BÌNH AN CỦA CHÚA NƠI TRẠI PHONG BẾN SẮN

BÌNH AN CỦA CHÚA NƠI TRẠI PHONG BẾN SẮN

Trại phong Bến Sắn đã được thành lập từ năm 1959. Kể từ ngày đầu thành lập, trại phong Bến Sắn đã được trao cho các nữ tu tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn coi sóc và phục vụ. Từ sau năm 1975, các nữ tu chỉ còn là người phục vụ như nhiều cán bộ công nhân viên khác của trại.

I. BÌNH AN GIỮA NHỮNG NGHỊCH LÝ.

Hơn nửa thế kỷ, gần cả một đời người, nơi đây đã lưu dấu bao nhiêu bước chân con người đi qua. Có thể họ là những người phục vụ với tư cách là y bác sĩ; có thể họ là những người mang lý tưởng tình yêu Chúa Kitô như các nữ tu và nhiều thành viên thiện nguyện khác; có thể họ là những ân nhân một lần đến thăm rồi từ đó gắn bó với trại phong; cũng có thể đó là những người tình cờ hay tò mò muốn biết bệnh nhân phong là thế nào, rồi khi chứng kiến, đã ghi dấu ấn hình ảnh những con người bất hạnh tận tâm khảm đời mình; và trên hết, thành phần chủ yếu của trại phong là tất cả bệnh nhân phong. Chính vì họ mà trại phong Bến Sắn có lý do tồn tại và hiện diện trong nhiều chục năm qua.

Như một tuyên úy cho trại phong, hằng ngày đến dâng thánh lễ, nhiều lần rửa tội, giải tội, xức dầu, cử hành các nghi thức tẩm liệm, an táng… cho những anh chị em trong trại, chúng tôi đã thấm thía lời Chúa Giêsu trong nhà tiệc ly trước khi chia tay các môn đệ của Người: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27). Lời ban bình an này được thực hiện ngay giữa cơn thử thách đang đè nặng trên tông đồ đoàn, vì Chúa sắp bước vào thụ nạn.

Nếu Chúa nói lên lời bình an, trao ban bình an giữa khung cảnh an vui, tấp nập người người tung hô Chúa, hay giữa cảnh đoàn đoàn lũ lũ người chạy đi tìm Chúa, hay giữa đám đông đang muốn tôn Chúa làm vua, thì lời ban bình an ấy còn dễ hiểu. Nhưng hôm nay, trong giờ phút thương đau nhất, giờ phút Chúa phải đối diện với sự phản bội của môn đệ; đối diện với sự thù hận của lòng người đã lên đến đỉnh điểm; đối diện với bạo lực kinh hoàng dành cho mình, đối diện với cây thập giá tủi nhục; đối diện với sự phản trắc của đám đông đã từng nhận hết ơn này đến ơn khác từ nơi Chúa…, thì Chúa lại trao ban bình an!

Một hoàn cảnh xem ra quá ngược, qua nghịch lý để có thể thốt lên lời bình an. Bởi cứ nhìn bằng đôi mắt phàm trần, đây là lúc Chúa không còn bình an, không có bình an. Làm sao mà một người đang đối diện với cái chết tàn nhẫn và khủng khiếp mà người ta dành cho mình, lại có thể có bình an? Làm sao mà một người biết mình sẽ kết thúc cuộc đời bi thảm đến cùng cực lại có đủ bình an mà trao ban cho môn đệ?

Nói như thế là ta đang áp đặt kiểu suy nghĩ của loài người. Bởi bình an mà Chúa trao ban không phải bình an mà “thế gian ban tặng”, nhưng là bình an của Chúa. Bình an giữa những khổ đau vây chặt mới thật sự là bình an. Người vẫn giữ nội tâm của mình bình an giữa những rát buốt mới thật là người vỹ đại. Hơn thế, người vẫn có thể thốt lên hai tiếng bình an và trao ban bình giữa cảnh tượng tàn khốc của sự dữ đang nhắm vào mình, đó mới thật là quà tặng vô giá cho người đón nhận.

Chúa Kitô là như thế. Giữa lúc vây bũa bởi đau khổ tứ bề giăng mắc đang tiến về phía mình, Chúa lại trao bình an cho kẻ khác. Đặc biệt, Chúa trao bình an cho ngay chính kẻ hãm hại mình, bình an của Chúa vì thế càng lớn lao, cao cả. Đó mới thật là bình an của Chúa. Đó mới thật là bình an mà thế gian còn không thể hiểu nổi, chứ đừng nói là thế gian ban tặng.

II. CHÚNG TA CẦN BÌNH AN CỦA CHÚA.

Bình an của Chúa. Chúng ta cần bình an ấy. Từng cá nhân cần bình an ấy. Nhân loại cần bình an ấy. Bình an của Chúa, bình an giữa mọi thách thức, bình an làm sống trong lòng ta tất cả những can đảm, những chấp nhận, những tình yêu, những cảm thông, những say mê xót thương, những hạnh phúc nội tâm…

Bình an của Chúa đem chúng ta đến gần anh chị em, cho chúng ta được liên kết trong đau khổ với tất cả mọi người khổ đau, bị tước đoạt quyền sống, bị thất bại trong cuộc đời…; liên kết trong yêu thương với tất cả mọi người đang đói khát yêu thương, đói khát tự do, đói khát hòa bình, đói khát quyền được sống như một con người…; liên kết trong sớt chia với tất cả những ai cần được ủi an, những ai bị loại ra khỏi đời sống chung, bị rẻ rúng giá trị làm người…; liên kết trong yếu đau với tất cả mọi người bệnh tật, bị áp bức, bị bóc lột, bị bỏ rơi, bị hiểu lầm, bị đối xử tệ bạc, bị tù tội, nhất là những ai bị những án tù oan khuất…; liên kết trong hy vọng với tất cả mọi người đang cố gắng vươn lên từ những vùi giập, vươn lên trong nỗ lực tìm lại căn tính của mình, cố gắng vươn lên và vượt thoát những hoàn cảnh như đang nhấn chìm bản thân mình…; liên kết trong sự hiểu biết với tất cả những ai đang đi tìm cho mình một định hướng, một chân lý không chỉ giúp sống mà còn giúp thăng tiến mình, thăng tiến mọi con người còn đang lạc hậu, khổ ngèo, bị tước bỏ nền văn hóa…; liên kết trong sự rộng lượng với tất cả những người bị khinh bỉ, bị bách hại vì mọi lý do chính trị, bị thách thức lòng tin, bị làm cho xói mòn tình người, xói mòn sự tương thân tương ái…

Bình an của Chúa. Chúng ta cần bình an ấy. Bình an của Chúa giúp chúng ta vượt trên mọi khổ hạnh, thắp sáng lên sự mạnh mẽ của ý chí, của quyết tâm chiến thắng. Bình an của Chúa đem lại cho chúng ta hoa trái của vui tươi, đón nhận, đùm bọc, chở che, sống hết tình, sống hết mình vì đồng loại… Bình an của Chúa sẽ cho chúng ta nội tâm thanh thản trên số phận của mình, dẫu số phận ấy, nhìn từ bên ngoài sẽ chỉ có bi đát, thất vọng, bất hạnh… Bình an của Chúa làm cho chúng ta, dẫu đớn đau cực độ qua từng nỗi đau của tinh thần lẫn thể xác, vẫn không nổi loạn, không đánh mất nhân tính, nhưng càng thấm thía sự bất tất vô cùng của thân phận mong manh…

III. LÒNG NGƯỜI TRỔ SINH BÌNH AN CỦA CHÚA.

Chúng tôi đã học được tất cả những bài học quý báu ấy nơi mọi con người và từng người trong trại phong Bến Sắn này. Vì thế, đến với họ, chúng tôi được mà không hề mất. Chúng tôi đã nhận nơi họ quá nhiều, đến nỗi nhiều lúc phải hỗ thẹn. Anh chị em trong trại phong là món quà, không thể có món quà nào quý hơn, mà Chúa đã trao tặng chúng tôi.

Làm sao mà những con người, tưởng chừng xấu số ấy, vẫn có thể nở nụ cười trên môi, dẫu nhiều khi vì bệnh tật, nụ cười đã dị dạng.

Làm sao mà những con người, tưởng chừng không còn niềm tin, lại có thể tin vào Chúa là tình yêu, khi mà cả một đời gắn chặt trên giường bệnh, hay trên những chiếc xe lăn oan nghiệt.

Làm sao mà những con người tưởng chừng bị mất hy vọng dường ấy lại có thể nhìn nhận Thiên Chúa là Cha từ ái, và suốt đời ôm ấp lòng mến yêu, sự cậy trông tha thiết đối với Thiên Chúa đến vậy.

Làm sao mà những con người đáng thương ấy lại có thể cất lên tiếng “cha” niềm nỡ với các linh mục, hay tiếng “dì”, tiếng “thầy” thân thương với các tu sĩ.

Làm sao mà những con người bạc phận ấy lại có thể can đảm níu kéo cuộc sống của mình từng ngày trong căn bệnh quái ác đã từng gây đau nhức đến nỗi chỉ muốn chết, chỉ có thể chết mà thôi.

Làm sao những con người đáng thương ấy lại có thể chấp nhận bản thân mình, trong khi bị chính những người thân nhất đời mình như cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cháu… chối bỏ, thậm chí bị khước từ, bị khinh bỉ như một kẻ dơ bẩn, xấu xa, hèn mạc.

Làm sao mà những con người, cứ tưởng là bi đát, lại có thể chìa đôi tay không còn nguyên vẹn của mình để làm cho đứng dậy những ai muốn gục ngã trong đời.

Làm sao mà những con người khó đứng vững trên đôi chân mình, lại có thể làm điểm tựa vững chắc cho những ai đang sầu thương trên đường đời. Bởi nhiều khi vấp phải những khủng hoảng trong đời sống, chúng tôi đã chiêm ngưỡng những anh chị em tưởng chừng bi thương ấy, để lấy lại thăng bằng cho đời hiến dâng của mình.

Làm sao mà những con người, cứ tưởng là bất hạnh ấy, lại giàu nghị lực, giàu lòng can đảm chịu đựng bệnh tật, chịu đựng hoàn cảnh thiếu tình thương của người thân, thiếu sự ấm áp của một mài gia đình đúng nghĩa, lại có thể chấp nhận một gia đình mà trong đó, toàn là người xa lạ, đến từ nhiều nơi, với nhiều cách nghĩ, cách sống lắm lúc quá chênh lệch, quá khác nhau…

Làm sao mà những con người tưởng như chỉ còn màn đen phủ trọn kiếp sống, lại có thể quả cảm đến mức lạ thường, khi phải chấp nhận hoàn cảnh của mình, hoàn cảnh của những người cùng chung sống, hoàn cảnh của những người phục vụ mình, hoàn cảnh của tất cả những ai có trách nhiệm, có liên can, mà nhiều khi vì hoàn cảnh riêng ấy, đã không mang lại nụ cười, hay đã không thể mang lại nụ cười, nhưng chỉ là nước mắt, là khổ đau cho mình…

Làm sao mà những con người như thế, lại có thể vỹ đại đến vậy. Đáng yêu quá! Đáng quý quá! Đáng trân trọng quá!…

Biết bao nhiêu tiếng “làm sao…” đã nhảy múa trong đầu chúng tôi, trong tim chúng tôi, trong những ngày tháng chúng tôi được chứng kiến. Biết bao nhiêu tiếng “làm sao…” nghẹn ứ trong cổ họng, đã không thể bật thành lời, mà thành những dòng cảm động rót đầy vào hồn chúng tôi. Biết bao nhiêu tiếng “làm sao…” đổ dồn trong cõi riêng tư, khiến chúng tôi càng yêu quá đỗi, càng trân quý quá đỗi những ân huệ lớn lao của Thiên Chúa ban tặng trong cuộc đời mình.

Không thể trả lời cho xiết những tiếng “làm sao…”. Bởi nếu đi tìm câu trả lời bằng suy nghĩ của phàm nhân, sẽ thất bại.

Chỉ có lời Thiên Chúa mới mong lý giải đến tận cùng những tiếng “làm sao…” ấy. Đó chính là lời Chúa Giêsu thốt lên để ban bình an ngay trước giờ thụ nạn, giờ đau khổ nhất trong cuộc đời dương thế của Người đang lồ lộ phía trước: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27).

Hóa ra LÒNG NGƯỜI ĐÃ TRỔ SINH BÌNH AN CỦA THẦY.

Chính “BÌNH AN CỦA THẦY”, đó là bình an giữa những vây bũa bởi những thách thức, những rúng động (chứ không phải thứ bình an êm ái nhưng giả tạo của thế gian, hay của bất cứ ai khác), mới có thể làm tăng sức, làm mạnh mẽ, làm cao cả, làm mãnh lực, làm cứng cáp… những gì yếu đuối nhất, mềm mại nhất, đơn côi nhất, thiếu thốn nhất…

Chính vì được “Thầy để lại”, được “Thầy ban” cho mình “BÌNH AN CỦA THẦY” mà những con người đầy khiếm khuyết trên thân xác, lại có thể sống tích cực, sống dồi dào đức tin, lòng mền, niềm cậy trông, sống dồi dào tình yêu cho nhau, và cho đời đến vậy.

Chính “BÌNH AN CỦA THẦY”, bình an trong sự vâng phục Thánh Ý đến tận cùng mà Chúa Giêsu rót vào hồn những kẻ đang bước đi cùng Người trên con đường thánh giá, mới làm cho họ vững vàng, chấp nhận, chịu đựng, và biết hiến dâng đến vậy.

Chính “BÌNH AN CỦA THẦY” đã làm cho mọi bệnh nhân nơi đây, dẫu còn đó những khó khăn, những thiếu thốn, vẫn yêu và ra sức xây dựng nơi mình sống, xây dựng môi trường bệnh viện thành ngôi nhà chung cho tất cả những ai đồng cảnh ngộ, cho tất cả những ai muốn tìm về để có chốn nương thân.

“BÌNH AN CỦA THẦY” một khi được trao ban cho con người, cứ y như dấu lạ mà chính Thầy đã từng thực hiện trong Tin Mừng, nay lại tiếp tục để chữa lành, để xoa dịu, để ủi an, để tăng nghị lực, để lấp đầy những trống vắng, để tha thứ, để đón nhận… mọi con người.

Hay nói cách khác, giờ đây Thầy đang hiện diện bằng chính “BÌNH AN CỦA THẦY”, để những gì mà ngày xưa Thầy đã từng thực hiện nơi những trang Tin Mừng, vẫn tiếp tục thực hiện bằng chính những dấu lạ hôm nay, ngay trên chốn này. Chính Thầy đã làm cho lòng người hôm nay trổ sinh bình an của Thầy.

Cảm nghiệm “BÌNH AN CỦA THẦY” trổ sinh trong lòng người, như chạm tới được, chúng tôi bàng hoàng. Đã có lúc chúng tôi sợ hãi, vì nhận ra, đôi lần mình còn sống hình thức, chưa dám dấn thân, chưa dám hòa mình trọn vẹn với anh chị em. Chúng tôi nguyện xin Chúa Giêsu, người Thầy của ơn bình an ấy, tha thứ cho những dại khờ, những lơ đễnh, những hời hợt của chúng tôi. Xin Người tha thứ cho những lần chúng tôi chưa đặt hết tâm của mình trong việc phục vụ. Xin Người tha thứ cho chúng tôi vì chúng tôi đã không làm đầy thêm, không vun bồi thêm khuôn mặt từ ái yêu thương của Người nơi tất cả những anh chị em đang đau khổ, vì sự xa tránh, sự thiếu chân thật, thiếu tấm lòng, thiếu sự cảm thông… của chúng tôi.

Nguyện xin Chúa Giêsu tác giả của ơn bình an, ban cho chúng tôi, ban cho mọi người có nhiệm vụ phục vụ, và ban cho mọi bệnh nhân bình an của Chúa, để nhờ ơn bình an ấy, cuộc sống nơi đây ngày càng đẹp hơn, thắng thiết hơn, trào tràn yêu thương hơn.

Đức TGM Leopoldo Girelli thăm trại phong
chiều ngày 16/11/2012, vào lúc 15h30’.

IV. MỘT LỜI CÁM ƠN.

Xin lỗi Chúa bao nhiêu, chúng tôi càng phải mang ơn anh chị em trại phong này bấy nhiêu. Anh chị em là ngọn lửa thắp lên niềm an ủi, thắp lên sức mạnh tình thần, sức mạnh của nghị lực khi chúng tôi vấp phải những chán chường, bạc nhược mà đôi lần vì bản thân, vì giới hạn của con người, vì những hoàn cảnh khác nhau có thể gây ra. Chính anh chị em làm cho chúng tôi vui hơn, tươi hơn, đáng sống hơn, dám đương đầu hơn…

Chính trong nỗi bất hạnh của mình, anh chị em là nét đẹp của cuộc đời, là ánh nắng pha trong u tối, là cơn mưa nhẹ xua đi những oi nồng trong lòng chúng tôi, mỗi khi chúng tôi gặp phải những cản trở nào đó trên đường phục vụ và mục vụ. Từ nay, cứ nhìn anh chị em, chúng tôi không còn dám than thân trách phận, không còn dám nghĩ suy ích kỹ cho riêng mình, không còn dám bỏ qua những tiện ích, những khả năng mà Chúa ban cho mình, không còn dám “đem chôn dấu nén bạc” của Chúa, mà không tìm ích lợi hồn xác cho mình, cho đời.

Ngàn vạn lần cám ơn anh chị em. Chúng tôi đã nhận từ anh chị em quá nhiều. Chúng tôi kính phục anh chị em. Anh chị em đã cho chúng tôi không phải vật chất, mà là cho tất cả con người, cho cả đời sống, cho cả những khiếm khuyết trên thân thể của anh chị em, để chúng tôi càng nhận ra hồng ân sự sống cao quý biết chừng nào.

Anh chị em là quà tặng của sự sống chúng tôi. Anh chị em muốn sống, muốn vươn cao hơn nữa trong đời sống, dù vẫn còn đó trên thân thể bệnh tật của mình, thì chúng tôi càng phải sống, và sống cho có ý nghĩa, sống cho tích cực, sống vì lợi ích thiêng liêng của mình, vì lợi ích thiêng liêng của chính anh em và của muôn người mà chúng tôi có nhiệm vụ phục vụ.

Xin cúi mình kính chào anh chị em. Xin được hôn lên mọi đau khổ của anh chị em.

Xin Chúa tuôn đổ bình an của Chúa trên tất cả chúng ta.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

Dã ngoại nhân quyền: ôn hòa vẫn bị đàn áp

Dã ngoại nhân quyền: ôn hòa vẫn bị đàn áp
huynhngocchenhblog-305.jpg
Các bạn trẻ phân phát tài liệu về quyền con người cho mọi người tham dự buổi dã ngoại hôm 05/5/2013 tại Sài Gòn
Photo courtesy of huynhngocchenhblog
Con người sống phải có nhân quyền, với mong muốn được chia sẻ và thể hiện quyền căn bản này; sáng hôm nay, có nhiều người đã tìm đến gặp gỡ nhau tại nhiều thành phố trong cả nước Việt Nam. Tình hình buổi dã ngoại tại Hà Nội diễn ra có vẻ thuận lợi, chúng tôi được một người ẩn danh trực tiếp tham gia buổi dã ngoại cho biết như sau:
Khoảng có gần 100 người đến tham dự buổi dã ngoại về quyền con người. Ngoài anh em Hà nội, còn có người ở các tỉnh về. Người ở Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Bắc Giang… nhiều tỉnh lắm.
Họ có cản trở một chút, không muốn cho mọi người vào công viên. Nhưng mọi người cương quyết tiến vào, vì công viên là nơi công cộng, nên mọi người vẫn vào được. Mọi người vẫn đang đi lại và trao đổi, không có vấn đề gì. Lực lượng an ninh hơi đông một chút; họ có chụp ảnh, nhiệm vụ của họ thì họ cứ việc làm. Họ khoảng cỡ hơn 100 người. Mình nói chuyện về quyền con người thì mình cứ nói chuyện.

“Vừa mới ra đến đầu hẻm, có một lực lượng công an khá đông mặc thường phục và chạy xe hai bánh, ào ào tiến đến. Họ độ khoảng hơn mười người, họ dùng xe bao quanh, chặn lại không cho tôi đi nữa.”
– BS. Nguyễn Đan Quế
Tuy nhiên tình hình buổi dã ngoại ở Sài gòn đã gặp trắc trở, chúng tôi đều không liên lạc được các số điện thoại quen. Để hiểu thêm sự việc, chúng tôi được ông Nguyễn Đan Quế, một nhân sỹ nổi tiếng tại Sài gòn có ý định tham gia buổi dã ngoại cho chúng tôi biết như sau:
Từ chiều tối ngày hôm qua, lực lượng công an đã bao vây tại nhà, sáng nay vẫn còn. Cho đến 8 giờ 20, tôi đón taxi đi lên công viên 30/4 để tham dự với anh em trẻ. Vừa mới ra đến đầu hẻm, có một lực lượng công an khá đông mặc thường phục và chạy xe hai bánh, ào ào tiến đến. Họ độ khoảng hơn mười người, họ dùng xe bao quanh, chặn lại không cho tôi đi nữa.
Có một chiếc taxi trờ tới, tôi lượn ra tính leo lên taxi. Lập tức họ chặn xe taxi lại và ra lệnh cho anh tài xế không được chở. Sự việc xảy ra ngay dưới đường, quần chúng đi ra xem khá đông… Lực lượng công an cương quyết không cho tôi đi, và họ nói rằng: hôm nay là ngày nhạy cảm, yêu cầu tôi phải ở nhà. Bằng mọi giá, lực lượng công an không thể để tôi đến đó được. Cứ đứng mãi một hồi lâu. Cuối cùng công an kéo đến ngày càng đông, họ cương quyết không cho tôi đi. Tôi đành phải trở về. Đường ra nhà tôi có 2 – 3 lối vào, đều bị công an chốt ở đó hết.
Có lẽ dấu hiệu phong tỏa của nhà cầm quyền đã xuất hiện tại thành phố lớn nhất miền Nam. Trong khi đó, tại điểm hẹn công viên Bạch Đằng của thành phố Nha Trang, rất đông công an và đoàn viên đã xuất hiện với dàn loa công suất lớn. Đây là lực lượng được chuẩn bị trước nhằm phá rối cuộc hẹn trao đổi về quyền con người ở thành phố biển này. Sau khi bị công an ép buộc vào quán cafe nhằm ngăn chặn không cho đến điểm hẹn tham dự buổi dã ngoại, blogger Mẹ Nấm vẫn tiếp tục nói về quyền con người, chị đã cho chúng tôi biết về ý nghĩa của các buổi dã ngoại nhân quyền là như sau:
Như trong thông báo, tuyên bố của nhóm chủ xướng các Công dân Tự do, đã là một người tự do thì không có lý do gì mình e dè hay rụt rè khi tuyên bố với người khác: tôi là con người.
Những sinh hoạt dã ngoại hết sức bình thường như thế này, sẽ là một khởi đầu giúp cho những người quan tâm đến xã hội, đến quyền con người… thấy được rằng là: đã đến lúc chúng ta ngồi lại công khai với nhau để nói lên những cái điều mình muốn. Khi mà chúng ta có sự trao đổi bằng mặt, bằng lời với nhau thì sự tin tưởng và động lực giúp cho mình vượt qua sợ hãi sẽ giảm dần đi. Lúc mình đã vượt qua sợ hãi rồi thì mình sẽ ý thức được trách nhiệm và tìm được con đường sẽ đi, nhằm đạt được mục đích mình mong muốn. Đó là mục tiêu duy nhất của hình thức công khai tổ chức các buổi dã ngoại như hiện nay.
Đàn áp khắp nơi
sg4-250.jpg
Cảnh bắt bờ, đàn áp. Photo courtesy of huynhngocchenhblog
Tại Hải phòng, trước tình trạng hơn 30 nhân viên an ninh bao quanh nhà, cô Phạm Thanh Nghiên đã đem phân phát tận tay bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đến cho từng người và giải thích cho lực lượng an ninh nghe về quyền con người.
Đến khoảng 10 giờ sáng, tình hình ở Sài gòn đã trở nên tồi tệ hơn; các blogger Nguyễn Hoàng Vi, Vũ Sỹ Hoàng và Quốc Anh đã bị công an bắt giữ sau khi phân phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cho các bạn trẻ. Về nỗi lo sợ trước khả năng có thể xảy ra các hành vi can thiệp có tính bạo lực từ phía nhà cầm quyền và những suy nghĩ về con người mà không có quyền con người, chúng tôi được ông Lã Việt Dũng, một người Hà Nội tham gia buổi dã ngoại tại công viên Nghĩa Đô cho biết:
Về lo sợ thì tôi không phải lo sợ gì về việc này. Vì thứ nhất thì tôi tin rằng chuyện trao đổi về nhân quyền là hoàn toàn đúng đắn và không có gì sai cả. Thứ hai là tôi tin rằng, sau khi có nhiều sự kiện xảy ra, chính quyền đã nhận thức được là những việc như trao đổi về quyền con người thì không nên can thiệp một cách quá bạo lực.
Về mặt cá nhân của một con người, nếu có quyền con người thì thực ra cũng không thể gọi là một con người được. Bởi quyền con người là những cái cơ bản có từ hàng ngàn năm nay, chúng ta phát triển từ động vật lên thành con người. Chúng ta phải được hưởng những quyền đó một cách rất bình thường.
Trước bối cảnh còn nhiều khó khăn trong việc bày tỏ chính kiến ở Việt Nam nói chung và nói riêng ở Sài gòn, ông Nguyễn Đan Quế đã có những nhận xét như sau:
Tôi thấy rằng là, sáng kiến tổ chức những buổi dã ngoại để các anh chị em có dịp gặp cùng nhau trao đổi về vấn đề nhân quyền; những quyền đã được Liên Hiệp Quốc, được hầu hết các nước trên thế giới đều công nhận.

“Những anh em trẻ có lòng với đất nước, có lòng với dân tộc; người ta bênh vực những quyền căn bản nhất của một con người, khi lọt lòng ra đã có. Đáng lẽ phải khen họ; tại sao lại đi ngăn chặn, sách nhiễu người ta?”
– BS. Nguyễn Đan Quế
Chúng tôi rất ủng hộ sáng kiến và cách tổ chức này, ngày hôm nay, chính bản thân chúng tôi cũng đi kiếm để tham dự. Việc sách nhiễu đàn áp đã xảy ra. Trước tiên chúng tôi phải nói rằng, thế hệ trẻ Việt Nam càng ngày càng xứng đáng và đã giữ vai trò tiên phong chủ chốt trong việc đưa những quyền căn bản của người dân đến cả dân tộc mình. Để từ đó, mọi người ý thức được về quyền của mình, không ai được quyền cướp đi.
Ông Nguyễn Đan Quế tiếp tục chia sẻ cùng giới trẻ Việt Nam hôm nay:
Giới trẻ rất xứng đáng, tôi rất là khâm phục và khuyến khích. Đây là một cuộc chiến đấu, dĩ nhiên chúng ta khó khăn, các anh em cứ việc vững tiến lên. Ngoài ra tôi cũng thấy rằng, chính quyền của những người độc tài cộng sản đang cầm quyền tại Hà nội thật là đáng chê trách. Những anh em trẻ có lòng với đất nước, có lòng với dân tộc; người ta bênh vực những quyền căn bản nhất của một con người, khi lọt lòng ra đã có. Đáng lẽ phải khen họ; tại sao lại đi ngăn chặn, sách nhiễu người ta ?
Chuyện làm của Hà nội chỉ làm cho hình ảnh rất xấu xa của cái chính quyền Hà Nội trong vấn đề đàn áp chính người dân của họ. Và điều này, tôi nghĩ rằng có hại cho chính quyền Hà nội trong chuyện họ muốn ứng cử vào Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016. Về phía anh em trẻ thì tôi phải nói rằng, nếu chúng ta so sánh với 10 năm 20 năm trước đây, quả đây là một danh tiếng rất lớn của giới trẻ Việt Nam. Tôi rất lấy làm mừng và rất hãnh diện vì những hoạt động của họ.
Buổi dã ngoại trao đổi về nhân quyền ở Sài gòn và Hà nội kết thúc vào khoảng 11giờ 30’. Đến lúc này chúng tôi vẫn chưa biết rõ các blogger Nguyễn Hoàng Vi, Vũ Sỹ Hoàng và Quốc Anh bị công an giam giữ ở đâu. Trong dư luận đang rộ lên thông tin, bạn Quốc Anh đã bị đánh như một con vật chỉ vì đã chia sẻ và phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

30 Tháng Tư, vì sao chưa thể quên?

30 Tháng Tư, vì sao chưa thể quên?
April 26, 2013
Song Chi/Người Việt
30 Tháng Tư 1975-30 Tháng Tư 2013. Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc đã 38 năm rồi, nhưng dường như nó vẫn chưa bao giờ thật sự trở thành “một chương đã qua, đã xong” trong lòng đa số người dân Việt Nam trong và ngoài nước.

Những người cùng khổ kiếm không đủ ăn vẫn chiếm đại đa số ở Việt Nam trong khi một
thiểu số ăn trên ngồi trốc thì tiền thừa mứa, bận rộn chuyện mua vàng cất giữ,
nhập cảng xe hơi bằng máy bay ở cái nước gọi là “Xã Hội Chủ Nghĩa”. (Hình:
AFP/Getty Images)

Ðối với “bên thắng cuộc” là đảng và nhà nước cộng sản, cuộc chiến tranh ấy tiếp tục được họ nhắc đi nhắc lại vào những ngày lễ 2 Tháng Chín, 30 Tháng Tư, cùng vô số ngày kỷ niệm khác, vẫn được tổ chức tưng bừng.

Khi những thất bại của mô hình thể chế chính trị hiện tại và trong toàn bộ sự điều hành lãnh đạo đất nước của nhà cầm quyền ngày càng không thể che giấu trước mắt người dân Việt và thế giới, họ càng cố bám víu vào những “hào quang xưa cũ” từ cuộc chiến. Họ càng cố “ăn mày dĩ vãng” để níu kéo lòng tin đã cạn kiệt của nhân dân và biện minh cho sự tồn tại của đảng, của chế độ.

Ðối với “bên thua cuộc”, lúc đầu chỉ là những người trực tiếp và gián tiếp liên quan đến chế độ miền Nam Cộng Hòa, tiếp theo là hàng triệu người bỏ nước ra đi vì không chịu nổi chế độ mới sau “giải phóng”… nhưng dần dần, cả dân tộc cay đắng nhận ra nhân dân Việt Nam chính là bên thua cuộc.

Và khi cuộc chiến càng lùi xa, những sự thật càng được sáng tỏ, cùng với sự thối nát của chế độ này ngày càng lộ rõ, thì tất cả nguyên nhân, diễn biến của cuộc chiến tranh đã qua cùng với cái kết thúc ngày 30 Tháng Tư 1975 lại được nhớ lại. Trở thành nỗi day dứt đối với tất cả những ai quan tâm đến số phận đất nước, dân tộc.

Những câu nói “Nếu như… giá như…” lại dằn vặt người Việt Nam.

Khi từng ngày từng giờ chứng kiến thực trạng xã hội Việt Nam ngày hôm nay, sau gần 4 thập kỷ thống nhất đất nước.

Khi nhìn sang những quốc gia láng giềng như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Nam Hàn… mà ở thời điểm cách đây 38 năm, về nhiều mặt còn thua hoặc không hơn miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ bao nhiêu, nay đã đi được một chặng đường rất dài. Trở thành những quốc gia thịnh vượng và khoảng cách với Việt Nam bây giờ là hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm.

Những quốc gia Ðông Âu cũ một thời cũng do các đảng cộng sản lãnh đạo, nay đã thay đổi rất nhiều chỉ sau hai thập niên đổi sang mô hình tự do dân chủ.

Và nhìn rộng ra trên toàn thế giới, để thấy vị trí của Việt Nam ở đâu, đời sống vật chất tinh thần của người dân Việt Nam so với người dân ở các quốc gia phát triển ra sao.

Có nhiều người tự hỏi vì sao người Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh đã kết thúc từ lâu?

Không có gì là khó hiểu. Ðối với nhà nước Cộng Sản Việt Nam, tuy tưởng là thắng cuộc nhưng càng ngày họ càng nhận ra họ không thể thu phục được nhân tâm “bên thua cuộc” cũng như lòng tin của nhân dân.

Càng ngày họ càng nhận ra họ không thể chiến thắng trong thời bình. Không thể đưa đất nước thành một quốc gia giàu mạnh, không thực hiện được khẩu hiệu “độc lập-tự do-hạnh phúc”, còn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thì lại càng xa vời vợi.
Cho dù mù quáng, bảo thủ đến đâu, tự sâu trong thâm tâm, họ hẳn phải nhìn ra con đường mà họ đi là sai lầm, sự chọn lựa của họ là sai lầm và có tội với đất nước, dân tộc.

Lịch sử rồi sẽ phán xét công tội rõ ràng của đảng Cộng Sản Việt Nam.

38 năm sau ngày hân hoan mừng chiến thắng và ở trên đỉnh cao của sự kiêu ngạo, giờ đây, những gì người ta có thể nhận thấy ở nhà nước Cộng Sản Việt Nam là sự hoang mang, bế tắc, khủng hoảng về mọi mặt.

Ðối ngoại, hèn nhát, bất lực trước âm mưu bành trướng bá quyền xâm lược Việt Nam ngày càng lộ rõ của Trung Quốc. Ðối nội, bế tắc, bất lực trong điều hành quản lý về kinh tế, xã hội, trong cuộc chiến chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng, kể cả những cuộc tranh giành đấu đá nhau giữa các phe phái để giành ghế.

Sự lúng túng, mất phương hướng còn thể hiện qua hàng loạt động thái giả như kêu gọi sửa đổi Hiến pháp, đổi tên nước, trong khi vẫn ra sức đàn áp, ngăn chặn mọi tiếng nói đối lập, mọi sự thay đổi theo chiều hướng dân chủ hóa trong xã hội.

Ðối với “bên thua cuộc” và cả nhân dân Việt Nam, nếu như sau 38 năm, đảng cộng sản đã thành công trong việc đưa đất nước trở thành một quốc gia hùng cường, độc lập về chính trị, bảo vệ toàn vẹn toàn lãnh thổ lãnh hải, đem lại cuộc sống tự do, no ấm, công bằng cho nhân dân… Có lẽ nỗi đau về sự thua cuộc và cái giá quá lớn phải trả cho cuộc chiến sẽ qua đi.
Ngược lại, cuộc chiến tranh sẽ tiếp tục còn là nỗi ám ảnh khi Việt Nam vẫn còn là một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, khi nhân dân Việt Nam chưa thật sự được hưởng quyền tự do, dân chủ, sự bình an trong đời sống.

Một nguyên nhân khác khiến cho quá khứ khó quên, là từ trong chính tính cách của người Việt Nam.

Không chỉ riêng nhà cầm quyền là những kẻ bảo thủ và không muốn thay đổi, dường như cái tính ít chịu thay đổi, thiếu rộng lượng, khoan dung cũng nằm trong mỗi người Việt Nam. Cứ nhìn cách người Việt chúng ta hành xử với nhau trong đời thường hay quan điểm của chúng ta trước hầu hết mọi vấn đề trong cuộc sống thì rõ.

Sở dĩ như vậy cũng bởi vì chúng ta phải sống quá lâu trong một chế độ độc tài ngu dân. Ðặc biệt khi chế độ đó lại kết hợp trong nó những cái tồi tệ nhất của chủ nghĩa phong kiến hủ lậu, chủ nghĩa tư bản thời man rợ và chủ nghĩa cộng sản khát máu, vô thần, như ở Việt Nam hay Trung Quốc.

Cái thiện, nhân tính trong từng con người bị hủy hoại đến tận cùng. Sự chia rẽ, nghi kỵ, thiếu khoan dung, vô cảm, tàn ác… những sản phẩm của một chế độ không tin ở con người, không tôn trọng con người, cũng vì thế mà nảy nở sinh sôi.

Ðã nhiều lần nhà cầm quyền nhắc đến cụm từ hòa giải hòa hợp dân tộc. Và cứ mỗi khi ngày 30 Tháng Tư trở về, vấn đề này lại được xới lại.

Thiết nghĩ, cách hòa giải hòa hợp hiệu quả nhất không phải nằm trên bề mặt ngôn từ hay một vài hành động tỏ ra thiện chí từ phía nhà cầm quyền, mà là hãy dũng cảm thay đổi. Dứt khoát chọn lựa một con đường đi đúng đắn để vực dậy đất nước khỏi sự tụt hậu, bế tắc, cả nguy cơ đánh mất chủ quyền và độc lập vào tay bá quyền phương Bắc.

Một khi Việt Nam đã thoát ra khỏi thời kỳ do đảng cộng sản lãnh đạo để xây dựng lại đất nước, vết thương về cuộc chiến tranh tức khắc sẽ lành.

Bởi không còn có cảnh cứ vào mỗi ngày 30 Tháng Tư người thì tiếp tục ăn mừng ngày giải phóng, ngày chiến thắng, người cay đắng gọi là ngày Quốc Hận, Tháng Tư Ðen. Sẽ không còn có những cuộc tranh cãi bất tận về cờ vàng cờ đỏ, ai mới thật sự giải phóng ai hay tên gọi đúng nhất của cuộc chiến là gì, v.v…

Quá khứ chỉ có thể qua đi khi hiện tại cả dân tộc đã ở trên một nấc thang khác, một bước phát triển khác.

CHÚA GIÊSU PHỤC SINH VỚI NHỮNG THÀNH TÍCH VÀ NHỮNG THƯƠNG TÍCH

CHÚA GIÊSU PHỤC SINH VỚI NHỮNG THÀNH TÍCH VÀ NHỮNG THƯƠNG TÍCH

1. Chúa Giêsu, khi sống lại rồi, đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ của Người.

Các môn đệ Chúa, khi thấy Người hiện ra, đã tin nhận Thầy mình chính là Đấng Cứu Thế, Đấng Cứu độ, Đấng Cứu chuộc. Người đến để cứu. Sự ác nguy hiểm nhất mà Người muốn cứu con người ra khỏi, chính là tội lỗi.

Đấng Cứu Thế hiện ra trước mắt họ, đã được chú ý đặc biệt do hai nét đẹp sau đây.

2. Nét đẹp thứ nhất là những thành tích về đời sống khó nghèo và khiêm nhường. Khó nghèo và khiêm nhường từ hang đá Belem, qua Nagiarét, đến những năm rao giảng đó đây, cho tới Núi Sọ. Bề dày thành tích khó nghèo và khiêm nhường đó vẫn còn nơi Chúa Phục Sinh. Các môn đệ nhận thấy Người vẫn đơn sơ, gần gũi, như một người nghèo, nhưng đầy yêu thương khiêm tốn. Người không kết án những kẻ đã muốn tiêu diệt Người. Người không thách thức những ai sau này dám bắt bớ Hội Thánh của Người. Người vẫn giữ phong độ người bạn của kẻ nghèo.

3. Nét đẹp thứ hai là những thương tích về cuộc tử nạn. Cuộc tử nạn của Người gắn liền với thánh giá. Nên thương tích nhắc đến nhục hình thánh giá là những dấu đinh ở chân tay Chúa và vết đâm ở cạnh sườn Người. Những thương tích ấy vẫn còn nơi Chúa Phục Sinh. Người mời gọi các môn đệ hãy nhìn vào và đụng vào, như những dấu tích của tình yêu.

4. Với những thành tích và với những thương tích ấy, Chúa Phục Sinh đã lôi cuốn tôi. Bởi vì, khi nhìn thấy những thành tích ấy và những thương tích ấy, tôi nhận ra tình thương của Chúa là vô cùng bao la.

Những thành tích ấy và nhất là những thương tích ấy nói lên rằng: Chúa, vì thương yêu, đã gánh tội thay cho người khác, đã đền tội thay cho người khác, đã chịu mọi khổ đau và chịu chết nhục nhã, để cứu những người tội lỗi trong đó có tôi.

5. Chúa Phục Sinh với những thành tích về đời sống khó nghèo khiêm nhường, kèm với những thương tích của cuộc tử nạn của Người đã là gương cho các môn đệ của Người.

Thánh Phêrô, thánh Phaolô đã rất nổi về sự theo gương ấy trong sứ vụ đứng đầu các cộng đoàn của Hội Thánh.

Thành tích về đời sống khó nghèo và khiêm nhường nơi các ngài được nhận ra ngay chính đời thường của các ngài, một đời chỉ lo cứu người khác bằng yêu thương chấp nhận hy sinh quên mình.

Thương tích về cuộc tử nạn nơi các ngài cũng được nhận ra ngay trong thánh giá thường ngày của các ngài, nhất là trong các biến cố Chúa muốn các ngài chết thay, để cứu những người tội lỗi khổ đau. Chết thay như một của lễ tình yêu vẹn tuyền, không pha chút gì là kiêu căng, thù hận và thách thức.

Thành tích và thương tích của Chúa Cứu Thế và của các tông đồ xưa vẫn được tiếp tục trong Hội Thánh, ở mọi nơi mọi thời.

6. Tôi rất vui mừng nhận ra gương sáng ấy trong thời đại này, ngay chính hôm nay, ở nơi hai Đức Giáo Hoàng hiện còn đang sống.

Ngày 23 tháng 3 vừa rồi, Đức Thánh Cha Phanxicô tại chức đến chào thăm Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã từ chức. Tôi nhìn hai đấng và rất cảm động.

Cảm động của tôi phát xuất từ cái nhìn của tôi về Chúa Phục Sinh đang hiện diện nơi hai vị giáo hoàng, là hai môn đệ yêu dấu của Người.

Hai môn đệ này đều mang trong mình những thành tích về đời sống khó nghèo, khiêm tốn và những thương tích về cuộc tử nạn của Chúa.

7. Nếu tôi không lầm, thì Đức Bênêđictô XVI đã không giấu được những thương tích. Những thương tích ấy đã toát ra ở khuôn mặt của ngài, ở những bước đi của ngài. Còn Đức Phanxicô cũng đã không giấu được những thành tích về đời sống khó nghèo, khiêm nhường của một người nổi tiếng là bạn của kẻ nghèo.

Thành tích và thương tích đều có nơi hai Đức Giáo Hoàng. Mỗi vị có những mức độ riêng, với những hình thức riêng.

8. Điều quý giá tôi học được nơi hai Đức Giáo Hoàng là các ngài không hề tự phụ về những thành tích và thương tích của các ngài. Các ngài vẫn luôn coi mình là đầy tớ vô dụng trước mặt Chúa.

9. Các ngài, mặc dầu mang thành tích và thương tích của Chúa, vẫn không chống ai, cũng chẳng thách thức ai, cũng chẳng đe doạ ai, cũng không đòi ai phải làm như các ngài. Nhất là các ngài, tuy bị thương tích có thể do chính nội bộ và những người gần với mình, nhưng các ngài vẫn yêu thương đến cùng.

10. Thành tích về đời sống nghèo khó khiêm nhường và thương tích về cuộc tử nạn thánh giá vì yêu thương, hiện nay đang là những yếu tố cần nơi những người lãnh đạo dân Chúa. Nếu những yếu tố đó không luôn cần để dân Chúa tin tưởng, thì vẫn luôn cần để Chúa dùng ta vào chương trình cứu độ của Chúa.

Dân Chúa đang cần được cứu. Nhân loại đang cần được cứu. Chính Hội Thánh cũng đang cần được cứu. Gia đình chúng ta cũng đang rất cần được cứu. Tôi càng rất cần được cứu.

Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu chuộc. Chúa muốn mỗi người chúng ta hãy cộng tác với Người.

11. Cộng tác, mà Chúa muốn, là hãy noi gương Chúa Giêsu, mà sống khó nghèo khiêm nhường và tham gia vào thánh giá, chỉ vì yêu thương.

Khó nghèo khiêm nhường nhờ cuộc sống đơn sơ, biết từ bỏ ý riêng để thuận theo ý Chúa nhất là ở sự gần gũi, chia sẻ và cảm thông với những người nghèo khổ bất cứ trong phương diện nào. Khó nghèo khiêm nhường rất cần cảnh giác trước chủ nghĩa chiến thắng hiện nay rất mạnh: Mình phải thắng, nó phải thua, bởi những kết án và thách thức kiêu căng. Dửng dưng trì trệ trước bổn phận cứu các linh hồn, đó cũng là điều mà khó nghèo khiêm nhường đòi phải hết sức tránh.

Tham gia vào thánh giá nhờ những hy sinh thường ngày và những hy sinh khác thường, mà Chúa muốn ta chịu. Nhưng không vì thế mà ta tự tạo nên cho mình và cho kẻ khác những khổ đau, rồi cho rằng Chúa muốn.

Chỉ vì yêu thương mà thôi. Như một của lễ tình yêu mà thôi. Tình yêu ấy rất khiêm nhường. Nếu ngược lại, bênh Chúa sẽ trở thành chống lại Chúa. Sẽ thực sự chống lại Chúa, khi muốn biến Hội Thánh trở thành một Hội Thánh thách thức, kích động, áp đặt và trịch thượng.

12. Tới đây, tôi nghĩ tới sự cần phải đào tạo nhân sự và chọn nhân sự để là môn đệ Chúa cho thời nay.

Lúc này, Hội Thánh Chúa tại Việt Nam, đang rất cần những môn đệ Chúa mang thành tích về cuộc sống khó nghèo và khiêm nhường của Chúa.

Lúc này, Hội Thánh Chúa tại Việt Nam, đang rất trân trọng những môn đệ Chúa mang thương tích của thánh giá Chúa trên mình.

Để được như vậy, thiết tưởng các môn đệ Chúa cần đón nhận Chúa Phục Sinh vào lòng mình và cần sống mật thiết với Người. Tôi vui mừng tin tưởng Chúa Phục sinh đang và sẽ làm những điều tốt đẹp nhất cho Hội Thánh của Người tại Việt Nam yêu dấu của tôi.

Lạy Chúa Phục Sinh, xin thương cứu chúng con.

Long Xuyên, ngày 01 tháng 4 năm 2013

+ GB. BÙI TUẦN

Anh chị Thụ & Mai gởi

Tương lai gần của Giáo Hội Công giáo

Tương lai gần của Giáo Hội Công giáo

Đăng bởi lúc 2:34 Sáng 29/04/13

TRẦM THIÊN THU

VRNs (29.04.2013) – IntegratedCatholicLife – Một cuộc đối thoại về tương lai không xa…

Chris hỏi người cha khi ra khỏi khuôn viên nhà thờ:

– Ai mặc đồ đen ngồi phía sau cha Miguel trong Thánh lễ vậy hả ba?

Anh thấy vợ có vẻ lo lắng và gật đầu nhanh trước khi ông trả lời cho cậu con trai 13 tuổi:

– Chris nè, con có thể nghe mẹ và ba thảo luận vấn đề này. Bộ Tôn Giáo đã tuyên bố rằng các tôn giáo phải có một nhân viên tham dự khi có bất kỳ nghi thức thờ phượng của tôn giáo nào đó. Họ không được nói điều gì xúc phạm tới tôn giáo khác hoặc đối nghịch với luật hôn nhân, hạn chế việc thờ phượng và thảo luận về Thiên Chúa nơi công cộng. Cha mẹ bảo vệ con khỏi ảnh hưởng các tin tức xấu, nhưng… cha mẹ nghĩ rằng đã đến lúc con cần biết sự thật.

– Ba ơi, con không hiểu. Làm sao người ta nghĩ đức tin Công giáo phá bỏ pháp luật chứ? Chúng ta là những người luôn bảo vệ sự sống, nâng đỡ tính thánh thiện của hôn nhân và phục vụ người nghèo. Đó không là những điều tốt sao?

Điều này khó lắm. Khó ngay cả khi nói ra. Nhưng trong mấy năm qua, có những đợt tấn công nhắm vào Giáo hội Công giáo từ phía chính phủ và các nhóm chống tôn giáo bắt đầu leo thang và càng ngày càng tệ hơn. Các tôn giáo khác cũng chịu đau khổ trong thời buổi rất khó khăn này.

Chris cũng cảm thấy bị “sốc” trong thời đại ngày nay, nhưng điều này không xảy ra thoáng qua. Vài năm trước, chính phủ đã đưa ra luật y tế mới ở Hoa Kỳ, kể cả cái mà người ta gọi là “ủy thác”. Điều này bắt những nhà tuyển dụng Công giáo, kể cả các bệnh viện Công giáo, các tổ chức Công giáo phi lợi nhuận và các doanh nghiệp do người Công giáo điều hành để đưa ra phương cách ngừa thai và phá thai cho nhân viên, ngược với các giáo huấn tôn giáo. Có cuộc đấu tranh quan trọng để ngăn chặn điều này xảy ra, nhưng Tòa án Tối cao đã đưa ra luật mới này.

Trong những năm sau đó, chính phủ bắt đầu theo dõi tôn giáo và bắt chối bỏ đức tin. Điều quan trọng kế tiếp chống lại các hội từ thiện của các tôn giáo nhằm đánh thuế và chính phủ trở thành nguồn hỗ trợ từ thiện ở trong nước. Họ thường ủng hộ các nhóm giúp đỡ chính trị. Các tôn giáo bị bách hại, thúc đẩy ngừa thai và phá thai, kể cả các vấn đề khác, nhưng Giáo hội vẫn kiên cường tái xác định giá trị hôn nhân.

– Đó là lý do để chúng ta có Bộ Tôn Giáo sao? Rồi điều gì sẽ xảy ra nữa?

– Không ai biết, nhưng Bộ Tôn Giáo càng ngày càng xóa bỏ dấu vết về tự do tôn giáo ở đất nước chúng ta. Có vẻ như điều xảy ra từ vài năm trước đang thành hiện thực: Chính phủ muốn thay thế Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Các giám mục và linh mục đang phản đối, nhiều người đã bị bắt. Đức giáo hoàng đã kêu gọi cầu nguyện và tích cực hành động từ những người Công giáo, nhưng e rằng chúng ta đã đi quá xa theo vết xe cũ.

Người mẹ cầm tay con trai Chris, nhìn vào mắt con trai và hỏi:

– Chris, cha mẹ yêu con và Chúa Giêsu yêu con. Con biết vậy chứ? Chúng ta sẽ gặp khó khăn đang chờ chúng ta ở phía trước, chúng ta phải kiên cường mà vững tin vào Đức Kitô và Giáo hội. Chính phủ sẽ vui nếu mọi người rời bỏ nhà thờ, chùa chiền và các nơi thờ phượng, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ làm vậy. Con hiểu không?

– Dạ, con hiểu. Con chỉ thắc mắc là tại sao chúng ta lại ở vào tình trạng này.

– Chris nè, cha mẹ thường nói chuyện về những điều tương tự như vậy. Chúng ta có thể nhìn lại mấy chục năm qua và thấy rõ ở đất nước này. Tuy chậm nhưng chắc chắn gia đình truyền thống sẽ không tan rã vì hôn nhân đã được tái xác định. Dễ dàng ngừa thai, phá thai và chủ nghĩa duy vật không được phục hồi đã ảnh hưởng nhiều tới thế hệ của chúng ta. Người ta càng ngày càng ích kỷ và tham lam vì chúng ta đã tạo nên những thần tượng giả tạo trên thế giới này chứ không chú trọng những điều tốt được hứa ban ở trên trời. Hậu quả là chúng ta càng ngày càng xa Chúa và kỳ thị tôn giáo. Sự lãnh đạm và vô cảm đã khiến chúng ta im lặng trước sự bành trướng của sự chuyên chế và bất công khi mà đáng lẽ chúng ta phải nói thẳng nói thật và hành động để ngăn chặn.

Câu trả lời không dễ dàng và chúng ta phải cầu xin ơn can đảm, sức mạnh và khiêm nhường. Chúng ta vẫn bám chặt vào Đức Kitô và Giáo hội dù gặp khó khăn và đau khổ. Chúng ta phải rạch ròi: Chọn Nước Trời hoặc Hỏa Ngục. Hỏa Ngục là đường dễ đi, chỉ cần quay lưng lại phía Đức Kitô. Tức là chúng ta để cho chính phủ làm những gì họ muốn, còn chúng ta không trung thành với Thiên Chúa. Chúng ta có thể chọn Nước Trời. Chúng ta có thể yêu mến và phụng sự Thiên Chúa, ghi nhớ sự hy sinh cao cả mà Ngài đã thực hiện trên Thánh Giá vì chúng ta. Người ta có thể chọn điều tốt hoặc xấu, cuộc đời chúng ta cũng sẽ thay đổi, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ tìm được Nước Trời nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Chris nhìn cha mẹ rồi hạ giọng:

– Chúng ta có thể cầu nguyện ngay bây giờ để xin ơn sức mạnh và can đảm không? Chúng ta cần hỗ trợ nếu chúng ta gặp khó khăn và giúp đỡ Giáo Hội sinh tồn. Con không biết làm gì khác ngoài việc cầu nguyện.

Cha của Chris mau mắn cho xe vô khu mua sắm, dừng lại và lấy tràng hạt ra. Vợ và con trai ông cũng lấy tràng hạt ra và họ cùng làm dấu Thánh Giá: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình…”.

RANDY HAIN

TRẦM THIÊN THU

(Chuyển ngữ từ IntegratedCatholicLife.org)

Ngải cứu và ơn gọi

Ngải cứu và ơn gọi

Chiên Già

19/04/2013

WGPSG — Căn bệnh viêm xoang khiến đầu tôi đau nhức hoài, đành tạm gác công việc sang một bên trong nhiều ngày. Được một người bạn mách nước, tôi tìm đến phòng khám y học dân tộc của một nhà dòng nọ. Quả thật, phương pháp châm cứu đem lại hiệu quả đúng như lòng tôi mong đợi: những cơn đau buốt ở đầu đã thưa dần, và dường như có dấu hiệu ngưng hẳn.

Châm cứu là phương pháp chữa bệnh gồm hai phần: Châm có nghĩa là dùng vật nhọn (như kim, que nhọn…) đâm vào hoặc kích thích vào huyệt, cứu có nghĩa là dùng nhiệt (hơi nóng) tác động lên huyệt.

Hằng ngày tôi được điều trị bằng hai phương pháp châm kim và cứu bằng nhiệt từ cây ngải, nhưng tôi thích giai đoạn cứu hơn, vì tôi rất sợ … đau, hihi!

Cô bác sĩ trẻ trung di chuyển cây ngải cứu trên các huyệt đạo của tôi cách nhuần nhuyễn, thuần thục: cô không để cây nhang ngải cứu ở quá xa khiến cho sức nóng của nó không thể tác động lên huyệt đạo của tôi, cô cũng chẳng để nó quá gần khiến tôi phải bỏng rộp. Sức nóng của cây ngải được điều phối thật tinh tế, tôi nằm thư giãn và tận hưởng cảm giác ấm áp, dễ chịu do cây ngải cứu đem lại.

Sau một vài ngày điều trị, tôi bắt chuyện và thăm hỏi người lương y đang chữa trị cho mình. Trước hết là lời cảm ơn chân thành với cô, nhờ cô mà những cơn đau đầu gần như đã “tạm biệt” tôi! Thêm một vài ngày điều trị nữa, chúng tôi trở thành hai người bạn thân thiết và nội dung những cuộc chuyện trò cũng đi dần đến những đề tài nóng và sâu như nhiệt độ của cây ngải cứu qua huyệt đạo, tác động vào nội tạng: từ chuyện thời sự trong ngoài nước, đến chuyện nắng mưa thời tiết…

Tôi khá ngạc nhiên khi biết cô đã tốt nghiệp y khoa và làm bác sĩ tại bệnh viện Chợ Rẫy, một trong những bệnh viện lớn của thành phố (và cả nước nữa), thế mà hiện nay cô đang tìm hiểu ơn gọi trở thành nữ tu tại nhà dòng này. Được biết hiện nay cô là đệ tử năm thứ hai của dòng, nghĩa là nếu mọi chuyện thuận buồm xuôi gió, phải đến ít là 4 năm nữa cô mới được tuyên khấn lần đầu và chính thức trở thành nữ tu. Một quá trình tìm hiểu và sống ơn gọi tu trì khá là dài, tương đương với 7 năm học y khoa đầy vất vả và cố gắng mà cô đã trải qua trước đây. Thật đáng ngạc nhiên trước sự chọn lựa con đường tương lai của người thanh nữ này: không phải trở nên một bác sĩ thành đạt và giàu có, mà là mong trở thành một nữ tu khiêm nhu và phục vụ tha nhân.

Tôi hỏi: “Tại sao cô không tiếp tục công việc tại bệnh viện lớn và uy tín đó? Tại sao lại từ chối một tương lai xán lạn, đầy hứa hẹn để khởi đầu chặng đường mới với việc tìm hiểu đời tu trong thời gian lâu dài như thế?”

Cô mỉm cười và nhẹ nhàng trả lời tôi bằng một câu hỏi: “Chú định nghĩa thế nào là tương lai xán lạn?”

Câu hỏi ngược lại đó khiến tôi bối rối, nhưng tôi vẫn gắng trả lời: “Này nhé, bác sĩ là một nghề nghiệp cao quý, nhiều người ấp ủ mơ ước được trở thành bác sĩ: vì lý tưởng cứu giúp tha nhân hoặc được nể trọng và giàu có trong xã hội. Để trở thành bác sĩ, người ta phải qua một quá trình học tập vất vả và tốn rất nhiều công sức lẫn tiền bạc, một khi đã là bác sĩ thì sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến về danh lẫn về lợi bù đắp lại những nỗ lực của thời học tập. Vậy mà cô lại từ bỏ điều kiện khá là tốt đẹp đó để chọn con đường trở thành nữ tu, như thế có nghịch lý chăng?”

Dịu dàng nhưng đầy dứt khoát, cô bác sĩ trả lời: “Cháu làm việc ở khoa cấp cứu, chứng kiến nhiều cảnh đời rất đặc biệt, cũng như nhìn thấy phận người thật mỏng giòn, mong manh, cái chết chỉ cách sự sống trong tích tắc. Ngẫm lại Lời Chúa dạy ‘được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích chi’ mà thấy thấm thía, tiền của nứt đố đổ vách cũng phải bó tay trước cái chết, danh cao đức trọng trước mặt người đời cũng chóng qua như kiếp người vỏn vẹn trăm năm!”

Cảm thấy tò mò trước lý luận của người bác sĩ trẻ này, tôi gặng hỏi tới luôn: “Có thể kể cụ thể một vài trường hợp cô đã chứng kiến đến nỗi phải suy nghĩ lại về thân phận mỏng giòn của kiếp người không?”

Như thể gặp được người đồng cảm và thấu hiểu cho sự chọn lựa của bản thân, bác sĩ hào hứng kể một mạch nhiều câu chuyện thú vị khi làm ở bệnh viện:

Cách đây vài năm, bác sĩ chứng kiến cái chết thương tâm của một cô gái đang mang thai. Chuyện là thế này, cô gái đó đưa mẹ chồng đi chợ về, ngang qua khu rừng cao su nọ, đột nhiên một cơn lốc khá mạnh bùng lên làm gẫy nhiều cành cây. Có một bầy ong vò vẽ làm tổ trên cành cây kia, gió bẻ gẫy cành cây khiến tổ ong rơi xuống đất, chẳng may đúng lúc hai mẹ con vừa chạy xe đến nơi, thế là chúng ùa đến bao vây họ, người mẹ nhanh chân hơn chạy thoát khỏi bầy ong, nhưng tội nghiệp người con gái thân mang dạ chửa không kịp thoát đi, đã bị đàn ong dữ chích chi chít lên thân thể. Thai phụ được mang đến bệnh viện cấp cứu, nhưng nọc độc của ong quá nhiều, chỉ sau ba ngày cô gái này đã từ giã cõi đời! Tai nạn đến với cô thật bất ngờ!

Trường hợp khác thì lại còn bất ngờ hơn nữa. Một phụ nữ đang chạy xe trên đường, bỗng một cành cây nhỏ rơi từ trên cao xuống trúng ngay vào sau gáy (cành cây do một nhóm công nhân cây xanh cưa rơi xuống đường) khiến cô bị liệt toàn thân. Sức sống năng động, hoạt bát từng có của tuổi trẻ đã rời bỏ cô vì tai nạn hy hữu đó, và từ đấy cô phải nằm một chỗ suốt quãng đời còn lại.

Câu chuyện thứ ba thì không nhiều tính bất ngờ cho bằng sự bất lực của con người trước cái chết. Một chàng trai trẻ đẹp về nghỉ hè ở quê nhà sau hai năm du học tại trời tây, đột nhiên bị sốt, gia đình đưa anh vào bệnh viện điều trị, các bác sĩ tìm ra nguyên nhân là cơ thể anh bị nhiễm siêu vi. Mặc cho gia đình bỏ ra gần 3 tỷ đồng để lọc máu, thay máu và còn nhiều phương pháp điều trị tối tân và hiện đại hơn nữa, anh vẫn phải từ giã cõi đời giữa tuổi thanh xuân, mang theo bao ước mơ tươi sáng về thế giới bên kia.

Cô bác sĩ trầm ngâm nói tiếp: “Chú thấy không, giàu có, trẻ đẹp, tài năng nhiều như thế vẫn không thoát khỏi kiếp phận mong manh của đời người. Cháu còn được chứng kiến nhiều trường hợp thương tâm hơn vậy nữa, và cháu đã nghĩ việc kiếm tìm tiền của, địa vị, sức khỏe không còn là ưu tiên số một trong cuộc đời của cháu nữa. Giờ đây, cháu muốn tìm kiếm điều gì đó tốt đẹp hơn, bền vững hơn nữa kìa, và may mắn sao cháu đã được Lời Chúa đánh động để thực hiện chọn lựa mới cho cuộc đời: chọn Chúa làm gia nghiệp! Cháu không muốn chọn Chúa cách nửa vời, cháu còn muốn nhiều hơn thế nữa, cháu muốn chọn Chúa cách triệt để: dành trọn cuộc đời và sự sống của cháu cho Chúa và cho việc kết hiệp mật thiết với Chúa.”

Câu chuyện khép lại cũng đúng lúc cây nhang ngải cứu vừa tàn, cô bác sĩ chào tạm biệt tôi, còn tôi vẫn miên man nghĩ suy về những mẩu chuyện thực tế vừa nghe, cũng như về lý do khiến người lương y trẻ này quyết tâm chọn đời tu, chọn bước theo Thầy Giêsu, để trở nên môn đệ nghĩa thiết, gắn bó trọn đời với Con Thiên Chúa làm người.

“Giữa mọi hoàn cảnh, Đức Giêsu tiếp tục nói với chúng ta; Ngài mời gọi chúng ta sống với Ngài, vì chỉ duy Ngài là Đấng có thể thỏa đáp được mọi khát vọng nơi ta.

Giờ đây, Đức Giêsu hiện diện giữa cộng đoàn các môn đệ chính là Giáo Hội, và Ngài vẫn mời gọi mọi người bước theo mình. Lời mời gọi này có thể đến bất kỳ lúc nào.

Hôm nay, Đức Giêsu tiếp tục cất lời: “Hãy đến và theo tôi” (Mc 10,21). Chấp nhận lời mời gọi này nghĩa là không còn chọn lựa con đường của riêng mình nữa.

Theo Ngài nghĩa là đặt để ý muốn của chúng ta nơi ý muốn của Đức Giêsu, trao ban cho Ngài chính mình, đặt Ngài vào vị trí trổi vượt trong mọi lĩnh vực của đời sống: gia đình, công việc, sở thích riêng và chính bản thân mình.

Theo Đức Giêsu cũng có nghĩa là giao nộp chính chúng ta cho Ngài, sống trong tình thân mật với Ngài, và nhờ Ngài đi vào sự hiệp thông với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, và cũng là với anh chị em chúng ta. Sự hiệp thông đời sống với Đức Giêsu là một “tình trạng” đặc ân, nơi đó chúng ta có thể kinh nghiệm được niềm hy vọng và nơi đó, đời sống chúng ta trở nên tròn đầy và tự do.” (Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Sứ điệp gửi cho toàn thể dân Chúa nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 50).

Chén rượu độc

Chén rượu độc

Chu Nguyễn

Cuối tháng 03, 2013, giới truyền thông Anh quốc được phen giới thiệu một bi hài kịch của một chàng trung niên của vương quốc sương mù. Nhân vật Roger Griffiths đang sống cuộc sống bình thường của một trí thức bậc trung, kinh tế ổn định hạnh phúc bên vợ là Lara và hai con gái kháu khỉnh thông minh, bỗng nhiên trúng số với vé trúng 1,8 triệu bảng Anh tương đương với khoảng 2,6 triệu Mỹ kim. Nhưng trong thời gian chưa đầy 6 năm, anh ta chỉ còn có 7 bảng Anh hay vào khoảng 10 Mỹ kim.

Trúng số thay đổi cuộc đời, có thể tốt hơn hay xấu hơn có khá nhiều thí dụ trong đời sống thường ngày. Nhưng có điều chắc chắn, trúng số đã khiến người ta thay đổi cuộc đời và áp lực thay đổi khiến nhiều nhà tân triệu phú mất hẳn cái bản sắc, cá tính vốn có lúc chưa trúng số.

Nhà văn Vũ Trọng Phụng từng viết truyện Trúng số độc đắc. Nhân vật chính là Nguyễn văn Phúc, thất nghiệp bị gia đình và vợ khinh bỉ, xin việc thì bị chủ Tây vứt đơn vào sọt rác. Nhưng bỗng nhiên chàng trai trúng số và bắt đầu cảm thấy có sự đổi thay nơi bản thân, cả thế giới bên ngoài như đổi hẳn cách nhìn anh ta. Từ đó, tạo ra biết bao bi hài kịch của một người khố rách áo ôm chỉ vì bỗng nhiên trở nên giàu có.

Truyện đời thực không nhằm mỉa mai đời mà tập trung vào người trong cuộc. Hai vợ chồng cầm trong tay món tiền từ trên Trời rơi xuống và rất thường tình, họ bàn tán có nên bỏ việc không, làm cách nào làm giàu thêm nhờ có vốn nhưng rồi tiền bạc làm thay đổi cách sống của họ, “ăn theo thuở ở theo thời” nên chỉ trong thời gian ngắn là tiêu hết của hoạnh tài và đôi lứa “không nhìn về một phía” nữa mà nhìn nhau, trách móc nhau.

Roger Griffiths bào chữa trước lời chỉ tích của vợ: “Cô ấy trách tôi làm tiêu tan 1,8 triệu bảng… nhưng sao cô ấy không nhớ đã tiêu biết bao nhiêu ở Louis Vuitton?”

Nguyên nhân nào khiến tiền bạc trôi nhanh như nước chảy về đông? Không phải kẻ bàng quan đoán mò mà chính người trong cuộc đã cho báo chí biết tình trạng của họ.

Vinh hoa kéo dài 6 năm:

Đôi vợ chồng trẻ Roger Griffiths trước 2005, sống êm đềm và đầy đủ trong một căn nhà bốn phòng ở Boston Spa ở West Yorkshire, Anh quốc, và chẳng bao giờ đóng trễ tiền mortgage. Người chồng kiếm 38.000 bảng mỗi năm. Lương người vợ cũng xấp xỉ. Có thể nói vợ chồng Griffiths “trông lên không bằng ai nhưng trông xuống cũng nhiều kẻ không bằng mình” vì lương của chồng, giám đốc một bộ phận tuyển dụng trong ngành IT, và lương vợ, giáo sư môn nghệ thuật tại một trường trung học, đủ để họ sống hết kiếp trong sung túc. Nhưng họ không tri túc mà muốn trở thành phú ông, sống như triệu phú, và cách duy nhất để nuôi hy vọng là mua vé số quốc gia. Mỗi tuần Griffiths để ra 2 bảng để đánh số. Có trúng số mới được làm triệu phú và sống vô giới hạn nghĩa là tự do, thoải mái và có thể đạt được giấc mơ trong đời mình.

May cho họ, thần tài gõ cửa vào 2005 với vé độc đắc trúng 1,8 triệu bảng Anh.

Đêm nghe tin trúng độc đắc, vợ chồng Griffiths đã tung tiền ra cho dạ tiệc và tưới sâm banh vào chiến thắng. Tiếp đó mua ngay chiếc Audi giá 18.000 bảng và Lara thì vội vàng tổ chức du lãm Dubai cùng chồng con bằng hạng dành cho kỹ nghệ gia và ở khách sạn 5 sao cho thỏa thích. Roger nhớ lại và có ý tự hào về sự xài sang: “Trong mười ngày chúng tôi đã xài hết 15.000 bảng”.

Roger còn kể thêm, Lara thì thích sắm đồ và cả ngày lượn quanh khu bán sắc tay loại xịn Louis Vuiton bất chấp giá cả hoặc chọn trang sức hột xoàn đắt tiền. Còn anh, anh khiêm tốn hơn… chỉ thích chơi xe sang và ăn mặc bảnh bao..

Trở về Anh họ tính mua nhà và chọn một kiến trúc ở Whetherby. Họ đã bỏ ra 18.000 bảng để tân trang như ý và 25.000 bảng để sắm đồ đạc.

Không ngừng tại đó, Roger thay xe Porsshe cho xứng vời danh hiệu phú ông, còn Lara thì đổi Audi sang Lexus. Hai cô con gái cũng được đổi trường, Ruby, giờ đã 9 tuổi, còn Kitti, 6, lập tức được chuyển trường tư, tốn phí 20.000 bảng mỗi năm.

Giàu thì phải sống như triệu phú mới được, họ thường tổ chức đi du lịch, sau Dubai, là New York, Florida và Rome và luôn luôn chọn khách sạn hạng sang như Royal Suite of St. Regis vì có người quản lý riêng.

Thứ bảy nếu buồn, vợ chồng tân triệu phú lên London thuê khách sạn thứ xịn là One Aldwych để hưởng thụ cho tiện nhưng giá không rẻ đâu nhé vì tới 300 bảng một đêm vui. Không sao vì họ có dịp gặp những ngôi sao màn bạc nổi danh và chụp ảnh chung làm kỷ niệm.

Vốn đẹp trai nhưng có tiền thì nên đánh bóng cho hình thức thẩm mỹ như làm trắng bộ răng ám thuốc lá, xài 300 bảng mỗi lần cho việc bơm Botox, tốn hơn 500 bảng xăm hình, trong đó trên bắp vế có cả tên người vợ là Lara.

Roger Griffiths không phải chỉ tung tiền ra mua những xe sang trọng nhất, mà còn toan đầu tư kiếm lời chứ không bằng lòng với số lợi nhuận do tiền gửi ngân hàng trả hằng tháng vào khoảng 340 bảng Anh một ngày, nhất là hai vợ chồng đã bỏ việc mà muốn chơi sang.

Có tiền thì muốn thực hiện giấc mộng khi còn tay trắng mộng đầy, Griffiths có máu nghệ sĩ, anh ta nhớ lại lúc còn học ở đại học cùng bạn bè lập một băng nhạc nhưng không có tiền để phát triển băng này nên sau khi rời trường thì thành viên tan tác. Griffiths bèn tập hợp bạn bè cũ lại và cho ra album mới sau khi đầu tư £25,000 (50.000 Mỹ kim) nhưng số xui, quảng cáo ra rả nhưng chỉ bán được 600 đĩa CD.

Không phải Griffiths không có ý đầu tư. Vợ chồâng anh ta đã bỏ ra 200.000 bảng Anh để lập thẩm mỹ viện, lấy tên là The Spa Lounge ở Boston Spa.

Griffiths cho biết đã làm cật lực để đưa Spa lên nhưng chỉ mấy tháng kinh doanh đầu tiên có lời rồi thì kinh tế khủng hoảng khiến vợ chống anh ta thua lỗ.

Như thế lỗi không hoàn toàn ở Roger Griffiths mà do thời cuộc đã làm tan giấc mộng vàng của vợ chồng anh. Hơn thế nữa, hình như đồng tiền xổ số mang lại không phải không có chút bất hạnh. Trước hết là thân phụ Lara lâm bệnh, chết năm 2009 rồi đêm trừ tịch Tết Tây 2010 một đám cháy bất ngờ phát ra làm tiêu tan biết bao tài sản trong tổ ấm của vợ chồng Griffiths. Cặp này lại bảo hành không đủ mặt nên phải móc túi ra cho việc sửa chữa. Hai tháng sau khi trở về nhà cũ và Lara đau đớn phát giác trong email của chồng có dấu hiệu ngoại tình. Roger chối và bị vợ cật vấn thì cuộc cãi nhau bùng nổ và chàng khăn gói ra đi.

Như trên đã nói, một cuộc đầu tư vụng trong thời gian kinh tế khủng hoảng, đã khiến Griffiths không những mất tiền, mất nhà và hôn nhân tan vỡ. Giờ đây chàng trai nợ nần cùng mình đi làm cũng để trả nổi những “bill” khi có tiền vung tay quá trán và giờ đây, thất thế đành ngửa tay xin tiền cha mẹ giúp lúc cùng đường. Cựu triệu phú tâm sự: “Số tiền giờ đây tôi kiếm được không đủ dùng để trả hóa đơn chồng chất cái thuở hoàng kim. Nếu không có gia đình giúp đỡ thì tôi nguy rồi. Nhìn lại mới thấm thía cầm vé số độc đắc chẳng khác gì nhận ly rượu độc”.

Hoàn cảnh Lara vô cùng áp lực. Không còn chọn lựa nào khác ngoài tiếp tục bơm tiền vào dịch vụ bằng cách cầm cố nhà lấy tiền củng cố cửa hàng. Những lỗ này tiếp theo lỗ khác nên nhà có cơ nguy bị tịch thu.

Trước đó, Roger Griffiths lại bay bướm, tìm của lạ khi có tiền trong tay và khi vỡ nợ thì gánh nặng tiền bạc đổ vào đầu Lara, chàng ta nhanh chóng dọn ra ngoài thuê phòng trọ, còn nàng nuôi con và kiếm tiền hằng tháng nhưng không đủ trang trải nợ nần và có cơ nguy mất nhà.

Cuộc tình 14 năm tan vỡ, chồng đổ cho vợ, vợ đổ tội cho chồng về việc tiêu quá nhanh “món tiền trời cho” và hậu quả tới nước trắêng tay lại mang nợ.

Lara nghĩ tới lần trúng số mà tê tái. Nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt Lara tâm sự với một ký giả: “Tôi đã nhận ra trúng số không tốt như người ta tưởng đâu. Một số người sau khi trúng số lại tệ hơn lúc trước khi hưởng độc đắc, chỉ vì chúng ta thắng được món tiền chứ không kiếm ra nó. Tôi không những phải làm lại từ đầu mà hoàn cảnh còn tệ hại hơn trước khi trúng số”.

Lara cho đến nay khi nhắc lại thất bại của đời mình đều đổ tại chồng vụng tính. Bà than thở: “Anh ấy đưa giấy tờ đầu tư mỹ viện nhưng tôi không đọc và chỉ biết ký tên và khi biết thì đã muộn phải gánh chịu hậu quả thua lỗ”.

Ngày nay Lara phải làm việc với vai trò chuyên viên thẩm mỹ cho mỹ viện mà trước kia của mình nhưng sau này phải bán sau khi lỗ 500.000 bảng Anh.

Trở lại cảnh nghèo sau khi tỉnh giấc mộng nam kha lẽ ra cả hai vợ chồng Roger Griffiths có thể đối phó được nếu Roger vẫn là chàng trai thuở ban đầu. Lara nhớ lại, cả hai gặp nhau khi cùng học ở Đại học Lanscaster và lấy nhau vào năm 1997. Lara tâm sự: “Trong dịp kỷ niệm 10 năm lễ cưới anh ta gửi cho tôi một tấm thiếp cho tôi biết anh tự hào vì có tôi và rằng mỗi giây trôi qua tình yêu của anh dành cho tôi càng tăng thêm”.

Nhưng sau khi trúng số Roger đã biến thành một người khác xa lạ với Lara. Hờ hững và đôi khi nặng lời với vợ, theo đuổi vụng trộm cô gái khác, lạnh lùng với con. Những biểu hiệu này làm hôn nhân từng kéo dài 14 năm tan vỡ. Lara tâm sự: “Tôi chấp nhận lấy Roger vì anh ta là người biết suy nghĩ và rất tốt. Anh ấy săn sóc tôi và con cái và là người cha ưu tú… Giờ đây nhìn lại chúng tôi chỉ trao đổi ý kiến qua text và nhiều khi “gặp nhau ghé nón chạm vai chẳng chào”.

Phải chăng tiền bạc vun xới ái tình và chính nó có thể dập tắt lửa tình và trúng số có thể xây dựng lâu đài hạnh phúc nhưng cũng đôi khi xói mòn chân móng hạnh phúc.

chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Người phụ nữ trẻ Africa bò 2.5 dặm trên đường đi dự lễ Chúa Nhật.

Người phụ nữ trẻ Africa bò 2.5 dặm trên đường đi dự lễ Chúa Nhật.

Hội các chị em hèn mọn của những người già bị bỏ rơi tại Chissano, nước Mô-Dăm-Bích đã đón về nhà của họ một phụ nữ 25 tuổi tên là Olivia. Chị tuy chưa được rửa tội vào lúc đó và không có đôi chân để đi, nhưng đã bò 2.5 dặm mỗi ngày Chúa Nhật để tới dự thánh lễ.

Theo cơ quan truyền thông ở Phi Châu, các nữ tu nói rằng, một ngày kia, họ nhìn thấy từ phương xa có cái gì di động ở trên mặt đất, và họ đã tới gần để nhìn xem. Trước sự vô cùng ngạc nhiên của họ, đó là một phụ nữ trẻ tuổi tàn tật đang bò trên đường đi dự lễ.

Các nữ tu nói: Chúng tôi có thể nói chuyện với chị Olivia nhờ một người phụ nữ đi đường, và thông dịch qua  ngôn ngữ Bồ Đào Nha, người phụ nữ này nói với chúng tôi trong tiếng thổ âm địa phương. Mặc dù cát trên đường nóng cháy lòng bàn tay của chị vào thời gian nóng nhất trong năm (ở nước Châu Phi khi hậu sa mạc rất nóng), nhưng người phụ nữ này đã bò lết trên đường tới tham dự thánh lễ, chứng minh lòng trung thành và đức tin sắt son của chị.

(Chị Olivia bò đi lễ. Hình của cơ quan truyền thông Avân)

Người phụ nữ trẻ này đã nhận phép rửa tội nhờ một người dạy giáo lý thường xuyên tới viếng nhà của chị. Sau khi chị được rửa tội, một người ân nnhân của các nữ tu hèn mọn đã dâng tặng một chiếc xe lăn cho chị Olivia.

Lời  bàn:

Chúng ta đang sống trong năm đức tin, khi mà nền văn minh thời đại a-còng @ với các tiện nghi của xe hơi, điện tử, điện thoại thông minh, máy IPAD v.v… đã dần lối kéo con người rời xa Thiên Chúa. Thật cảm phục vẫn còn có những người như chị Olivia với niềm tin tuyệt đối vào cho Chúa và nhất là niềm tin vào Thánh Lễ. Chị không có đôi chân, nhưng trái tim đức tin của chị thật lớn lao dành cho Chúa Giêsu Thánh Thể. Xin Chúa chúc lành cho chị.

Thu Linh (dịch)

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Lễ rửa tội trong đêm Vọng Phục Sinh

Lễ rửa tội trong đêm Vọng Phục Sinh
ngày 30 tháng 03 năm 2013,
tại Giáo xứ Đức Kitô Ngôi Lời nhập thể Houston, Texas
22 tân tòng được làm con cái Chúa..
ORANGE, California (NV) – Đức Giám Mục Kevin Vann, giám mục Giáo Phận Orange, sẽ rửa tội cho 972 người Công Giáo tân tòng tại Nhà Thờ Chánh Toà, 566 South Glassell St., Orange, CA 92866, trong buổi tối lễ vọng Phục Sinh, 30 Tháng Ba, tới đây, thông cáo báo chí của giáo phận cho biết.
Đây là số người được rửa tội tại lễ Phục Sinh đông nhất trong 36 năm lịch sử giáo phận.
Đức Giám Mục Kevin Vann sẽ lãm lễ rửa tội cho gần
1,000 giáo dân Công Giáo tân tòng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Đa số vì muốn lập gia đình với anh chị em có đạo công giáo nên đi học lớp giáo lý tân tòng để rửa tội và sẽ làm phép hôn phối ở nhà thờ.
Nhưng không ít trường hợp” đi tìm Chúa” trong các lớp tân tòng để tìm hiểu đạo công giáo tìm hiểu Chúa Giêsu và giáo lý của Ngài giảng dạy. Hành trình đức tin không đơn giản chút nào. Từ lúc không biết gì về Chúa Giêsu, về Đức Mẹ Maria, làm sao trong 8, 9 tháng học hỏi, tìm hiểu Thánh Kinh mà tin và yêu mến Chúa Giêsu được, nếu người đó không có “ơn Chúa” đánh động trước, nghĩa là các tân tòng đã có ý niệm một phần nào tin có Thiên Chúa toàn năng, có đấng tối cao, đấng vô hình hướng dẫn cuộc đời mình. Người đó cũng muốn tìm chỗ dựa của đời sống tâm linh trước, dựa vào sức Chúa chứ không cậy vào sức mình,cậy vào tài năng riêng của mình.
Nhà thờ La vang ở Houston cũng ban bí tích thanh tẩy cho 12 tân tòng . Thông thường các nhà thờ khác cũng làm lễ rửa tội cho người lớn, các tân tòng nhân mùa lễ Phục sinh hằng năm.
* Nghi thức chào đón và tiếp nhận dự tòng:
Đức Ông hỏi: Anh chị muốn xin gì ở Hội Thánh?
Dự tòng trả lời: Thưa Cha chúng con xin đức tin.
Đức Ông tiếp tục hỏi: Đức tin làm gì cho anh chị?
Dự tòng: Đức tin đưa chúng con đến sự sống đời đời.
Đức Ông cũng như cộng đồng dân Chúa cầu nguyện cho các tân tòng:
“Hãy quyết phó thác đời sống hàng ngày của anh chị vào sự chăm sóc của Ngài để anh chị có được niềm tin nơi Ngài với tất cả tâm hồn của anh chị. Đây là đường lối Đức tin mà Chúa Kitô sẽ hướng dẫn anh chị trong tình yêu tới sự sống đời đời.”
Xin đức tin là xin Thiên Chúa ban ơn để chúng ta có đức tin, tin có Thiên Chúa toàn năng,
tin Chúa Kitô là con Thiên Chúa , tin có đời sống vĩnh cửu.
Trong đêm rửa tội các tân tòng được mặc áo trắng, trao nến trắng và nhận phép thêm sức luôn
Đức Ông xức dầu trên trán các tân tòng và nói: ‘Anh (chị) hãy nhận lảnh ấn tín ơn Chúa Thánh Thần’.
Hành trình đi tìm Chúa.
Từ cuối tháng 08 năm 2013 gần 30 người lớn tìm đến nhà thờ để tìm hiểu về đạo Chúa. Trong quá trình học đạo, các anh chị em tân tòng trong những tháng đầu theo học, khi học hỏi Thánh Kinh, thảo luận về Chúa, các anh chị thường không phát biểu. Có lẽ còn e dè, ngại ngùng cũng có thể chưa hiểu biết về Thánh Kinh hay chưa tin tưởng vào Thiên Chúa .?
Tuy nhiên, trải nghiệm suốt 5 tháng thảo luận, học hỏi cũng như sau khi tham dự khóa tĩnh tâm ở Palacios vào đầu tháng 02 năm nay, trong đêm thứ bảy có nghi thức rửa chân cho tân tòng, ngồi thinh lặng, nghiêm trang, chung quanh nến thánh giá, mỗi người đốt nhúm trầm hương, đốt ngọn nến của mình và cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
Trong ba ngày tĩnh tâm ở Palacios, anh chị em tân tòng bắt đầu phát biểu nhiều hơn, có cảm nghiệm về Thiên Chúa và Đức Mẹ nhiều hơn.
Tân tòng diễn kịch trong ngày tĩnh tâm
Một hình ảnh sinh hoạt của Tân tòng.
Ngày Tết Quý Tỵ vừa qua, anh chị em tân tòng đi đến Nursing home để thăm các cụ già tàn tật, bịnh hoạn để thực thi đức bác ái .
Tân tòng đi thăm người già cả tàn tật ở Nursing home
Đêm thứ sáu ngày Chúa chịu nạn, anh chị em tân tòng diễn lại 14 chặng đường thương khó. Anh chị em mặc y phục của người Do thái xưa cách nay hai ngàn năm giống như thời Chúa Kitô. Cũng có quan Philatô, có lính La mã, có Đức Mẹ, có thánh Gioan, Simon đỡ thánh giá cho Chúa, Giuda ph ản bội Chúa, Madalena, Veronica, Pharisêu, Satan..
Chuẩn bị diễn 14 chặng đường thương khó
Các tân tòng đi gặp Đức Giám Mục
Giá trị của cầu nguyện.
Năm 1991 tôi rửa tội nhân ngày lễ Đức Mẹ hồn xác về trời 15 tháng 8 tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài gòn với Cha Bạch văn Lộc. Năm 1992 hai con gái cũng rửa tội tại nhà thờ này để được gia nhập Hội Thánh Chúa.
Năm nay, 2013 tôi đã làm con cái Chúa được 22 năm.
Năm 2000 tôi có tham gia Khóa căn bản của Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình do Cha Chu Quang Minh giảng, và sau đó tôi sinh hoạt trong chương trình này. Tôi vẫn nhớ câu nhắc nhở của Cha Chu Quang Minh như sau: “Mọi sự đều phải cầu nguyện và cầu nguyện trong mọi sự”.
Sự cầu nguyện liên lỉ của tôi, cũng như các nhà dòng Đa Minh, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Đồng Công ở Missouri cầu nguyện giúp, bạn bè cầu nguyện thay nay Thiên Chúa đã nhậm lời. Kỳ này bà xã tôi đã đồng ý học đạo để tìm hiểu Chúa , tìm hiểu giáo lý Giáo Hội Công giáo hơn 7 tháng qua và đã chịu phép thanh tẩy vào ngày 30 tháng 03, lễ vọng Phục sinh vừa qua. Người nhận đỡ đầu là Sơ Lucy Nguyễn Lương dòng Nữ Đa Minh Việt nam .Tôi vẫn luôn luôn tự nhắc nhủ :”Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”. (Mt 7, câu 7) cũng như tôi luôn luôn cố gắng ca ngợi Chúa trong mọi hoàn cảnh vì tôi biết “quyền năng của tâm hồn biết ca ngợi”(1) Chúa sẽ nhậm lời khi ta ca ngợi hơn là ta than vãn, trách móc, lo âu.
Tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh vì đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Giêsu
Kitô (1TX 5, 18).

Những sự kiện lịch sử trên, theo cá nhân tôi luôn luôn có bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, Đấng tối cao đầy quyền năng là Thiên Chúa, đã tác động vào những biến chuyển lịch sử đó để thế giới không còn sự đối đầu giữa Mỹ và Liên sô, có thể đưa đến chiến tranh hạt nhân sẽ hủy diệt nhân loại.
Không có ơn Chúa thì con người không thể làm gì đuợc.
Hình ảnh lễ rửa tội trong đêm Vọng Phục Sinh tại Giáo Xứ Đức Kitô Ngôi Lời Nhập thể. ngày 30 tháng 03 năm 2013.
(1)Sách ” Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi” LM Nguyễn Đức Mầu dịch.
Tác giả: Phùng văn Phụng