Cuộc phản công chống Trại súc vật

Cuộc phản công chống Trại súc vật

Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-05-04

nguồn: RFA

625434_424694274286560_1361866581_305.jpg

Cuốn Animal Farm của George Orwell, bản tiếng Tiếng Việt.

Courtesy MP’s Facebook

Quyển tiểu thuyết Trại súc vật của văn hào Anh George Orwell được xuất bản ở Việt Nam dưới nhan đề Chuyện ở nông trại, chưa bao giờ bị chính thức kiểm duyệt. Gần đây có hai bài báo trên truyền thông nhà nước Việt Nam chỉ trích quyển sách này.

Phê bình nhà văn Orwell

Tiểu thuyết viết theo thể loại ngụ ngôn của văn hào Anh George Orwell nhan đề The Animal Farm (Trại Súc Vật) được xuất bản tại Việt Nam vào năm ngoái với tựa đề Chuyện ở Nông trại. Quyển tiểu thuyết này châm biếm mô hình cộng sản của Liên Xô trong những năm 1940, và qua đó cảnh tỉnh mối nguy khi xã hội loài người bị dẫn dắt bởi những ảo tưởng cách mạng. Những ảo tưởng sẽ dẫn đến những cơ chế xã hội quái gỡ, trong đó thay vì được bình đẳng, con người sẽ bị trói buộc khốc liệt hơn, bởi những kẻ nhân danh những lý tưởng cách mạng bình đẳng.

Các nhân vật heo, chó, ngựa, gà, vịt của Orwell đã làm một cuộc cách mạng chống lại ông chủ trang trại thành công. Các con thú đã xây dựng một xã hội mà tất cả các con thú đều bình đẳng. Cuối cùng thì giai cấp lãnh đạo là những con heo lại trở thành giai cấp thống trị mới  với mọi quyền lợi, ăn trên ngồi trốc. Câu nói mỉa mai nhất trong quyển sách là, “Tất cả mọi con vật đều bình đẳng nhưng có những con vật bình đẳng hơn những con vật khác.”

Đương nhiên quyển sách này bị cấm trong tất cả những quốc gia theo chủ nghĩa Marxism-Leninism, vì chủ nghĩa này được Orwell đưa vào câu chuyện, và nó chính là lý tưởng cách mạng của các con vật dẫn đầu bởi các con heo là giai cấp lãnh đạo.

Cuốn sách lại được xuất bản ở Việt Nam hồi cuối năm ngoái với nhan đề Chuyện ở nông trại. Việc xuất bản do Nhà xuất bản Hội nhà văn phối hợp cùng công ty văn hóa Nhã Nam. Việc đổi tựa sách này có vẻ được dùng để qua mặt kiểm duyệt.

“Xin hỏi: họ thấy tác phẩm này “đã gây nên bức xúc to lớn trong dư luận” ở đâu? Tại cuộc họp nào hay cuộc thăm dò dư luận nào chứng tỏ điều đó.
-Phạm Nguyên Trường”

Nhiều người đã đón nhận tác phẩm với nhiều tình cảm. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhân một bài giới thiệu sách trên báo Quân đội nhân dân, đã viết trên blog của mình là:

“Cám ơn nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà thơ Hữu Thỉnh đã giới thiệu tuyệt phẩm Trại Súc vật để mà cùng nhân dân chống độc tài.

Giáo sư Tương Lai cũng nói:

“Thật khâm phục tác giả, vì từ những năm 40 mà đã mô tả chính xác thế nào là độc tài toàn trị.”

Thế rồi hồi tháng ba năm nay, có tin đồn sách bị thu hồi. Bài giới thiệu sách trên báo Quân đội nhân dân bị rút xuống. Vẫn không có tin chính thức về sự thu hồi ấy. Theo Giáo sư Tương lai và nhà thơ Trần Mạnh Hảo thì người ta ngại nếu đưa lệnh thu hồi hay cấm đoán thì vô tình lại quảng cáo cho cuốn sách, cho nên có lẽ sự thu hồi đã diễn ra âm thầm.

Dư luận viên?

Cuối tháng ba trên trang mạng cand.com.vn xuất hiện bài viết của tác giả Hoàng Oanh nhan đề, Nhà văn Anh George Orwell: Lạc đàn chuyên nghiệp. Nội dung bài báo này phê bình chỉ trích nhà văn Orwell và tác phẩm Trại súc vật của ông.

Trong tháng tư, một bài báo khác xuất hiện trên PetroTimes nhan đề Những cuốn sách gây bức xúc của Nhã Nam của tác giả Trúc Vân. Nội dung bài báo này cũng chỉ trích quyển sách Trại súc vật mà công ty Nhã Nam đã ấn hành. Điều đặc biệt là trong hai bài báo trên hai tờ báo khác nhau, hai tên tác giả khác nhau, cách nhau gần một tháng lại có một đọan bình luận giống hệt nhau tới từng dấu phẩy:

Cuốn Animal Farm của George Orwell được tái xuất bản với nhiều mẫu bìa khác nhau

Cuốn Animal Farm của George Orwell được tái xuất bản với nhiều mẫu bìa khác nhau. (Tower/book)

“Điều đặc biệt là tiểu thuyết “Trại súc vật” của George Orwell từ nhiều năm nay đã bị đánh giá như một tác phẩm chứa rất nhiều luận điểm sai trái về chủ nghĩa xã hội và nó bị cấm lưu hành ở những quốc gia theo tư tưởng này. Vì thế, mặc dù tiểu thuyết này được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 cuốn sách hay nhất bằng tiếng Anh ở thế kỷ XX nhưng với một đất nước như Việt Nam, việc ấn hành “Trại súc vật” đã gây nên bức xúc to lớn trong dư luận.”

Chúng tôi hỏi chuyện dịch giả Phạm Nguyên Trường, tác giả của bản dịch Trại súc vật lưu hành trên mạng rất lâu trước khi quyển Chuyện ở Nông trại được nhà xuất bản Hội nhà văn và công ty Nhã nam ấn hành. Ông cho biết là vẫn chẳng thấy lệnh cấm gì. Ông cũng phê bình hai tác giả của hai bài báo trên:

“Xin hỏi: họ thấy tác phẩm này “đã gây nên bức xúc to lớn trong dư luận” ở đâu? Tại cuộc họp nào hay cuộc thăm dò dư luận nào chứng tỏ điều đó. Tôi cho là viết báo như thế là không có lương tâm, các đồng nghiệp và bạn đọc nên tẩy chay hai người này.”

Chúng tôi đã hỏi chuyện một người có trách nhiệm ở công ty văn hóa Nhã Nam thì được ông trả lời rằng:

“Tôi đã giải trình chuyện này, và tôi xin phép từ chối trả lời.”

Như vậy chuyện kiểm duyệt không công khai có khả năng có thật.

Chúng ta cũng nhớ rằng đầu năm nay khái niệm Dư luận viên lần đầu tiên được nêu lên công khai bởi các giới chức Việt nam, tức là những người được trả tiền để viết bài bảo vệ đảng cộng sản hay công kích những gì có nguy cơ ảnh hưởng đến sự đúng đắn hay chính danh của đảng cộng sản. Không rõ hai tác giả hai bài báo trên có phải là dư luận viên hay không. Nhưng qua câu chuyện Trại súc vật này thì hình như việc kiểm duyệt cứng rắn đã chuyển qua kiểm duyệt đằng sau. Và nếu như ngòi bút dư luận viên được sử dụng để hỗ trợ cho việc làm đó, thì nên chăng truyền thông nhà nước hãy mở rộng diễn đàn tranh luận để các dư luận viên được chính danh hơn mà so tài, chứ không nên múa gậy vườn hoang một mình.

Việt Nam chậm cải cách, IMF hạ dự báo tăng trưởng

Việt Nam chậm cải cách, IMF hạ dự báo tăng trưởng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

REUTERS/Kham

Thụy My

nguồn:RFI

Theo bản tin Bloomberg hôm nay 07/05/2013, việc cải tổ chậm chạp của các ngân hàng Việt Nam là yếu tố góp phần vào quyết định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tuần rồi, hạ dự báo tỉ lệ tăng trưởng của Việt Nam.

Trong bản báo cáo công bố ngày 29/04/2013, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay còn 5,2% thay vì 5,8% như dự kiến trước đây, và trong năm 2014 cũng vẫn là 5,2% thay vì 6,4%. Đây là mức hạ nhiều nhất trong các nước Đông Nam Á sau Singapore. Tăng trưởng năm nay của Việt Nam kém các nước khác trong khu vực như Indonesia, Miến Điện và Thái Lan. Thâm hụt thương mại của Việt Nam trong tháng Tư lên đến 1 tỉ đô la, cao hơn dự kiến.

Sanjay Kalra, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam nói rằng việc này cho thấy điều quan trọng là phải tiến hành cho được các cải cách chính quyền đã tuyên bố, vì các cải tổ cơ cấu đã diễn ra chậm hơn so với mong muốn.

Hồi tháng Hai, Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung nói rằng chính quyền sẽ công bố một kế hoạch tái cấu trúc các tập đoàn quốc doanh lớn vào tháng Sáu. Trước đó, chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bỏ lỡ mục tiêu thành lập một công ty quản lý tài sản công nhằm giải quyết nợ xấu của ngân hàng.

Tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm ngoái là 5,03%. Đây là mức độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1999 đến nay. Ngân hàng Nhà nước vào tháng Ba đã giảm lãi suất chỉ đạo đến lần thứ bảy kể từ đầu năm 2012, nhằm mục đích kích thích tín dụng, cho dù Ngân hàng Thế giới đã nhận định các vấn đề của Việt Nam không thể giải quyết bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ.

Thông cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm 26/4 sau chuyến viếng thăm Việt Nam 18 ngày đã nhận định, để đưa đất nước vào con đường tăng trưởng cao hơn và bền vững, đòi hỏi phải đẩy nhanh các cải cách đối với hệ thống ngân hàng và công ty quốc doanh.

Theo ông Kalra, không cần thiết phải sáp nhập các ngân hàng, nhưng cần thực sự cải tiến cung cách quản trị và tái cấp vốn. Các ngân hàng Việt Nam cần cải thiện việc cân đối kế toán, tăng cường nguồn tiền gởi và đa dạng hóa các món tín dụng.

Lần đầu tiên Mỹ tố cáo đích danh Trung Quốc gián điệp mạng

Lần đầu tiên Mỹ tố cáo đích danh Trung Quốc gián điệp mạng

Một hệ thống máy chủ tại Hoa Kỳ.  (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Một hệ thống máy chủ tại Hoa Kỳ. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

REUTERS/Valentin Flauraud

Thụy My

nguồn: RFI

Báo cáo của Lầu Năm Góc công bố hôm qua 06/05/2013 khẳng định, Bắc Kinh tiến hành một chiến dịch gián điệp mạng rộng lớn nhằm thu thập những thông tin về các chương trình quốc phòng của chính phủ Mỹ. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ tố cáo đích danh chính phủ Trung Quốc hoạt động tin tặc.

Bản báo cáo cho Quốc hội Hoa Kỳ đã khẳng định : « Trung Quốc sử dụng năng lực hệ thống tin học của họ để khéo léo điều khiển một chiến dịch thu thập thông tin từ các lãnh vực hỗ trợ cho các chương trình quốc phòng cấp quốc gia của Hoa Kỳ, trong các lãnh vực ngoại giao, kinh tế và kỹ nghệ ».

Theo báo cáo, tin tặc Trung Quốc hồi năm 2012 đã đột nhập vào các máy tính thuộc mạng lưới chính phủ Mỹ, giúp Bắc Kinh nắm được nhiều hơn về năng lực quân sự và các cuộc tranh luận chính trị tại Hoa Kỳ.

Lầu Năm Góc nhấn mạnh : « Năm 2012, nhiều mạng lưới tin học trên khắp thế giới, trong đó có các mạng của Mỹ, tiếp tục là mục tiêu của các mưu toan xâm nhập, mà một số có thể quy trực tiếp cho chính quyền và quân đội Trung Quốc ».

Cho đến nay, đây là lần đầu tiên một bản báo cáo của Hoa Kỳ thẳng thừng chỉ đích danh tin tặc Trung Quốc tấn công vào mạng của chính phủ Mỹ, cũng như các doanh nghiệp Mỹ.

Cho dù chính quyền Barack Obama đã từng yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt loại hoạt động phi pháp này, nhưng các viên chức Mỹ chỉ mới đưa ra những lời bình nhắm vào việc tấn công tin học các doanh nghiệp tư nhân.

Theo báo cáo, Bắc Kinh tìm cách thu gom các tin tức có thể có lợi cho họ trong cách lãnh vực vũ khí và công nghệ. Các lãnh đạo Bắc Kinh cũng rất muốn biết quan điểm của các nhà lãnh đạo Mỹ về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc và quân đội Trung Quốc.

Lầu Năm Góc khẳng định, các thủ đoạn của Bắc Kinh cũng giúp các tướng lãnh Trung Quốc « thiết lập được hình ảnh về các mạng lưới ở Hoa Kỳ trong các lãnh vực quốc phòng, hậu cần và năng lực quân sự, có thể khai thác trong thời điểm xung đột ».

Hôm nay 7/5 Trung Quốc lên tiếng cho rằng các cáo buộc của Hoa Kỳ là « không có căn cứ » và « nhảm nhí ».

Thiên nhiên thật đẹp,như những bức tranh vẽ muôn màu.

Nhưng đôi khi đường đời không đầy hoa như thế,
lối cũ nhạt nhòa, người xưa phai dấu, chỉ còn lại con đường thênh thang lá úa.

Và lá ngày càng úa màu thời gian

Lớp lớp chất chồng lên nhau như kỷ niệm

Chỉ một dòng chảy nhỏ nhưng đã chia chúng ta về
hai phía bờ chẳng thuộc về nhau,

đường em đi khói sương mờ trong nắng nhạt.

Tình mình giờ như cây trơ trụi giữa mùa đông

Chiếc ghế xưa, chỉ có lá vàng ve vuốt

Bao nhiêu năm rồi hờ hững hỡi Tình nhân?

Có thể nào chăng, đường tình rêu phong thế?

Anh đi về phía ai, hoang phế tâm hồn?

 

Về phía ai để chiều vàng u uẩn?

Trở về cát bụi

Trở về cát bụi
Ta Cứ Tưởng Trần Gian Là Cõi Thật
Thế Cho Nên Tất Bật Ðến Bây Giờ !
Ta Cứ Ngỡ Xuống Trần Chỉ Một Chốc
Nào Ngờ Ðâu Ở Mãi Ðến Hôm Nay !
Bạn thân ơi! Có bao giờ bạn nghĩ
Cuộc ðời này chỉ tạm bợ mà thôi
Anh và tôi giàu sang hay nghèo khổ
Khi trở về cát bụi cũng trắng tay

Cuộc ðời ta phù du như cát bụi
Sống hôm nay và ðâu biết ngày mai ?
Dù đời ta có dài hay ngắn ngủi
Rồi cũng về với cát bụi mà thôi
Thì người ơi! Xin ðừng ganh ðừng ghét
Ðừng hận thù tranh chấp với một ai
Hãy vui sống với tháng ngày ta có
Giữ cho nhau những giây phút tươi vui
Khi ra đi cũng không còn nuối tiếc
Vì ðời ta ðã sống trọn kiếp người
Với tất cả tấm lòng thành thương mến
Ðến mọi người xa lạ cũng như quen
Ta là cát ta sẽ về với bụi
Trả trần gian những cay ðắng muộn phiền
Hồn ta sẽ về nơi cao xanh ấy
Không còn buồn lo lắng chốn trần ai!

8267105627_a4ca58ccea_o.gif

LỄ THĂNG THIÊN

LỄ THĂNG THIÊN
Sau khi sống lại 40 ngày, và sau những lần gặp gỡ với các môn đệ, Đức Giê-su đã thực hiện lời Người đã nói trước, người đã từ biệt các ông và lên Trời.
Nhưng tại sao Đức Giê-su dạy các môn đệ làm phép Rửa đã, sau đó mới giảng dạy cho họ? Tại sao không nói Chúa về Thiên đàng mà lại lên Trời, dễ làm người ta hiểu lầm ở một điểm nào trên không gian? Tại sao cho đến lúc này vẫn có những môn đệ còn hoài nghi?  Theo Ma-thêu thì Đức Giê-su lên Trời tại Ga-li-lê-a, vậy tại sao thánh Luca (Lc 24,50-53) lại nói Chúa lên Trời ở Bê-ta-ni-a?

1.     Ga-li-lê-a

Mat-thêu không có ý nhấn mạnh tới địa danh nơi Chúa lên Trời, nhưng tác giả muốn nhấn những sự kiện có liên quan tới công trình cứu thế của Đức Giê-su tại Ga-li-lê-a:
Ga-li-lê-a là một địa danh rộng lớn thuộc phía bắc It-ra-en, nơi có đủ các thứ dân sinh sống. Đây là khu vực mà người It-ra-en ở Giê-ru-sa-lem coi khinh, cho là vùng đất của dân ngoại.  Nơi đây được coi như trung tâm của các giao tiếp, sắc tộc, ngôn ngữ, thương mại, hoà trộn tín ngưỡng và vô tín ngưỡng.
Ga-li-lê-a được coi là điểm hẹn lí tưởng giữa Thiên Chúa và con người: Trên núi Si-nai, nơi Môi-sen đã ở trên đó 40 ngày đêm và được Thiên Chúa mạc khải cho 10 điều răn.  Ngôn sứ I-sa-i-a và sau này là thánh Mat-thêu nhắc tới địa danh Ga-li-lê-a như một điểm sáng: “Hỡi Ga-li-lê-a miền đất của dân ngoại, những dân đang ngồi trong bóng tối tử thần được nhìn thấy ánh sáng” (Is.9,1).
Ga-li-lê-a gắn liền với sứ vụ của Đức Giêsu: Na-da-ret nằm trong vùng đất Ga-li-lê-a, nơi gia đình Đức Giê-su sinh sống, lớn lên và làm việc.  Trên núi Ô-liu, nằm phía đông Giê-ru-sa-lem, là nơi Đức Giê-su thường xuyên đến để cầu nguyện.  Tại đây còn có vườn Giêt-si-ma-ni, có làng Bê-ta-ni-a, nơi Người đã cho La-da-rô chết bốn ngày sống lại, có ngọn núi Bet-pha-giê nơi khởi điểm cuộc rước Đức Giê-su long trọng vào thành Giê-ru-sa-lem và tiên báo thành này bị tàn phá không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào.
Galilêa còn là dấu chỉ hẹn cuối cùng của Đức Giê-su với các môn đệ: Cũng có mây mù che phủ, như đã từng che phủ Môi-sen trên núi Si-nai, cũng như Đức Giê-su với ba môn đệ yêu dấu ở Ta-bo-rê; cũng con số 40 kì diệu: 40 ngày trên núi Si-nai của Môi-sen hay 40 ngày chay tịnh của Chúa; 40 ngày sau khi Đức Giê-su sống lại, Người đã gặp gỡ lần cuối với các môn đệ như đã chỉ định trước: “Các bà hãy mau về nói với các môn đệ rằng người đi Ga-li-lê-a trước các ông” (Mt.28,7).
Như vậy Ga-li-lê-a là nơi Chúa Giê-su đã sống gương mẫu, rao giảng chân lí, thành lập Giáo Hội và tuyển môn đệ.  Đức Giê-su đã làm xong nhiệm vụ và đi trước để dọn chỗ cho những ai tiếp tục sứ mệnh Người giao phó.

2.     Cõi Trời

Chúa Giê-su về Trời, là về nơi Người phát xuất: Ngài đã hoàn thành nhiệm vụ của Người ở trần gian, Người cần được hưởng vinh quang với Ba Ngôi Thiên Chúa.  Mười một Tông đồ đã đến điểm hẹn, có một số còn hoài nghi.  Thực ra tất cả các môn đệ đều khởi đầu từ chỗ hoài nghi rồi đến tin tưởng, và dám đổ máu mình ra để chứng tỏ niềm tin đó.  Các ngài vẫn còn những hạn chế của con người, như Phê-rô, Tô-ma, hay hai môn đệ Em-mau; các ngài còn phải được học hỏi các màu nhiệm mặc khải, các ngài phải được thử thách đủ, trước khi làm nhiệm vụ.  Các Tông đồ còn được chứng kiến Thầy mình về Trời để các ông hi vọng.  Chỉ có sự thật mới thuyết phục được các ngài theo Chúa; tất cả nói lên rằng, Đức tin là một hành động hoàn toàn tự do dành cho con người.
Chúa lên Trời là đi từ chỗ hữu hình vào nơi vô hình: Nói Chúa lên Trời, là nói theo kiểu thế gian. Người ta thường quan niệm trời là tất cả không gian ngoài trái đất, trời là nơi Đấng Tạo Hoá ngự trị và điều khiển muôn loài.  Tuy nhiên, Trời đây không phải là một điểm nào, không phụ thuộc chiều cao của không gian vật lý, không phụ thuộc vào quy luật của vũ trụ, thời gian, có thể cân đong đo đếm. Chúa lên Trời không phải là lánh xa trái đất, đến ngự trị trong một vì tinh tú hào quang, Chúa lên Trời là thay đổi từ trạng thái tự nhiên sang trạng thái siêu nhiên.  Trời hay Thiên đàng là một, Người hiện diện khắp mọi nơi.
Đức Giê-su về Trời để nhận nhiệm vụ mới: Người duy trì sự hiện diện của Người nơi nhân loại: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20).  Đức Giê-su được trao toàn quyền trên trời, dưới đất, vũ trụ hữu hình và vô hình.  Người đánh bại cái chết, Người làm Vua vũ trụ, Đấng sáng tạo và bảo tồn vũ trụ, không có gì nằm ngoài quyền của Người.

3.     Thế gian

Đức Giê-su đã về Trời và trao lại nhiệm vụ cho Giáo Hội. Người đã lệnh cho mọi người trên trái đất phải thi hành chỉ thị của Người:
Vậy anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân và làm cho họ trở thành môn đệ Thầy.  Môn đệ đây được hiểu là các Kitô hữu. Đức Giê-su gọi các môn đệ và muốn họ nhân rộng ra, tăng mạnh lên.  Chúa tạo dựng con người và muốn cho họ hưởng hạnh phúc.  Các Tông đồ được coi là người kế nghiệp Chúa Ki-tô, là những thợ gặt lành nghề.  Họ phải biết đưa mọi người vào Nước Chúa.  Chúa từ chối Sa-tan với tất cả vinh hoa của nó, Người muốn các Tông đồ tiếp tục chinh phục toàn thể vũ trụ để đưa mọi người vào Nước Trời hạnh phúc mà Người đi trước dọn chỗ, để mọi người có thể tận hưởng muôn đời.
Hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và  Thánh Thần.  Đức Giê-su muốn thâu nạp nhiều môn đệ qua phép Thanh Tẩy.  Người đã thánh hoá nước, để nước có sức thánh hoá nhờ Thánh Linh. Người muốn họ nối kết với nhau trong một tập thể, mà Ba ngôi Thiên Chúa là mối dây, là tình yêu liên đới, là sức sống sung mãn dồi dào trong toàn thể, cũng như từng cá nhân.  Không thể nhân danh cá nhân nào, không nhân danh thụ tạo nào, thần thánh nào, mà là nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa, để họ được gia nhập vào gia đình thánh thiện của Chúa.
Hãy dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.  Việc Đức Giê-su đặt nhiệm vụ này cuối cùng, không phải là Người dạy họ phải làm theo thứ tự như vậy, đó chỉ là câu nói nhằm mục đích kêu gọi môn đồ.  Người muốn họ phải hiểu biết đầy đủ, để chia sẻ Lời dạy của Chúa, phải biết được giá trị của việc làm, để thực thi nhiệm vụ của một môn đệ.
Nhiệm vụ Chúa giao phó cho các Tông đồ cũng là nhiệm vụ của chúng ta.  Chúa không muốn riêng ai quản lí màu nhiệm Mạc khải, Chúa ra lệnh mỗi người phải mạnh dạn ra đi rao giảng và làm chứng về Người, hầu được hưởng phúc Nước Trời với Thiên Chúa Ba Ngôi.
Jos Trần Xuân Chiêu

****************************************

Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con tin bằng trái tim, tuyên xưng bằng miệng và bày tỏ bằng việc làm, rằng Chúa ngự trong chúng con ngõ hầu nhân loại thấy rõ những việc lành chúng con làm mà tôn vinh chúc tụng Cha chúng con trên trời.  Vì Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, Đấng muôn đời vinh hiển.  Amen!

Origênê

Anh chị Thụ & Mai gởi

Hòa Giải Sau Chiến Tranh Nam – Bắc (1861-1865) của Hoa Kỳ

Hòa Giải Sau Chiến Tranh Nam – Bắc (1861-1865) của Hoa Kỳ

Nhân kỷ niệm lần thứ 38 ngày 30/4 (1975-2013), xin mời anh chị em đọc lại lịch sử Hoa Kỳ về cuộc chiến tranh Nam – Bắc (1861-1865) và chủ trương hoà giải của phe thắng trận sau khi cuộc nội chiến Nam-Bắc (1861-1865) chấm dứt để có sự so sánh giữa hoàn cảnh lịch sử của nước Mỹ (1865) và Việt Nam (1975)…

Tướng Ulysses S.Grant lúc đó (1865) là Tổng Tư Lệnh Quân Độ Liên Bang (tức Quân Đội Miền Bắc) đã gửi cho Tướng Robert E. Lee (Tư Lệnh Quân Đội Liên Minh – Confederate State Army – tức Quân Đội Miền  Nam) một bức thư lịch sử nội dung như sau: (dịch)

“Tổng Hành Dinh Quân Đội Liên Bang,

Lúc 5 giờ chiều ngày 7 tháng Tư, 1865.

Gởi Tướng Robert E.Lee, Tư Lệnh Quân Đội Liên Minh (Confederate Army).

Những kết quả trong tuần vừa qua chắc đã thuyết phục ông về tình thế tuyệt vọng của Quân Đội Bắc Virginia khi còn kháng cự thêm, trong cuộc xung đột này. Tôi cảm thấy đúng như vậy, và để tránh trách nhiệm của tôi về việc đổ máu thêm, tôi yêu cầu ông cho đầu hàng một bộ phận của Quân Đội Liên Minh dưới tên Quân Đội Bắc Virginia (the Army 0f Northern Virginia).

Ký tên: U.S Grant

Trung Tướng”

(Điều kiện đầu hàng:

-Không một ai bị giết để trả thù.

-Không một ai bị truy tố ra toà về tội phản quốc. Nhân phẩm của họ được tôn trọng.

-Họ được giữ lại súng ngắn, kiếm lừa và ngựa mà họ đã mang theo khi nhập ngũ.

-Sau khi ký giấy cam kết, họ sẽ không bao giờ cầm súng chống lại Chính phủ Liên bang. Họ sẽ được tự do  ra về đoàn tụ với gia đình, và được bảo đảm yên tâm sinh sống, không có một viên chức địa phương nào làm khó dễ và một thời gian sau sẽ được phục hồi quyền công dân)

Thư trả lời của Tướng Lee ngay sau khi nhận được thư của Tướng Grant:

“Ngày 7 tháng Tư, 1865

Thưa Trung Tướng,

Hôm nay, tôi đã nhận được bức thư ngắn của ông. Mặc dù không thích thú với ý của ông khi diễn tả việc vô hy vọng của một tộ phận của Quân Đội Bắc Virginia, tôi cảm kích về lòng mong muốn của ông muốn tránh cuộc đổ máu vô ích. Trước khi xem xét ý muốn của ông, xin cho tôi biết những điều kiện ông sẽ đề nghị để Quân Đội Bắc Virginia đầu hàng.

Ký tên: R.E.Lee

Đại Tướng. “

Sau khi nhận được điều kiện do Tướng Grant đưa ra (xem điều kiện ở trên), Tướng Lee đã ký biên bản đầu hàng và Tướng Grant đã báo cáo cho Tổng Hành Dinh tại Washinhton DC như sau:

“Lúc 4:30 giờ chiều, ngày 9 tháng Tư, 1865

Tổng Hành Dinh Appomattox CH, VA.

Kính gửi Ngài E.M. Stanton,

Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh, Washington,

Chiều nay, Tướng Lee đã cho Quân Đội Bắc Virginia đầu hàng, theo những điều kiện do tôi đưa ra. Những tài liệu bổ túc đính kèm sẽ được gửi đến ngài đầy đủ.

U.S Grant

Trung Tướng.”

Đoàn quân đầu hàng gồm có 27.805 người. Họ được cung  cấp lương thực đầy đủ. Bên phe thắng trận không hề có một tiếng reo hò hay chế nhạo, Họ đứng nghiêm trang, đưa tay chào đoàn quân bại trận đang lần lượt trao nộp vũ khí.  Sau đó, Chính phủ Liên Bang đã trả lại tài sản bị trưng dụng hoặc bị chiếm đoạt cho phe bại trận để hàn gắn vết thương chiến tranh, xoá bỏ hận thù. Tổng Thống Abraham Lincon đã thực hiện đoàn kế dân tộc, mọi người trong nước đóng góp khả năng của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, làm cho Hoa Kỳ trở thành một cường quốc giàu có và hùng mạnh nhất thế giới cho đến ngày nay. Sau khi Tổng Thống Abraham Lincoln bị ám sát chết, Tướng Grant đã đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ.

(Nguyễn Lý-Tưởng sưu tầm)

Còn chờ mong một lời nào nữa chăng?

Còn chờ mong một lời nào nữa chăng?

Đăng bởi lúc 1:35 Chiều 6/05/13

nguồn:chuacuuthe.com

VRNs (06.05.2013) – Ephata – Trong những ngày vừa qua, trên các trang báo mạng cũng như cả trên các phương tiện của hệ thống truyền thông Nhà Nước, một số tin tức về cuộc sống của người dân được truyền đi nghe đau nhói trong lòng. Xin tạm liệt kê, một số bài đăng lại trên số báo Ephata lần này:

Bài báo “Trẻ em vùng cao co ro trong giá lạnh” (http://www.tinmoi.vn/tre-em-vung-cao-co-ro-trong-gia-lanh-01697329.html). Một bài báo khác: “Một tháng có thêm 13,6 nghìn hộ thiếu đói” (http://phunutoday.vn/xa-hoi/doi-song/201305/Mot-thang-co-them-136-nghin-ho-thieu-doi-2214152/). Bài “Tộc người sống nhờ củ mài” (http://www.tienphong.vn/xa-hoi/624396/Toc-nguoi-song-nho-cu-mai-tpol.html). Những tin tức do chính ông Giàng Seo Phử, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy Ban Sắc Tộc Việt Nam nói về cái nghèo cái đói ăn của các trẻ em miền núi, trước đó qua trang blog của mình, ông Mai Văn Hải đã chia sẻ rất nhiều về cái bất hạnh của trẻ em vùng cao nguyên mà ông chứng kiến hoặc tiếp cận trong chương “Áo ấm biên cương” (http://maithanhhaiddk.blogspot.com/2013/03/ao-am-bien-cuong-qua-ong-kinh-bien-phong.html).

Một bài trên báo Pháp Luật có tựa đề “Chết để con được học” kể về một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Mỹ Nhân, 48 tuổi, ở thành phố Cà Mau, do hoàn cảnh gia đình quá túng quẫn, lại lâm bệnh nặng nên đã quyên sinh để không gây gánh nặng cho chồng cho con, với ước mong nhờ tiền phúng điếu mà các con có tiền ăn học. (http://phapluattp.vn/20130426114615700p0c1015/chet-de-con-duoc-hoc.htm”). Rồi lại câu chuyện “Tấn bi kịch của cái nghèo (http://daotuanddk.wordpress.com/2013/05/03/tan-bi-kich-cua-cai-ngheo/) và bao nhiêu câu chuyện khác về cái nghèo mà kẻ biết, người không biết.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ VI mùa Phục Sinh (Ga 14, 23 – 29) ghi lại lời của Chúa Giêsu: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (c. 26). Chắc chắn Chúa Thánh Thần nói với chúng ta khi chúng ta nghe Lời Chúa trong Sách Thánh, chắc chắn rằng Chúa Thánh Thần nói với chúng ta qua các biến cố xảy ra quanh chúng ta, qua các biến cố ấy Chúa Thánh Thần dạy dỗ chúng ta, nhắc lại những gì Chúa Giêsu đã nói với chúng ta.

Nghe Lời Chúa qua Sách Thánh trong các buổi thờ phượng, không phải là nghe một cách máy móc, hời hợt, mau qua, Lời Chúa chỉ tỏ tường và phát sinh hiệu quả khi chúng ta biết nghe và nghe một cách tinh tế, nghe trong đáy sâu của tâm hồn, nghe một cách đầy diệu cảm và chìm đắm trong miền diệu cảm ấy. Người ta nói là phải có được nghệ thuật nghe Lời Chúa. Qua các biến cố, qua những gì xảy ra chung quanh cũng vậy, chúng ta có đọc được thánh ý của Chúa không? Chúa muốn nói gì? Hãy lắng nghe một cách tinh tường tiếng Chúa nói.

Ba ngày sau khi nhận nhiệm vụ Mục Tử của Giáo Hội Công Giáo Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với giới truyền thông về Tông Hiệu của mình: người nghèo, hòa bình và môi trường. Chúng ta nghe thấy gì qua những lời này, chúng ta nghe thấy gì sau những biến cố này, chúng ta nghe thấy gì qua Tông Hiệu này. Cụ thể những lời này được ngỏ cho chúng ta, những người đang sinh sống trên quê hương Việt Nam? Còn chờ mong một lời nào nữa chăng?

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 5.5.2013

Nguồn: Ephata 560

NHỮNG BỆNH… VÔ DUYÊN!

BS  Ðỗ Hồng Ngọc

Tuy già không phải là một bệnh nhưng già thì thường có bệnh. Bệnh thì có bệnh nặng, bệnh nhẹ, bệnh có duyên và bệnh… vô duyên. Ai cũng biết thầy thuốc là người được học hành cẩn thận để giúp ta chữa trị bệnh tật, vậy mà thầy thuốc cũng có thể gây bệnh cho ta, dù là ngoài ý muốn, cái đó gọi là bệnh do thầy thuốc gây ra (iatrogenic) mà theo GS. Phạm Khuê, một chuyên gia về Lão khoa, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam thì có đến hơn một phần tư các bệnh ở người già là do thầy thuốc gây ra! (Bệnh học tuổi già, Phạm Khuê, NXB Y Học, 1998, trang 364).


Những bệnh… vô duyên còn có thể do chính bản thân mình, người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm, hoặc các nhân viên tâm lý xã hội gây ra nữa! Bà cô của một bác sĩ bạn tôi trên 80 tuổi kêu lúc nào trong người cũng nóng bức, miệng khô nên đã mua rễ tranh, mía lau, mã đề ngoài chợ về nấu “nước mát” uống. Mát đâu không thấy, thấy đi tiểu liên tục gây thêm tình trạng mất nước trong cơ thể, lại thấy nóng bức, thấy khô miệng, lại uống thêm “nước mát”! Thì ra “rễ tranh, mía lau, mã đề” là những loại thuốc lợi tiểu (diuretics).

Một ông bác gầy còm nghe hàng xóm bày vẽ có loại tễ mập, bèn mua uống mấy cây. Mập thiệt! Nhưng người béo bệu, cơ thể bạc nhược! Thì ra, thuốc tễ đó chỉ là bột mì trộn với mật ong và Corticoil, một thứ thuốc uống vào lâu ngày gây hội chứng Cushing, ứ nước, làm mập bệu và gây ra vô số những tác dụng tai hại khác như giảm sức đề kháng, mọc lông, loãng xương, loét bao tử, cao huyết áp…

Ta cũng biết thuốc chữa đau khớp có thể gây loét dạ dày; thuốc điều trị cao huyết áp có thể gây hạ huyết áp đột ngột; thuốc trị tiểu đường làm hạ đường huyết; thuốc uống cho đỡ bị đái són ở người già thì gây khô miệng, đỏ da, mờ mắt, chóng mặt…

Một đặc điểm sinh học của người cao tuổi là khả năng thích ứng dần kém đi. Hấp thu thuốc đã chậm mà đào thải cũng chậm. Tác dụng phụ của thuốc lại thiên hình vạn trạng, tùy từng người, từng lúc, có thuốc người này dùng thì tốt mà bày cho người khác không xong, uống vào bị phản ứng ngay.

Cho nên dùng thuốc ở người già phải dò dẫm trên từng trường hợp, giảm liều, giảm lượng, đắn đo tính toán trước sau, nào bệnh trước mắt, nào bệnh tiềm tàng; thuốc chữa được bệnh này nhưng có gây ra bệnh khác không, có làm bộc phát một bệnh cũ nào đó không, người bệnh ăn uống ra sao, tiêu tiểu ra sao và trạng thái tâm thần ra sao?

Người cao tuổi cũng thường hay tự ý gia giảm thuốc, tin lời bày vẽ, ai mách gì cũng nghe, gây tương tác thuốc lung tung rất dễ sinh ra nhiều bệnh…. vô duyên đáng tiếc.

Ngày càng có nhiều máy móc xét nghiệm và một số người cao tuổi cũng thường muốn được xét nghiệm này nọ.

Báo Paris Match của Pháp có đăng trường hợp một bà già bị rối loạn tiêu hóa đến khám ở một bác sĩ. Bác sĩ thấy không có gì nặng nhưng cũng gởi cụ làm thêm vài xét nghiệm cho chắc. Sau đó, bà cụ được tiếp tục làm thêm hàng loạt các xét nghiệm khác ngày càng phức tạp hơn vì xét nghiệm đơn giản không tìm ra bệnh: Siêu âm, nội soi, sinh thiết, chụp cắt lớp, chụp cản quang mạc treo…

Sau hơn một tháng chuyển từ trung tâm này đến bệnh viện kia, nằm đợi trên những băng ca lạnh lẽo, đẩy từ hành lang này sang hành lang khác, tiếp xúc với những người mang khẩu trang chỉ chừa đôi mắt lạnh lùng, bà cụ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý trầm trọng và tiêu tốn mất 35 ngàn quan Pháp.

Cuối cùng các bác sĩ hội chẩn kết luận không có bệnh gì cả!

Tây gọi những người sính xét nghiệm là “examinite”.

Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO) cũng cảnh báo hiện tượng over – investigation, “thăm dò quá mức cần thiết” này (Health of the Elderly, WHO, 1989).
Một số người cao tuổi được chăm sóc bảo bọc quá đáng, được làm xét nghiệm thăm dò, theo dõi liên tục làm cho người bệnh muốn… hết bệnh cũng không được; không kể trong quá trình thăm dò, chọc hút, bơm tiêm, thụt tháo… không phải là không có nguy cơ.

Dĩ nhiên nếu có bệnh thì cần phải làm để có chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả. Còn thăm dò chỉ để… thăm dò thì không nên. Các chuyên gia khuyên chỉ nên làm xét nghiệm cho người già khi nhằm để chẩn đoán một thứ bệnh có thể chữa được, có thể phục hồi được, có lợi cho người bệnh hoặc để chẩn đoán phân biệt tìm ra một bệnh có tiên lượng tốt hơn, điều trị có kết quả hơn, có lợi cho bệnh nhân và gia đình hơn mà thôi. Tóm lại, biết ơn mình thì cần thiết lắm mới phải làm xét nghiệm và phải có chỉ định của bác sĩ.

Thế nhưng có thứ không phải là thuốc, không phải là thủ thuật gì cả mà vẫn có thể gây ra những bệnh vô duyên: đó là lời nói!

Có những lời nói gây hoang mang, lo lắng, làm mất ăn mất ngủ, gây kiêng cữ quá đáng làm cho tình trạng bệnh khó phục hồi hơn. Cái đó gọi là sự “dán nhãn” (labelling). Chẳng hạn như người không có chuyên môn, không đủ cơ sở khoa học chắc chắn mà “phán” cho một cái chẩn đoán kiểu như “nghi ung thư”, “hơi bị lớn tim”, hoặc một từ mơ hồ như “máu lộn mỡ, gan hơi nhiễm mỡ, viêm nhiễm phần phụ, rối loạn thần kinh thực vật”… hoặc “bị thư phù, bị người cõi trên nhập….” đều đem lại những kết quả tai hại không thể ngờ được!

Ngay cả bị dán nhãn là già cả, già nua, già yếu, mất sức rồi bị ép phải nằm yên một chỗ, lúc nào cũng có người nâng đỡ chăm sóc thì sẽ ngày càng lệ thuộc, ngày càng suy nhược, mau loãng xương, bắp cơ thoái hóa, cứng khớp nhanh.

Ðáng sợ hơn cả là bị ép phải vào nằm viện, nằm nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà nghỉ mất sức… khi vẫn còn có thể tự quản được. Thật ra đây chỉ là giải pháp cuối cùng vì một khi đã vào các cơ sở này rồi thì không hy vọng gì trở lại đời sống bình thường được nữa vì càng ngày càng thụ động, ỷ lại, lệ thuộc, suy sụp.

Các cơ sở chăm sóc cho người già thực ra rất cần thiết, miễn là phải giữ một số nguyên tắc như đảm bảo sự riêng tư, tôn trọng cá nhân, giúp tự chủ, tự quản, và tạo nhiều cơ hội cho họ tham gia sinh hoạt phù hợp với sở thích và sức khỏe.

Tóm lại, không nên để người cao tuổi mắc thêm những bệnh… vô duyên!

Công nhân bauxit đình công hơn 2 tuần lễ

Công nhân bauxit đình công hơn 2 tuần lễ


May 03, 2013

nguồn:nguoi-viet.com


BẢO LỘC (NV) .- Từ giữa Tháng Tư, một số công nhân nhà máy Alumina Tân Rai đã đình công đòi lương, nay có thêm 150 công nhân khác ngừng việc để phản đối tiền lương “không phù hợp”.

Công nhân dùng bạt che phủ hàng ngàn tấn alumin tồn kho đang phơi mưa nắng tại nhà máy alumina Tân Rai. (Hình: báo Bảo Lộc)

Báo Đất Việt hôm Thứ Sáu 3/5/2013 cho hay như vậy về tình trạng chết dở của công nhân nhà máy tuyển luyện quặng bauxite ở Tân Rai. Ban quản lý nhà máy đã không những trả tiền lương rất thấp lại còn ỳ ra không trả lương cho công nhân.

Theo tin báo Đất Việt “Ngày 2/5, chỉ sau hơn một tuần công nhân phân xưởng thi công cơ giới – xí nghiệp mỏ tuyển (Công ty TNHH một thành viên Nhôm Lâm Đồng) ngưng việc, nay khoảng 150 công nhân phân xưởng tuyển khoáng đã ngưng việc để phản ứng về định mức và tiền lương không phù hợp.”

Lấy cớ nhà máy “chưa có lãi” đám  “lãnh đạo xí nghiệp” chỉ hứa hẹn “sẽ cải thiện chế độ cho anh em trong thời gian tới”.  Tuy nhiên “Tất cả công nhân đều không đồng ý kết quả làm việc và đồng loạt bỏ về”.

Từ ngày 16/4/2013 vừa qua, hơn 50 tài xế thuộc Xí nghiệp mỏ tuyển bôxit Tân Rai (Lâm Đồng) đã đồng loạt ngưng việc vì càng làm càng mắc nợ công ty. Trong khi đó, 20,000 tấn alumin của nhà máy này chưa bán được.

Một phần nhà máy luyện alumina ở Tân rai, Lâm đồng. (Hình: Kiến thức Việt Nam)


Theo tin báo thành phố Bảo Lộc, việc làm thì thất thường, lương vừa thấp lại còn bị nợ từ Tháng ba không có, và lương những tháng trước đó cũng không được trả đủ mà nhà máy nợ lại một phần. Họ không đủ sống nên phải đình công.

Nhà máy luyện quặng bauxite Tân Rai bắt đầu chạy từ năm ngoái sau nhiều trở ngại kỹ thuật. Rất nhiều lời khuyến cáo, ngăn cản của giới chuyên viên vì đã nhìn thấy trước những thất lợi kinh tế cũng như những nguy hại cho môi trường sống của hàng triệu người, chế độ Hà Nội vẫn tiến hành. Chính ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phản ứng lại những sự chỉ trích rằng đây là ‘chủ trương lớn của đảng và nhà nước”.

Hiện có khoảng hơn 20,000 tấn alumina đã luyện xong, xếp đống phơi mua phơi nắng giữa trời không bán được cho ai dù muốn bán lỗ vốn.
Đường vận chuyển alumina thì cũng đầy trắc trở. Cảng Kê Gà ở Bình Thuận dự trù xây dựng làm cảng vận chuyển alumina ra bán ở ngoại quốc, nay phải bỏ vì “không phù hợp”. Cảng mới chưa có nên phải dùng đỡ một cảng ở phía nam. Nhưng con đường vận chuyển thì vừa nhỏ vừa hư hỏng và sẽ không chịu nổi những chiếc xe tải quá khổ quá nặng chở alumina.

Hiện giờ, vấn đề khai thác bauxite ngay ở dự án đầu tiên đang rơi vào bế tắc. Hàng trăm triệu đô la đổ vào dự án này và dự án Nhân Cơ (đang xây dựng) không ai biết sẽ đi về đâu.

Yêu Như Chúa Yêu

Yêu Như Chúa Yêu

Lm. John Nguyễn, Utica, New York.

Khi suy niệm Lời Chúa hôm nay, tôi chợt nhớ lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông viết: “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…” Sỏi đất là vật vô tri. Ấy thế mà nó vẫn cần có nhau, thì mới có thể làm thành ngôi nhà lớn. Ông đã mượn hình ảnh sỏi đá để đưa ra một triết lý sống. Con người sống với nhau cần có một tấm lòng và biết yêu thương nhau, vì không ai có thể sống mà không yêu. Thật vậy, mỗi người chúng ta cần yêu và được yêu. Ít nhất là một người nào đó trong cuộc đời. Tình yêu làm biến đổi và thăng hoa cuộc sống. Nhưng để sống đúng với ý nghĩa của tình yêu, thì chúng ta hãy học cách yêu của Chúa Giêsu dưới ánh sáng Tin mừng hôm nay.

Thánh Gioan thuật lại, trước khi Chúa Giê-su bước vào cuộc khổ nạn và chịu chết, Ngài đã trăn trối lời sau cùng cho các tông đồ một sứ điệp quan trọng, đó là: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Và điều răn mới này được hiểu như thế nào? Nó có ảnh hưởng gì đến đời sống của chúng ta?.

Trong đời sống gia đình, tình yêu là nền tảng mang lại hạnh phúc. Một gia đình hạnh phúc là một gia đình biết yêu thương nhau. Vợ chồng con cái yêu thương nhau. Tất cả mọi người hiệp nhất và yêu thương nhau để mang lại niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Ai cũng mong ước mình được điều đó. Thế nhưng, trong thực tế cuộc sống gia đình, chúng ta phải nhìn nhận rằng, không phải ai cũng có được những hạnh phúc ngọt ngào êm đềm như dòng sông phẳng lặng. Chuyện vợ chồng xung đột cải vả, rạn nứt và đổ vỡ vẫn đang diễn ra hàng ngày trong đời sống vợ chồng, vì sự khác biệt tâm lý, về quan niệm sống, cách suy nghĩ và hành động. Từ những khác biệt đó dẫn đến cuộc sống vợ chồng trở thành gánh nặng cho nhau, trở thành ngục tù cho nhau, rồi dẫn nhau ra tòa ly dị. Khi tình yêu đã hết, thì mọi chuyện đổ vỡ sẽ xẩy ra trong gia đình. Điều này chúng ta có thể cảm nhận được nơi chính mình và mọi người đang sống chung quanh ta. Tôi thiết nghĩ rằng, khi người ta mất đi niềm tin tưởng lẫn nhau, thì họ không dám sống cho nhau, không dám hy sinh cho nhau.

Ngày nay, con người thường đề cao lối sống chủ nghĩa cá nhân, thì làm gì có sự hy sinh cho người khác. Vì họ sợ bị thiệt thòi, thua thiệt cho bản thân mình. Tính ích kỷ luôn giam hãm con người qui hướng về chính mình hơn là tha nhân, và tự biến mình trong một thế giới riêng, không dám sống cho người khác và ngay cả người thân cận của mình. Khi ta có lối suy nghĩ và cách sống như thế, thì làm gì có sự yêu thương và hy sinh cho người khác. Có thể đó là những nguyên nhân gây ra rạn nứt và đổ vỡ trong cuộc sống gia đình và mối liên hệ với tha nhân trong bối cảnh hôm nay. Cho nên, Lời Chúa vẫn là lời mời gọi thiết thực và là nền tảng cho chúng ta. Nếu sỏi đá cũng cần có nhau, thì tại sao chúng ta có thể tách biệt và loại trừ anh chị em mình, hay đang tâm hãm hại và giết chết một con người cần được sống như chúng ta, cần yêu và được yêu như chúng ta hằng khát khao, trong khi đó con người là hình ảnh Thiên Chúa.

Hơn bao giờ hết, khi nhìn ra thế giới rộng lớn, có biết bao người đang phải chịu đau khổ và bị giết chết bởi chiến tranh, thống trị và tàn bạo của con người. Cho nên, lời của Chúa Giêsu nói:” Anh em hãy yêu thương nhau” càng trở nên khẩn thiết và cấp bách hơn cho những tâm hồn còn mang nặng lòng hận thù và ghen ghét. Với niềm tin của người Kitô hữu, chúng ta không thể làm ngờ với chân lý này. Chỉ có tình yêu mới có thể biến đổi lòng hận thù. Tình yêu thì mạnh hơn sự chết. Tình yêu giúp con người xích lại gần nhau và tha thứ cho nhau.” Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì người mình yêu.” Hy sinh luôn là nền tảng vững chắc để tình yêu được lớn lên. Trái lại, tình yêu không có sự hy sinh là tình yêu vụ lợi, ích kỷ và giả dối. Điều này chúng ta có thể cảm nhận được khi chúng ta yêu một người nào đó. Cụ thể là tình thương của cha mẹ dành cho con cái. Cho dù có khó khăn, gian khổ và vất vả, nhưng vì yêu thương con cái và hạnh phúc gia đình, cha mẹ đã chấp nhận hy sinh.

Thật vậy, tình yêu luôn gắn liền với sự hy sinh. Nếu chúng ta sống đúng với giá trị Tin mừng, thì tình yêu đó được nẩy sinh và đôm hoa kết trái. Tình yêu đích thực có giá trị vĩnh cữu và tuyệt đối. Tình yêu đó phát xuất từ Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Chúa Giê-su chấp nhận hy sinh mạng sống của Ngài để cứu chuộc con người. Ngài đón nhận tất cả những hình phạt của con người đã gắn cho Ngài. Ngài phải chịu sự sỉ nhục, chế nhiễu, roi đòn, cáo gian, phản bội và gian ác của con người để lấy bản án tử hình trên thập giá, vì yêu thương chúng ta. Chúa Giê-su chết để chứng minh tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.

Khi chúng ta tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Ki-tô phục sinh là cứu cánh đời mình, thì chúng ta cũng phải biết hy sinh và chết đi con người cũ của mình, chết đi tính ích kỷ, chết đi tính kiêu căng tự mãn đang giam giữ trong cõi lòng chúng ta. Khi chúng ta biết chết đi con người cũ của mình, là lúc chúng ta sống trong tình yêu mới và một cuộc sống mới hoàn thiện hơn. Nhờ đó, chúng ta mới biết trao ban, biết cho đi tình thương và đem lại hạnh phúc cho những người thân yêu đang hiện diện với chúng ta. Đã yêu thì không so đo tính toán hơn thiệt, mà tình yêu đó được gắn liền với sự hy sinh và dâng hiến cho người mình yêu.

Lạy Chúa, xin cho chúng con mỗi ngày học lại cách yêu, như Chúa đã yêu chúng con.

Lm. John Nguyễn, Utica, New York.