Dân chủ hóa Trung Quốc là “không thể tránh khỏi”

Dân chủ hóa Trung Quốc là “không thể tránh khỏi”

 

Thụy My

Nhà ly khai Trung Quốc đang tị nạn tại Mỹ, luật gia khiếm thị Trần Quang Thành ngày 14/05/2013 tại một diễn đàn nhân quyền đã nhận định rằng việc dân chủ hóa đất nước là “không thể tránh khỏi”, nhưng quá trình này là do chính người dân Trung Quốc thực hiện chứ không phải từ bên ngoài.

Nhà ly khai nổi tiếng tuyên bố trong khuôn khổ Oslo Freedom Forum, một diễn đàn thường niên của các nhà đấu tranh cho nhân quyền: “Trung Quốc sẽ thay đổi, điều này là không thể tránh khỏi và trên thực tế đã bắt đầu”. Tuy vậy, trong bài diễn văn viết bằng chữ Braille dành cho người khiếm thị, luật gia Trần Quang Thành nói thêm : “Chúng tôi không thể chờ đợi dân chủ, tự do và bình đẳng từ bên ngoài đến”.

Năm nay 41 tuổi, ông Trần Quang Thành đã nổi tiếng khắp thế giới nhờ cuộc đấu tranh chống những lạm dụng của chính sách mỗi gia đình chỉ có một con. Bị kết án bốn năm tù và sau đó bị quản thúc tại gia, ông đã đào thoát được khỏi làng và trú ẩn tại đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cuối cùng ông cũng được phép đi New York và đang sống ở đó cùng với gia đình.

Tại Oslo, luật gia Trần Quang Thành cũng nêu ra việc thân nhân của ông bị trấn áp, để trả thù cho các hoạt động chính trị của ông, và một lần nữa lên án Bắc Kinh không tôn trọng lời hứa đảm bảo an toàn cho gia đình ông. Nhưng ông cũng hoan nghênh chuyển biến tập thể của người dân Trung Quốc, mà theo ông được biểu hiện qua hơn 200.000 vụ nổi dậy mỗi năm, và việc huy động được các nhóm tranh đấu qua internet.

Luật gia Trần Quang Thành nhận định: “Không có gì phải e ngại một chế độ rệu rã đã đánh mất đi nền tảng luân lý, đạo đức và pháp luật. Ý tưởng cho rằng các giá trị của xã hội dân sự về mặt nhân quyền không thế thích ứng với Trung Quốc hoàn toàn là một sự huyễn hoặc do chế độ độc đoán tuyên truyền”.

Sau khi lên nắm quyền vào tháng Ba, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố muốn “tiếp tục chiến đấu cho chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc và để thực hiện giấc mơ đại phục hưng Trung Hoa”.

Angelina Jolie cắt ngực phòng ung thư

Angelina Jolie cắt ngực phòng ung thư
Thứ ba, 14 tháng 5, 2013

nguồn:BBC

Angelina Jolie hy vọng câu chuyện của cô sẽ giúp ích cho các phụ nữ khác
Ngôi sao điện ảnh Hollywood Angelina Jolie đã phải trải qua đợt phẫu thuật nhằm giảm nguy cơ bị ung thư vú.
Người mẹ 37 tuổi của sáu đứa con giải thích trên New York Times lý do khiến cô phải phẫu thuật.
Cô nói các bác sỹ tiên liệu cô có 87% nguy cơ mắc ung thư vú và 50% nguy cơ mắc ung thư tử cung.
“Tôi quyết định là mình cần phải chủ động nhằm giảm thiểu các nguy cơ tới mức tối đa,” cô viết.
Cô nói tiến trình phẫu thuật được bắt đầu hồi tháng Hai và hoàn tất vào cuối tháng Tư.
Giảm nguy cơ
Trong một bài viết có tên Sự lựa chọn y tế của tôi (My Medical Choice), Angelina Jolie nói mẹ cô đã phải chiến đấu với bệnh ung thư trong gần một thập niên và qua đời khi mới 56 tuổi.
Cô nói cô đã chia sẻ với các con rằng căn bệnh tương tự sẽ không cướp cô ra khỏi cuộc đời của các con, “nhưng thực tế là tôi mang một gene ‘bị lỗi’, BRCA1, là loại gene khiên tôi có nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư tử cung rất cao”.
là tôi mang một gene ‘bị lỗi’, BRCA1, là loại gene khiên tôi có nguy cơ
mắc ung thư vú và ung thư tử cung rất cao”.
Angelina Jolie và Brad Pitt có chung với nhau ba con ruột và ba con nuôi
Cô nói một khi nhận thức được vấn đề, cô đã quyết định trải qua chín tuần phẫu thuật phức tạp, cắt bỏ cả hai bên ngực.
Nguy cơ mắc ung thư vú của cô nay giảm từ 87% xuống dưới 5%, cô nói.
Cô ca ngợi người tình Brat Pitt về tình yêu và sự ủng hộ của anh dành cho cô trong toàn bộ quá trình điều trị, và nói cô được đảm bảo rằng các con cô không cảm thấy có gì “khiến chúng cảm thấy khó chịu”.
“Tôi cảm thấy mình được tiếp thêm sức mạnh khi đưa ra một lựa chọn mạnh mẽ, một lựa chọn không hề làm giảm bớt sự nữ tính của mình,” cô nói.
“Với những phụ nữ nào đọc tin này, tôi hy vọng là nó sẽ giúp bạn hiểu rằng bạn có những lựa chọn.”
Nữ diễn viên và đạo diễn này từ lâu nay cũng là một người ủng hộ các hoạt động nhân đạo. Cô hiện đang là đặc phái viên của Liên hợp quốc.
Trong thời gian có đợt phẫu thuật cắt bỏ hai bên ngực, cô đã tới thăm Cộng hòa Dân chủ Congo cùng Ngoại trưởng Anh William Hague và tham dự hội nghị thượng đỉnh các ngoại trưởng G8 tại london, nhằm nâng cao nhận thức chung về bạo lực tình dục trong các cuộc xung đột.
Cô cũng hỗ trợ việc ra mắt một quỹ thiện nguyện nhằm giúp đỡ việc học hành của các bé gái, là quỹ do nữ sinh Malala Yousafzai người Pakistan, người bị Taliban bắn hồi tháng Mười năm ngoái, thành lập.
Cô Jolie có ba người con ruột và ba người con nuôi cùng với Brad Pitt.

CHO VÀ NHẬN


CHO VÀ NHẬN
( Hình ảnh Yahoo)

http://lh6.ggpht.com/-L9AFidrFS54/UYSBoCZRZCI/AAAAAAAApN4/PaL6LIb1R0E/s1600-h/old%2520pair%2520of%2520shoes%255B3%255D.jpg
Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp  dạo chơi cùng giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật là “người bạn của sinh viên” vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với họ.
Trên đường đi, hai người chợt thấy một đôi giày cũ nằm ở giữa đường. Họ cho rằng đó là đôi giày của một nông dân nghèo làm việc ở  cánh đồng gần bên, và  người ấy đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc của mình.
Anh sinh viên quay sang nói với vị giáo sư: “Chúng ta hãy thử trêu chọc người nông dân xem sao. Em sẽ giấu đôi giày của ông ta rồi thầy và em cùng trốn vào sau những bụi cây kia để xem thái độ ông ta ra sao khi thấy bị mất giày.”
Vị giáo sư ngăn lại: “Này, anh bạn trẻ, chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra mà trêu chọc để mua vui cho bản thân. Nhưng em là một sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào người nông dân này đấy. Em hãv đặt một đồng tiền vào trong mỗi chiếc giày và chờ xem phản ứng ông ta ra sao.”
Người sinh viên làm như lời vị giáo sư chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn vào sau bụi cây gần đó.
Chẳng mấy chốc người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi đặt giày và áo khoác của mình. Vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày, bác nông dân bỗng cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong. Ông ta rút chân ra, cầm gìầy lên xem thì đó là một đồng tiền.

http://lh5.ggpht.com/-VIPIaE_fBWs/UYSBpNfsp0I/AAAAAAAApOI/_SVAhYOP7Zo/s1600-h/A%2520COIN%255B4%255D.jpg

Sự kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông ta chăm chú nhìn đồng tiền, lật hai mặt đồng tiền qua lại và ngắm nhìn thật kỹ. Rồi ông nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày kia. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày. Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quì xuống, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một món quà đúng lúc, cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.
Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị giáo sư lên tiếng: “Bây giờ em có cảm thấy vui hơn lúc trước nếu như em đem ông ta ra làm trò đùa không?” Người thanh niên trả lời: “Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu nói mà trước đây em không hiểu: “Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”.

CÁM ƠN CUỘC SỐNG

http://lh3.ggpht.com/-PpCq3sfqOgk/UYSBp2vDIVI/AAAAAAAApOY/UOhkX5AIKDE/s1600-h/A%2520%2520HOMELESS%255B3%255D.jpg

*Nếu bạn thấy đêm nay khó ngủ – Cứ nghĩ đến những kẻ không nhà chẳng nệm ấm chăn êm.
*Nếu bạn gặp một ngày tồi tệ nơi làm việc – Hãy nghĩ đến những người đã mấy tháng nay không tìm được việc làm.
*Nếu bạn chán nản vì mối quan hệ xấu đi – Hãy nghĩ tới những kẻ không bao giờ biết hương vị của thương yêu và được người yêu thương lại.
*Nếu bạn buồn phiền vì thêm một cuối tuần vô vị trôi qua – Hãy nghĩ tới những người phụ nữ quẫn bách, quần quật cả ngày, suốt tuần không nghĩ, chỉ mong kiếm được chút tiền còm nuôi mấy miệng ăn.
*Nếu bạn hỏng xe dọc đường, phải cuốc bộ vài dặm mới tìm ra được người giúp đở – Hãy nghĩ tới những ai liệt cả đôi chân, luôn khao khát được bước đi như bạn.

http://lh6.ggpht.com/-67sG5C73CIw/UYSBquHHS6I/AAAAAAAApOo/A135HJZ5Z4c/s1600-h/tomb%2520of%2520a%2520%2520young%2520girl%255B3%255D.jpg


*Nếu bạn cảm thây đời mình bị mất mát và băn khoăn về ý nghĩa kiếp người – Xin bạn hãy biết ơn cuộc sống vì có nhiều người đã không được sống hết tuổi trẻ của mình để có những trải nghiệm như bạn.
*Nếu bạn cảm thấy mình là nạn nhân của những ai hay cay nghiệt, dốt nát, nhỏ nhen, nghi kỵ – Hãy nhớ rằng việc đời có khi còn tệ hại hơn thế rất nhiều.

*Nếu bạn quyết định chuyển những lời này đến một người bạn yêu mến, có thể bạn giúp cho ai đó một ngày thanh thản nhẹ nhàng./.

Tại sao người Công giáo cầu nguyện với các Thánh ?

Tại sao người Công giáo cầu nguyện với các Thánh ?

Cũng như các Kitô hữu, người Công giáo tin có sự sống đời sau, nhưng học cũng tin rằng mối quan hệ của chúng ta với các Kitô hữu khác không chấm dứt vì sự chết. Người Công giáo cầu nguyện với các thánh là nhận thức sự hiệp thông này.

*  Người Công giáo có tin là các thánh nên được tôn kính?

*  Tại sao người Công giáo cầu nguyện với các thánh?

*  Có khác nhau giữa cầu nguyện và tôn thờ?

Trả lời:

1. Hiệp thông với các thánh.

Cũng như các Kitô hữu khác, người Công giáo tin có sự sống sau sự chết. Họ sống tốt và chết trong niềm tin vào Đức Kitô sẽ được chia sẻ sự phục sinh của Ngài, như Kinh thánh đã cho chúng ta biết.
Khi sống với nhau trên trái đất với cương vị Kitô hữu, chúng ta cùng hiệp thông hoặc liên kết với nhau. Nhưng sự hiệp thông đó không chấm dứt cả khi chúng ta chết. Chúng ta tin rằng mọi Kitô hữu trên trời, chư thánh, vẫn hiệp thông với chúng ta còn trên dương thế. Như vậy, khi chúng ta xin bạn bè hoặc gia đình cầu nguyện cho chúng ta, chúng ta cũng có thể đến gần một vị thánh bằng lời cầu nguyện.

2. Sự khác nhau giữa cầu nguyện và tôn thờ.

Thật sai lầm khi nhiều Kitô hữu cho rằng người Công giáo không nên cầu nguyện với các thánh, chỉ nên cầu nguyện trực tiếp với Thiên Chúa. Một số người Công giáo phản ứng với cách phê bình này và tranh luận rằng chúng ta không cầu nguyện với các thánh mà cùng các thánh cầu nguyện.
Tuy nhiên, cả hai nhóm đều lẫn lộn với cầu nguyện và tôn thờ. Tôn thờ thực sự (ngược với sự sùng kính hoặc tôn kính) chỉ thuộc về Thiên Chúa, và chúng ta không bao giờ tôn thờ con người hoặc bất kỳ một thụ tạo nào mà chỉ tôn thờ Thiên Chúa. Nhưng khi sự tôn thờ có dạng cầu nguyện, như trong Thánh lễ và các nghi thức phụng vụ khác của giáo hội, không phải tất cả mọi lời cầu nguyện là sự tôn thờ. Khi chúng ta cầu nguyện với các thánh, chúng ta chỉ xin các ngài giúp đỡ chúng ta, bằng cách cầu nguyện với Thiên Chúa thay chúng ta, hoặc tạ ơn các ngài đã nguyện giúp cầu thay.

TRẦM THIÊN THU

(Chuyển ngữ từ Catholicism.about.com)

ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II VÀ SỰ KIỆN PHATIMA

ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II VÀ SỰ KIỆN PHATIMA

Tác giả: Lm JB Nguyễn Minh Hùng

Trong cuộc đời làm giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho thấy, ngài có một mối liên hệ mật thiết với sự kiện Phatima. Nhân dịp chuẩn bị mừng lễ Đức Mẹ Phatima, chúng ta dành một thoáng nhìn lại vài sự kiện nổi cộm liên quan đến Đức Mẹ Phatima, để từ đó, chúng ta nhận ra tình yêu của Mẹ Thiên Chúa, không chỉ nơi Đức Gioan Phaolô II mà còn trên cuộc đời từng người chúng ta.

I. BÍ MẬT PHATIMA.

Trước hết, ngày 26.6.2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II quyết định công khai hóa phần thứ ba (bí mật thứ ba) của sứ điệp Phatima – mà Đức Mẹ đã trao cho ba trẻ từ năm 1917 – bằng cách ủy quyền cho đức hồng y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo lý Đức tin (sau này là giáo hoàng Bênêđictô XVI), công bố và giải thích cho toàn thể Hội Thánh (bí mật thứ nhất: mạc khải về hỏa ngục, bí mật thứ hai: mạc khải về chiến tranh thế giới lần II, đã được Đức Thánh Cha Piô XII công bố ngày 13.5.1942).

Nguyên văn bản dịch về bí mật thứ ba Fatima, do chính chị Lucia (một trong ba thị nhân nhìn thấy Đức Mẹ Phatima năm 1917) viết ngày 3 tháng 1 năm 1944 như sau:

“Con viết ra trong sự vâng lời Ngài, lạy Thiên Chúa của con, Ngài ra lệnh cho con làm việc nầy qua Ðức Giám Mục của giáo phận Leiria, và qua Ðức Maria, Mẹ Chúa và là Mẹ của con.

Sau hai phần (bí mật Fatima I và II ) mà con đã nói ra, chúng con đã nhìn thấy phía bên trái của Ðức Mẹ, và hơi cao hơn một chút, một Thiên Thần cầm một gươm lửa nơi tay trái; gươm nầy chớp sáng và chiếu ra những tia lửa dường như thể muốn đốt rụi thế giới; nhưng những tia lửa nầy bị tắt đi, khi gặp phải ánh sáng phát ra từ tay phải của Ðức Mẹ chỉ về phía Thiên Thần; Tay mặt của vị Thiên Thần chỉ vào trái đất, và vị Thiên Thần nói lớn: Ðền tội, Ðền tội, Ðền tội! Và chúng con đã nhìn thấy trong một ánh sáng bao la là Thiên Chúa: “một cái gì giống như thể người ta xuất hiện trong tấm gương khi họ đi ngang qua nó” một vị Giám Mục mặc Áo trắng, “chúng con có cảm giác như thể đó chính là Ðức Thánh Cha”. Nhiều vị giám mục khác nữa, những Linh Mục, những tu sĩ nam nữ, đang leo lên một núi dốc cao, trên chóp núi nầy có một cây Thập Giá lớn có thân sần sùi, giống như thể bằng cây sồi có vỏ cứng; trước khi lên đến nơi, Ðức Thánh Cha đi ngang qua một thành phố lớn phân nửa đã bị tàn phá và phân nửa bị rung động, Ðức Thánh Cha bước đi run rẩy, chịu đau đớn và sầu muộn, Ngài cầu nguyện cho những linh hồn của các người chết mà ngài gặp trên đường; khi lên đến chóp núi, quỳ gối phủ phục dưới chân Thập Giá lớn, ngài bị giết bởi một toán lính cầm súng bắn vào ngài và phóng các mủi tên vào ngài; và cũng bằng cách thức như vậy, hết người nầy đến người khác, các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và nhiều giáo dân thuộc hàng ngủ và địa vị khác nhau, cũng lần lượt bị giết chết nơi đó. Bên dưới hai cánh của Thập Giá, có hai Thiên Thần, mỗi vị cầm nơi tay một bình thủy tinh, trong đó các vị hứng máu của những người tử đạo, và dùng máu nầy rảy lên các linh hồn đang tiến lên gần Thiên Chúa”.

Đức Gioan Phaolô II tin rằng, mạc khải thứ ba của bí mật Phatima liên quan đến chính bản thân ngài. Đó là lời tiên tri của Đức Mẹ dành cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Hình ảnh vị “Giám mục áo trắng” chịu đau khổ và run rẫy, rồi bị bắn khi đang cố gắng tiến về phía thánh giá Chúa Kitô, đó là hình ảnh ngài bị giết vào ngày 31.5.1981.

II. TIN VÀO ĐỨC MẸ PHATIMA.

Trong cuộc bị mưu sát ngày 31.5.1981 tại Quảng trường thánh Phêrô, dù bị bắn đến bốn phát súng 9mm, và hai phát súng trúng thẳng vào người Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, nhưng Đức Thánh Cha không chết, Người bị thương nặng và đổ gục xuống giữa cả một rừng người đang được người tiếp kiến.

Chính kẻ bắn vào Đức Thánh Cha cũng hết sức ngạc nhiên, anh ta không thể hiểu được vì sao Đức Thánh Cha không chết. Sự kiện lạ thường ngoài sức tưởng tượng này, đã xảy ra đúng vào ngày kính nhớ Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên với ba trẻ ở Phatima, khiến Đức Thánh Cha nghĩ ngay đến Người Mẹ trên trời dấu yêu. Đức Thánh Cha kết luận: “Một người bắn, nhưng một người khác hướng dẫn đường đạn”. Và Đức Thánh Cha thêm: “Đức Mẹ Maria đã cứu sống tôi”.

Do sự kiện trên, đúng một năm sau ngày bị ám sát, Đức Thánh Cha đã hành hương đến Phatima để tạ ơn Đức Mẹ. Cũng vì thế, kể từ năm 2002, Đức Thánh Cha công bố ngày 13.5 hàng năm trở thành ngày lễ kính Đức Mẹ Phatima.

Cuộc đời của vị Giáo Hoàng thời danh Gioan Phaolô II, là một cuộc đời gắn kết mật thiết với Đức Nữ Trinh Maria, để cùng với Mẹ, tiến về Chúa Giêsu Kitô, con Mẹ. Bởi đó, nhìn vào cuộc đời của Đức Thánh Cha, ta không sợ sai lầm khi khẳng định: Người là vị Giáo Hoàng của Đức Mẹ, của riêng Đức Mẹ. Người đã làm tất cả mọi điều có thể để dâng kính Đức Maria, từ huy hiệu Giám mục, sau đó là huy hiệu Giáo Hoàng có khắc chữ “M”, chữ cái đầu của thánh danh Đức Mẹ, rồi khẩu hiệu Giám mục và Giáo Hoàng “Totus Tuus”, để nói lên lòng mong mỏi được Đức Mẹ cùng đồng hành, và phó thác cho Đức Mẹ đời mục tử của mình, đến sự kiện biểu lộ lòng biết ơn Đức Trinh Nữ, khi đặt lên chiếc triều thiên của tượng Đức Mẹ tại đền thánh Phatima ngày 13.5.1982, viên đạn lấy ra từ thân thể sau khi bị ám sát hụt, như một lời khẳng định với thế giới: Đức Mẹ đã che chở người thoát chết.

Càng tiến xa hơn nữa trong nghĩa cử tỏ lộ lòng yêu mến Nữ Vương Phatima, đó là cuộc hành hương cảm tạ tại đền thánh Phatima ngày 13.5.2000. Dịp này, Đức Thánh Cha còn nâng hai trẻ có liên quan trong sự kiện Phatima đã qua đời là Phanxicô và Giacinta lên bậc chân phước. Hành động phong chân phước những vị thánh trẻ này còn quan trọng hơn bất cứ lời khẳng định nào: Đức Mẹ đã thực sự hiện ra tại Phatima mà các thánh trẻ ấy là những thị nhân tỏ tường của Đức Mẹ, nay được vinh danh tren bàn thờ Hội Thánh.

Cũng trong ngày này, Đức Thánh Cha đã đặt dưới chân tượng Đức Mẹ Phatima chiếc nhẫn Giám mục quý giá do đức cố hồng y Stefan Wyszynski, Tổng giám mục thành Kracow dâng tặng lúc người được bầu làm Giáo hoàng ngày 16.10.1979. Như vậy, một lần nữa, Đức Thánh Cha tái khẳng định: Chính Đức Trinh Nữ Maria mới là người làm chủ triều đại giáo hoàng của người. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là người con thật hiếu thảo, thật hoàn hảo, thật xứng đáng với tình yêu của Mẹ trên trời, Đấng mà người chọn làm bổn mạng trong suốt quảng đời làm mục tử, nhất là trong 26 năm rưỡi trên chức vị giáo hoàng.

Bằng những biểu lộ đức tin vào sự kiện Phatima, Đức Thánh Cha còn cho thấy tình thương cao cả của Đức Mẹ dành cho đoàn con trần thế. Bởi năm 1917 là năm mà chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), bước vào giai đoạn đỉnh điểm khốc liệt. Những cuộc tàn phá, đau khổ, chết chóc, tù đày… diễn ra khắp nơi. Sự viếng thăm của Đức Mẹ tại Phatima nói lên hết tất cả tình yêu của Mẹ Thiên Quốc đối với đoàn con trần thế đang lâm cảnh tối tăm, u uất, đớn đau là cả một niềm yên ủi, một ơn ban bình an, một sức mạnh lớn giúp đoàn con vượt thử thách.

III. KẾT LUẬN.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là tấm gương cho chúng ta về lòng yêu mến Đức Mẹ. Suốt đời, ngài đã sống và hoạt động vì danh Chúa để làm người con thảo hiếu của Đức Mẹ. Đức Thánh Cha muốn hiến dâng mình hoàn toàn cho Đức Mẹ. Khẩu hiệu Giám mục, và sau đó trở thành khẩu hiệu Giáo hoàng của ngài: Totus Tuus! (Tất cả con thuộc về Mẹ!) đã nói lên tất cả niềm tín thác và lòng yêu mến của ngài với Đức Mẹ. Ngài đã để cho Đức Mẹ lèo lái, dẫn dắt cuộc đời và sứ vụ của ngài. Ngài nhìn thấy thành quả mà Đức Mẹ thực hiện nơi tâm hồn chìm đắm trong cầu nguyện và suy tư của ngài. Ngài không rời xa Đức Mẹ. Ngài để cho Đức Mẹ chủ động trong công tác cai quảng Hội Thánh, để dù vui hay buồn, thành công hay thất bại, ngài có niềm an ủi thiêng liêng lớn lao từ người Mẹ trời cao diệu ngọt và ấm áp ấy.

Chúng ta hãy theo gương Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mà yêu mến và hết lòng tin tưởng nơi Đức Mẹ. Hãy vững tin rằng, bất cứ ai phó mình cho Đức Mẹ, kẻ ấy không bao giờ thất vọng. Đức Mẹ là nguồn an ủi khi ta gặp phải thương đau. Đức Mẹ là chỗ dự vững chắc trên con đường trần giang gập ghềnh. Đức Mẹ là ánh sáng khi đời ta bị bao vây bởi sự tăm tối của thù ghét, bạo lực. Đức Mẹ là chỗ dựa khi ta rã rời, mệt mỏi. Đức Mẹ sẽ làm cho ta thêm tin vào Chúa, thêm hy vọng vào tình yêu của Chúa, khi đời ta phủ đầy nghi nan, thất vọng. Đức Mẹ sẽ dạy ta trên hành trình làm người, để suốt cuộc đời làm người, ta biết chọn lựa những gì hợp thánh ý Chúa. Đức Mẹ sẽ dẫn dắt ta đi, để không khi nào ta trật đường, sai phạm, và mất lòng Chúa…

Chúng ta hãy sống với Đức Mẹ từng phút giây đời ta, để mãi mãi ta không bao giờ mồ côi, nhưng luôn có Đức Mẹ là nhà bảo trợ, là chủ bàu cử cho ta trước tòa Chúa.

Có Đức Mẹ ta không còn sợ gì. Có Đức Mẹ ta sẽ chiến thắng mọi kẻ thù nơi trần thế. Có Đức Mẹ, Người sẽ là sức mạnh không hề lay chuyển của ta…

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG



CHÚA THÁNH THẦN VÀ CON NGƯỜI MỚI

Tác giả: HY. Phạm Minh Mẫn
Kính gửi Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân trong gia đình giáo phận

Anh chị em rất thân mến,


1. Chúa Thánh Thần và con người mới. Sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ cách đây gần 2000 năm, không phải là một biến cố độc nhất trong lịch sử loài người. Qua bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi thương xót đã gửi Chúa Thánh Thần đến với mỗi người chúng ta. Ngài đang ở trong lòng mỗi người như trong đền thờ của Ngài. Ơn đổi mới của Ngài là mầm sống mới được gieo vào lòng mỗi người, giúp ta cởi bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới với phẩm vị làm con Thiên Chúa và làm anh em với mọi người. Phẩm vị con người mới được thể hiện qua những nỗ lực sống hiếu thảo luôn tìm và tuân hành ý Cha trên trời, quảng đại yêu thương và khiêm tốn phục vụ cho sự sống toàn diện của mọi người và sự phát triển vững bền của cộng đồng xã hội.

2. Bài học lịch sử. Trước con đường khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu, các tông đồ và môn đệ của Ngài có cảm giác mất mát to lớn, vô cùng đau buồn và nản chí. Và vì cảm thấy sợ hãi và tuyệt vọng, kẻ thì thỏa hiệp để trục lợi, người thì tìm cách chống trả bằng vũ lực, một số người khác bỏ cuộc. Xem ra khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, đau khổ, bản năng bẩm sinh cùng lòng tham sân si vượt thắng lòng đạo, lòng tin của con người.

Khi từ cõi chết sống lại , Chúa Giêsu Phục Sinh đã bày tỏ một lòng từ bi thương xót vô biên đối với mọi người. Ngài quy tụ họ lại, tiếp tục đồng hành, mời gọi họ chung lòng cầu nguyện, dùng Lời Chúa soi sáng cho mọi người mở rộng lòng trí đón nhận và cộng tác với Chúa Thánh Thần đổi mới đời sống. Khi đón nhận và cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần, mọi người trở nên con người mới, mang một quả tim mới, chan chứa một tình yêu mới. Tình yêu mới này có một sức mạnh vượt lên trên sức mạnh của bản năng tự vệ để sinh tồn cùng lòng tham sân si của con người.

3. Tác nhân đổi mới. Bài học lịch sử trên cho mỗi người chúng ta nhân diện những tác nhân đổi mới đời người, đổi mới lòng trí cùng lối suy nghĩ và thái độ ứng xử của con người. Những tác nhân đổi mới, trước hết là lòng từ bi thương xót vô biên của Thiên Chúa. Kế đến là Lời Chúa là Lời ban ánh sáng bình an cùng sức sống mới. Tiếp theo là ân ban Chúa Thánh Thần đổi mới lòng dạ con người. Sau cùng là sự cộng tác của con người với ơn Chúa thương ban. Cộng tác qua việc ý thức mở rộng lòng nhân, lòng đạo, lòng tin, đón nhận lòng từ bi thương xót vô biên của Thiên Chúa, và nỗ lực tuân hành Lời Chúa dạy sống mến Chúa yêu người, yêu cả kẻ thù ghét và hãm hại mình.

4. Phúc Âm hóa đời sống. Trong Năm Đức Tin, nhằm thúc đẩy mỗi tín hữu sống con người mới, Giáo Hội nhắc bảo mọi người hãy nỗ lực Phúc Âm hóa đời sống. Phúc Âm hóa đời sống có nghĩa là đưa ánh sáng và sức sống của Lời Chúa vào trong đời sống, vào trong bổn phận tu thân luyện đức và giáo dục, bổn phận tề gia chăm lo cho gia đình, cho cộng đoàn, bổn phận quản trị công ty xí nghiệp, cơ quan, trường học, các tổ chức xã hội… Phúc Âm hóa đời sống giúp mỗi người tín hữu sống trọn vẹn hồng ân đức tin, sống tròn đầy lòng từ bi thương xót đối với mọi người anh em đồng đạo, đồng bào, đồng loại. Phúc Âm hóa đời sống nhằm đáp lại những thách đố trong xã hội hôm nay, những thách đố từ khuynh hướng tục hóa, phi luân lý, phi chân lý, tự do phóng túng, hưởng thụ duy vật chất, chủ nghĩa cá nhân… Những khuynh hướng đó lôi cuốn con người chạy theo ác thần cùng thế gian trong cuộc đấu tranh loại trừ nhau, dễ làm cho con người lùi bước trên đường tiến bước theo Chúa Giêsu…

5. Cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Những thách đố trên trở thành những khó khăn, thử thách cam go cho công việc Phúc Âm hóa đời sống, cho đời sống làm người mới, cho công cuộc đổi mới xã hội. Trong tình cảnh đó, người tín hữu hãy làm theo Lời Chúa dạy : hãy kiên nhẫn và chuyên cần cầu nguyện. Cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần mở rộng lòng trí đón nhận ơn hiệp thông với nhau, ơn khôn ngoan, ơn sức mạnh, giúp con người ý thức và tận tình tiến bước theo Chúa Giêsu, xây đắp Giáo Hội, và làm chứng nhân đức tin, chứng nhân Tin Mừng cho mọi người. Đức Giáo Hoàng Phanxicô xác định rằng : trong hoàn cảnh xã hội hôm nay, sứ vụ loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô thật sự cần đến sự hiện diện của những chứng nhân đức tin, những chứng nhân Tin Mừng, những chứng nhân trung kiên và can trường.
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám Mục

HRW kêu gọi VN không cản trở “Dã ngoại Nhân quyền”

HRW kêu gọi VN không cản trở “Dã ngoại Nhân quyền”

2013-05-10

nguồn:RFA

newspm05102013.mp3

huynhngocchenhblog-305.jpg

Các bạn trẻ phân phát tài liệu về quyền con người cho mọi người tham dự buổi dã ngoại hôm 05/5/2013 tại Sài Gòn

Photo courtesy of huynhngocchenhblog

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch hôm nay ra thông cáo báo chí kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam chấm dứt hành động cản trở và sách nhiễu những người dân tham gia sinh hoạt ‘Dã ngoại Nhân quyền’.

Theo Human Rights Watch thì dù bị ngăn trở, cuộc dã ngoại nhân quyền ở ba thành phố Hà Nội, Nha Trang và Sài Gòn hồi ngày chủ nhật 5 tháng 5 vừa qua cũng đã diễn ra. Một số thực hiện được việc tập trung, số khác thảo luận sinh hoạt của ngày được kêu gọi đó trên mạng với nhau.

Những người hoạt động cho nhân quyền tại Việt Nam hiện đang có kêu gọi phân phát bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền cho công chúng vào ngày chủ nhật 12 tháng 5 này.

Ông Brad Adams, giám đốc khu vực Châu Á của Human Rights Watch lên tiếng chất vấn tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lại lo sợ việc cho phép công dân tập trung ở các công viên công cộng để thảo luận vấn đề nhân quyền. Ông này nhắc lại là Việt Nam đã phê chuẩn những công ước quốc tế về nhân quyền; hiện tại cũng có thảo luận sôi nổi về việc đưa vấn đề quyền con người vào hiến pháp sửa đổi của Việt Nam; trong khi đó thì những người công khai tập trung thảo luận về nhân quyền lại phải chịu sách nhiễu, đe dọa, quản chế và đánh đập.

Blogger Người Buôn Gió từ trời Tây nghĩ về Việt Nam

Blogger Người Buôn Gió từ trời Tây nghĩ về Việt Nam

Blogger Người Buôn Gió và Thị trưởng thành phố Weimar

Blogger Người Buôn Gió và Thị trưởng thành phố Weimar

nguồn:VOA

12.05.2013

Hôm nay tôi ở đây, tôi không phải chú ý xóa những gì mình viết trên máy tính, không phải lo ngày mai mình có thể bị bắt hay bị triệu tập vì chuyện viết blog. Đó là điểm khác biệt rất lớn. Những người viết blog trong nước ngày đêm mong ước có được điều khác biệt ấy để viết lên các tác phẩm đủ độ chính chắn. Tôi mong rằng những người viết báo tự do như tôi sẽ có môi trường tốt về báo chí về tự do để thỏa sức sáng tác.

Trà Mi kính chào quý vị và các bạn đến với Tạp chí Thanh Niên của đài VOA.

Vài mẫu chuyện ngắn thuật lại những ngày tháng bị giam giữ trong đồn công an vì các bài viết bị xem là “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích nhà nước và an ninh quốc gia” đã đưa một blogger tại Việt Nam sang tham quan và khám phá môi trường tự do báo chí, tự do thông tin ở tận trời Tây theo lời mời của Thị trưởng thành phố Weimar (Đức).
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Thanh niên VOA hôm nay, anh Bùi Thanh Hiếu, tức blogger Người Buôn Gió, sẽ kể cho chúng ta nghe những điều thú vị xung quanh chuyến đi 3 tháng được tài trợ toàn phần này và những gì ghi nhận được dưới 1 ngòi bút Việt Nam được mời sang tác nghiệp tại môi trường tự do báo chí Tây phương.

Bấm vào đây để nghe toàn bộ cuộc trao đổi với Blogger Người Buôn Gió

Blogger Người Buôn Gió: Học bổng mời tôi sang đây tham quan, tìm hiểu về thành phố này và sáng tác một tác phẩm nhỏ để kỷ niệm với thành phố.

Trà Mi: Vì sao bút danh Người Buôn Gió ở tận Việt Nam được người đứng đầu một thành phố ở tận trời Âu biết và để ý tới?

Blogger Người Buôn Gió, các tác phẩm điêu khắc trong hình là của nghệ sĩ Giắc (Sachs)

Blogger Người Buôn Gió, các tác phẩm điêu khắc trong hình là của nghệ sĩ Giắc (Sachs)


Blogger Người Buôn Gió: Cuối năm 2010, tôi sang Berlin dự giao lưu văn hóa Việt-Đức. Tôi được một tổ chức văn hóa mời sang cùng nhà thơ Bùi Chát và nhà văn Võ Thị Hảo. Hôm đó, mỗi người đọc một tác phẩm của mình và tác phẩm của tôi được một người Việt sống lâu năm ở Đức thích và dịch sang tiếng Đức. Câu chuyện đấy đến tai một nghệ sĩ điêu khắc lớn của thành phố tên là Giắc, người có nhiều tác phẩm lớn đặt ở các nơi công cộng ở thành phố Weimar. Sau khi đọc chuyện của tôi, ông ấy mời tôi sang đây. Ông Giắc và ông thị trưởng có quan hệ với nhau thường xuyên nên ông ấy nhờ ông thị trưởng Weimar mời tôi. Sang đến đây rồi tôi mới biết sở dĩ ông Giắc mời tôi vì ông ở Đông Đức này trước đây sống trong chế độ cộng sản cũng đã va chạm nhiều với an ninh như tôi. Câu chuyện tôi viết về việc tôi bị công an bắt vì viết blog. Tôi chỉ kể về những ngày tôi bị giam trong nhà tù. Ông Giắc đọc xong và đồng cảm, muốn gặp tôi và giúp đỡ tôi một cách nào đó.

Trà Mi: Một người đã từng trải muốn gặp gỡ người đang nếm trải những kinh nghiệm mà ông đã qua trước đây tại Đông Đức. Được biết đây là lời mời thứ nhì của thị trưởng thành phố Weimar sau lần đầu bất thành vì một lệnh cấm xuất cảnh của Việt Nam đối với anh. Khi gặp anh, ông thị trưởng có giải thích về sự kiên nhẫn của ông chăng?

Blogger Người Buôn Gió: Có, ông có giải thích rằng lần trước tôi bị cấm xuất cảnh, ông có báo lại ông Giắc. Sau đó, ông Giắc có trình bày với thị trưởng tôi là người thế nào và cho ông xem tác phẩm nhỏ của tôi. Sau khi xem xong, ông thị trưởng nói cần phải cố gắng giúp tôi bằng mọi cách. Thế là ông lại tiếp tục mời.

Trà Mi: Nghĩa là họ rất ấn tượng với tác phẩm của anh và những gì anh đã trải nghiệm tại Việt Nam.

Blogger Người Buôn Gió: Nói tác phẩm thì cao xa quá. Đó chỉ là một câu chuyện có thật và có sự đồng cảm với người đã trải qua như ông Giắc. Ngay người dịch câu chuyện này ra tiếng Đức, một Việt kiều, cũng đã từng bị tù ở Việt Nam và giờ định cư tại Đức. Anh ấy đọc câu chuyện đấy cũng đồng cảm và sửng sốt vì sự thật.

Blogger Người Buôn Gió và thị trưởng thành phố Weimar trong Tòa Thị chính

Blogger Người Buôn Gió và thị trưởng thành phố Weimar trong Tòa Thị chính


Trà Mi: Ba tháng tại Đức, họ tạo điều kiện cho anh sáng tác và tìm hiểu thêm về những khó khăn của một ngòi bút Việt Nam. Trong thời gian ở đây anh sẽ tham gia một khóa học nào chăng? Mọi chi phí trang trải họ có lo liệu cho anh?

Blogger Người Buôn Gió: Họ đối xử với tôi rất tốt. Tôi rất cảm động. Một dân tộc với những con người tốt như thế này mà trước kia từng xâm lược và tiêu diệt người Do Thái. Tôi ngẫm nghĩ rằng vẫn là con người đấy thôi nhưng cái tư tưởng, chủ nghĩa họ theo đuổi sẽ biến họ thành con người tồi tệ hay tốt đẹp. Đó là điều tôi cảm thấy rất sâu sắc. Ở đây, họ cấp cho tôi căn hộ riêng đầy đủ tiện nghi từ máy tính đến điện thọai. Họ mua bảo hiểm sức khỏe cho tôi và cả bảo hiểm cho tôi nếu tôi ra đường làm hỏng gì của ai thì bảo hiểm sẽ đền cho tôi. Họ chu đáo đến độ như vậy.

Trà Mi: Họ có cho anh tham dự khóa học nào để rèn luyện thêm?

Blogger Người Buôn Gió: Họ đang tìm cho tôi một khóa học như vậy vì thời gian tôi sang trễ. Họ mời đầu tháng tư nhưng đến cuối tháng tôi mới đi được cho nên đã bị lỡ một khóa học đã dự trù. Họ đang tìm cho tôi một khóa học tiếng Đức cơ bản.

Trà Mi: Trên Facebook, anh có chia sẻ rằng đến Đức rồi anh được nhận thêm một lời mời nữa có thể thay đổi cuộc đời của anh. Anh có thể cho biết một chút về đề nghị đó?

Blogger Người Buôn Gió: Ông thị trưởng nói tôi sẽ ở đây 6 tháng chứ không phải 3 tháng. Ông nói sau 6 tháng đó, có thể chúng ta sẽ gặp lại và bàn chuyện tiếp tục.

Trà Mi: Anh có suy nghĩ gì về lời đề nghị đó?

Blogger Người Buôn Gió: Tôi không bao giờ có dự định gì quá 10 ngày. Tôi cũng không trông mong một điều tốt đẹp đến với tôi trong tương lai và cũng không bất ngờ khi một ngày nào đó tự dưng mình bị bắt tù. Cho nên, lời của ông thị trưởng và tương lai sau 6 tháng ở đây đối với tôi hiện giờ còn quá xa xôi.

Trà Mi: Thế nhưng nếu họ đề nghị anh ở lại lâu hơn, liệu anh sẽ chấp nhận lời mời đó?

Blogger Người Buôn Gió: Tôi sẽ cân nhắc nhưng tôi nghĩ tôi đi vài tháng rồi trở về vì còn vợ con, mẹ già, anh em bạn bè ở nhà. Tôi vẫn muốn về hơn.

Trà Mi: Sang Đức theo một chương trình có nội dung về báo chí-văn học, anh quan sát ghi nhận thế nào về môi trường thông tin báo chí, môi trường ngôn luận tại đất khách?

Blogger Người Buôn Gió: Ông thị trưởng nói với tôi rằng ở đây tôi yên tâm có thể viết bất cứ điều gì tôi muốn, kể cả tôi viết rằng ông ta là một thằng khốn nạn hoặc chính sách của đất nước này là tồi tệ. Ông nói tôi cứ viết thoải mái, không ai làm khó khăn hay bắt bớ tôi vì chuyện đấy cả. Đến đây, vừa ngồi vào máy tính tôi cũng định thao tác vượt tường lửa, nhưng chợt nghĩ lại thấy buồn cười vì tôi đang ở một đất nước làm gì có tường lửa để mà vượt. Nó đã trở thành bản năng khi tôi ngồi vào máy. Lời nói của người lãnh đạo cao cấp nhất thành phố này và thực tế khi tôi ngồi vào máy tính ở đây không phải vựơt tường lửa đã nói lên tất cả về tự do ngôn luận, tự do thông tin ở đây.

Trà Mi: Quá trình lịch sử chính trị Đông Đức từng có sự hiện diện của chế độ cộng sản tương tự như Việt Nam. Vậy Đức ngày nay thế nào so với thời trước khi còn theo chế độ cộng sản? Anh có cơ hội tìm hiểu, hỏi han người dân tại đó?

Blogger Người Buôn Gió: Từ khi sang đây, tôi chưa nhìn thấy bóng cảnh sát hay tổ trưởng dân phố hay dân phòng nào đến cả. Còn ở bên Việt Nam, ngay trước cửa nhà tôi người ta dựng lên trạm dân phòng để quan sát và bắt khai báo. Ở đây người ta không có chuyện đấy.

Trà Mi: Có thể vì đối với Việt Nam, anh là “đối tượng đáng chú ý” chăng?

Blogger Người Buôn Gió: Không phải, bình thường ở khu phố nào cũng có một trạm như thế. Có điều là tình cờ ở khu phố tôi, họ đặt trước cửa nhà tôi thôi.

Trà Mi: Trong ánh mắt của anh, qua ngòi bút của blogger Người Buôn Gió, một nước Đức đã giã từ chế độ cộng sản và một nước Việt Nam duy trì cộng sản có những điểm nào khác biệt đáng chú ý, những ưu-nhược điểm mà anh muốn chia sẻ với các độc giả ở Việt Nam?

Blogger Người Buôn Gió: Có rất nhiều khác biệt khó trả lời hết được bây giờ. Có lẽ tôi phải viết thành truyện.

Trà Mi: Một vài đặc điểm đơn cử qua cái nhìn hằng ngày của anh đối với đời sống ở hai nơi chẳng hạn?

Blogger Người Buôn Gió: Đi trên đường, nhìn gương mặt của người Đức và người Việt Nam khác nhau rất nhiều. Gương mặt người dân ở đây thoát lên sự thanh thản, không lo âu, toan tính hay nhọc nhằn, rất yên bình, vui vẻ. Họ không phải lo lắng, lo sợ hay sợ hãi. Còn ở Việt Nam, gương mặt người dân toát lên những lo âu, trằn trọc, trăn trở, những khó khăn. Tôi không nói về mặt vật chất vì khác biệt rất rõ ràng ai cũng thấy. Đời sống vật chất các thứ ở đây hơn hẳn đất nước Việt Nam đến bao nhiêu lần. Tôi nghĩ những gương mặt đó nói lên tất cả về đời sống, chính trị, kinh tế.

Trà Mi: Anh dự định sẽ ứng dụng những gì học hỏi được sau chuyến đi này khi trở về Việt Nam như thế nào?

Blogger Người Buôn Gió: Tôi nghĩ rất là khó ứng dụng tư duy và đời sống ở đây vào Việt Nam vì đất nước chúng ta là một đất nước kỳ quặc như trong tác phẩm tâm huyết nhất của tôi Đại Vệ Chí Dị đã viết, kỳ quặc, kỳ quái, một đất nước kỳ quái, không thể nào áp dụng một lối sống ở nơi văn minh vào đấy được. Nó có những luật lệ và ngoắc ngoéo, thông lệ ước ngầm riêng, hoàn toàn khác. Tôi sang đây, tôi thấy biểu tình mà không hề thấy bóng cảnh sát hay dân phòng. Ở Việt Nam, chúng tôi vừa chớm căng băng rôn thì lập tức công an đến hốt cổ về tội ‘gây rối trật tự công cộng. Tôi từng bị như thế. Ở đây, tôi thấy các quan chức nhà nước rất dễ dàng và thân thiện. Ở Việt Nam, dân không dễ dàng vào thăm trụ sở hội đồng nhân dân phường. Còn ở đây, tôi vào xem tòa nhà quốc hội dễ dàng. Họ rất thân thiện.

Trà Mi: Anh không thấy có sự ngăn cách giữa chính quyền với người dân?

Blogger Người Buôn Gió: Tôi chẳng thấy điều đó. Có hôm tôi gặp ông thị trưởng đi bộ trên phố, ông đến bắt tay, vỗ vai tôi rồi hòa vào dòng người đi bộ. Ở Việt Nam mấy khi nhìn thấy một ông quận trưởng. Chủ tịch một quận thôi thì cũng phải xe con đưa rước rồi.

Trà Mi: Liệu độc giả Việt Nam có thể mong chờ một Đại Vệ Chí Dị tập tiếp hay một Tây Du Ký từ blogger Người Buôn Gió sau chuyến đi này?

Blogger Người Buôn Gió: Có thể tôi sẽ viết những câu chuyện nhỏ khi về nước, viết về những cảm nghĩ của tôi trước những gì tôi nhìn thấy ở đây. Có thể đó sẽ là những câu chuyện hay với một số người, nhưng một số người khác lại cho rằng đó là những câu chuyện ‘tuyên truyền, bôi nhọ chế độ Việt Nam’. Họ nghĩ thế nào tôi cũng chịu thôi.

Trà Mi: Một ngòi bút Việt Nam được mời sang tác nghiệp tại một môi trường tự do báo chí Tây phương, anh chia sẻ điều gì với các bạn đồng nghiệp của mình ở Việt Nam và với người dân trong nước?

Blogger Người Buôn Gió: Tôi có một chia sẻ thế này. Hôm nay tôi ở đây, tôi không phải chú ý xóa những gì mình viết trên máy tính, không phải lo ngày mai mình có thể bị bắt hay bị triệu tập vì chuyện viết blog. Đó là điểm khác biệt rất lớn. Những người viết blog trong nước ngày đêm mong ước có được điều khác biệt ấy để viết lên các tác phẩm đủ độ chính chắn. Tôi mong rằng những người viết báo tự do như tôi sẽ có môi trường tốt về báo chí về tự do để thỏa sức sáng tác.

Trà Mi: Xin cảm ơn anh và chúc anh thành công trong chuyến đi. Hy vọng độc giả sẽ được đón nhận những tác phẩm hay từ Người Buôn Gío sau chuyến đi nảy.
Blogger Người Buôn Gió: Cảm ơn chị. Xin gửi lời chào đến thính giả đài VOA.

Trà Mi: Tạp chí Thanh Niên vừa gửi đến quý vị câu chuyện của blogger Người Buôn Gío về xuất học bổng của anh theo lời mời của thị trưởng thành phố Weimar, Đức. Trà Mi hẹn mang đến quý vị một câu chuyện mới vào trong buổi phát thanh trực tiếp lúc 10 giờ tối thứ sáu và chủ nhật tuần sau trên trang web voatiengviet.com. Mong quý vị nhớ đón nghe.

Giáo hoàng tuyên phong hơn 800 vị thánh

Giáo hoàng tuyên phong hơn 800 vị thánh

Thứ hai, 13 tháng 5, 2013

nguồn: BBC

Giáo hoàng Francis

Giáo hoàng Francis chỉ mới tại vị được hai tháng nhưng đã làm nhiều việc

Giáo hoàng Francis đã tuyên phong những vị thánh đầu tiên trong thời kỳ trị vì của ông – trong đó có 800 nạn nhân của đế chế Hồi giáo Ottoman hồi năm 1480 – trong một buổi lễ ở Vatican.

Những vị này đã bị chém đầu ở thị trấn Otranto thuộc miền nam nước Ý do không chịu cải sang đạo Hồi.

Hầu hết họ đều vô danh ngoại trừ một vị có tên là Antonio Primaldo.

Với hành động này, Giáo hoàng Francis phong thánh nhiều hơn bất cứ vị tiền nhiệm nào khác chỉ mới hai tháng sau khi tiếp quản Tòa thánh.

Trong số những nhân vật được phong thánh hôm Chủ nhật ngày 12/5 có hai nữ tu Mỹ Latin là sơ Laura Montoya của Colombia và sơ Maria Guadalupe Carcia Zavala của Mexico. Hai vị này đều mất trong thế kỷ 20.

Sơ Laura Montoya, vị thánh Công giáo đầu tiên của Colombia, đã dành trọn đời giúp đỡ những người dân bản địa trong khi vị nữ tu mà Giáo hoàng Francis gọi là sơ ‘Lupita’ đã cho các tín hữu Công giáo trú ẩn trong thời kỳ tôn giáo này bị Chính phủ Mexico đàn áp trong những năm 1920.

‘Những vị tử đạo Otranto’ đã bị xử tử sau khi 20.000 quân Thổ tràn vào thị trấn ở đông nam nước Ý này.

Bài giảng của Giáo hoàng Francis trước hàng chục ngàn tín đồ trong lễ phong thánh ở Quảng trường Thánh Peter không có dấu hiệu gì cho thấy tình cảm bài Hồi giáo, phóng viên BBC David Willey ở Rome tường thuật.

Mặc dù Giáo hoàng Benedict XVI mới là người đồng ý phong thánh cho những vị tử đạo này, Giáo hoàng Francis đã làm tiếp công việc này, phóng viên Willey cho biết.

Vào cuối tháng này một linh mục người Ý, cha Giuseppe Puglisi, người bị mafia sát hại 20 năm trước, sẽ được phong chân phước – bước cuối cùng trước khi ông được phong thánh.