố gần đây, cho thấy sự can thiệp nhiệm mầu của Đức Mẹ Maria vào ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô bị ám sát, ngày 13 tháng 5 năm 1981

Chúng ta không hiểu tại sao Đức thánh Cha Gioan-Phaolô II đã muốn cất dấu tấm hình chụp nầy trong nhiều năm. Vatican đã vừa mới công bố tấm hình chụp nầy lần đầu tiên. Tấm hình được một vệ sĩ của Người chụp ngay chính lúc Đức Thánh Cha bị tấn công và đang ngã xuống trong chiếc xe đặc chế (papamobil) của Người. Các bạn có thể nhìn thấy đau đớn hiện trên mặt Người.

Joaquin Navarro Valls, phát ngôn nhân Toà Thánh vào thời gian đó, đã tuyên bố người ta mất nhiều năm để nghiên cứu tấm hình chụp khó tin nầy và tất nhiên là về chất lượng rửa hình, vì khi được chuẩn bị kỹ càng, không ai có thể nhìn rõ ràng bởi vì tấm hình không sáng sủa. Cuối cùng, sau nhiểu kiểm duyệt và tìm tòi, dưới sự kiểm soát của các chuyên gia nhiếp ảnh trên thế giới, họ đã quyết định không hề có “giả mạo’ thuộc thuật nhiếp ảnh và ngày nay họ cho chúng ta món quà đẹp đẽ nầy về Mẹ Thiên Chúa.

Các bạn có thể nhìn thấy Mẹ Thiên Chúa ôm Đức Gioan-Phaolô II trong tay Mẹ.

Lm Nguyễn Hữu Thy

Linh Mục Bác sĩ Nguyễn Viết Chung

Linh mục Bác sĩ Augustinô Nguyễn Viết Chung

(xem hình người đứng giữa)
alt

Linh mục bác sĩ Chung (thứ ba trong hình)

(Trích đăng từ bài viết “Sau ba thập niên” của tác giả Hương Vĩnh)

IV. SỐNG ĐỜI KHÓ NGHÈO

ĐÁP LẠI TIẾNG GỌI CỦA TIN MỪNG

Trong lúc đại đa số giới trẻ ở đây đang tận dụng mọi phương cách để kiếm thật nhiều tiền ngõ hầu đáp ứng nhu cầu vật chất, trong bối cảnh một xã hội đang đổi mới thì một thiểu số rất nhỏ những thanh thiếu niên nam nữ đã đáp lại tiếng gọi của Tin Mừng để sống đời phục vụ tha nhân.

Điều làm tôi cảm động là mỗi sáng sớm, một nhóm các em dự tu – có lẽ thuộc Nữ Tử Bác Ai hay một tu hội nào khác – nghiêm trang đi xem lễ ở nhà thờ Dòng Đa-Minh – và có lẽ ở những nhà thờ khác nữa. Các em ăn mặc đơn sơ: áo trắng quần xanh, nghiêm trang trong mỗi bước đi, đắm hồn trong sự suy tư chiêm niệm.

NẾP SỐNG KHÓ NGHÈO THẬT SỰ

Lần đầu tiên tới thăm linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung tại Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn ở đường Nguyễn Kiệm, tôi được cha dẫn đi xem một số phòng ốc, nhờ đó tôi mới hiểu được phần nào nếp sống khó nghèo của các tu sĩ trong khung cảnh hiện tại.

Phòng cha Chung chỉ vỏn vẹn một chiếc giường gỗ với một chiếc chiếu trải lên đó. Bên cạnh tủ sách là một chiếc ghế và một cái bàn nhỏ. Có cái quạt máy treo tường nhưng không thấy mở! Với khí hậu oi bức mùa hè ở Saigon, tôi không hiểu làm sao cha có thể chịu đựng được “cái nóng ghê người, nóng nóng ghê!”

Cha dẫn tôi đi xem phòng ngũ các thầy. Năm sáu thầy nằm ngũ trong một phòng nhỏ: chỉ có hai giường gỗ, ngoài ra là mấy chiếc chiếu xếp lại, để trên sàn nhà. Thầy nào cảm thấy nằm trên sàn nhà không được thì mới nằm trên giường.

Khi quan sát cảnh tượng đó, tôi tự nhủ: đành rằng có một số linh mục tu sĩ sống trong nhung lụa, ngủ trong nệm ấm chăn êm với máy điều hòa không khí… không thiếu những linh mục tu sĩ có nếp sống thanh bần theo gương Thầy Chí Thánh: “Con chim có tổ, con chồn có hang, Con Người không nơi gối đầu!”

Tôi nhớ lại “Lời Nguyện Không Thể Thiếu” của đông đảo linh mục cũng như nam nữ tu sĩ đang sống đời chứng nhân một cách hùng hồn (sách LKĐNTNK, trang 7-9), để cầu xin Chúa cho những tôi trung của Ngài luôn trung thành với những gì đã đoan hứa:

“…
Lay Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới trao tặng niềm tin,
Nhưng con lại có thể làm nên
Chứng tá sống động cho Chúa hôm nay.

Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới gởi đến niềm hy vọng,
Nhưng con lại có thể giúp anh em con
Tìm lại nguồn cậy trông.

Lạy Chúa chỉ mình Chúa,
Ngài mới đốt lên ngọn Lửa Mến,
Nhưng con lại có thể giúp anh em con
Học biết yêu thương.

Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới tác tạo hòa bình,
Nhưng con lại có thể ra đi gieo cấy
Tình đoàn kết hợp nhât anh em.

Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là Đấng ban sức mạnh Thánh Linh,
Nhưng con lại có thể nâng đỡ
Một tâm hồn anh em đang thất vọng.

Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới thật sự là đường,
Nhưng con lại có thể chỉ đường
Cho anh em con bước đi.

Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là ánh sáng,
Nhưng con lại có thể
Làm cho ánh mắt anh em con
Thêm ngời sáng long lanh.

Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới là sự sống vĩnh cửu,
Nhưng con lại có thể đem đến
Cho anh em con niềm vui sống.

Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Ngài mới thực hiện được những điều nan giải,
Nhưng con lại có thể làm được
Cái khả dĩ làm được trong tầm tay.

Lạy Chúa, chỉ mình Chúa,
Tự Ngài đã thực sự viên mãn,
Nhưng Ngài lại ưa thích cho con
Được cộng tác trong công việc của Ngài,
Và Ngài lại ưa thích nương nhờ nơi con
Để cứu độ mọi người.”

NHÀ DƯỠNG LÃO TÌNH THƯƠNG

Vào một trưa Chúa nhật, tôi đã tham dự Thánh lễ do cha Chung dâng tiến cho các cụ bà ở Nhà Dưỡng Lão Tình Thương Bình Lợi. Nhà Dưỡng Lão nầy nằm khuất trong một thôn xóm hẻo lánh, bên cạnh dòng sông Sài Gòn với những hàng dừa nước hoang dại. Trước NhàDưỡng Lão là một dãy mộ bia của những nữ tu đã ra đi từ lâu, sau một thời gian dài tận hiến cuộc đời phục vụ người nghèo.  Nhà Dưỡng Lão gồm mấy dãy nhà nghèo nàn xơ xác, tương xứng với những cụ bà cũng rất nghèo hèn, xem chừng bị bỏ rơi, không được người nhà quan tâm.

Nhà này nuôi dưỡng 37 bà cụ. Bà cụ già nhất được 94 tuổi. Đa số các cụ bà trên 70 tuổi. Có 14 cụ bà bị bệnh nặng, đại tiểu tiện tại chỗ, cần chăm sóc tích cực. Nhà có 4 phòng: hai phòng dành cho các cụ bệnh nặng và hai phòng dành cho các cụ đi lại được. Các nữ tu phải mướn thêm hai người giúp việc, lưong tháng khoảng năm hay sáu trăm ngàn đồng Việt-Nam, chưa tới ba bốn chục Mỹ Kim. Chính các em dự tu và các chị khấn tạm đã tích cực giúp đỡ các cụ bà.

Khi tôi vừa tới nơi là lúc cha Chung đang chia sẻ bài Phúc Am Chúa nhật. Những lời nói chân thành đơn sơ của cha phản ảnh một tâm hồn say mê Lời Chúa và sống Lời Chúa.

Khi Thánh lễ chấm dứt, cha Chung đưa tôi đi thăm Nhà Dưỡng Lão. Hầu hết những cụ bà đều đau yếu, phân nhiều ngồi xe lăn, hay xê dịch phải có người giúp đỡ. Một ít cụ nằm suốt ngày trên giường. Các cụ nằm trên những chiếc giường sắt nghèo nàn, nhưng sạch sẽ vì được các chị nữ tu và các em dự tu chăm sóc chu đáo về mặt vệ sinh. Nhưng có cụ vì nằm lâu ngày trên giường nên lưng bị thâm đen.

Lúc đó một cụ già yếu vì nhu cầu phải nằm xuống giường, nhưng không thể tự lực được. Một nhóm năm sáu em dự tu vội vàng xúm lại, vui vẻ bồng đỡ: em thì choàng lưng, em khác đỡ vai còn em khác nữa thì quàng chân…chẳng khác nào những cháu chắt trong nhà đỡ đần các bà ngoại, bà nội vậy. Có lẽ vì thế mà các cụ hay nở nụ cười trên môi, tuy phải đau đớn về thể xác và đau khổ trong tâm hồn.

Chứng kiến cảnh tượng đó, tôi tự hỏi có gì hấp dẫn nơi các cụ già, nghèo hèn xơ xác, da thịt nhăn nheo, đen điu xấu xí… nếu không phải vì tiếng gọi của Tình Yêu Thiên Chúa. Trong lúc các tầng lớp thiếu nữ thuộc lứa tuổi các em đều ra sức tìm kiếm những nếp sống mang lại phúc lợi cho chính bản thân họ, còn các em đã tự nguyện quên mình cho những người bị bỏ rơi. Các em đã dâng hiến đời mình cho Chúa để theo đuổi lý tưởng quên mình vì tha nhân:

“Chỉ mong Ngài lấy đi
Mong chẳng còn gì thuộc về con,
Mong chẳng còn gì là của con,
Để con được trắng tay,
Con chỉ còn Ngài để giữ lấy,
Con được chọn Chúa mãi là của con.

Chỉ mong Ngài xóa đi,
Mong chẳng còn gì để chiếm hữu,
Mong chẳng còn gì ràng buộc con,
Để con được ngước lên,
Con tìm được Ngài là chân lý,
Con được cùng Chúa đồng hành luôn.

Chỉ mong Ngài cất đi,
Mong chẳng còn gì để nắm giữ,
Mong chẳng còn gì mà tự tôn,
Để con chỉ biết yêu,
Yêu một mình Ngài trọn đời con,
Con nhìn nhận Chúa chính Nguồn Tình Yêu.”

(“Mong Chẳng Còn Gì” của Tagore, trong sách Lời Kinh Đẹp Nhất Thiên Niên Kỷ, do Lê Quang dịch, trang 20)

V.- LINH MỤC NGUYỄN VIẾT CHUNG

MỘT BÁC SĨ PHẬT GIÁO TRỞ THÀNH LINH MỤC

Linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung nguyên là một bác sĩ Phật giáo, chuyên môn về Da Liễu. Khi lên 18 tuổi, nhân đọc một bài báo nói về cái chết của Đức Cha Jean Cassaigne tại trại phong Di-Linh, cậu Chung cảm thấy cuộc sống đó quá tốt đẹp và vô tình Đức Cha Jean Cassaigne đã trở thành thần tượng của cậu. Khi nhắc lại đoạn đời đó, cha Chung cho biết là ngài được rao giảng Tin Mừng bằng đời sống, chứ không phải bằng lời nói. Từ đó cậu Chung có ý nguyện học làm bác sĩ để phục vụ bệnh nhân phong như Đức Cha Jean Cassaigne.

Khi bắt đầu học năm thứ nhất y khoa, nhân dịp tham dự Thánh lễ khai khóa của linh mục giáo sư bác sĩ Lischenberg, cậu Chung nhận thấy con người khoa học uyên bác của giáo sư Lischenberg đã biến thành một linh mục khả kính, trang nghiêm siêu thoát, chìm đắm trong cõi phúc lạc thần thiêng… Ơn gọi làm linh mục của cha Chung đã chớm nở từ đó.

Khi bác sĩ Chung phục vụ tại trại phong Bến Sắn, Dì Hai Loan thuộc Tu Hội Nữ Tử Bác Ai là Phó Giám Đốc. Dì là người đã phục vụ ở đây gần 17 năm, bất ngờ ngã bệnh ung thư và mất đi sau mấy tháng. Khi Dì hấp hối, bác sĩ Chung đang sửa soạn để đi với bác sĩ Quang, bác sĩ Bích Vân lên trại phong Di-Linh khám mắt cho bệnh nhân. Vì xe chưa tới, bác sĩ Chung tiếc nuối những giây phút cuối cùng còn lại với Dì Hai Loan nên đã trở lại giường bệnh của Dì. Lúc đó Dì Hai Loan mở mắt ra, nhìn bác sĩ và đôi môi mấp máy như muốn nói điều gì. Dì Mười hiểu được, liền nói: “Chung, Dì Hai Loan nói, tại sao chưa đi?”

Khi kể lại kỷ niệm nầy cho tôi, cha Chung đã dùng những ngón tay phải chỉ vào cánh tay trái và cho biết lúc đó cha cảm thấy bị rởn da gà lên. Sau đó, bác sĩ Chung đã về dự tang lễ của Dì Hai Loan và đã quyết định theo đạo. Một năm sau nữa bác sĩ Chung đã vào tu ở Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn và đã nhận lãnh Thánh chức linh mục hơn một năm nay.

Ba vị đã tác động mạnh mẽ trên Ơn Gọi của cha Chung là giám mục Jean Cassaigne, linh mục Lischenberg và Dì Hai Loan. Cả ba cùng có một mẫu số chung – như lời cha Chung – đó là họ đã rao giảng Tin Mừng cho cha bằng cuộc sống chứ không phải bằng lời nói!

Nguyện ước của cha Chung là được phục vụ bệnh nhân phong và bịnh nhân Aids rồi cuối cùng ngã bệnh giữa những bẹnh nhân mà cha yêu thương phục vụ, đúng như lời Chúa Kitô đã phán dạy: “Không có Tình Yêu nào cao trọng cho bằng hy sinh mạng sống mình vì kẻ mình yêu!”

Địa chỉ của linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung:
479/15 Nguyễn Kiệm, phường 9, quận Phú-Nhuận,
Thành phố Hồ-Chí-Minh.
Điện thoại: (08) 990-4980
Địạ chỉ email: vinhson@hcmc.netnam.vn

NHỮNG TRỞ NGẠI VỀ PHÍA GIA ĐÌNH

Đáp câu hỏi của tôi là trên con đường theo Chúa, có những trở ngại lớn lao nào về phía gia đình không? Cha cho biết gia đình của cha là một gia đình nghèo. Đời sống gia đình thường xảy ra cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”. Điều đó đã ảnh hưởng cha từ thuở thiếu thời nên cha đã có ý định đi tu vì nhận thấy đời sống gia đình không mang lại hạnh phúc.

Khi làm bác sĩ, trong hai năm đầu cha đã hành nghề để có thể trả nợ cho gia đình. Trong những năm kế tiếp, cha đã giúp đỡ những người em ăn học và hiện có một em trai là bác sĩ chuyên môn về phổi. Người em nầy đã thay thế cha phụng dưỡng hai cụ thân sinh.

Khi còn là tu sĩ, chưa được thụ phong linh mục, một ngày kia được tin cụ thân sinh bệnh, cha đi xe đạp về thăm. Vừa vào nhà, cụ thân sinh liền quở trách cha là một người “không biết nhục”. Theo lời cụ, các bạn bè của cha đều đi xe hơi, xây nhà lầu hai ba tầng cho bố mẹ ở. Còn cha, cha lại đạp chiếc xe đạp cọc cạch về thăm nhà!

Trước đây khi cha ngõ ý với cụ bà là muốn đi tu thì cụ bà rất vui, vì tưởng cha tu theo Phật giáo. Nhưng khi biết cha sẽ tu theo Công giáo thì cụ bà giữ im lặng.

Sau khi được thụ phong linh mục vài ba hôm, cha về thăm gia đình. Mới bước vào nhà, cụ bà cất tiếng nói: “Mẹ có điều nầy muốn nói với con.” Cha vội kéo ghế mời cụ bà ngồi rồi nói: “Thưa Mẹ, xin Mẹ cứ nói, con xin nghe.” Bấy giờ cụ bà đáp: “Mẹ muốn nói với con điều nầy là đạo Mẹ, Mẹ giữ, đạo con, con giữ.” Cha liền thưa: “Xin Mẹ cứ giữ đạo của Mẹ. Con không bao giờ dám có ý nghĩ là sẽ khuyên bảo Mẹ theo đạo của con.”

NHỮNG THỬ THÁCH TRÊN HÀNH TRÌNH TU TRÌ

Đáp câu hỏi của tôi là trong thời gian đi tu cũng như làm linh mục, có lúc nào cha cảm thấy những thử thách quá lớn và nảy sinh ý định muốn bỏ cuộc? Cha đăm chiêu nhìn tôi một phút rồi chậm rãi trả lời: “Thật ra ở giai đoạn nào trong đời sống tu trì cũng đều có những cám dỗ riêng: từ nhà tập đến khấn tạm rồi khấn trọn đời và làm linh mục. Nhưng nếu tu sĩ biết tuân giữ ba lời khấn là vâng lời, khiết tịnh và khó nghèo, đọc kinh Nhật Tụng, suy gẫm Phúc Am…thì sẽ vượt qua những cơn cám dỗ.”

Cha Chung còn chia sẻ với tôi đôi điều có tính cách riêng tư nhưng có phần nào ray rứt tâm can. Trong giờ phút cảm động đó, tôi đã đưa tâm hồn lên với Chúa, cầu nguyện cho cha Chung và cho tất cả các linh mục cũng như nam nữ tu sĩ, đã trải qua những giây phút cô đơn trong cuộc đời tu trì, bằng lời kinh “Phút Cô Đơn”, của Ludovic Giraud, (sách LKĐNTNK, trang 49-50):

“Lạy Chúa,
Con dâng lên Chúa những giờ phút cô đơn
Đôi lần đến với con trong cuộc đời.

Con dâng lên Chúa
Lúc con phải làm việc một mình:
Trong sự tẻ nhạt của bổn phận nặng nề
Mà không có lấy một sự khích lệ đỡ nâng
Trong cộng đoàn.

Con dâng lên Chúa
Những lúc cô đơn,
Mò mẫm đi tìm trong hoài nghi,
Khi không còn biết con đường
Mình đang theo đuổi sẽ dẫn đến đâu
Và trên đó bóng đêm bao trùm.

Con dâng lên Chúa
Những giờ phút con phải
Đau khổ âm thầm một mình,
Dù đang ở giữa những kẻ mà con phải
Bày tỏ Chúa cho họ và bị vô ơn hất hủi,
Do thờ ơ và thiếu cảm thông.

Con dâng lên Chúa
Những giây phút con phải yêu một mình
Giây phút thật nặng nề
Khi trái tim con khắc khoải,
Đi tìm sự tương giao
Mà không gặp thấy trong lòng người khác.
Và trong lòng những người con ưa thích
Tìm thấy một sự no thỏa mà không nếm cảm được.

Con dâng lên Chúa
Những giờ phút con phải đau khổ một mình,
Những giây phút Giếtsêmani của bản thân con.
Và chính trong những lúc ấy,
Lạy Chúa, con ước ao được nên giống Chúa.

Cũng như Chúa,
Con ước muốn và cầu xin
Cho chén khổ nầy ra khỏi con,
Nhưng xin Chúa cho con sức mạnh
Để chế ngự mình
Mà vâng theo Thánh ý Cha,
Đấng Chúa yêu ngàn đời,
Cả khi Ngài chấp nhận thấy con đau khổ.

Lạy Chúa,
Xin đừng theo ý con
Nhưng cho ý Cha được thể hiện Amen.”

VI.- TRUNG TÂM MAI-HÒA

THÁP TÙNG CHA CHUNG

Cao điểm của những ngày về thăm Việt-Nam là việc tôi tháp tùng linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung đi thăm viếng Trung Tâm Mai-Hòa. Cha Chung hiện là một trong ba bác sĩ phục vụ tại Trung Tâm đó do các Nữ Tử Bác Ai Thánh Vinh Sơn đảm trách. Mỗi thứ hai hằng tuần, cha Chung đều lên Mai-Hòa suốt ngày để dâng Thánh lễ và khám bệnh. Hai bác sĩ thiện nguyện khác sẽ khám bịnh cho bịnh nhân vào ngày thứ tư và thứ bảy.

Hôm đó tôi rời Saigon đi xe honda “ôm” với cha Chung lúc 7 giờ 30 sáng để trực chỉ Củ Chi, với đoạn đường dài trên 45 cây số. Lần đầu tiên tôi đi honda với nón an toàn nặng trĩu trên đầu. Khi honda vừa chạy độ 5 phút, trời mưa lâm râm, cha Chung đưa tôi mặc bộ quần áo mưa, trông chẳng khác nào hai phi hành gia bất đắc dĩ. Nhưng xe chạy được mười lăm phút, trời tạnh mưa. Một ít lâu sau trời bắt đầu nắng, nhưng cha Chung không hề dừng lại để cởi áo mưa. Sau khi rời đường quốc lộ, xe còn chạy trên mười cây số nữa mới tới Trung Tâm Mai Hòa.

Hôm đó tôi mặc áo dài tay, quần tây dài, mang giày, để tỏ lòng kính trọng của tôi đối với những chi thể đau khổ của Đức Kitô. Thường ngày tôi chỉ mặc áo cụt tay, quần đùi, đi dép…để ứng phó với cái nóng bức của trời Saigon.

SƠ LƯỢC VỀ TRUNG TÂM MAI-HÒA

Đây là Trung Tâm săn sóc bệnh nhân Aids ở giai đoạn cuối, không nơi nương tựa. Đây là một cơ sở Công giáo đầu tiên được chính thức thành lập để chăm sóc bịnh nhân Aids tại Việt-Nam. Trung Tâm không nhận bệnh nhân đến trực tiếp mà chỉ nhận bệnh nhân chuyển đến từ khoa nhiễm E thuộc Trung Tâm Bệnh Nhiệt Đới, Trung Tâm Lao Phạm Ngọc Thạch và bệnh viện miễn phí An-Bình. Hiện Trung Tâm Mai-Hòa do nữ tu Nguyễn Kim Thoa (Dì Tuệ Linh) đảm trách.

Địa chỉ của Trung Tâm Mai-Hòa:
Ap Lô 6, Xã An Nhơn Tây, Huyện Củ Chi,
TPHCM.
Điện thoại: (848) 8 926 135
Địa chỉ email: aidsmaihoa@hcmc.netnam.vn

NHỮNG EM BÉ MỒ CÔI MẮC BỆNH AIDS

Khi tới nơi, cha Chung và tôi cởi nón an toàn và bộ quần áo mưa ra. Mồ hôi tôi ướt đẫm như tắm. Nghe tiếng xe honda của cha Chung, mấy em bé năm sáu tuổi chạy ra mừng rỡ la lớn: “Cha ơi! Cha!” chẳng khác nào cảnh tượng mẹ đi chợ về. Ban đầu tôi cứ tưởng đó là những em còn khỏe mạnh mà cha mẹ đã qua đời vì bệnh liệt kháng, không được ai chăm nuôi. Sau đó cha Chung cho biết tất cả các em đều mắc bệnh, và mồ côi cha mẹ, ngoại trừ một em bé gái 4 tuổi còn mẹ.

Cách đây mấy tháng, mẹ của em nầy đã mang em lại để trước cổng chùa, với một miếng giấy ghi mấy chữ vắn tắt: “xin nhà chùa nuôi giúp”. Ngoài ra mẹ em có cho biết tên em và em được bốn tuổi. Vị sư trụ trì đã mang em vào chùa nuôi. Sau đó em bị Viêm Phổi, đi khám nghiệm mới biết em nhiễm HIV, đã trở thành bịnh Aids. Nhìn thân thê ôm yếu và nét mặt kém vui của em, tôi đoán biết em đang bị cơn bẹnh hoành hành và đang trên đà tiến tới giai đoạn hiểm nguy…

Cảm tưởng đầu tiên của tôi là Trung Tâm Mai-Hòa ngày nay đã được nhiều ân nhân giúp đỡ – nhất là một số tòa đại sứ ngoại quốc – nên nhà cửa khang trang hơn, chứ không còn gây ấn tượng rùng rợn như khi xem cuốn video một năm trước đây.

THAM DỰ THÁNH LỄ VỚI NƯỚC MẮT CHAN HÒA

Đây là Thánh lễ cảm động nhất mà tôi đã tham dự từ trước tới nay. Thánh Lễ được cử hành đơn giản trong một căn nhà thủy tạ hình bát giác, bên dưới là một giòng nước đục ngầu ứ đọng, không buồn chảy, chẳng khác gì giòng đời với chuỗi ngày dài lê thê của những bệnh nhân ở đây.

Nghe những tiếng thưa đáp của các bệnh nhân trong Thánh lễ – nhất là của các em bé – tôi không thể cầm được nước mắt. Suốt buổi lễ, nước mắt tôi chan hòa, khi thấy các em vẫn hồn nhiên đọc kinh, hát xướng như thường, không chút ý thức về số phận đen tối đang đè nặng trên các em. Những lưỡi hái của tử thần đang treo lủng lẳng trên đầu các em và sẵn sàng rơi xuống để gặt hái các em trong một ngày rất gần đây mà các em không chút hay biết.

Tôi nhớ lại sau đó, cha Chung đã vào thăm các em trong căn nhà dành riêng cho các em. Các em đã xúm lại ôm chân cha, níu kéo cha và quyến luyến không muốn rời khỏi cha. Có em đã được cha ẳm lên, vuốt ve một cách trìu mến. Tôi cũng nhớ lại lúc xế trưa, các em đã vui đùa cười giỡn trong sân với chị nữ tu phụ trách. Khi thấy các em vui đùa, tâm trạng của tôi lúc bấy giờ cũng giống như cha Đông trước kia: thây các em cười nhưng tôi lại khóc.

MỘT BỮA ĂN ĐẠM BẠC

Hôm tôi lên Trung Tâm Mai-Hòa, tôi gặp bốn dì Nữ Tử Bác Ai phục vụ những bệnh nhân liệt kháng ở giai đoạn chót. Dì Tuệ Linh là giám đốc, một Dì trước đây đã phục vụ ở trại phong Di-Linh hơn hai mươi lăm năm, hiện làm y tá, một Dì săn sóc các em bé và một Dì nấu ăn.

Hôm đó tôi thấy thức ăn gồm rau muống luộc, canh khổ qua nhồi thịt và đồ tráng miệng là một miếng dưa hấu đỏ. Thức ăn nầy được dùng chung cho các nữ tu và bệnh nhân. Các bệnh nhân chia làm ba nhóm ăn cơm chung với nhau, đó là nhóm các trẻ em, những người bị lao phổi và những người nhiễm các bịnh khác.

Sau khi chia sẻ với tôi nhiều điều, cha Chung đã dẫn tôi sang phòng ăn Trung Tâm và dùng bữa ăn trưa. Tôi khâm phục tài nấu nướng của chị nữ tu phụ trách nhà bếp. Những món ăn rất ngon và đậm đà, hợp khẩu vị. Khi ăn trưa xong, đã hơn hai giờ rưỡi chiều và cha Chung đã mất buổi nghỉ trưa.

Sau mấy tiếng đồng hồ được cha Chung chia sẻ tâm tình, tôi cầu xin Chúa cho tôi được học hỏi đôi điều qua gương sống chứng nhân của cha, của các linh mục và nam nữ tu sĩ khác, bằng bài thơ “Xin Cho Con Sức Mạnh” của R. Tagore do Đỗ Khánh Hoan dịch (Sách LKĐNTNK, trang 39):

“Lạy Thiên Chúa,
Đây lời con cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong tim con
Mọi biển lận tầm thường.

Xin cho con sức mạnh thản nhiên
Để gánh chịu mọi buồn vui.

Xin cho con sức mạnh hiên ngang
Để đem tình yêu gánh vác việc đời.

Xin cho con sức mạnh ngoan cường
Đê chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
Hay cúi đầu khuất phục
Trước ngạo mạn, quyền uy.

Xin cho con sức mạnh dẻo dai
Để  nâng tâm hồn vươn lên
Khỏi ti tiện hằng ngày.

Và cho con sức mạnh tràn trề
Để dâng mình theo ý Ngài luôn.”

Không Quyền Lực Nào

                      Không Quyền Lực nào

 Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy

 Hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người

                                                    (Tv 34, 9)

 “Ðức Tin không thể nào bị bóp nghẹt bởi bất cứ quyền lực nào!”. Ðó là lời tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ George Bush trong buôi tiễn biệt Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II (19/9/1987) nhân dịp Ngài viếng thăm Hoa Kỳ. Trong bài diễn văn từ giả Ðức Thánh Cha, phó tổng thống Hoa Kỳ nói rằng Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục làm việc tại Liên Xô sau hơn 60 năm tuyên truyền cho chủ thuyết vô thần.

 Ông George Bush kể lại cho Ðức Thánh Cha như sau: “Trong nghi lễ an táng tổng bí thư Breznev tại Mascơva, một lễ nghi với nhiều lính tráng và hoa tím, nhưng không có Ðức Tin và Lời Chúa, tôi theo dõi bà quả phụ đang tiến đến quan tài để nói lời từ biệt… Kìa, có Chúa làm chứng cho tôi, giữa sự lạnh cóng của một chế độ độc tài, bà Breznev chăm chú nhìn người chồng, rồi cúi nhẹ xuống và làm dấu thánh giá trên ngực của người chết…”.

 Ông Bush cũng kể lại rằng ông đã gặp Mao Trạch Ðông trước khi ông này qua đời. Chủ tịch họ Mao đã tâm sự với ông như sau: “Tôi sắp sửa về Trời, tôi đã nhận được lời mời gọi của Chúa”.

 Ðưa ra hai sự kiện trên đây, ông Bush kết luận: Không có quyền lực nào, không có luật pháp nào có thể quét sạch những gì đã ăn rễ sâu trong lòng người…

 Lời phát biểu trên đây của ông George Bush có lẽ phải làm cho chúng ta phấn khởi. Thiên Chúa vẫn luôn có mặt trong cuộc sống của chúng ta. Chính những nơi mà chúng ta tưởng Ngài đã bị gạt bỏ hoàn toàn, chính những lúc mà chúng ta tưởng như Ngài không có mặt, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động. Bởi vì Thiên Chúa không thể là Thiên Chúa nếu Ngài không yêu thương con người.

 Chúng ta tiếp nhận sự sống từ chính Chúa, như trái đất nhận lãnh ánh sáng từ mặt trời. Thiếu ánh sáng mặt trời thì không thể có sự sống trên trái đất. Cũng thế, không có Chúa thì không thể có sự sống… Thiên Chúa thông ban sự sống cho chúng ta, bởi vì Ngài yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương tất cả mọi người, ngay cả những kẻ chối bỏ hoặc thù ghét Ngài.

 

Chân Phước Caesar de Bus

 

Chân Phước Caesar de Bus
(1544-1607)

Như nhiều người trong chúng ta, Caesar de Bus cũng phải vất vả lắm mới tìm thấy ơn gọi đích thực của mình. Sau khi tốt nghiệp ở trường dòng Tên, ngài gặp khó khăn khi phải quyết định giữa sự nghiệp của một quân nhân và một văn gia. Ngài có sáng tác một vài kịch bản nhưng sau cùng an phận trong quân đội và toà án.

Cũng có lúc cuộc đời thật êm xuôi cho một người lính thủy tài giỏi. Ngài tin đó là một chọn lựa đúng. Cho đến khi ngài chứng kiến thực tế của một cuộc chiến, kể cả cuộc thảm sát của người Tin Lành Pháp vào ngày Thánh Batôlômêo năm 1572.

Ngài lâm bệnh nặng và bỗng dưng nhìn lại những tiên quyết trong đời, kể cả đời sống tâm linh. Khi bình phục Caesar quyết tâm trở thành một linh mục. Sau khi được chịu chức vào năm 1582, ngài đảm nhận công việc mục vụ đặc biệt là dạy giáo lý cho người dân sống trong tình trạng bị quên lãng ở nông thôn, hoặc các nơi hẻo lánh. Nỗ lực của ngài quả thật cần thiết và được đón nhận cách nồng hậu.

Cùng với người bà con, Cha Caesar thiết lập một chương trình giáo lý cho gia đình. Mục đích là để chống với sự lạc giáo của người dân, và mục tiêu này được sự chấp thuận của đức giám mục địa phương. Từ những nỗ lực này phát sinh một tu hội mới: các Cha của Giáo Thuyết Kitô Giáo.

Một trong những công trình của Cha Caesar là Huấn Thị Các Gia Ðình về Giáo Lý Công Giáo, được ấn hành vào 60 năm sau khi ngài từ trần.

Ngài được phong chân phước năm 1975.

Thánh Bernadette Soubirous

 

 

Thánh Bernadette Soubirous

(1844 – 1879)

Thánh Bernadette Soubirous tên thật là Mary Bernard, con của một gia đình thật nghèo làm nghề xay bột ở Lộ Ðức, thuộc miền nam nước Pháp. Ngay từ khi còn nhỏ, cô bị bệnh suyễn thật nặng nên sức khỏe rất yếu kém.

Vào ngày 11 tháng Hai 1858, cô được Ðức Trinh Nữ Maria hiện ra với cô trong một cái hang nằm trên con đê của sông Gave, gần Lộ Ðức. Cô được thị kiến Ðức Trinh Nữ tất cả 18 lần, lần sau cùng vào ngày lễ Ðức Mẹ Núi Carmel, 16 tháng Bảy. Khi kể lại lần thị kiến đầu tiên, cô đã tự đặt mình vào tình trạng nguy hiểm đối với nhà chức trách. Nhưng Ðức Trinh Nữ hiện ra với cô hàng ngày đã khiến đám đông tuốn đến hang ngày càng đông. Nhà chức trách tìm cách đe dọa để cô công khai rút lui, nhưng cô vẫn trung thành với những gì được thấy.

Vào ngày 25 tháng Hai, một suối nước chảy ra từ hang mà cô Bernadette đã dùng tay đào xới khi vâng theo lời Ðức Trinh Nữ. Nước suối ấy đã chữa được nhiều người khỏi bệnh kể cả người tàn tật.

Vào ngày 25 tháng Ba, Bernadette cho biết trinh nữ hiện ra với cô tự xưng là Ðức Vô Nhiễm Nguyên Tội, và ngài muốn xây một nhà thờ ở đây. Nhiều giới chức dân sự tìm cách đóng suối nước lại và trì hoãn công việc xây cất nhà thờ, nhưng ảnh hưởng và tiếng vang đã thấu đến tai Hoàng Hậu Eugenie nước Pháp, vợ của Napoleon III, do đó việc xây cất được tiến hành tốt đẹp. Ðám đông lại quy tụ về Lộ Ðức, không bị phiền hà bởi các giới chức chống đối tôn giáo và hàng giáo sĩ.

Vào năm 1866, Bernadett được gửi vào dòng Nữ Tu Ðức Bà ở Nevers. Ở đây, sơ trở nên một phần tử của cộng đoàn, và bị sơ giám đốc đệ tử đối xử rất tệ hại. Sự bất nhẫn ấy chỉ chấm dứt khi họ khám phá rằng sơ Bernadette đang chịu đau khổ vì một căn bệnh bất trị. Sơ từ trần ở Nevers vào ngày 15 tháng Tư 1879, khi mới 35 tuổi.

Lộ Ðức đã trở nên trung tâm hành hương lớn nhất thế giới, và suối nước nhỏ bé ấy hàng ngày vẫn cung cấp nước cho khách thập phương từ khắp nơi trên thế giới.

Sơ Bernadette được phong chân phước năm 1925, và được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh năm 1933.

Những Cái Vỗ Tay Vô Thanh & Đức Tin Là Một Hồng Ân

 
NHỮNG CÁI VỖ TAY VÔ THANH     tác giả Đỗ Tân Hưng

 
Một tin tức gây sửng sốt cho các Kitô hữu tại Việt-Nam cũng như ở hải ngoại qua bài “BA MƯƠI NĂM CHO MỘT GIẤC MƠ” đăng trên Ephata số 110. Bài đó viết về giấc mơ của một Phật tử – bác sĩ Nguyễn Viết Chung – người mà trước đây rất cảm mến cuộc đời hy sinh của Đức Cha Jean Cassaigne, vi giám mục người Pháp đã gởi nắm xương tàn ở trại cùi Di Linh. Bác sĩ đã ôm ấp một giấc mơ từ ba mươi năm nay là được phục vụ các người xấu số như Đức Cha Jean Cassaigne.

Sau khi tốt nghiệp y khoa vào năm 1980, bác sĩ Nguyên Viết Chung đã tình nguyện phục vụ ở các trại phong cùi và tại đây bác sĩ Chung đã chứng kiến sự tận tụy hy sinh của các nữ tu nghĩa tử dòng Thánh Vinh-Sơn nên đã quyết định theo đạo Công giáo vào tháng 5 năm 1994 với tên thánh Augustinô. Vào tháng 8 năm đó, bác sĩ Chung xin vào tu dòng Thánh Vinh-Sơn và đã nhận lãnh thánh chức linh mục ngày 25 tháng 3 năm nay để có thể tận hiến đời mình một cách trọn vẹn hầu phục vụ các bệnh nhân phong cùi và liệt kháng.

Vì xúc động bởi mẩu tin đó, tôi đã nhờ người bạn thân ở Saigon liên lạc để kiếm giùm cuốn video Thánh lễ phong chức của cha Augustinô Nguyễn Viết Chung. Gần đây tôi đã được toại nguyện khi một linh mục trẻ về thăm Việt-Nam và vừa trở lại Canada đã mang sang cuốn video đó cho tôi. Được xem lại Thánh lể trang nghiêm và sốt mến mà trong đó một bác sĩ – trước kia là Phật tử – nay trong phẩm phục phó tế, đang hiên ngang tiến vào thánh đường họ đạo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Saigon và đã nằm phủ phục trước bàn thờ để nhân lãnh thánh chức linh mục.

Càng cảm động hơn nữa khi tôi được xem cuốn video thứ hai trình bày những hoạt động phục vụ của cha Chung ở tại các trại phong cùi và bệnh liệt kháng. Một quang cảnh đã gây ấn tượng mạnh nơi tôi là khi thấy cha Chung sau khi thăm viếng khám bệnh các bệnh nhân phong cùi xong thì đã đứng vòng quanh với các bệnh nhân đó mà có người đứng, người ngồi hay nằm trên giường hoặc giữa sàn nhà, vừa hát vừa vỗ tay… Thật đau xót khi thấy vài bệnh nhân mà đôi bàn tay không còn một ngón hay chỉ còn một vài nửa ngón mà cũng ráng vỗ tay theo nhịp điệu bài hát!

Trong những sách thiền có đề cập đến công án về “tiếng vỗ của một bàn tay” khiến người Tây phương khi nghiên cứu phải điên đầu về ý nghĩa của công án đó. Thông thường tiếng vỗ chỉ phát ra khi hai bàn tay chạm nhanh và chạm mạnh vào nhau, Cứ suy lý đó thi với một bàn tay không thể nào gây nên tiếng vỗ tay được.

Theo thường tình, phải có môi trường (tức không khí…) thì mới có âm thanh, và chỉ có những rung động hay đột xuất làm thay đổi áp suất của môi trường mới cho chúng ta âm thanh. Vậy một tay đập mạnh trong không khí sẽ cho chúng ta tiếng cọ xát (tức gió), nhưng nếu nhanh hơn vận tốc âm thanh sẽ cho chúng ta tiếng nổ siêu thanh Từ tiếng kêu của vô thanh tới tiếng nổ của siêu thanh đều có thể thực hiện được.
Như vậy không có tiếng vỗ của một bàn tay. Thế nhưng, mục đích của công án đó là để giúp chúng ta tìm sự thinh lặng của vũ trụ, đồng thời cho chúng ta thấy những giới hạn của con người trong những vòng lẩn quẩn của lý luận và của trí thức. Chúng ta phải cảm nghiệm được sự im lặng tuyệt đối hiện hữu trước chúng ta và sau khi chúng ta thôi hiện hữu.

Và như vậy, dưới nhãn quan của thiền gia, người nào nhận ra được chân lý đó sẽ có cơ hội gạt bỏ hết các tạp niệm để hoà mình với vũ trụ, làm một với vũ trụ, trở nên một phần tử cùng hiện hữu với vũ tru. Chỉ có thế chúng ta mới thấy mình và tha nhân là một. Do đó khi mình vượt lên trên mọi đối đãi, thị phi thì mình sẽ tìm về với tuyệt đối, chân như.

Vậy tiếng vỗ “vô thanh” của hai bàn tay mà năm ngón đã rơi rụng hết đã tạo thành những tiếng nỗ siêu thanh xuyên phá quả tim con người! Tiếng nỗ siêu thanh đó đã xuyên thấu con tim của một bác sĩ trẻ tuổi, khôi ngô tuấn tú khiến bác sĩ tỉnh ngộ mà tận hiến đời mình cho những con người xấu số đang mang lấy trong thân xác khổ đau của họ những thiếu sót trong thân thể khổ nạn của Đức Kitô.

Trước đây Phi-la-tô đã trình diện cho dân Do-Thái một Đức Kitô với thương tích đầy mình cùng chiếc mũ gai trên đầu rồi nói: “Nầy là người!” (Ecce homo). Qua cuôn video đó những vết thương đau của Đức Kitô đang hiển hiện qua các thân thể đớn đau của những người phong cùi và liệt kháng cũng được trình diện cho những người dự khán. Ngày xưa khi nói về Đức Kitô khổ nạn trên thập giá, tác giả Thánh vịnh đã viết: “Hởi người bộ hành, hãy đứng lại nhìn xem, có đau khổ nào lớn hơn nỗi đau đớn mà tôi đang chịu đây chăng!” Nỗi đau đớn của Đức Kitô còn đang tiếp nối trong những thân thể bị tàn phá bởi chứng phong cùi hay bệnh liệt kháng. Những tiếng vỗ của một bàn tay vì bàn tay kia đã cùn cụt hay tiếng vỗ của đôi bàn tay mà năm ngón đã rơi rụng hết có cảm động tâm can chúng ta như đã cảm động cậu Nguyễn Viết Chung ba mươi năm về trước không?

Cùng với Lm. Nguyễn Công Đoan, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta được thực hiện trong đời sống mình những tâm tưởng sau đây để hàn gắn phần nào những thương đau của những con người xấu số, những phần thân thể còn đang bị thương tổn của Đức Kitô:

Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa
Làm chân tay cho những người què cụt,
Làm đôi mắt cho ai phải đui mù,
Làm lỗ tai cho những người bị điếc,
Làm miệng lưỡi cho những người không nói được,
Làm tiếng kêu cho người chịu bất công…

(Trích bài thơ “Như Một Sự Tình Cờ”)

Tác giả: Đỗ Tân Hưng

 
ĐỨC TIN LÀ MỘT HỒNG ÂN 
nói về Lm. Nguyễn Viết Chung
 
Một ngày vào năm 1973, các báo ở Sài gòn đồng loạt đưa tin về cái chết của Jean Cassaigne, một người Pháp, nguyên là Giám Mục Sài gòn nhưng lại qua đời tại một trại phong ở Di Linh, một nơi đèo heo hút gió trên đường từ Sài gòn đi Đà Lạt. Nguyễn Viết Chung đọc tiểu sử của vị cố Giám Mục trên báo và không hiểu do đâu anh lại mong muốn được nên giống ngài ở chỗ phục vụ người cùng khổ cho đến hơi thở cuối cùng. Anh chẳng biết gì về Đạo Công giáo, thế mà Đức Cha Cassaigne lại là thần tượng của anh.

Năm 1974. Chung học Y Khoa Đại Học Sài gòn. Tại đây anh gặp người công giáo đầu tiên trong đời anh, giáo sư bác sĩ Lichtenberger người Bỉ, dạy môn Mô phôi học. Chung ngưởng mộ sự uyên bác khoa học vô song của ông. Các bài giảng vô cùng sinh động và phong phú của nhà khoa học uyên thâm một cách lạ lùng làm cho Chung mê mẫn. Chung kinh ngạc khám phá vị giáo sư khả kính này là một Linh Mục dòng tên. Anh thường cùng các bạn trường Y đến nhà thờ để xem Giáo sư Lichtenberger dâng lễ.
Những năm học Y khoa không phải là dễ dàng đối với Nguyễn Viết Chung anh phải làm thêm nhiều việc nặng nhọc kể cả đạp xích lô để kiếm tiền ăn học và phụ giúp gia đình.

Năm 1984, bác sĩ Chung khi đó 29 tuổi, xin được bổ nhiệm lên trại phong Di Linh  để thực hiện giấc mơ lớn nhất của đời anh. Nhưng theo đúng thủ tục hành chánh thì anh phải trình diện và chịu sự điều động của Sở Y tế Lâm Đồng. Bà trưởng phòng ngạc nhiên hỏi:

– Anh có điên không hay là anh bị cùi?

– Nếu tôi cùi thì bà đã thấy rồi.Còn có điên hay không thì tôi không biết, nhưng điều tôi biết là tôi mong muốn phục vụ những người cùi.

Từ ngày 01-7-1986 anh về làm việc tại phòng chống sốt rét của tỉnh Đồng Nai cho tới năm 1989. Từ năm 1990-1992 đổi về làm tại phòng xét nghiệm của bịnh viện da liễu Sài gòn. Ở đây anh xin học thêm chuyên khoa da liễu, vì anh không bao giờ anh quên mộng ước của mình.
Năm 1993 Bác sĩ Chung tình nguyện lên công tác tại trại Phong Bến Sắn, Bình Dương. Tại đây, anh làm việc hăng say như để đạt được tâm nguyện của mình giống như Đức Giám Mục Cassaigne trong việc phục vụ bịnh phong cùi. Anh hết sức tận tụy không nề hà. Nhưng dù như thế anh vẫn thấy mình thua xa các nữ tu nữ tử Bác ái trong việc yêu thương phục vụ người bịnh. Các nữ tu luôn nhẫn nại lắng nghe phục vụ người bịnh hết lòng, không bao giờ làm họ buồn tủi. Tinh thần hy sinh, quảng đại đó khiến cho anh cảm phục. Anh cho rằng muốn có được tinh thần yêu thương người nghèo khổ như thế, anh phải trở thành một người giống như các nữ tu. Anh chưa phải là người công giáo, nên anh không thể hiểu được tinh thần làm việc của các Sơ. Anh cũng muốn được phục vụ với tinh thần giống như các Sơ.

Ngày 28-8-1993 bác sĩ Chung đến gặp Cha Hoàng văn Đoàn, dòng tên, tại Bình Dương xin học giáo lý tân tòng. Ngày 15 tháng 5 năm 1994 bác sĩ Chung được cha chính xứ Bến Sắn, Linh mục Trần Thế Thuận làm lễ rửa tội cho anh tại nhà nguyện trại phong Bến Sắn. Nhưng bác sĩ Chung không hài lòng khi chưa được trở nên giống các Sơ để có thể yêu thương phục vụ người nghèo. Ở tuổi tứ tuần theo đuổi ơn gọi tu sĩ là một điều quá khó khăn.

Ngày 15.9.1994 bác sĩ Chung trở thành tập sinh lớn tuổi nhất của dòng Vinh Sơn nam số 40 đườngTrần Phú, Đà Lạt. Ngày lễ truyền tin 25.3.2003 Giáo hội trao tác vụ Linh mục cho thầy Augustinô Nguyễn Viết Chung qua lễ đặt tay của Giám mục Giuse Vũ Duy Thống tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài gòn.

Ngày  3.4.2003, Linh Mục Nguyễn Viết Chung quay về trại phong Bến sắn dâng Thánh lễ tạ ơn trong sự hân hoan của các bịnh nhân phong với sự hiện diện của cha sở Bến sắn, người mà 9 năm trước đây đã làm lễ rửa tội cho cha. Vẫn thái độ khiêm nhường, yêu thương và cung kính với các người bịnh vẫn xưng mình là “con” khi nói chuyện với các bịnh nhân lớn tuổi.
Tháng 3 năm 2009 tôi có về Sài gòn có dẫn người cháu đến thăm Linh mục Nguyễn Viết Chung, cha dong dõng cao, hơi ốm, nói năng nhỏ nhẹ: “ “con” cũng chỉ là cái máng để hứng lấy tình yêu thương của mọi người để mang đến cho những người kém may mắn”. 

Nhà văn Hương Vĩnh có viết: “Ba vị đã tác động mạnh mẻ trên ơn gọi của cha Chung là Giám mục Jean Cassaigne, Linh mục Lichetenberger và Dì hai Loan ( phục vụ trại phong Bến Sắn 17 năm, chết vì bịnh ung thư ở tại trại này). Cả ba cùng có mẫu số chung – như lời cha Chung – đó là họ đã rao giảng Tin Mừng cho cha bằng cuộc sống chứ không phải bằng lời nói.
Trong bài “Nguyễn Viết Chung và tiếng gọi của Chân Thiện Mỹ” cố Giáo sư Trần Duy Nhiên đã viết trong đoạn kết của bài này như sau:

“Thiên Chúa đã đến trong cuộc đời Nguyễn Viết Chung bằng những bước đi nhè nhẹ. Nhưng mỗi lần Ngài đến là Ngài để lại dấu ấn sâu sắc trong một tâm hồn biết lắng nghe. Giữa bao nhiêu thần tượng trên thế gian. Nguyễn Viết Chung biết chắc lọc một vài khuôn mẫu định hướng cho cuộc đời mình: Đức Cha Cassaigne, Cha Lichtenberger, Dì Hai Loan.. đấy là chưa kể đến nhiều người khác trong đó có thân mẫu của mình một người mẹ đã suốt đời âm thầm chịu đựng cho đến khi mù lòa. Giữa các gương mặt ấy có một nhân vật gần giống như Nguyễn Viết Chung: Linh Mục Bác sĩ Marcel Lichtenberger. Thế nhưng con đường Chúa dẫn hai vị đi thì hoàn toàn trái ngược nhau. Năm 25 tuổi Cha Lichtenberger vì tình yêu Thiên Chúa thúc bách phải đến với những con người bất hạnh tại Trung Hoa. Và trước những thương tích của Chúa Kitô thể hiện trên hình hài các bịnh nhân, cha đã trở về ngồi lại trên ghế nhà trường để rồi trở thành bác sĩ năm 48 tuổi. Ngược lại, bác sĩ Nguyễn Viêt Chung tốt nghiệp bác sĩ năm 25 tuổi, thế rồi muốn chia sẻ trọn vẹn sự khốn cùng của bịnh nhân nên rốt cục đã gặp Chúa Kitô chiụ đóng đinh trong những con người bất hạnh. Và điều này khiến cho vị bác sĩ tận tâm kia từ bỏ mọi sự để trở thành Linh Mục của Chúa vào tuổi 48.”
 
KẾT LUẬN
 
Theo Vietcatholic news: Ngày 18.10.2009 Giáo phận Xuân Lộc đón nhận 1114 tân tòng và hơn 2000 người là thân nhân, họ hàng, bạn bè của các tân tòng. Chủ sự Thánh lễ, Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục giáo phận Xuân Lộc cùng đồng tế có Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục giáo phận Kontum và hơn 50 cha trong giáo phận.
Ở mỗi giáo xứ hay mỗi nhà thờ hàng năm đều có làm lễ “Rửa tội” cho người lớn, thông thường con số cũng vài chục người. Trong số những người nhận Bí tích thanh tẩy, con số không nhỏ là những người trí thức.
Con đường đến với Thiên Chúa tình yêu, đến với Hội Thánh Chúa bằng nhiều cách khác nhau. Tất cả đều được Thiên Chúa yêu thương mời gọi tìm về suối nguồn tình yêu là Thiên Chúa toàn năng, để được an ủi, để được hạnh phúc đời này lẫn hạnh phúc vĩnh cữu đời sau, sau khi mất.
 
Phùng văn Phụng

 

__._,_.___

Những điều không nhìn thấy…

Những điều không nhìn thấy…
ảnh không thể làm thay đổi thế giới,nhưng có thể làm chúng ta thay đổi cách suy nghĩ

 Người ta có thể chi hàng triệu USD từ Quỹ Toàn Cầu cho việc phục hồi Đền Thờ nhưng lại không dành chút nào cho những người dân này sao???Phải chăng chúng ta đang sai lầm trong việc sắp xếp các thứ tự ưu tiên??? Phóng viên ảnh người Tây Ban Nha, Omar Havana, đã dành bảy tháng từ tháng 10 năm 2010 đến tháng 4 năm 2011 để làm quen với người dân ở bãi chứa rác này và ghi chép lại cuộc sống của họ. Ông nói rằng những gì ông nhìn thấy là “từ một thế giới khác”, nhưng những người dân lại cảm thấy hạnh phúc. Dưới đây, Havana chia sẻ hình ảnh và câu chuyện của ông với ABC News Online

 

 Trẻ em và cha mẹ lọc tìm thực phẩm từ bãi rác (Nguồn: Omar Havana)

 Một cậu bé nói với tôi rằng em đã sống nhiều năm trong các bãi rác. Tôi đã rất cố gắng để có được quyền viếng thăm họ nhưng thất bại, vì thế tôi đã quyết định cứ đi mà không cần được cho phép. Những gì tôi thấy là từ một thế giới hoàn toàn khác. Trong số khoảng 500 người làm việc ở đó, hầu hết  sống, ngủ, ăn và uống ở ngay trong các bãi rác. Sau vài tháng làm việc trong các bãi rác, tôi thậm chí còn nhìn thấy một bé sơ sinh.

Một phụ nữ cho bé ăn dưới một nơi trú ẩn tại bãi rác (Nguồn: Omar Havana)

Với 34% dân số sống dưới 1 đô-la một ngày thì những người trong bãi rác cũng còn có thể kiếm được đồ ăn và lều che thân. Họ kiếm khoảng 35 cen (0.35 $) mỗi ngày trong 14 giờ lao động.

 Một cậu bé trèo vào thùng rác để lục tìm thực phẩm (Nguồn: Omar Havana)

 Họ là những người du mục. Họ di chuyển từ bãi rác này đến bãi rác khác khi có một bãi đầy rác mới được hình thành, thường là khoảng bốn năm. Toàn bộ cuộc sống của họ là trong các bãi rác; họ chỉ di chuyển từ bãi này đến bãi khác mà thôi.

 

Bé gái tươi cười giữa đống chất thải (Nguồn: Omar Havana)

Họ là những người bình thường. Hầu hết các em nhỏ trong độ tuổi từ 3 đến 15, và chúng luôn luôn mỉm cười – đó là điều làm tôi sốc nhất. Mùi hôi thối ở đây mạnh đến nỗi nó xộc thẳng vào cổ họng của bạn. Bạn có thể nếm được cả mùi. Đôi mắt của bạn trở nên đầy nước mắt. Thật là kinh khủng, nhưng với thời gian bạn sẽ quen dần.

Mọi người tìm thực phẩm từ các chất thải mới vừa chuyển đến (Nguồn: Omar Havana)

 Ngày nọ, một cậu bé mang theo một bịch máu hỏi tôi tại sao những người ở nước tôi không bao giờ mỉm cười. Tôi không biết trả lời em thế nào. Vừa nhìn vào bịch máu em mang theo để ăn như thể đó là cả một kho tàng, em giải thích với tôi: “Cháu luôn mỉm cười, cháu thật may mắn. Hôm nay cháu sẽ ăn món này và ngày mai cháu sẽ được thấy mặt trời một lần nữa”. 


Cậu bé khoe “chiến lợi phẩm” của mình (Nguồn: Omar Havana)

Họ dường như miễn dịch từ rác. Các bệnh thông thường rất hiếm; thường chỉ là tiêu chảy, đau bụng hoặc cảm. Một điều rất chung ở đây đó là các vết cắt và vết bầm tím, vì hầu hết trẻ em ở đây đều đi chân trần giữa hàng tấn rác thải.

 

Hai người bạn trẻ (Nguồn: Omar Havana)

 Về cơ bản bãi rác là “trung tâm mua sắm” của họ. Mọi thứ cần thiết cho cuộc sống đều đến từ bãi rác. Họ luôn nói với tôi rằng họ sẽ rất may mắn nếu tìm được chuối vì đây là thực phẩm sạch nhờ lớp vỏ che phủ bên ngoài. 

 Một phụ nữ đang lấy nước (Nguồn: Omar Havana)

Nơi có nhiều khách sạn với giá phòng có thể lên đến hơn 1.500USD cho một đêm.

 

Đống “phế liệu” (Nguồn: Omar Havana)

  Họ xứng đáng được biết đến, họ xứng đáng có tiếng nói, và tôi nghĩ rằng nụ cười của họ là cách tốt nhất mà họ dùng để thể hiện mình. Họ đang hạnh phúc chỉ vì ngày mai họ sẽ lại thấy mặt trời. 

 Bé gái ngồi trong đống rác (Nguồn: Omar Havana)

 Thành thật mà nói, tôi không tìm thấy nỗi buồn ở đó. Tôi đã hạnh phúc mỗi khi được ở cùng với những người dân ở đó.

 Nụ cười vui vẻ của cô gái khi lục tìm thức ăn (Nguồn: Omar Havana)

 Nỗi buồn và những giọt nước mắt sau đó lại đến, khi bạn ngồi trong phòng khách sạn, bao quanh bởi đầy rẫy vật chất mà lại thiếu vắng nụ cười, và khuôn mặt của những người dân sống ở đó xuất hiện trong tâm trí bạn – đó là lúc nỗi buồn bắt đầu xâm chiếm bạn.

 Trẻ em sống ở bãi rác (Nguồn: Omar Havana)

 Thế Giới Bị Quên Lãng. Nhiếp ảnh không thể làm thay đổi thế giới, nhưng có thể làm chúng ta thay đổi cách suy nghĩ và chạm đến trái tim chúng ta. Đó là lý do vì sao tôi là một nhiếp ảnh gia… để lên tiếng cho những người sống trong im lặng…