TÂM HỒN TÔI CẢI THIỆN DẦN NHỜ KINH THÁNH VÀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO

TÂM HỒN TÔI CẢI THIỆN DẦN NHỜ KINH THÁNH VÀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO

THU MINH                                                 nguồn: conggiaovietnam.net

Bạn sẽ trách tôi : “Cải thiện nhờ đọc Kinh Thánh chớ đâu phải nhờ Giáo Huấn”? “Kinh Thánh quí hơn vàng, Giáo Huấn quí như bạc”. Bạn còn bảo “Các cha xứ có bao giờ khuyên giáo dân học GHXHCG đâu ? Cha chỉ khuyên ta đọc Lời Chúa “.

Ba năm trước, tôi không biết thân thưa với bạn về ơn ích khi học GHXH. Nay đã có thể một chút thân thưa, nhờ ba năm đi học GHXHCG:

Tối nào tôi cũng đọc Lời Chúa, nhưng trong Kinh Thánh không có những từ ngữ đương thời như “toàn cầu hóa tình liên đới; tội xã hội; trục ác; bổ trợ; nhân quyền; chủ nghĩa duy tương đối; chủ nghĩa cộng sản; phát triển toàn diện; nhân bản liên đới; văn minh tình thương…”

Ở cơ quan, chúng tôi nói với nhau về Trung Quốc, Hoàng Sa Trường Sa, bóng ma chiến tranh, kinh tế suy sụp, ô nhiễm môi trường, tham nhũng
hối lộ…

Truyền thông nói với tôi về lao động, gia đình, quốc tế, kinh tế, pháp luật, và còn mời mọc tôi xem phim khiêu dâm !

Về nhà thì nghe nói về dạy con, về giá cả thị trường, về những lo toan trước tình hình giáo dục VN…

Kinh Thánh cho tôi những nguyên tắc đạo đức và những giá trị lớn lao muôn đời như yêu thương, công bình, sự thật…Kinh Thánh nhắc tôi phải bám chặt vào Chúa, nay mai xong đời thì mời về cõi Phúc. Kinh Thánh không cho tôi những chi tiết cụ thể về cách ứng xử với người khác, với xã hội, với vũ trụ vạn vật. Kinh Thánh “đẩy” tôi phải sống Tin Mừng cụ thể, tôi phải rút ra những bài học luân lý áp dụng vào hoàn cảnh vùng miền, lục địa và thế giới
hiện thời.

Thí dụ: Tôi có nên vào đảng Cộng Sản? Kinh Thánh không nói rõ đâu. Tôi phải vận dụng lý trí, lương tâm, tình cảm, trí khôn, ý chí…để đi tới chọn lựa đảng hay không.

Thần học luân lý (trong đó có GHXHCG) sẽ bàn bạc với tôi về lương tâm, bổn phận, trách nhiệm, phá thai, dối trá, tham lam, sex, bạo lực, bất công áp bức độc tài…

GHXHCG còn thúc đẩy tôi: Không những phải chống điều xấu “từ nội tâm” của riêng mình, mà phải giúp người khác, giúp xã hội được phát triển toàn diện, được sống trong tình thương yêu. GHXH dạy tôi sống những nguyên tắc và giá trị giúp tiến tới nền văn minh tình thương.

Nếu như từ tấm bé mà tai tôi đã được nghe Lời Chúa, nghe những bài học về môi trường, pháp luật, kinh tế, xã hội, gia đình, quốc tế, mục vụ…thì có thể tâm linh tôi sẽ tiến triển khác bây giờ ? ( Đương nhiên phải tùy vào tuổi tác và tâm lý mà dạy cho Kitô hữu các trình độ GHXHCG khác nhau )

Nay tâm hồn tôi đã cải thiện dăm điều :

1. Kinh Thánh là của ăn tâm hồn, giúp tôi yêu Chúa, yêu người, yêu đời, yêu Hội Thánh, chống ma quỉ bằng cầu nguyện liên lỉ. Nay mai tôi về quê hương trên Trời, nơi có Ba Ngôi Thiên Chúa, các thánh.

2. Kinh Thánh và GHXHCG giúp tôi biết cư xử cho đúng theo ý Chúa khi tôi đi làm, khi tôi trông thấy, trải nghiệm những vấn đề của con
người.

3. Nhờ học GHXHCG, tôi quí mến vô cùng các Đức Giáo Hoàng, các chuyên viên Hội Thánh, Công đồng Vatican II…Các vị ấy vừa yêu Chúa vừa yêu người. Vừa suy tư vừa hành động thiết tha xây dựng nền nhân bản toàn diện liên đới. Họ làm tốt đời sống cầu nguyện, đời sống cá nhân, đời sống cộng đồng.

4. Tôi đã, đang và tiếp tục “rủ rê” thêm vài người nữa vào lớp Kinh Thánh, lớp GHXHCG với “ngông tưởng” rằng, chúng tôi mà được” huấn luyện cho ra trò” thì Hội Thánh và xã hội được “hưởng nhờ” chút ít ? (Chúng tôi sẽ là thợ vườn nho cho Chúa. Thợ có chất lượng cao). Kinh Thánh và GHXHCG là “Trung Tâm Huấn Luyện” mà?w

(Trích tập san Giáo huấn Xã hội Công giáo tập 1)

Tác giả: THU MINH

Trái tim nhân hậu

Trái tim nhân hậu

Chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta cả đời đấu tranh cho giá trị nhân phẩm của những con người nghèo khổ nhất, đã nêu gương luân lý làm cầu nối các khoảng cách về văn hóa, giai cấp và tôn giáo. Một con người có vóc dáng nhỏ bé nhưng lại có trái tim “cực đại” và đầy lòng nhân ái. Bà nói: “Ngay cả những người giàu cũng khao khát tình yêu, muốn được quan tâm, muốn có ai đó thuộc về mình”.

Cha mẹ của bà là người Albani. Bà sinh ngày 26-8-1910 tại Shkup (nay là Skopje), thuộc Cộng hòa Nam Tư (Macedonia), trước đó là Yugoslavia, với tên “cúng cơm” là Agnes Gonxha Bojaxhiu. Bà là con út trong 3 người con. Lúc bà 7 tuổi, cha của bà bị giết,
nên bà quan tâm chính trị. Tuổi thiếu niên, bà là thành viên của nhóm bạn trẻ trong giáo xứ, gọi là nhóm Tương tế Tôn giáo (Sodality), dưới sự hướng dẫn của một linh mục Dòng Tên, bà cảm thấy quan tâm việc truyền giáo. Lúc 17 tuổi, bà gia nhập Dòng Nữ tử Loreto ở Ai-len, một dòng chuyên về giáo dục, rồi bà được gởi tới Bengal năm 1929 để vào nhà tập. Bà chỉ lõm bõm tiếng Anh nhưng vẫn khấn lần đầu, với tên dòng là Têrêsa (chọn theo tên của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu).

Đến năm 1950, nữ tu Têrêsa lập Dòng Truyền giáo Bác ái (Dòng Thừa sai Bác ái, Missionaries of Charity). Bà nhận Giải Nobel Hòa bình năm 1979 và nhận Giải Bharat Ratna (भारत रत्न, nghĩa là “Viên ngọc Ấn Độ”, giải thưởng cao nhất của Ấn Độ dành cho người dân) năm 1980. Trước đó, năm 1962, bà đã được chính phủ Ấn trao giải Padma Shri. Trong những thập niên kế tiếp bà được trao tặng các giải thưởng lớn như Giải Jawaharlal Nehru về Hiểu biết Quốc tế năm 1972.

Trong thời kỳ Ấn Độ bị người Anh đô hộ (British Raj), trường Loreto nhận rất ít người Ấn, đa số là người Hindu Bengal, con gái các gia đình có thế lực ở Calcutta, nhưng đa số
giáo viên vẫn là các nữ tu gốc Ai-len. Nữ tu Têrêsa không thuộc Dòng Nữ tử Loreto nữa nhưng thi thoảng bà vẫn về thăm. Bà dạy ở các trường nữ khác trong 3  năm trước khi (như bà nói) “theo Chúa đến với người nghèo khổ”. Theo các nữ sinh nói, sự gián đoạn đó không hoàn toàn thân thiện, ít là phần các nữ tu Dòng Loreto.

Hình ảnh nữ tu Têrêsa nhỏ bé, với tấm khăn choàng sari (trang phục của phụ nữ Ấn) xõa xuống vai và lưng, bước đi trên đường đá đỏ, trông thật giản dị và khiêm nhường. Bà luôn có một hoặc hai nữ tu choàng sari đi theo. Bà là con người kỳ lạ của thế kỷ XX. Có thể bà “khác người” vì chúng ta không thấy nữ tu nào choàng sari như vậy. Nhưng đó là thói quen của nữ tu Têrêsa vùng Calcutta, bà “quên” mình là người Albani để hòa nhập và hoàn toàn nên giống các phụ nữ Ấn.

Chính phủ đã “ầm ĩ”chống truyền giáo nhưng chưa bao giờ làm khó các nữ tu truyền giáo.

Đầu thập niên 1950, các học sinh không có đạo ở Nhà Loreto đã nghi ngờ ý định của Mẹ Têrêsa trong việc giúp đỡ các trẻ em đường phố hoặc trẻ mồ côi. Bà đang cứu vớt chúng để
“dụ” đưa chúng vào đạo Công giáo? Cứ hai tuần một lần, Mẹ Têrêsa nói chuyện để vận động phụ nữ không phá thai và bảo vệ sự sống. Dự định của Mẹ Têrêsa là chăm sóc những người bệnh ở thời kỳ cuối, những người đến Đền Kalighat để được chết gần “thánh địa”. Mẹ Têrêsa không mong kéo dài sự sống cho họ, nhưng buồn về tình trạng nhơ uế và cô độc của họ trong thời gian cuối đời. Mẹ Têrêsa quan ngại về tỷ lệ tử vong và ám ảnh về cách chết của họ, ngược với quan niệm của người Hindu về sự tái sinh và sự chết là được giải thoát khỏi maya.

Mẹ Têrêsa lập một trại phong (Leprosarium) ở ngoại ô Calcutta, trên khu đất do chính phủ cấp. Bà là người lý tưởng hóa hơn là người lập dị. Người phong cùi bị coi thường không chỉ
ở Calcutta mà ở khắp Ấn Độ, đến vài xu lẻ cũng không ai muốn bố thí cho họ. Ai cũng sợ bị lây nhiễm. Từ đó, người ta cũng có ánh mắt không thiện cảm với Mẹ Têrêsa.

Từ năm 1970, Mẹ Têrêsa trở nên một nhân vật nổi tiếng thế giới với các hoạt động nhân đạo cứu giúp người nghèo và những người sống trong hoàn cảnh tuyệt vọng, một phần cũng
nhờ cuốn sách và bộ phim tư liệu tựa đề “Something Beautiful for God” (Điều tốt đẹp dành cho Chúa) của Malcome Muggeridge.

Bà không chỉ là nhà truyền giáo, mà còn là một “lương y” tận tình chăm sóc người phong cùi. Cách dấn thân của bà đã thay đổi người dân Calcutta, chính các nữ tu Dòng Loreto
cũng trở lại tìm bà.

Dân Calcutta rất quý mến Mẹ Têrêsa. Các chị em ở trường nữ Loreto hồi thập niên 1970 đều trở nên các bà vợ tốt, có địa vị trong xã hội và tình nguyện hoạt động xã hội theo ý định
của Mẹ Têrêsa, nhất là vì trại phong. Những năm sau, Mẹ Têrêsa rất tin tưởng những phụ nữ tốt nghiệp trường Loreto.

Số phận những người vận động luân lý dễ bị tổn thương vì các thay đổi của thói đạo đức giả hoặc tùy tiện của các chiến dịch. Những kẻ gièm pha đã kết tội Mẹ Têrêsa là phóng đại
cảnh nghèo khổ của dân Calcutta. Mẹ Têrêsa luôn phải phải đấu tranh, dù vẫn bị người ta chỉ trích nhưng hoạt động của bà không suy giảm. Thậm chí bà còn thành công và cảm hóa chính những người đã nghi ngờ hoặc những người ghen ghét bà. Chính Mẹ Têrêsa đã thay đổi nhiều trái tim, đó là phép lạ thực sự vĩ đại.

Mẹ Têrêsa nói: “Ở Tây phương có sự cô đơn, điều mà tôi gọi là bệnh-phong-của-Tây-phương. Bằng nhiều cách, nó còn tệ hơn người nghèo của chúng tôi tại Calcutta. Tôi không bao giờ từ chối một đứa trẻ nào, không bao giờ, dù chỉ một”.

Năm 1950, cũng là năm Mẹ Têrêsa lập Dòng Truyền giáo Bác ái, ĐGH Piô XII đã phê chuẩn dòng này. Mẹ Têrêsa cũng đã từng có những lần sang thăm Việt Nam.

Vì tuổi cao sức yếu, Mẹ Têrêsa qua đời ngày 5-9-1997, sau hơn nửa thế kỷ phục vụ những người cùng đinh trong xã hội trong đức ái của Chúa Giêsu. Mẹ Têrêsa được ĐGH Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 19-10-2003.

Lạy Chân phước Têrêsa, xin ban cho chúng con trái tim nhân hậu như Mẹ để chúng con yêu thương mọi người, nhất là những người nghèo khổ, những người bị ruồng bỏ, những người bị ngược đãi,… Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ
của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

BUỒN

BUỒN

thanh_nien_giau

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tường thuật về hai cái buồn: một cái buồn của Đức Giêsu và một cái buồn của anh nhà giàu.  Đức Giêsu buồn vì người Ngài yêu mến đã từ chối lời mời gọi của Ngài, buồn vì người mà Chúa yêu thương lại gắn bó với tiền bạc nhiều hơn là gắn bó với Chúa, đã chọn của cải vật chất hơn là chọn Chúa.  Anh nhà giàu buồn vì có sự rạn nứt nơi bản thân.  Anh đã đi tìm gặp Chúa, đã thao thức tìm kiếm “một cuộc sống vĩnh cửu đời đời”, nhưng anh đã bị tiền bạc vật chất trói buộc; anh đã từ chối lời mời gọi của Chúa, đã cúi mặt bước đi với đầy phiền muộn.

Thầy Giêsu đòi anh từ bỏ tiền bạc của cải, điều mà anh đã thu góp và gắn bó trong bao nhiêu năm, điều mà anh yêu mến nhất và muốn giữ lại nhiều nhất. Tiền bạc là chỗ dựa của đời anh, anh sẵn sàng làm mọi điều Thầy đòi hỏi, trừ việc từ bỏ chỗ dựa này.

Không biết anh có nhìn thấy “con người thật” của mình không? Có thấy mình đang bị của cải trói buộc? Có thấy mình đang làm nô lệ cho tiền bạc vật chất? Tiếc thay anh không đủ quyết tâm và nỗ lực để ra khỏi sự trói buộc này, anh cũng không có đủ can đảm để cởi bỏ sự nô lệ với tiền bạc vật chất, dù anh vẫn khát khao sự sống vĩnh cửu đời đời.

Cái buồn của anh, đôi khi cũng là của bạn và tôi hôm nay. Ai trong chúng ta cũng từng bị giằng co giữa ước mơ lý tưởng và níu kéo ràng buộc của tiền bạc vật chất. Của cải vật chất có sức hấp dẫn mãnh liệt. Ta làm chủ nó hôm nay, nhưng nếu không cương quyết và sáng suốt,
ngày mai nó sẽ làm chủ ta và trở thành xương thành thịt của ta, mà ta không thể thể dứt bỏ.

Không chắc anh nhà giàu có bị luận phạt hay không, nhưng chắc chắn anh ta khó có được cuộc sống hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ đến với người dám sống và làm theo lời mời gọi của Chúa.

Vào thời Đức Giêsu, giàu có được coi là một phúc lành. Vậy mà Ngài lại coi giàu có là một cản trở nguy hiểm.  “Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (Mc.10:23). Nếu ta biết bỏ tất cả những gì cản trở để đến với Chúa, ta sẽ đạt được chính Chúa.  Được Chúa là được tất cả. Có Chúa là có tất cả. Vì Chúa là hạnh phúc viên mãn.  Được Chúa rồi ta sẽ không còn khao khát gì khác nữa.

Chính vì thế, khi thánh Phêrô hỏi Chúa: “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Chúa, chúng
con sẽ được gì?
” (Mc.10:28). Chúa đã trả lời: “Ai bỏ mọi sự mà theo Ta, sẽ được gấp trăm, và được sự sống vĩnh cửu.
(Mc.10:30).

Lắm tiền nhiều của sẽ làm con người có ảo tưởng là mình giỏi, mình thành công, mình cao sang quan trọng…Nó làm con người trở nên kiêu căng, khép kín trước Thiên Chúa, không cần Thiên Chúa, và hay nhẫn tâm chà đạp lên quyền lợi phúc lộc của người anh em. Tệ nạn tham nhũng hối lộ và cường quyền áp bức ở Châu Á ngày nay là một thí dụ về sự nguy hiểm
của tiền bạc.

Theo Đức Giêsu, đôi khi ta phải chấp nhận tay trắng, chịu bấp bênh thua thiệt. Nhưng đừng quên theo Ngài cũng là trở nên giàu có.  Không phải sự giàu có do ích kỷ giữ lại, nhưng là sự giàu có do mở ra và trao tặng.  Không phải sự giàu có do tìm kiếm chiếm đoạt, nhưng là sự giàu có đến như một quà tặng biếu không.

Người khôn ngoan thì phải biết nhìn xa trông rộng.  Biết bỏ những mối lợi trước mắt để tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu.  Như thế yêu mến Chúa là chìa khóa của sự khôn ngoan. Chọn Chúa là chọn giá trị tuyệt đối, vĩnh cửu không gì có thể so sánh được.

Theo Đức Giêsu, ta sẽ được lại cả những điều đã mất. Và cái được quan trọng nhất là được chính Đức Giêsu (Pl.3:8).

***

Lạy Chúa! Xin cho con đừng quay lưng trước lời mời gọi của Chúa, đừng ngoảnh mặt để tránh cái nhìn yêu thương Chúa dành cho con.

Xin dạy con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Vì Chúa là hạnh phúc và là cùng đích của đời con. Amen.

(Tổng hợp từ R. Veritas)

nguồn: Nguyễn Kim Bằng gởi

Bảy “lỗi” ăn sáng

Mặc dù ngày càng có nhiều người nhận ra tầm quan trọng của bữa ăn sáng nhưng ăn sáng đúng cách vẫn còn là điều xa lạ với không ít chị em.
Hãy tham khảo những sai lầm phổ biến khi ăn sáng dưới đây để không tự “phá hoại” sức khỏe của mình nhé.
1. Dậy sớm và ăn sáng
Rất nhiều người dậy sớm và ăn sáng ngay sau khi thức dậy. Nhưng trên thực tế, ăn sáng quá sớm (khoảng 5, 6 giờ sáng) không những không tốt mà còn có thể tổn thương dạ dày.
Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng, sau một giấc ngủ dài, hầu hết các cơ quan của cơ thể vẫn lưu lại một phần của bữa ăn tối. Cơ quan tiêu hóa vẫn cần thời gian hấp thụ nốt phần ăn đó.
Nếu bạn ăn bữa sáng quá sớm, thức ăn sẽ chất chồng với nhau, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
Nếu thức dậy sớm thì tốt nhất nên uống một cốc nước lọc ấm để kích hoạt lại hệ tiêu hóa cũng như thanh lọc cơ thể. Sau đó khoảng 20 đến 30 phút mới nên ăn sáng.
2. Vừa đi vừa ăn
Nhiều người (đặc biệt là dân văn phòng) do buổi sáng không có thời gian nên tranh thủ vừa ăn vừa đi bộ hoặc ăn khi chờ xe buýt…
Thói quen này không có lợi cho tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng. Chưa nói đến việc ăn khi đi ngoài đường có thể không đảm bảo vệ sinh, rất nguy hiểm cho sức khỏe.
3. Chỉ ăn trái cây
Ăn bữa sáng chỉ bằng trái cây – thói quen này thường gặp ở chị em, đặc biệt là những người muốn giảm cân. Tuy nhiên, biện pháp này lại không được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích.
Bởi vì trái cây chứa ít protein và calo nên không thể cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để tạo ra năng lượng và duy trì sự trao đổi chất bình thường của cơ thể. Ngoài ra, các loại trái cây như quả hồng vàng, cà chua, chuối… không thích hợp để ăn khi đói.
4. Ăn nhiều thịt
Rất nhiều người nói bữa ăn sáng không ăn thịt sẽ dễ bị đói vì không cung cấp đủ calo. Tuy nhiên các chuyên gia khuyên bạn không nên ăn nhiều thịt hay nhiều dầu vào bữa sáng. Bởi những loại thức ăn này chứa nhiều protein, và chất béo nên không tốt cho dạ dày.
5. Dùng thực phẩm lạnh vào buổi sáng
Buổi sáng, cơ bắp, thần kinh và mạch máu của cơ thể đang trong trạng thái co lại, nếu bạn ăn thực phẩm lạnh sẽ khiến lưu lượng máu trong cơ thể khó lưu thông.
Có thể ban đầu bạn chỉ thấy khó chịu ở đường tiêu hóa nhưng lâu dài bạn sẽ phải đối diện với chứng táo bón, da trở nên xấu hơn hoặc thậm chí có đờm ở cổ họng. Vấn đề này tuy nhỏ nhưng làm tổn thương khá lớn đến sức đề kháng của cơ thể.
Vì vậy, khi bạn ăn sáng nên tránh ăn trái cây đông lạnh, nước rau ép lạnh, cà phê đá hay sữa đá… Thay vào đó nên thưởng thức một tô cháo nóng, bánh mỳ, ngũ cốc nóng, sữa nóng.
6. Sử dụng thức ăn thừa
Nhiều người nghĩ rằng tận dụng lại đồ ăn từ tối hôm trước cho bữa sáng để tránh lãng phí, lại thuận tiện. Nhưng ý tưởng này là một sai lầm lớn!
Các chuyên gia chỉ ra rằng thức ăn không giữ lại giá trị dinh dưỡng toàn vẹn sau thời gian dài lưu trữ. Thậm chí sau một đêm, thức ăn có thể sản sinh ra nitric có hại cho sức khỏe con người.
7. Món ăn nhẹ cho bữa ăn sáng
Đồ ăn nhẹ mà nhiều người chọn cho bữa sáng phần lớn là các thực phẩm khô trong khi đó cơ thể buổi sáng đang trong trạng thái mất nước. Nếu sử dụng đồ ăn khô cho bữa sáng thì sẽ không có lợi cho tiêu hóa và hấp thu.
Hơn nữa, những đồ ăn này có thể cung cấp năng lượng ngay lập tức nhưng chỉ được trong một thời gian ngắn và sẽ khiến bạn cảm thấy đói hơn vào buổi trưa. Ăn sáng với các loại thực phẩm khô dễ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng cũng như sự suy giảm về thể chất, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.
nguồn:Chị Nguyễn  Kim Bằng gởi

Con hạc trắng

Con hạc trắng
Bạn có bao giờ ngắm kỹ một con hạc trắng chưa? Nó trông thật mảnh mai; chân dài, người mỏng, trong một bộ lông trắng muốt. Trông nó thanh cao như một người luống tuổi mà vẫn giữ được phong cách ung dung… Con hạc được coi là một con vật sống lâu cho nên người ta gọi tuổi của các cụ là tuổi hạc.
Tết năm nào gia đình tôi cũng lên Đà Lạt nghỉ ngơi tại nhà 1 người anh bà con. Ðằng sau nhà anh tôi có một con đường mòn dẫn tới một công viên. Con đường mòn vào cuối Xuân chớm Hạ thật là đẹp. suối róc rách chảy, cây cỏ xanh mướt, những bông hoa núi nở trắng xóa. Chúng tôi mỗi buổi sáng dắt theo con chó đi bộ, vừa đi vừa trò chuyện.
Tôi bất giác hỏi:
– Sao con người không giống cây cỏ, vào mùa đông héo, úa, rụng, đến xuân, hạ lại hồi sinh nhỉ?
Anh tôi cười, nói:
– Cứ giữ mãi được Xuân, Hạ trong lòng mình là tốt rồi.
Chúng ta những người ở  lứa tuổi đang bước vào tuổi già hay đã già. Tinh thần và thể xác không còn như hai mươi năm, mười năm về trước hay thậm chí như mới năm ngoái nữa.
Thông thường bất cứ người mang quốc tịch nào, sinh sống ở phần đất hay hoàn cảnh nào thì khi về già hay ngồi gậm nhấm lại quá khứ. Ở tuổi già, không có phương tiện di chuyển, bị trở ngại trong giao tiếp đã làm một số người sống một cuộc sống tẻ nhạt, từ tẻ nhạt đưa tới trầm cảm, khép kín.
Từ đó sinh ra bao nhiêu bệnh, và khi có bệnh, sự chạy chữa xem chừng không có hiệu quả lắm cho những người này.
Bác Sĩ Ornish, tác giả cuốn sách Love & Survival, nói rõ: Tách lìa tình thân gia đình và bạn bè là đầu mối cho mọi thứ bệnh từ ung thư, bệnh tim đến ung nhọt và nhiễm độc.
Tình thương và tinh thần lạc quan là gốc rễ làm cho chúng ta bệnh hay khỏe.
Ba mươi năm trước mà nghe ai nói cô đơn sinh ra các chứng bệnh thì người ta sẽ chỉ cười nhẹ.. Nhưng bây giờ điều này đã được nhiều bác sĩ công nhận là đúng.
Những buổi tĩnh tâm chung, có cầu nguyện, có tịnh niệm (tùy theo tôn giáo của mỗi người) chia sẻ những buồn vui, lo lắng của mình cùng người khác cũng giúp khai thông được những tắc nghẽn của tim mạch như là ăn những thức ăn rau, đậu lành mạnh vậy.
Nếu không nói ra được những gì dồn nén bên trong thì chính là tự mình làm khổ mình. Khi nói ra, hay viết ra được những khổ tâm của mình thì hệ thống đề kháng được tăng cường, ít phải uống thuốc.
Theo Bác Sĩ Ornish, khi bị căng thẳng cơ thể sẽ tiết ra một hóa chất làm cho mọi sinh hoạt ứ đọng, ăn không ngon, đầu không suy nghĩ, mạch máu trì trệ,mất sức đề kháng, dễ cảm cúm.
Như vậy sự cô đơn cũng là chất độc như cholesterol trong những thức ăn dầu mỡ, mà chỉ có sống lạc quan mới cứu rỗi được.
Nếu bạn không mở tâm ra cho người khác thì bác sĩ bắt buộc phải mở tim bạn ra
thôi!!!
Tuổi như thế nào thì gọi là già, chúng ta biết khi một người qua đời ở tuổi 60 thì được gọi là
‘hưởng thọ’.   Vậy sau tuổi 60 mỗi ngày ta sống là một “bonus”, phần thưởng của Trời cho.
Chúng ta nên sống thế nào với những ngày ‘phần thưởng’ này. Lấy thí dụ một người lớn tuổi, sống cô đơn, biệt lập, không đi ra ngoài, không giao thiệp với bạn hữu, thế nào cũng đi đến chỗ tự than thân trách phận, bất an, lo âu, ủ dột và tuyệt vọng. Từ đó bắt nguồn của bao nhiêu căn bệnh.
Trong Những lời Phật dạy có câu:

Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình.


Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng…

Chắc trong chúng ta không ai muốn rơi vào hoàn cảnh này. Gặp gỡ bè bạn thường xuyên trong những sinh hoạt thể thao là điều tốt lành nhất cho thể lý.
Ði tập thể thao như nhẩy nhẹ theo nhạc, tắm hơi, bơi lội, tennis v.v… đã giúp cho người lớn tuổi giữ được thăng bằng, ít ngã, và nếu có bệnh, uống thuốc sẽ công hiệu hơn, mau lành hơn.
Gặp bạn, nói được ra những điều phiền muộn cho nhau nghe, ngồi tĩnh tâm, đến nhà thờ, chùa cầu nguyện giúp được làm chậm lại sự phát triển của bệnh.
Bác Sĩ Jeff Levin giáo sư đại học North Carolina khám phá ra từ hàng trăm bệnh nhân, nếu người nào thường xuyên đến nhà nguyện họ có áp suất máu thấp hơn những người không đến nhà nguyện, ông bỏ ra hàng đêm và nhiều cuối tuần để theo dõi, tìm hiểu những kết quả cụ thể của ” Tín ngưỡng và sức khỏe “!
Cuốn sách ông phát hành gần đây nhất có tên là God, Faith and Health. Trong đó ông cho biết những người tín ngưỡng khỏe mạnh hơn, lành bệnh chóng hơn, ít bị nhồi máu cơ tim, gặp sự thăng trầm trong đời sống họ biết cách đối diện, họ luôn luôn lạc quan.
Lạc quan là một cẩm nang mà chúng ta nên luôn luôn mang theo bên mình. Ðừng bao giờ nói, hay nghĩ là ” Tôi già rồi, tôi không giúp ích được cho ai nữa ”  hoặc  ” Tôi vụng về, ít học, chẳng làm gì được ” .
Tôi xin kể câu chuyện Hai con ngựa của thầy phó tế George A.Haloulakos.
Cạnh nhà tôi có một cánh đồng cỏ, hàng ngày có một cặp ngựa, con nọ lớn hơn con kia một chút thong thả ăn cỏ ở đấy. Nhìn từ xa chúng là đôi ngựa bình thường giống những con ngựa khác. Tuy nhiên nếu bạn đến gần, bạn sẽ khám phá ra là có một con mù.
Trên đường trở về chuồng mỗi chiều, con ngựa nhỏ chốc chốc lại ngoái cổ lại nhìn bạn, muốn biết chắc bạn mù của nó vẫn đi theo tiếng chuông của nó để lại đằng sau..
Chủ nhân của nó chắc thương nó không nỡ bỏ đi, mà còn cho nó một chỗ ở an toàn. Chính điều này đã thành một câu chuyện tuyệt vời.
Ðứng bên chúng, bạn chợt nghe có tiếng chuông rung, phát ra từ cái đai nhỏ vòng quanh cổ con ngựa nhỏ hơn, chắc là một con cái. Tiếng chuông báo cho con bạn mù của nó, biết là nó đang ở đâu mà bước theo. Quan sát kỹ một chút bạn sẽ thấy cái cách con ngựa sáng chăm sóc con ngựa mù, bạn nó, chu đáo như thế nào. Con ngựa mù lắng nghe tiếng leng keng mà theo bạn, nó bước chậm rãi và tin rằng bạn nó không để nó bị lạc.
Cũng giống như chủ nhân của đôi ngựa có lòng nhân từ, Thượng đế không bao giờ vứt bỏ bạn vì bạn kiếm khuyết, hoạn nạn hay gặp khó khăn. Người luôn luôn đem đến cho chúng ta những người bạn khi chúng ta cần được giúp đỡ.Ðôi khi chúng ta là con ngựa mù, được dẫn dắt bởi tiếng chuông mầu nhiệm mà Thượng đế đã nhờ ai đó rung lên cho chúng ta. Những khi khác chúng ta là con ngựa dẫn đường, giúp kẻ khác nhìn thấy.
Bạn hiền là như vậy. Không phải lúc nào ta cũng nhìn thấy họ, nhưng họ thì luôn hiện diện đâu đó. Hãy lắng nghe tiếng chuông của nhau.
Hãy tử tế hết sức mình, bởi vì có một người mà bạn gặp trên đời, biết đâu cũng đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn nào đó họ phải phấn đấu để vượt qua. Không gì hơn là tuổi già nương dựa vào nhau trong tình bạn. Luôn luôn nghĩ bao giờ mình cũng có cái cho đi mà người khác dùng được.
Tính hài hước, làm cho người khác cười cùng với mình cũng là những liều thuốc bổ.
Thi sĩ Maya Angelou vào sinh nhật thứ 77, trong chương trình phỏng vấn của Oprah, hỏi về sự thay đổi vóc dáng của tuổi già, bà nói:
” Vô số chuyện xẩy tới từng ngày… Cứ nhìn vào bộ ngực của tôi xem. Có vẻ như hai chị em nó đang tranh đua xem đứa nào chạy xuống eo trước ” . Khán giả nghe bà, cười chẩy cả nước mắt.
Những vấn đề chính ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn (qua tinh thần) là:
+Sự cảm thông giữa cha mẹ và con cái, giữa ông bà với các cháu.
+Tinh thần chấp nhận và lạc quan.
+Nghĩ đến những điều vui nhỏ mỗi ngày.
+Tham gia những sinh hoạt nào phù hợp với sức khỏe.
+Làm việc thiện nguyện.
Sinh, bệnh, lão, tử. Con đường đó ai cũng phải đi qua. Nhưng đi như thế nào thì hầu như 80% chính mình là người lựa chọn.
+Nhóm bạn: Ðọc sách, kể chuyện,
đánh cờ, chơi bài (không phải ăn thua).
+Tham gia các lớp thể dục: Như Yoga, ngồi thiền, khí công v.v…Và ngay cả chỉ đi bộ với nhau 30 phút mỗi ngày cũng giúp cho tinh thần sảng khoái, sức khỏe tốt hơn là ở nhà nằm quay mặt vào tường.
Hãy thỉnh thoảng đọc lên thành tiếng câu ngạn ngữ này: ‘Một nét mặt vui vẻ mang hạnh phúc đến cho trái tim và một tin vui mang sức khỏe cho xương cốt.’
Chúc tất cả anh chị em luôn cảm thấy vui khoẻ và trọn vẹn an lành trong tâm hồn !
nguồn: Anh chị Thụ Mai gởi

LẠC LÕNG, & MÙA THU TRONG EM…

LẠC LÕNG,

Nguồn vui đã mất tự lâu rồi,

O về bên nớ bỏ mình tôi,

Nỗi buồn man mác theo dòng nước,

Biết đến bao giờ sẽ ngừng trôi…

Sông Hương núi Ngự vẫn còn đây,
Thiên Mụ hồi chuông thức tim này,

Con đò viễn xứ chưa về bến,
Khắc khoải lòng nhau nỗi đắng cay…

Tràng Tiền nối nhịp tim ai đã,

Chẳng nối hộ tôi mối tình xa,

Một mình lần bước trong đêm tối,

Mơ cuối đường hoang một mái nhà…

O có về thăm tôi tối nay,

Trăng đêm ủ rũ khuất vầng mây,

Che cả tim yêu niềm thổn thức,

Hồn mãi mộng mơ trọn kiếp này !!!

Liverpool.7/10/2012.

Song Như.

MÙA THU TRONG EM…

Em đến thăm tôi một sáng buồn,

Mùa thu vàng lá giọt mưa tuôn,

Mắt em là cả trời thơ mộng,

Ấp ủ dòng thơ tận cõi nguồn…

Từ lúc chia tay càng xa mãi,

Nhớ nhau ngồi đếm những tàn phai,
Thấy em trong cuối trời phiêu lãng,

Hồn mãi cưu mang sẽ có ngày…

Thu qua mấy độ thu lại về,

Em còn xa khuất tận bến mê,

Nhớ dong thuyền cũ về thăm nhé,

Đừng để tim anh lắm ê chề…

Sầu thu man mác ánh thu khơi,

Đếm những dòng trôi ngẫm sự đời,

Rừng bao nhiêu lá anh thầm đếm,

Gởi bấy nhiêu thương đến cho người…

Liverpool.8/10/2012.

Song Như.

TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU VÀ LÒNG XÓT THƯƠNG

TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU VÀ LÒNG XÓT THƯƠNG

Lm. Giuse Trần Đình Long

Dòng Thánh Thể

 

 

Lễ an táng chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một nữ tu Dòng Kín từ giã cõi đời lúc vừa tròn 24 cái xuân xanh, được cử hành tại nghĩa trang thành phố Lisieux ngày 4/10/1897. Đó là một
đám táng rất đơn sơ, lèo tèo vài vị giáo sĩ, một nhóm bà con bạn hữu và mấy chị Dòng Kín bậc hai. Tất cả chỉ có thế ! Cuộc sống của chị đơn sơ tầm thường quá, tới nỗi có chị đã nói : “Không biết mai đây Têrêsa chết đi, chúng ta sẽ viết tiểu sử giới thiệu ra sao đây ?”. Con đường nên thánh của chị giản dị quá. Nụ cười của chị hồn nhiên qua. Lời nói của chị tình cảm quá, tới nỗi khi cuốn sách “Một Tâm Hồn” được gởi tới những vị có uy tín trong Giáo Hội, một vị đã đọc với một vẻ hoài nghi lạnh nhạt : “Chà, Thánh đâu như hoa lề đường, sao mà dễ thế ! Chuyện gì phải qua rồi cũng sẽ qua !”.

Nhưng các vị đó đã lầm. Bông hoa lề đường đó đã tỏa hương thơm ngào ngạt khắp thế giới. Ngọn gió Thánh Linh thổi nhè nhẹ nhưng đã làm rung chuyển thế kỷ 20. Thánh nữ là sứ
điệp của Thiên Chúa, là lời sống động của Thiên Chúa. Chị đã khám phá ra một con đường nên Thánh mới lạ, rất ngắn, rất dễ, ai cũng có thể đi để tới Thiên Chúa.

Tuyên dương đời sống của thánh nữ, giáo hội ca ngợi giáo thuyết của chị và đã công nhận con đường thơ ấu thiêng liêng rất phù hợp với tinh thần Phúc Âm. Đường thơ ấu thiêng liêng là một bí quyết nên thánh cho mọi tín hữu khắp hoàn cầu. Nếu đường thiêng liêng này được phổ biến, chúng ta sẽ thấy việc canh tân xã hội và giáo hội được thực hiện. Thiên Chúa đã muốn làm tăng giá trị cho Têrêsa bằng một hồng ân khôn ngoan rất đặc biệt. Đức Piô XII đã mạnh bạo đặt sứ mệnh quan trọng của thánh nữ ngang với sứ mệnh của các vị tiến sĩ trong Giáo Hội.

Thánh nữ thành Lisieux đã tìm ra một con đường rất thẳng, rất ngắn, rất mới lạ, lại đơn giản dễ dàng. Đức Piô XI khẳng định : “Chị Dòng Kín khiêm nhượng đã đem cho thế giới một sứ điệp mới. Đường thơ ấu thiêng liêng đã mở ra trong giáo hội một giai đoạn mới, khiến việc nên thánh trở nên dễ dàng với mọi người.”

Tình yêu là tâm điểm, là nguyên tắc, là tận cùng của con đường thơ ấu thiêng liêng. Têrêsa nói : “Với TÌNH YÊU không những tôi CHẠY mà còn BAY”.Châm ngôn sống của thánh nữ là TÌNH YÊU. Yêu Chúa, yêu người với tất cả tấm lòng khiêm cung nhỏ bé như trẻ thơ tin
yêu phó thác vào cha mẹ.

Tinh thần Têrêsa quy tụ phần tinh túy nhất của Tin Mừng. Chúng ta thuộc về một gia đình siêu nhiên liên kết thành huyền thể Chúa Kitô và lan tràn vô biên. Chúng ta có Thiên
Chúa là Cha, Đức Trinh Nữ Maria là mẹ, và tất cả các thánh trên trời dưới đất là anh chị em trong Chúa Kitô.

Têrêsa không có những việc hãm xác kỳ lạ. Mẹ Agnès làm chứng : Tôi thấy Têrêsa càng về cuối đời, càng cố sống hãm mình cách hoàn toàn đơn sơ và mực độ. Chị thường nói với tôi rằng : “Ma quỷ hay đánh lừa những linh hồn quảng đại nhưng thiếu khôn ngoan bằng cách
thúc đẩy họ vào những hy sinh thái quá, vừa làm hại sức khỏe, vừa khiến họ không thể chu toàn bổn phận được, đồng thời lại muốn lấy đó làm tự mãn.Chỉ với những việc làm hèn mọn vô tên tuổi, nhưng lại trung thành lãnh nhận, linh hồn sẽ đạt tới đức yêu mến tinh tuyền là sự bỏ mình hoàn toàn cách mau chóng hơn.”

Giáo hội bảo đảm chắc chắn rằng lối khổ hạnh mới mẻ gồm những việc nhỏ mọn này là con đường nên thánh đích thực không kém đường lối khổ hạnh phi thường.

Cách cầu nguyện của Têrêsa rất đơn giản : “Tôi ở như đứa trẻ không biết chữ. Tôi cứ đơn sơ thật thà trần tình với Chúa những điều tôi muốn nói và bao giờ tôi cũng được Chúa
cảm thông.”

Têrêsa không có những hoạt động hiển hách : “Các chị đừng tưởng phải làm những việc lớn lao mới nên trọn lành được. Chúa Giêsu không cần đến những công trình hiển hách, hay những tư tưởng quảng bác của chúng ta. Nếu Ngài muốn những quan niệm cao siêu, Ngài
đã chẳng có các Thiên Thần thông biết trổi vượt các bậc kỳ tài trần gian ư ? Vậy Chúa không đến trần gian để tìm kẻ thần thông hay các bậc thiên tài, nhưng để yêu dấu sự đơn sơ chân thành.”

Chân lý sáng ngời nhất trong quan niệm của Têrêsa về thế gian cũng như trong cái nhìn Kitô giáo về vũ trụ là :TÌNH CHA của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Sở dĩ tín điệp Têrêsa có sức mạnh chinh phục là vì nó biết tìm lại chân lý căn bản của Kitô
giáo. Êm dịu biết bao khi gọi Thiên Chúa là Cha và trở nên con của Ngài. Thánh nữ chỉ nhìn thấy sự dịu hiền vô tận và lòng nhân từ thương xót của Cha trên trời chiếu giãi trong ánh sáng của Thánh Linh, đơn sơ, nhưng sâu sắc.

Quả thật tình yêu là căn nguyên mọi hoạt động của Thiên Chúa trên các vật thụ tạo. Têrêsa dễ nhận ra rằng :Lòng thương xótlà nguyên nhân công việc cứu chuộc của Chúa Kitô
và tất cả chương trình quan phòng của Thiên Chúa.

“Không phải vì đã được gìn giữ khỏi phạm tội trọng mà tôi phó thác yêu mến tiến về Chúa. Cả khi tôi cảm thấy lương tâm bị đè nặng bởi những tội có thể phạm, tôi cũng dám nức lòng phó thác, và với tâm hồn thống hối tôi gieo mình vào vòng tay cứu chuộc… Tôi biết rằng chỉ trong nháy mắt, mọi xúc phạm sẽ tiêu tan như giọt lệ rơi trong than hồng.”

Không bao giờ Têrêsa tỏ vẻ buồn bực khó chịu đối với những chị em đến làm phiền mình. Trong giờ giải trí chị đem hứng thú cho mọi người. Cuối đời chị, lúc bệnh nặng, một hôm Têrêsa viết nhật ký ở ngoài vườn, mấy chị em quấy rầy chị luôn. Mỗi lần, thay vì bực bội hay là xin chị em để mình thư thái, Têrêsa êm đềm đặt bút xuống và gấp tập lại với nụ cười tươi nở trên môi. Chị tự nhủ : “Em đang viết về đức bác ái huynh đệ thì đây là lúc thực hành… Thực hành bác ái huynh đệ bao nhiêu là yêu Chúa bấy nhiêu.”

Bác ái chân chính là biết chịu đựng lỗi lầm của bạn hữu, không ngạc nhiên khi thấy họ yếu
đuối.

Thánh Têrêsa đã khám phá một chân lý mới trong Tin Mừng, mà chính Chúa Giêsu đã nhấn mạnh rất nhiều là : “Trung thành trong điều rất nhỏ mọn”. Bổn phận dù hèn kém, dù tầm thường đến đâu cũng hợp với nền luân lý hoàn hảo nhất.

Sự thánh thiện trước hết là biết thánh hóa đời sống hàng ngày. Phải có một lòng trung thành tuyệt đối và tươi vui với bổn phận trong khung cảnh rất giản dị của đời sống
tầm thường, nơi mà Chúa nhân hậu đã đặt ta vào dưới sự thúc đẩy bền bỉ và mạnh
mẽ của TÌNH YÊU.

Trong cuộc sống âm thầm nơi tu viện, chính khi thực hành những phận sự hèn mọn nhất, tương tự như công việc tầm thường hàng ngày của ta, mà chị Têrêsa Hài Đồng đã trở nên vị
đại thánh đáng kính mến.

Têrêsa sống như trẻ thơ. Trẻ nhỏ đã ý thức được sự yếu hèn của mình, nó cảm thấy mình nghèo khổ thiếu thốn mọi sự và hoàn toàn lệ thuộc : “Ở như trẻ nhỏ tức là biết sự hư vô
của mình, chờ mong mọi sự nơi Chúa từ bi như trẻ con chờ mong cha mình, tức là không lo lắng gì, không tìm kiếm gì…Ta càng khiêm nhường nhận biết mình yếu đuối và khốn nạn, Thiên Chúa từ nhân càng ghé mình đến ta để đổ ơn thánh cho ta dồi dào hơn…Nơi những linh hồn thật khiêm nhường, tình yêu không có gì cản trở, ngay cả những lỗi lầm cũng giúp họ nâng mình gần Chúa hơn.”

Không bao giờ chị Têrêsa Hài Đồng xin cho mình một chút an vui. Chị chấp nhận tất cả từ tay Chúa với một niềm tin yêu phó thác : “Bây giờ tôi không ước ao điều gì nữa nếu điều
đó không làm cho tôi mến Chúa Giêsu đến điên rồ. Chính tình yêu lôi cuốn tôi…Tôi không biết xin gì nữa ngoài việc chu toàn ý Chúa… Chỉ có một điều tôi ao ước, đó là Ý CHÚA…Tôi đã phó thác dù sống hay chết.”

Phó thác đích thực là chỉ tìm ý Chúa. Thánh nữ đã thú nhận phải mất lâu ngày mới đạt tới bậc phó thác đó : “Tôi phải qua nhiều thác ghềnh trước khi đến dòng sông bình an, trước khi đến quả ngon ngọt của việc phó thác hoàn toàn, và của tình yêu hoàn hảo.”

Sau này Mẹ Agnès đã thú nhận rằng : “Không bao giờ tôi có thể đoán được rằng một ngày kia có thể có vấn đề phong thánh cho một chị dòng sống như mọi người thường. Và người ta
thấy chị nhà bếp phân vân không biết nhà dòng sẽ có thể lấy gì mà kê lên bảng thông cáo khi chị Têrêsa qua đời, vì họ chỉ đoán chị là một nữ tu tốt lành.”

Để đạt tới tuyệt đỉnh thánh thiện, không cần làm phép lạ hay ngất trí, không cần phải hoàn tất những công việc phi thường, nhưng chỉ cần mỗi ngày biết chấp nhận bổn phận Chúa
đã ủy thác và hoàn tất với tâm tình yêu mến là đủ. Cách nên Thánh theo Têrêsa là một nếp sống thường ngày hết sức đơn sơ mà được thánh hóa bởi tình yêu.

Chúa muốn dẫn chúng ta tới tột đỉnh thánh thiện, chỉ cần bỏ mình để vâng theo những kế hoạch do lòng nhân từ và thương yêu của Chúa với tâm tình hiếu thảo, cậy trông như
một trẻ thơ. Việc nên thánh ở tại tâm hồn đơn sơ khiêm nhường, ý thức sự yếu hèn của mình mà bạo dạn phó thác cho lòng nhân từ và thương xót của Chúa.

Việc giáo hội phê nhận đường thơ ấu thiêng liêng của chị thánh Têrêsa mời gọi ta mở rộng quan niệm về việc nên thánh. Thánh nhân không chỉ là một người bằng khổ hạnh ăn chay
hãm mình hay đánh tội đến chảy máu, làm cho mọi người phải kinh ngạc. Nhưng thánh
nhân còn là người khiêm tốn, đơn sơ, thuận theo ý Chúa, tín thác hoàn toàn vào lòng thương xót của Chúa, âm thầm chu toàn bổn phận rất nhỏ nhặt hằng ngày của mình trước những con mắt hằn học và khinh khi của người đời.

Đây là lúc để cùng Mẹ Maria, cùng hai thánh nữ Têrêsa và Faustina, chúng ta trở về với con đường nên thánh trong tin yêu phó thác vào lòng thương xót của Chúa. Hãy làm mọi việc, dù là những việc nhỏ nhặt tầm thường nhất, trong tình yêu, theo cách Con Một Chúa đã làm. Vì sứ điệp của Têrêsa trước hết là sứ điệp của TÌNH YÊU: “Ơn gọi của con là trở nên tình yêu.Trong trái tim giáo hội, Mẹ yêu dấu, con sẽ là tình yêu. Như thế con sẽ là tất cả!”

“Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Thánh Têrêsa Avila

Thánh Têrêsa Avila

(1515-1582)

15 tháng 10
“Thánh Têrêsa Avila sống trong thời kỳ nhiều khai phá cũng như nhiều biến động chính
trị, xã hội và tôn giáo. Ðó là thế kỷ 16, thời của hỗn loạn và cải tổ. Cuộc đời của thánh nữ bắt đầu với sự cực thịnh của phong trào cải cách Tin Lành, và chấm dứt sau Công Ðồng Triđentinô ít lâu.
Ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho Têrêsa mà qua đó ngài trở nên thánh thiện, để lại gương sáng cho Giáo Hội và hậu thế gồm có ba điểm: Ngài là một phụ nữ; ngài là người chiêm niệm; ngài là người tích cực sửa đổi.
Là một phụ nữ, nhưng Têrêsa giữ vững lập trường của mình trong một thế giới “trọng nam khinh nữ” vào thời đó. Ngài là người cương quyết, gia nhập dòng Camêlô bất kể sự chống đối kịch liệt của cha mình. Ngài không phải là một con người chìm trong sự thinh lặng cũng như sự huyền bí. Ðẹp, có tài, giỏi giao tế, dễ thích ứng, trìu mến, can đảm, hăng say, ngài thực sự là một con người. Cũng như Ðức Giêsu, ngài có những mâu thuẫn lạ lùng: khôn ngoan, nhưng thực tế; thông minh, nhưng đi đôi với kinh nghiệm; huyền bí, nhưng là người quyết liệt cải cách. Một phụ nữ thánh thiện, nhưng cũng đầy nữ tính.
Têrêsa là một phụ nữ “vì Chúa”, một phụ nữ của cầu nguyện, kỷ luật và giầu lòng thương. Tâm hồn ngài thuộc về Chúa. Sự hoán cải của ngài không chỉ là một công việc tức thời, nhưng đó là một tranh đấu gian khổ suốt cả đời, bao gồm sự trường kỳ thanh luyện và đau đớn. Ngài bị hiểu lầm, bị đánh giá sai, bị chống đối khi ngài nỗ lực cải cách. Tuy nhiên ngài vẫn tiếp tục, vẫn can đảm và trung tín; ngài chống trả với chính bản thân, với bệnh tật. Và trong cuộc chiến đấu ấy, ngài luôn bám víu lấy Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Những văn bản của ngài về sự cầu nguyện và chiêm niệm là chính những kinh nghiệm bản thân của ngài: thật mạnh mẽ, thật thiết thực và thanh cao. Một phụ nữ của cầu nguyện, một phụ nữ vì Chúa.
Têrêsa cũng là một phụ nữ “vì tha nhân.” Qua sự chiêm niệm, ngài dành nhiều thời giờ và sức lực để tìm cách thay đổi chính ngài và các nữ tu Camêlô, để đưa họ trở về với những quy tắc ban đầu của nhà dòng. Ngài sáng lập trên sáu tu viện mới. Ngài đi đây đó, viết lách, chiến đấu — luôn luôn để canh tân, để cải tổ. Trong chính bản thân ngài, trong lời cầu nguyện, trong đời sống, trong nỗ lực cải tổ, trong tất cả mọi người ngài gặp, ngài là người phụ nữ vì tha nhân, người phụ nữ làm phấn khởi cuộc đời.
Vào năm 1970, Giáo Hội ban cho ngài một danh hiệu mà người đời đã nghĩ đến từ lâu:
Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài là người phụ nữ đầu tiên được vinh dự này.
Lời Bàn
Ngày nay chúng ta sống trong một thời đại nhiều xáo trộn, thời đại cải tổ và thời đại giải phóng. Các phụ nữ thời đại có thể nhìn đến Thánh Têrêsa như một thách đố. Thúc giục canh tân, thúc giục cầu nguyện, tất cả đều có trong con người Thánh Têrêsa là người đáng khâm phục và noi gương.
Lời Trích
ThánhTêrêsa hiểu rõ giá trị của sự đau khổ liên tục (bệnh tật thể xác, không muốn cải tổ, khó khăn cầu nguyện), nhưng ngài đã luyện tập để có thể chịu đau khổ, ngay cả khao khát đau khổ: “Lạy Chúa, hoặc là đau khổ hoặc là chết.” Cho đến gần cuối đời, ngài đã kêu lên: “Ôi lạy Chúa! Thật đúng là bất cứ ai làm việc cho Ngài đều được trả bằng những khó khăn! Và đó thật đáng giá cho những ai yêu mến Ngài nếu chúng con hiểu được giá trị của nó.”
nguồn Maria Thanh Mai gởi

Thánh Margaret Mary Alacoque

Thánh Margaret Mary Alacoque

13 tháng 10

Thánh Margaret Mary được Chúa chọn để dấy động trong Giáo Hội một nhận thức về tình yêu Thiên Chúa được biểu tượng qua trái tim Chúa Giêsu.

Ngài sinh trưởng ở L’Hautecour, Burgundy, nước Pháp. Sau khi cha chết vào lúc tám tuổi, ngài được gửi vào trường Nữ Tu Thánh Clara Khó Nghèo ở Charolles. Ngài phải nằm liệt giường vì bệnh thấp khớp cho đến năm mười lăm tuổi, và lúc ấy ngài đã có lòng sùng kính Thánh Thể đặc biệt.

Ngài từ chối việc lập gia đình và gia nhập dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial và khấn trọn vào năm tiếp đó. Một nữ tu dòng Thăm Viếng “không cần phải trở nên phi thường,” nhưng người nữ tu trẻ tuổi này thật khác lạ. Một chị đệ tử
sinh (thích chỉ trích) cũng phải công nhận Margaret là người khiêm tốn, đơn sơ và thành thật, nhưng trên tất cả Margaret hiền lành và kiên nhẫn khi bị sửa sai và chỉ trích.

Khi hai mươi tuổi, ngài được thị kiến Ðức Kitô, và từ ngày 27 tháng Mười Hai 1673, cho đến một năm rưỡi sau đó, ngài nhận được một chuỗi những thụ khải.
Qua đó, Ðức Kitô cho biết thánh nữ được chọn là khí cụ của Người để lan truyền việc sùng kính Thánh Tâm Chúa, và qua tình yêu của chính mình,
thánh nữ sẽ đền bù cho sự lạnh nhạt và vô ơn của thế gian — qua sự thường xuyên và quý trọng việc Rước Lễ, nhất là trong các thứ Sáu đầu tháng, và qua một giờ cầu nguyện mỗi tối thứ Năm để tưởng nhớ sự thống khổ và cô đơn của Chúa khi trong vườn Cây Dầu. Chúa cũng yêu cầu thiết lập một ngày lễ để kính Thánh Tâm Chúa.

Như tất cả các thánh khác, Margaret đã phải trả giá cho sự thánh thiện của
mình. Một số các sơ trong dòng chống đối ra mặt. Các thần học gia được triệu tập để tuyên bố những gì ngài được thụ khải chỉ là ảo tưởng và họ đề nghị ngài ăn uống điều độ hơn. Sau này một cha giải tội của nhà dòng, Chân Phước Claude de la Colombiere, dòng Tên, nhận ra giá trị thực của điều thụ khải và đã hỗ trợ ngài. Bất kể sự chống đối mãnh liệt, Ðức Kitô kêu gọi ngài hãy hy sinh để đền bù cho những thiếu sót của các sơ trong dòng, và để sứ điệp của Chúa được lan rộng.

Cho đến năm 1683, sự chống đối chấm dứt khi Mẹ Melin được chọn làm Bề Trên và bổ nhiệm Sơ Margaret Mary làm phụ tá. Sau này sơ làm Giám Ðốc Ðệ Tử Viện, và được mục kích lễ Thánh Tâm Chúa được nhà dòng cử mừng một cách riêng tư vào năm 1686, và hai năm sau, một nhà nguyện được xây cất ở
Paray-le-Monial để kính Thánh Tâm Chúa.

Sơ Margaret Mary từ trần ngày 17-10 và được phong thánh năm 1920. Chính
ngài cũng như Thánh Gioan Eudes và Chân Phước Claude La Colombiere được gọi là “Các Thánh của Thánh Tâm”; bảy mươi lăm năm sau, năm 1765, việc sùng kính Thánh Tâm được chính thức công nhận và được chấp thuận bởi Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XIII.

Lời Bàn

Thời đại vật chất-khoa học của chúng ta không thể “chứng minh” những thụ
khải riêng tư. Các thần học gia, nếu bị ép buộc, cũng xác nhận là chúng ta không phải tin vào điều thụ khải. Nhưng không thể khước từ sứ điệp mà Thánh Margaret Mary đã loan báo: Thiên Chúa yêu thương chúng ta với một tình yêu nồng nàn. Thánh nữ luôn nhấn mạnh đến việc đền bù qua sự cầu nguyện, và nhắc đến sự phán xét sau cùng. Những điều ấy đủ để xoá tan tính cách dị đoan và hời hợt của việc sùng kính Thánh Tâm trong khi vẫn duy trì được ý nghĩa sâu xa của Kitô Giáo.

Lời Trích

Ðức Kitô nói với Thánh Margaret Mary: “Ðây là Trái Tim đã quá yêu thế gian đến nỗi không còn giữ lại chút gì, cho đến khi kiệt quệ và héo hon, để chứng minh tình yêu của trái tim Thầy. Ðền đáp lại, Thầy chỉ nhận được sự vô ơn bạc nghĩa, qua sự bất kính và phạm thượng của chúng, và qua sự lạnh nhạt và khinh miệt của chúng trong bí tích tình yêu này… Thầy đến trong trái tim mà Thầy đã ban cho con để qua sự nhiệt thành của con, con sẽ đền bù cho những xúc phạm đến Thầy vì những tâm hồn thờ ơ và lười biếng đã làm ô danh Thầy trong Bí Tích Thánh Thể” (lần thụ khải thứ ba).

Maria Thanh Mai gởi

TỪ BÈ TAM ĐIỂM ĐẾN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

TỪ BÈ TAM ĐIỂM ĐẾN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Ngày 26-11-1929, sau trận chiến nội tâm ”tàn-khốc”, ông Einar Berrum quyết định gởi thư đến trụ sở hội tam điểm tại Na-Uy, xin rút tên ra khỏi hội.

Thư gửi đi, ông tức khắc tìm được niềm an bình hạnh phúc khôn tả! Cùng ngày đó, ông đến gặp Cha Sở nhà thờ chính tòa Công Giáo Oslo, thủ đô Na-Uy, xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo .. Bốn năm sau, ông lấy giấy ghi lại cuộc trở về với Giáo Hội Công Giáo.

Con đường dẫn tôi đến với Giáo Hội là con đường bình thường. Có lẽ không bao giờ tôi viết lại, nếu không có người xin tôi viết. Và khi chấp nhận lời yêu cầu, cùng lúc tôi muốn bày tỏ lòng yêu mến và ghi ơn Giáo Hội Công Giáo, Mẹ chúng ta.

Tôi sinh năm 1872 tại Osolo và được may mắn lớn lên trong gia đình Kitô. Thân phụ tôi là tín hữu tin lành mộ đạo.

Sau khi mãn bậc tiểu học, tôi được cha mẹ gửi sang Anh quốc, bắt đầu bậc trung học đệ nhất cấp tại trường Thánh Olave ở thành phố York.

Đây là trường học tin lành. Dĩ nhiên người ta nói với chúng tôi về ông tổ tin lành Luther và trình bày cho chúng tôi biết tất cả thành kiến xấu về Giáo Hội Công Giáo và Vị Giáo Hoàng của Giáo Hội này! Chính trong bầu khí bài xích Giáo Hội Công Giáo mà tôi đi vào thế giới của tôn giáo và của văn chương khoa học.

Tôi không bao giờ quên Chúa Nhật đầu tiên tại thành phố York. Hôm ấy tôi bước vào nhà thờ mang tên Thánh Olave, vị thánh người Na-Uy. Đó là nhà thờ Anh giáo. Ban đầu tôi cứ ngỡ mình đang ở trong nhà thờ Công Giáo, vì lúc ấy, tôi chưa thạo tiếng Anh cho lắm..

Lần đầu tiên trong đời, tôi học biết quỳ gối. Và những nghi lễ trang trọng cùng với thánh ca có nhạc cụ đi kèm, nghe thật du dương và thật sốt sắng. Buổi phụng vụ Chúa Nhật ghi vào lòng tôi một ấn tượng tốt đẹp. Từ đó, tôi có thói quen đến nhà thờ này vào mỗi Chúa Nhật để tham dự các nghi lễ phụng vụ.. Sau này, khi trở lại Oslo, tôi cũng thường đến tham dự các buổi cử hành phụng vụ tại nhà thờ Anh giáo. Tôi đến đây không phải vì tâm tình mộ đạo cho bằng bị lôi cuốn bởi nét đẹp của các buổi cử hành. Thế thôi.

Sau khi mãn bậc trung học đệ nhất cấp tại Anh quốc, tôi trở về Na-Uy học tiếp. Đến năm 1908 – tôi 36 tuổi – xảy ra biến cố làm thay đổi cuộc đời. Thân phụ tôi giữ chức vụ cao trong hội tam điểm. Ông muốn các con trai ông phải ghi tên vào hội này. Ngày 24-4-1908, anh em tôi chính thức ghi tên gia nhập hội tam điểm.

Năm 1918, tôi thành hôn với thanh nữ Đan-Mạch sống tại thủ đô Copenhagen. Hiền thê tôi là tín hữu tin lành đạo đức và là phụ nữ trí thức. Nàng say mê văn chương và thích nghe bài giảng hay. Khi thành hôn với tôi, nàng về sinh sống tại tỉnh nhỏ ở Na-Uy. Chỉ có điều duy nhất nàng cảm thấy nhung nhớ, đó là những bài giảng hay trong các nhà thờ tin lành ở thủ đô Copenhagen.

Một Chúa Nhật mùa chay năm 1928, khi trở về nhà, nàng hớn hở nói với tôi nàng vừa tìm ra vị giảng thuyết thật hay, tại nhà thờ Công Giáo thánh nữ Brigitte. Tôi tỏ dấu tức giận và hờn dỗi, vì thấy vợ tự ý đi tìm nhà thờ Công Giáo, với vị giảng thuyết Công Giáo. Dầu vậy, từ đó, chúng tôi đều đặn đến nghe giảng tại nhà thờ này .. Tuy nhiên, hạnh phúc lứa đôi bắt đầu lung lay. Đôi khi chúng tôi còn cãi vả to tiếng với nhau nữa. Trong khi đó, vợ tôi mỗi ngày một đến gần Giáo Hội Công Giáo.

Ngày 2-12-1928, Chúa Nhật Mùa Vọng, sau khi bất bình với nhau về nhiều sự, vợ tôi vẫn cố gắng thuyết phục tôi đi lễ nơi nhà thờ Các Linh Mục dòng Đaminh tại Oslo. Tôi miễn cưỡng nghe lời vợ. Đến nơi, tôi chọn ngồi vào hàng ghế sau cùng. Nhưng thay vì cảm thấy khó chịu, tôi lại cảm thấy lòng thanh thản lạ thường. Vị Linh Mục chủ lễ và giảng hôm đó là
người Pháp. Vậy mà ngài nói rành tiếng Na-Uy, không thể chê được. Thêm vào đó, bài giảng thật hay. Tôi xúc động thật sự.

Năm sau, ngày 4-10-1929, vợ tôi chính thức gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Cuộc chiến nội tâm của tôi còn kéo dài đến ngày 26-11 cùng năm. Sau đó tôi quyết định ra khỏi hội tam điểm và xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Từ đó tôi tận hưởng niềm an bình hạnh phúc thật sự.

(”Stella Maris”, Octobre/1993, trang 30-31).


Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Maria Thanh Mai gởi